Quyền Lực Thứ Tư

Quyển 5 - Chương 29

Jeffrey Archer

04/04/2013

Báo

THE CITIZEN

Ngày 21 tháng Tám, 1978

KHÔNG CÓ NHIỀU NGƯỜI SỐNG Ở ĐỊA CẦU MỚI

Khi đã trình xong hộ chiếu Townsend tìm thấy Sam đang đợi ngoài sảnh để đưa ông về Sydney. Trong 25 phút đi đường, Sam đã cung cấp cho ông chủ những thông tin mới nhất về những gì đang diễn ra ở Úc, khiến Townsend không còn nghi ngờ gì vì những điều ông cảm thấy ở Thủ tướng Malcolm Fraser - hết thời và hết ảnh hưởng - và Nhà hát Opera Sydney - một sự lãng phí tiền bạc và đã lỗi thời. Nhưng Sam cũng cho ông một vài thông tin nóng hổi.

"Anh thu nhặt được tin ấy ở đâu vậy, Sam?"

"Người lái xe của ngài chủ tịch nói với tôi."

"Và để đổi lại, anh đã nói cho anh ta biết chuỵện gì?

"Chỉ là việc ông sẽ từ London trở về trong chuyến thăm bằng máy bay." Sam đáp khi họ phanh lại bên ngoài văn phòng chi nhánh của công ty Địa cầu trên phố Pitt.

Nhiều người ngoái lại nhìn khi Townsend đẩy cánh cửa xoay, bước ngang qua hành lang và vào chiếc thang máy đang đợi sẵn, nhanh chóng đưa ông lên thẳng tầng trên cùng. Ông gọi ngay Tổng biên tập, không để cho Heather kịp chào mừng ông đã trở về.

Trong khi chờ đợi, Townsend đi đi lại lại trong phòng, thỉnh thoảng lại dừng lại để chiêm ngưỡng nhà hát opera, toà nhà, mà theo Sam, tất cả các báo của anh, trừ tờ Continent đều nhanh chóng chê bai. Cách đó chỉ nửa dặm là cây cầu mà gần đây đã trở thành biểu tượng của thành phố. Trong cảng, những chiếc thuyền buồm đủ màu sắc đang lướt sóng, những cột buồm của chúng rực sáng dưới ánh mặt trời. Mặc dù dân số đã tăng gấp đôi, Sydney giờ đây dường như nhỏ bé thảm hại so với khi lần đầu tiên ông chiếm được tờ Chronicle. Ông cảm thấy như mình đang nhìn xuống khu Lego (1).

"Thật tốt là ông đã trở về, Keith," Bruce Kelly nói khi bước qua cánh cửa để ngỏ. Townsend vui mừng bắt tay người đầu tiên mà ông đã bổ nhiệm làm Tổng biên tập cho một trong những tờ báo của mình.

"Và là cuộc trở về vĩ đại, Bruce. Đã quá lâu rồi," ông nói khi họ bắt tay nhau, tự hỏi không biết mình có già bằng người đàn ông béo và hói đầu đang đứng trước mặt hay không.

"Kate thế nào?"

"Cô ấy ghét London, đã dành phần lớn thời gian ở New York, nhưng tôi hy vọng cô ấy sẽ tới gặp tôi trong tuần này. Có chuyện gì xảy ra ở đây không?"

"Ồ, ông sẽ thấy từ báo cáo hằng tuần của chúng tôi là số phát hành trong năm qua đã tăng đôi chút, quảng cáo tăng, và lợi nhuận ở mức kỷ lục. Vì vậy tôi đoán đã đến lúc phải nghỉ hưu."

"Đó chính là điều tôi về đây để nói với anh," Townsend nói.

Mặt Bruce biến sắc, "Không có vấn đề gì nghiêm trọng chứ?"

"Chưa bao giờ nghiêm trọng hơn," Townsend nói, đối mặt với người bạn. "Tôi cần anh ở London."

"Để làm gì?" Bruce hỏi. "Globe khó có thể là loại báo mà tôi được đào tạo để trông nom. Nó quá truyền thống và quá Anh."

"Đó chính là lý do khiến số phát hành của nó giảm xuống từng tuần. Mặt khác, độc giả của nó già đến mức họ đang chết cùng tờ báo theo đúng nghĩa đen. Nếu tôi muốn chống Armstrong, tôi cần anh làm Tổng biên tập kế tiếp cho tờ Globe. Toàn bộ phải được cải tổ. Đầu tiên là cần biến nó thành một tờ báo khổ nhỏ."

Bruce nhìn chằm chằm ông chủ với vẻ không tin. "Nhưng công đoàn sẽ không bao giờ chấp nhận nó."



"Tôi đã có kế hoạch dành cho họ," Townsend nói.

NHẬT BÁO ĂN KHÁCH NHẤT NƯỚC ANH

Armstrong tự hào về dòng tít chạy trên trang đầu tờ Citizen. Nhưng mặc dù lượng phát hành vẫn ổn định, ông bắt đầu cảm thấy Alistair McAlvoy, Tổng biên tập trụ được lâu nhất trên phố Fleet có lẽ không phải là người thích hợp để tiến hành chiến lược dài hơi của mình.

Armstrong vẫn không hiểu tại sao Townsend lại bay về Sydney. Ông không tin là đối thủ mình cam chịu để cho số phát hành của Globe giảm xuống mà không trả đũa. Nhưng chừng nào tờ Citizen vẫn vượt Globe với tỷ lệ hai trên một, Armstrong không do dự nhắc nhở những độc giả trung thành mỗi buổi sáng rằng ông là chủ bút của tờ báo ăn khách nhất nước Anh. Công ty truyền thông Armstrong vừa mới công bố mức lợi nhuận năm qua là 17 triệu bảng, và mọi người đều biết rằng giám đốc điều hành của nó đang vắt kiệt sức lực cho khoản lợi nhuận khổng lồ tiếp theo của ông ta.

Anh đã được nhắc nhở hàng nghìn lần bởi những người tưởng là biết, rằng Townsend đã mua được cổ phần trong tờ New York Star. Điều mà họ không biết là ông cũng làm y như vậy theo cách riêng của mình, ông đã được Russell Critchley, luật sư của ông ở New York cảnh cáo rằng một khi ông nắm được hơn 5% cổ phiếu ông sẽ, theo luật của ủy ban Chuyển đổi và Bảo vệ, phải trình trước công luận và chính quyền xem liệu có muốn mua toàn bộ hay không.

Hiện giờ ông mới chỉ nắm được hơn 4,5% cổ phiếu của tờ Star và đoán Townsend cũng đại khái có được chừng ấy. Nhưng trong lúc người này bằng lòng ngồi đợi người kia có những động thái đầu tiên, Armstrong biết rằng Townsend đang kiểm soát nhiều nhà in cấp thành phố và bang ở Mỹ hơn ông, mặc dù gần đây ông đã mua được Tập đoàn Milwaukee và mười một tờ báo của nó. Cả hai đều biết rằng tờ New York Times sẽ không bao giờ bị đưa ra bán, giải thưởng cuối cùng của “Quả táo Lớn” sẽ là dành được quyền kiểm soát thị trường báo khổ nhỏ.

Trong khi Townsend còn ở Sydney, tiến hành các kế hoạch của ông về việc khai trương một tờ Globe mới trong một cộng đồng người Anh không chút hoài nghi, Armstrong bay tới Manhattan để chuẩn bị cho cuộc tấn công vào tờ New York Stars.

oOo

"Nhưng Bruce Kelly chẳng biết gì về chuyện đó cả," Townsend nói khi Sam đưa ông từ sân bay Tullamarine về Melbourne.

“Tôi không cho là ông ấy biết," Sam nói. “ Ông ấy có bao giờ gặp người lái xe của ngài chủ tịch đâu."

“Có phải anh đang cố bảo tôi là một người lái xe vớ vẩn lại biết được những điều mà không một ai trong giới báo chí nghe nói đến?"

“Không. Ngài chủ tịch thường trực cũng biết, vì ông ấy đã thảo luận điều này với ông chủ tịch ở ghế sau xe."

“Và người lái xe bảo anh rằng Hội đồng Quản trị sẽ họp vào lúc 10 giờ sáng nay?"

“Đúng thế, thưa sếp. Trên thực tế đúng lúc này anh ấy đang chở ngài chủ tịch tới cuộc họp.”

"Và giá đã được duyệt là 12 đô la một cổ phần."

"Đó là điều mà hai vị chủ tịch đã bàn bạc ở ghế sau xe." Sam nói khi cho lái xe vào trung tâm thành phố.

Townsend không thể hỏi Sam thêm một lời nào nữa để khỏi tự biến mình thành trò hề. “Tôi không nghĩ là anh lại quan tâm tới việc đặt cược vào đó?" Ông nói khi xe quành vào phố Flinders.

Sam nghĩ về lời đề xuất đó một lát trước khi nói, “ Đồng ý, sếp." Anh ngừng lời. “Một trăm đô la cá là tôi đúng.”

“ Ồ, không," Townsend nói. “Một tháng lương của anh, hoặc ta quay lại và đi thẳng về sân bay."

Sam chạy vượt đèn đỏ và suýt đâm vào tàu điện. Cuối cùng anh ta nói "Sẵn sàng. Nhưng chỉ nếu như Arthur đưa ra cùng những kỳ hạn."

"Thế ai là người có cái tên quái quỷ là Arthur vậy?"

"Người lái xe của ngài chủ tịch."



"Tự anh và Arthur đã thông đồng với nhau." Townsend nói khi xe đỗ lại bên ngoài toà soạn báo Courier.

"Ông muốn tôi đợi bao lâu?" Sam hỏi.

"Chỉ tới lúc anh mất một tháng lương," Townsend đáp và đóng sầm cửa xe lại.

Ông chăm chú nhìn tòa nhà mà cha mình đã bắt đầu sự nghiệp của một phóng viên vào những năm 1920 và là nơi bản thân ông đã thực hiện công việc đầu tiên như một nhà báo tập sự khi còn ngồi trên ghế trường phổ thông, toà nhà sau đó mẹ ông bảo rằng bà đã bán cho một đối thủ cạnh tranh mà thậm chí chẳng cho ông biết. Từ vỉa hè ông có thể phân biệt được căn phòng mà cha ông đã từng làm việc. Chẳng lẽ Courier thực sự sắp được đưa ra bán mà không một cố vấn chuyên môn nào của ông được biết điều đó? Sáng nay ông đã kiểm tra lại giá cổ phiếu trước khi rời Sydney trên chuyến bay đầu tiên: 8.40 đô la. Chẳng lẽ ông lại liều mạng chỉ vì vài lời nói của người lái xe của mình. Ông bắt đầu thầm ước có Kate bên cạnh, như thế ông có thể hỏi ý kiến nàng. Nhờ nàng, cuốn sách Cô nhân tình của ngài Thượng nghị sĩ đã đứng được hai tuần ở cuối danh mục Sách bán chạy của New York Times, và hai triệu đô la đã được hoàn trả nguyên vẹn. Trong sự ngạc nhiên của cả hai người, cuốn sách cũng nhận được một số nhận xét phải chăng từ những nhà xuất bản không phải của Townsend. Keith đã phải buồn cười khi nhận được thư của bà Sherwood hỏi xem liệu ông có quan tâm tới hợp đồng cho ba cuốn sách nữa không.

Townsend đi qua cánh cửa đôi và đi dưới chiếc đồng hồ treo trên lối vào sảnh. Ông dừng một lát trước bức tượng bán thân bằng đồng của cha mình, nhớ lại khi còn nhỏ đã từng kiễng chân cố với để chạm vào tóc ông như thế nào. Điều đó chỉ khiến ông thêm bồn chồn. Ông quay lại và đi ngang qua sảnh, nhập vào một đám người đã bước vào trong chiếc thang máy đầu tiên đang đợi sẵn. Họ im lặng khi nhận ra ông là ai. Ông ấn nút và cánh cửa nhẹ nhàng khép lại. Ông đã không ở trong toà nhà này trong hơn 30 năm qua, song ông vẫn nhớ vị trí phòng Hội đồng Quản trị - một hành lang: cách văn phòng cha ông vài yard (2). Cánh cửa lần lượt mở ra ở tầng phát hành, tầng quảng cáo và tầng biên tập, cho tới khi cuối cùng ông bị bỏ lại một mình trong thang máy. Tới tầng hành chính ông thận trọng bước ra hành lang và nhìn ngược nhìn xuôi. Chẳng thấy một ai. Ông quay sang phải và bước về phía phòng Hội đồng Quản trị, nhịp chân ông chậm lại khi đi ngang qua văn phòng cũ kỹ của cha. Sau đó ông bước ngày càng chậm cho tới khi đến trước cánh cửa căn phòng ông định đến. Suýt nữa thì ông đã quay lại, rời khỏi tòa nhà và nói cho Sam biết ông nghĩ gì về anh ta cũng như ông bạn Arthur của anh ta, khi ông nhớ đến khoản cược. Nếu không bị thua thảm hại như vậy, có lẽ ông đã không gõ cửa và chẳng cần đợi phản ứng, bước vào.

Mười sáu cái đầu quay lại và nhìn ông chằm chằm.

Ông đợi ngài chủ tịch hỏi là “ông nghĩ mình đang làm cái quái quỷ gì vậy”, nhưng chẳng ai thốt lên lời nào. Cứ như thể bọn họ đã đoán trước sự xuất hiện của ông. “Thưa ngài chủ tịch,” ông cất lời, “tôi sẵn sàng trả 12 đô la một cổ phiếu cho số cổ phần của ngài trong tờ Courier. Vì tối nay tôi sẽ đi London, nên hoặc chúng ta kết thúc vụ giao dịch này ngay bây giờ, hoặc chúng ta không đề cập đến nó nữa.”

Sam ngồi trong xe đợi ông chủ quay ra. Đến tiếng đồng hồ thứ ba anh gọi điện cho Arthur, bảo anh ta khôn ngoan thì hãy đầu tư tháng lương tới mua cổ phiếu của tờ Melbourn Courier, và hãy làm điều đó trước khi Hội đồng Quản trị ra thông báo chính thức.

Khi Townsend bay đến London vào sáng hôm sau; ông đăng một thông báo cho biết Bruce Kelly được bổ nhiệm làm Tổng biên tập tờ Globe trong thời gian nó sắp trở thành báo khổ nhỏ. Chỉ có một ít người trong nội bộ nhận thức được sự đáng lưu ý của thông báo này. Trong vài ngày tiếp theo, tiểu sử của Bruce xuất hiện ở một vài tờ báo toàn quốc. Tất cả các tờ báo này đều viết rằng ông đã là Tổng biên tập tờ Sydney Chronicle trong 15 năm, đã ly hôn và có hai người con đã trưởng thành, và mặc dù Townsend được coi là không có một người bạn thân nào, ông gần như là bạn thân nhất của Townsend. Tờ Citizen chế nhạo ông không được cấp giấy phép hành nghề, và bóng gió rằng việc biên tập tờ Globe không được coi là một nghề nghiệp. Cũng chỉ thế thôi; không có nhiều thông tin về người nhập cư mới nhất từ Úc. Dưới tiêu đề "R.I.P", tờ Citizen còn cho độc giả của nó biết rằng Kelly chẳng hơn gì một chủ nhà đòn được đem tới để chôn cất cái mà tất cả mọi người đều thừa nhận là đã chết từ nhiều năm qua. Nó cũng tiếp tục loan tin rằng hiện nay cứ tờ Globe bán được một bản thì tờ Citizen bán được ba. Con số thực tế là 2.3. , nhưng Townsend đã quen với sự thổi phồng của Armstrong khi thống kê.

Ngav khi Bruce hạ cánh xuống London, thậm chí trước khi ông tìm được nơi ở, ông bắt đầu lôi kéo các nhà báo từ nhiều tờ báo khổ nhỏ. Phần lớn bọn họ dường như không quan tâm đến những cảnh báo của tờ Citizen, rằng Globe đang xuống dốc, và thậm chí có lẽ chẳng sống nổi nếu Townsend không thể đi tới thỏa thuận với công đoàn. Người Bruce hẹn gặp đầu tiên là Kevin Rushclife, người mà, như người ta cam đoan với ông, đang nổi danh ở tờ People.

Lần đầu tiên Rushclife được phép biên tập tờ báo trong ngày Bruce vắng mặt, họ đã nhận được khiếu nại từ những luật sư đại diện cho ngài Mick Jagger. Rushclife nhún vai và nói. “ Đó là một chuyện quá tốt đẹp để kiểm tra lại." Sau khi trả những khoản bồi thường đáng kể và đăng một lời xin lỗi, các luật sư được chỉ thị là trong tuơng lai phải kiểm tra bản sao của ngài Rushclife cẩn thận hơn.

Một số nhà báo tự do đã ký hợp đồng gia nhập đội ngũ nhân viên biên tập. Khi được hỏi tại sao họ lại rời bỏ những công việc chắc chắn để vào làm cho Globe, họ cho biết là vì được đề nghị những hợp đồng làm việc kéo dài 3 năm, ngoài ra họ không quan tâm tới những gì khác.

Trong mấy tuần đầu, dưới quyền của Kelly, số phát hành tiếp tục giảm. Tổng biên tập có lẽ sẽ phải tốn nhiều thời gian thảo luận vấn đề với Townsend, nhưng hình như ông chủ tiếp tục bị kẹt trong những cuộc đàm phán ở đâu đó với công đoàn ngành in.

Vào ngày khai trương tờ Globe khổ nhỏ, Bruce tổ chức một bữa tiệc ở văn phòng để đón tờ báo mới ra khỏi nhà in. Ông đã thất vọng khi nhiều nhà chính trị và nhân vật có danh tiếng được mời đã không tới. Sau đó ông vỡ lẽ là họ đã tham dự buổi tiệc do Armstrong tổ chức kỷ niệm sinh nhật lần thứ 75 của tờ Citizen. Một cựu nhân viên của tờ Citizen, hiện đang làm cho tờ Globe cho biết thực tế nó mới được 72 năm. "Được thôi, chúng ta sẽ phải nhắc nhở Armstrong về ba năm này." Townsend nói.

Vài phút sau lúc nửa đêm, khi bữa tiệc đã gần tàn, một người đưa tin thong thả tới văn phòng Tổng biên tập báo tin các máy in đã bị hỏng. Townsend và Bruce chạy vội xuống phòng in để chứng kiến công nhân đã bãi công. Họ xắn tay áo lên và bắt đầu công việc vô vọng là thử bắt các máy in hoạt động trở lại, nhưng họ nhanh chóng khám phá ra rằng có một chiếc gậy đã được thọc vào bánh xe theo đúng nghĩa đen. Sáng hôm sau chỉ có 131.000 bản in của tờ báo xuất hiện trên đường phố, không một tờ nào đuợc phát hành ra khỏi Birmingham, vì những người lái tàu hỏa đã ủng hộ người anh em của họ trong công đoàn ngành in.

Sáng hôm sau tờ Citizen chạy tít "Không có nhiều người sống ở địa cầu (3) mới". Tờ báo đã dành hết trang năm để ám chỉ rằng đã đến lúc trả lại tờ Globe cũ. Sau rốt, "kẻ nhập cư bất hợp pháp - như họ vẫn gọi Bruce - đã hứa hẹn những kỷ lục phát hành mới, và quả thực là đã đạt được chúng: số phát hành của Citizen so với Globe hiện nay là ba mươi trên một. Vâng, ba mươi trên một!"

Ở trang đối diện, tờ Citizen đề nghị độc giả của nó đánh cuộc 100 ăn một rằng Globe chỉ còn tồn tại được 6 tháng nữa. Townsend lập tức viết tấm séc 1.000 bảng và gửi nó tới tận tay văn phòng của Armstrong, nhưng ông không nhận được hồi âm. Tuy nhiên, một cú điện thoại gọi đến Bruce từ Hiệp hội Xuất bản cho biết câu chuyện đã được kể trên tất cả các tờ báo khác.

Trên trang nhất tờ Citizen sáng hôm sau, Armstrong thông báo rằng đã gửi tấm séc 1.000 bảng của Townsed vào ngân hàng, và vì tờ Globe không có hy vọng sống nổi 6 tháng nữa, ông sẽ dành một khoản quyên góp 50.000 bảng cho Quỹ từ thiện ngành in và 50.000 bảng khác cho bất kỳ tổ chức từ thiện nào mà Townsend chọn. Cho tới cuối tuần đó, Townsend đã nhận được hơn 100 bức thư từ những tổ chức từ thiện hàng đầu giải thích tại sao ông nên chọn cho mục tiêu cao cả đặc biệt của họ.

Trong vài tuần sau đó Globe hiếm khi đạt hơn 300 000 bản in mỗi ngày, và Armstrong không ngừng nhắc nhở độc giả của mình về thực tế đó. Nhiều tháng đã trôi qua, Townsend thừa nhận rằng cuối cùng ông sẽ phải thỏa hiệp với công đoàn. Nhưng ông cũng biết điều đó sẽ không thể có được khi Công đảng còn nắm quyền.

(1) Lego = Đồ chơi xếp hình.

(2) Yard = Tương đương 0.9Mm.

(3) Chơi chữ: Globe có nghĩa là Địa cầu.

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.net

truyện trọng sinh
truyện sắc

Dtruyen.com đổi tên miền thành Dtruyen.net. Độc giả ghi nhớ để truy cập.

truyện bách hợp

Nhận xét của độc giả về truyện Quyền Lực Thứ Tư

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook