Ai Tông Mạt Quốc

Chương 51: Quyền Lực Trong Tay Ai?

Đăng Nhân

27/03/2023

Họ Vương vốn người Hán, gốc Tần Châu, cha là Vương Quần trước là bậc văn nhân kì tài đã có công giúp nhà Kim khai thông hệ thống thủy lợi, cải chính thuế khóa, một tay giúp hoàn thiện bảng chữ cái Kim tự. Nhưng Quần chỉ làm tới Đại phu, phải tới thời Hi Tông, vua theo chủ trương Hán hóa, mới được cất nhắc lên quan Nhị phẩm.

Vương Diệu cung kính cúi mình nói, “Truật thừa tướng có thể đọc hàng loạt sách vở trên đời, việc trị quốc thì thừa tướng rất giỏi. Nhưng cầm binh thì thừa tướng lại không biết linh hoạt. Binh pháp là biến hóa, nếu cứ theo sách vở áp dụng trận hình chưa chắc đã là hay. Đại vương nếu chỉ nghe danh Truật Thừa tướng mà cho Thừa tướng cầm quân, thì giống như miếng gỗ nhỏ bị đính trên đàn sắt, không thể nào điều chỉnh thanh âm được.”

Cao Kỳ nghe bị chê bai như vậy vô cùng nóng ruột, đánh mắt nhìn sang Ô Cổ Kinh để được nói đỡ.

Ô Cổ Kinh mới lớn giọng, “Trước giờ Truật thừa tướng đều tư vấn cho hoàng thượng dự trù binh khí, lương thảo không hề sai lệch. Vương thái úy là văn quan, chưa ra trận tiền bao giờ, sao chắc có thể làm tốt hơn?”

Vương Diệu đáp, “Thần tài trí ngu mọn, không dám chắc sẽ làm tốt hơn Truật thừa tướng. Nhưng thần xin tiến cử vài võ quan tài năng có thể đảm nhiệm vai trò này.”

“Theo khanh, kẻ nào thống lĩnh ba quân mới phải?” Kim Tuyên Tông hỏi.

Vương Diệu tâu, “Bẩm hiện giờ ngoài ải còn Hoàn Nhan Hợp, Quách Bảo Ngọc, trong kinh thành còn con trai thần Vương Xán tuy bất tài nhưng cầm binh cũng đã mười năm nay.”

Trong các vị đó, Hoàn Nhan Hợp hẳn là người dễ tiến cử nhất, và cũng hợp ý vua. Hoàn Nhan Hợp là thân vương, để y nắm quyền thì Tuyên Tông cũng được lợi, không bị vây cánh Ô Cổ Kinh, Toàn Tuân kìm hãm quá thể.

Thủ Trung trong lòng giận dữ. Hắn đề bạt Truật Hổ Cao Kỳ lên làm thừa tướng vì ông ta là người dễ bảo, chỉ chăm cầm quân trị quốc, không có mưu cầu cuốn vào vòng quay chính trị. Cao Kỳ kể cả không phải người tài nhất, nhưng nếu lão ta cầm binh sẽ không phải lo bị hắn mang quân đòi lý lẽ phải quấy trong trường hợp Thủ Trung phế ngôi vua cha. Nếu để binh quyền rơi vào tay bọn thân vương Hoàn Nhan Hợp, chẳng khác gì lắp cánh cho hổ, Trang Hiến thái tử đã làm chính trị bao nhiêu năm nay há tất lại ngờ nghệch vậy!

Giản Túc ngay lập tức phản biện. “Hoàn Nhan Hợp, Quách Bảo Ngọc trước giờ đều chỉ trấn giữ các quận, chưa bao giờ được tham xét toàn cảnh như Truật thừa tướng, sao có thể rõ tình hình bằng thừa tướng được? Vương Xán tuổi đời còn chưa được ba mươi, là kẻ thiếu kinh nghiệm, liệu có phải Vương thái úy đang ưu ái quý tử?”

Bỗng dưng, một giọng nói mỏng tang, bay bổng vang lên trong hàng ngũ các quan. “Hoàn Nhan Hợp giữ thành chưa thua trận nào, Quách Bảo Ngọc ba quân đều giữ hàng ngũ nghiêm cẩn, chưa phạm sai lầm. Còn với Truật thừa tướng thì thần không thể dành những lời khen đó được.” Một nam tử trẻ tuổi, tuổi trạc Vương Xán bước ra giữa các quan. Khuôn mặt nam tử này tuấn lãng, trên vạt áo bào có thêu sương văn hình chim hoàng yến, họa tiết chỉ dành riêng cho hoàng kim thế gia. Nam tử này lạy Tuyên Tông một cái, rồi cũng cúi chào một loạt các quan viên khác. “Thượng kỵ đô úy Lý Đình Chi xin bái kiến hoàng thượng. Muôn tâu hoàng thượng, bẩm thái tử, bẩm Lục Kháng Vương, thần xin được nói ra vài lời ngu muội.” Đình Chi là nội tôn (cháu nội) của lão tổ Lý gia Lý Khắc Dụng, là công thần khai quốc, lập nhiều công trạng phá nhà Liêu lập nên nhà Kim, còn trẻ tuổi nhưng đã nổi danh thiên hạ nhờ tài thi ca, thi pháp, đối đáp vô cùng nhanh nhạy.

Thủ Trung định ngăn lại nhưng Tuyên Tông đã gật đầu.

Lý Đình Chi nói, “Trước bệ hạ có bàn về việc mua ngựa của Tây Hạ, Truật thừa tướng nói rằng Mộc Ba và biên thùy còn nuôi ngựa rất nhiều, đủ dùng. Bệ hạ lại hỏi về thương kích trước giờ nhập từ Hoa Lạt Tử Mô có cần nhập nữa không, Truật thừa tướng cũng nói rằng đủ. Sau này thấy ra cả thương cả ngựa đều thiếu, đó là Truật thừa tướng trù tính chưa tốt.”



Ô Cổ Kinh và Thủ Trung nhất loạt lườm Lý Đình Chi. Những viên quan khác đều biết đối địch với thái tử là rước họa vào thân, chỉ cần thấy cái liếc mắt bất bình thôi là đã biết vội vã lui lại.

Nhưng Lý Đình Chi vẫn cứ nói, “Đại quân Mông Cổ chiếm Đồng Quan, đóng trại ở khoảng Tung, Nhữ. Truật thừa tướng cho là đài quan vốn không quen việc binh, không biết phương lược phòng bị, chỉ đem trọng binh đồn trú Yên Kinh để cố giữ, còn châu quận bị tàn phá thì không có ý cứu giúp, theo sách mà làm như vậy, đó là hạ sách mất đất. Năm ngoái giặc Hồng Áo của bọn Dương An Nhi nổi lên, Truật thừa tướng lại cho là địch yếu kém, cho là theo thế thượng phong được đà tiến đánh, cứ dồn chúng vào thành nhỏ, khiến bọn chúng cùng đường vùng vẫy, đó là hạ sách mất lính. Vậy ngu thần muốn hỏi rằng liệu có thể để Truật thừa tướng cầm quân?”

Tuyên Tông vùng vằng chưa quyết. Lúc này, Thủ Trung mặt mũi đã tím cả lại, lập tức xen vào, rút ra từ trong tay áo ấn tín của vua rồi gõ lên long bàn. Các quan đều giật mình sửng sốt, không biết vì sao Thái tử lại có trong tay ấn tín của Tuyên Tông. Tới cả Ô Cổ Kinh cũng kinh ngạc vì sự liều lĩnh của Thái tử. Vây cánh xây dựng chưa xong, nếu việc này làm cho Tuyên Tông nổi giận, rất có thể đại sự sẽ bất thành.

Thủ Trung mới lớn tiếng, “Các ngươi đừng xàm tấu! Nhập ngựa nhập vũ khí nước ngoài suốt thì lấy đâu ra tiền nuôi quân? Ý các ngươi là vũ khí nội địa không đủ tốt? Giữ cố đô thì có gì sai? Hay các ngươi muốn kinh đô bị chiếm? Truật thừa tướng làm gì cũng có suy nghĩ cho đại cuộc, còn các ngươi chỉ nhìn vào kết quả mà phán xét, không nhìn thấy quá trình, cho cầm quân cũng không khá hơn đâu!” Nói rồi mới quay sang Tuyên Tông. “Phụ hoàng nhất định phải đưa Truật thừa tướng lên lĩnh binh, nếu không thì chuyện mất nước là khó tránh khỏi!”

Tuyên Tông nghe xong một hồi, mới nói, “Truật thừa tướng đã kinh nghiệm nhiều năm, ta đề bạt làm thống soái. Hoàn Nhan Hợp, Quách Bảo Ngọc, Vương Xán dưới quyền, cứ theo sắp xếp của thừa tướng mà làm, nếu có việc gì thì bẩm tâu, đóng góp ý kiến, vậy là tốt rồi! Ta để thừa tướng lãnh binh không có nghĩa những tướng kia không có vai trò.”

Đa số quần thần đều đồng thanh đáp, “Hoàng thượng anh minh!”

Vương Diệu, Lý Đình Chi hai người vô cùng bất bình, còn muốn phản đối nữa. Thủ Trung trong lòng cười thầm, mới nói nhỏ với Tuyên Tông, “Hôm nay phụ hoàng long thể chưa tốt, lại còn nghe cãi nhau nhiều như vậy rất là không ổn. Nhi thần khuyên phụ hoàng nên bãi triều sớm.”

Tuyên Tông mới gật đầu, truyền, “Bãi triều!”

Vua Tuyên Tông quả nhiên bắt đầu đau đầu, trong khi bên ngoài thì trời đã trở tối, bèn nhờ người dìu về nội điện. Thái phủ giám thừa Du Mậu nhân lúc vua không có ai ở bên, mới đuổi bọn hầu đồng bên ngoài đi, lẻn vào xin được dìu vua về phủ. Vua biết Du Mậu trước giờ là người khảng khái, không có tà tâm, nên đồng ý.

Khi những kẻ khác đi hết, Du Mậu mới quỳ dưới chân vua mà rằng, “Thần có đôi lời xuẩn ý muốn tâu, mong bệ hạ hãy nghe cho vì xã tắc.”

Tuyên Tông đỡ Mậu dậy, bảo Mậu, “Ngươi có gì cứ nói, không cần thiết phải quỳ như vậy.”

Du Mậu nói, “Thầy có một câu hỏi ngu si thế này. Không biết đợt vừa rồi rời đô, Thái tử có giữ hộ ấn tín của hoàng thượng, liệu đã trả chưa?”

“Chưa trả,” Tuyên Tông đáp.

“Giữ lâu vậy mà chưa trả, nếu có là quên thì cũng khinh suất quá. Ấn tín của vua thì vua nên cầm; hôm nay nghị triều mà vua lại không có ấn tín, thần cho là các quan có chút bối rối.”



Tuyên Tông mới cười mà rằng, “Con ta giữ thì cũng như ta giữ, ta muốn đòi lúc nào chả được.”

Du Mậu lại tâu, “Muôn tâu hoàng thượng, uy quyền của Lục Kháng Vương Ô Cổ Kinh quá trọng, trong ngoài e sợ, tới cả chuyện chọn thống soái cũng một tay Ô Cổ Kinh quyết định. Phải là người ngay thì xã tắc yên ổn, nhưng trước kia có loạn vua Hi Tông, Ô Cổ gia nhân đó tư lợi, chiếm lấy quyền thế, chuyện này không ai không biết. Thần thiết nghĩ bệ hạ hãy ức chế Lục Kháng Vương lại, có việc gì cũng lập ra một ủy ban cùng nhau quyết định, như vậy sẽ không sợ ở gần hổ dữ bị hổ dữ ăn thịt.”

Tuyên Tông đáp, “Chuyện của Ô Cổ gia là chuyện của đời cha đời ông, liên quan gì tới tư cách của Lục Kháng Vương? Vả lại Thái tử cũng rất tin tưởng Lục Kháng Vương, chính Vương cũng đã bẩm tâu bao nhiêu sáng kiến phò giúp rường cột Đại Kim chắc chắn. Chuyện này ngươi đừng lo lắng thừa, đừng tâu với ta nữa.”

Thế là cả hai việc trình tâu đều bất thành. Mậu bước ra khỏi nội điện, trong lòng bất an. Nay trên triều tới cả Vương thái úy và Lý gia còn không át được một mình Ô Cổ Kinh, sau này thiên hạ dễ loạn. Thế là vẻ mặt rầu rĩ hiện cả ra ngoài mặt.

Vừa bước ra khỏi nội môn thì Du Mậu nghe thấy tiếng nữ nhân trước mặt gọi tới, “Du giám thừa có chuyện gì mà buồn bã vậy?” Du Mậu trông ra thì là Ôn quốc công chúa Hoàn Dĩ An cưỡi ngựa tới, trên tay vẫn còn cầm cây Thiên Lệ Cung trứ danh thiên hạ. Du Mậu trước giờ với công chúa có chút thân thiết, không nghi ngờ nàng, cũng không vì nàng tuổi nhỏ mà khinh thị, bèn kể lại nỗi khổ tâm trong lòng.

Ôn quốc công chúa nghĩ ngợi một hồi rồi đáp, “Ô Cổ Vương gia rất thân thiết với hoàng huynh ta. Nếu ngươi muốn loại bỏ ông ta, thì phải ly gián mới được.”

Du Mậu giật mình hỏi, “Ly gián như thế nào?”

Công chúa đáp, “Hoàng huynh là người ưa tiện lợi. Nếu Ô Cổ Kinh liên tục gây bất lợi cho huynh thì sẽ không được tin dùng nữa. Không phải chính hoàng huynh là người chủ trương đắp thành Biện Kinh, không ứng cứu các thành còn lại, rồi đổ cho Truật thừa tướng làm điều đó sao? Tức là hoàng huynh muốn giữ mạng, chỉ cần giữ thành này là được. Giờ Du giám thừa hãy tới chỗ Truật thừa tướng, thuận theo binh pháp mà khuyên Truật thừa tướng chia quân cho các trấn, điều đó tất làm hoàng huynh ngứa mắt, gây rạn nứt quan hệ với Ô Cổ gia.”

Du Mậu đôi mắt sáng ngời, cho kế ấy là phải, lập tức chạy tới phủ Truật thừa tướng.

Du Mậu và công chúa vừa đi khỏi thì Thái tử Thủ Trung xuất hiện, đi ngay sau là Chiếu Kỵ Tướng Quân Toàn Thạch đeo thanh Khai Sơn Đao sau lưng. Thủ Trung thấy bọn tiểu đồng túm tụm bên cạnh ao nước trước cửa nội môn, thấy tò mò bèn hỏi, “Bọn tiểu hầu đồng các ngươi đáng lý đang phải chầu hoàng thượng chứ, sao lại ở đây?”

Bọn chúng thấy Thủ Trung thì run lên bần bật, mãi mới có một đứa lí nhí đáp, “Bẩm, có một viên giám thừa họ Du tới muốn nói chuyện riêng với vua, nên đuổi bọn nhi thần ra đây.”

Thủ Trung nghe tới đó, biết ngay là Du Mậu. Người này trước giờ thân thiết với Lý Đình Chi, hẳn đang bày trò tằn tiện gì chống lại hắn. Thủ Trung mới bảo Toàn Thạch, “Ngươi sai người vào vương phủ với phủ Truật thừa tướng dò la xem có thấy Du Mậu quanh đó không.”

Toàn Thạch vâng mệnh đi ngay.

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.net

truyện trọng sinh
truyện sắc

Dtruyen.com đổi tên miền thành Dtruyen.net. Độc giả ghi nhớ để truy cập.

truyện bách hợp

Nhận xét của độc giả về truyện Ai Tông Mạt Quốc

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook