Bà Cháu Cửu

Chương 1: Cuộc Sống Của Bà Cháu Cửu

Ngọc Khánh

11/11/2023

Ngày xưa, cái thời vẫn còn tồn tại giai cấp địa chủ, có rất nhiều người bị bắt đi làm nô lệ hoặc phải làm giúp việc nhà mấy tên hào phú. Những kẻ khố rách áo ôm luôn phải chịu những trận đòn roi của chủ mỗi khi không làm tốt được việc gì. Nhiều người đã bỏ trốn nhưng hầu như tất cả họ sau cùng vẫn bị bắt lại. Những tên chủ trả công cho họ ít quá, cũng chẳng thế đủ để lo sống cho bản thân hàng ngày. Quần áo, cơm ăn không được đàng hoàng, thậm chí có những tên hầu ao ước như được ông chủ, sống trong cảnh sung túc vậy, nhưng đó chỉ là nằm mơ giữa ban ngày! Ở đời, chẳng có ông Bụt nào cả. Nên họ chỉ nằm nghĩ cho sướng thôi, còn ngày nào thì cũng lặp lại một chuỗi khổ cực.

Thế nhưng không biết ở đâu tồn tại ngôi làng nhỏ, không có giai cấp địa chủ nhưng người nghèo thì vẫn còn có sinh sống ở đấy. Tất thảy họ phải tự lo cho bản thân. Làng này không rộng lắm, người ở thì cũng không nhiều, nhưng qua lại ở chỗ chợ là được cái tấp nập. Cái cổng làng cũ và khá thấp chào đón những người qua lại đông nghịt. Phía bên kia, chỉ là một căn nhà đơn sơ giữa ngôi làng đó.

Một người đàn bà không con không cháu sống ở đây qua ngày với một thằng cháu nuôi tóc vẫn còn đang để trái đào, thằng nhóc thì ham chơi, không chịu học hành vì bà cụ chẳng có đủ tiền để mua sách cho nó ăn học đàng hoàng. Không ai ở đây biết tên thật của bà cụ. Bà cụ tầm 75 tuổi, mặc áo nâu sờn rách (bà không biết may vá, khâu như mấy cô thiếu nữ trong làng, hồi nhỏ bà cụ không được học cách may vá, dệt vải), chân đi dép cũ rích từ đời nào cả rồi. Mái tóc bạc một màu bạc phơ, trán nhăn nheo những nếp gân đọng lại của tuổi già và những vết mụn lở loét. Bàn tay khô sạm. Cứ hai, ba tháng là bà cụ ốm một trận, suốt ngày ngồi trong nhà ho “khụ khụ”. Mấy kẻ trong làng có vài lần cùng ngồi bàn tán về bà. Nhất là những người phụ nữ thích tán chuyện. Mụ bán cá thì thầm với cô khách quen:

- Cô à! Cái cụ ấy con cháu đâu cả rồi, không về chăm sóc u già đi nhỉ? Chỉ nuôi mỗi một thằng cháu không phải ruột thịt! Coi thì vất vả ghê á!

- Đúng rồi chị à! – Cô khách hả hê đáp vào tai mụ bán cá đang dỏng lên – Thằng bé này không được đào tạo, không được học hành đàng hoàng, chỉ có chơi là chơi! Hỏi xem sau này lớn lên, biết chăm bà không? Mà nếu nó biết đó là bà nuôi, chắc nó sẽ tức phát khóc bỏ nhà đi cho mà xem! Chưa thấy thằng cháu nào bất hiếu đến thế! Mà nghe nói bà cụ đần ấy còn có một thằng con giai giờ không rõ tung tích, chắc ngày xưa hay bỏ bê đi đánh bạc đấy! Rồi thằng Cửu cũng sẽ có ngày như thế thôi!

- Cái thằng cháu họ nhà tôi á, lúc nào cũng phụ tôi đi bán cá, còn cứ “vâng ạ”, “dạ” hoài, ngoan ghê gớm! Tôi còn tặng nó bao nhiêu là cuốn sách, còn làm cho nó món cơm cá nó yêu thích. Cái bà cụ đần đấy thì dạy dỗ thằng cháu thế nào đây?

Bà cụ đi chợ mua thịt, rau cho cháu ăn nghe thấy thì tủi hổ và khổ thân lắm. Mắt bà cụ rơm rớm nước. Ngay từ nhỏ bà đã chịu khổ rồi, mà khổ hơn nữa là ông Giời không để cho bà biết cách dạy con cháu.

Bà cụ xách giỏ đầy thịt cá, gọi vọng từ trước cửa:

- Cửu! Cửu ơi! Món cơm trưa của mày đấy! Mở cửa cho bà đi!

Tiếng thằng bé đáp từ trong nhà:

- Lại có thức ăn nữa hả bà? Hôm nay bà có làm món thịt nướng cho cháu không?



- Trời, bếp than thì gần hết, làm sao làm món thịt nướng cho cháu được! – Bà cụ sốt ruột đẩy cửa vào nhà.

- Thôi! Thế thì trưa nay cháu nhịn đói! Bà thật đáng ghét! – Thằng Cửu kêu lên giọng hờn dỗi và đầy oán trách với người bà nuôi.

- Thôi cháu ngoan của bà, hôm nay ăn tạm món đơn giản thôi, bà sắp hết tiền rồi, mà cháu nên nhớ là nhà mình nghèo…

Bà cụ nói chưa hết, thì thẳng Cửu hét lên thất thanh:

- Nghèo là gì cơ chứ? Dù sao cũng phải có món thịt nướng, thịt nướng cơ! Hu hu!

Rồi thằng bé kể tràn ra một mạch nhưng gì nó ấm ức trong lòng:

- Cháu không có thầy u hả bà? Thầy u cháu chết hay sao mà bà không dám nói? Sau cháu không được ăn sung mặc sướng như thằng bé con ngài hào phú làng kia chứ? Lần đi xem tụi nhóc thả trâu, cháu bị thằng ấy và đám bạn của nó đánh cho tơi bời rồi đuổi đi. Bọn nó quát với cháu: “Cút đi, thằng Cửu nghèo rớt mồng tơi! Chẳng ai thèm chơi với thằng nhóc nghèo như mày!”. Sao cháu không được học hành tử tế, sao bà không mua sách cho cháu học? Sao cháu…Sao cháu…

Cửu khóc quá nhiều nên nó không thể nói thêm tiếng nào nữa.

Còn bà cụ không hé răng nói lời nào, bà nghe cháu mắng thì tự trách mình là một mụ nghèo chẩy thây, huống chi ngày xưa đi nhà nhà xin một thằng cháu về nuôi…

(Còn tiếp)

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.net

truyện Đam Mỹ
Nguyên Tôn

Dtruyen.com đổi tên miền thành Dtruyen.net. Độc giả ghi nhớ để truy cập.

truyện full

Nhận xét của độc giả về truyện Bà Cháu Cửu

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook