Ấn Quang Ðại Sư Gia Ngôn Lục

Chương 21: 3. Dạy Những Điều Thiết Yếu Về Lâm Chung

Ấn Quang Đại Sư

08/08/2021

* Một cửa ải lâm chung thật là khẩn yếu. Ðời có kẻ ngu, lúc cha mẹ, quyến thuộc lâm chung bèn khóc lóc vật vã, tắm rửa, thay áo, chỉ mong đẹp mắt người đời, chẳng nề di hại cho người chết. Người không niệm Phật hãy khoan bàn đến, người chí thiết vãng sanh lúc lâm chung gặp phải quyến thuộc như vậy, đa phần bị phá hoại chánh niệm, vẫn bị ở lại trong thế giới này.

Lâm chung trợ niệm ví như kẻ yếu đuối trèo núi, sức mình chẳng đủ, may nhờ có sức người đằng trước kéo, đằng sau đẩy, tả hữu xốc nách, nên có thể lên được đỉnh núi cao nhất.

Lâm chung chánh niệm rỡ ràng, bị ma quyến, ái tình lay động, phá hoại... giống như dũng sĩ trèo núi, tự lực sung túc, nhưng bạn bè, người quen ai nấy đem vật dụng của mình bảo phải gồng gánh. Gồng gánh quá nhiều, sức kiệt, thân nhọc, dõi nhìn vách núi liền lùi bước.

Lẽ được mất này dù do người khác gây ra, thật sự là do những nghiệp lực thiện hay ác của chính mình trong những kiếp trước đã thành tựu hay phá hoại người mà ra. Phàm là người tu Tịnh nghiệp, phải nên có chánh niệm thành toàn cho người, và phải chỉ dạy sẵn cho quyến thuộc về lẽ lợi hại, ngõ hầu ai nấy hiểu điều quan trọng là chỗ đạt đến của thần thức người chết, chứ chẳng phải tại phương diện tình cảm thế tục, mới hòng khỏi lầm lạc vậy!

* Trong tuần thất và trong hết thảy lúc, hết thảy sự, phải lấy niệm Phật làm chánh, chứ chẳng phải chỉ lúc đang lo ma chay! Hiện thời, đa số Tăng lười nhác. Tụng kinh [Phật tử] phần nhiều không biết. Ðã thế còn tụng nhanh như nước chảy, [Phật tử] dù biết nhưng chẳng thuộc cũng chẳng thể đọc theo. Dù có đến mấy mươi người, không có mấy người tụng kinh được! Chỉ có mỗi niệm Phật, trừ phi chẳng phát tâm, quyết chẳng có cái nạn không ai niệm theo được. Lại dù chẳng chịu niệm, một câu Phật hiệu lọt qua tai thấu vào tâm cũng tự lợi ích chẳng ít. Ðấy là lý do Quang tôi tuyệt đối chẳng đề xướng lập bất cứ đạo tràng nào khác.

* Ðối với người sắp mạng chung, chỉ có đồng thanh niệm Phật là có ích. Nếu tâm thức chưa rời khỏi thân thì tắm rửa, thay y phục

v.v... [cho người chết] gây trở ngại rất lớn. Vì thế, người tu Tịnh nghiệp hằng ngày phải nên nói cho quyến thuộc hiểu rõ duyên do ấy, ngõ hầu chẳng đến nỗi dùng lầm tình thân ái, gây trở ngại việc vãng sanh! Nếu là bậc đại nhân tột bậc, bậc cao sĩ xuất cách, bất tất e sợ sẽ mắc phải những chướng ngại ấy!

* Phật pháp rộng sâu, chỉ khi nào thành Phật mới ngừng tay được. Muốn chắc chắn được vãng sanh, thường hành truy tiến thật chẳng trở ngại gì đến việc khẩn thiết niệm Phật, tức là như kinh Phật đã dạy: “Dù biết tội tánh vốn là không, nhưng luôn sám hối tội trước, chẳng nói là mình đã được thanh tịnh”. Ngài Liên Trì nói: “Trong năm, thường phải truy tiến người đã mất, chẳng được nói họ đã được giải thoát nên chẳng cử hành”.

Phải biết rằng: tụng kinh, niệm Phật tuy bảo là để truy tiến người thân, thật sự là để quyến thuộc hiện tiền, người quen mở mang cõi lòng, trồng thiện căn, và đem hết thảy công đức truy tiến người thân hồi hướng cho hết thảy pháp giới chúng sanh để mở rộng tâm lượng của mình lẫn người, của kẻ sống lẫn người mất, hòng tiêu diệt những chấp trước, chướng ngại của mình lẫn người, của kẻ còn lẫn người mất. Nếu như chẳng đặt nặng lòng thành, chỉ cốt xa hoa, khoa trương, khoe mẽ cùng người, có thể nói là: “Dùng đám tang người thân để bày trò náo nhiệt”, chẳng phải là điều con cái nên làm.

* Ngay lúc thân mắc bệnh nặng, lúc chưa thể chắc chắn sẽ sống hay chết, hãy dạy cho mọi người ai nấy vì mẹ chí thành khẩn thiết niệm “nam mô A Di Ðà Phật”, ngõ hầu tuổi thọ chưa tận sẽ chóng lành bệnh, tuổi thọ đã hết sẽ chóng được vãng sanh Tây Phương. Các con ông hiếu tâm tinh thuần, chuyên dốc, ắt sẽ đều thường trì niệm như cứu đầu mình bị cháy. Như thế, nào phải chỉ hữu ích cho phu nhân, mà thật sự còn có ích lợi sâu xa cho các cậu con ông nữa kia.

Người phàm mắc bệnh thì dùng thuốc để trị, nhưng cũng không nhất quyết phải dùng đến thuốc. Bệnh chẳng thể dùng thuốc trị, dù có tiên đan cũng vô dụng, huống hồ là thuốc của thế gian? Chẳng cần biết là bệnh trị được hay không, đều nên dùng thuốc A Già Ðà. Thứ thuốc này tuyệt đối chẳng hại người. Uống vào, dù thân hay tâm đều kiến hiệu liền.

Người sống trong thế gian, chẳng luận lâu hay mau, rốt cuộc cũng một lần chết. Cái chết ấy chẳng đáng tiếc, nhưng chỗ sẽ trở về sau khi chết chẳng đáng để sắp đặt sẵn hay sao? Người có lực lượng tự mình sắp đặt thỏa đáng, yên ổn, lẽ cố nhiên khi lâm chung chẳng cần đến người khác giúp đỡ. Nhưng nếu được hỗ trợ lại càng thêm đắc lực. Người không lực lượng phải nên bảo gia quyến thay mình niệm Phật, ắt sẽ đề khởi được chánh niệm, chẳng đến nỗi bị ân ái buộc ràng, vẫn y như cũ bị ái tình trói buộc vào cõi này chẳng thể ra khỏi !



* Với việc đảo bệnh, tiến vong, người đời nay hay dùng những cách như tụng kinh, lễ sám, làm đàn Thủy Lục v.v... Riêng Quang đối với những người quen biết mình đều dạy niệm Phật. Vì lợi ích của việc niệm Phật còn hơn tụng kinh, lễ sám, lập đàn Thủy Lục v.v... rất nhiều. Vì sao vậy?

Tụng kinh thì người không biết chữ không tụng được. Dù biết chữ nhưng tụng nhanh như nước chảy, người miệng lưỡi hơi chậm chạp cũng không tụng theo nổi. Người lười biếng tuy tụng được, cũng chẳng chịu tụng. Hóa ra chỉ hữu danh vô thực. Lễ sám, lập đàn Thủy Lục cứ theo đó mà suy.

Niệm Phật thì không một ai là chẳng niệm được. Dù có kẻ lười nhác chẳng chịu niệm, nhưng mọi người cùng hòa tiếng niệm, kẻ ấy chẳng bịt tai nên một câu Phật hiệu tất nhiên sẽ phân minh rành rọt rót vào tâm. Dù chẳng niệm có khác gì là niệm! Như người nhiễm hương, thân có mùi thơm; nào phải họ muốn thơm, chẳng mong như vậy mà lại được vậy! Vì thân quyến cầu an, tiến vong, chẳng thể không biết điều này!

* Làm Phật sự bất tất phải niệm kinh, lễ sám, làm đàn Thủy Lục v.v... vì những việc ấy đều thuộc về mặt đàn tràng. Hãy nên chuyên nhất niệm Phật, ngõ hầu các cậu con ông từ đầu đến cuối đều niệm theo được. Nữ quyến ai nấy tự niệm trong phòng mình, chẳng nên ngồi sau lưng các Tăng. Như thế thì chẳng những phu nhân và lệnh quyến được lợi ích thật sự, mà vị Tăng niệm Phật và hết thảy người thấy nghe không ai chẳng được lợi ích.

Phàm làm Phật sự, nếu chủ nhân chịu tham dự đàn tràng thì vị Tăng sẽ tự phát tâm chân thật. Còn nếu chủ nhân coi đó là chuyện hình thức thì ông Tăng cũng sẽ coi pháp sự ấy là chuyện hình thức, như một kỳ Phật sự đã xong, ban đêm xả đàn Diệm Khẩu rồi thôi!

* Cho dù [người mất] thật sự được vãng sanh, vẫn phải nên chân thành niệm Phật để cầu phẩm sen của người ấy được cao hơn, chóng chứng Vô Sanh, đấy mới là tận hiếu. Ðiều này tuy để người chết được lợi, nhưng thật ra con cái, dâu rể đều cùng gieo thiện căn. Cháu nào niệm được cũng nên bảo nó niệm theo.

* Lúc cha mẹ lâm chung, toàn gia không khóc lóc mà niệm Phật là có lợi ích nhất. Nhưng [chỉ niệm] trong lúc ấy vẫn còn ngắn ngủi lắm, hãy nên niệm Phật cả ba tiếng không ngừng, chẳng cất tiếng khóc cũng như di động, chuyển dịch là tốt nhất. Xin hãy nhớ kỹ lấy!

* Ðối với việc làm Phật sự, Quang đã từng nói rõ rồi. Mong đừng bắt chước thói tục, làm chuyện sáo rỗng xuông. Nếu niệm Phật trong suốt bốn mươi chín ngày so ra còn lợi hơn tụng kinh rất nhiều.

* Người trước khi mất nếu tự có thể tắm gội, thay áo thì rất hay. Nếu người ấy chẳng thể tự làm, quyết chẳng nên tắm gội, thay áo sẵn, khiến người ấy bị đau đớn khó chịu đựng nổi, mất chánh niệm. Sao cuối cùng ông vẫn buộc người đã khuất mặc pháp y, khoanh chân ngồi kết già để rồi tiếc hận? Chẳng biết rằng trong lúc ấy tốt nhất là đồng thanh niệm Phật, vạn vạn phần chẳng được phô trương, bày vẽ (như tắm gội, thay áo, bắt người sắp chết ngồi xếp bằng v.v...). Nếu phô trương, bày vẽ sẽ thành như đã bị té xuống giếng còn bị ném đá thêm. Hãy nhớ kỹ, nhớ chắc!

* Lâm chung teo quắt lại và bị bệnh khổ chính là do nghiệp chướng từ nhiều kiếp. Vì người ấy dốc lòng tu Tịnh nghiệp nên chuyển trọng báo, hậu báo thành báo nhẹ trong hiện đời. Ông bảo do tu trì tinh tấn nên thân ngày càng yếu. Lời này chẳng xác đáng, còn vướng lỗi là khiến cho kẻ tín tâm nông cạn nhân đó bèn lui sụt. Phải biết rằng: người niệm Phật quyết định tiêu trừ được nghiệp chướng; những nghiệp chướng hiện tiền chỉ là những ác báo phải đọa trong tam đồ của đời tương lai chuyển thành bệnh khổ trong đời hiện tại để giải quyết cho xong đó thôi!

Kinh Kim Cang dạy: “Trì kinh Kim Cang có điều nhục nhỏ như bị người khác khinh miệt chính là diệt được cái khổ tam đồ ác đạo trong nhiều kiếp”. Ðấy chính là phước dày, sẽ được vãng sanh Tây Phương. Chịu cái khổ nhỏ lúc này để giải quyết cho xong ác báo từ vô lượng kiếp đến nay, thật là may mắn lớn. Chớ học theo kẻ chẳng biết sự việc chi bảo: “Vì tu trì đến nỗi mắc bệnh hay bị chết!”

* Vì lẽ nào mẹ ông bệnh chẳng lành? Ðấy là do túc nghiệp tạo thành như thế, nhằm chuyển trọng báo, hậu báo thành báo nhẹ trong đời này để giải quyết cho xong ngay trong lúc này.



Pháp sư Huyền Trang khi lâm chung còn có chút bệnh khổ, lòng ngờ những kinh mình dịch có chỗ nào sai lầm chăng? Liền có một vị Bồ Tát an ủi rằng: “Tội báo trong những kiếp trước của Sư sẽ do nỗi khổ nhỏ này mà tiêu. Ðừng hoài nghi nữa!” Hãy dùng ý này để an ủi mẹ ông, khuyên bà sanh tâm hoan hỷ, đừng sanh tâm oán hận, sẽ quyết định được Phật gia bị. Tuổi thọ chưa hết sẽ mau được lành bệnh. Tuổi thọ hết sẽ vãng sanh. Phàm nhân đang lúc bệnh khổ cứ hay nghĩ đến chuyện lùi một bước sẽ an lạc vô lượng!

Gần đây, binh lửa liên miên, chúng ta may chưa mắc phải nạn ấy. Dù có bệnh khổ, vẫn còn được cảnh tỉnh, nhắc nhở mong thoát khổ, thì chỉ nên cảm kích, chuyên tu, tự được lợi ích. Nếu không, cứ oán trời trách người, chẳng những túc nghiệp chẳng thể tiêu, mà còn tăng thêm cái nghiệp oán trời trách người. Hãy bảo mẹ ông như thế. Nếu thật chẳng oán trời trách người, tịnh tâm niệm Phật sẽ tiêu được nghiệp như nước sôi tan tuyết.

* Về việc tang tế nên dùng toàn đồ chay, chớ thuận theo thói tục. Dù bị kẻ chẳng thạo việc đời trách là không đúng, cũng cứ mặc họ chê cười mà thôi. Việc chôn cất đừng quá phô trương, bày vẽ. Làm Phật sự chỉ nên niệm Phật, đừng làm Phật sự nào khác. Nên bảo cả nhà cùng khẩn thiết niệm Phật thì mẹ ông, người nhà ông, quyến thuộc của ông và thân thích, bằng hữu đều cùng thật sự hưởng lợi ích.

Có tài lực thì hãy làm nhiều công đức. Nếu tiền của dùng cho việc tang ma chẳng dư, chỉ lo tang ma không thôi cũng được. Chớ có vung tay quá trán đến nỗi thiếu hụt, sau này phải chịu cảnh quẫn bách.

* Mọi việc trong đời người đều có thể vờ vĩnh được, chỉ mỗi mình lúc lâm chung là chẳng thể dối trá được. Huống hồ những chuyện như không tình luyến ái, vẻ mặt vui sướng, ngồi yên qua đời, nếu chẳng phải là Tịnh nghiệp thành thục, đoan chắc không thể đạt được như thế!

Chỉ mong con cháu và quyến thuộc cả nhà ông hiểu đúng sự việc: Vì mẹ niệm Phật thì chẳng những mẹ ông được lợi, mà thật ra công đức niệm Phật của chính mình càng lớn. Bởi thế, Phật dạy người mỗi khi tụng kinh, trì chú, niệm Phật, làm các công đức đều hồi hướng cho pháp giới chúng sanh. Bình thời, còn vì pháp giới chúng sanh [là những kẻ] chẳng can hệ gì đến mình hồi hướng, huống hồ mẹ mất mà chẳng chí tâm vì mẹ niệm Phật ư?

Có thể vì hết thảy chúng sanh hồi hướng là đã hợp với thệ nguyện Bồ Ðề của Phật, như một giọt nước gieo vào biển cả liền được rộng sâu như biển cả. Nếu như chưa đến được biển, đừng nói là một giọt nước; cho dù là trường giang, sông cái tất nhiên vẫn khác với biển cả một trời, một vực! Như vậy, làm điều gì cho người thân và cho hết thảy mọi người đều là để tự bồi đắp phước đức của chính mình đó thôi!

Biết được nghĩa này, người có tâm hiếu thì tâm hiếu lại càng thêm tăng trưởng. Kẻ không hiếu tâm cũng sẽ phát khởi tâm hiếu, thỉnh Tăng niệm Phật suốt bốn mươi chín ngày, càng hay! Lúc niệm, anh em ông phải có người tham dự cùng niệm. Phụ nữ bất tất phải tới ngồi sau chúng Tăng; bởi lẽ niệm Phật nhiều ngày sẽ trở nên quen biết nhau, có thể khiến người khác nẩy sanh hiềm nghi. Nên xếp riêng một nơi niệm Phật cho phụ nữ, hoặc để họ ngồi sau màn, ra vào theo cửa riêng, hai bên chẳng trông thấy nhau.

Làm như vậy để làm gương cho làng xóm, mở bày khuôn phép tốt lành. Nếu để lung tung không giới hạn, lỡ người khác bắt chước theo, lâu ngày ắt nảy sanh mối tệ. Người xưa lập pháp tuy là thượng thượng nhân vẫn tuân theo khuôn phép của hạ hạ nhân nên tệ hại mới không nảy sanh!

* Những thuyết “đảnh thánh, nhãn sanh thiên” thật sự có chứng cứ, nhưng Quang sợ kẻ vô tri cứ chăm chút thăm dò hơi nóng lạnh. Ý tôi muốn nói là: Nếu có tín nguyện, lâm chung chánh niệm phân minh, ắt được vãng sanh, chẳng cần cứ phải thăm dò hơi nóng lạnh để làm chứng cứ! Cho nên nói: Cũng chẳng phải chỉ có một cách. Chỉ e thăm dò nhiều lượt đến nỗi gây lầm lỡ [cho người đã mất]. Chẳng thể chẳng biết!

* Hãy nên đem hết thảy việc nhà và ngay cả cái sắc thân của chính mình đây thảy đều buông toàn bộ xuống hết. Từ trong cái tâm chẳng nhiễm mảy trần trì thánh hiệu vạn đức hồng danh, nghĩ mình sắp chết, ngoại trừ việc niệm Phật cầu tiếp dẫn chẳng khởi một tạp niệm nào. Làm được như vậy, nếu tuổi thọ đã tận sẽ quyết định vãng sanh Tây Phương, siêu phàm nhập thánh. Nếu tuổi thọ chưa tận, sẽ quyết định tiêu nghiệp, lành bệnh, huệ rạng, phước cao. Nếu chẳng nghĩ như thế, cứ si ngốc chỉ cầu chóng lành bệnh thì chẳng những bệnh chẳng thể chóng lành, trái lại còn nặng thêm. Giả sử như tuổi thọ đã hết, ắt sẽ theo nghiệp chìm nổi vĩnh viễn không có dịp thoát khỏi nỗi khổ ở Sa Bà này!

* Người lâm chung được trợ niệm ắt sẽ được vãng sanh. Ðã không được trợ niệm, lại còn khóc lóc, xáo động, khiến ái tình, sân hận khởi lên làm cho người chết khó khỏi bị đọa lạc. Cực hiểm, cực hiểm! Ông thành tựu được việc vãng sanh cho mẹ cũng là chánh nhân tịnh nghiệp của tam thế chư Phật. Ấy là: Ngay trong trần lao mà hành Phật sự, công đức ấy thù thắng hơn những công đức tầm thường cả vạn phần.

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.net

truyện Đam Mỹ
truyện sắc

Dtruyen.com đổi tên miền thành Dtruyen.net. Độc giả ghi nhớ để truy cập.

ngôn tình sắc

Nhận xét của độc giả về truyện Ấn Quang Ðại Sư Gia Ngôn Lục

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook