Báo Ứng Hiện Đời

Chương 131: Cư Sĩ Chân Minh

Cư sĩ Quả Khanh

05/08/2021

Ngôi nhà nhỏ hai tầng lầu của cư sĩ Chân Minh vừa khánh thành trong tiếng pháo nổ giòn tan, vợ chồng Chân Minh hân hoan dìu cha mẹ già 80 tuổi vào nhà mới. Chiều hôm đó, họ đãi tiệc nhỏ (gồm trà nước hoa quả bánh trái) cho các láng giềng thân thuộc đến chúc mừng tân gia. Tòa kiến trúc hai tầng của họ là ngôi nhà lầu đầu tiên trong thôn nên được mọi người đặc biệt chú ý, nhất là cách đây ba năm, gia đình họ còn thuộc hạng nghèo nhất trong làng, nghèo đến cái nhà bếp cũng không có. Bếp của họ được vừng bằng hai manh chiếu rách với bốn cọc cây chống đỡ. Mưa xuống là cái hỏa lò (được tạo hình bằng ba viên gạch mẻ) bị ướt nhẹp…

Cả nhà họ, trên có phụ mẫu, dưới có bốn con, gánh nặng gia đình trút cả vào vai nàng dâu (vợ của Chân Minh). Vậy thì Chân Minh ở đâu? Đi đâu mà trốn trách nhiệm vậy?…

Chuyện này phải kể từ lúc chính phủ bắt đầu cải cách, lúc đó Chân Minh đem ruộng đất giao cho người nhà quản, còn bản thân thì làm Giám đốc Công ty Bao bì. Mới đầu tuy làm quần quật nhưng anh cũng gánh vác được. Sau đó vì muốn kiếm thêm tiền, làm ăn lớn, nên anh hướng ngân hàng vay hai mươi vạn. Thấy cơ sở anh có thể ăn nên làm ra, ngân hàng bèn chấp nhận cho vay.

Có tiền, Chân Minh bèn tìm bạn hợp tác, không lâu thì bị những người gọi là “bạn chí thân” này phản, họ “cuỗm” trọn gói tiền trốn mất. Lúc này Chân Minh khó bề trụ vững, bị ngân hàng đòi nợ, tòa án gửi trát đến tận nhà… Chân Minh cùng đường vô kế khả thi, chỉ còn nước đánh bài “chuồn”, vội chạy đến nương tựa người bạn thân là Đan Lương ở huyện H.

Lúc này Đan Lương đang định đến thành phố T. để tìm tôi, vì biết tôi đang bái một vị cao tăng ở đó làm thầy, tất nhiên Đan Lương không bỏ qua duyên lành này, bèn dẫn theo anh bạn giám đốc sa cơ (đang chao đảo hồn phách là Chân Minh) theo cùng, nhờ tôi đưa họ đến bái kiến Hòa thượng Diệu Pháp luôn.

Duyên số đúng là không thể nghĩ, Chân Minh do bị bạn phản ôm hết tiền trốn mất, nhờ vậy mà trở thành đệ tử Hòa thượng Diệu Pháp.

Khi về đến nhà Đan Lương, Chân Minh không dám trú lại đây, vì nghe tin Viện Kiểm sát đang phái người tìm đến dò la hành tung mình. Thế là anh đành náu thân tại một vùng đất hẻo lánh, ngụ trong chòi hoang, trông coi địa khu này. Đan Lương mỗi ngày thăm nuôi một lần. Do ở đây không có người vãng lai, nên đặc biệt thanh tịnh yên tĩnh. Chân Minh ở đây suốt tám tháng ròng, tám tháng này trừ ngủ nghỉ và ngồi thiền ra, anh lo học thuộc và chuyên tụng chú Lăng Nghiêm, sống giống hệt như cảnh người xuất gia bế quan nhập thất: lo ăn chay, niệm Phật, tụng chủ Lăng Nghiêm (dưới sự hướng dẫn theo dõi của Hòa thượng Diệu Pháp). Tối đến không có đèn điện, kể cả đèn dầu cũng không thắp.

Lúc anh tập ngồi xếp bằng, do đã hơn 40 tuổi, lại thêm chân to, bụng bự, nên tập khoanh đùi rất khó khăn, do chẳng làm được, nên rất phiền não.

Một đêm nọ, anh đang vất vả tập ngồi xếp hằng, bỗng thấy một Hòa thượng mập mạp ngồi đối diện với anh, dạy anh cách tĩnh tọa làm sao… và bảo:

– Ngươi quá béo, có thể tập ngồi giống như ta nè!

Thế là anh bắt chước làm y theo Hòa thượng mập, đem đùi phải đặt ở trên và đùi trái khoanh lại ở dưới. Hai tay úp xuống, buông thả tự nhiên trên hai đùi, hai mắt khép nhẹ…

“Ồ! Bóng đêm đã biến thành bầu trời xanh lam, chung quanh mênh mông, im vắng, không một âm thanh… mình đang ở đâu nhỉ? Sao không nhìn thấy thân thể mình nữa cà? Nhưng mình vẫn còn tư tưởng, không lẽ… mình chết rồi ư?”

Trong lòng có chút căng thẳng Chân Minh vội mở mắt ra, trời đã mờ mờ sáng, anh thấy rõ ràng mình vẫn đang còn ngồi, nhưng Hòa thượng mập thì chẳng thấy đâu cả… “mình chẳng phải đang mơ ư?”… Chân Minh ngó xuống, kiểm lại, thấy chân mình vẫn xếp bằng hệt như tư thế Hòa thượng mập đã chỉ dạy.

“Mình không mơ mà, thế sao trời đã sáng?… Đúng là trời tối không lâu thì mình bắt đầu ngồi tĩnh tọa, sau đó có ông Hòa thượng mập đến dạy mình ngồi, chỉ mới một chút thôi mà?… Nhưng giờ trời đã sáng? không lẽ… mình… ngồi suốt cả đêm ư? Nhưng tinh thần mình rất tỉnh táo, rất tốt mà?”…

Sáng hôm đó Chân Minh suy nghĩ miên man, thắc mắc mãi, cho tới khi Đan Lương đem cơm đến, anh hấp tấp kể lại câu chuyện đêm qua. Đan Lương nói:

– Vùng này không có Hòa thượng nào giống như anh tả cả!

Trưa hôm sau Đan Lương đem cơm đến, còn mang theo các hình Phật cho Chân Minh xem. Chân Minh vừa nhìn, liền nhận ra ảnh vị Phật ngồi nơi hàng đầu, reo lên:

– Đúng rồi, tướng mạo giống y như Hòa thượng này nè, đêm qua “ông” đã dạy tôi ngồi hệt như vậy đó.

Đan Lương bảo Chân Minh:

– Vị này là Bồ tát Di Lặc, sẽ là Phật trong tương lai nên còn gọi là Phật Di Lặc. Anh tu công phu không nhỏ, mới có thể cảm được Phật Di Lặc đến dạy như thế… Trong tương lai nhất định anh sẽ thành tựu đó.



Chân Minh sực nhớ đêm qua Phật Di Lặc kêu mình là Hằng Vân, còn nói đó là pháp danh… anh hỏi bạn:

– Vậy pháp danh là sao?

Đan Lương giải thích:

– Pháp danh là tên đặt cho đệ tử quy y Phật, cũng có lẽ đời trước anh từng là người xuất gia, vì anh tĩnh tọa rất giỏi mà. Sớm muộn gì rồi sẽ có ngày anh hiểu rõ hết thôi!

Mấy tháng sau đó, Chân Minh mỗi khi tĩnh tọa thấy xuất hiện đủ cảnh giới, trong đây không thể ghi kỹ (nhưng anh không hề chấp trước, tự cao, luôn nhớ rõ “Kinh Lăng Nghiêm” đã dạy: “Nếu cho mình chứng thánh ắt sẽ lạc tà”…

Hết tám tháng, Đan Lương báo tin: Hiện có một giám đốc công ty vận tải, cần tuyển một người có thể trường kỳ trú ở Sơn Tây đảm nhận công tác phân phối than. Lương mỗi tháng một ngàn, thế là Chân Minh tức tốc đi nhận việc.

Một ngàn này đối với anh mà nói, đúng là “buồn ngủ gặp chiếu manh”, là dịp may cho người gặp nạn, vì anh có thể dùng để phụ giúp gia đình.

Chân Minh vốn là người con đại hiếu, tám tháng nay anh chưa hiếu kính song thân được một xu nào, nếu như chẳng phải Hòa thượng Diệu Pháp khuyên anh “vạn duyên buông hết”, dốc tâm học thuộc chú Lăng Nghiêm, thì trong lòng anh vẫn còn đầy ưu tư phiền muộn.

Chớp mắt đã ba năm trôi qua, suốt ba năm này Chân Minh công tác đều đặn, cứ cách ba, bốn ngày anh lo điều xe, kiểm tra máy móc, tải hàng đến chủ nhận phí vận chuyền, chỉ cần than có chất lượng tốt là đủ rồi.

Ngoài ăn ngày ba bữa ra, thời gian rảnh còn lại anh toàn ngồi “kiểu Di Lặc”, và luôn tụng nhuần nhuyễn chú Lăng Nghiêm. Hòa thượng Diệu Pháp buộc anh bình thường mỗi ngày phải tụng bốn, năm mươi biến. Tối đến anh tĩnh tọa, một lần ngồi mấy tiếng…

Ngày nọ, người chủ báo tin cho Chân Minh hay là giữa ông và hãng xưởng phát sinh mâu thuẫn, nên bên họ chẳng kêu ông chở hàng nữa và bảo Chân Minh hãy đi đến xưởng tính sổ, sau đó hợp đồng làm ăn giữa họ kết thúc.

Nào ngờ khi chủ xưởng gặp Chân Minh, ông ta ngỏ ý muốn làm việc cùng anh và mời anh tiếp tục cung ứng hàng cho xưởng. Chân Minh vội kể bản thân mình không có vốn… nhưng chủ xưởng nói chỉ cần anh bảo đảm chất lượng than, thì mỗi tháng họ sẽ trả lương cho anh. Thực lòng Chân Minh rất muốn hợp tác, bởi xưởng cần người tin cậy để làm ăn, họ lại tín nhiệm anh. Chân Minh dù không có chút vốn, song lại có thể bắt tay làm việc rất suôn sẻ với người (không phải ai hành nghề này cũng gặp may như anh) do Chân Minh tốt tính, thật thà, anh siêng năng làm việc nhưng phó thác tất cả cho công phu tu trì và sự gia hộ của chư Phật.

Trong kinh Lăng Nghiêm từng thuyết: “Mười phương Như Lai tùy theo tâm chú này, khéo ở mười phương, cứu độ các khổ, nên các khổ địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, mù điếc, câm, oán tắng hội khổ, ái biệt ly khổ, cầu bất đắc khổ, ngũ ấm xí thịnh khổ, các nạn tai lớn nhỏ, đói khát bần cùng, nhờ niệm kỉnh này mà tiêu tan… Mười phương Như Lai luôn hộ vệ người tu trì khiến họ trong tứ uy nghi, được mọi sự cung ứng như ý”…

Thời gian trôi qua, khi Chân Minh có được chi phiếu 20 vạn, thì anh liền đến ngân hàng ngỏ ý xin trả nợ, nhân viên ngân hàng cảm kích, mời anh dùng nước, xúc động nói:

– Số tiền lớn anh vay, chúng tôi cứ ngỡ đã mất trắng, nào ngờ anh còn tìm tới giao trả, thật cảm ơn quá!

Chân Minh thưa: Hiện giờ tôi chỉ có thể hoàn vốn, còn phần lãi tức thì sẽ trả sau. Tôi không thể để quốc gia bị thiệt thòi, xin ngân hàng hãy gia hạn thư thả, cho tôi một thời gian nữa…

Nhân viên ngân hàng vội nói:

– Ồ! Được! Được mà!

Chân Minh từ lúc qui y Hòa thượng Diệu Pháp rồi, thì vợ, con và cha mẹ anh cũng đều ăn chay niệm Phật theo. Xưa nay giữa mẹ chồng nàng dâu quan hệ không tốt, nhờ đây mà được cải thiện rất nhiều.

Vợ Chân Minh tâm sự với tôi:

– Từ khi hiểu Phật pháp rồi, những lúc mẹ chồng làm tôi nổi giận, thì tôi không còn cự cãi với bà nữa, mà âm thầm đạp xe ra đồng, lặng ngắm gió vờn sóng lúa… những bực bội trong lòng cũng theo đó tiêu tan… Mỗi lần Chân Minh từ Sơn Tây gọi điện về, anh luôn nhắc tôi phải nhớ niệm Phật siêng năng, còn kể là anh dụng công tu trì rất miên mật…



Vợ Chân Minh nói tiếp:

– Từ hồi biết tu niệm, dù đạp xe hay công tác cấy cày… có làm gì thì trong tâm tôi lúc nào cũng niệm: “Nam mô A Di Đà Phật!” Hễ tan việc, về nhà, đi trên đường tôi vẫn: “Nam mô A Di Đà Phật!” Lúc chung quanh không có ai, thì tôi còn niệm lớn lên, trong lòng thiệt là an tĩnh sướng khoái… về nhà ăn cơm, cũng không còn bưng chén ra ngoài tán gẫu với hàng xóm nữa, bởi vì ăn xong tôi vẫn phải niệm Phật, luôn cảm thấy không đủ thời gian tu niệm, nên chẳng còn nói chuyện tào lao…

Nhiều người thấy nhà tôi ngày một phát, xúm nhau hỏi chúng tôi làm gì mà từ nghèo biến thành giàu vậy?…Tôi nghĩ không ra bèn nói:

– “Nhờ Phật pháp” đó!

Vợ Chân Minh kể:

– Hiện nay người bắt chước tu niệm theo chúng tôi ngày càng nhiều, bởi vì nửa năm trước trong thôn có một người bị chứng si ngốc (vong dựa xác), tối ngày cứ lầm bầm nói bậy, quậy phá… Tôi bèn dẫn con trai đến xem thử, lúc vừa bước vào sân thì nghe y ở trong phòng đang hét to. Hai mẹ con vừa vào cửa thì thái độ bệnh nhân lập tức thay đổi, y trở nên rất hiền lành, thật thà, cứ ngó chăm chăm vào hai mẹ con tôi.

Có người hỏi y:

– Sao không gây gổ làm ầm ĩ huyên náo nữa vậy?…

Y bảo: Hai người này vừa bước vào toàn thân phủ đầy ánh kim quang gia trì của chư Bồ tát, nên tôi không dám quậy phá.

Con trai Chân Minh bảo:

– Vậy vong hãy rời khỏi đây đi nha?!

Vong nhân nói:

– Chưa được các vị dạy, chúng tôi đâu dám đi!

Thế là con Chân Minh liền bảo:

– Vậy bạn hãy niệm “Nam mô A Di Đà Phật!”… nha!

Vong nhân học thuộc một câu này xong liền nói:

– Thế thì tôi có thể đi đầu thai được rồi!

Vừa dứt câu thì người bệnh ngã xuống bất tỉnh giống như ngủ, người nhà khiêng lên giường. Ngủ xong một giấc thì hôm sau bệnh nhân tỉnh dậy, việc trước đó họ không nhớ chút gì, tinh thần trở lại bình thường.

Việc này đồn lan khắp toàn thôn, người ta bảo nhau: “Ma quỷ sợ người ăn chay niệm Phật”, thế là họ rần rần kéo đến tìm vợ Chân Minh, xúm nhau học cách niệm Phật ăn chay.

Những lúc vụ mùa rảnh, từ nhà Chân Minh thường xuyên vang lên âm thanh tụng kinh và chú Lăng Nghiêm chí thành của bao người.

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.net

truyện trọng sinh
truyện sắc

Dtruyen.com đổi tên miền thành Dtruyen.net. Độc giả ghi nhớ để truy cập.

truyện bách hợp

Nhận xét của độc giả về truyện Báo Ứng Hiện Đời

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook