Đông Phương Thần Thánh Đế Quốc

Chương 81: ĐỆ TRÌNH THƯ HÀM NGOẠI GIAO

Giang Hoài Ngọc

20/03/2013

Lại nói, khi trông thấy Lục Tinh cấp chiến hạm của Hải quân Đế quốc, bọn Louis Đệ Tam đều giật mình thảng thốt. Hồi lâu, Ferdinand Caracciolo bật thốt :

- Chúa ơi ! Thần Thánh Đế quốc làm sao mà tạo được thuyền lớn thế này cơ chứ ? Chẳng lẽ là ân tứ của Chúa ?

Lúc này, David Ben Dayan đã trở về thuyền, nghe nói vậy liền cười nhạt nói :

- Nên nhớ đây là Đế quốc, là Thần Thánh Đế quốc. Thánh hoàng là thần thánh, chủ tể cả thiên địa. Còn Chúa thì … Ở Đế quốc, chẳng có mấy người tín Chúa. Số lượng người Do Thái chúng ta còn đông hơn số người tín Chúa Cơ Đốc.

George Đệ Nhất ôn tồn nói :

- Đây là đất nước của truyền thuyết, xuất hiện kỳ tích gì cũng không phải là lạ. Với lãnh thổ rộng mênh mông của Thần Thánh Đế quốc, e rằng Đế quốc của người Mông Cổ cũng không thể sánh kịp.

Người Mông Cổ xây dựng một Đế chế rộng mênh mông từ Âu sang Á, lúc mạnh nhất có lãnh thổ rộng đến 33 triệu kilômét vuông. Người Mông Cổ cũng là cơn ác mộng của Âu châu thời Trung Cổ. Đế quốc của người Mông Cổ ở Trung Hoa là nhà Nguyên đã bị nhà Minh tiêu diệt vào năm 1368, nhưng Bắc Nguyên vẫn tồn tại trên thảo nguyên bên ngoài Trường Thành cho đến năm 1635. Kim Trướng Hãn quốc ở Nga và Đông Âu tồn tại cho đến năm 1502. Sát Hợp Đài Hãn quốc (Chagatai) có lãnh thổ kéo dài từ sông Amu Darya ở phía nam của biển Aral cho đến dãy núi Altai ở biên giới Mông Cổ và Trung Hoa ngày nay, tồn tại cho đến tận năm 1687. Còn Đế quốc của Timur (Timurid Empire) - đế chế bao gồm toàn bộ Trung Á, cũng như phần lớn của Pakistan, Ấn Độ, Lưỡng Hà, Tiểu Á và Caucasus - bị tan rã năm 1526, thì một vị hoàng tử là Babur đã chiếm Ấn Độ, thành lập Đế chế Mughal tồn tại đến năm 1857 (khi bị Anh xâm chiếm). Nói chung, đối với Âu châu lúc này, thế lực của người Mông Cổ ở phía đông vẫn còn rất mạnh.

Nghe nhắc đến người Mông Cổ, David Ben Dayan nói thêm :

- Ta nghe nói người Mông Cổ ở phương bắc có nộp cống cho Đế quốc.

Trong lúc bọn Louis Đệ Tam kinh ngạc thì thuyền rời cảng Long Sơn, tiến vào Gia Định Giang, thẳng về Gia Định Thành. Sông này nơi rộng nhất lên đến hàng nghìn mét, nơi hẹp nhất cũng vài trăm mét, sâu từ 15 – 20 mét, đủ cho nhiều thuyền lớn qua lại.

Trên hành trình đến Gia Định, ấn tượng sâu sắc nhất đối với bọn Louis Đệ Tam là mỗi tòa thành của Thần Thánh Đế quốc đều được xây dựng cao lớn kiến cố, nhiều bức tường thành dày hơn chục mét, cao hơn chục mét, khiến bọn họ không thể tưởng tượng được phải có quân đội như thế nào mới có thể công chiếm được những thành thị kiên cố đến như thế. Các tường thành ở Âu châu tuy cũng có nhiều nơi cao đến hơn chục mét, nhưng độ dày chỉ khoảng 4 mét trở lại. Thậm chí nhiều bức tường thành chỉ dày hơn 1 mét, sau khi bị máy bắn đá bắn vài lần là sập xuống. Có thể chỉ có tường thành của Constantinople là có thể sánh được (khi bị người Ottoman bao vây thành phố năm 1371, người Byzantine giữ được đến 82 năm, mãi đến năm 1453 mới thất thủ).



Ngoài ra, Louis Đệ Tam thì rất hứng thú với sự hưởng thụ của giới quý tộc ở Đế quốc, còn George Đệ Nhất thì hứng thú nhất với các thư viện của Thần Thánh Đế quốc. Mỗi khi nghĩ đến kho sách đồ sộ trong các thư viện, George Đệ Nhất không khỏi say mê, thầm nhủ phải cố gắng mua thật nhiều sách của Thần Thánh Đế quốc, mang về Trento xây dựng một thư viện quy mô như vậy. Hiện tại Âu châu vẫn còn trong giai đoạn cuối của ‘Đêm dài Trung Cổ’, văn hóa không những không phát triển mà còn thụt lùi so với thời Đế quốc La Mã Cổ đại.

Thuyền cập cảng Gia Định. Đứng trên bến cảng rộng lớn, nhìn về tòa thành cao lớn ở phía xa, David Ben Dayan nói :

- Chúng ta đến Gia Định rồi đấy.

Là thần dân của Đế quốc, mỗi khi đứng trước Gia Định Thành giới thiệu với người mới đến lần đầu, David Ben Dayan cũng giống như những thần dân khác của Đế quốc, đều cảm thấy vô cùng hãnh diện. Người Do Thái mấy nghìn năm nay không có Tổ quốc, nên giờ đây David Ben Dayan đã xem Đế quốc như Tổ quốc của mình. Dù sao thì Jerusalem cũng là một phần của Đế quốc, và Đế quốc là nơi duy nhất người Do Thái được đối xử bình đẳng với những dân tộc khác, thậm chí bọn họ còn được tham gia quản lý Jerusalem, thánh địa của các dân tộc quanh Địa Trung Hải.

- Đây quả là một tòa thành thị vĩ đại.

Khi đi đến gần Gia Định Thành, George Đệ Nhất bất giác quay sang nói với David Ben Dayan. Ở Âu châu cũng có nhiều tòa đại thành thị, nhưng không có nơi nào sánh được với Gia Định Thành, không chỉ với quy mô kiến trúc mà còn cả sự phồn hoa thịnh vượng. Chỉ cần nhìn cảnh tàu thuyền nhộn nhịp nơi bến cảng cũng thấy được phẩn nào sự giàu mạnh của Gia Định Thành. Đặc biệt, lão còn phát hiện người Đế quốc rất chú trọng kỷ luật và trật tự. Nhà cửa ở Đế quốc đều được xây dựng ngay hàng thẳng lối, đường xá thẳng tắp, phố thị sạch sẽ, náo nhiệt nhưng không hỗn loạn.

Khi đi qua khỏi thành môn, bọn họ nhìn thấy hiện ra trước mắt những đường phố rộng lớn và thẳng tắp, phố xá phồn hoa vô cùng. Hai bên đường, các cửa hiệu trưng bày đầy hàng hóa, đủ mọi chủng loại, người mua kẻ bán nhộn nhịp. Người xe qua lại tấp nập, đông đúc nhưng trật tự. David Ben Dayan nhắc nhở bọn Louis Đệ Tam :

- Các vị phải đi về phía bên phải để khỏi cản trở giao thông.

Tiếp đó, y đưa bọn Louis Đệ Tam đến liên hệ với Ngoại vụ ty thuộc Chính vụ bộ, đệ trình thư hàm ngoại giao. Thư hàm nhân danh Louis Đệ Nhị, Công tước xứ Anjou, Bá tước xứ Provence, Bá tước xứ Maine, Vua của Napoli (danh nghĩa), Vua của Sicily (danh nghĩa), lãnh chủ xứ Guise. Đó là tất cả các danh hiệu mà Louis Đệ Nhị có được. Đúng ra Louis Đệ Nhị còn có danh hiệu Vua của Jerusalem (đương nhiên cũng trên danh nghĩa), nhưng đã bỏ đi để tránh xung đột với Thần Thánh Đế quốc. Ngoài ra còn có thư hàm ngoại giao của Vua Pháp, bởi Louis Đệ Nhị là em họ của Vua Pháp Charles Đệ Lục (cả hai cùng là cháu nội của vua John Đệ Nhị, cha họ là anh em ruột). Đồng thời, George Đệ Nhất cũng trình công hàm của giáo chủ Công giáo La Mã Gregorius XII. Các thư hàm đều bày tỏ ý nguyện muốn thông sứ với Thần Thánh Đế quốc, đó chỉ là phần công khai, còn những phần bí mật khác sẽ cần thảo luận sau.

Ngoại vụ ty cử Chính sứ tiếp đãi George Đệ Nhất, còn Phó sứ tiếp đãi Louis Đệ Tam. Chính phó sứ là quan viên đứng đầu Ngoại vụ ty, phẩm cấp còn cao hơn Chính phó sứ của các Chính vụ ty cấp tỉnh nửa cấp, nên tiếp đãi sứ đoàn là hợp lễ. George Đệ Nhất bản thân là Vương tử - Giám mục, thân phận cao quý hơn Louis Đệ Tam (và cả Louis Đệ Nhị nếu như bỏ đi các tước vị danh nghĩa), do đó được Chính sứ tiếp đãi. Trong lúc Ngoại vụ ty lo đón tiếp sứ đoàn, báo cáo về sự việc cũng đã được khẩn cấp đưa vào Trường Thanh Cung để trình lên Giang Phong.

Tử Tiêu Điện.

Quảng Tế Pháp sư cầm báo cáo của Ngoại vụ ty tấu trình với Giang Phong, rồi nói :



- Thánh hoàng. Sứ đoàn của Napoli đã đến Gia Định. Thật ra sứ đoàn không phải là của Napoli mà đến từ Anjou. Theo luật thừa kế ở Âu châu thì ngôi vua của Napoli đúng ra phải thuộc về Louis Đệ Nhất. Nữ vương Joanna Đệ Nhất của Napoli chọn Louis Đệ Nhất làm người thừa kế. Nhưng Charles Đệ Tam đã đem quân cướp ngôi, giết hại Joanna Đệ Nhất. Louis Đệ Nhất, rồi con trai là Louis Đệ Nhị đã nhiều lần mang quân về giành lại ngôi vua, nhưng đều thất bại. Charles Đệ Tam qua đời, truyền ngôi cho con trai là Ladislaus. Chính gã Ladislaus này càng hiếu chiến hơn, vào các năm Mậu Tý (1408), Canh Dần (1410) và Quý Tỵ (1413) đã đánh chiếm thành La Mã, trục xuất các giáo chủ Gregorius XII và John XXIII của Công giáo La Mã, riêng lần thứ hai có buộc John XXIII bồi thường 10 vạn florin, ước khoảng 9 vạn 909 kim tệ. Theo tin tức thu được, John XXIII đã chạy khỏi Roma đi cầu cứu với Hoàng đế La – Đức, và đang chuẩn bị triệu tập Công đồng ở Constance.

Giang Phong cau mày hỏi :

- Vậy sao công hàm lại là của Gregorius XII ?

Quảng Tế Pháp sư nói :

- Khải tấu Thánh hoàng. Hiện ở Công giáo La Mã có đến 3 vị giáo chủ : Gregorius XII lên ngôi ở La Mã; John XXIII tuy cũng lên ngôi ở La Mã, nhưng kế vị từ Alexander V của Pisa; và Benedicto XIII lên ngôi ở Avignon. Do đó chỉ có Gregorius XII được xem là chính thống.

Giang Phong nói :

- Vấn đề tôn giáo để bọn họ tự giải quyết lấy, bản triều không nên can thiệp vào, miễn sao đừng ảnh hưởng đến lợi ích của bản triều thì thôi.

Quảng Tế Pháp sư cung kính vâng dạ, rồi hỏi :

- Thánh hoàng có định tiếp kiến George Đệ Nhất và Louis Đệ Tam không ạ ?

Giang Phong ngẫm nghĩ giây lát rồi nói :

- Vụ này các khanh cứ chiếu phép xử lý. Khi nào xong hết rồi trẫm sẽ triệu kiến bọn họ.

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.net

truyện trọng sinh
truyện ngôn tình

Dtruyen.com đổi tên miền thành Dtruyen.net. Độc giả ghi nhớ để truy cập.

truyện bách hợp

Nhận xét của độc giả về truyện Đông Phương Thần Thánh Đế Quốc

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook