Bí Ẩn Làng Bưởi Cuốc

Chương 29: Ma Nữ Thích Khoai Lang Nướng

Nam Ngủ Yên

22/07/2021

Ngày giỗ chị Ma, tôi đã mua hai bộ quần áo đầy đủ một xanh, một đỏ được bọc trong cái túi bóng ngay ngắn. Mấy thứ đồ vàng mã này tôi mua ở chợ xã, gần trường học, tôi cũng mua cả bánh đúc, thêm vài gói bánh kẹo. Bà Già thấy tôi mang về những thứ ấy nên thấy lạ.

- Mày mua vàng mã về làm gì?

- Cháu mua về cúng.

- Giỗ ông mày tháng sau cơ mà, đến lúc đó tao tự khắc sẽ mua.

- Không phải, cháu mua về để cúng chỗ cái miếu cũ hồi xưa, đợt trước bà H. Lớn có nhắc bố mẹ cháu, tự nhiên hôm nay cháu nhớ ra.

Bà già không nói gì nữa, lẳng lặng vào nhà, thậm chí còn chỉ bảo tôi vài thứ nên mua thêm, bà già thậm chí còn đi đâu đó rồi mang về mấy quả cau, mấy lá trầu như vừa mới hái, những thứ ấy bà đặt lên một cái đĩa nhỏ, quệt thêm ít vôi đựng trong cái vỏ lon hộp sữa ông thọ đã cũ rồi đưa cho tôi. Từ trước đây tôi không biết rằng cúng nên chuẩn bị những thứ như thế nên thấy lạ.

- Mày cúng cái miếu hồi xưa thì cũng phải có trầu cau, người xưa hay ăn trầu cau.

- Đàn ông cũng ăn trầu cau hay sao ạ?

- Ăn hết!

Chiều muộn sau khi có đầy đủ mọi thứ như vàng mã, quần áo giấy, đĩa trầu cau, chén đựng nước mưa, mấy gói kẹo nhỏ, một phần bánh đúc và hoa bỏng đỏ tôi ngắt mấy cành để bên cạnh bánh kẹo. Bà Già đưa cho tôi thêm ngọn đèn dầu, thêm cả một chai rượu nhỏ.

- Mày cúng thì cũng thắp cái đèn lên, ăn cái gì cũng phải có ánh sáng mới được.

Năm que nhang được đốt lên và cắm xuống đất, những thứ khác tôi để trên cái mâm nhôm mới tinh tôi mượn của bà già. Tôi khấn vái thì cũng không có gì lạ, vẫn là như kiểu lá thư gửi người thân, nhang khói tỏa ra nghi ngút dưới ánh chiều tà.

Tôi thấy lòng mình nhẹ nhõm như vừa làm được điều gì đó trọng đại, tôi nhớ rằng, khi xuất hiện bên con mương đối mặt với Mẹ Chẽ, chị ấy đã nói tôi là người thờ cúng của chị, nghĩa là con cháu của chị bây giờ không còn, mấy người em đã chết trong ly loạn hay sao? Dù sao bây giờ thân xác chị ấy đã nằm trong đất của nhà tôi, mà chắc là đã hóa thành đất rồi, tôi nghĩ rằng đã không biết thì thôi, nhưng đã biết nhất định phải làm và nên làm cho đúng hoặc sớm, không nên lần nữa.

- Sao mày biết cái miếu từng ở chỗ đấy?

Bà Già chất vấn tôi.

- Hồi trước cháu về đám bốc mộ ông ngoại cháu, bà H. Lớn có nhắc rồi bố cháu bảo cháu dọn dẹp đống gạch ngói vụn nên cháu đoán là ở đấy.

- Ra thế, cái miếu cũ có từ đời thượng cổ, tao về đây nó cũng xiêu vẹo và bị mục rồi. Ông mày cũng có sang sửa lại cùng lúc xây cái nhà tranh, mà mưa gió, nước non nên nó sập là phải.

- Miếu đó thờ cái gì thế bà?

- Tao không biết, chả ai biết. Cái làng này bao nhiêu là miếu nhưng thường thì người ta lập miếu Bà cô, chắc là miếu Bà cô.

Tôi gật gù ra vẻ đã hiểu.

- Bà về đây lâu thế rồi mà cũng không biết thì chắc là lâu rồi.

- Hồi tao mới về đất này, bụi tre với bụi mây còn chưa có. Có đêm tao tuốt lúa còn nhìn thấy trên đường Cái Quan kia kìa, mày biết thấy gì không?

Bà tôi cho miếng trầu vào miệng.

- Lắm đêm đèn đuốc sáng rực những người là người.

- Ai ạ?

- Quan binh đi tuần đấy, mày biết không, quan binh đi tuần đêm, nhưng mà chỉ người yếu bóng vía mới thấy.

- Thế bà yếu bóng vía nên thấy ạ?

- Chắc thế, tao thấy nhiều lần, cũng sợ sợ là.

- Cháu chưa thấy bao giờ, mà quan binh sao lại đốt đuốc đi giữa đêm làm gì, ma mà cũng cần thấy đường ạ?

- Tao không biết, chắc đốt đuốc tìm người. Hồi tao còn bé thì đi ra đồng hay đi chơi cũng đốt đuốc chứ lấy đâu ra đèn pin như chúng mày bây giờ.

Tôi cho là phải, ngồi nghe bà kể linh tinh thêm vài thứ rồi ra xem nhang đã cháy hết chưa, tôi đốt thêm một lượt nữa rồi vào nhà, nhiều đồ cúng thế tôi sợ một lần nhang ai đó hưởng không hết, tôi nghĩ vậy, mãi rồi thành thói quen.

.....

Một đứa trẻ ngoan được định nghĩa là biết nghe lời người lớn, tôi luôn tỏ ra là một đứa trẻ như vậy. Tôi mua rượu hộ cái bác Thủ Tùm kia, một chai rượu gạo nút lá chuối ở quán đầu làng, tôi không hiểu tại sao lại có người nghèo đến mức rượu không mua được phải nhờ đến trẻ con, nhưng nếu đã đồng ý mua thì tôi sẽ mua, nếu bác ta trả tiền thì lần sau có thể tôi sẽ mua hộ, bằng không xem như bị dụ.

Nhưng tôi không gặp bác ta ở chỗ bờ ao khu Tây đó, loay hoay trên tay cầm chai rượu chưa biết nên làm gì thì thấy thằng R9 tới.



- Mày đứng đây làm gì đấy ?

- À ...

- Tao tính qua nhà thằng H. chú tao, mày đi không?

Tôi lưỡng lự nhìn chai rượu trên tay.

- Ừ đi, qua đấy làm gì?

- Tao định rủ nó mai lên Hồ, mày đi luôn không?

- Không, mới lên đấy được mấy hôm, lên nhiều tốn tiền lắm.

Tôi treo chai rượu lên ghi - đông xe rồi đạp đi cùng R9, bọn này chắc lại rủ nhau lên đấy mua báo hay poster đây mà.

- Nếu bọn mày đi, có cái tranh nào hay hay mua hộ tao 1 tấm dán lên tường cho nó có không khí, mà đừng là bóng đá.

- Ngoài bóng đá thì còn có gì đâu, nhưng có gì hay tao mua hộ, mai xuống mà lấy.

Chiều hôm sau xuống tận hai lần mà không thấy bọn này về tới, tuy không đi cùng nhưng tôi cũng muốn xem thử bọn nó mua cái gì. Buổi tối ăn cơm xong tôi lại đạp xe xuống, định bụng hỏi luôn thằng R9 xem nhà cái ông Thủ Tùm ở đâu, dù sao nó là hàng xóm trong khu ấy hẳn là sẽ biết, chứ chai rượu này đã mua rồi thì biết làm gì, nghĩ vậy nên tôi xách chai rượu theo.

Trời tối mùa đông gió lạnh thổi từng cơn, tuy chưa đến nỗi rét run nhưng cũng đủ làm người ta thích nằm trong chăn ấm. Tôi lọc cọc đạp xe, từ con đường trục chính của làng rẽ phải vào ngõ, tiếng "rè rè rè" của xích xe nghe khá rõ trong đêm tối. Ngõ vắng trong đêm âm u nhưng nhờ cái đèn trên đầu xe tỏa ra ánh sáng vàng vọt, tuy ánh sáng yếu nhưng cũng đủ để soi đường, đến đoạn cua, hai bên là hai cái ao, ngay trên cái cống làm bằng một miếng đá xanh bỗng nhiên xe đạp trượt bánh, mất thăng bằng nhưng do đi chậm nên chỉ bánh trước bị lọt xuống bờ ao, ngập nửa bánh xe, còn bánh sau vẫn nằm một phần trên phiến đá, may có cái pê - đan mắc kẹt vào bờ nên xe không rơi thêm. Tôi may mắn khi xe đạp mất thăng bằng và đổ thì chân trái đã chạm đất, mất đà bước tới vài bước mới đứng vững được.

Đoạn này đi nhiều nên cũng quen, tôi loay hoay dùng sức của mình đứng trên phiến đá kéo xe lên, chả biết do mình yếu hay do cái xe nặng là mồ hôi chảy ướt trán mới kéo được cái xe lên bờ, nhưng mất toi chai rượu treo trên ghi - đông xe.

Tôi vào đến nhà R9, gạt chân chống dựng cái xe ngoài sân rồi mới có thời gian xem lại, bánh trước dính đầy bèo tấm và bùn đất, ghi - đông xe cũng bẩn.

- Làm sao thế?

R9 với thằng em nó, thằng B. đi ra hỏi.

- Tí thì ngã xuống ao, trượt bánh xe chỗ cái cống.

- Chỗ đấy trơn, tao đi cũng trượt bánh mấy lần.

Tôi đi ra sân giếng nhà R9 múc nước rửa chân.

- Bọn mày có mua được cái gì không ?

- À có, tao mua được mấy tờ giấy A0 to để về vẽ.

- Tính thành họa sĩ hay sao?

Tôi chỉ hỏi vu vơ vậy thôi, nhưng đúng là thằng này có hoa tay vẽ thật, vẽ bằng bút chì hẳn hoi, vẫn là vẽ vài nhân vật truyện tranh và Ronaldo răng vẩu. Ở xứ đồng ruộng yên bình này đúng là ai cũng phải tìm thú vui cho riêng mình, tôi có tới 6,5 cái hoa tay nhưng vẽ thì không có năng khiếu, tôi thích nặn đất sét hơn, nhưng mà từ hồi thấy cái ô tô bằng sắt thì không nặn nữa, đất sét nếu lấy về thì làm pháo hoa hoặc rảnh thì lại nặn thành hình tròn như cái bát nhỏ, ném xuống đất cho nổ "bẹp" một cái rồi lại lặp lại như vậy, nhưng trò này chơi một mình thì chán, thằng H. Chắc Gạo lại không chơi mấy món như thế, rủ nó cũng không chơi. Đám thằng L. kia thì đi chăn trâu suốt, mà nó thì thích mấy trò cảm giác mạnh hoặc cần đến sức mạnh, tôi không theo hết được. Thi thoảng tôi cũng chơi Ô ăn quan hay nhảy dây trên nhà chị H. tôi, toàn con gái chơi cùng, tôi chưa bao giờ có cơ hội để thắng, mấy đứa đấy chơi không giỏi, tôi nghĩ vậy, là do tôi chơi kém quá thôi.

Kéo vài gàu nước lên rửa chân xong thì R9 mang ra cái chậu nhôm.

- Mày đổ nước vào đây mà rửa xe!

- Thế mày mua hộ tao được cái gì không?

- À có!

Nó chạy vào nhà rồi mang ra một tấm tranh, không lớn không nhỏ, tranh màu, có mấy cô gái đứng ngồi trong tranh.

- Cái gì đấy!?

- Tranh!

- Ý tao hỏi là trong tranh ấy!

- Tao thấy bảo đây là một ban nhạc của nước Anh, thấy đẹp nên mua hộ mày...

- Không có cái gì khác à mà mua ảnh con gái!?

Nói vậy nhưng tôi cũng dừng tay nhận bức tranh nó đưa, à, Spice Girls, trên tranh có ghi như vậy.

- Mày múc nước hộ tao, tao ngó cái!



Trên sân giếng nhỏ ấy, lần đầu tiên tôi sở hữu một tấm poster của một ban nhạc, tuy không biết ban nhạc này và cũng chưa nghe họ hát cái gì nhưng là tiền đề để tìm hiểu rồi mua thêm ảnh Westlife, Backstreet Boys... dán lên tường, rồi sau đó là mua băng cassette về mở, cuốn băng đầu tiên là của nhóm Westlife, nhưng cũng còn lâu mới tới đoạn đấy. Trong ánh đèn hiu hắt từ trong nhà tỏa ra sân, cái xe đạp Pơ-giô Cá Vàng bánh trước đầy bèo tấm, tôi đứng xem tranh còn thằng R9 múc nước từng gàu nhỏ đổ vào chậu nhôm.

.....

Tôi đạp xe về, cầm theo bức tranh cuộn tròn lại, nhét vào trong áo khoác, cũng phải hơn 8 giờ tối, tôi áng chừng như vậy.

Đi đến gần cây thị thì thấy bóng người treo lủng lẳng, đung đưa.

LẠI MA? LẠI TRÊU MÌNH?

Tôi chỉ đạp chậm hơn một chút rồi hít một hơi nhìn thẳng mà đi.

- Mày lại giả vờ không nhìn thấy tao hả bé con?

Giọng nói truyền đến nghe lạnh buốt khi tôi vừa đạp xe qua.

- Mày không đứng lại tao ném đá cho mày ngã xuống ao bây giờ.

Tôi dừng xe đạp lại, mà dừng xe nghĩa là hai tay cầm ghi - đông, một chân chống đất, chân phải vẫn đặt trên pê - đan.

- Mày chính là thằng bé hôm nọ, tao trêu mày, mắm tôm là mày bỏ xuống đây phải không?

Tôi quay lại nhìn và hít một ngụm khí lạnh, cảnh tượng quá ư là dọa người. Trên cành cây là một người treo cổ, tay chân buông thõng xuống, đầu quay sang hướng tôi và mái tóc dài xõa xuống hai bên, bộ quần áo xưa cũ, cũng là cái váy đụp tối màu, điều làm tôi thấy tóc gáy dựng đứng chính là khuôn mặt tái nhợt gần như trắng bệch.

- Chính là mày, thằng bé thối tha, tao sẽ ném cho mày vỡ đầu.

- Em... em có làm gì đâu?

- Không mày thì ai? Chỉ có mày, mày đừng tưởng có người chống lưng là mày gan với tao, tao có thể ném đá cho mày ngã xuống ao.

Chị ta nhắc lại một lần nữa việc ném đá, vậy là Cá Vàng màu đỏ này cũng có tác dụng quá đi chứ, không phải là xô ngã mà phải ném đá, nhưng bị ném đá cũng chết được, không nên thử.

- Em... em không biết! Chị đừng dọa em thế, em có làm gì đụng chạm đến chị đâu?

- Tao ở đây bao lâu, trêu bao người đều bỏ chạy, duy chỉ có mày là không, rồi lại có mắm tôm đổ ở đây, chưa ai ở cái làng này đi đổ mắm tôm ra đường như thế cả, mày nghe không?

Chị ta đã không còn treo mình ở cành cây nữa mà đã lơ lửng giữa đường phía trước tôi, dây thừng dùng để thắt cổ vẫn ở trên cổ chị ta nhưng phần đầu dây thì gần chạm xuống đất, nhìn kiểu quần áo chị ta mặc na ná mấy cái bộ người ta đi hát quan họ. Thật sự thì tôi đang cố giữ bình tĩnh, phải nghĩ cách đối đáp cho khéo và chạy khỏi đây.

- Em nói thật ạ, em vẫn hay đi qua đây mà, em trẻ con chị đừng dọa em, em sợ.

- Không mày thì ai vào đây? Tao nghe nói rằng mày cũng chơi với ma đấy!

- Chị ơi oan cho em, em yếu vía hay nhìn thấy thôi chị ơi.

- Vậy tại sao mày lại đi xe màu đỏ?

- Xe này bố em cho chị ơi, huhuhu ...

- Tao cảnh cáo mày, nếu đúng mày là đứa đổ mắm tôm ra đây làm tao khổ sở mấy ngày thì tao sẽ ném đá mày mỗi lần, mày sẽ chết.

- Vâng, huhuhu, chị ơi, chị tha cho em. Em có biết gì đâu ạ

Chả biết có nước mắt chảy ra hay không, nhưng tốt nhất nên khóc, tỏ ra đáng thương là tốt hơn, gây thù chuốc oán với đám này có ngày sứt đầu mẻ trán, chết như chơi.

- Có thật không phải mày làm không?

- Vâng chị ơi, huhuhu, em hay đi qua đây nếu em đổ mắm tôm thì em phải đổ mỗi ngày chứ chị.

Ma nữ, phụ nữ thì luôn yếu lòng nếu trẻ con khóc, trừ khi ác quá thì chịu, chứ ma treo cổ này chết vì tình chắc chỉ uất người yêu thôi chứ.

- Chị ơi, chị tha cho em, em sẽ mua đồ cúng cho chị.

- Thật à?... Được, lần này tao tha, vậy mày mua khoai lang nướng cho tao, có dịp tao sẽ phù hộ cho mày. Nhưng nếu tao biết mày là đứa đổ mắm tôm, tao sẽ vẫn tìm cách ném đá cho mày chết thì thôi.

- Vâng, em đội ơn chị ạ!

Tôi lên xe đạp vù vù ra đường chính, cái số sao mà đen gặp toàn thứ đâu đâu, nếu không được kể sơ qua về con ma này với không giả vờ khóc thì chắc là hôm nay khó toàn thân không sứt mẻ. Cái chị ma này đúng là trẻ con, trêu chúng nó làm cái gì không biết, giờ lại phải mua khoai lang nướng cho con ma này, lúc tối lại còn mất cả chai rượu, quá là xui.

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.net

truyện Đam Mỹ
truyện sắc

Dtruyen.com đổi tên miền thành Dtruyen.net. Độc giả ghi nhớ để truy cập.

ngôn tình sắc

Nhận xét của độc giả về truyện Bí Ẩn Làng Bưởi Cuốc

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook