Bí Ẩn Làng Bưởi Cuốc

Chương 41: Giấc Mơ Kỳ Lạ

Nam Ngủ Yên

22/07/2021

Trời lất phất mưa...

Bóng người treo lủng lẳng trên cành xà cừ ấy chả ai xa lạ, chính là cái anh ngày hôm qua vào nhà tôi xin mấy miếng đậu trắng chấm bột canh và mẹ tôi cho ít tiền. Người dân tụ tập trong ngõ ngày một đông, chỉ một lúc sau thì chú Công an phường có mặt, ai đó đã mang tới một cái thang nhưng không phải ai cũng đủ can đảm để trèo lên cây xà cừ, một số đàn ông gan dạ đã leo lên nóc mái bằng của trạm bơm đứng rất gần để xem kỹ, bàn tán nhưng họ lại không tham gia vào việc hạ cái xác xuống. Sau cùng, bác V. chính là người đứng ra nhận trách nhiệm giúp bên Công an trèo lên cây để cắt dây thừng bởi vì mọi người không muốn chờ bên Cơ quan Công an đến, vì sẽ lâu và cảnh tượng thì thật sự dọa người, và để lâu thì tội cho người đã khuất. Khu vực này nhiều người đã đi ra từ cái chết, bước ra từ bom đạn nên họ không sợ nhưng họ không muốn nhìn thấy cảnh tượng đó. Phải nói thật là cành cây khá cao, tôi áng chừng cũng phải cao tới 4m, thật khó hiểu là bằng cách nào anh chàng kia lại có thể thòng dây lên được, đúng là thật khó để ngăn cản một người đã nhất định tìm cách chết. Đám đông yên tĩnh, gần như không có một tiếng động, có thể nghe được tiếng thở của người bên canh, lúc này mọi người đều chưa nhận ra nhân dạng của người treo cổ, phần vì ở trên cao, phần vì thần hồn nát thần tính và phần thì không ai đủ can đảm nhìn kỹ.

Cái xác chết treo cổ cuối cùng cũng được hạ xuống, tôi cũng cố chen vào để xem bằng được, chủ yếu là vì tò mò. Đúng là cái anh hôm qua, vẫn bộ quần áo đó, chân vẫn còn xỏ đôi xăng-đan màu nâu nhưng khuôn mặt thì đã khác hẳn, từ phần cổ trở lên đều chuyển sang màu tím đen, lưỡi thè ra và mắt thì trợn ngược toàn lòng trắng, còn từ phía cổ trở xuống da dẻ vẫn còn màu sáng, nói chung là khá dọa người yếu bóng vía, tôi nghe thấy các cô các bác phụ nữ rú lên và bỏ chạy. Ai đó trong đám đông sau khi nhìn gần đã nhận ra lai lịch của người chết, lúc này đã được để nằm ngay ngắn trên mặt bể nước ngầm của trạm bơm.

Trời đổ mưa nặng hạt hơn...

Gia đình anh ta đã đến, có mấy người, bà mẹ thì khóc ai oán vật vã bên xác con trai, người đàn ông tôi đoán là bố, đứng chết lặng tại chỗ, khuôn mặt thất thần. Tôi không biết ông ấy có cảm thấy ân hận khi nhìn thấy con trai mình lúc này đang nằm bất động dưới đất hay không nhưng tôi tin ông ta đau lòng. Tôi đọc sách không nhiều nhưng nhiều cuốn tôi đọc đều miêu tả rằng những người lính họ có trái tim sắt đá, luôn minh bạch giữa đúng, sai và không có vùng xám thỏa hiệp nhưng nếu sắt đá với con mình quá cũng chưa hẳn là tốt. Người mẹ vừa khóc vừa kể lể, đứt quãng bởi những tiếng gào khóc nghẹn ngào, gom góp lại có thể hiểu được nguyên nhân, chính là anh chàng ấy sau khi thi trượt Đại học thì cũng buồn chán, chơi điện tử cùng đám bạn bị mất xe đạp, bố mẹ đánh mắng và có đuổi đi, cũng đã về xin lỗi bố mẹ nhưng vẫn bị chửi mắng, anh ta đã trải qua sáu ngày dằn vặt chắc là rất kinh khủng và đến ngày thứ bảy thì tìm đến cái chết. Sáng sớm hôm ấy, người đầu tiên phát hiện ra là một người bán cá trong trong chợ Nam Đồng đi vào bể bơm múc nước đã nhìn thấy và vứt hết đồ bỏ chạy bán sống bán chết.

Trời mưa to...

Cuộc sống sẽ không bao giờ có hai chữ “Giá như...” để quay ngược thời gian sửa chữa lỗi lầm, tôi chợt nhận ra nếu cái gì đó “quá” đều không tốt, trong đó “nghiêm khắc quá” cũng không phải là biện pháp có thể giúp một con người tốt lên, đặc biệt là trẻ nhỏ, ngay cả việc “yêu thương quá” cũng có thể làm một đứa trẻ cảm thấy nó là trung tâm của vũ trụ, tuy không phải tất cả trẻ em được được “yêu thương quá” sẽ hư nhưng tôi nghĩ khi lớn lên phụ huynh sẽ nhận được nhiều hậu quả chứ không phải kết quả do chính họ tạo ra, điều này tôi thực sự hiểu rõ.

Khi mọi người giải tán, xác chết đã được đem đi, tôi đứng ở cửa nhà nhìn trời đổ mưa, nhìn cây xà cừ chứa đầy ma quỷ kia, tôi đồ rằng hai mẹ con nhà ma đó đã đạt được ước nguyện, tôi tự có kết luận cho riêng mình. Có nhiều cách để chết, có nhiều nơi khác để anh ta chọn nhưng vì một lý do nào đó thúc đẩy, anh ta đã chọn đúng cái cành cây đó, một nơi cách xa nhà anh ta nhiều dãy nhà, nếu như vì tức giận hay oán hận bố mẹ, hay để chứng minh điều gì đó tại sao anh ta không chọn nơi gần nhà mình? Hiện tại tôi không có cách nào để biết, tôi chỉ ước gì có ai bứng gốc cái cây đó đi mà thôi.

.....

Mùa hè thứ hai của tôi kết thúc với một sự kiện như vậy, chuyện xảy ra rồi mọi người cũng quên đi vì còn đối mặt với nỗi lo cơm áo gạo tiền, tôi không biết có một sự tình cờ nào đó hay không nhưng sau đó, bố mẹ tôi lại thuê được chính gian phòng mà trước đó được sử dụng làm phòng trực ban của trạm bơm, có thể những người tới phiên trực ban cảm thấy sợ hãi khi gần trên đầu họ từng có người treo cổ nên họ sợ và không chịu trực đêm ở căn phòng đó, họ treo biển cho thuê và bố mẹ tôi thuê được với giá rất rẻ và biến thành phòng ngủ và phòng khách trong một khoảng thời gian rất dài, mẹ tôi cũng là người yếu bóng vía nhưng tuyệt nhiên trong suốt mấy năm sau đó chưa bao giờ nhìn thấy điều gì hoặc cảm thấy sợ hãi. Những mùa hè sau đó, tôi cũng có ngủ bên phòng bố mẹ hoặc nằm ngủ ở bàn ghế tại phòng khách, tôi không sợ, thậm chí có những tối tôi còn leo lên mái nhà của trạm bơm ngắm nhìn mọi thứ xung quanh. Thôi thì xem như cái anh đã chết đó trả ơn mẹ tôi vì đã cho ăn và cho tiền, ít nhất trước khi chết anh ta không phải là một con ma đói.

Trong thời gian mấy tháng hè ở Hà Nội, tôi đã thuê rất nhiều truyện để đọc, thậm chí tôi còn đi tìm bằng được những cuốn truyện cũ trước đây mà tôi chưa có cơ hội đọc và tôi chợt nhận ra, chỉ có ông chủ cửa hàng truyện là thích nhất, có cơ man truyện nhưng ông ấy không đọc, nếu tôi là chủ cửa hàng chả phải sẽ vừa được đọc truyện lại vừa có tiền hay sao, và tôi nảy ra ý định kiếm tiền.

Thông qua đứa em mình và mấy đứa bạn của nó, tôi tìm mua tất cả truyện cũ, bất kể tập nào, truyện nào cứ có là tôi mua, khoảng 1000đ-1500đ/ quyển, được giá hơn rất nhiều so với bán đồng nát ve chai, số tiền tôi bỏ ra để mua đống truyện cũ đó là gần ba trăm nghìn đồng và tôi nhờ mấy anh công nhân đóng vào trong hai cái thùng carton lớn.

Công việc của gia đình tiến triển rất tốt, hồi đầu hè tôi ra Hà Nội thì giao hàng chở bằng xe máy được mỗi lần từ 6 đến 8 két sữa đậu nành nhưng đến khi tôi rời Hà Nội việc giao hàng đã phải thuê xe tải loại nhỏ để giao, bố tôi cũng đã mua thêm một chiếc xe máy Honda 82-50 màu xanh bộ đội, một chiếc xe đã qua sử dụng có biển số 29-456-TX để phục vụ việc giao hàng nơi gần, còn xe Dream để bố tôi phục vụ việc đi lại và đi gặp khách hàng. Lần trở lại quê này, chú K. sẽ đưa tôi về còn đồ đạc của tôi sẽ được chở ra gửi ở bến Nứa, tôi sẽ chờ nhận vào ngày hôm sau, tôi cảm thấy cuộc sống thật tốt khi công việc của bố tôi thuận lợi.

Đêm cuối cùng ngủ ở Hà Nội tôi trằn trọc mãi, cảm giác xen lẫn giữa muốn ở lại và mong mau về với bà Già làm tôi khó ngủ, phải rất khuya tôi mới có thể chợp mắt được nhưng tôi nhớ rằng trong khi ngủ tôi có mơ một giấc mơ ngắn, rất ngắn, giống như chỉ thoáng qua một chốc, một giọng nói nào đó đã nhắc nhở tôi:

- Ngày mai về thì nhớ đeo găng tay, đừng quên.



Sau đó là cảnh vật một đoạn đường tôi thất rất quen nhưng khi tỉnh giấc ngồi cố nhớ thì không tài nào nhớ ra cảnh đó ở đâu. Do đã trải qua nhiều chuyện lạ nên tôi tin vào những gì mình gặp nhưng găng tay là một thứ rất khó để tìm mua vào mùa hè, ở chợ Nam Đồng không có bán, tôi đã nghĩ đến việc mua một đôi găng tay len. Đi một vòng quanh chợ không tìm mua được vào buổi sáng, tôi chợt nhớ bố tôi có một đôi găng tay da màu đen, thi thoảng bố hay đeo khi đi xe máy đường dài nên tôi hỏi mượn, bố tôi bảo găng tay người lớn không dùng được nhưng tôi nhất quyết mượn bằng được và hứa khi bố về quê tôi sẽ trả lại. Khi leo lên khi 82 để chú K đưa về, tôi đã đeo ngay găng tay vào, nói thật là trông rất buồn cười vì người thì nhỏ mà găng tay thì to, tôi cũng không biết giải thích ra sao với mọi người, chỉ biết cười trừ bảo là để tránh nắng.

Chú K đi nhanh nên chỉ độ nửa tiếng sau đã từ Quốc lộ 5 rẽ trái vào Phú Thụy, hai chú cháu vừa đi vừa nói chuyện khá rôm rả, đến đoạn đường chuẩn bị vào đến địa phận phố Sủi thì tôi hơi ngây người ra vì cảnh vật quen quen, tôi lại cố nhớ xem đã gặp ở đâu rồi thì bỗng nhiên có một con chó rất lớn băng ngang qua đường, chú K không phanh kịp đã đâm thẳng vào con chó, tôi vì ngồi sau hơi nghiêng về phía bên phải nên đã bị bắn hẳn về phía trước, tôi nhớ mình đã lộn lên rất cao, phải cao hơn đầu người bình thường, khi đang ở trên không bị lộn vòng mặt tôi quay nhìn phía sau thì đã thấy cái xe máy bổ nhào về đằng trước, chú K. thì cũng đang ngã sõng xoài chuẩn bị tiếp đất bằng phần tay và mặt, tôi nhắm tịt mắt lại, tôi nhớ mình tiếp đất bằng lòng bàn tay phải rồi lồm cồm bò dậy ngay vào vệ đường, tôi sợ sẽ bị xe ô tô hoặc các xe khác chạy tới đâm phải, tôi không hiểu tại sao mình có thể phản ứng nhanh như vậy, khi xem xét lại bản thân mình thì chỉ có cái găng tay màu đen bằng da của bố tôi bị sờn một vệt dài nơi tiếp đất còn tuyệt nhiên quần áo tôi không bẩn. Tôi chạy lại chỗ chú K thì chú cũng bị xây sát ngoài da như khuỷu tay, bàn tay và một vệt nhỏ trên mặt. Mấy người dân bên đường đã chạy ra giúp hai chú cháu, còn con chó sau khi bị đâm chỉ kêu oẳng một tiếng lớn rồi bỏ chạy đâu mất không nhìn thấy, cũng không ai biết con chó của nhà nào.

Trên đoạn đường còn lại, chú K. chạy chậm hẳn, tôi chỉ ngồi sau ôm lấy người chú và im lặng nhìn cỏ cây ven đường một cách vô hồn, tôi không hiểu được điều gì đã xảy ra và làm thế nào đó mình lại thấy được cái cảnh đó, tôi cứ suy nghĩ miên man như vậy mãi cho đến khi xe rẽ vào cổng nhà, nơi bà Già đang ngồi chẻ củi trên sân, dưới bóng mát của cây bưởi sinh đôi.

.....

Vào mỗi buổi chiều của tháng 9/1996 đó, khi tôi học lớp 7, tôi đều rất bận rộn vì ngoài việc có một số môn học mới như Sinh học và Vật lý thì tôi còn phải tiếp khách, khách đến chính là bọn trẻ con tới để thuê truyện, 300đ/quyển và 1.000đ/4 quyển. Mục đích của tôi là thu hồi số vốn đã bỏ ra, sở hữu vĩnh viễn những cuốn truyện cũ và có tài chính để mua tiếp những tập mới, công việc làm ăn nhìn chung khá phát đạt, đến khoảng 4 giờ chiều tôi sẽ cho một thùng carton nhỏ hay đựng mì tôm lên sau xe Pơ-giô cá vàng của mình đạp ra đầu làng để tìm những khách hàng mới. Sau một thời gian thì thấy có vẻ khách trong làng chỉ có được đến từng đó thì tôi khăn gói mang sang cổng trường mình vào một sáng Chủ nhật. Tôi quen chú Tiến bảo vệ nên việc trải cái áo mưa màu xanh ra rồi xếp đống truyện của mình lên, chú Tiến cứ nhìn tôi cười mà vô tình tôi lại gặp cô Hòa chủ nhiệm của mình từ trường đi ra, cô nhìn thấy tôi rất ngạc nhiên.

- Chủ nhật em không ở nhà sang trường làm gì?

- Em mang truyện sang đây cho thuê cô ạ!

Tôi chỉ tay vào đống truyện đang bày dưới đất ngay cạnh cổng trường.

- Hôm nay Chủ nhật, không có lớp nào học đâu, các bạn cũng đều ở nhà, em ngồi đây làm sao ai biết mà tìm thuê?

Tôi đứng gãi đầu, đúng là tôi chưa nghĩ ra, tại làng tôi nhỏ nên chỉ cần mang ra Cầu Đình là được.

- Ở đây thì buổi chiều trẻ con hay chơi đá bóng và thả diều ở sân bóng của xã, em muốn cho thuê thì phải mang ra đấy.

Cô Hòa gợi ý cho tôi, điều này thật sự tốt, thảo nào chú Tiến bảo vệ cứ đứng cười từ nãy. Tôi cảm ơn cô Hòa rối rít và còn lấy mấy cuốn truyện mới đưa cho cô nhưng cô dĩ nhiên chả quan tâm truyện tranh của trẻ con.

- Hay cô cứ mang về cho các anh ở nhà đọc thử, đọc xong trả lại em.

- Thế hết bao nhiêu tiền?



Cô chủ nhiệm nhìn tôi cười.

- Dạ không, cái này là em cho mượn, nếu các anh ấy muốn đọc thêm thì có thể thuê rồi trả tiền ạ!

- Khá đấy, đúng là dân làng Bưởi Cuốc.

Cô xoa đầu tôi rồi cầm ba cuốn truyện mới, cho vào cái túi xách rồi ra về, tôi cũng đóng gói mọi thứ lại rồi rút luôn, nhưng trước khi về tôi trách chú Tiến.

- Chú ở đây biết thế mà không nói cho cháu, tốn công cháu ngồi từ sáng.

- Ô thằng này, việc mày làm thì kệ mày chứ, mày cấm tao cười à?

Chú ấy rít thuốc lào rồi lại nhìn tôi cười khoái trá, tôi lắc đầu ngao ngán rồi đạp xe trở về. Chuyến đi làm ăn xa lần đầu tiên thất bại như vậy.

.....

Như tôi đã từng kể, tôi đã nghe rất nhiều chuyện xa xưa từ bà Già của mình,về những thứ tôi không được đọc trong sách vở, những thứ tôi biết thì bà Già lại không và ngược lại, cho nên bà Già thường kể cho nghe rất nhiều câu chuyện dưới ánh đèn dầu hiu hắt mỗi đêm tối và thông qua những câu chuyện ấy muốn nhắc nhở tôi phải sống lương thiện. Đặc biệt việc ở làng hay chơi cờ bạc thì bà hay dạy.

- Mình không ăn của người ta, người ta sẽ không ăn của mình.

Lý lẽ tưởng chừng như đơn giản này nhưng không phải ai cũng học được hoặc nhớ được, hoặc đã nhớ nhưng lại không thể vượt qua cám dỗ được, nhưng sinh ra ở làng trong máu đã có chút cờ bạc thì khó mà tránh nhưng tôi luôn tâm niệm rằng nó chỉ là giải trí, cũng may tôi chưa bao giờ phải sa vào việc đó khi còn nhỏ, nhưng khi lớn lên thì có nhưng cũng chỉ vì mưu sinh, tôi xem như một công việc kiếm tiền nuôi sống bản thân mà thôi.

Tôi là một đứa bé có trí nhớ tốt và nếu việc gì tôi không có lời giải đáp hoặc không có kết quả thì cảm thấy rất bứt rứt, tôi vẫn hay thắc mắc với bà Già về những ánh lửa thi thoảng ban đêm bà vẫn thấy khi tuốt lúa năm xưa, đúng hơn tôi bị ấn tượng bởi việc bà nhìn thấy lập lòe những ánh đuốc ở phía xa bên đường Cái Quan mà bây giờ là đường Quốc lộ, tôi đã từng thấy ma nhưng tôi chưa thấy quan binh như thế nào. Cái ông Hổ Quân tôi từng gặp một lần lai lịch ra sao tôi cũng không rõ, cũng chưa từng gặp lại kể từ tối đêm ấy.

Qua vài câu chuyện phiếm với đám bạn chăn trâu thì tôi được biết dân làng gọi cái nơi mà bà tôi hay thấy ánh đuốc ấy là bãi Bã Mía, chúng nó không biết tại sao lại có cái tên gọi ấy. Bãi Bã Mía đó bây giờ là những thửa ruộng nằm sát bên đường Quốc lộ, mà bên này là con mương nước nơi tôi đã gặp con ma Mẹ Chẽ lúc trước, tôi có liên tưởng đến điều gì đó, nhưng rất mơ hồ, do đi xa một thời gian nên tôi chưa có có hội để xử lý con Mẹ Chẽ ấy, tôi rất khó chịu với mụ ta vì đã kéo chân thằng P. xuống đấy, cộng thêm chứng kiến cái chết của anh thanh niên treo cổ cũng khiến tôi nhận ra rằng, nếu tôi có thể thì nên diệt trừ hoặc xua đuổi đám quỷ ma đó đi, nhưng trước hết phải tìm hiểu về đám đó đã.

Có đêm nằm, tôi nhớ lại về vụ tai nạn hôm về quê, nhớ về giấc mộng như cảnh báo trước và kết luận rằng có lẽ mình được ai đó phù hộ, chị Ma cũng có đôi lần mập mờ nhưng không nói rõ, điều này khiến tôi tự tin hơn một chút, tôi cũng muốn nhân dịp này kiểm chứng xem mình số đỏ tới đâu và được bảo vệ đến mức nào. Tôi cảm thấy tự tin khi trở về nhà, trở về mảnh đất của mình và nếu có gì đó nguy hiểm, cứ gọi chị Ma cứu và đền bù công sức cho chị ấy, dù sao bây giờ tôi cũng có nhiều tiền, hôm ở Hà Nội về tôi mua hẳn mấy gói kẹo gôm cúng luôn.

Càng lớn thì lá gan của tôi cũng lớn theo, mặc dù tôi lại là thằng chết nhát, kể ra cũng quá là mâu thuẫn.

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.net

truyện Đam Mỹ
truyện ngôn tình

Dtruyen.com đổi tên miền thành Dtruyen.net. Độc giả ghi nhớ để truy cập.

truyện bách hợp

Nhận xét của độc giả về truyện Bí Ẩn Làng Bưởi Cuốc

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook