Baby Thượng Hải

Chương 22: Gặp Giới Xuất Bản Sách

Vệ Tuệ

24/09/2018

Hãy để chúng tôi ở bên nhau, trái tim đơn độc, khỏa thân dưới ánh đèn

Xe lửa chạy như bay trong bóng đêm

Phương pháp duy nhất của Thượng đế tạo nên cái cầu lắc lư.

-Tori Amos-

Biên tập viên Đặng lại gọi điện tới, tỉ mỉ hỏi thăm tình hình ăn ngủ và tiến độ sáng tác của tôi ra sao. Rồi chị hỏi tôi có tới được tiệm cà phê có tên “Trung Quốc Thông” trên đường Thiệu Hưng không.

Tôi đồng ý.

Xe tới đường Thiệu Hưng. Đây là một con đường đậm màu sắc văn hóa, hai bên đường là các nhà xuất bản và hiệu sách. Tiệm cà phê được đặt tiếng Anh là “Old China Hand” vì tứ phía đều bày kín sách và đồ cổ thập niên 30. Chủ tiệm là nhiếp ảnh gia nổi tiếng Deke Erh. Khách tới đây có không ít giới thượng lưu trong ngành văn hóa, các phóng viên, giới xuất bản sách, các nhà văn, các nhà sản xuất phim truyện và truyền kình, các ngôi sao ca kịch, các học giả phương Tây… Họ luôn tề tựu trong bối cảnh thanh nhã này như những vì sao tỏa sáng trên bầu trời. Việc bày trí sách, đồ cổ, nhạc Jazz cùng mùi thơm cà phê rất phù hợp với những kí ức diễm tình của thành phố này cùng chỉ nam mua sắm hiện đại.

Tôi đẩy cửa vào, nhìn thấy chị Đặng và mấy người đàn ông đang ngồi ở một cái bàn trong góc. Tôi liền lại gần ngồi xuống, phát hiện thấy một người trong số đó rất quen. Anh ta mỉm cười, chìa danh thiếp ra cho tôi. Lúc này tôi mới nhớ được anh ta là ai. Đó chính là trưởng ban văn nghệ Hội sinh viên của khoa Trung Văn đại học Phúc Đán. Anh hơn tôi hai khóa, từng là một trong số đối tượng mà tôi yêu đơn phương hồi đó. Do anh luôn đội mũ kiểu xã hội đen Italy và đeo kính đen nên thường bị gắn biệt hiệu là Bố già.

Còn nhớ trường Phúc Đán thời đó có một vở kịch đầu tiên trên sân khấu các trường Thượng Hải, có tên là “Cái bẫy”. Bố già đảm nhận vai trò đạo diễn. Tôi phải vượt qua bao khó khăn mới giành được vai nữ chính. Với lý do thảo luận kịch bản, tôi thường tới kí túc xá lầu 3 của Bố già, ngồi bên chiếc bàn “tâm tình” (do loại bàn này luôn có người ngồi tâm sự nên được đặt tên như vậy), rồi giương con mắt mơ màng vì cận thị, ngắm nghía gương mặt điển trai nhưng rất khó đoán của đạo diễn. Tôi tưởng tượng ra cảnh anh sẽ đột ngột mở miệng, vươn người qua bàn, gắn lên đôi môi tôi như một thanh nam châm.

Cảnh này còn khiến người ta cảm động khó quên hơn bất kỳ một vở kịch nào, nhưng từ trước tới giờ nó vẫn chưa từng xảy ra. Tôi quá trẻ nên rất ngượng. Còn anh, sau chuyện đó tôi có nghe nói anh phải lòng cô gái thiết kế sân khấu. Cô gái đó luôn đeo một chiếc chìa khóa bạc, đôi chân dài khi đi lại như nhảy nhót, khi cười có hai má lúm đồng tiền. Cô thường quát tháo tụi con trai, sai mang đinh, gỗ chạy lung tung khắp nơi trong sân khấu. Cô ta có vẻ rất chuyên nghiệp trong việc dùng giấy làm đạo cụ, thường xuyên gọi điện thoại cho “Công ty giấy Hối Phong”. Tôi thầm gọi cô ta là “Hối Phong”.

“Hối Phong” làm Bố già mê tít. Trước đêm diễn chính thức, tận mắt tôi chứng kiến họ tay trong tay đi dưới con đường cây âm u rợp bóng trăng. Lòng tôi như ngân vang “Bài ca ánh trăng buồn”.

Ngày hôm sau khi công diễn chính thức, do người hóa trang gặp sự cố không tới được, Bố già kêu “Hối Phong” hóa trang cho tôi. Chỉ nhìn thấy cô ta cầm một nắm bút hóa trang, cười hi hí đi tới, đánh mắt tôi như quét sơn dầu lên, khiến mắt tôi vừa sưng đỏ, vừa đau vừa xấu xí.

Tô xong lấy gương ra soi, suýt nữa tôi đứng không vững. Gương mặt đang lành lặn bỗng biến dạng như mặt hề trong đoàn xiếc. Thế mà Bố già vẫn ra sức tán tụng, “Đẹp quá”. Thế nên hận cũ thù mới cùng tích tụ trào dâng, tôi khóc lóc ầm ĩ tuyên bố bỏ diễn, mãi cho đến khi Bố già phải ngọt nhạt vỗ về tôi suốt nửa tiếng đồng hồ.

Trên người anh như thấm đẫm vẻ ăn năn đền tội, dỗ dành tôi rất ngọt ngào và thương cảm. Rồi người hóa trang mới giúp tôi trang điểm lại. Vở diễn đêm đó rất thành công. Tôi diễn rất có hồn, khóc như mưa, mọi người vỗ tay ầm ĩ.



Hai tháng sau, trên thảm cỏ sau tượng đài Mao chủ tịch, tôi nhận lời với bạn trai cũ của tôi là một tín đồ Ki tô giáo, kẻ tôn sùng Shakespeare và cũng là kẻ ham muốn thái quá về tình dục. Cuối cùng chúng tôi đã kết thúc quan hệ trong chiến tranh như đã viết ở đoạn trên, thậm chí tôi còn nhờ cả quan hệ với cơ quan công an để giải quyết.

Nhớ lại những chuyện cũ, cảm thấy không khỏi ngu ngốc, nhưng cũng rất kì diệu. Tôi nghĩ nếu hồi đầu không yêu đương với kẻ tín cuồng kia mà là với Bố già, không biết lịch sử sau này có phải sửa chữa không, tôi có gặp phải nhiều chuyện như vậy không, và có viết tiểu thuyết điên cuồng như bây giờ không, có chìm đắm trong các cơn mơ và lăn lóc trong thành phố này không? Ai biết được cơ chứ?

“Chào Bố già”, tôi hào hứng bắt bàn tay anh chìa ra.

“Em ngày càng đẹp”, anh ta nịnh. Kiểu tán gái như vậy đã quá sáo mòn nhưng nghe vẫn thích. Biên tập viên Đặng giới thiệu mấy người đàn ông đó cho tôi. Họ đều là bạn bè, thành lập văn phòng mang tên “Tả Ngạn” núp sau lưng nhà xuất bản của chị Đặng. Hình như các nhân tài tốt nghiệp từ Đại học Phúc Đán ra mới có thể nghĩ một cái tên văn vẻ xuất phát từ trào lưu Tân lãng mạn chủ nghĩa Pháp như vậy.

Chị Đặng từng cho biết, nhóm “Tả Ngạn” từng xuất bản tủ sách “Ngàn hạc giấy”, đạt kỳ tích phát hành khắp toàn quốc. Theo ước tính của bộ phận thống kê, giá trị sản phẩm vô hình của nhãn hiệu “Ngàn hạc giấy” đã vượt quá mười triệu, một con số khiến người ta phải hoan hỉ nhảy múa.

Tâm trạng tôi trở nên thoải mái hẳn. Lúc gặp được cựu sinh viên trường Phúc Đán ở thành phố này hay thành phố khác, tôi luôn thấy vui mừng. Không khí trẻ trung điên rồ, tự do, lanh lợi, song cũng không mất đi vẻ quý tộc luôn bay lượn trong không gian của những hàng cây ngô đồng song song trong Yến Viên, Tương Huy Đường và Hàm Đan Lộ. Đó là một phần trong sáng của những đứa trẻ Phúc Đán trên con đường nhân sinh dài dằng dặc, đồng thời cũng là tiêu chí bí mật để dễ dàng nhận ra nhau.

“Mọi người đều quen nhau cả, vậy tốt quá. Coco, hãy kể về cuốn tiểu thuyết cô đang viết đi”, chị Đặng vội vã vào đề.

“Anh đã từng đọc tuyển tập truyện ngắn của em, “Tiếng gọi của bươm bướm”. Sau khi đọc xong, anh thấy rất kì lạ, như thể đi vào bốn bức tường và trần nhà. Trên sàn nhà là căn phòng đầy gương, phản chiếu không ngừng từ chiếc gương nọ sang chiếc gương kia. Ánh sáng xung quanh như một con rắn bị nhốt kín, cứ luẩn quẩn đuổi quanh. Trong mớ tinh thần hỗn độn đó có một cảm giác chân thực thật cảm động. Và về ngôn ngữ có một giọng lưỡi lả lướt như khơi gợi. Đọc sách của em như vừa trải qua một cuộc…”, nói tới đây Bố già chợt hạ giọng, “một cuộc làm tình tuyệt vời”.

Anh ta nhìn tôi đầy ẩn ý, “Loại sách đó có sức quyến rũ ghê hồn, nhất là đối với những độc giả có trình độ học vấn cao”.

“Văn chính là người”, chị Đặng xen ngang.

“Thị trường sách của chị đã được xác định trong giới trí thức và sinh viên, đặc biệt là các độc giả nữ có phản ứng nhạy cảm”, bạn của Bố già cất tiếng.

“Nhưng tôi cũng chưa biết rốt cục sẽ như thế nào, tôi vẫn chưa viết xong..”.

“Nghe nói thời gian trước có rất nhiều độc giả viết mail cho em phải không?”, Bố già hỏi. “Lại còn gửi cả hình nữa”. Chị Đặng cười, nét yêu kiều hiếm hoi của phụ nữ trung niên như đóa hoa tươi sau cơn mưa chợt xoè nở. “Lòng nhiệt tình chính là khởi nguồn của cảm hứng”. Một người khác nói, “Cám ơn các bạn”. Tôi nhấp một ngụm cà phê, rời ánh mắt ra khỏi chiếc điện thoại cổ lỗ sĩ trước mặt. Trông nó rất buồn cười. Tôi khẽ cười, dịu dàng nói, “Coi như tôi cũng phát hiện được ra ý nghĩa của nhà văn, chí ít làm nhà văn cũng thần bí hơn là nhân dân tệ trị giá một trăm đồng”.



Ngoài cửa sổ, trời tối dần, mấy ngọn đèn màu cam trên vách đã bật sáng. Bố già đề nghị đi nơi khác ăn. Chị Đặng từ chối. Cô con gái đang chờ chị về ăn tối. “Nó đang chuẩn bị thi hết cấp ba, thời gian rất gấp, tôi luôn phải trông nom cháu”, chị giải thích với chúng tôi.

Lúc này bên ngoài lại có mấy người khách đi vào. Tôi thấy một người phụ nữ luôn xuất hiện trong tiết mục Tâm sự trên truyền hình. Một năm có 365 ngày thì có tới 364 ngày, cô ta ăn bận như các tài nữ đầy oán hận theo kiểu Trương Ái Linh, người gầy đến thảm hại. Ở không ít các buổi tiệc cũng có thể thường xuyên gặp mặt cô ta. Madona từng nói, Loại phụ nữ như vậy đều có các anh bồ ngoại quốc, vì vậy luôn có biệt hiệu là “Áo dài Thượng Hải bé bỏng”. Bố già và họ đều là chỗ thân quen, chào hỏi nhau một chập, chúng tôi ngồi xe đi ăn tối.

Sau bữa tối, Bố già hỏi tôi sống ở đây, anh có thể tiễn tôi về. Tôi cũng không phải là phụ nữ ngốc nghếch, thừa biết anh ta đang nghĩ gì nhưng không được. Mọi việc giờ đã khác. Tối nay tôi cực kỳ muốn ở một mình, mặc dù nhìn bề ngoài, nom anh vẫn quyến rũ như thế.

Chúng tôi ôm từ biệt nhau, hẹn khi tiểu thuyết hoàn thành sẽ báo cho anh biết. “Rất vui được gặp lại em, cũng rất ân hận không theo đuổi em thời ở Phúc Đán”, anh rỉ tai tôi, giọng nửa đùa nửa thật.

Tôi lững thững đi bộ một mình men theo đường Hoài Hải buổi tối. Rất lâu rồi không được đi bộ như vậy, dần dần toàn thân bắt đầu nóng lên. Tôi nghĩ mình mới hai mươi lăm tuổi, như một thẻ tín dụng mệnh giá cao. Mọi thứ hẵng sử dụng trước, nợ trả sau. Trên đường có nhiều đèn nê-ông hơn nữa cũng không làm tôi chói mắt. Những cột rút tiền tự động bên đường cũng không giàu có bằng tôi.

Tôi tới cửa vào của tàu điện ngầm trước tòa nhà Parksons, phía dưới có một nhà sách tư nhân rất lớn có khá đầy đủ chủng loại, nhưng không bao giờ chịu hạ giá. Tôi lướt một vòng không chủ đích, rồi dừng lại một lúc trước quầy bán sách tướng số bói toán. Sách ghi người sinh ngày mùng 3 tháng 1 có sức quyến rũ phi thường, được mệnh danh là “Cô gái chân đẹp”, năng lực khôi phục rất mạnh mẽ và ước đoán năm 2000 là năm thu hoạch vui vẻ của tôi. Nghe ra cũng không đến nỗi nào.

Tôi lại đến trước máy chụp hình tự động trong ga tàu điện ngầm. Đó là một phòng chụp nhỏ không người trông coi. Trong căn hộ của Mark cũng treo một loạt các bức hình chụp tự động của anh. Bốn bức trong đó là bốn tư thế khỏa thân khi đứng, ngồi, nằm, nghiêng. Mỗi bức đều là một bộ phận trên cơ thể anh như đầu, ngực, bụng, đùi. Khi ghép vào nhau, chúng mang lại một hiệu quả thị giác cực kỳ kích thích, như thể một người máy, hoặc một cơ thể người bị giải phẫu bằng dao. Còn có một series hình mà Mark gọi là “đười ươi vai to”, trong đó anh chụp rất nhiều hình bắp tay, rồi nối liền với cánh tay giương ra trên người. Nom giống phiên bản “đười ươi Tarzan” hiện đại, rất quái dị, cũng rất gợi cảm. Tôi nhớ lần đầu tiên làm tình với Mark trong căn hộ của anh, những bức hình trên tường này thực tình khiến tôi hưng phấn vô cùng.

Tôi nhét đủ tiền xu vào cái lỗ con, sau bốn lần đèn chớp sáng và chừng năm phút, tôi nhận được một chùm bốn tấm ảnh đã được rửa và hơ khô. Gương mặt trên đó lần lượt thể hiện đủ các vẻ bi thương, phẫn nộ, vui sướng, lạnh lùng. Có một khoảnh khắc, tôi không thể xác định được cô gái trước mặt rốt cục là ai. Tại sao cô ta lại có được những vẻ vui buồn phẫn nộ như vậy. Cô ta sống ở góc nào trên trái đất, có những quan hệ gì với những dạng người nào? Cô ta sống bằng gì?

Năm phút sau, thần kinh tôi được hồi phục lại bình thường. Nó giống như những linh hồn lang thang tản mát trong không khí được thu hồi lại phía sau lớp da đầu. Tôi nhìn tấm hình tự chụp trong tay, cẩn thận cất vào túi.

Nhìn cái đồng hồ hình tròn trong nhà ga, đã mười rưỡi, nhưng tôi vẫn không thấy buồn ngủ chút nào. Chuyến tàu cuối cùng còn cách nửa giờ nữa. Tôi mua một tấm vé tại quầy bán vé tự động, nhét vào khe kiểm tra vé. “Cạch” một cái, tấm vé màu xanh thè ra. Thanh chắn tự mở ra. Tôi đi xuống cầu thang, chọn lấy một chỗ ngồi yên tĩnh và sạch sẽ trên dãy ghế nhựa màu đỏ.

Có thể ngủ một giấc, cũng có thể ngắm người lạ xung quanh. Tôi từng viết một truyện ngắn có tên “Người tình ga điện ngầm”, đại ý kể về một cô gái xinh đẹp nhưng nom tiều tụy trên chuyến tàu cuối cùng từ quảng trường Nhân dân luôn gặp một chàng trai trí thức nom sạch sẽ gọn gàng, khắp người tỏa mùi thơm, mùi điều hòa và mùi thuốc lá thoang thoảng. Họ chưa từng trò chuyện nhưng cảm thấy thật gần gụi. Có lúc khi không thấy người kia xuất hiện, người còn lại bỗng dưng thấy buồn bã. Tới một ngày, do tuyết lớn trời quá lạnh, mặt sàn trong toa xe rất trơn, một cú lắc khiến cô gái bỗng ngã nhào vào lòng chàng trai. Họ ôm ghì lấy nhau. Mọi người xung quanh cũng không chú ý tới vẻ khác thường của họ. Mọi thứ diễn ra thật tự nhiên. Chàng trai không xuống ga mà anh phải xuống, mà cứ đi theo cô gái tới tận ga cuối cùng. Trong sân ga giữa đêm, anh hôn cô rồi tạm biệt cô như một người trí thức thực thụ rồi ra về. Khi suy tính cái kết, tôi đã rất mất công. Tôi không biết có nên để chàng trai và cô gái này tuyệt đối không có quan hệ thân thiết về thể xác, hay cứ để họ lên giường, trở thành cặp bạn tình thì thỏa mãn hơn cho khuynh hướng tâm lý thẩm mỹ của độc giả.

Kết quả là sau khi câu chuyện được đăng trên một tạp chí thời thượng đã gây ra rất nhiều phản ứng của các người đẹp trí thức. Bà chị họ Chu Sa của tôi đại diện cho mấy đồng nghiệp, thể hiện thái độ bất mãn về cái kết theo hướng chủ nghĩa trung dung của tôi, “Em phải để họ hoàn toàn không chạm vào nhau hoặc phải thỏa mãn hoàn toàn. Nhưng anh ta đã hôn cô ta, rồi lại lịch sự từ giã như vậy, vứt cô ta lại một mình. Như vậy là sao? Cảm giác rất khó chịu, ngứa ngáy, còn tệ hơn cả gặp trận mưa độc. Chúng ta có thể tưởng tượng sau khi hai người chia tay nhau, ai về nhà nấy và đều vật vã khó ngủ. Câu chuyện tình yêu như vậy khiến người ta phải thất vọng”. Lúc đó, chị tôi vẫn chưa ly hôn với anh chồng cũ, nhưng đã rơi vào tình huống khó xử”. Chồng chị là bạn học cùng lớp thời đại học. Mấy năm sau đó, họ không còn giữ được cảm giác mới mẻ về nhau, thậm chí đã quá quen thuộc như tay phải với tay trái.

Giống như hầu hết phụ nữ trí thức khác, Chu Sa ngoài cái vẻ bề ngoài hiền dịu đoan trang còn ẩn giấu một trái tim nhạy cảm và phong phú. Họ đều có tinh thần trách nhiệm cao với nghề, có yêu cầu rất cao đối với cuộc sống riêng của mình. Họ khát khao hình tượng người phụ nữ mới, độc lập và hiện đại, tức là phải tự tin, giàu có và có sức quyến rũ. Họ có nhiều sự lựa chọn cho cuộc sống riêng của mình. Họ yêu thích câu nói của Lưu Đức Hoa trong quảng cáo của hãng Ericsson: “Mọi thứ đều trong tay bạn”, và cũng hâm mộ hình tượng người phụ nữ chuyên nghiệp tay đeo nhẫn kim cương, nở nụ cười tự tin trong quảng cáo của DeBeers. Tiếng ngoài hình là một giọng nam đầy truyền cảm, “Là ánh sáng của niềm tin, là ánh sáng của sự quyến rũ”.

Chuyến xe cuối cùng chậm rãi trườn tới ga. Lúc bước vào toa xe, tôi ngửi thấy mùi đàn ông rất dễ chịu. Nó giống hệt như tôi đã miêu tả trong “Người tình ga điện ngầm”, “Từ người anh tỏa ra thứ mùi hỗn hợp của thuốc lá, mùi thơm, mùi điều hòa và mùi cơ thể. Thứ mùi mê hồn này khiến cô thấy hơi choáng váng”. Tôi không nhịn nổi quay đầu ngó quanh. Chả lẽ nhân vật trong truyện thực sự muốn xuất hiện trước mặt nhà văn sao? Nhưng tôi không tài nào xác định nổi cái mùi đó được tỏa ra từ trên người ai trong đám đàn ông xung quanh. Tôi đành từ bỏ suy nghĩ lãng mạn này, nhưng quả thực tôi nhận thấy một cảm giác thần bí nhè nhẹ và cái đẹp mỏng mảnh đang lan tỏa khắp nơi trong cuộc sống thành phố.

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.net

truyện trọng sinh
truyện ngôn tình

Dtruyen.com đổi tên miền thành Dtruyen.net. Độc giả ghi nhớ để truy cập.

truyện bách hợp

Nhận xét của độc giả về truyện Baby Thượng Hải

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook