Bảo Đại, Hay Là Những Ngày Cuối Cùng Của Vương Quốc An Nam

Chương 9: Quyển 1 - Chương 9

Daniel Grandclément

02/04/2017

Tại Paris, Jules Ferry làm thủ tướng chính phủ. Tại Nghị viện đa số nghị viên thuộc phái thuộc địa làm mưa làm gió. Cuộc chinh phục trong đó có việc chiếm kinh thành Huế là hành động chung cục được bênh vực với đầy đủ lý do. Nào là bảo vệ các nhà truyền giáo bị hành hạ, nào là ủng hộ các nhà buôn bị nhà đương cục địa phương làm khó dễ, nào là để được tự do thông thương, tàu binh và quân đội Pháp được tự do đi lại. Và cũng là - đây là điều ở chính quốc người ta bám vào và khoe khoang - nhiệm vụ khai hoá các nước lạc hậu chưa biết văn minh là gì. Jules Ferry tin tưởng vững chắc như đinh đóng cột vào nhiệm vụ này. Với cuộc cải cách giáo dục, đó là nhiệm vụ của chính ông, là mục đích tối thượng. Cũng vì mục đích đó, mà chỉ sau mấy ngày chiếm thành Huế, trong lúc thành Lạng Sơn ở phía bắc, gần biên giới với Trung Quốc bị uy hiếp nặng nề mà ông bị lật đổ, phải chạy trốn khỏi nghị viện dưới sự giễu cợt và la ó của các nghị viên.

Vua mới ở Huế, Đồng Khánh mới 23 tuổi. Đúng là một vai vua trong một vở tiểu nhạc kịch. Ông vua bù nhìn đầu tiên ở xứ An Nam, dễ thích nghi với vai trò mới của mình. Cũng như phần lớn đình thần, ông tin rằng xã hội Việt Nam phải đổi mới trước khi nghĩ đến khôi phục độc lập cho đất nước.

Nhân dân Việt Nam đã chống lại sức ép của Trung Quốc trong chín thế kỷ lại vừa mất chủ quyền sau hai mươi năm đấu tranh. Một cuộc chinh phục hoàn toàn và sâu sắc Các viên chức Pháp dần dần thay thế quan lại cũ: Thuế má, công chính, hộ tịch. Chính quyền thuộc địa bao trùm lên quyền lực của nhà nước phong kiến. Nước Việt Nam bị chia nhỏ thành ba miền riêng biệt Bắc Kỳ ở bắc, Trung Kỳ ở trung và Nam Kỳ ở nam.

Trước mắt phải giữ lại bộ mặt một nhà nước quốc gia. Chính quyền bảo hộ chủ trương giao cho một ít quyền hành cho quan phụ chính còn lại là Nguyễn Văn Tường. Ông này có nhiệm vụ tổ chức một chính phủ hoặc giống như là một chính phủ.

Nhưng biện pháp đề ra không đem lại kết quả. Nhân dân muốn có vua của mình, coi thường ông vua do tướng Pháp chỉ định bởi lẽ chính tướng Pháp tự ý lập vua không hỏi ý kiến Paris. Ngai vàng, Thiên tử, Vương quốc, tất cả những chuyện nhảm nhí đó đều trong tay tướng Pháp De Courcy xử lý mọi việc.

Còn triều đình? Chỉ còn là một cái bóng của triều đình vì những người ưu tú trong triều đã rời bỏ kinh thành ra đi với vua Hàm Nghi. Triều đình vẫn ở trong Đại nội nhưng chỉ gồm do một số quan đại thần tán thành việc khai hoá của người Pháp.

Huế nay là một thành phố chết. Từ nay các Hoàng đế chỉ là sản phẩm của người Pháp. Các Hoàng đế An Nam không cai trị, không quyết định việc gì hết. Nhưng lại làm tê liệt, ngăn chặn chính sách của chính quốc đem sức ỳ và sự chậm chạp để đối lập với các dự án của Paris. Điều này kéo dài đến cuối thể kỷ cho đến khi Paul Doumer làm Toàn quyền. Ông này về sau làm Tổng thống Cộng hoà Pháp. Còn ở Đông Dương ông lập ra Phủ Toàn quyền của Liên bang Đông Dương, được hưởng một ngân sách dựa vào thuế thu trên toàn bộ các đất đai do Pháp thống trị ở Đông Nam Á.

Từ nay vua và các quan thượng thư chỉ còn một phần nhỏ trách nhiệm trị dân điều hành đất nước.

Đúng ra không còn là chế độ bảo hộ mà là một sự cai trị trực tiếp chặt chẽ và quá tỉ mỉ.

Vậy giữ lại một triều đại không có đối tượng để cai trị, không chức năng điều hành để làm gì? Dân chúng Việt Nam nay bị chia rẽ. Một số thừa nhận Pháp bảo hộ, tán thành thừa nhận Pháp và ủng hộ Pháp như trước đây nước Pháp có các ông vua "bình thường". Còn những người khác có tinh thần quốc gia thì muốn đánh đổ chế độ bảo hộ Pháp tiếp tục đấu tranh để xoá bỏ chế độ quân chủ.

Trong những năm 1900, đúng một thế kỷ sau, thanh niên Tây học ở Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ hăng hái tìm đọc Voltaire, Diderot, Montesquieu được gọi theo phiên âm Hán - Việt là thầy Mạnh (Mạnh Đức Tư Cưu), thầy Lư (Lư Thoa). Có hai nước Pháp. Những người theo chủ nghĩa quốc gia - dân tộc căm ghét thực dân nhưng lại ca tụng nước Pháp cách mạng năm 1789 của phái bách khoa và những chiến luỹ đường phố.

Mặc dù vậy, trong ba mươi mốt năm không còn ai nói đến hoặc nói rất ít đến kinh thành Huế. Tuy vậy năm 1906, một năm sau chiến thắng Lữ Thuận (Port- Arthur), quân đội đất nước Mặt trời mọc đã đánh bại quân đội Nga hoàng, một hoàng thân hậu duệ trực hệ với Vua khai sáng triều Nguyễn, tức Kỳ ngoại hầu Cường Để hướng về nước Nhật duy tân. Có lẽ phải đi học những người anh em da vàng, cùng chung một nền văn hoá Hán để xem họ đã đánh đuổi người phương Tây như thế nào, đã canh tân xứ sở để có khoa học và tổ chức thành cường quốc. Hơn nữa họ lại mở rộng vòng tay đón những người có tư tưởng quốc gia đến Nhật tiếp thu bài học đó để có thể một ngày kia đánh đuổi người Pháp. Hoàng thân Cường Để và một một nhóm nhà cách mạng thuộc phái cựu nho đến Đông Kinh (Tokyo), thủ đô nước Nhật, chuẩn bị một cuộc khởi nghĩa giành độc lập dân tộc đi theo chế độ quân chủ lập hiến trong khi ở nhiều nơi trong nước hàng trăm hội kín truyền bá các khẩu hiệu đánh Pháp và khuấy động vùng quê. Nhiều sư sãi, phù thuỷ, những người được coi là yêu nước gắn bó với giá trị cổ xưa gia nhập hội kín chuẩn bị vùng dậy. Một thủ lĩnh thực tế là một sĩ phu được nhà cầm quyền Pháp đánh giá là "tên cướp đường dài" đã làm chủ một vùng lãnh thổ nhỏ bé và dùng làm điểm tựa cho những người hoạt động ở Nhật về.

Cùng năm đó, với sự miệt thị cực độ, các nhà cầm quyền Pháp phế truất vua Thành Thái lúc đó đang tại ngôi. Bản thân biện pháp đó không có gì đặc biệt đã trở thành thông lệ với nước Pháp. Lần này lý do đưa ra có khác thường. Vua mắc chứng điên không đủ minh mẫn để cai quản đất nước. Quyền hành trong tay người Pháp vua không có gì để làm, không có ai để cai trị.

Người Pháp kết tội Nhà vua là tra tấn cung nữ (1) ban đầu bị giam sau đó buộc phải thoái vị. Cả lần này Bộ thuộc địa cũng không can thiệp. Tất cả do Toàn quyền Đông Dương hay do Khâm sứ Trung Kỳ quyết định phế truất vua này và lập vua khác theo ý họ. Tên tuổi và cấp bậc viên chức người Pháp đã quyết định phế truất vua như thải hồi một người đầy tớ hay một người điên nguy hiểm, cho tới nay vẫn không ai biết. Nhưng chắng có gì quan trọng, nhà nước bảo hộ coi thường cả hình thức. Tờ báo Illustration (Minh hoạ) ông tổ của các tờ báo có nhiều thiên phóng sự lớn đã giải thích quyết định đó như sau:"Sự cần thiết phải truất ngôi Thành Thái không thành vấn đề đáng quan tâm ngay cả dưới con mắt triều thần, các quan thượng thư và gia đình những người hàng ngày chứng kiên những hành động điên rồ của Nhà vua bị mắc chứng hoang tưởng giết người. Cần phải chấm dứt một tình thê nguy hiểm này mà lòng nhân từ của chúng ta đã kéo dài quá lâu".

Việc quyết định đưa ra không hề tham khảo trước ý kiến đình thần, không được phép của các quan thượng thư Viện cơ mật hay bất kỳ một hội đồng hay hội nghị người Việt nào. Quyết định đưa ra như một nghị định tầm thường. Cũng không nói rõ hậu quả ra sao? Nước Pháp có muốn xoá bỏ nền quân chủ không? Xoá bỏ một cách giản đơn mớ lộn xộn các cung điện, nhung lụa và văn hoá.



Các quan trong triều lao xao nghi ngại. Chính họ đã khẩn khoản xin viên toàn quyền chỉ định một người khác lên ngôi. Họ nói rõ nếu có thể chọn người trong hoàng tộc như mọi khi vẫn làm như vậy. Báo Illustration (Minh hoạ) viết: "Chính phủ Pháp hoàn toàn chấp nhận quan điểm này và tôn trọng nguyện vọng đình thần". Chính phủ Paris chỉ định con trai thứ năm vua Thành Thái là hoàng tử Duy Tân mới 7 tuổi thân hình mảnh dẻ, mang dấu ấn của mối tình của một người điên với cung nữ, người hầu gái của một trong các bà phi của vua Thành Thái.

Cựu hoàng có nhiều bà phi nhưng vẫn thích quan hệ với người con gái bình dân. Nay bà trở thành Hoàng Thái hậu, mẹ của vua mới lập. Vị thế của bà chẳng tốt hơn ư? Một tình cảnh hợp với con mình đẻ ra. Không?

Các hàng rào ngăn cách các giai tầng xã hội, tập quán tục lệ cũ còn đó... Nguồn gốc xuất thân của bà quá thấp hèn... Bà không mong đợi một chút vinh hoa nào... Một đề tài lý thú cho một cuốn tiểu thuyết bình dân đầu thế kỷ XX, mà chưa có một nhà văn nào khai thác.

Chính phủ bảo hộ tiến hành mọi biện pháp để bảo đảm mấy năm sau không trở lại một tình huơng đối đầu với vua. Bệnh "điên" của Thành Thái, những hoang tưởng tính dục và bệnh hoạn có lẽ chỉ là lý do đưa ra để che đậy động cơ thật sự là muốn loại trừ một ông vua có tinh thần dân tộc và "cứng đầu, cứng cổ" với chính quyền bảo hộ.

Báo chí Pháp đưa ra nhưng lý do dẫn đến việc chọn Duy Tân lên làm vua thay Thành Thái. Cũng tờ báoIllustration(Minh hoạ) đã miêu tả câu chuyện kỳ lạ chọn người kế vị ngai vàng với giọng điệu trịch thượng:

"Một buổi sáng, quan Toàn quyền và quan Khâm sứ đi cùng với một thiếu tá quân y đến cung điện để tìm xem ai có thể đưa lên làm vua. Số phận kỳ lạ của hai quan chức của Cộng hoà Pháp. Một cách trịnh trọng, phù hợp với một nhiệm vụ tương tự, hai vị tiến vào hậu cung. Tại đây mọi người phụ nữ, trẻ em, thái giám bắt đầu la hét vì sợ hãi. Giữa đám ồn ào kinh khủng hai quan đại thần của Nhà nước bảo hộ và viên thiếu tá quân y cố tập hợp các chú bé hoàng tử kế vị đang chạy tán loạn vì khiếp sợ. Cuối cùng họ cũng tập hợp được đám đông và quan toàn quyền cho ông bác sĩ quân y với trình độ chuyên môn y học của mình chọn đứa trẻ nào đủ sức khỏe nhất để làm vua. Chắc hẳn là viên sĩ quan quân y lâu nay quen khám cho lính tráng hải quân nên thấy bối rối nhưng rồi ông trấn tĩnh lại và nhíu lông mày tiến hành khám. Ngay lúc đầu ông loại đứa ìớn hơn cả: "Các vị hãy nhìn cái trán này. Tai đứa này hay bong ra. Mắt lấm lét... Thằng bé này còi quá, rất giống bố. Hãy nói mấy lời xem nào?". Một đứa khác ngơ ngác, chỉ bập bẹ được mấy câu. "Các vị đã nghe thấy tôi nói lúc nãy đấy. Thấy không, thằng bé này đần độn quá... Thôi sang đứa khác vậy". Cuộc khám sức khỏe để chọn vua nối ngôi tiếp tục. Các hoàng tử kế vị đầy những khuyết tật của phụ hoàng để lại. Tất cả đều có bộ mặt cằn cỗi, chân tay khẳng khiu, dáng điệu xảo trá. Chính lúc đó người ta nghĩ đến Duy Tân hoàng tử thứ năm của vua Thành Thái, con một người hầu gái của một bà phi. Lúc này không thấy mặt cậu bé vì đã bị vua cha do tính nết bất thường đã tống giam vào ngục, chân tay bị cùm cùng với những đứa trẻ khác con các quan đại thần. Khi đoàn người bước vào phòng giam, cậu bé bắt đầu khóc rống lên giậm chân gọi mẹ, nhưng ông thiếu tá quân y đã vào lôi ra chỗ sáng thản nhiên quan sát cậu bé. "Trời đất? Coi bộ thằng bé này khá đấy?" - Ông ta vừa phán vừa mân mê vuốt ve cậu bé chẳng khác nào ông phải chọn trong đàn chó mới đẻ, xem con nào khá nhất không đến nỗi phải đem đi dìm xuống nước. Đứa trẻ này có đôi tai quá lớn, răng hỏng hết nhưng còn khá hơn cả. Các vị thấy được không? Lấy đứa này đi. Được nhìn nhận là đủ tiêu chí làm vua, cậu bé, sau này lên ngôi lấy niên hiệu Duy Tân, bị lôi sềnh sệch ra khỏi nhà ngục nhưng vẫn la hét...".

Câu chuyện tiếu lâm này có thật không? Dù sao đó hình như là một thói kỳ quặc, một thông lệ tồi tệ trong lịch sử các vị vua chúa An Nam là chọn đứa trẻ yếu đuối chắc hẳn là để rộng đường cho các quan phụ chính được thả sức thao túng công việc triều chính sau này.

Chân dung các ông vua trẻ con ấy na ná giống nhau đều được lựa chọn vì đều yếu đuối cả. Trong những cuộc lễ đăng quang vương miện, người ta thấy những khuôn mặt ngơ ngác sợ hãi trước những lễ tiết phô trương rườm rà trong bộ trang phục khăn áo, mũ hia, và những đồ trang sức nặng nề. Người ta không thấy bộ mặt tươi tỉnh với nụ cười nào trong ảnh hay các bức hoạ.

Tất cả đều có cùng một thái độ như nhau cùng những câu hỏi câm lặng. Hàm Nghi sau này sẽ rời khỏi ngai vàng trốn vào rừng rậm cũng như Duy Tân và Bảo Đại về sau đều một nét buồn giống nhau trên khuôn mặt.

Phải đợi đến năm 1916, trong lúc các nước lớn đang sát phạt nhau trong cuộc chiến tranh thế giới, chế độ quân chủ An Nam mới có cơ hội ngẩng cao đầu một lần nữa. Nhà vua lúc đó, Hoàng đế Duy Tân, mới ở tuổi mười lăm hãy còn là một đứa trẻ. Chính ông là người đã được chọn để không bị dìm xuống nước theo lối giải thích của viên thiếu tá quân y. Vị vua trẻ tuổi nên đã có khả năng về thể chất và về trí tuệ, ông cũng đủ để làm vua. Dù sao vai của ông cũng không mòn mỏi vì những vinh quang trong cung đình. Ở tuổi mới lớn ông đã nghe được những tiếng đồn từ Tokyo (thủ đô nước Nhật) vọng về, ở đó người anh em họ của ông là Kỳ ngoại hầu Cường Để vẫn hoạt động ráo riết. Ông lắng nghe những ý kiến khêu gợi tinh thần dân tộc yêu nước của những người lãnh đạo nhóm quốc gia ở Huế luôn luôn được nhắc đi nhắc lại bên tai ông. Cuối cùng một đêm ông vượt bức tường dày đến mười mét ra khỏi hoàng cung để đi gặp những người mưu đồ khởi nghĩa.

Câu chuyện về cuộc nổi dậy đáng lẽ có thể rất đẹp, có thể sánh với bản anh hùng ca của Hàm Nghi nhưng đã bị nhanh chóng quên lãng và nhanh chóng bị dập tắt một cách đáng thương. Nhà vua ở tuổi còn trẻ đã bị bắt sau đó mấy ngày, bị đối xử như một gian phi tầm thường, bị đánh đập, bị làm nhục và cuối cùng bị đưa đi đày ở đảo Réunion. Và nhà nước bảo hộ đã không để Nhà vua đi đầy một mình. Cha ông sẽ đi cùng. Vua cha Thành Thái, coi là bị "điên" đã bị phế truất, nhưng phải đợi chín năm sau mới được nước Pháp quyết định số phận là cùng đi đày ở đảo Réunion với con...

Những sự kiện đó xảy ra trong năm 1916 giữa chiến tranh thế giới lần thứ nhất đang diễn ra kịch liệt. Cuộc khởi nghĩa đáng thương không gây được sự chú ý của dư luận. Paris cũng im lặng không đưa tin về giấc mộng độc lập của vua Duy Tân mới 15 tuổi. Nhưng cũng theo thông lệ phải lập vua mới. Đó là Khải Định, một người anh em họ của vua Duy Tân và thân phụ của Bảo Đại được đánh giá có đầu óc sáng suốt, sẵn sàng tiếp nhận các ý tưởng đến từ phương Tây.

Chú thích:

(1) Theo báo Illustration (Minh hoạ) Nhà vua hành tội các cung nữ bằng cách cắm kim nhọn lên ngực họ và giao cho súc vật cắn xé.

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.net

truyện bách hợp
truyện ngôn tình

Dtruyen.com đổi tên miền thành Dtruyen.net. Độc giả ghi nhớ để truy cập.

truyện bách hợp

Nhận xét của độc giả về truyện Bảo Đại, Hay Là Những Ngày Cuối Cùng Của Vương Quốc An Nam

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook