Lễ Tế Mùa Xuân

Chương 11: Chương 3.3

Lục Thu Tra

04/07/2017

Type: Nguyên Nguyễn

[3]

“Tiểu Hưu, em hãy nói thật cho ta biết, có phải ta đã nói sai gì không?”

Quỳ ôm má phải bị Lộ Thân đánh sưng, hỏi vậy.

“Bởi vì không biết giữa ngài và Lộ Thân tỷ tỷ đã xảy chuyện gì nên em cũng không dám đoán bừa. Có điều, cô của Lộ Thân tỷ tỷ vừa mất, ngài lại chuyển đề tài câu chuyện sang phương hướng kỳ lạ như vậy, đúng là không được ổn cho lắm.”

Tiểu Hưu nghiêm túc trả lời theo yêu cầu của Quỳ.

“Thôi, điều tra vẫn quan trọng hơn.”

Nói rồi Quỳ đi về phía nhà kho, Tiểu Hưu theo ngay sau nàng.

Bấy giờ ánh mặt trời chiếu vào phòng đã đủ sáng sủa, chiếu rõ đến từng ngóc ngách nhỏ của căn phòng bởi vậy việc điều tra của Quỳ cũng được tiến hành một cách thuận lợi. Đầu tiên nàng xem xét lại dàn chuông kia một lần nữa. Trên giá treo chuông và thân chuông đều bị phủ một lớp bụi dày. E là từ bốn năm trước khi Quan Vô Dật chuyển cả gia tộc tới nơi đây thì dàn chuông này chưa được dùng tới. Điều này cũng không có gì lạ, dù sao ở thời đại này thì loại nhạc cụ như chuông đã suy tàn đến mức không thể cứu vãn, hiếm có nơi nào dùng nó để tấu nhạc.

Quỳ đi vòng ra phía sau dàn chuông, quan sát những chiếc nỏ và mũi tên mà khi nãy nàng chưa thể ngắm ở khoảng cách gần. Có lẽ chúng không liên quan gì đến vụ án mạng, nhưng Quỳ vẫn coi chúng là một phần của hiện trường vụ án mà không muốn dễ dàng bỏ qua.

Mấy chục năm về trước, Thừa tướng đương nhiệm Công Tôn Hoằng từng đề nghị cấm dân tàng trữ cung nỏ, cho rằng nếu mười tên giặc cướp cầm nỏ chống đối thì dù một trăm quan binh đuổi theo cũng chưa chắc có ai dám bước lên bắt giữ chúng. Nếu trong dân không có cung nỏ, giặc cướp chỉ có thể cầm binh khí ngắn để chống đối, vậy thì chỉ cần quan binh đông hơn là nhất định có thể bắt chúng về quy án. Tuy nhiên Quang Lộc đại phu Thị trung đương nhiệm là Ngô Khâu Thọ Vương lại phản bác đề nghị này. Ngô Khâu Thọ Vương cho rằng, tác dụng của binh khí là “Ngăn ngừa bạo lực, thảo phạt giặc cướp, trong cuộc sống thường ngày thì dùng để chế ngự thú dữ, khi có can qua phòng vệ và chiến đấu . “Hơn nữa, theo lễ cổ, sau khi bé nam ra đời, cần một người dùng cung gỗ dâu và sáu mũi tên làm bằng cỏ bắn về bốn phương trời đất thay cậu bé, cho thấy chí hướng lý tưởng của cậu bé. Tóm lại là, nếu cấm bách tính dùng cung nỏ thì chỉ khiến bọn họ bất lực khi gặp nguy hiểm, cũng ắt phải hủy bỏ lễ cổ do tiên vương lập ra, bởi vậy tuyệt đối không thể thực hiện chính sách này. Đây là chuyện trước khi Quỳ ra đời, song cuộc tranh luận này được lưu truyền khá rộng rãi, khi nàng tập bắn cung đã được nghe người ta nhắc tới, cũng rất tán thành. Thực ra khi phản bác Lộ Thân ở rừng hoang hôm qua, nàng cũng âm thầm dùng quan điểm của Ngô Khâu Thọ Vương.

Có cả thảy bảy chiếc nỏ. Quỳ cầm một chiếc trong đó lên, quan sát cẩn thận. Những chiếc nỏ này đều được bọc trong vỏ đồng, đầu trên cùng được gọi là bộ phận Vọng Sơn, chủ yếu để nhắm bắn. Hai bên Vọng Sơn là răng nỏ, phía dưới là lẫy nỏ. Lẫy nỏ và răng nỏ nối với nhau bằng móc câu. Móc câu ẩn trong vỏ đồng, nhìn từ bên ngoài thì không thấy được. Bốn linh kiện trên đều có khe, khớp chúng lại với nhau thì được nỏ hoàn chỉnh. Khi sử dụng thì trước tiên dùng răng nỏ giữ lấy dây, rồi đặt mũi tên trên cánh nỏ, kéo lẫy, răng nó lộ bên ngoài sẽ thu vào vỏ đồng, dây nỏ căng ra thu về chỗ cũ, mũi tên cũng bắn ra theo.

Theo Quỳ thấy thì toàn bộ quá trình đều chẳng có kỹ thuật gì đáng nói. Với người không đủ thể lực thì dùng nỏ bắn tên cũng không khó, khó là khó ở quá trình kéo dây để giữ nó ở răng nỏ, vì dây nỏ chặt hơn dây cung, cũng khó kéo hơn nhiều. Có điều, khi nỏ được thiết kế người ta đã tính đến vấn đề này – khi kéo dây chỉ cần đặt nỏ trên đất, đạp lên đầu trước cánh nỏ, tay nắm đầu sau là có thể dùng sức lực toàn thân để kéo dây nỏ, động tác này gọi là “quyết trương”.

Tuy hiểu nguyên lý hoạt động và cách thức sử dụng của nỏ, nhưng vì căm ghét nên Quỳ chưa bao giờ thực sự dùng tới nó. Nàng sai Tiểu Hưu nhặt một mũi tên lên, rồi dựa theo phương pháp nói trên, dùng cả tay cả chân gài dây nỏ vào răng nỏ, rồi lấy mũi tên trên tay Tiểu Hưu, lắp lên nỏ, tiện đà nhắm vào vách tường rồi thả lẫy. Tên liền bắn vào vách tường.

“Này lực như vậy, hoàn toàn có thể bắn chết địch thủ trong vòng một trăm bước.”

Quỳ lẩm bẩm.

“Tiểu thư, xin hỏi hành động vừa nãy của tiểu thư có liên quan đến việc điều tra không ạ?”

Tiểu Hưu hỏi không đúng lúc.

“Em biết mỉa mai chủ nhân từ khi nào thế”. Quỳ cầm nỏ chưa lên dây nhắm về phía Tiểu Hưu. “Suốt ngày lắm miệng như vậy, cẩn thận không ta bắn chết em đó.”

“Tiểu thư sẽ không làm chuyện vớ vẩn ấy đâu. Thế nhưng, bây giờ vẫn nên cẩn thận xem xét hiện trường thì hơn. Nếu không lát nữa có thể sẽ bị Lộ Thân tỷ tỷ đánh đó.”

“Được rồi, ta biết rồi. Nhưng em coi đi, thực ra nơi này cũng chẳng có gì hay mà xem xét.” Quỳ nói, “Trước khi em tới, ta vẫn ở hiện trường, những thứ cần thấy thì đều thấy cả rồi. Ta chỉ muốn ở đây để bình tĩnh sắp xếp lại mạch suy nghĩ mà thôi. Thế nên em đừng nói chuyện với ta nữa.”

Tiểu Hưu chẳng biết làm sao, đành gật đầu thật mạnh.

Quỳ lại xem xét chiếc nỏ trong tay.

Gần tới trưa, Lộ Thân quay lại nhà kho, gọi Quỳ tới gian chính ăn cơm. Trước đó, Quỳ cũng chẳng điều tra nghiêm túc, sau khi nghịch nỏ, nàng lại phí không ít thời gian cho dàn chuông cổ. Trong lòng Tiểu Hưu cũng biết chuyện nàng đang làm chẳng liên quan gì đến việc điều tra, song vì mệnh lệnh nên không thể nói ra.

“Việc điều tra của Lộ Thân có tiến triển gì không?”

“Việc điều tra của Tiểu Quỳ có tiến triển gì không?”

Lộ Thân hỏi ngược lại. Nàng vừa đi vào liền nhìn thấy Quỳ đang nghịch chuông, lại nhìn thấy mũi tên cắm trên tường thì âm thầm bất mãn, cuối cùng quyền chủ động đặt câu hỏi lại bị Quỳ cướp đi, nên càng cảm thấy uất ức hơn.

“Ta muốn hỏi một câu, nơi này cất giữ mấy chiếc nỏ?”

“Bảy chiếc. Còn có bảy chiếc đặt ở nhà kho sau gian chính nữa.”

“Hóa ra còn có một nhà kho nữa, sau bữa trưa dẫn ta tới đó xem nhé. Cả gian phòng mà mấy hôm nay Chung phu nhân ở nữa, cũng cần xem xét một chút.”

“Ta sẽ hỏi ý kiến phụ thân.” Lộ Thân ngừng một thoáng rồi nói tiếp: “Vậy giờ xin Tiểu Quỳ hãy trả lời câu hỏi khi nãy của ta, việc điều tra của ngươi có tiến triển gì không?”

“Có một phát hiện.” Quỳ nói, Lộ Thân tỏ vẻ nghi ngờ.

“Nói ta nghe thử xem nào.”

“Chung phu nhân chưa từng chạm vào nỏ và mũi tên, thế nhưng trên dàn chuông lại có dấu vết cho thấy bà từng động vào nó.”

“Đây chính là phát hiện của ngươi sao?” Lộ Thân khinh thường, “Ta đã hỏi phụ thân rồi. Chiều qua cô có hỏi cha về dàn chuông. Cô không biết sau khi dọn nhà thì chuông được đặt ở đâu nên mới hỏi. Phụ thân cũng nói thật cho cô biết. Từ đó đại khái có thể khẳng định rằng sớm nay cô có tới nhà kho là để xem dàn chuông này. Có điều, sáng sớm khi cô ra khỏi phòng thì biểu ca và biểu muội còn ở trong phòng, sau đó hai người cùng đi dạo tới lối vào hẻm núi, gặp được Giang Ly tỷ và Nhã Anh tỷ.”

“Ngươi còn thăm dò được tin tức gì nữa?”

“Còn nữa, trên người cô đúng là đã phát hiện được đá lửa dùng để đánh lửa, hơn nữa còn lưu lại dấu vết vừa sử dụng. Ta lại hỏi Triển Thi ca về chiếc đèn lồng nọ. Huynh ấy nói trên dây đèn trong phòng cô đúng là thiếu một chiếc. Ngoài ra theo lời huynh ấy, trong phòng vẫn còn sáu chiếc đèn, hình thức cũng giống với chiếc đèn được phát hiện trong nhà kho.”

“Chỉ có thế thôi à?”

“Chỉ có thế thôi.”

“Vậy đủ rồi.” Quỳ nói, “Buổi chiều dẫn ta đi xem nhà kho còn lại và phòng của Chung phu nhân nhé, không biết liệu có phát hiện ra manh mối mới không. Cho tới giờ, chúng ta vẫn không biết gì về thủ pháp gây án cũng như động cơ giết người của hung thủ, thậm chí còn không có lấy một giả thiết đủ sức thuyết phục. Dù thế nào chăng nữa thì sự vụ này cũng quá kỳ lạ.”



“Không lẽ nó sẽ lại biến thành một vụ án bí ẩn như thảm kịch xảy ra ở nhà bá phụ vào bốn năm trước…”

“Mong là không phải vậy.”

Buổi chiều, hai người tới nhà kho ở sau gian chính.

Vì sợ hành động của mình bị “cản trở”, Quỳ lệnh cho Tiểu Hưu đi giúp nhà họ Quan chuẩn bị tang lễ.

Không giống với nhà kho mà hai người đi vào buổi sáng, nhà kho này cao hơn những gian nhà bình thường rất nhiều, xà nhà cách mặt đất chừng hai trượng. Trên bức tường phía Bắc chỗ sát nóc nhà có một cửa sổ nhỏ hình tròn, đường kính chỉ khoảng bốn tấc. Đồ để trong nhà kho chủ yếu là đồ bằng ngọc và bằng kim loại dùng trong tế lễ và sinh hoạt hàng ngày, ngoài ra còn có một ít nhạc cụ, mấy con dao ngắn nằm trong vỏ, bảy chiếc nỏ và một số mũi tên.

Vật chứa có đỉnh, nghiễn[1], đối[2], phủ[3], quỹ[4], tôn[5], hồ[6], hòa[7], bàn[8], di[9], đều có hình dạng thời Chiến Quốc, trong đó Quỳ đã thấy một số thứ trong bữa tiệc tối qua. Đồ bằng ngọc thì có khuê[10], bích[11], chương[12], tông[13], hổ[14], hoàng[15], trong đó chỉ riêng loại khuê đã có không dưới mười kiểu, hình dáng màu sắc khác nhau, có những thứ lạ lẫm tới mức Quỳ vẫn luôn tự phụ biết rộng nhớ dai, am hiểu lễ học mà cũng không biết tên là gì.

[1] Cái chõ liền cả nồi đáy.

[2] Đồ để đựng thóc lúa.

[3] Đồ đựng xôi cúng.

[4] Đồ đựng xôi cúng, hoặc bát đựng thức ăn.

[5] Chén uống rượu.

[6] Cái ấm, bình.

[7] Một loại ấm đất thời cổ, có chân, nắp và quai cầm, có vòi để rót.

[8] Cái mâm, khay.

[9] Chậu rửa mặt thời xưa.

[10] Ngọc Khuê, thường là trên tròn (hoặc nhọn), dưới vuông.

[11] Ngọc bích, dẹt, hình tròn, giữa có lỗ.

[12] Ngọc chương, hình dạng như một nửa ngọc khuê.

[13] Ngọc hình bát giác, ở giữa có lỗ tròn.

[14] Ngọc được chạm thành hình con hổ, ngày xưa dùng để cúng tế.

[15] Ngọc được đẽo thành hình bán nguyệt.

Quỳ chỉ tay về một góc của nhà kho, hỏi như vậy. Nơi đó có bày một chiếc “Kiến cổ”[*]. Trong Lễ thư có viết: “Hạ hậu thị chi cổ túc, Ân doanh cổ, Chu huyền cổ.” Có nghĩa là, thời Hạ trống nằm ngang trên giá có chân; thời Thương thì trống đặt nghiêng, hai bên sườn trống có khe, để xuyên trụ dựng đứng qua khe đó; thời Chu thì treo trống trên giá. “Kiến cổ” tương đồng với cách làm của thời nhà Thương. Thứ trước mắt Quỳ chính là như vậy, một cái trụ gỗ xuyên qua hai mặt trên và dưới của trống. Nhưng từ trước đến nay, những chiếc “Kiến cổ” mà nàng từng nhìn thấy thường chỉ có hai mặt trống để gõ, trong khi chiếc “Kiến cổ” này lại có tới tám mặt. Kể ra cũng hơi khó tin, hai mặt trên và dưới của trống đều có hình bát giác, còn tám mặt vuông góc với mặt đất thì có hình chữ nhật. Mặt trên và dưới đều được làm bằng gỗ, lại bị một cái trụ xuyên qua nên không gõ được. Cón tám mặt trống xung quanh lại được bọc da trâu, đều có thể gõ rất vang. Quỳ thầm biết đây là “Lôi cổ” dùng trong lễ tế thần linh, song bản thân nàng cũng chỉ từng nghe tả về hình dáng của loại trống này, tới giờ mới được nhìn thấy tận mắt.

[*] Một loại trống, còn gọi là trống Tề, trống Tấn,… Là một loại nhạc cụ từng được sử dụng trong cung đình. Phổ biến ở các chùa chiền tại Nội Mông Cổ, Liêu Ninh, Cát Lâm, Thanh Hải… và nhiều khu vực lớn khác của dân tộc Hán.

“Lễ tế nào cũng dùng.” Lộ Thân đáp.

Quỳ lại chú ý tới vài món nhạc cụ có dây treo trên tường, lần lượt là đàn cầm, đàn sắt và đàn tranh, tất cả đều chưa lên dây. Còn có cả sáo và khèn, mỗi loại mấy chiếc. Nhìn hình dáng thì có thể thấy chúng đều là cổ vật lưu truyền từ thời Chiến Quốc.

“Những nhạc cụ này đều do tổ tiên truyền lại sao?”

“Đúng vậy, Ngoài ra còn có vài món được cô mang đi Trường An rồi.”

“Ngươi biết cách chơi chúng không?”

“Ta chỉ biết chơi nhạc cụ có dây thôi, không hiểu sao, tất cả kèn sáo dưới miệng ta đều không thổi thành âm thanh gì cả. Có điều Giang Ly tỷ có thể chơi toàn bộ nhạc cụ này. Mấy năm nay, vũ nhạc trong lễ tế đều do Giang Ly tỷ phụ trách, bao giờ tỷ ấy cũng hoàn thành rất tốt. Tiểu Quỳ, ngươi có thấy không, ở nhà ta chỉ là một gánh nặng, nếu người chết đi không phải cô mà là ta…”

“Giờ không phải lúc nói ra lời này. Dù ngươi tự ti thế nào, tồi tệ ra sao, trải qua cuộc sống nhục nhã kiểu gì, lúc này ta không có hứng thú nghe ngươi nói.” Quỳ nghiêm nghị bảo, “Những lời này đợi tới khi giải quyết xong mọi chuyện rồi hãy nói tiếp. Tới lúc ấy, ta sẽ lần lượt phản bác từng câu của ngươi, rồi cũng cho ngươi một cái tát giống như hồi sáng ngươi làm với ta vậy. Còn bây giờ vẫn nên tập trung điều tra thì tốt hơn, vì hồn phách của Chung phu nhân có thể vẫn lẩn khuất đâu đây, mọi hành động của chúng ta đều có thể lọt vào mắt bà.”

“Xin lỗi Tiểu Quỳ, ta sẽ phấn chấn lên. Biết đâu tới khi điều tra ra chân tướng, ta lại nhận ra mình có khả năng phá án thì sao, nếu vậy thì ta sẽ không còn tự ti nữa.”

“Tuy ta không nghĩ ngươi có năng khiếu gì đặc biệt ở mặt này, nhưng nghĩ được như vậy là rất tốt. Chưa thử tất cả mọi việc trên thế gian thì cũng không có tư cách phủ định tài năng của mình. Thực ra tự ti là một kiểu biểu hiện của bệnh tự đại cuồng, bởi vì khi ngươi nói mình chẳng giỏi gì hết thì hàm ý của lời này thực ra là: Ngươi đã thử làm mọi việc trên đời rồi. Nếu vẫn chưa làm được điều đó thì xin ngươi hãy tiếp tục kỳ vọng vào bản thân.”

“Cảm ơn Tiểu Quỳ đã cổ vũ ta như vậy.”

“Lộ Thân cũng có ưu điểm đấy, chỉ có điều bản thân ngươi còn chưa nhận ra thôi.” Quỳ trêu chọc, “Ít nhất thì dáng vẻ giận dỗi của ngươi vô cùng đáng yêu, khiến ta không kìm lòng được mà muốn bắt nạt ngươi, chọc tức ngươi.”

“Ngươi thích là được, thực ra ta cũng sẽ không so đo. Vì Giang Ly tỷ và Nhã Anh tỷ quá thân thiết, nên cách mà hai người họ đối xử với ta luôn khiến ta cảm thấy xa lạ, quả thực không giống tỷ muội. Trong khi Tiểu Quỳ lại đối xử với ta như tỷ muội ruột thịt. Nếu chúng ta là tỷ muội ruột thì những việc Tiểu Quỳ làm với ta không tính là quá đáng, mà là vô cùng thỏa đáng. Ta mong mối quan hệ ấy có thể tiếp tục kéo dài, tuy đôi lúc ta cũng thấy không cam tâm hoặc muốn đánh ngươi một trận, nhưng dù sao cũng ấm áp hơn ngày xưa chỉ có một thân một mình.”

“Lộ Thân đúng là một cô bé đa sầu đa cảm.” Quỳ nói, “Việc điều tra nơi này dừng ở đây thôi, chúng ta đã bắt đầu tán gẫu, chứng tỏ ở đây đã không còn thứ gì đáng để tiếp tục điều tra. Tiếp theo xin hãy dẫn ta tới gian phòng mà Chung phu nhân nghỉ lại tối qua.”

“Được.”

Thế rồi hai thiếu nữ cùng đi tới ngôi viện nhỏ mà mấy mẹ con nhà họ Chung ở tạm.

Chung Hội Vũ đã lấy ra từng món đồ trong hành lý của mẫu thân theo lời Lộ Thân, bày trên chiếc chiếu cói trong gian chính, còn bản thân thì đứng đợi bên cạnh.

Quỳ nhìn di vật được xếp trên mặt chiếu. Trong đó có sáu chiếc áo choàng, hai chiếc áo trong, dép, guốc, giày, mỗi thứ một đôi. Một hộp trang sức, lược, lược bí, gương đồng mỗi thứ một chiếc. Lại có một cái hòm sơn mài, bên trong chứa nhiều loại thuốc. Ngoài ra còn có vài món nhạc cụ. Khèn, sênh, đàn sắt, hình thức đều giống với những thứ mà hai người vừa thấy trong nhà kho, hẳn là đồ cổ của nhà họ Quan.



Một ống sáo bảy lỗ đã thu hút sự chú ý của Quỳ. Loại nhạc khí này không phổ biến thời bấy giờ. Bởi vì số lỗ của nó không cố định nên phương pháp diễn tấu rất khó học. Xung quanh Quỳ không có ai biết chơi nó. Có điều là thê tử của quan chức ở Nhạc phủ thì trong hành lý có một cây sáo cũng chẳng có gì là lạ.

“Hội Vũ muội muội, xin hãy nén bi thương.”

“Không cần nói những lời khách sáo ấy nữa, xin Vu Lăng tỷ tỷ nhất định phải tìm ra hung thủ.”

Giọng của Chung Hội Vũ nhỏ như muỗi kêu, nhưng trong ấy đã không còn sự sợ hãi yếu mềm, biến cố và nỗi đau quá lớn đã khiến nàng không thể không mạnh mẽ hơn.

“Vậy ta muốn hỏi một chút, muội biết chơi cây sáo bảy lỗ này không?” Quỳ chỉ vào di vật của bà Quan Khoa rồi hỏi.

“Còn chưa thuần thục, song những khúc nhạc bình thường thì vẫn ứng phó được.”

“Mẫu thân dạy cho muội à?”

“Vâng. Cây sáo này vốn được mẫu thân muội mang từ quê nhà tới Trường An.”

Vậy lần này mang về hẳn là trả vật về cho chủ cũ Quỳ nghĩ thế nhưng không nói ra.

“Phải rồi, tối qua Chung phu nhân có cố ý lấy ra một đồ vật hoặc một số đồ vật nào đó từ trong hành lý không?”

“Tối qua ư? Đồ trang điểm vốn ở bên ngoài, túi đựng nhạc cụ vẫn chưa từng được mở ra. Y phục…” Chung Hội Vũ trầm tư trong thoáng chốc rồi nói tiếp, “Cũng chỉ có bộ này thôi.”

Nói rồi nàng đưa tay chỉ vào một bộ váy lộng lẫy, trên màu xanh dưới màu trắng, có vẻ như mới may.

“Bộ y phục này chưa mặc bao giờ đúng không?”

“Chúng ta mới may xong trước khi xuất phát từ Trường An, chưa thấy mẫu thân mặc bao giờ.”

Quỳ đoán rằng có thể đây là lễ phục mà bà Quan Khoa định dùng trong tế lễ.

“Những thứ cần dùng trong buổi khâm liệm ngày mai đã được chuẩn bị xong hết chưa?”

“Những chuyện này điều do ca ca lo liệu, Giang Ly tỷ tỷ cũng giúp đỡ. Hình như ca ca rất lo cho muội, nên không cho muội tham gia vào chuyện gì hết, điều này khiến muội thấy rất áy náy. Nếu hai vị tỷ tỷ đã xem xét xong, muội muốn thu dọn lại mấy thứ này, sau đó tới gian chính giúp mọi người chuẩn bị tang lễ.”

“Ta đã xem xong rồi. Nếu Lộ Thân không có ý kiến gì khác thì chúng ta cùng đi thôi.”

“Tại sao ta lại có ý kiến gì khác được?”

“Vậy thì xin chờ một lát để muội thu dọn lại.”

Chung Hội Vũ nói rồi bắt đầu cất di vật của mẫu thân đi. Lộ Thân cũng vội tới giúp nàng. Quỳ không biết có nên tiện tay giúp đỡ hay không, bèn đứng đợi bên cạnh.

Khi tất cả di vật đều được đặt về chỗ cũ, ba người cùng đi đến gian chính.

Các thiếu nữ tiếp tục bận rộn tới khuya. Trong mọi khâu chuẩn bị, Quỳ tinh thông Lễ học lại không hề phát biểu ý kiến của mình. Vì nàng biết lễ nghi trên đất Sở và đất Hán có nhiều khác biệt, không thể áp đặt lễ cổ mà mình học được cho họ Quan.

Đêm hôm ấy, Quỳ và Lộ Thân thắp đuốc trong sân trước gian chính, trên đuốc được quấn vải đã ngâm trong mỡ động vật, khiến trong sân toàn mùi mỡ tanh. Điều này khiến Quỳ nhớ tới lời miêu tả về mảnh sân được đặt vô số đèn đuốc trong Kinh Thi:

Đêm thế nào rồi? Đêm chưa dứt. Sân tỏa hào quang. Quân tử vội tới, tiếng chuông vang.

Đêm thế nào rồi? Đêm chưa tàn. Sân sáng lấp lánh. Quân tử vội tới, tiếng chuông vang.

Đêm thế nào rồi? Đêm đã hết. Sân sáng rực rỡ. Quân tử vội tới, cờ quạt bay [*].

[*] Đây là bài thơ Đình liệu thuộc Tiểu nhã trong Kinh Thi. Đình liệu nghĩa là đèn đuốc được thắp ở sân để soi sáng cho người làm lễ.

Nghe nói đây là thơ miêu tả cảnh Thiên tử triệu kiến chư hầu vào sáng sớm dưới thời Chu Tuyên vương, song nếu đặt vào tình cảnh hôm nay thì lại có nét thú vị rất riêng. Lúc này ánh sáng trong sân đã không thể chỉ lối cho ai, mà chỉ soi sáng được đường về của Quan Khoa. “Quỷ tức là quy[*]”, đây chính là hành trình cuối cùng của Quan Khoa, nếu bà nhìn lại nhân thế, sẽ nhìn thấy sân nhà rực rỡ ánh đèn này đầu tiên – Quỳ nghĩ vậy, liền cảm thấy nỗ lực của mình và Lộ Thân không hề uổng phí. Tuy rằng mọi nỗ lực cuối cùng đều chẳng để làm gì.

[*] Quy nghĩa là trở về, quay về.

Trong sân, hai người gặp được Bạch Chỉ Thủy.

“Tiên sinh vẫn chưa ngủ sao?”

Quỳ không biết nên nói gì, đành khách sáo hỏi.

“Nghe nói Vu Lăng quân đang điều tra hung án, nếu có việc gì ta giúp được, xin hãy cho ta biết. Ta và nàng ấy đã quen biết nhiều năm, biến cố này khiến người ta nhất thời khó mà chấp nhận được.”

“Ta và Lộ Thân sẽ cố hết sức để tìm ra chân tướng, tiên sinh không cần bởi vậy mà bận lòng.”

“Vậy tốt rồi. Ta chuẩn bị về đây, người lớn tuổi luôn chóng mệt mỏi, Vu Lăng quân cũng nghỉ sớm đi thôi.”

Bạch Chỉ Thủy và Quỳ ở hai hướng ngược nhau. Sau khi từ biệt ông ta, Lộ Thân và Quỳ cũng quay trở về. Mới đi được mười mấy bước, đáy lòng Quỳ bỗng dâng lên một nỗi bất an. Đó không phải là linh cảm, nhưng lại làm nàng thấy không vui.

Nàng quay người nhìn về phía Bạch Chỉ Thủy đang đi ngày một xa, bóng dáng ông ta đã biến mất trong màn đêm.

Đêm nay, Lộ Thân ngủ trong phòng Quỳ, vì mệt mỏi nên hai người đều mau chóng chìm vào giấc ngủ, cũng không trò chuyện gì thêm. Sau khi thiếp đi, Lộ Thân mơ thấy cảnh tượng bi thảm mà ban ngày mình nhìn thấy, bèn ôm chặt lấy Quỳ. Tảng sáng hôm sau, người nhà họ Quan sẽ tổ chức lễ khâm liệm cho bà Quan Khoa ở gian chính, bởi vậy Quỳ dặn Tiểu Hưu đánh thức mình và Lộ Thân sớm một chút để không tới trễ. Qua nhiều năm, Tiểu Hưu đã dần luyện thành thói quen trời chưa sáng đã thức dậy, do đó luôn có thể hoàn thành lời dặn của chủ nhân. Có lẽ trong mắt người ngoài, thực tại của nàng thực bi thảm, còn nàng lại không muốn chìm đắm trong mộng mị, nàng thích quãng thời gian tĩnh táo hơn.

Màn đêm thăm thẳm, mây đen dần giăng kín chân trời.

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.net

truyện trọng sinh
truyện sắc

Dtruyen.com đổi tên miền thành Dtruyen.net. Độc giả ghi nhớ để truy cập.

ngôn tình sắc

Nhận xét của độc giả về truyện Lễ Tế Mùa Xuân

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook