Bí Ẩn Làng Bưởi Cuốc

Chương 43: Ngôi Sao Băng Và Điều Ước

Nam Ngủ Yên

22/07/2021

Ngày thứ hai kể từ khi bà Già ra Hà Nội khám bệnh, tôi đi học về mở cửa nhà cảm thấy như căn nhà như rộng hơn, yên tĩnh đến lạ thường. Ném cái cặp sách lên tấm phản, tôi nằm ngửa ra nhìn lên mái nhà, suy nghĩ miên man, tôi băn khoăn về việc có nên gọi điện ra hỏi thăm tình hình hay không, nếu cứ hỏi nhiều thì sẽ làm người lớn nóng ruột nên tôi lại thôi, có việc gì nhất định bố tôi sẽ gọi về thông báo hoặc nhắn lại, nãy đi học về tôi có ghé hỏi thăm nhưng không có ai nhắn gì cho tôi.

Từ hôm bà ốm tôi cũng không thiết tha với việc đi cho thuê truyện nữa, sáng nay đi học cũng không có tập trung được nhiều, cứ lởn vởn trong đầu suy nghĩ không biết bà đã khỏi bệnh chưa, có bị làm sao không, khi nào thì bà về. Lúc cô đơn một mình trong căn nhà như này thì cái ích kỷ lại trỗi dậy, biết thế không cho bà đi nữa. Những suy nghĩ lẫn lộn ấy khiến tôi ngủ quên lúc nào không hay.

- Thằng này đi học về đã cơm nước gì chưa?

Bà ngoại tôi đứng trong nhà lên tiếng gọi, tôi bừng tỉnh giấc.

- Cháu chào bà, cháu mới đi học về một lúc, đang tính đi nấu cơm bây giờ.

- Thôi không phải nấu nữa, tao mang cho mày bát cơm với ít cá cơm kho đây!

Tôi đưa tay nhận lấy bát cơm đầy ú ụ của bà ngoại. Bà ngoại tôi cũng ở cùng làng, bà năm nay mới hơn 60 và còn rất khỏe, bà vẫn hay đạp xe thồ chở hai cái sọt bưởi đi bán ở những phiên chợ. Bà có tất cả 9 người con, 3 gái và 6 trai, mẹ tôi là thứ Tư, hiện tại chỉ có cậu Út tôi là ở quê cùng với bà và chưa lấy vợ, còn các bác, các cậu hay dì của tôi đều đã lập gia đình và đi làm ăn xa, phần lớn đều ở Hà Nội. Bà ngoại tôi không phải người làng này nhưng là người cùng xã, chính là cái thôn mà người dân hay đi hót phân trâu vào những lúc nông nhàn.

- Thế bà mày bao giờ về?

- Dạ, cháu không biết ạ!

- Vậy mày ăn cơm đi, ở nhà tao còn mấy việc làm dở.

- Vâng, chiều cháu tự nấu cơm được. Bà yên tâm!

Bà ngoại tôi không phải tuýp người sống tình cảm, có lẽ cả tuổi thanh xuân của bà phải lo kế sinh nhai nuôi tới 9 người con, đến thế hệ cháu chúng tôi thì cũng phải có đến gần 30 đứa nội ngoại. Bà không sống tình cảm nhưng không có nghĩa là không quan tâm đến các cháu nhưng cũng giống như hai bà nội của tôi, cháu đích tôn và các cháu khác, tôi hiểu điều này rất rõ. Do sống cùng làng nên tôi cũng hay lên chơi, nhưng khu ấy không có trẻ con nên chỉ một lúc là tôi lại về, bà ngoại tôi thì cũng luôn tay làm việc và cũng không có nhiều chuyện để nói với tôi.

Hồi bố mẹ tôi làm ăn phát đạt, mẹ tôi dành rất nhiều sự quan tâm cho bà, điều đó là rất nên, nhiều việc lớn trong gia đình bên ngoại ở thời điểm trước năm 2001 bố mẹ tôi lo lắng rất nhiều, kể cả đám cưới của cậu Út tôi. Tôi nghĩ đặc điểm ở làng tôi là như vậy và tôi cũng cho rằng anh em trong nhà nên yêu thương, đùm bọc nhau.

Nhưng mẹ tôi, một người phụ nữ khá điển hình thời đó khi tay làm miệng chửi, là một người phụ nữ nóng tính và thẳng thắn, nói xong thì quên mau lại hay có lời qua tiếng lại với mọi người nên lắm khi đánh mất luôn lòng tốt. Tôi vẫn thường hay nói với mẹ tôi rằng:

- Mẹ cũng nên bớt đi một tí, mẹ nói xong mẹ quên nhưng người nghe sẽ không quên đâu.

- Mày không phải trứng khôn hơn vịt. Tao đẻ ra mày mà cần mày dạy à?!

Những lần như thế tôi im, đến bây giờ thì tôi nói mẹ sẽ im vì bà hiểu con trai mình, mẹ tôi rất thương tôi nhưng chả mấy khi nói được một câu ngọt ngào tình cảm, tôi lại không khéo nịnh mẹ như thằng em đẹp trai của mình. Khi gia đình tôi gặp khó khăn, mẹ tôi cũng có to tiếng với bà ngoại và bị bà ngoại từ mặt, mẹ tôi cũng tuyên bố y chang luôn, nói chung là rất máu lửa, tôi chỉ thấy mẹ tôi sợ ma chứ đến giờ tôi chưa thấy sợ cái gì thêm, kỳ lạ.

Lúc tôi đưa hai em về quê chào từ biệt bà nội và bà ngoại, không hiểu sao bà ngoại lại đưa cho thằng em tôi một túi gạo cỡ 10 cân và nó mang về.

- Bà ngoại bảo trước đây lúc bà khó khăn bà vay 10 cân gạo, bây giờ bà trả lại.

- Mày là thằng ngu, sao mày lại cầm về làm cái gì?

- Em nghĩ bà cho thì cứ cầm thôi.

- Mày đúng là thằng ngu dốt, lần sau làm cái gì thì phải hỏi tao nghe chưa?

- Dạ!

Tôi không biết giữa mẹ và bà ngoại đã xảy ra chuyện gì, tôi không bao giờ hỏi rõ và cũng không muốn mẹ tôi biết những chuyện sẽ khiến mẹ tôi buồn nhưng hai đứa em tôi kể lại với mẹ tôi khi gặp, mẹ đã ngồi trên giường khóc rất lâu, tôi hỏi em gái mình đang ngồi gần đấy.

- Con kia, tao đã dặn không được nói linh tinh, mày nói cái gì với mẹ đấy?

- Em có nói đâu, anh D. kể với mẹ mà.

- Thằng ngu ấy đâu rồi?

Mỗi lần về quê trong những năm sau đó tôi đều lên nhà bà ngoại tôi thắp nhang một cách bình thường, tôi xem như không biết chuyện gì, có vài lần mọi người đề cập nhưng tôi gạt đi và bảo đó là chuyện của người lớn và tôi chỉ nên làm đúng phận sự của mình mà thôi. Năm nay tôi đã hơn 37 tuổi, điều tôi có thể tự hào chính là trong nội ngoại không ai trách tôi được nửa lời, tôi vẫn cố tìm cách hóa giải những hiềm khích giữa mẹ tôi và mọi người trong gia đình bên mẹ, tôi nghĩ mình đã đóng góp không ít công sức. Tôi nghĩ rằng không có ai hoàn hảo, tôi không thể hiểu hết về một người vì tôi không ở vào hoàn cảnh của họ nên tuyệt đối không có quyền phán xét, tôi cũng không bắt các em của mình phải làm như tôi nhưng thật may, chúng nó nhìn vào tôi làm gương để quên đi những thứ không nên nhớ đã xảy ra trong quá khứ.

Một lần tôi đi công tác Hà Nội, trong đêm tôi mượn được xe trốn về quê để ngủ một đêm với hai bà nội nhân tiện thắp nhang cho chị Ma, đến nửa đường, chừng hơn 22 giờ thì tôi nhận được tin bà ngoại tôi mất ở trên Thái Nguyên, sáng sớm sẽ đưa về quê, sự trùng hợp ấy khiến tôi là đứa cháu ở xa có mặt đầu tiên chờ đợi đưa bà về, ai cũng ngạc nhiên khi thấy tôi đứng chờ bà trở về nhà lúc 4 giờ sáng. Tôi cho đó là sự trùng hợp ngẫu nhiên, mọi người bảo tôi là đứa cháu có hiếu, còn mẹ tôi thì khá hài lòng về tôi và nở mày nở mặt khi có vòng hoa viếng của công ty nơi tôi làm và bạn bè biết tin gửi về. Thật ra đợt đấy tôi được “đặc cách” vì theo quy định của công ty chỉ có “Tứ thân phụ mẫu” công ty mới gửi vòng hoa chia buồn, tôi cảm ơn Sếp tôi mấy lần vì việc đấy, vì ở quê, việc này rất có ý nghĩa và nhiều người quan tâm.

Nhưng khi tôi còn nhỏ, bà ngoại đã đối xử tốt với tôi, đó mới là điều quan trọng.

.....

Buổi chiều cũng có thêm bà H. Lớn đi lên xem tôi và hỏi tình hình của bà Già, thêm cả mấy cô bác hàng xóm nữa vậy nên đến chiều thì tôi ra gọi điện hỏi thăm sức khỏe của bà Già ra sao. Bố tôi nói bà đã được đưa về nhà sau khi khám ở bệnh viện, uống thuốc và nghỉ ngơi vài hôm rồi bố tôi sẽ đưa bà về.

Tôi tạm yên tâm, bà không bị làm sao tốt rồi, nhưng tôi không dám hỏi khi nào thì bà về mặc dù đó là câu hỏi tôi quan tâm thứ hai sau câu hỏi sức khỏe.

Tôi cứ lặng ngồi một mình trên thêm nhà nhìn ánh chiều ngả bóng, mãi đến chập tối tôi mới đứng dậy uể oải lùa lũ gà của bà đang nuôi vào chuồng rồi bỏ thêm một bát thóc, thêm nước và cả cơm nguội nữa. Tối nay tôi không nấu cơm, quyết định sẽ úp mì tôm ăn với hai quả trứng luộc cho xong bữa.

Tối nay cậu Út không xuống ngủ, tôi sẽ phải ngủ một mình. Ngủ một mình thì không có gì sợ nhưng lại rất buồn, tôi bật đài nhưng cũng không chú tâm nghe xem trên đó đang nói cái gì, tâm trạng tôi thực sự rất tệ, tôi cứ nằm trên tấm phản và nhìn thấy căn nhà mình rộng thênh thang còn mình thì quá nhỏ bé.

.....

- Dậy, dậy em ơi!

Tiếng gọi vọng vào từ cửa sổ khiến tôi tỉnh giấc, tôi lấy tay dụi mắt rồi ngó ra.



- Ô! Chị!

- Tí nữa ngủ, ra sân chơi đi!

Tôi lật đật mở cửa bước ra ngoài sân, đã qua ngày 18 âm lịch rồi, trăng lại sáng vằng vặc.

- Lâu quá rồi không gặp, chị vẫn bận ngủ à?

- Chị đi chơi, ở gần đây người ta đã phát hiện ra cái Thành Luy Lâu từ rất xưa rồi, đào bới ở đó nhiều, chị đi xem có gì hay.

- Chỗ đó ở đâu ạ?

- Gần, một loáng là tới còn em đi chắc lâu, có dịp đến đó xem thử đi. Chỗ đấy vẫn còn một số đông người chưa siêu thoát hay chơi bài vào ban đêm vui lắm!

- Thôi em không dám đâu, mấy hôm trước em chỉ một đêm đã gặp hai lần là hãi lắm rồi.

- Con trai mà nhát gan thế, chả qua giờ em không còn là con Đức Ông nữa thì sẽ nhìn thấy nhiều hơn thôi, hợp duyên thì mấy đứa nó trêu thôi mà sợ gì!

- Tối hôm trước em đi qua bãi tha ma, em thấy nhiều luôn, hãi quá là hãi!

- Ai bảo mấy lần trước em ra ngoài đấy tảo mộ rồi thắp nhang, mấy đứa đấy nó muốn cảm ơn thôi mà, có gì đâu mà sợ?!

Tôi nghe xong rùng mình mấy cái.

- Cảm ơn gì mà em còn nghe cả tiếng cười nữa, lạnh hết cả người!

- Chúng nó cười vì em sợ bỏ chạy đấy thôi!

- Thế chị biết ở đầu ngõ nhà em có một bà già đội cái khăn mỏ quạ không?

- Biết, có dịp thì mua nải chuối dúi cho nó, nó hay vòi quà người ta!

Chị Ma nhẹ nhàng ngồi trên bồn hoa nơi đầu hồi nhà nhìn trăng, đôi bàn tay sáng như trong veo đang mân mê vuốt mái tóc dài.

- Có gì ăn không em?

- Em chỉ có bích-quy thôi.

- Khách đến không mang ra đãi còn giấu trong nhà làm gì để người ta hỏi?

Tôi chạy vào trong nhà rồi trở ra rất mau, chị Ma nhón tay lấy bánh ăn ngon lành.

- Bà đi Hà Nội còn mấy hôm nữa mới về được, không phải ngóng. Con trai con đứa gì mà khóc bù lu bù loa thế, thật xấu hổ.

- Em khóc đâu mà...

- Lại còn giấu. Con bé hôm qua đến chơi xinh đấy nhỉ?!

- Nó là lớp phó học tập lớp em đấy, cũng nghiêm lắm!

- Thích nó hả?

- Đâu có!!!

Tôi chối phắt.

- Thích cũng chả được, số mệnh của em được định sẵn rồi nhưng thôi, thích thì cứ thích cũng không làm sao.

- Là sao chị?

- Hỏi nhiều làm gì? Con trai hỏi nhiều quá không tốt, biết ít thôi!

- Chị không nói rõ, cứ mập mờ như thế thì ai mà chẳng tò mò.

Chị Ma cười khúc khích rồi đứng lên bay lượn một vòng rồi trở về ngồi chỗ cũ, tôi chả hiểu chị ấy định làm gì.

- Còn nhỏ thì lo học đi, kiếm tiền cũng được nhưng không nên nghe mấy cái chuyện linh tinh về đàn bà con gái nghe chưa?

- Em có bao giờ quan tâm đâu mà.

- Thế tối hôm qua chả phải có hai thanh niên ngồi tán chuyện đi cưa gái, em ngồi tròn miệng nghe đó thôi, lại còn chối.

Chị Ma che miệng cười, cảm giác như đã cười đến nỗi đỏ cả mặt.

- Hai anh chàng đấy thật buồn cười, ngô nghê quá đỗi bảo sao đến giờ đi cưa gái mà chưa có mảnh tình nào vắt vai.



- Cậu em hơi bị đẹp trai đấy, lại còn hát hay bao nhiêu là chị thích cơ mà!

Chị Ma bĩu môi.

- Thích thì thích nhưng có đứa nào nó nhận lời yêu đâu, chị biết thừa!

- Vậy đêm qua chả lẽ ...

- Không, tối qua chị phải nhờ bà cô của em, nhờ đạp hộ một cái cho bõ ghét mà chắc là quá chân. Hahahaha.

- Bà cô nào ạ?

- Nhà em có một bà cô chết trẻ em đang thờ cúng đấy, chết trẻ linh ghê, mà cũng khó tính, phải năn nỉ gãy lưỡi mới chịu giúp. Chỉ nhờ đạp hai đứa xuống đất mà đạp gãy cả giường.

Chị Ma lại cười, lần này có vẻ rất đắc ý, tôi vừa cười vừa mếu, lại còn cả chuyện như thế, đợt trước nhắc nhở mình không quậy tưởng là như nào hóa ra chị này cũng có vẻ không kém mình mấy, quậy không được còn xúi người khác. Mà bà Cô này tôi có nghe mấy lần, chỉ là không biết tên thôi.

- Hôm nay có có kẹo cũng chả dám đến đây ngủ đâu, nãy chị còn thấy hai đứa đấy ngồi chung với cả một đám nữa tán dóc đấy!

- Chị cứ dọa người ta thế thì sau này ai dám đến đây chơi nữa?!

- Hư mới dọa chứ bình thường ai động đến làm gì, em đi mua thanh gỗ khác về mà thay cái cũ bị gãy đi không bị mắng đấy!

- Chị sướng thật, làm mà thích đi đâu thì đi chả bị ai cấm.

- Chả có cái gì là sướng hay khổ hết, quan trọng là em nhìn vào mặt nào thôi. Hồi trước chị cũng ủ ê lắm, mãi sau này mới tự tìm cách để cho bản thân vui hơn, giờ quen rồi. Làm người cũng thích và làm ma cũng thích, phải biết tận hưởng nghe chưa nào?

Cái này thì tôi không hiểu, tôi hiểu làm sao được cơ chứ, mới sống có hơn 12 năm thôi mà.

- Em chưa mua tượng Phật về phá con Chẽ kia à?

Chị Ma bỗng đổi chủ đề.

- Dạ chưa, em cũng quên khuấy đi mất ạ!

- Giờ đang rảnh thì làm mấy việc đó đi, chứ cứ ngồi thừ ra đó buồn thì không giải quyết được việc gì đâu. Chị kinh nghiệm lâu năm về buồn nên chị biết, thi thoảng chị cũng hay đi trêu người thì em cũng nên đi trêu mấy đứa ma đi, vui mà.

Tôi nghe xong thấy ớn lạnh, thú vui này quả thật cũng không tầm thường chút nào.

- Chị ở đây lâu thế, chị có biết cái bãi Bã Mía của làng em không?

- Chỗ gần con Chẽ chứ gì? Chỗ đấy có tên từ trước khi chị về đây, nghe loáng thoáng Thổ Thần nói rằng thời trước gần đây có đóng doanh trại của một Sứ quân, chỗ đấy là vườn mía bạt ngàn dùng để nuôi trâu bò, không hiểu sao lại gọi là Bã Mía, thời đấy chị cũng không quan tâm lắm đâu, chỉ mong bọn kia quay lại lấy cho mau nhưng sau chị đổi ý nên kệ bọn nó. Thổ Thần mới bây giờ của làng về đây cũng được lâu lâu rồi, nhưng còn trẻ nên cũng ít biết những chuyện cũ.

- Mà chỗ đấy có gì không chị? Bà Già em bảo trước hay nhìn thấy đèn đuốc sáng rực ở đoạn đấy như là Quan binh đi tuần ấy!

- Quan binh nào, chỗ đấy chỉ có mấy con ma trơi thôi, không có gì, trước đây còn nhiều cây cối chỗ ấy nên đám ấy nó đùa nghịch, bây giờ toàn lúa nên cũng hết chỗ chơi nên đi rồi. Làng này còn nhiều ma quỷ lắm, cứ đi mà xem thử có gì hay không.

Chị Ma cười đầy ẩn ý.

- Thôi đi ngủ đi, hôm rồi Rằm chưa thắp nhang cho cả các cụ nhà em, mai đi đâu thì nhớ mà mua, tối qua bà Cô cũng nhờ chị chuyển lời đấy.

Nói xong thì chị Ma phủi phủi tay rồi biến mất, tôi nhìn gói bích-quy thấy đã hết rồi lát sau lại như cũ, hiện ra an ủi động viên xong lại ăn dỗ bánh kẹo của mình. Nhưng mà cũng phải, giờ bà Già chưa về cũng nên đi mua tượng Phật để chơi con mụ Mẹ Chẽ một vố nữa mới được.

Tôi đứng dậy vào nhà, thắp mấy nén nhang nhưng chẳng có đồ cúng gì, tự hứa mai đi học sẽ mua, bất giác tôi nhìn vào cái bát nhang nhỏ bên cạnh bát nhang gia tiên, đấy chính là bát nhang thờ bà cô mà tôi đã từng làm vỡ một lần mấy năm trước, vậy ra bà Cô đã quở bố tôi. Tôi cũng từng hỏi bà Già thì được biết bà cô này mất trước khi bà về làm dâu, là cô ruột của ông nội tôi.

Thế là tôi lại biết thêm được một người khuất mặt nữa.

.....

63. Nếu không biết thì thôi, đã biết là thì phải làm, không làm thì cảm thấy lòng không yên. Hôm sau tôi đi học về không quên mua một nải chuối xanh và mấy gói bánh bích-quy, tiền thì không phải nghĩ, tôi đang tiêu tiền do bố tôi đưa cho để sống những ngày chỉ có một mình, còn tiền của tôi dĩ nhiên là để dành rồi, tôi còn phải mua truyện nữa. Nải chuối xanh nho nhỏ tôi đã nhanh tay giấu vào bụi tre và lẩm bẩm khấn cho cái bà ma đầu chít khăn mỏ quạ, có đôi mắt đen xì và da mặt nhăn nheo kia, tôi không dám thắp nhang vì sợ ông Toàn thấy thì no đòn, nhưng tôi nghĩ bà ta sẽ nhận được. Những thứ khác tôi bày biện lên nóc tủ, nơi bà tôi làm ban thờ, rồi đốt nhang đầy đủ, thêm cả nước lã và trầu cau của bà Già, làm xong mấy việc đấy thấy nhẹ cả người, chị Ma cũng không thiếu phần.

Tượng Phật ở chùa làng tôi không thấy có bán nên tôi tính sẽ lên trên Hồ tìm mua hoặc hỏi người lớn xem ở đâu có, mua xong còn phải gửi vào chùa mấy ngày nên tôi quyết định sẽ rủ thằng R9 với H. Chắc Gạo đi lên Hồ vào buổi chiều, tiện xem có truyện nào mới thì mua luôn. Tuy chuyện thằng P chết đuối đã trôi qua nửa năm nhưng tôi vẫn rất ám ảnh với cái chết của nó vì tôi đoán biết được thủ phạm nhưng lại không thể làm gì.

Tôi không tìm được tượng Phật nào giống như tôi đã từng thấy ở trong chùa làng nhưng tôi thấy người ta có bán Phật Bà Quán Thế m Bồ Tát màu trắng, nhỏ nên tôi đã mua, tôi nghĩ Phật Bà cũng là Phật nhất định sẽ diệt trừ được ma quỷ. Mấy cái gương thì tôi mua loại tròn tròn nhỏ màu, toàn màu hồng với xanh lá ở một cửa hàng tạp hóa nhỏ trong lúc bọn R.9 và H. Chắc Gạo đang bận việc trong cửa hàng sách Tụ Sâm. Tôi cho tất cả những thứ mình đã mua vào cặp sách, tốt nhất là không nên cho hai đứa nó thấy lại hỏi linh tinh, mất công giải thích tốn thời gian, mà có giải thích bọn nó cũng không bao giờ hiểu.

Khi về đến làng tôi đi thẳng lên chùa gặp ông sư lần trước, tôi nói với ông sư rằng tôi muốn gửi bức tượng Phật Bà vào trong chùa mấy ngày để nghe kinh phật, ông sư ấy nhận bức tượng và nhìn tôi một hồi rồi khẽ cười.

- Cuối tuần nghỉ học thì lên thỉnh về nhé cháu.

Tôi chào ông sư và ra về, tôi tự nấu cơm và luộc rau, món ăn chính vẫn là trứng, rau muống thì tôi hái dưới vườn của bà, cơm thì nấu nhiều để dành sáng mai ăn, trong tủ vẫn còn một lọ ruốc bà để dành, ăn với cơm sáng là được rồi.

Nhưng mà chẳng thể nào không buồn được, buổi tối tôi đứng ngoài sân một mình hết nhìn ra cổng lại nhìn trăng sao trên trời rồi đi ra đi vào mấy bận, bình thường nếu có bà ở nhà thì tôi đã tót ra cầu Đình chơi rồi, chả hiểu sao khi có một mình tôi lại không muốn đi. Thấy gió mát, tôi quay vào nhà lấy cái chiếu ra trải lên khoảnh sân, thêm cái bình nước vối bằng sứ bên cạnh, lấy luôn cả gối ra rồi nằm giữa trời đất như thế, mắt nhìn ngắm trời đêm lúc này trong xanh và cao vời vợi, thậm chí tôi còn thấy có những vệt mây màu sáng kéo dài, thi thoảng lại có cả một đốm sáng lập lòe, tôi đoán là máy bay. Bỗng nhiên tôi thấy sao băng, tôi vùng dậy đứng nhìn, tôi phải ước thật nhanh. Tôi đã ước bà Già sẽ sống thật lâu với tôi, đối với tôi điều đó là quan trọng nhất trên đời này.

Tôi nằm xuống và chờ đợi thêm, biết đâu lại có một ngôi sao băng nữa, tôi sẽ ước thêm, thật đáng tiếc là tôi chờ mãi rồi ngủ quên lúc nào không hay, mãi đến nửa đêm trời lạnh khiến tôi tỉnh giấc, thật may những con muỗi đã không khiêng tôi đi.

Còn Sao băng, phải lâu sau này tôi mới nhìn thấy một lần nữa.

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.net

truyện bách hợp
truyện ngôn tình

Dtruyen.com đổi tên miền thành Dtruyen.net. Độc giả ghi nhớ để truy cập.

ngôn tình sắc

Nhận xét của độc giả về truyện Bí Ẩn Làng Bưởi Cuốc

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook