Chương 11: Đèn Tín Hiệu Giao Thông Có Từ Bao Giờ?
Nguyễn Ngọc Tiến
20/12/2018
Nếu lấy mốc cuối năm 1883, năm Pháp chiếm hoàn toàn Hà Nội thì trước đó cả huyện Thọ Xương (tương ứng với quận Hoàn Kiếm ngày nay) có 45,5km đường. Tuy nhiên mặt đường lát đá hoặc gạch chỉ có phố Phúc Kiến (nay là Lãn Ông), Hàng Ngang và Mã Mây, còn lại là đường đất. Tại các phố buôn bán, người ta che phên, xếp hàng lấn ra gần giữa đường nên mỗi khi xe ngựa chạy qua thì người đi chợ buộc phải lội xuống những vũng bùn lõng bõng hai bên. Đi lại trong thành phố chẳng có luật lệ nào, người đi bộ, kẻ khiêng cáng, xe bò đẩy hay xe ngựa cứ giữa đường mà tiến tới. Xe ngựa, xe kéo muốn vượt phải dùng mồm la hét.
Việc đi lại lộn xộn, nghênh ngang giữa đường đã cản trở xe ngựa của quân đội Pháp nên ngày 6-6-1884, đốc lý (maire, thị trưởng) ra Quy chế trị an và lục lộ của Hà Nội trong đó có điều khoản cấm dắt súc vật trên phố từ 7 giờ sáng đến 11 giờ trưa, từ 5 giờ chiều đến 8 giờ tối. Quy chế cũng buộc người đi bộ phải nép vào hai bên, giữa đường dành cho người cưỡi ngựa và xe bò; cưỡi ngựa trên phố không được sóng đôi. Để chuyển hàng từ cảng sông Hồng (nằm trong khu nhượng địa Đồn Thủy) vào Thành, chính quyền Pháp nhanh chóng làm đường chiến lược (nay là Tràng Tiền, Tràng Thi, Điện Biên Phủ), giữa là đường ray cho lừa kéo vũ khí, lương thực, vật liệu..., hai bên rải đá dăm dành cho xe ngựa, xe đẩy và người đi bộ. Đường hoàn thành năm 1885, chính quyền ra ngay quy định: xe ngựa chở khách phải có chuông, hai xe ngựa tránh nhau phải đi chậm. Ngày 31-12-1892, đốc lý Beauchamp ký Quy chế bảo vệ trật tự trị an của Hà Nội với giao thông xe cộ, theo đó “Xe chở vật liệu phải có biển ghi họ tên (bằng chữ An Nam); xe cộ ban đêm gây tai nạn thì chủ xe phải có tránh nhiệm chăm sóc người bị nạn; buổi tối xe ngựa, xe bò đẩy phải treo đèn dầu sao cho người đi đường trông thấy từ xa; xe chở hàng cồng kềnh phải buộc miếng vải đỏ phía sau, kẻ vi phạm bị phạt theo các điều khoản của Luật hình sự chính quốc...”. Khi đó cả thành phố chỉ có 56 cảnh sát gồm người Pháp và Việt Nam làm nhiệm vụ duy trì an ninh, trật tự nhưng một phần ba trong số đó là sĩ quan và làm bàn giấy, số còn lại đi tuần trên đường cả ngày lẫn đêm.
Nằm trong quy hoạch Hà Nội, tòa đốc lý cho nắn lại đường khu vực phố cổ, làm vỉa hè, cống thoát nước, cấm làm nhà lá, lấp ao hồ xây dựng các công trình, biệt thự tại phía đông và khu phố mới ở phía nam hồ Gươm. Tính từ 1888 đến 1901, chiều dài của các con đường từ 45,5km đã tăng lên 67,6km và với dân số thành phố khoảng một vạn người thì đi lại vẫn chật chội. Phương tiện giao thông cũng thay đổi, thành phố không còn cáng, võng và xe bò kéo thay vào đó là xe tay. Năm 1902, khi trở thành thủ đô của Liên bang Đông Dương thì Hà Nội chính thức áp dụng luật đi đường của chính quốc: người, xe đi bên phải đường, xe đạp, xe ngựa phải có chuông. Đốc lý còn ra văn bản riêng cấm xe tay không được đỗ chờ khách ở phố Tràng Tiền, khu vực phía đông hồ Gươm. Hàng ngày cảnh sát đi lại phạt tiền những ai vi phạm. Đến cuối thập niên đầu tiên của thế kỷ XX, số xe đạp đã tăng lên đáng kể, ô-tô cũng tăng lên, dự đoán cầu Long Biên sẽ ún ứ nên Toàn quyền Đông Dương cho mở rộng hai bên cầu dành riêng cho ô-tô, xe tay, xe ngựa. Vỉa hè dành cho người đi bộ, gánh gồng cũng được lát gỗ lim. Công việc do công binh Pháp đảm nhận, bắt đầu từ năm 1922 và kết thúc năm 1924. Dân số Hà Nội đầu thập niên thứ hai tăng lên hai vạn nên năm 1924, Thống sứ Bắc Kỳ giao cho kiến trúc sư E. Hébrard quy hoạch toàn diện thành phố. Đến năm 1938 cả thành phố đã có 114km đường, trong đó nhiều đường lớn được rải nhựa. Tại một số ngã tư là nút giao thông quan trọng, Sở Lục lộ (tương đương Sở Giao thông công chính ngày nay) cho chôn hai hàng đinh (bằng thép, đường kính 15cm nhô lên mặt đường 1cm) dành cho người đi bộ sang đường.
Kinh tế Hà Nội phát triển mạnh vào cuối những năm 1930, dân số cũng vọt lên, Hà Nội chật chội, không gian bức bối buộc chính phủ Pháp quyết định mở rộng thành phố. Trong quy hoạch năm 1943, họ tính đến dựng các đèn tín hiệu giao thông nhưng thời điểm đó Nhật đã vào Đông Dương và năm 1945 Nhật đảo chính Pháp nên quy hoạch bị dừng lại. Giai đoạn 1947-1954, Pháp tạm chiếm Hà Nội, xe nhà binh gây tai nạn chết người trong thành phố nhưng chính quyền cấm báo chí không được đưa tin, tuy nhiên các báo vẫn có cách, họ không viết cụ thể biển số mà lấp lửng “xe IC (IC là ký hiệu của xe quân sự Pháp ở Đông Dương) gây tai nạn” nên người đọc hiểu là xe quân sự Pháp. Để tránh dân Hà Nội phẫn nộ, cơ quan kiểm duyệt báo chí cấm hẳn các tin này.
Sau 1954, dân số thủ đô là 450.000 người (theo Philippe Papin) trong khi đường phố vẫn như cũ và đi lại rất lộn xộn nhất là các ngã tư. Nguyên nhân do cán bộ, chiến sĩ từ chiến khu về rồi người thân của họ từ quê ra đoàn tụ chưa quen với giao thông đô thị. Để giao thông nền nếp, công an Hà Nội đã cử chiến sĩ làm công tác hướng dẫn tại các ngã tư chủ chốt, họ không có gậy chỉ đường, phương tiện là hai tay và chiếc còi đồng. Âm thanh của nó đứng xa mấy chục mét vẫn nghe thấy. Ngày 3-12-1955, Bộ Giao thông và Bưu điện đã ban hành Nghị định số 348-NĐ là Luật đi đường bộ, trong luật có điều khoản quy định về tốc độ trong thành phố nhưng không có điều nào về đèn tín hiệu giao thông. Ngày 27-5-1957, Bộ Giao thông và Bưu điện lại ra nghị định bổ sung Luật đi đường bộ thêm điều 22, quy định tín hiệu đèn giao thông đô thị với ba màu: đỏ, xanh và vàng; đèn đỏ các phương tiện phải dừng trước hàng đinh, đèn vàng thì các phương tiện đang qua ngã ba ngã tư được đi tiếp, đèn xanh thì được đi. Nhưng phải đến năm 1960 Hà Nội mới có ba cụm đèn tín hiệu được điều khiển thủ công tức là công an ngồi trong bốt bật công tắc gồm: Ngã năm Cửa Nam, ngã tư Điện Biên Phủ-Trần Phú và ngã tư Tràng Tiền-Hàng Bài. Ngã tư Điện Biên Phủ-Trần Phú tuy không đông đúc nhưng khu vực này có nhiều cơ quan ngoại giao nước ngoài nên phải có đèn tín hiệu cho ra dáng thủ đô. Tại ngã năm Cửa Nam, đèn tín hiệu bốn mặt treo trên cao giữa tâm (phố Phan Bội Châu và Tràng Thi tính là một tuyến). Còn tại ngã tư Tràng Tiền-Hàng Bài, khi tàu điện từ Đinh Tiên Hoàng chạy xuống phố Hàng Bài hoặc ngược lại, công an trực bao giờ cũng ưu tiên bật đèn xanh cho đi. Dù Hà Nội có ba hệ thống đèn tín hiệu nhưng đến ngày 10-11-1962, Bộ Công an mới có thông tư hướng dẫn. (xem nội dung thông tư quy định ở phụ lục cuối bài).
Nếu vượt đèn đỏ, người vi phạm tùy theo mức độ sẽ bị “phê bình hoặc phạt tiền”, mức phạt thấp nhất là 400 đồng, cao nhất là 1.000 đồng (khi đó giá 1kg gạo là 400 đồng). Đầu năm 1963, thành phố lắp tiếp hai hệ thống tín hiệu giao thông tại ngã năm Trần Hưng Đạo-Bà Triệu và ngã tư Hàng Khay-Bà Triệu. Cả hai ngã tư này đều lắp cụm đèn bốn mặt trên cao. Ngã tư Hàng Khay-Bà Triệu tuy không đông nhưng vì đầu phố Bà Triệu có cơ quan ngoại giao của Mặt trận Lào yêu nước tá túc nên phải đặt đèn tín hiệu. Vì không có mặt kính màu nên để có màu đỏ họ sơn bóng điện màu đỏ, đèn vàng sơn bóng màu vàng và đèn xanh thì sơn màu xanh. Ông Bính nhà ở đầu phố Bà Triệu kể rằng, năm 1964, khi đó ông 11 tuổi, gần như ngày nào cũng vào bốt xem các chú công an điều khiển và có vài lần “chú công an mỏi tay quá nhờ tôi bật công tắc”.
Năm 1965, Mỹ đánh phá miền Bắc bằng không quân trong đó có thủ đô Hà Nội, để đảm bảo an toàn nhiều cơ quan, nhà máy buộc phải rời thành phố chuyển về nông thôn hay rừng núi, còn người dân nếu không có nhiệm vụ cũng phải đi sơ tán. Thành phố vắng người, thưa phương tiện nên đèn tín hiệu cũng ngừng hoạt động. Năm 1971, nhạc sĩ Phạm Tuyên đang làm việc tại Đài Tiếng nói Việt Nam ở phố Bà Triệu, đã sáng tác bài hát Từ một ngã tư đường phố, bài hát có câu “Từ một ngã tư đường phố, cuộc sống reo vui hàng giờ khi nắng mai về, người và xe nối nhau đi trên đường. Đèn đỏ đèn xanh dưới ánh nắng nhảy múa vui ngàn hoa...”. Nét nhạc tươi vui, ca từ lạc quan cứ như Hà Nội không có chiến tranh, chưa từng bị bom đạn tàn phá. Sau này trả lời phỏng vấn của Hồng Quý, nhạc sĩ Phạm Tuyên kể: “Năm 1971, bên Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) có mời tôi và một số nhạc sĩ nữa đi thực tế ở Khu IV, vùng từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị để lấy chất liệu sáng tác bài hát về những chiến sĩ trong lực lượng vũ trang nhân dân. Kết quả của chuyến đi là ca khúc Đêm trên Cha Lo, viết về những chiến sĩ công an vùng biên giới (nay gọi là bộ đội biên phòng) ra đời. Thế nhưng lúc về Hà Nội tôi vẫn còn phân vân lắm. Tôi có bảo với một đồng chí ở Bộ Nội vụ rằng, tôi muốn sáng tác bài hát về cả những chiến sĩ công an mặc áo xanh và những chiến sĩ công an mặc áo vàng (tức cảnh sát giao thông)”. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng ông sáng tác bài này vì khi đó ông làm ở Đài Tiếng nói Việt Nam nên đón được ý “trên”: Dù bị ném bom nhưng sinh hoạt của thủ đô nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vẫn diễn ra bình thường, đèn đỏ, đèn xanh vẫn bật, tàu điện vẫn leng keng.
Sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975, cán bộ miền Bắc vào Sài Gòn công tác vác xe Honda, xe đạp ra khiến xe cộ Hà Nội tăng đột biến nên thành phố cho lắp thêm đèn tín hiệu. Chỉ có điều thời điểm đó thường xuyên mất điện nên đèn tín hiệu có cũng như không. Và cảnh sát giao thông đành phải điều khiển bằng tay, nhiều người tay dẻo như diễn viên múa.
Phụ lục
Nội dung thông tư hướng dẫn đèn tín hiệu giao thông của Bộ Công an
ĐÈN ĐỎ BÁO HIỆU: Dừng lại! Khi đèn đỏ bật sáng, thì: Xe cộ phải dừng lại trước hàng đanh (đinh) thứ nhất của ngã tư và có thể rẽ phải nếu trước mặt không bị vướng, nhưng phải báo hiệu rẽ phải. Người đi bộ phải dừng lại trên hè phố, không được sang ngang đường.
ĐÈN VÀNG BÁO HIỆU: Chú ý dừng lại! Hoặc: Chú ý, chuẩn bị đi! Nếu đèn vàng bật lên sau đèn xanh thì báo hiệu “chú ý, dừng lại”, vì tiếp đó đèn đỏ sẽ sáng.Trong trường hợp này: Xe cộ phải dừng lại trước hàng đanh thứ nhất của ngã tư, trừ những xe đã vượt qua hàng đanh thứ nhất khi đèn vàng vừa bật sáng, thì vẫn tiếp tục đi. Người đi bộ phải dừng lại trên hè phố, trừ những người đã bước xuống lòng đường khi đèn vàng vừa bật sáng, thì vẫn tiếp tục đi. Nếu đèn vàng bật lên sau đèn đỏ, thì báo hiệu “chú ý, chuẩn bị đi”, vì tiếp đó, đèn xanh sẽ sáng. Trong trường hợp này, xe cộ và người đi bộ đều chuẩn bị để đi qua ngã tư.
ĐÈN XANH BÁO HIỆU: Đi! Khi đèn xanh bật sáng, thì: Xe cộ từ từ đi thẳng qua ngã tư và có thể rẽ phải, rẽ trái hoặc quay đầu lại, nếu trước mặt không bị vướng, nhưng phải báo hiệu rẽ phải, rẽ trái, hoặc quay đầu lại. Người đi bộ đi ngang qua đường trong giới hạn của hai hành đanh, tức là trong phần đường dành riêng cho người đi bộ.
ĐÈN VÀNG NHẤP NHÁY LIÊN TỤC BÁO HIỆU: Chú ý nguy hiểm, ưu tiên cho xe bên phải. Khi đèn vàng nhấp nháy liên tục, xe cộ phải giảm tốc độ, báo hiệu bằng còi (ban ngày) hay đèn (ban đêm) trước khi qua ngã ba, ngã tư đó và phải chú ý nhường ưu tiên cho xe bên phải.
CHÚ Ý: Đặc biệt xe chữa cháy đang đi làm nhiệm vụ có quyền ưu tiên qua ngã tư, kể cả khi có tín hiệu đèn đỏ hay đèn vàng, nhưng phải rú còi liên tiếp từ xa và chú ý đề phòng tai nạn. Các xe cộ khác và người đi bộ phải lập tức nhường đường cho xe chữa cháy.
Việc đi lại lộn xộn, nghênh ngang giữa đường đã cản trở xe ngựa của quân đội Pháp nên ngày 6-6-1884, đốc lý (maire, thị trưởng) ra Quy chế trị an và lục lộ của Hà Nội trong đó có điều khoản cấm dắt súc vật trên phố từ 7 giờ sáng đến 11 giờ trưa, từ 5 giờ chiều đến 8 giờ tối. Quy chế cũng buộc người đi bộ phải nép vào hai bên, giữa đường dành cho người cưỡi ngựa và xe bò; cưỡi ngựa trên phố không được sóng đôi. Để chuyển hàng từ cảng sông Hồng (nằm trong khu nhượng địa Đồn Thủy) vào Thành, chính quyền Pháp nhanh chóng làm đường chiến lược (nay là Tràng Tiền, Tràng Thi, Điện Biên Phủ), giữa là đường ray cho lừa kéo vũ khí, lương thực, vật liệu..., hai bên rải đá dăm dành cho xe ngựa, xe đẩy và người đi bộ. Đường hoàn thành năm 1885, chính quyền ra ngay quy định: xe ngựa chở khách phải có chuông, hai xe ngựa tránh nhau phải đi chậm. Ngày 31-12-1892, đốc lý Beauchamp ký Quy chế bảo vệ trật tự trị an của Hà Nội với giao thông xe cộ, theo đó “Xe chở vật liệu phải có biển ghi họ tên (bằng chữ An Nam); xe cộ ban đêm gây tai nạn thì chủ xe phải có tránh nhiệm chăm sóc người bị nạn; buổi tối xe ngựa, xe bò đẩy phải treo đèn dầu sao cho người đi đường trông thấy từ xa; xe chở hàng cồng kềnh phải buộc miếng vải đỏ phía sau, kẻ vi phạm bị phạt theo các điều khoản của Luật hình sự chính quốc...”. Khi đó cả thành phố chỉ có 56 cảnh sát gồm người Pháp và Việt Nam làm nhiệm vụ duy trì an ninh, trật tự nhưng một phần ba trong số đó là sĩ quan và làm bàn giấy, số còn lại đi tuần trên đường cả ngày lẫn đêm.
Nằm trong quy hoạch Hà Nội, tòa đốc lý cho nắn lại đường khu vực phố cổ, làm vỉa hè, cống thoát nước, cấm làm nhà lá, lấp ao hồ xây dựng các công trình, biệt thự tại phía đông và khu phố mới ở phía nam hồ Gươm. Tính từ 1888 đến 1901, chiều dài của các con đường từ 45,5km đã tăng lên 67,6km và với dân số thành phố khoảng một vạn người thì đi lại vẫn chật chội. Phương tiện giao thông cũng thay đổi, thành phố không còn cáng, võng và xe bò kéo thay vào đó là xe tay. Năm 1902, khi trở thành thủ đô của Liên bang Đông Dương thì Hà Nội chính thức áp dụng luật đi đường của chính quốc: người, xe đi bên phải đường, xe đạp, xe ngựa phải có chuông. Đốc lý còn ra văn bản riêng cấm xe tay không được đỗ chờ khách ở phố Tràng Tiền, khu vực phía đông hồ Gươm. Hàng ngày cảnh sát đi lại phạt tiền những ai vi phạm. Đến cuối thập niên đầu tiên của thế kỷ XX, số xe đạp đã tăng lên đáng kể, ô-tô cũng tăng lên, dự đoán cầu Long Biên sẽ ún ứ nên Toàn quyền Đông Dương cho mở rộng hai bên cầu dành riêng cho ô-tô, xe tay, xe ngựa. Vỉa hè dành cho người đi bộ, gánh gồng cũng được lát gỗ lim. Công việc do công binh Pháp đảm nhận, bắt đầu từ năm 1922 và kết thúc năm 1924. Dân số Hà Nội đầu thập niên thứ hai tăng lên hai vạn nên năm 1924, Thống sứ Bắc Kỳ giao cho kiến trúc sư E. Hébrard quy hoạch toàn diện thành phố. Đến năm 1938 cả thành phố đã có 114km đường, trong đó nhiều đường lớn được rải nhựa. Tại một số ngã tư là nút giao thông quan trọng, Sở Lục lộ (tương đương Sở Giao thông công chính ngày nay) cho chôn hai hàng đinh (bằng thép, đường kính 15cm nhô lên mặt đường 1cm) dành cho người đi bộ sang đường.
Kinh tế Hà Nội phát triển mạnh vào cuối những năm 1930, dân số cũng vọt lên, Hà Nội chật chội, không gian bức bối buộc chính phủ Pháp quyết định mở rộng thành phố. Trong quy hoạch năm 1943, họ tính đến dựng các đèn tín hiệu giao thông nhưng thời điểm đó Nhật đã vào Đông Dương và năm 1945 Nhật đảo chính Pháp nên quy hoạch bị dừng lại. Giai đoạn 1947-1954, Pháp tạm chiếm Hà Nội, xe nhà binh gây tai nạn chết người trong thành phố nhưng chính quyền cấm báo chí không được đưa tin, tuy nhiên các báo vẫn có cách, họ không viết cụ thể biển số mà lấp lửng “xe IC (IC là ký hiệu của xe quân sự Pháp ở Đông Dương) gây tai nạn” nên người đọc hiểu là xe quân sự Pháp. Để tránh dân Hà Nội phẫn nộ, cơ quan kiểm duyệt báo chí cấm hẳn các tin này.
Sau 1954, dân số thủ đô là 450.000 người (theo Philippe Papin) trong khi đường phố vẫn như cũ và đi lại rất lộn xộn nhất là các ngã tư. Nguyên nhân do cán bộ, chiến sĩ từ chiến khu về rồi người thân của họ từ quê ra đoàn tụ chưa quen với giao thông đô thị. Để giao thông nền nếp, công an Hà Nội đã cử chiến sĩ làm công tác hướng dẫn tại các ngã tư chủ chốt, họ không có gậy chỉ đường, phương tiện là hai tay và chiếc còi đồng. Âm thanh của nó đứng xa mấy chục mét vẫn nghe thấy. Ngày 3-12-1955, Bộ Giao thông và Bưu điện đã ban hành Nghị định số 348-NĐ là Luật đi đường bộ, trong luật có điều khoản quy định về tốc độ trong thành phố nhưng không có điều nào về đèn tín hiệu giao thông. Ngày 27-5-1957, Bộ Giao thông và Bưu điện lại ra nghị định bổ sung Luật đi đường bộ thêm điều 22, quy định tín hiệu đèn giao thông đô thị với ba màu: đỏ, xanh và vàng; đèn đỏ các phương tiện phải dừng trước hàng đinh, đèn vàng thì các phương tiện đang qua ngã ba ngã tư được đi tiếp, đèn xanh thì được đi. Nhưng phải đến năm 1960 Hà Nội mới có ba cụm đèn tín hiệu được điều khiển thủ công tức là công an ngồi trong bốt bật công tắc gồm: Ngã năm Cửa Nam, ngã tư Điện Biên Phủ-Trần Phú và ngã tư Tràng Tiền-Hàng Bài. Ngã tư Điện Biên Phủ-Trần Phú tuy không đông đúc nhưng khu vực này có nhiều cơ quan ngoại giao nước ngoài nên phải có đèn tín hiệu cho ra dáng thủ đô. Tại ngã năm Cửa Nam, đèn tín hiệu bốn mặt treo trên cao giữa tâm (phố Phan Bội Châu và Tràng Thi tính là một tuyến). Còn tại ngã tư Tràng Tiền-Hàng Bài, khi tàu điện từ Đinh Tiên Hoàng chạy xuống phố Hàng Bài hoặc ngược lại, công an trực bao giờ cũng ưu tiên bật đèn xanh cho đi. Dù Hà Nội có ba hệ thống đèn tín hiệu nhưng đến ngày 10-11-1962, Bộ Công an mới có thông tư hướng dẫn. (xem nội dung thông tư quy định ở phụ lục cuối bài).
Nếu vượt đèn đỏ, người vi phạm tùy theo mức độ sẽ bị “phê bình hoặc phạt tiền”, mức phạt thấp nhất là 400 đồng, cao nhất là 1.000 đồng (khi đó giá 1kg gạo là 400 đồng). Đầu năm 1963, thành phố lắp tiếp hai hệ thống tín hiệu giao thông tại ngã năm Trần Hưng Đạo-Bà Triệu và ngã tư Hàng Khay-Bà Triệu. Cả hai ngã tư này đều lắp cụm đèn bốn mặt trên cao. Ngã tư Hàng Khay-Bà Triệu tuy không đông nhưng vì đầu phố Bà Triệu có cơ quan ngoại giao của Mặt trận Lào yêu nước tá túc nên phải đặt đèn tín hiệu. Vì không có mặt kính màu nên để có màu đỏ họ sơn bóng điện màu đỏ, đèn vàng sơn bóng màu vàng và đèn xanh thì sơn màu xanh. Ông Bính nhà ở đầu phố Bà Triệu kể rằng, năm 1964, khi đó ông 11 tuổi, gần như ngày nào cũng vào bốt xem các chú công an điều khiển và có vài lần “chú công an mỏi tay quá nhờ tôi bật công tắc”.
Năm 1965, Mỹ đánh phá miền Bắc bằng không quân trong đó có thủ đô Hà Nội, để đảm bảo an toàn nhiều cơ quan, nhà máy buộc phải rời thành phố chuyển về nông thôn hay rừng núi, còn người dân nếu không có nhiệm vụ cũng phải đi sơ tán. Thành phố vắng người, thưa phương tiện nên đèn tín hiệu cũng ngừng hoạt động. Năm 1971, nhạc sĩ Phạm Tuyên đang làm việc tại Đài Tiếng nói Việt Nam ở phố Bà Triệu, đã sáng tác bài hát Từ một ngã tư đường phố, bài hát có câu “Từ một ngã tư đường phố, cuộc sống reo vui hàng giờ khi nắng mai về, người và xe nối nhau đi trên đường. Đèn đỏ đèn xanh dưới ánh nắng nhảy múa vui ngàn hoa...”. Nét nhạc tươi vui, ca từ lạc quan cứ như Hà Nội không có chiến tranh, chưa từng bị bom đạn tàn phá. Sau này trả lời phỏng vấn của Hồng Quý, nhạc sĩ Phạm Tuyên kể: “Năm 1971, bên Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) có mời tôi và một số nhạc sĩ nữa đi thực tế ở Khu IV, vùng từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị để lấy chất liệu sáng tác bài hát về những chiến sĩ trong lực lượng vũ trang nhân dân. Kết quả của chuyến đi là ca khúc Đêm trên Cha Lo, viết về những chiến sĩ công an vùng biên giới (nay gọi là bộ đội biên phòng) ra đời. Thế nhưng lúc về Hà Nội tôi vẫn còn phân vân lắm. Tôi có bảo với một đồng chí ở Bộ Nội vụ rằng, tôi muốn sáng tác bài hát về cả những chiến sĩ công an mặc áo xanh và những chiến sĩ công an mặc áo vàng (tức cảnh sát giao thông)”. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng ông sáng tác bài này vì khi đó ông làm ở Đài Tiếng nói Việt Nam nên đón được ý “trên”: Dù bị ném bom nhưng sinh hoạt của thủ đô nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vẫn diễn ra bình thường, đèn đỏ, đèn xanh vẫn bật, tàu điện vẫn leng keng.
Sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975, cán bộ miền Bắc vào Sài Gòn công tác vác xe Honda, xe đạp ra khiến xe cộ Hà Nội tăng đột biến nên thành phố cho lắp thêm đèn tín hiệu. Chỉ có điều thời điểm đó thường xuyên mất điện nên đèn tín hiệu có cũng như không. Và cảnh sát giao thông đành phải điều khiển bằng tay, nhiều người tay dẻo như diễn viên múa.
Phụ lục
Nội dung thông tư hướng dẫn đèn tín hiệu giao thông của Bộ Công an
ĐÈN ĐỎ BÁO HIỆU: Dừng lại! Khi đèn đỏ bật sáng, thì: Xe cộ phải dừng lại trước hàng đanh (đinh) thứ nhất của ngã tư và có thể rẽ phải nếu trước mặt không bị vướng, nhưng phải báo hiệu rẽ phải. Người đi bộ phải dừng lại trên hè phố, không được sang ngang đường.
ĐÈN VÀNG BÁO HIỆU: Chú ý dừng lại! Hoặc: Chú ý, chuẩn bị đi! Nếu đèn vàng bật lên sau đèn xanh thì báo hiệu “chú ý, dừng lại”, vì tiếp đó đèn đỏ sẽ sáng.Trong trường hợp này: Xe cộ phải dừng lại trước hàng đanh thứ nhất của ngã tư, trừ những xe đã vượt qua hàng đanh thứ nhất khi đèn vàng vừa bật sáng, thì vẫn tiếp tục đi. Người đi bộ phải dừng lại trên hè phố, trừ những người đã bước xuống lòng đường khi đèn vàng vừa bật sáng, thì vẫn tiếp tục đi. Nếu đèn vàng bật lên sau đèn đỏ, thì báo hiệu “chú ý, chuẩn bị đi”, vì tiếp đó, đèn xanh sẽ sáng. Trong trường hợp này, xe cộ và người đi bộ đều chuẩn bị để đi qua ngã tư.
ĐÈN XANH BÁO HIỆU: Đi! Khi đèn xanh bật sáng, thì: Xe cộ từ từ đi thẳng qua ngã tư và có thể rẽ phải, rẽ trái hoặc quay đầu lại, nếu trước mặt không bị vướng, nhưng phải báo hiệu rẽ phải, rẽ trái, hoặc quay đầu lại. Người đi bộ đi ngang qua đường trong giới hạn của hai hành đanh, tức là trong phần đường dành riêng cho người đi bộ.
ĐÈN VÀNG NHẤP NHÁY LIÊN TỤC BÁO HIỆU: Chú ý nguy hiểm, ưu tiên cho xe bên phải. Khi đèn vàng nhấp nháy liên tục, xe cộ phải giảm tốc độ, báo hiệu bằng còi (ban ngày) hay đèn (ban đêm) trước khi qua ngã ba, ngã tư đó và phải chú ý nhường ưu tiên cho xe bên phải.
CHÚ Ý: Đặc biệt xe chữa cháy đang đi làm nhiệm vụ có quyền ưu tiên qua ngã tư, kể cả khi có tín hiệu đèn đỏ hay đèn vàng, nhưng phải rú còi liên tiếp từ xa và chú ý đề phòng tai nạn. Các xe cộ khác và người đi bộ phải lập tức nhường đường cho xe chữa cháy.
Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.net
Dtruyen.com đổi tên miền thành Dtruyen.net. Độc giả ghi nhớ để truy cập.