Ba Chị Em Nhà Họ Tống

Chương 10: Cuộc Tình Duyên Của Tống Ái Linh Và Khổng Tường Hy (3)

Nguyễn Vạn Lý

28/11/2017



Mối Tình Tống Khánh Linh Và Tôn Dật Tiên

Trong lúc còn du học tại Hoa Kỳ, Tống Khánh Linh vẫn theo dõi hoạt động cách mạng của Tôn Dật Tiên. Nàng vô cùng sung sướng khi Tôn Dật Tiên trở thành tổng thống năm 1912. Trong dịp đó, Tống Khánh Linh viết một bài báo chào mừng ngày trọng đại của Trung Hoa, và coi Tôn Dật Tiên là một vị anh hùng và cứu tinh cho dân tộc Trung Hoa. Năm 1913 Tống Khánh Linh hồi hương và gặp người anh hùng của nàng. Nếu Tôn Dật Tiên thành công trong chức tổng thống thì có lẽ rồi Khánh Linh cũng quên dần Tôn Dật Tiên, và sẽ đi theo con đường riêng của nàng. Nhưng Tôn Dật Tiên là một mẫu anh hùng cách mạng thất bại. Hết thất bại này đến thất bại khác theo đuổi ông trong suốt cuộc đời hy sinh tận tuy tranh đấu cho đất nước của ông. Chính những thất bại của Tôn Dật Tiên đã khiến hai cuộc đời của ông và Tống Khánh Linh gặp nhau. Phải chăng đó là định mệnh?

Tống Khánh Linh trở về nước để thấy Tôn Dật Tiên đang thất thế, phải trốn tránh và đang ở trong một tình trạng cô đơn gần như tuyệt vọng. Viên Thế Khải đã trở thành người của thời cuộc, và đang ra lệnh tầm nã Tôn Dật Tiên. Chính cuộc đời lưu vong tại Nhật Bản của hai nhà họ Tôn và họ Tống đã tạo môi trường cho Khánh Linh và Tôn Dật Tiên lại gần nhau.

Tương lai chính trị của Tôn Dật Tiên trong thời gian lưu vong tại Nhật Bản không được sáng sủa lắm. Trong một cố gắng đạt được sự ủng hộ của Nhật Bản để có thể đương đầu với Viên Thế Khải, Tôn Dật Tiên đã hứa hẹn dành cho người Nhật rất nhiều đặc quyền đặc lợi tại Trung Hoa nếu người Nhật giúp ông đánh bại được Viên Thế Khải. Tôn Dật Tiên không biết được rằng người Nhật cũng đang đi đêm với cả Viên Thế Khải. Tôn Dật Tiên vẫn nhất quyết đạt được sự trợ giúp của người Nhật nên ông nhượng bộ thêm nữa, hứa cho người Nhật được hưởng những đặc quyền như người Anh tại Trung Hoa. Các đề nghị của Tôn Dật Tiên làm các giới chức Nhật rất thèm muốn, nhưng đúng lúc đó đệ nhất thế chiến bùng nổ tại Âu châu. Người Nhật muốn chờ đợi, vì họ biết quyền lợi của người Anh tại Á Châu sẽ thay đổi rất nhiều, tùy theo kết quả của cuộc đại chiến. Do đó mọi nỗ lực của Tôn Dật Tiên đều không đưa đến một kết quả nào.

Những thất bại liên tiếp làm Tôn Dật Tiên ngã lòng, và ảnh hưởng đến tinh thần ông. Lúc đó là giai đoạn đen tối nhất cho những người Trung Hoa đang hoài bão một tương lai tươi sáng cho xứ sở họ. Cuộc Cách Mạng Tân Hợi 1911 là một hứa hẹn bình minh đầu tiên sau hàng ngàn năm tăm tối. Nhưng cuộc cách mạng này đã bị phản bội, và cuối cùng đưa Trung Hoa vào sự đen tối của chế độ độc tài Viên Thế Khải. Thật là một nghịch cảnh lớn lao đối với các nhà cách mạng Trung Hoa, vì đã có lúc họ tưởng như đã đạt được mục đích. Nhiều người Trung Hoa ái quốc đã phải tự tử vì không chịu đựng nổi sự thất vọng sâu xa này.

Trong hoàn cảnh tuyệt vọng đó, Tôn Dật Tiên rất cần một người, một điểm tựa để bấu víu vào cho khỏi ngã quỵ, ít nhất là về mặt tinh thần. Tình bạn thân mật giữa Tôn Dật Tiên và Tống Giáo Nhân trước kia không còn nữa, sau vụ Ông đòi lấy Ái Linh làm vợ. Sau khi Ái Linh kết hôn với Khổng Tường Hy, và tìm thấy hạnh phúc của nàng thì nàng từ giã công việc làm thư ký buồn tẻ và không công cho Tôn Dật Tiên. Chưa bao giờ Tôn Dật Tiên cảm thấy cô đơn và chán đời như thế, vừa mất Ái Linh, vừa không nhìn thấy tia hy vọng của công cuộc quang phục nước Trung Hoa. Đúng giây phút tuyệt vọng ấy, Tống Khánh Linh đến với Tôn dật Tiên, như một nàng tiên đưa một ông già đang mang một tâm hồn cằn cỗi mệt mỏi, vào một vùng của hồi sinh và hạnh phúc. Tống Khánh Linh đang ở trong tình trạng rảnh rỗi nên tình nguyện thay thế chị, đến làm việc giúp đỡ Tôn Dật Tiên mỗi ngày.

Tống Ái Linh và Tống Khánh Linh là hai thái cực, khác nhau rất nhiều phương diện. Ái Linh buồn tẻ bao nhiêu thì Khánh Linh xinh đẹp bấy nhiêu. Ái Linh thực tế, tính toán và yêu tiền bạc bao nhiêu thì Khánh Linh hồn nhiên, lý tưởng, thiên về tinh thần và những giá trị cao quý bấy nhiêu. Khi đến với Tôn Dật Tiên, Khánh Linh chỉ là một bông hoa mới chớm nở, một thiếu nữ xinh đẹp, trí thức, say mê lý tưởng và hết lòng yêu mến nước Trung Hoa.

Đối với Khánh Linh thì làm việc với Tôn Dật Tiên là một hạnh phúc. Niềm hạnh phúc sâu xa của nàng là do nàng cảm nhận rằng nàng đang thỏa mãn niềm khao khát của nàng ngay từ khi nàng còn nhỏ. Cuộc đời mới của nàng là phục vụ cho cách mạng. Nàng nghĩ những gì nàng làm cho Tôn Dật Tiên sẽ đem lại tự do và hạnh phúc cho hàng triệu công nhân và nông dân Trung Hoa. Những gì nàng ghi chép cho Tôn Dật Tiên đã giúp nàng hiểu rõ ý nghĩa đích thực của cách mạng. Nhiều lúc Khánh Linh cảm động vì những gì nàng viết đến nỗi phải ngừng lại để lấy lại bình tĩnh mới có thể viết tiếp được. Nàng giống như một dòng suối nhỏ uốn khúc quanh co để tìm lối ra đại dương, và bây giờ bất chợt cảm thấy mình trở thành một phần của một dòng thác lũ, cuồn cuồn xô tới một vùng nước mênh mông. Đây chính là điều nàng muốn thực hiện, cái nhu cầu của chính bản thân nàng, một nhu cầu mà nàng không kiềm chế nổi.



Khi làm việc với Tôn Dật Tiên, Khánh Linh học hỏi được căn bản của cách mạng, từ khởi đầu cho tới hiện tại, những khó khăn cũng như những hứa hẹn của tương lai. Nàng nhận thấy cách mạng là một cái gì lớn lao cao cả, và nhận thức Tôn Dật Tiên đã quá lý tưởng không nhìn thấy được những thực tế khó khăn. Nàng hiểu Tôn Dật Tiên vì chính nàng cũng là một con người lý tưởng, và hiểu được những ước vọng tha thiết thầm kín của Tôn Dật Tiên. Nhưng vì còn trẻ, nên Khánh Linh không coi những khó khăn là quá to lớn, trái lại những khó khăn ấy còn như gây hứng khởi cho nàng. Sự công bình và chính đáng của các nguyên tắc cách mạng khích lệ nàng, và nàng tin tưởng rằng công cuộc cách mạng sẽ thắng và Trung Hoa sẽ trở thành một quốc gia trong đó người dân được làm chủ vận mạng của mình.

Khánh Linh chỉ là một cô gái trẻ bên cạnh một Tôn Dật Tiên đã già, tuy vậy những bản năng che chở bảo vệ của một người mẹ trong người nàng tuôn tràn ra để trợ giúp Tôn Dật Tiên. Đối với người khác, Khánh Linh có vẻ xa cách, dè dặt, tránh né, nhưng nàng hết sức cởi mở, bộc lộ hết tâm tư với Tôn Dất Tiên, vì nàng nghĩ ông hiểu nàng. Khánh Linh ít khi nào tâm sự với bất cứ ai trong gia đình nàng, trừ một đôi lần với thân phụ và Mỹ Linh. Từ trước tới nay, Khánh Linh dường như sống một cuộc đời cô đơn thầm kín. Mãi cho tới nay, khi gặp Tôn Dật Tiên, cuộc đời mới thực sự mở ra cho nàng, và rất sống động.

Khánh Linh thường làm việc rất khuya, đến quá nửa đêm, cùng với Tôn Dật Tiên. Nàng bàn luận với Tôn Dật Tiên những gì cần phải viết, và viết cách nào cho có hiệu quả. Ban đêm trên giường ngủ, nàng thường nằm nghĩ lại những đoạn văn nàng viết, về những gì nàng và Tôn Dật Tiên bàn thảo với nhau. Những lúc ấy, một ý nghĩ mới và mạnh mẽ bắt đầu xâm chiếm tâm hồn nàng, nhưng nàng vẫn cố gắng kiềm chế để chờ biết rõ tâm hồn nàng hơn nữa.

Nhiều khi Khánh Linh thấy Tôn Dật Tiên lo lắng, tinh thần và thể xác mệt mỏi. Ông cần phải có một sức mạnh mới, vĩnh viễn bên cạnh trợ giúp ông. Khánh Linh tự nhủ, "Ta có thể giúp Trung Hoa và ta có thể giúp bác sĩ Tôn Dật Tiên. Bác sĩ cần ta" Nàng chưa nói điều đó ra với ai, nhưng đó là một niềm tin không thể lay chuyển nổi của nàng. Tinh thần chính trực của nàng bảo cho nàng rằng nếu nàng dâng hiến đời nàng cho công cuộc cách mạng thì đây là hành động cuối cùng, không thể lùi được. Thân phụ nàng tin rằng Trung Hoa cần phải thay đổi, nhưng không phải là sự thay đổi mà nàng biết Tôn Dật Tiên đang toan tính.

Quyết định của nàng có phản lại cái gia đình yêu quý của nàng không, nàng tự hỏi? Hằng đêm nàng nằm yên lặng, không ngủ, cố đi sâu vào nội tâm của mình.

Nhưng cái tinh thần tận tụy và khả năng hy sinh của Khánh Linh đã giúp nàng quyết định khi cái ý nghĩ đầu tiên đến với nàng. Tuy nhiều đêm nàng nằm suy nghĩ, tự hỏi lòng mình, và cố gắng chắc rằng sau này sẽ không có sự thay đổi nữa, nhưng lòng nàng đã thực sự quyết định rồi. Khánh Linh không còn là một người con gái như mọi người trong gia đình vẫn nghĩ về nàng: Dè dặt ít nói, nhát sợ, hay mắc cở và khiêm tốn. Nàng biết rằng từ trước nàng vẫn che dấu nhân cách của nàng. Nhưng bây giờ nàng sống với tâm hồn thực của nàng, một con người đầy nghị lực, sẵn sàng và bạo dạn dâng hiến đời nàng cho cách mạng.

Hàng ngày Tôn Dật Tiên và Khánh Linh làm việc bên nhau, gần gũi nhau và càng lúc càng ý hợp tâm đầu, vì hai người có cá tính giống nhau. Khánh Linh thấy ở Tôn Dật Tiên một lý tưởng cao đẹp quang phục nước Trung Hoa, như nàng vẫn thường ấp ủ. Nàng nhìn thấy ở Tôn Dật Tiên không phải là một ông già ở tuổi ngũ tuần, mệt mỏi sau quá nhiều thất bại. Trái lại nàng chỉ thấy ở ông một sự vô cùng đẹp đẽ, những hào quang của một kiểu mẫu anh hùng mà nàng hằng mơ tưởng, một người đàn ông đẹp trọn vẹn với đầy đủ sức quyến rũ hùng tráng của một bậc trượng phụ Còn Tôn Dật Tiên càng ngày càng say đắm cái nhan sắc tuyệt trần của Khánh Linh, sự thông minh duyên dáng đáng mê của nàng, trong khi đó bà vợ già quê mùa mà cha mẹ Ông cưới cho ông trên ba mươi năm trước, bây giờ mỗi ngày một thấy vô duyên hơn.

Trước kia Tôn Dật Tiên muốn lấy Ái Linh làm vợ chỉ vì lòng ưa thích sự mới lạ trẻ trung bên ngoài của một cô gái tân tiến. Nếu ông và Ái Linh thành vợ chồng thì chắc chắn hai người đều không có hạnh phúc, vì bản chất khác hẳn nhau. Nhưng bây giờ ông say mê Khánh Linh không những Khánh Linh đẹp và trẻ hơn Ái Linh, mà ông còn cảm phục yêu mến cái tâm hồn cao thượng của nàng nữa. Thế là việc phải đến đã đến. Hai con tim hòa hợp nhau, yêu nhau say đắm. Đây là một sự kết hợp giữa mùa đông và mùa xuân, chàng đã 50 tuổi, có vợ và ba con đã trưởng thành, và nàng mới chỉ 20 tuổi, một bông hoa hãy còn phong nhụy. Tuy nhiên hai người vẫn cố gắng giữ kín mối tình lãng mạn của họ đến tối đa, không một ai biết được.

Một điều bất ngờ xảy đến là Tống Giáo Nhân tỏ ý muốn trở về Thượng Hải. Họ Tống đã mua một căn nhà lớn trong khu tô giới Pháp tại Thượng Hải. Dĩ nhiên Khánh Linh kịch liệt phản đối quyết định trở về Thượng Hải của thân phụ. Nàng đang ngụp lặn trong hạnh phúc đầu tiên và không muốn rời xa Tôn Dật Tiên. Gia đình họ Tống phải kèm giữ Khánh Linh và đưa nàng về Thượng Hải cấp tốc như một trường hợp bắt cóc. Hai vợ chồng Ái Linh và Khổng Tường Hy cũng về theo. Có thể Tống Giáo Nhân tinh ý nghi ngờ có sự lén lút giữa Tôn Dật Tiên và Khánh Linh, nên quyết định trở về Thượng Hải để kịp thời lôi con gái ra khỏi cơn mệ Tống Giáo Nhân cũng không còn tin tưởng ở ông bạn cách mạng già của mình nữa. Kể từ sau vụ từ chối không gả Ái Linh cho Tôn Dật Tiên, Tống Giáo Nhân không còn quý trọng thân mật với người bạn chí thân nữa. Tống Giáo Nhân cũng muốn tránh một trường hợp tương tự, phải từ chối lời cầu hôn của Tôn Dật Tiên một lần nữa.

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.net

truyện trọng sinh
truyện sắc

Dtruyen.com đổi tên miền thành Dtruyen.net. Độc giả ghi nhớ để truy cập.

ngôn tình sắc

Nhận xét của độc giả về truyện Ba Chị Em Nhà Họ Tống

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook