25 Giờ

Chương 36: Có nhưng

Đả Tự Cơ

22/11/2024

Ngoại trừ lần ôm ý định "thử vận may gặp lần cuối" hồi ở Giang Thành, đây là lần đầu tiên Thẩm Thiêm chính thức đến thăm "nhà" Tần Tranh.

Mà thật sự thì anh cũng rất ít khi đến thăm nhà người khác.

Dù trước đó đã hạ cánh ở bờ Tây vài lần và đến thành phố nơi Tần Tranh sinh sống, Thẩm Thiêm cũng chưa một lần nhắc đến chuyện qua đêm ở nhà hắn.

"Nhà" không phải nơi chốn bình thường. Gần như mọi hoạt động của một con người sẽ diễn ra trong không gian này, tức mang sự riêng tư quá mạnh mẽ. Nên cho dù người mời anh đến không buồn để ý chút nào, song Thẩm Thiêm vẫn khó lòng xem nhẹ thái độ lảng tránh trong vô thức của bản thân.

Điều đáng ngạc nhiên là quy chuẩn làm người nọ dường như đã mất hiệu lực với Tần Tranh từ ngày cả hai đặt chân đến Budapest. Đến tận bây giờ, Thẩm Thiêm đã mời Tần Tranh ghé nhà chơi không chỉ một lần, và hai ngày trước khi Tần Tranh mời anh, anh đã đồng ý ngay lập tức.

Nhưng nghĩ kỹ thì có lẽ sự xuất hiện của Tần Tranh ngay từ đầu đã là một biến số trong cuộc đời Thẩm Thiêm. Nhiều lần động chạm đến nguyên tắc mơ hồ, anh luôn rất dung túng đức vua của anh. Chẳng trách từ lần gặp đầu Thẩm Ngọc Nhữ đã nhìn ra ngay mối quan hệ bất bình thường giữa cả hai.

Nhà Tần Tranh khá nhỏ nhưng bố trí rất ổn, một ngủ một bếp một khách.

Khi đi qua phòng ngủ mở rộng cửa, Thẩm Thiêm rất lịch sự dời mắt khi đi ngang, nhưng ngay giây tiếp theo đã bị bức tranh ở bức tường đối diện ngoài lối đi hấp dẫn phải ngừng chân.

Thẩm Thiêm cắn ống hút, nghiêm túc nhìn ngắm tường tận.

Ánh mắt ấy hệt như thể hai người đang ở trong bảo tàng Vienna ấm áp, thưởng thức những tác phẩm của Schiele.

Song những bức phong cảnh này không thuộc về Iceland —— Ở dưới góc phải chiếc khung lồng kính, tác giả viết bằng tiếng Anh một dòng "in Paris", tại Paris.

Rất lâu sau, Thẩm Thiêm kể nguyên nhân anh dừng bước: "Hồi đi dạo trên các con phố Paris, tôi luôn thấy có người vẽ tranh ở hai bên đường."

Trên bậc thềm, bên cầu, cạnh bồn hoa, dưới đèn đường,... Không biết có phải vì làn gió ở thành phố lãng mạn cũng mang âm hưởng nghệ thuật hay chăng, thôi thúc ngòi bút của bất kỳ ai cho ra đời những tác phẩm phóng khoáng đa phong cách.

"Anh vẽ bao giờ chưa?" Tần Tranh hỏi.

Cả hai đều đã đến Paris không chỉ một lần, nhưng chưa từng đi với nhau bao giờ. Những người vẽ tranh mà Thẩm Thiêm nhắc đến Tần Tranh cũng từng chứng kiến. Nhưng điều mà hắn muốn tưởng tượng đến chỉ có một gương mặt đặc biệt nhất, chứ chẳng phải những con người xa lạ kia.

"Không." Thẩm Thiêm cười cười: "Cơ mà có nhiều người từng vẽ tôi rồi."

Dù đa số anh chỉ đang đi dạo loanh quanh lúc đó.

Có khi là tản bộ ngoài công viên, đứng ngẩn người trên cầu, hoặc cũng có khi chỉ là ngồi ở băng ghế dài nào đó trên phố tĩnh lặng nhìn ngắm tháp Eiffel, dỏng tai lắng nghe những âm thanh diễn ra chung quanh —— Tiếng chim hót, tiếng gió, tiếng phiến lá lay động, tiếng cún con sủa, tiếng con người chạy bộ thở dốc...

Và câu chào "Bonjour" (xin chào) nhiệt tình hoặc ngượng ngập vang lên, Thẩm Thiêm sẽ nhận được một bức vẽ mà nhân vật trung tâm là chính anh.

Tần Tranh dựa tường đứng cạnh anh, tò mò hỏi: "Mấy bức tranh đó anh giữ lại hết à?"

Thẩm Thiêm gật nhẹ: "Tôi có một chiếc thùng nhỏ cất riêng."

—— Trước khi anh chấp nhận không sống dài lâu tại bất kỳ một vùng đất nào.

Sau thời điểm quyết định thành dân lang thang nay đây mai đó, Thẩm Thiêm biết rất rõ mình không ôm cái thùng đi khắp thế giới được, bèn gửi nó cùng với mớ hành lý không mấy cần thiết về lại Budapest.

Anh có kha khá đồ linh tinh. Mặc dù đã dán nhãn mấy thùng đồ giống nhau lúc soạn ra, nhưng người thiếu trật tự với kiên nhẫn như Thẩm Thiêm cũng nhanh chóng gom thành đống hổ lốn nhét chung lộn tùng phèo, rồi vứt hết vào không gian không hề thuộc phân loại của chúng.

Đã hơn hai chục tuổi đầu còn rước phiền cho bà ngoại, Thẩm Thiêm cũng biết xấu hổ chứ. Nhưng lúc gửi bức thư viết chình ình mấy chữ "Không có gì riêng tư, có thể vứt hết" xong, cảm giác áy náy chẳng có bao nhiêu theo đó biến mất sạch sẽ.

Nhưng cũng nhờ lần về nhà trước mà Thẩm Thiêm mới biết được. Hóa ra khi ấy Thẩm Ngọc Nhữ không chỉ không vứt "đống đồ bỏ" của anh, lại còn lấy ra phân loại hết tất cả một lượt, rồi dọn dẹp lại phòng Thẩm Thiêm và căn gác mái.

Dù rằng không biết Thẩm Thiêm có bao giờ quay về hay không, nhưng bà ngoại sẽ luôn chuẩn bị sẵn sàng chào đón anh về nhà mình.

Tần Tranh bất giác hạ nhẹ giọng: "Bà ngoại anh tốt thật."

Cái giọng điệu chua chát của hắn nghe rõ là ra vẻ luôn đấy.

Thẩm Thiêm vốn không buồn đếm xỉa, nhưng chẳng hiểu sao lại đổi ý. Anh ngoảnh lại nhìn thẳng vào đôi ngươi sậm màu của Tần Tranh, gằn từng chữ: "Nếu em muốn, ngoại cũng sẽ đối xử với em rất tốt."

Sự tốt lành của Thẩm Ngọc Nhữ không phải kiểu quan tâm chăm nom tỉ mỉ từng li từng tí. Mà trái lại, Thẩm Thiêm gần như được bà nuôi thả mà lớn lên. Trên bước đường trưởng thành của anh có rất nhiều thứ anh phải tự tìm tòi học hỏi, nhưng mỗi lần —— mỗi lần anh phải đương đầu với biến cố lớn trong cuộc đời con người, Thẩm Ngọc Nhữ sẽ luôn xuất hiện thật đúng thời điểm, chỉ điểm khuyên nhủ cháu ngoại vài ba câu, để lại một cú chấn động lớn cho thế giới nhỏ bé của anh rồi lặng lẽ mỉm cười, quay về với chiếc bàn làm việc già cỗi của bà.

Bà là một người dẫn đường tốt trong số rất nhiều bậc phụ huynh thế tục bao bọc con trẻ quá nhiều bằng tình yêu và sự mềm mỏng. Và trong số những người dẫn đường luôn giữ ranh giới và khoảng cách, Thẩm Ngọc Nhữ lại là người nhà rất tốt rất tốt thỉnh thoảng sẽ khiến người ta phải ấm ức.

Thẩm Thiêm rất may mắn khi có bà là bà ngoại.

Giờ này khi anh nói điều ấy với Tần Tranh, dù chỉ mổ xẻ nghĩa đen ngoài mặt chữ, dường như anh có thể và cũng sẵn lòng chia tình yêu của bà ngoại dành cho mình với Tần Tranh.



Theo thói thường trần tục, kiểu lời nói này không thể cứ thích là nói ra, mà buộc phải xác lập dựa trên giao ước văn bản hoặc không phải văn bản trói buộc quan hệ xã hội này, mới có thể đưa ra lời hứa hẹn như thế với người kia.

Nhưng giọng nói bình tĩnh và đầy thành khẩn của Thẩm Thiêm khiến Tần Tranh còn chưa kịp nảy sinh cảm giác chờ mong, hắn đã nhận ra, Thẩm Thiêm không "chia sẻ", anh dường như đang "giao phó".

Nhưng người hắn muốn giao phó cho người còn lại chăm sóc, rốt cuộc là Thẩm Ngọc Nhữ hay Tần Tranh?

"Em nghĩ thế nào?" Thẩm Thiêm hỏi lại lần nữa.

Như thể chỉ cần Tần Tranh muốn, anh sẽ lập tức gọi điện cho Thẩm Ngọc Nhữ để nhập tên họ cậu tổng vào sổ hộ khẩu nhà mình.

Tần Tranh chuyển chủ đề.

"Anh thích vẽ tranh không?" Hắn hỏi.

Đôi mày Thẩm Thiêm giật giật.

Môi anh run run, dường như muốn thêm gì nữa. Nhưng cuối cùng anh vẫn im lặng biến câu nói thành tràng thở dài, lần nữa tươi cười tự nhiên trả lời câu hỏi của Tần Tranh: "Không bảo là thích hay không được, chỉ là quen rồi."

Làm thợ chế tác đàn, hình dáng và các đường nét hoa văn từ đơn giản đến phức tạp trên thân đàn đều cần người thợ phác họa trên giấy và chạm khắc từng nét một trên vật liệu gỗ. Thẩm Thiêm chắc chắn biết về hội họa, hơn nữa còn phải tường tận những loại hình khó hiểu nào đó để sử dụng chúng trong tương lai.

Thẩm Thiêm tháo dây buộc tóc xuống, dựa đầu lên bức tường dán giấy lụa phía sau, như đang ngẫm nghĩ: "Ngày bé tôi vẫn hay thấy ngoại ngồi bên bàn nghiên cứu nhiều quyển sách và các loại hình họa tiết, cố gắng tái hiện một vài cấu tạo nhạc cụ đã thất truyền từ lâu trên giấy. Thế nên khả năng những quyển sách ấy mới là sách vỡ lòng của tôi chứ không phải truyện thiếu nhi, sau này lớn hơn một chút, thi thoảng tôi cũng sẽ thử ngồi mày mò giống như ngoại."

Sách của Thẩm Ngọc Nhữ là những tài liệu chuyên môn về chế tác violin. Còn Thẩm Thiêm muốn học tạp nham hơn, ngoài violin ra anh còn tiêu kha khá thời gian để nghiên cứu các loại nhạc cụ khác, đồng thời rất thích tái hiện những nhạc cụ dây cổ điển chứa những họa tiết phức tạp mang đậm chất Rococo.

"Cơ mà cũng phải tới lúc đi học mới làm mấy thứ đó được."

Thời trung học, khi các bạn đồng trang lứa tụ tập đá banh trên sân cỏ thì Thẩm Gia Ánh lại hệt như đồ lập dị, chỉ muốn chạy về nhà thật nhanh khắc khắc đẽo đẽo đồ trong nhà. Thời ở Oslo cũng vậy, mỗi lần nộp bài anh sẽ luôn thu được hàng tá sự thán phục nhờ đống kỹ thuật lòe loẹt.

Nhưng sau khi biến sở thích này thành công việc, Thẩm Thiêm lại dường như mất đi gần hết hứng thú.

Anh vẫn sẽ dày công nghiên cứu các họa tiết đối xứng trong nhiều quyển sách tôn giáo cổ xưa, cần mẫn dùi mài tìm cách đưa nó vào không gian ba chiều, nhưng tất cả chỉ vì yêu cầu của khách hàng.

"Đã từng có một vị khách yêu cầu tôi đưa những bông súng nước Monet vẽ những năm cuối đời vào đàn của ông, nhưng không được vẽ. Em có hiểu yêu cầu đó thái quá đến mức nào không?"

Monet là bậc thầy của trường phái Ấn tượng. Đặc điểm quan trọng nhất của vị họa sĩ này là thay đổi phương pháp vẽ bóng đổ và đường viền của sự vật. Các tác phẩm của ông không thấy được sự hiện diện quá rõ rệt của những chiếc bóng, hay cũng không có những đường viền ở dạng phẳng và nổi bật. Nói một cách đơn giản, vị khách này đang mơ tưởng hão huyền.

Tần Tranh: "Nhưng."

Thẩm Thiêm: "Ừm, nhưng tôi làm được."

Vì làm được, nên anh luôn tìm tới những địa điểm có thể gắn với cuộc đời Monet.

Có rất nhiều điểm nổi tiếng quanh Paris. Căn nhà cũ của vị họa sĩ, vườn Giverny Monet đông đúc quanh năm suốt tháng, nhưng khoảng thời gian ấy Thẩm Thiêm lại ghé thăm Orangerie nhiều hơn.

Từ viện bảo tàng Louvre đi hết vườn Tuileries, cạnh Place de la Concorde chính là bảo tàng mỹ thuật Orangerie.

Nghe kể ngày xưa mảnh đất này từng trồng cam thật. Mà khác với bảo tàng Louvre và Orsay luôn đông đúc, Orangerie cùng tọa lạc tại trung tâm thành phố song lại là nơi tĩnh lặng giữa nhịp sống hối hả. Bảo tàng mỹ thuật tuy nhỏ nhưng cất giữ đến loạt sáu tác phẩm họa hoa súng rất lớn nổi tiếng khắp thế giới của Monet. Có hai sảnh triển lãm tròn ở tầng một trưng bày ba bức vẽ hình chữ nhật 360 độ, đồng thời nhờ cấu trúc thiết kế đã tận dụng chiếu sáng gian triển lãm bằng hoàn toàn ánh sáng tự nhiên.

Khi ngồi tại chiếc ghế dài chính giữa sảnh triển lãm thinh lặng tận hưởng các tác phẩm, thời gian sẽ trôi đi thật nhanh.

"Nhờ có khoảng thời gian ấy." Thẩm Thiêm hoài niệm nheo mắt: "Về sau này địa điểm tôi yêu thích nhất tại Paris gồm quán cà phê nho nhỏ gần nhà và Orangerie."

Thẩm Thiêm không kể tiếp cuối cùng anh đưa hoa súng nước của Monet lên thân đàn thế nào mà nhìn về Tần Tranh, ánh mắt ấy khiến không một ai tránh né được câu hỏi anh đặt ra, và anh cũng đặt câu hỏi thật: "Có câu hỏi này tôi đã luôn muốn hỏi em."

Tần Tranh lễ phép cúi đầu đến gần Thẩm Thiêm: "Ừ?"

Yết hầu Thẩm Thiêm thoáng lên xuống, anh tần ngần giây lát, đọc câu hỏi bản thân đã ngẫm nghĩ trong lòng không biết bao nhiêu lần: "Tôi muốn biết khi em trao lòng chân thành, hoặc chân thành gần với tình yêu, em có mong chờ được hồi đáp ngang bằng hay không. Và nếu như lúc này mọi chuyện đã ấn định trở nên vô vọng, đến khi nào em sẽ thấy mệt mỏi?"

Một câu hỏi bình tĩnh đến cực độ, cũng ôn hòa đến cực độ, bằng những từ ngữ lịch sự đến mức buộc lòng ai cũng phải hồi đáp, nhưng đồng thời thẳng thắn đến mức không ai đáp lại được.

Tần Tranh cũng đã suy nghĩ thận trọng và tần ngần rất lâu trước vấn đề mà anh do dự mãi đến nay mới hỏi ra.

"Tôi không bao giờ hối hận về tình cảm chân thành đã trao đi, thậm chí cũng không nghĩ rằng người phụ bạc tình cảm ấy sẽ phải trả giá hay thế nào."

Tần Tranh nghiêm túc đưa ra câu trả lời chắc chắn cho câu hỏi được đặt ra cho bản thân. Hắn ngước mắt nhìn trực diện Thẩm Thiêm, bình thản giải thích: "Nếu không thể nhận được hồi đáp gọi là ngang bằng vào một thời điểm nào đó, vậy đồng nghĩa với việc đoạn đường mà tôi và người ấy đồng hành không nhất quán nên đành lòng dở dang, hoặc cũng có lẽ tôi và người ấy đã từng nhất quán, hoặc sẽ lại bước cùng nhau ở chặng đường tương lai, đó là chuyện không thể nói chính xác được."

Thẩm Thiêm dường như không lường trước được câu trả lời của hắn. Anh mím môi im lặng, nghĩ ngợi một lúc rồi mới chậm rãi lên tiếng: "Quan điểm của em về tình cảm..."

Anh nghĩ ngợi chọn từ, cuối cùng vẫn cảm thán thật tình: "Được lắm."



Khó mà tưởng tượng Tần Tranh lại bằng lòng thật tâm trao đi dường ấy. Nhưng cũng có thể chính vì lẽ ấy mà lòng chân thành của hắn mới càng quý giá. Theo cách nói của Tần Tranh vừa rồi thì, hắn khiến người ta... lấy làm ghen tị với sự lạc quan của hắn.

"Nhưng mà, có nhưng không?" Thẩm Thiêm cười hỏi.

Tần Tranh chăm chú nhìn anh hồi lâu, thoải mái dời mắt đi: "Đương nhiên là có."

Nhưng mà, nhưng mà dù là bất cứ ai, dù là Tần Tranh cũng sẽ luôn có những thời khắc thấy không cam lòng. Ngay cả khi đã chuẩn bị sẵn sàng bước tiếp một mình, mỗi ngày thức giấc về sau hắn vẫn chẳng thể kiềm được chờ mong một kết cục khác.

Cho dẫu hắn biết, chắc có lẽ hắn không chờ được kết cục ấy.

"Thật ra, khi nói những nhận định của tôi về sự "chân thành" vừa rồi, tôi nghĩ về cha mẹ mình."

Phát giác Thẩm Thiêm bỗng ngạc nhiên ngước mắt, Tần Tranh nở nụ cười: "Sự thật là tôi vẫn chờ mong tình yêu của họ."

Đến nỗi Tần Tranh đã trả giá vì yêu.

Mặc dù cho tới hiện tại sự thật đã bày ra trước mắt. Họ không hề đưa ra bất kỳ hồi đáp nào với mọi kỳ vọng trong quá khứ của Tần Tranh. Nhưng Tần Tranh cũng không hề thấy bản thân ngốc nghếch vì đã chờ mong.

"Em làm thế là tốt lắm, cầm được, buông được." Thẩm Thiêm thật lòng khích lệ.

Tần Tranh nắm siết cổ tay Thẩm Thiêm vuốt ve: "Nhưng mà, có nhưng."

Tuy hắn không nói ra nội dung cụ thể sau chữ "nhưng" đó.

Vậy nhưng Thẩm Thiêm cũng phần nào tưởng tượng được điều hắn chưa nói rốt cuộc là gì.

Giống như Tần Tranh là biến số của Thẩm Thiêm, vậy cớ gì Thẩm Thiêm lại không phải biến số của Tần Tranh.

Thẩm Thiêm ngoảnh mặt lại, cọ cọ vào lòng bàn Tần Tranh như một chú mèo con, vừa mỉm cười vừa rời khỏi nhiệt độ nơi lòng bàn tay hắn, từ đối diện "in Paris" trở thành đứng cạnh "in Paris".

"Sao tôi cứ thấy hơi sơ sẩy một tí là chủ đề của chúng ta sẽ phát triển theo hướng triết học mất." Anh nhếch môi.

Triết học là cái gì? Với dân không chuyên như hai người cứ hễ thứ gì nghe bí ẩn khó hiểu là quy nó thành triết học.

Tần Tranh cũng nhún vai: "Đồng ý với anh, đây không phải chủ ý ban đầu của tôi."

Tốn thời gian ở hành lang quá nhiều, Thẩm Thiêm đã uống hết nước, vứt rác rồi cuối cùng hai người mới vào trong.

Bệ cửa sổ phòng khách Tần Tranh cũng bày rất nhiều nến thủ công tương tự nhà Thẩm Thiêm. Ngoài ra, cảm giác đầu tiên khi mới bước chân vào là "tươm tất".

Cực kỳ tươm tất.

Một căn nhà chỉ có những vật dụng cần thiết, ngoài ra hầu như không có bóng dáng bất cứ thứ đồ dư thừa vô dụng nào khác. Nhà của Tần Tranh ngăn nắp đến độ không giống như nhà của một thanh niên tuổi này đang ở.

Mà giữa không gian đó trên sô pha lại có một chiếc gối bông màu sắc sặc sỡ trông có vẻ lạc lõng.

Chiếc gối Vienna nọ có lẽ không phải một sự tình cờ.

Thấy Tần Tranh đặt cừu bông mình mới tặng cạnh chiếc gối nọ, Thẩm Thiêm không nhịn được hỏi hắn: "Em thích xương rồng à?"

Chiếc gối dựa hình xương rồng quá chênh lệch với cừu nhỏ, Tần Tranh chăm chú nghiên cứu bày biện chúng nó sao cho hài hòa, quay lưng về phía anh đáp: "Là quà tốt nghiệp của Nam California."

Thẩm Thiêm bật thốt: "Chẳng phải linh vật trường em là ngựa trắng... à?"

Giọng anh yếu xìu dần, mà Tần Tranh cũng ngừng tay.

Dưới sự chống cự mãnh liệt của Thẩm Thiêm, Tần Tranh vẫn hành động thước phim chậm không thể tua lại, xoay người, nhấc mi, ung dung hỏi: "Làm sao anh biết?"

Tần Tranh tốt nghiệp trường USC Marshall School of Business thuộc đại học Nam California. Các cựu sinh viên nổi tiếng gồm Steven Spielberg, người đầu tiên đặt chân lên mặt trăng Armstrong. Ngôi trường có thứ hạng cao trên bảng xếp hạng đại học thế giới Quacquarelli Symonds. Nếu quan tâm, chỉ cần tra cứu một xíu hoặc nói chuyện với sinh viên nào đó trong trường là biết được ngay.

Nhưng giây phút này, Tần Tranh nhìn Thẩm Thiêm đang cố tỏ ra trấn tĩnh, thản nhiên đặt câu hỏi bằng giọng điệu như thể đã biết rõ từ lâu: "Mùa hè năm ngoái, anh thật sự đã đến lễ tốt nghiệp của tôi. Đúng không, Thẩm Gia Ánh?"

Bảo tàng Orangerie và loạt các tác phẩm hoa súng, tham khảo thêm tại link sau từ bảo tàng (có 360 Virtual Tour ở cuối trang):

https://www.musee-orangerie.fr/en/node/197502

25-gio-36-0

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.net

truyện Đam Mỹ
truyện ngôn tình

Dtruyen.com đổi tên miền thành Dtruyen.net. Độc giả ghi nhớ để truy cập.

truyện bách hợp

Nhận xét của độc giả về truyện 25 Giờ

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook