Chuyện Cũ Bạch Dương

Chương 11

Trường Vũ Trụ

08/07/2017

Do nghề nghiệp tiếp xúc khách hàng mà trong danh bạ Tưởng Hiểu Lỗ loại người gì cũng có, cô từng gặp mấy kẻ biến thái nửa đêm nửa hôm nhắn tin quấy rối, trước đây cô chỉ xem qua rồi thôi, nếu không quen thì trực tiếp cho vào danh sách đen, nếu hay qua lại trong công việc, không tiện đắc tội thì bình thường cô đều vờ như không thấy, vài lần như thế, đối phương sẽ tự biết mà không liên lạc nữa.

Vị này hôm nay tới không khéo, đúng lúc tâm trạng cô không tốt.

Ngón tay Tưởng Hiểu Lỗ thoăn thoắt gõ chữ trên bàn phím, miệng lẩm bẩm.

Đồ biến thái trung niên già mà ham, thấy con gái người ta là muốn người ta gọi cha, thứ quái đản đâu ra thế, hứ! Tôi mới là cha ông!

Trả lời tin nhắn với cơn thịnh nộ, trong lòng Tưởng Hiểu Lỗ vô cùng thoải mái. Cứ tưởng chuyện này tới đó là thôi, nào ngờ khoảng mười phút sau.

Điện thoại di động lại “ting” một tiếng.

Vẫn là người trước đó, đã thay ảnh avatar, thêm một tin nhắn của người liên lạc: Hiểu Lỗ, cha là Tưởng Hoài.

Lời lẽ lần này trịnh trọng hơn lần trước một chút.

Tưởng Hiểu Lỗ sững sờ.

Hồi lâu sau_____

Cô run run mở ảnh avatar của đối phương lên, phóng to.

Ảnh chắc là được chụp bằng di động, độ phân giải không cao còn có chút ánh sáng phản chiếu, một tấm ảnh có màu sắc rất cũ, người đàn ông trong ảnh mặc áo có tay áo dài phân nửa cánh tay, quần màu lam nhạt, đang bế một cô bé đứng trước Thiên An Môn, cười vui vẻ.

Cô bé kia không phải Tưởng Hiểu Lỗ thì là ai? Người đàn ông bế cô trong ảnh, không phải cha ruột cô thì là ai???

Nhớ lại tin nhắn kia: Ta là cha con; Hiểu Lỗ, cha là Tưởng Hoài.

Giọng điệu của đối phương rõ ràng lộ vẻ nghiêm túc và dè dặt.

Ông ấy là cha cô, cha ruột của cô, ông ấy nói không hề sai!

Đã hai mươi năm trôi qua, một cô gái hai mươi năm chưa từng gặp cha ruột của mình, tin tức đột ngột tới này khiến trong lòng Tưởng Hiểu Lỗ rối rắm phức tạp.

Hận, năm xưa cô thậm chí không biết tại sao cha mẹ chia tay, không có lý do để hận; không hận, nhiều năm như thế ông chưa từng hỏi han cô, chưa từng tìm cô và mẹ, chỉ biết mấy năm nay hàng tháng ông đều gửi tiền cho Đỗ Huệ Tâm, ban đầu là mấy mươi tệ, sau đó là mấy trăm, sau đó nữa thì không biết.

Việc này cũng là sau khi cô trưởng thành, Đỗ Huệ Tâm nhân lúc xung quanh không có ai mới nói cho cô biết.

Giọng điệu bà nói với cô rất bình tĩnh lạnh nhạt:

- Cha con? Ờ, mấy năm trước con còn nhỏ, mỗi tháng ổng có đưa cho mẹ tiền sinh hoạt cho con, sau này con lớn thì không liên lạc nữa.

Nghĩ, ký ức Tưởng Hiểu Lỗ về ông chỉ giới hạn trước năm cô sáu tuổi. Nghĩ tiếp thì cũng chỉ nhớ có chút chút như vậy mà thôi. Không nghĩ, thỉnh thoảng đêm khuya yên tĩnh, nhớ tới cảnh Trịnh Hân và chú Trịnh, và Đỗ Huệ Tâm nữa, một nhà ba người vui vẻ bên nhau, cô luôn cảm thấy có chút lập dị, nếu người ngồi đối diện là cha ruột và mẹ cô thì có lẽ cũng là như vậy.

Tưởng Hiểu Lỗ không quên kỳ nghỉ hè năm cô 6 tuổi, mẹ xách cô và hành lý ép cô rời khỏi quê nhà Sơn Đông thế nào.

Cô gào khóc, cô quấy phá, cô vô lại, cô bám vào cánh cổng sắt nhà cũ quay đầu gọi:

- Cha ơi! Cha ơi! Con không đi!

Người đàn ông phía sau cánh cổng sắt đứng ở cửa nhà, nhìn cô không nói một lời, cuối cùng chắp tay sau lưng, cửa “cạch” một tiếng đóng lại.

Tâm trạng Tưởng Hiểu Lỗ phức tạp, tranh đấu hồi lâu, cuối cùng vẫn khẽ bấm vào chữ “accept”, khung chat lập tức hiện ra.

Nói gì đây, không biết, điện thoại di động siết trong tay, gõ bàn phím, cân nhắc từ ngữ nhiều lần. Cô đâu thể nói “hey, cha, con là Hiểu Lỗ” hoặc “chào cha, con là con gái cha”.

Tưởng Hiểu Lỗ đang đấu tranh nội tâm, ôm điện thoại di động do dự, nhìn tới nhìn lui bức ảnh avatar đó, màn hình tắt rồi lại mở, xoắn xuýt như vậy mấy lần, qua khoảng nửa giờ, cuối cùng khi cô lấy dũng khí muốn chủ động nhắn một tin thì đối phương đã gửi qua một đoạn văn thật dài thật dài.

Mang chút phong cách nói chuyện của người đời trước.

“Chào con, Hiểu Lỗ! Cha là Tưởng Hoài.

Mới đó mà đã hai mươi năm không gặp, cha rất nhớ con. Trước đây cha luôn có số điện thoại của con nhưng sợ ảnh hưởng đến công việc và cuộc sống của con nên không dám quấy rầy, hoặc là không biết nên nói với con thế nào; gần đây điện thoại cha hư, mua cái mới, cậu bán điện thoại cài giúp cha ứng dụng này, hiện đang rất nhiều người dùng, bạn bè bên cạnh cũng nói cha lạc hậu, cha học thử, vô tình phát hiện ra tên con, có lẽ rất đường đột, cho cha nói tiếng xin lỗi cùng con.

Ban nãy nhìn ảnh con, cha không dám nhận, cũng rất giật mình, Hiểu Lỗ đã lớn thành một cô gái rồi, nghe nói con được học một trường đại học tốt ở Bắc Kinh, bây giờ chắc đã tốt nghiệp đi làm rồi nhỉ? Hoặc là đang học nghiên cứu sinh chăng? Bất kể thế nào, cha vẫn hi vọng con có thể làm việc giỏi, học tập tốt, đừng cúi đầu trước khó khăn, có thời gian thì quan tâm đến mẹ con nhiều hơn, nhiều năm như thế, bà ấy rất vất vả.

Ba năm sau khi con và mẹ con đi, cha tái hôn, cha và dì Triệu con cùng dìu dắt lẫn nhau, người lớn tuổi luôn mong bên cạnh có người bầu bạn, hi vọng con hiểu, nhà cũ ngày xưa ở đã phá rồi, bây giờ cha dọn đến chung cư phúc lợi nhân viên của công ty xây, à phải, năm nay cha 59 tuổi, còn một năm nữa sẽ về hưu, công việc không bận lắm, Thanh Đảo dạo này mưa rất to, năm nào cứ tới mùa này cũng vậy, không biết thời tiết Bắc Kinh thế nào, con chú ý mặc thêm quần áo, đừng để bị cảm. Mấy năm nay nông thôn phát triển rất tốt, có thêm hai bến cảng, cha nhớ hồi nhỏ con thích nhất là cha bế con đi xem tàu chiến, xem thuyền to, nếu con có cơ hội về thì nhớ báo cha một tiếng, cha dẫn con đi xem.

Mấy ngày trước dọn dẹp nhà cửa, dọn ra rất nhiều album cũ, đa số là ảnh con hồi nhỏ, nhìn con qua khung ảnh mà cha rất thương cảm, thực muốn biết tình hình gần đây của con, cha lải nhải nhiều rồi, biết con sống tốt cha rất yên tâm, không quấy rầy nữa, nếu con gặp khó khăn về sinh hoạt hay về kinh tế thì cứ nói với cha. Cảm giác sâu sắc rằng đã xa con nhiều năm, không thể gánh vác trách nhiệm làm cha, muôn phần hổ thẹn. Nhưng cha nghĩ huyết thống là điều không bao giờ thay đổi. Cho phép cha kết thư tại đây, chúc con vạn sự như ý, nhớ con.

Cha con, Tưởng Hoài.”

Ngắn ngủi mấy trăm chữ, Tưởng Hiểu Lỗ đọc xong, bất giác lệ rơi đầy mặt. Nước mắt chảy từng hàng, nhòe đi ánh mắt, nhòe cả màn hình.

Khóc xong, cô lau mắt, co lại trong chăn trả lời.

“Con rất tốt, cha cũng chú ý giữ gìn sức khỏe.”

Nhận được tin nhắn trả lời của Tưởng Hiểu Lỗ, Tưởng Hoài vô cùng kích động, cúi đầu cầm điện thoại nhìn rất lâu.

Trong một căn nhà dân bình thường, người vợ phía sau đang phơi từng bộ đồ đã giặt sạch lên:

- Anh làm gì thế? Ngồi ngây cả buổi không nhúc nhích.

Tưởng Hoài nhìn đi nhìn lại những chữ của con gái gửi cho mình:

- Anh đang liên lạc với Hiểu Lỗ.

Vợ ông khựng lại, hỏi thăm dò:

- Anh nói với con bé bệnh của anh rồi?

- Chưa nói, nói làm gì.

Tưởng Hoài cười hiền hậu:

- Rất nhiều năm không gặp, nhìn ảnh con bé lúc nhỏ cứ thấy lạ lạ.



Không khó nghe ra sự trào phúng trong giọng vợ:

- Nhớ thì có ích gì? Mấy năm trước anh đi Bắc Kinh, ngay cả mặt con bé cũng không được thấy, bận công việc, bận học hành, nói trắng ra là không muốn dính líu gì tới anh, sợ người ta có người cha như anh là sỉ nhục, mấy năm nay hai mẹ con họ ở Bắc Kinh sống mưa thuận gió hòa, ai quan tâm đến sống chết của anh. Con gái anh nhớ có người cha như anh nhưng không hề nhớ đến chút xíu tốt đẹp nào của anh!

- Được rồi!

Tưởng Hoài cau mày quát khẽ:

- Anh đã nói với em bao nhiêu lần, Hiểu Lỗ không muốn gặp anh là vì mẹ con bé căn bản chưa từng nói cho con bé biết, cô ấy hận anh nên không muốn con tiếp xúc với anh, chuyện này liên quan gì đến Hiểu Lỗ?

Vợ bị hét, bắt đầu tủi thân:

- Anh… anh bị bệnh cũng nên cho con bé biết chứ, nếu anh có mệnh hệ gì thì em phải làm sao đây?

- Bác sĩ đã nói tuần sau đi tái khám mà, còn chưa chẩn đoán, tốt xấu gì chúng ta cũng tự mình gánh vác, vốn dĩ anh đã không làm hết trách nhiệm nuôi dạy, đâu thể gặp chuyện liền đi thêm phiền phức cho con, em yên tâm, dù sau này anh thật sự có ngày đó cũng nhất định sẽ để lại cho em một căn nhà để dưỡng lão.

Tưởng Hoài thấy vợ không nỡ, khẩu khí cũng dịu đi rất nhiều.

Vợ khóc sụt sùi lau nước mắt, tựa như hạ quyết tâm:

- Được, em không xía vào chuyện cha con hai người, chỉ cần trong lòng anh dễ chịu là được, em nghĩ xong rồi, nếu có thể chữa khỏi bệnh anh thì dù có bán cái nhà này táng gia bại sản, em cũng chữa cho anh.

Người phụ nữ loạng choạng đi vào phòng ngủ, rưng rưng lẩm bẩm:

- Một gia đình đang yên đang lành, sao lại…

Một gia đình đang yên đang lành, sao lại tan rã chứ.

Câu nói này Tưởng Hiểu Lỗ cũng từng hỏi chính mình.

Ngày rời quê hương, dọc đường cô nước mắt dầm dề hỏi, mẹ ơi tại sao lại chia tay với cha, mẹ cô nắm cánh tay cô, ngồi xổm xuống lau nước mắt cho cô, lau thật lâu, bà chỉ thở dài nói với cô một câu:

Tác phong sinh hoạt của cha con có vấn đề.

Khi đó Tưởng Hiểu Lỗ đâu biết thế nào là tác phong sinh hoạt có vấn đề, chỉ lặng lẽ ghi nhớ mấy chữ này, theo mẹ lên tàu hỏa đi Bắc Kinh. Sau này khi chơi thân với Lý Triều Xán, cô từng lén lút hỏi cậu.

- Triều Xán, cậu biết tác phong sinh hoạt là gì không?

Lý Triều Xán ngồi chồm hổm trên ụ đất, liếc cô:

- Cậu nghe được từ đâu thế?

Tưởng Hiểu Lỗ gãi gãi mặt, gỡ tóc dính vào môi ra:

- Mẹ mình nói, mẹ nói tác phong của cha mình có vấn đề nên nhất định phải dẫn mình đi.

Lý Triều Xán trầm tư suy nghĩ:

- Theo cách nói thông thường thì tác phong sinh hoạt là chỉ… ai da, mình nói thế này với cậu vậy, cha cậu chắc chắn là tìm cho cậu một người mẹ ở bên ngoài.

- Hai người mẹ???

Tưởng Hiểu Lỗ hoảng hốt.

- Đúng, cho nên cậu có thể chấp nhận cậu có hai người mẹ sao? Mẹ cậu chắc chắn phải dẫn cậu đi rồi!

Tưởng Hiểu Lỗ không hiểu:

- Mẹ mình bảo mình gọi chú Trịnh là cha, vậy mình cũng có hai người cha đấy thôi!

- Chuyện này khác!

Lý Triều Xán cuống lên:

- Cậu gọi chú Trịnh là cha là hợp pháp, nhưng cha cậu tìm cho cậu người mẹ kia là không hợp pháp!

Tưởng Hiểu Lỗ ngồi chu mỏ trên ụ đất nhỏ, rất nghiêm túc:

- Chuyện này cậu để mình suy nghĩ cho kỹ.

Lý Triều Xán trượt xuống ụ đất, làm tung lên một đám đất cát:

- Cậu nghĩ đi, bây giờ không hiểu, sau này sớm muộn gì cũng sẽ hiểu.

Tưởng Hiểu Lỗ sặc ho hai tiếng, mặt nhăn nhó, bắt đầu nghiêm túc suy nghĩ. Nghĩ đến khi lên cấp 2, cấp 3, đại học, cuối cùng cô vẫn đi hỏi mẹ.

Lúc đó mẹ cô đang vá áo gối, trầm mặc hồi lâu:

- Con lớn rồi, lẽ ra mẹ không nên nói cho con biết, tốt xấu gì người đó cũng là cha con.



- Năm xưa cha con thích làm thơ, con cũng biết mấy người bên văn học bọn họ nhiều tình cảm, nói đủ chuyện linh tinh, mẹ lại là người quan tâm đến cuộc sống thực tế, từ lúc bắt đầu đã bất đồng quan điểm.



- Sau đó con sắp lên tiểu học, mẹ chạy tới chạy lui bên ngoài cả ngày tìm trường học cho con, còn ông ấy hay rồi, ngày nào cũng chết dí ở thư phòng chẳng hỏi chẳng han, buổi tối mẹ đi dọn dẹp cho ông ấy thì phát hiện cả đống thư, chữ viết chi chít đều là thơ tình.

Một người đàn ông đã kết hôn ngày ngày thư từ qua lại với nữ đồng nghiệp tòa soạn đã ly hôn, nói không ít những lời an ủi, điều này khiến Đỗ Huệ Tâm bị những chuyện vụn vặt đời sống đè ép triệt để sụp đổ, ngày đó hai người cãi nhau ầm ĩ, tranh luận ai đúng ai sai.

Tưởng Hoài đập chén:

- Anh đó là đang bàn luận văn thơ với người khác, đây là công việc! Những thứ em xem đều là do cô ấy sáng tác, nhờ anh xem giúp!

Đỗ Huệ Tâm gào khóc:

- Em mặc kệ hai người có phải đang giao lưu tinh thần hay không, Tưởng Hoài, em cho anh biết, Đỗ Huệ Tâm em là người phụ nữ thật thà chất phác một lòng dốc sức vì gia đình này, em không thể chịu nổi anh ngày ngày lơ đãng rồi còn nhớ tới người phụ nữ khác!



Tưởng Hoài càng thêm quyết liệt:

- Anh làm việc không thẹn với lương tâm! Em chịu hay không thì tùy!

Tranh cãi dữ dội, Đỗ Huệ Tâm còn đến tòa soạn của Tưởng Hoài làm ầm ĩ một trận, ném đồ đạc chỗ ông làm việc, khóc lóc om sòm, hôm đó vừa vặn có lãnh đạo tới thị sát, làm kinh động rất nhiều người, Tưởng Hoài bị mất thể diện, nắm tay siết rồi lại siết, cuối cùng vẫn không nhịn được, cho bà một cái tát.

Không quá mấy ngày, Tưởng Hoài bị tòa soạn sa thải, một người đàn ông bị mang thanh danh bê bối, sỉ diện không chịu được, trong lòng tức giận về sự nóng nảy của Đỗ Huệ Tâm, ly hôn với bà.

Lúc đó hai người còn tranh cãi một phen xem để con đi theo ai. Tưởng Hoài muốn Tưởng Hiểu Lỗ theo mình nhưng Đỗ Huệ Tâm quá bướng bỉnh, nói gì cũng không chịu.

Ông nói, em để con gái cho anh, sau này em tái giá, con bé sẽ không phải là mối phiền phức.

Bà nói, có người cha như anh, em sợ người ngoài bới móc con bé, con gái do em sinh, cuộc sống có khổ đến đâu em cũng không chê phiền.

Một câu nói này, triệt để tổn thương tôn nghiêm của Tưởng Hoài, tan nát tình cảm vợ chồng.

- Nhiều năm trôi qua như vậy, bây giờ nghĩ lại, mẹ cũng không đúng, nhưng tuyệt đối không phải chỉ do một chuyện đó lên men mà thành, mẹ và cha con thật sự không phải người chung đường, không thể sống bên nhau. Ông ấy thích lãng mạn, thích thế giới tinh thần, còn mẹ thích thực tế, thích những thứ sờ được, quan niệm không giống nhau.

Khi nói câu này với Tưởng Hiểu Lỗ, Đỗ Huệ Tâm quấn đầu sợi chỉ qua kim một vòng, tạo một nút kết, vui vẻ vỗ cái gối, tựa như đang nói, xong rồi, con xem, mẹ lại hoàn thành một việc lớn này.

Từ đó về sau, Tưởng Hiểu Lỗ không hỏi mẹ bất cứ tin gì về cha nữa.

Bây giờ Tưởng Hoài bỗng nhiên xuất hiện, tạo thành đả kích không nhỏ với Tưởng Hiểu Lỗ, biểu hiện trực tiếp nhất chính là số lần cô sờ điện thoại di động tăng lên rõ rệt.

Cô luôn mở wechat ra nhìn ảnh avatar của Tưởng Hoài, nhìn tên ông, sau đó đóng lại, cảm giác ấy giống như đứa trẻ mới chào đời chợt thấy thứ gì đó mới mẻ, rất ngỡ ngàng, cứ muốn nhìn hoài, nhìn mãi.

Trợ lý Thiệu Khê hỏi cô:

- Chị Tưởng, dạo này chị đang đợi tin à?

- Không, chị đợi tin gì?

Tưởng Hiểu Lỗ ngồi ngay ngắn trước bàn, cười nheo mắt.

- Hạng mục Kiến Hoa á? Không phải chị luôn đợi khách hàng đó sao? Hoa hồng nửa cuối năm toàn bộ đều dựa vào nó mà!!!

Tưởng Hiểu Lỗ vỗ trán:

- Đúng.

Cô vội vã mở kẹp hồ sơ trên bàn:

- Chị phải đi xác nhận với giám đốc Lý mới được, ông ấy nói trưa nay tới ký hợp đồng với chị.

Vừa ra cửa, đầu hành lang đối diện có ba người đi tới.

Giám đốc Lý trước đó đã hứa ký hợp đồng với Tưởng Hiểu Lỗ, Hứa Bân và ông chủ Hà.

Hứa Bân và giám đốc Lý trò chuyện với nhau rất vui, vừa đi vừa tán gẫu, gương mặt hai người đều nở nụ cười, Tưởng Hiểu Lỗ thấy thế thì trong lòng rơi lộp bộp.

Hít sâu một hơi, Tưởng Hiểu Lỗ sải bước tiến lên mỉm cười chủ động chào:

- Giám đốc Lý_____



- Tôi đợi ông mãi, hôm qua ông đã nói là sáng đến ký hợp đồng.

Giám đốc Lý sững sờ, lập tức cười ha ha:

- Tiểu Tưởng à, đúng, không sai, trước đó quả thực tôi đã nói với cô như vậy. Nhưng vừa nãy ở dưới lầu, tôi tình cờ gặp giám đốc Hứa này của các cô, hàn huyên rất vui vẻ, cậu ấy làm về nghiệp vụ tiền tệ đúng không?

Giám đốc Lý là người Thượng Hải, nói chuyện mang theo chút khẩu âm.

- Cậu ấy rất rành nghề ngân hàng này, trước đây từng làm ở công ty chứng khoán, vậy thì tôi dứt khoát giao hạng mục Kiến Hoa cho cậu ấy là được.

Nụ cười Tưởng Hiểu Lỗ cứng lại trên mặt:

- Giám đốc Lý, tôi và ông đã nói chuyện về hạng mục Kiến Hoa này rất lâu, tôi vẫn luôn…

- Tiểu Tưởng à.

Ông Hà đúng lúc ngắt lời cô, tằng hắng một tiếng:

- Hứa Bân là người mới, hai người ai nắm lấy hạng mục này đều là vinh dự của công ty chúng ta, giám đốc Lý là khách hàng quen, sau này phải tạo quan hệ tốt lâu dài.

Ông đang ngầm nhắc nhở Tưởng Hiểu Lỗ, hai người ai kiếm được món tiền này thì lợi ích công ty đều không thay đổi, tranh tới tranh lui trước mặt người ngoài sẽ mất thể diện.

Bàn tay Tưởng Hiểu Lỗ nắm chặt cây bút trắng bệch, cuối cùng cô lặng lẽ tránh ra, mỉm cười đưa tiễn:

- Ông đi thong thả.

Hứa Bân đi ngang qua cô, quay đầu lại.

Ánh mắt vừa hận, vừa đắc ý, vừa chế giễu.

Hai mươi mấy vạn phí tín thác. Đây là chuyện làm ăn lớn nhất nửa cuối năm của Tưởng Hiểu Lỗ, bị Hứa Bân dùng thủ đoạn bỉ ổi như vậy cướp đi, cô muốn giết người.

Buổi tối khi sắp tan ca, Thường Giai gửi tin nhắn tới: “Cách hai con đường phía sau nhà cậu mới mở một quán bar, rất sạch sẽ, đi không?”

Tưởng Hiểu Lỗ hăng hái hưởng ứng: “Đi!”

________

Lam: Tên tài khoản wechat của cha Hiểu Lỗ là Tâm Hoài Viễn Phương, có nghĩa là lòng lúc nào cũng suy nghĩ, mong nhớ nơi phương xa, trong đó có chữ Tâm và chữ Hoài (tên cha mẹ Hiểu Lỗ) đứng kế nhau, cho nên, cái hành động mở wechat ra ngó tên ông của Hiểu Lỗ có thể còn mang hàm ý sâu xa khi nhớ về cha mẹ hồi chưa ly hôn. Đương nhiên, đây hoàn toàn có thể là do bạn Lam nghĩ nhiều.

Tóm lại, bạn Lam sửa nick wechat của ông về chữ Hán Việt thay vì dịch luôn nghĩa nhé.

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.net

truyện trọng sinh
truyện sắc

Dtruyen.com đổi tên miền thành Dtruyen.net. Độc giả ghi nhớ để truy cập.

ngôn tình sắc

Nhận xét của độc giả về truyện Chuyện Cũ Bạch Dương

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook