Giam Cầm Nàng Dưới Màn Trướng

Chương 4:

Uyên Tú Tú

18/11/2024

Phùng Quý suy nghĩ một lát, từ từ kể: "Hồi gia chủ, năm ngoái huynh trưởng Dương nương tử là Dương Duyên vì cứu Tam lang trên chiến trường mà phải bỏ mạng, chỉ lưu lại mỗi một muội muội là Dương nương tử. Tam lang cảm kích hắn xả thân cứu giúp nên mới dốc lòng dò la, sau đó đích thân đến Văn Thủy đón Dương nương tử vào phủ."

"Thời điểm đó gia chủ đang ra bắc chống lại Hề tộc, sau khi khải hoàn hồi triều thì đi thẳng về Tấn Châu, mấy tháng nay không thường xuyên trở về, đương nhiên không biết rõ việc này. Lại nói, Dương nương tử đích thực là một kỳ nữ, thường ngày dù được Thái phu nhân cùng Tam Lang quan tâm nhưng nàng không muốn cẩm y ngọc thực yên ổn sống qua ngày, ngược lại thường xuyên giúp đỡ hạ nhân trong phủ, cũng không biết đến cùng nàng đang nghĩ gì. Dương nương tử khéo léo, viện tử được nàng bài bố vừa chỉnh tề vừa trang nhã, trà quả điểm tâm nàng làm hương vị rất ngon, tiểu nương tử và Tổ nương tử đều rất thích."

Ngoài cửa sổ bụi trúc đan xen, cái bóng hắt lên màn cửa lụa mỏng theo gió lay động. Tống Hành khoanh tay nhìn bóng trúc phía trước cửa sổ, không biết là đang nghĩ gì.

Phùng Quý không đoán được tâm tư hắn, đành nói tiếp lời vừa rồi: "Tháng mười một năm ngoái, Dương nương tử không cẩn thận bị ngã đập đầu trong đêm, sau đó nàng bệnh rất nặng, đến khi tỉnh lại thì quên sạch mọi chuyện lúc trước, cũng không nhận ra được ai. Y sư đến bắt bệnh nói đầu Dương nương tử có khối máu tụ, ngã nứt xương. Thái phu nhân nghe tin, thấy nàng ốm yếu đáng thương, cố ý đưa Trương mụ đến chăm sóc, nhưng từ khi Dương nương tử khỏe lại, nàng lấy cớ không quen được người khác hầu hạ, trả lui tỳ nữ thiếp thân cùng Trương mụ, tính tình cũng không trầm buồn như trước."

Tống Hành nghe vậy lông mày hơi động, xoay người ngồi xuống trước giá sách, mở ra một cuốn, rũ mắt, ngữ khí thường thường: "Nói tiếp đi."

Phùng Quý không biết rốt cuộc gia chủ muốn nghe điều gì, dù có tài ăn nói trơn tru nhưng cũng không đủ sức để tiếp. Hắn tạm coi như gia chủ nổi lên hứng thú với Dương nương tử đẹp tựa thiên tiên, nương theo suy nghĩ này, nói tiếp: "Theo nô thấy, chẳng những Dương nương tử lớn lên xinh đẹp..."

Hắn vụng trộm quan sát biểu tình của gia chủ, thấy ngài mặt mày không đổi, hẳn là tán thành với những lời này, Phùng Quý ngộ ra nguyên do, lộ ra nụ cười ngốc nghếch.

"Tính cách cũng rất tốt. Tạm thời không nhắc đến chuyện lúc trước nàng cư xử khiêm tốn lễ độ, cũng không chen vào chuyện người khác. Mới cách đây hai ngày, Hoán Trúc được Thái phu nhân sai đến thiện phòng thỉnh Dương nương tử đi một chuyến đến Thúy Trúc cư, vừa vặn trên đường gặp trời mưa, Hoán Trúc không mang ô bị mưa làm ướt hết y phục, Dương nương tử vừa thấy trước hết dặn nàng lau khô tóc, uống chén canh gừng xong hẵng về, còn nói nàng sẽ tự bẩm báo lại chuyện này với Thái phu nhân. Phàm là tỳ nữ lão bà trong phủ, sợ cũng không mấy ai lại bất hòa với nàng."

Vốn là lời khen ngợi tốt đẹp, nhưng vào tai Tống Hành lại khơi dậy bệnh đa nghi của hắn, đáy mắt khi không lại hiện thêm một tầng âm u, hừ lạnh trầm giọng nói: "Cho nên, nàng rất được lòng mọi người trong phủ."

"Mai tìm người phù hợp đi Văn Thủy điều tra thật kỹ, xác minh rõ ràng thân phận hai huynh muội bọn họ."

Phùng Quý đoán trước thân phận hai huynh muội nàng nhất định đã được người của Tam lang và Thái phu nhân kiểm chứng qua, kỳ thực không có sai sót lớn nào, nhưng gia chủ lại phân phó hắn điều tra cẩn thận chắc hẳn là vì suy tính riêng, hắn cớ gì lại không tận tâm thuận theo phó thác.

"Gia chủ đừng lo, nô chắc chắn sẽ làm tốt việc này." Phùng Quý quả quyết.

Tống Hành nghe vậy sắc mặt hơi dịu xuống, đột nhiên nghĩ tới điều gì đó, lại hỏi: "Chuyện giữa ngươi và Hoán Trúc đã định ra chưa?"

Phùng Quý nghe xong không khỏi thụ sủng nhược kinh, thầm nghĩ tự khi nào gia chủ lại có lòng hỏi đến việc nhỏ, tỷ như chuyện hôm nay, bèn cười đáp: "Nhờ phúc gia chủ, Thái phu nhân bên kia đã đồng ý, đợi sang năm Hoán Trúc tròn hai mươi tuổi sẽ gả nàng làm tân phụ của nô."

Tống Hành nhàn nhạt "ừ" một tiếng, lười nói thêm nữa, phất tay hiệu hắn lui ra.

"Nô xin cáo lui." Phùng Quý chắp tay trước ngực hành lễ, xoay người đẩy cửa ra ngoài, tâm tình không tồi, vừa ngâm nga hát vừa rời khỏi Thối Hàn cư.

Ngoài cửa sổ, sương rơi càng lúc càng nặng hạt, vầng trăng sáng treo cao trên bầu trời, Thi Yến Vi tháo trang sức cởi áo, rửa mặt xong, nàng đi qua thổi tắt ngọn nến, nằm lên giường nghỉ ngơi.

Khúc nhạc được nghe tối nay vẫn còn quanh quẩn trong đầu, thầm nghĩ chờ tới ngày nàng đến Cẩm Quan thành, nhất định phải tìm phổ túc nghiêm túc học tập, nếu trời cao rủ lòng thương, giúp nàng tìm được con đường trở về hiện đại, đàn khúc nhạc này cho Trần Nhượng nghe, bảo đảm hắn sẽ rất mừng.

Nghĩ đến Trần Nhượng thì sao có thể không nghĩ đến cha mẹ và nhóm chị em tốt của mình. Ngoài cửa sổ gió đêm nhu hòa, vạn vật chìm trong im lặng, tâm trạng Thi Yến Vi vô duyên vô cớ trĩu xuống, khóe mắt hơi ướt, nằm trên giường trằn trọc hồi lâu mới mê man ngủ được.

Sáng sớm hôm sau, chân trời nổi lên vệt trắng, Thi Yến Vi liền bị đồng hồ sinh học chuyên nghiệp của nguyên thân đánh thức, rửa mặt xong thì ngồi trước gương trang điểm dùng trâm cài búi tóc, thay trung y tay bó, áo ngoài tay lửng màu xanh lục, váy cao đến hông. Vì tối qua ngủ không ngon giấc nên khí sắc khó tránh khỏi có phần tiều tụy, nàng điểm thêm chút son phấn để che đi, thoạt nhìn có tinh thần hơn đôi chút.

Thiện phòng nhiều việc, nàng lại có mối quan hệ tốt với vài vị nương tử bên trong nên vào mỗi buổi sáng đều thường sẽ qua thiện phòng giúp đỡ.



Hôm qua Tống Thanh Hòa đã ăn đủ sơn trân hải vị nên sáng nay đặc biệt sai người tới yêu cầu mấy món ăn thanh đạm. Lưu mụ luộc rau dưa nấu cháo, nhờ Thi Yến Vi hấp dùm mấy cái màn thầu bí đỏ.

Thái phu nhân muốn dùng thức ăn chay. Hỉ Nhi bận rộn cắt đậu phụ ngâm nấm khô. Tống Hành lúc hành quân thường ăn rau dại luộc, cả lá lẫn thân cành đều nuốt xuống được, xưa nay không bắt bẻ vấn đề ăn uống, cũng không có yêu cầu đặc biệt nào, nhà bếp cứ dựa theo ý Tam lang rồi đưa một phần đến cho hắn là được.

Riêng viện Tống Minh là khó hầu hạ nhất. Các phòng thiếp thất của hắn có đủ các kiểu khẩu vị khác nhau, việc chuẩn bị cũng phải làm hết sức, quanh năm suốt tháng nếu không vì hai lần tiền thưởng thì cố lắm cũng không được một tiếng cảm ơn.

Thi Yến Vi nhào trộn bí đỏ rồi bỏ vào chậu lên men, khoảng mười lăm phút sau thì bỏ vào nồi hấp. Màn thầu bí đỏ hấp xong vừa thơm vừa mềm, Tiểu Phiến, người của phòng Tống Thanh Hòa từ gian ngoài đi vào, cách cửa sổ vui vẻ hỏi những người bên trong xem bữa sáng của Nhị nương đã được chuẩn bị ổn thỏa chưa.

Lưu mụ vội mời nàng tiến vào, Thi Yến Vi đang bỏ đồ ăn vào hộp đựng, Tiểu Phiến móc ra từ trong ngực mấy túi vải căng phồng phát ra âm thanh leng keng, đoán chừng là tiếng mấy đồng tiền va đập vào nhau, lại cười nói: "Hôm qua nương tử tận hứng, đây là tiền thưởng của mọi người."

Vừa nói vừa thả túi tiền vào tay Lưu mụ, quay sang nói với Thi Yến Vi: "Nếu không phải đêm qua trời đã quá muộn, biết đâu được tiểu nương tử còn muốn chơi một ván cờ song lục [1] với Dương nương tử. Không biết tối nay Dương nương tử có thời gian rảnh không, sang bên kia bồi tiểu nương tử một lúc?"

[1] cờ song lục: (Backgammon) hay còn gọi là cờ Tào Cáo là một trong những môn cờ cổ xưa nhất thế giới. Backgammo là trò chơi dành cho hai người chơi với lối chơi khá đơn giản. Mỗi người chơi có 15 quân cờ. Người chơi cần phải di chuyển các quân cờ xung quanh bàn để đưa về sân chơi của mình, sau đó lấy toàn bộ chúng ra khỏi bàn. Người chiến thắng sẽ là người đầu tiên thoát hết các quân cờ của mình.

Tục ngữ có câu: cắn người miệng mềm, bắt người tay ngắn [2], nhìn phân lượng túi khai nguyên thông bảo [3] trong tay Lưu mụ thì cũng không có lý do gì để từ chối. Huống chi đêm rộng tháng dài, trừ bỏ đọc sách đi ngủ thì nàng cũng không có việc gì làm, chơi song lục vừa hay là cách để giết thời gian.

[2] cắn người miệng mềm, bắt người tay ngắn: nghĩa là ăn của người ta, thì nói năng với người ta cũng mềm mỏng hơn.

[3] khai nguyên thông bảo: là một loại xu đúc của Nhà Đường, được phát hành từ năm 621 dưới thời của Đường Cao Tổ và vẫn được tiếp tục đúc và lưu hành trong hầu hết các đời Hoàng đế Nhà Đường cho đến tận năm 907.

"Đương nhiên là có thời gian. Em cứ về trước nói với tiểu nương tử, cơm nước xong, nghỉ ngơi một lát rồi ta sang ngay." Thi Yến Vi vừa nói vừa đem hộp thức ăn sơn mài dúi vào tay Tiểu Phiến.

Tiểu Phiến cười nhận lấy hộp đồ ăn, mặt khác hàn huyên với mọi người hai câu rồi rời đi.

Một lúc sau, các viện tử khác cũng phái người tới lấy đồ ăn sáng. Tỳ nữ trong phòng Tiết phu nhân và Tống Hành lúc tới cũng mang theo tiền thưởng. Lưu mụ phân chia lại cho đám người ở thiện phòng, quả không nói chơi.

Bên phòng Thối Hàn cư, Tống Hành tùy tiện ăn một chén gà xé sợi cùng một ít thịt dê nướng, uống trà súc miệng xong, ngẩng cao đầu bước ra khỏi cửa phủ, xoay người lên ngựa phóng như bay về hướng quân trung.

Giờ Dậu mặt trời lặn, đường chân trời ám đỏ như máu, ánh tà hương nhợt nhạt bao phủ dãy núi xa, Tống Hành cưỡi ngựa về phủ, lập tức đi về Thúy Trúc cư.

Thụy Thánh vén rèm mời người đi vào. Tiết phu nhân đang ngồi trên ghế thiền một tay lần chuỗi Phật châu, một tay gõ trên mõ nhỏ, mãi đến khi Tống Hành gọi một tiếng "a bà", lúc này mới gác mộc chùy, từ từ mở mắt nhìn hắn.

Tiết phu nhân liếc nhìn hắn, hỏi: "Sao cháu lại đến đây giờ này, đã ăn tối chưa?"

Tống Hành vẫn là dáng vẻ ít khi nói cười như thường lệ, ngữ điệu bình bình đáp: "Dạ chưa, nhưng mỗ có thể ăn ở chỗ a bà, a bà đừng ngại mỗ là được."

Tiết phu nhân vừa nghe đã thấy buồn cười, gương mặt hiền từ như vầng trăng ngày rằm, cười nói: "Không biết học được mấy lời bông đùa ở đâu ra, còn chạy tới đây chọc cười lão thân. Muốn ăn gì thì nói, lão thân sợ cháu không quen mấy món đồ chay kia."

Tổ tôn hai người nói chuyện qua lại với nhau khiến Sơ Vũ đi theo không khỏi cười khẽ, tiến lên thu lại mõ và mộc chùy rồi lui ra ngoài khép cửa. Nàng phân phó Quy Vân đi phòng bếp truyền thiện, dặn dò mang thêm hai món tới.

Lư hương mạ vàng chạm hoa sen đang đốt trầm thủy hương, trong phòng chỉ còn lại tổ tôn hai người, Tống Hành ngửi mùi thơm nhàn nhạt, nhắm mắt bình tĩnh nói: "Mạnh cửu sai người cưỡi khoái mã đến truyền tin, báo hôm trước hắn đã đi qua Phần Châu, khoảng chừng đêm nay sẽ đặt chân đến Văn Thủy, hai ngày sau có thể đến được Thái Nguyên."



Mạnh Cửu lang Mạnh Lê Xuyên, phu quân bào muội Tống Thanh Âm của Tống Hành, ba năm trước được phái về phía Tây, thăng thành thái thường thiếu khanh chính tứ phẩm, chưởng quản việc cúng tế của hoàng thất tông miếu, chỉ có hư chức nhưng không có thực quyền, tiếng là xem trọng hai nhà Mạnh, Trọng nên đặc biệt đề bạt hắn nhưng thực ra là nhằm mục đích đặt người dưới mí mắt canh chừng. Thê tử Tống Thanh Âm càng được xem là con bài lớn để kìm kẹp, kiềm chế thế lực Tống Hành đang ngày một bành trướng.

Từ khi Tống Thanh Âm theo Mạnh Lê Xuyên rời khỏi Thái Nguyên đi Trường An nhậm chức, Tiết phu nhân thường xuyên lo lắng thở dài, e sợ người nào đó ở cạnh thánh nhân vì ngờ vực Nhị Lang mà khiến quân thần kiêng kị, nhất thời tức giận bắt một nhà ba người Đại nương khai đao.

Xưa nay Nhị lang nhân từ hiếu thảo, coi trọng nhất là cốt nhục thân tình, hắn mất mẹ khi ngoài hai mươi tuổi nên càng thêm trân trọng hai người bào đệ bào muội là Đại nương và Tam lang, đến cả đường muội chưa xuất các như Nhị nương cũng được hắn xem như trân bảo mà đối xử.

Hành động và tâm tư thánh nhân, đến một nữ nhân trong nhà như bà còn có thể nghĩ ra một vài điều thì sao Nhị lang có thể không hiểu thấu.

Tính tình Nhị lang như con mắt không chịu nổi hạt cát, nhưng vì để bảo vệ chu toàn cả nhà Tống Thanh Âm, nhẫn nhịn ba năm chưa dám hành động thiếu suy nghĩ, cho đến năm ngoái đả bại Hề tộc khải hoàn hồi triều, dùng chiến công hiển hách đứng ở thượng đường tạo áp lực lên thánh nhân, yêu cầu để Mạnh Lê Xuyên đến phủ Thái Nguyên, nhậm chức thiếu doãn tứ phẩm.

Đương thời Trung Nguyên suy thoái, triều đình thế yếu, chật vật kéo hơi tàn trong sự giằng co thế lực giữa Hà Đông tiết độ sứ Tống Hành và Tuyên Võ tiết độ sứ Giang Tiều. Lần này hắn hạ nước cờ cuối cùng, thánh nhân chấp nhận thỏa hiệp, cuối năm vừa rồi đã cách chức, để Mạnh Lê Xuyên thành thiếu doãn phủ Thái Nguyên chính tứ phẩm, tháng hai mùa xuân sang năm được rời kinh nhậm chức.

Lại nói về tiết độ sứ Giang Tiều của Tuyên Võ. Hắn là người Bộc Châu, tổ tiên kinh thương lập nghiệp. Thời điểm này tiết độ sứ tam trấn Bình Lư, Phạm Dương, Lũng Hữu hợp lực mưu phản. Trung Nguyên đại loạn, Huyền Tông dắt theo Quý phi, hoàng tộc tông thất trốn về đất Thục. Giang gia chịu ảnh hưởng của chiến loạn, việc kinh doanh xuống dốc không phanh, đến thời phụ thân Gia Tiều thì chỉ có thể làm ăn nhỏ lẻ.

Giang Tiều từ nhỏ tập võ, thân thủ đáng nể. Hắn ôm tham vọng lớn, đầu nhập quân khởi nghĩa, những năm đầu lập được không ít chiến công, dần được coi trọng. Vì quân khởi nghĩa giỏi nhất là tác chiến cơ động và thu phục nhân tâm nên ngày càng lớn mạnh, chỉ mấy năm sau đã tập hợp được hơn mười vạn binh mã thẳng tiến về thành Trường An. Một đường thế như chẻ tre, giết chết vô số sĩ tộc môn phiệt, có thể nói máu chảy thành sông, bức cho tiên đế phải hoảng sợ bỏ chạy.

Gia phụ Tống Hành là Tống Lâm hay tin, dẫn đầu xuất binh đến Hà Đông cứu giá. Ngay sau đó có không ít tiết độ sứ các vùng khác tranh nhau xuất binh bao vây, tiêu trừ phản quân, nghênh giá tiên đế trở về Trường An. Giang Tiều nếm mùi thất bại ở Hoa Âm, đầu hàng tiết độ sứ Hà Trung, được phong làm phó tướng, cùng Tống Giới ở Hà Nam, Thần Đô ở Lạc Dương liên hợp chống lại quân khởi nghĩa, chiêu an người có tâm quy hàng. Hai năm sau, quân khởi nghĩa đầu hàng triều đình, Giang Tiều dâng thủ cấp thủ lĩnh phản quân trước mặt tiên đế, được phong thành tiết độ sứ Tuyên Võ.

Lúc này, Hà Đông tiết độ sứ Tống Lâm, Tuyên Võ tiết độ sứ Giang Tiều, Lũng Hữu tiết độ sứ Vương Trinh tạo thành thế chân vạc, khống chế Quan Lũng.

Về sau Vương Trinh suy yếu, Tống Lâm bệnh nặng qua đời, Tống Hành tiếp quản địa vị tiết độ sứ Hà Đông, hoàn thành di nguyện phụ thân công phá Bình Lư, Chấn Võ, địa vị ngang bằng Giang Tiều ở phía nam Hoàng Hà.

Tiết phu nhân không phải kiểu phụ nhân cả ngày chỉ lo chuyện hậu trạch, sống mấy chục năm đọc qua không ít sách sử điển tịch, hình thái thiên hạ hiện giờ bà nhìn đã rõ rành rành, triều đình sụp đổ e là chuyện của mấy năm nữa thôi.

Đã nghe câu: "Tần thất kì lộc, thiên hạ cộng trục chi" [4]

[4] Tần thất kì lộc, thiên hạ cộng trục chi: Vua Tần mất hươu, cả thiên hạ đuổi bắt.

Giờ những thứ cản tay đã bị loại bỏ, lão hươu Giang Tiều này, Nhị lang nhất định phải bắt được.

Nụ cười trên mặt Tiết phu nhân càng sâu, bà khẽ nhắm mắt, ý vị thâm trường nói: "Đại nương có a huynh như cháu, tương lai ắt có vận may lớn chờ nàng."

Một ngày nào đó nếu nàng được tôn thành trưởng công chúa chẳng phải là vận may lớn hay sao. Dứt lời, bà mỉm cười với Tống Hành, lòng hiểu rõ nhưng không nói thẳng ra.

Tỳ nữ đi vào bày biện thức ăn, Tống Hành bị món điểm tâm hình hoa sen bày đặt trên dĩa nhỏ bạch sứ mạ vàng hấp dẫn tầm mắt, trong đầu không khỏi hiện ra những lời đêm qua Phùng Quý đã nói cho hắn nghe.

"Kể từ khi Dương nương tử tới phủ thì lão thân mới có lộc ăn món hà hoa tô này. [5] Cũng không biết nàng có tâm tư tinh tế thế nào mới có thể làm ra được món điểm tâm vừa đẹp mắt lại ngon miệng như vậy. Nhị lang ăn cơm xong cũng nếm thử mùi vị xem sao."

[5] hà hoa tô là món bánh cũng được cho là có nguồn gốc tại Hàng Châu (Chiết Giang - Trung Quốc). Tại đây, bánh hoa sen ngàn lớp được ưu ái đặt tên là bánh Hà Hoa Tô.

Giỏi cho tiểu nương tử trời sinh đã có tâm tư khéo léo như vậy, đến a bà nàng cũng dỗ ngon dỗ ngọt được, cũng không biết liệu có phải vì mua danh chuộc tiếng, nâng cao giá trị bản thân hay không?

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.net

truyện ngôn tình full
tuyết ưng lĩnh chủ

Dtruyen.com đổi tên miền thành Dtruyen.net. Độc giả ghi nhớ để truy cập.

truyện full

Nhận xét của độc giả về truyện Giam Cầm Nàng Dưới Màn Trướng

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook