Chương 13: Cuộc Hôn Nhân Của Tống Khánh Linh Và Tôn Dật Tiên (3)
Nguyễn Vạn Lý
28/11/2017
Đối với người Trung Hoa, việc lật đổ nhà Mãn Thanh cũng không làm cho đời sống họ khá hơn, mà trái lại tình trạng sinh sống của họ còn tồi tệ hơn trước. Thay vì có một chánh quyền mạnh ở trung ương, thì quyền lực chính trị vỡ thành nhiều mảnh nhỏ. Mỗi sứ quân xưng hùng tại một khu vực, tha hồ đánh thuế, vơ vét của cải và sang đoạt tài sản. Có sứ quân bắt dân chúng dưới quyền phải nộp thuế trước 32 năm. Các sứ quân lại thường hay giao chiến với nhau để tranh dành ảnh hưởng, nên miền quê bị tàn phá, ruộng đất hoa màu không trồng trọt được. Gạo phải nhập cảng, và nông dân phải bồng bế nhau bỏ ruộng vườn ra thành phố để rồi cũng chẳng khá gì hơn. Cuối cùng những nông dân này phải đem bán con cái và chính họ cũng chết dần vì đói. Thời đó người ta tin rằng thịt người được bán đầy ngoài chợ. Trẻ con được đem bán từng đàn: Con trai thì vào làm nô lệ trong xưởng máy, con gái thì theo một con đường duy nhất là vào các động mãi dâm, làm đồ chơi cho giới thương gia có nhiều tiền.
Ngay trong Đồng Minh Hội của Tôn Dật Tiên cũng có sự phân hóa. Nòng cốt của Đồng Minh Hội là thương gia và sinh viên. Sau đệ nhất thế chiến, hai giới này coi nhau như thù địch. Sinh viên thì muốn một cuộc cách mạng toàn diện: đuổi người ngoại quốc ra khỏi Trung Hoa, phân chia ruộng đất cho nông dân và bãi bỏ các đặc quyền kinh tế. Trong khi đó quyền lợi của giới thương gia lại gắn liền với người ngoại quốc. Đến khi Nhật Bản can thiệp vào Trung Hoa thì hai phe sinh viên và thương gia tách hẳn nhau thành tả phái và hữu phái.
Sau đệ nhất thế chiến, Đức bại trận và mất tất cả các lãnh thổ hải ngoại. Tại Trung Hoa, Nhật Bản nhảy vào thay thế Đức, và được Anh Pháp hứa hẹn cho chiếm giữ ảnh hưởng lâu dài tại tỉnh Sơn Đông. Nhật Bản đưa ra 21 điều khoản yêu sách cho Viên Thế Khải, đòi hỏi quyền kiểm soát Sơn Đông vĩnh viễn và các nhượng bộ lớn tại Mãn Châu và nhiều nơi khác. Lúc đó Viên Thế Khải phải chấp nhận các yêu sách quá đáng này vì Nhật hăm dọa sẽ ủng hộ đối thủ của Viên. Họ Viên yêu cầu người Nhật giữ kín những nhượng bộ này. Tại hội nghị Ba Lê, đại biểu Trung Hoa yêu cầu bãi bỏ phạm vi thế lực của ngoại quốc, thu hồi các tô giới và Hoa Kỳ hết sức hỗ trợ cho đại biểu Trung Hoa. Nhưng khi phái đoàn Nhật Bản đưa ra hiệp định Sơn Đông, cho phép người Nhật được thừa kế quyền lợi của người Đức tại Trung Hoa, do chính Công sứ Trung Hoa tại Nhật Bản là Chương Tông Tường ký thì Hoa Kỳ không thể bênh vực Trung Hoa được nữa. Như vậy phái đoàn Trung Hoa tại hội nghị Versailles thất bại, ra về tay không.
Đại biểu Trung Hoa đánh điện về cho chính phủ biết nguyên nhân sự thất bại là mật ước đã ký từ trước, có sự đồng ý của đại diện Trung Hoa. Khi bức điện tín ấy được truyền ra thì quần chúng vô cùng phẫn nộ. Viên Thế Khải đã chết rồi, nên mọi tội đều quy về Chương Tông Tường và bộ trưởng ngoại giao Tào Nhữ Lâm và Lục Tông Dư, người tự ý vay tiền của Nhật Bản. Quần chúng gọi ba người này là giặc bán nước.
Ngày 4- 5- 1919, mấy ngàn học sinh các trường học tại Bắc Kinh họp nhau rồi diễn hành qua các đường phố, yêu cầu chính phủ phải trừng trị ba tên bán nước. Khi bị cảnh sát cản đường, đoàn học sinh quay trở lại nhà Tào Nhữ Lâm, lúc bấy giờ Chương Tông Tường cũng mới về nước, và đang trú ngụ tại nhà Tào Nhữ Lâm. Tào Nhữ Lâm kịp thời bỏ trốn. Chương Tông Tường không trốn kịp, bị học sinh bắt được và bị đánh gần chết. Chính quyền ra lệnh bắt một số học sinh. Học sinh liền tổ chức thành những đoàn "Giảng diễn, " kêu gọi người Trung Hoa tẩy chay hàng hóa Nhật. Rồi cuộc xuống đường của học sinh sinh viên lan tràn khắp nước và được giới trí thức và công nhân hậu thuẫn. Nhật Bản vội phái quân đội tới giữ an ninh tại các lãnh địa của Nhật, kể cả Thượng Hải. Một số sinh viên bị bắt tại Bắc Kinh. Lập tức 64 ngàn công nhân đình công tại Thượng Hải, bắt chính phủ Bắc Kinh phải trả tự do cho học sinh và cách chức các viên chức thân Nhật. Phong trào sinh viên không chỉ nhắm vào người ngoại quốc, mà còn chống đối cả những người Trung Hoa cộng tác và phục vụ người ngoại quốc. Điều này làm cho giới mại bản và những bang hội bí mật lo ngại. Chính phủ phải bãi chức Tào Nhữ Lâm, Chương Tông Tường và Lục Tòng Du, nhờ đó sự phẫn nộ của quần chúng mới dịu xuống.
Cuộc vận động ái quốc này xảy ra ngày 4 tháng 5, nên được người ta gọi là Phong trào Ngũ Tứ. Cuộc biểu tình của học sinh trong Phong Trào Ngũ Tứ năm 1919 chấm dứt ngay khi đạt được mục tiêu. Nhưng cuộc đứng dậy vì lòng ái quốc của học sinh và sinh viên trong Phong Trào Ngũ Tứ đã như một chất men say, gây nguồn cảm hứng, khuấy tạo ra một làn sóng hưởng ứng rộng rãi, ảnh hưởng tới toàn thể quần chúng, và mở đường cho những làn sóng cách mạng Trung hoa sau này.
Đảng Cộng Sản Thành Hình
Tháng 5- 1921, Trần Độc Tú và Lý Đại Chiêu đến Thượng Hải dự một cuộc họp quan trọng. Chính trong cuộc họp này Đảng Cộng sản Trung hoa được đề nghị thành lập. Các người cộng sản thấy cần phải có một tổ chức trung ương của đảng, và Thượng Hải được coi là địa điểm hợp lý nhất để đặt tổ chức. Đảng cộng sản Trung hoa được chính thức thành lập ngày 21- 7- 1921. Ngày hôm đó có mười hai đại biểu, đại diện cho bảy chi bộ, và hai đại diện cho tổ chức cộng sản quốc tế tham dự Đại hội lần thứ nhất của đảng.
Mười hai đảng viên Trung hoa và hai đại diện quốc tế gặp nhau trong một trường nữ trung học bên trong khu tô giới Pháp. Lúc đó là mùa hè và trường nữ trung học đóng cửa. Tuy nhiên một số đông đàn ông ra vào một trường nữ trung học đã khiến cảnh sát phải nghi ngờ, và chặn một vài người lại để xét hỏi. Chính vì thế, tất cả đại biểu đồng ý di chuyển địa điểm hội họp. Tất cả tập họp lại trên bờ một cái hồ thuộc tỉnh Chiết Giang gần Thượng Hải, làm như là một nhóm người đi cắm trại. Các buổi họp lênh đênh, vừa câu cá, vừa ăn nhậu, vừa thảo luận đã đưa đến nền móng thành lập đảng cộng sản Trung hoa, và sau này, ngày 21- 7 mỗi năm được coi là ngày kỷ niệm thành lập đảng.
Trong các buổi họp kéo dài liên tục này, các cố vấn Nga Sô trở nên bực bội trước những lý luận mơ hồ và lưỡng lự của các lãnh tụ Trung Hoa. Đây là giai đoạn chập chững của cộng đảng Trung Hoa, và Mạc tư khoa coi các lãnh tụ Trung Hoa chỉ là những tay mơ, những người đang tập sự trò chơi chính trị. Tuy nhiên các buổi họp của cộng đảng Trung Hoa cũng là một báo động, đe dọa quyền lợi của giới thương gia và dân anh chị băng đảng tại Thượng Hải. Lịch sử Thượng Hải sau đó là một cuộc chiến ác liệt, một bên là đám anh chị làm ăn trong bóng tối dựa vào giới thương gia, và một bên là phe cộng sản.
Trương Quốc Đào, đại diện phân bộ Bắc Kinh và là học trò của Trần Độc Tú tại đại học Bắc Kinh, là người chủ tọa các buổi họp đầu tiên này. Trần Độc Tú và Lý Đại Chiêu không có mặt trong ngày thành lập đảng. Mãi gần nửa năm sau, Trần Độc Tú rút lui khỏi chức bộ trưởng giáo dục cho Tôn Dật Tiên tại Quảng Đông, và trở về Thượng Hải đảm nhận chức Bí thư đảng, một chức vụ quan trọng nhất. Mao Trạch Đông lúc đó chỉ là một trong hai đại diện của tỉnh Hồ Nam, và chưa phải là một nhân vật quan trọng trong đảng cộng sản.
Thua kém hầu hết các đại biểu khác cả về học thức lẫn kinh nghiệm, Mao Trạch Đông không được cử vào Ban Chấp hành Trung ương khóa thứ nhất, gồm ba ủy viên chính thức và ba ủy viên dự khuyết. Năm 1922, đảng cộng sản Trung Hoa họp lại một lần nữa, và Mao Trạch Đông cũng không có mặt trong kỳ họp này. Trong thời kỳ đầu của đảng cộng sản Trung Hoa, Mao Trạch Đông không được giữ một chức vụ nào cao hơn chức bí thư đảng bộ Hồ Nam. Tuy nhiên phạm vi hoạt động của Mao Trạch Đông không chỉ giới hạn trong tỉnh Hồ Nam. Mao Trạch Đông và hai người em ruột là Mao Trạch Đàm và Mao Trạch Dân đã hoạt động đắc lực tại Giang Tây. Tháng 4- 1923, Mao Trạch Đông bị viên tỉnh trưởng Hồ Nam ra lệnh truy nã, Mao liền bỏ trốn tới Thượng Hải. Mao đến Thượng Hải đúng lúc đảng cộng sản sắp sửa liên kết với tổ chức Quốc dân đảng của Tôn Dật Tiên.
Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.net
Dtruyen.com đổi tên miền thành Dtruyen.net. Độc giả ghi nhớ để truy cập.