Câu Chuyện Của Cậu Bé Bán Vé Số Khiến Bạn Suy Ngẫm Về Cuộc Đời
Đó là vào một ngày trời mưa to, tôi trở về nhà sau một ngày dài làm việc mệt mỏi: lương bị cắt, công việc không suôn sẻ, lại còn bị sếp mắng, tôi cảm thấy hôm nay là một ngày thật tồi tệ, và vô thức đánh đồng những người trong xã hội này thật xấu xa biết bao.
Trời đổ mưa tầm tã, những cửa hàng tiện lợi, quán cà phê trở nên đông đúc hơn lạ thường. Tôi che ô và đi bộ trên vỉa hè, mong có thể đến trạm xe buýt đúng giờ để bắt được xe về nhà. Đến khúc ngã tư mà qua phía đối diện là đến trạm xe buýt, tôi thoáng thấy bóng dáng nhỏ bé chạy vụt đi, theo sau đó là những tiếng hô "ăn cướp, ăn cướp". Bóng dáng ấy chạy về phía tôi, rồi chui vào một con hẻm nhỏ khuất người gần đấy.
Người ở phía bên kia đường dường như cũng ngại trời mưa nên chẳng hề đuổi theo nữa. Tôi nghĩ có lẽ thứ họ vừa mất cũng chẳng mấy quan trọng để họ phải chạy trong mưa tìm lại như thế. Một cảm giác tò mò chợt xuất hiện, tôi đi đến con hẻm nọ, nhìn thấy một cậu nhóc ăn mặc rách rưới đang cúi xuống một góc.
Tôi tiến đến gần hơn, nhìn thân người nhỏ bé đó ướt đẫm nước mưa mà bỗng thấy xót xa. Cậu bé ngước mắt lên nhìn tôi khi thấy mình được che ô, đôi mắt run lên vì sợ hãi nhưng cũng lại có chút nét kiên cường. Khi đó, có tiếng cún con rên lên khe khẽ đâu đây. Tôi đưa mắt nhìn theo thì thấy một chú cún con đang bị xích vào cánh cửa sắt la oai oái trong màn mưa.
Cậu bé yên lặng bẻ từng vụn bánh mì cho chú cún ăn, thản nhiên xem như thể sự tồn tại của tôi là không khí. Không hiểu sao tôi lại cứ đứng che mưa cho cậu bé ấy đến khi chú chó được cho ăn no.
"Vừa nãy cháu không định ăn trộm bánh mì, nhưng vì chú cún này đói quá rồi. Mà cháu sợ nó sẽ chết nên mới làm vậy.".
Đoạn, cậu bé mở chiếc túi nhỏ đeo ngang hông ra cho tôi xem, trong đó có một tập vé số được bọc kĩ trong bao nilon trong suốt.
"Đây, cháu sẽ đền cho ông chủ tiệm bánh mì hai tờ vé số".
Tôi bật cười nhìn cậu bé mặt mày lấm lem đó, cậu bé ấy có một suy nghĩ thật ngây thơ biết bao.
"Cháu có đói không?", tôi bỗng hỏi khi nhìn cậu bé run rẩy.
"Dạ có", cậu bé trả lời.
"Vậy tại sao không trộm bánh mì để ăn mà lại cho chú chó kia?".
"Nếu nó không được ăn, nó sẽ chết mất. Còn cháu không có gì ăn, thì… vẫn còn sống thêm được. Với lại cháu có cách tìm được thức ăn, nhưng nó thì không có cách gì cả. Nó rất đáng thương".
Câu trả lời của cậu bé khiến tôi lặng người đi. Từ lúc nào mà một cậu bé nhỏ nhắn như thế này lại biết so sự sống chết của một chú cún không chủ với sự sống chết của mình trên cùng một bàn cân thế? Tôi tự cho rằng, có phải chỉ kẻ giàu có lòng dạ mới chật hẹp mà làm khó nhau, trông khi người nghèo không có gì nhưng lại cứ biết cho đi?
Tôi mua giúp cậu bé vài tờ vé số, bảo cậu bé hãy đem số tiền này trả cho ông lão bán bánh mì đi. Rồi tôi tìm cách phá xích để trả lại sự tự do cho chú cún.
Cậu bé khóc, cảm ơn tôi đến mức líu lưỡi rồi lại chạy vụt đi trong màn mưa, thi thoảng xoay người lại nhìn tôi cười. Kể từ đó, tôi chăm nuôi cho chú cún này, còn cậu bé hôm nọ thì tôi không gặp lại nữa. Tôi không còn gặp lại cậu bé, nhưng thật cảm ơn lòng yêu thương hào phóng của cậu bé bán vé số này đã đem lại cho tôi một bài học sâu sắc về cuộc đời: Những người giàu có về tấm lòng mới là người đáng quý.
Cũng kể từ đó, tôi xem trọng công việc mình đang làm, chịu đựng và tiếp thu, học hỏi để có thể thăng tiến, không chán nản về cuộc đời hay xã hội này nữa. Bởi tôi biết rằng những lúc tôi nghĩ mình là người bất hạnh nhất thế giới, thì đâu đó vẫn còn rất nhiều người khác bất hạnh hơn mình. Như cậu bé bán vé số ngày xưa thật bất hạnh về hoàn cảnh biết bao, nhưng sự giàu có trong tâm hồn của cậu lại tỏa sáng một cách đẹp đẽ vô cùng.