Chương 1: Từ Thái Nguyên Đến Hòa Bình
Nam Ngủ Yên
22/07/2021
Những câu chuyện lạ tôi kể, việc trùng lặp tên người, sự việc hay địa điểm đều là ngẫu nhiên. Một số câu chuyện trong bài không có lời giải đáp cụ thể, nhiều câu chuyện có yếu tố tâm linh khó giải thích, vài chuyện có chút tình cờ..., và sau cùng, không có câu chuyện và con người nào đúng hay sai chỉ có hợp lý và chưa hợp lý mà thôi.
Mẹ tôi rất nhiều lần nhắc đi nhắc lại một câu chuyện như thế này, đó là vào khoảng đầu năm 1985 khi gia đình tôi còn sống ở thành phố Thái Nguyên, gần ga Lưu Xá bây giờ. Một đêm mẹ tôi nằm mơ chạy loạn giặc Tàu cùng những người đang bán hàng ở chợ Đồng Quang, mọi người nhốn nháo chạy qua một bãi tha ma thì nhìn thấy có một thằng bé còn nhỏ rất đẹp trai, da trắng, môi son ngồi khóc trên một nấm mộ mới xây, mọi người đi qua muốn bế nhưng nó nhất định không theo ai, đến lượt mẹ tôi giơ tay bế thì thằng bé đó cười rồi theo luôn.
Gần một năm sau mẹ tôi sinh thêm con trai, chính là thằng em kế tôi bây giờ, nó cao ráo, đẹp trai, da trắng môi son và rất sát gái, mỗi tội khá bướng bỉnh, lúc nhỏ hay quậy khiến gia đình cũng nhiều lần phải đi xin nhà người ta bỏ qua vì nó hay đánh nhau, mãi đến hết cấp III nó mới thay đổi tính nết, trầm tính hơn và không gây sự. Nhà có mấy anh em thì nó vẫn hợp tính với mẹ tôi nhất, được cưng chiều nhất.
Tôi có một đứa em gái, sinh năm 1987, mặt trái xoan, có giọng cười rất trong mà theo như lời kể của mẹ tôi là "cười khanh khách", da cũng trắng, mắt tròn, những tấm ảnh gia đình còn lưu lại thì tôi thấy nó là đứa bé rất đẹp.
Kỷ niệm tôi vẫn nhớ, hồi năm 1989, khi ấy gia đình tôi chia đôi ra để tìm kế sinh nhai. Tôi, bố và bà nội Trẻ lên Lạng Sơn, tôi không nhớ nơi đó nhưng nó gần chợ Kỳ Lừa, khoảng 5 km gì đó. Trời mùa đông lạnh, mỗi tối phải để than củi vào cái chậu rồi cho vào dưới gầm giường cho đỡ lạnh. Đầu năm ấy, mới Tết xong mẹ tôi và em gái từ Thái Nguyên lên thăm, anh em tôi chơi với nhau trên một bậc thềm đá dẫn xuống suối. Bậc thềm đá ấy chừng tám bậc, nó vô tình trượt ngã từ trên cao xuống dưới mà không hề hấn gì, cũng không khóc, chỉ bẩn quần áo mà thôi, tôi thì sợ bị đánh vì không trông em cẩn thận. Nó đã không mách mẹ tôi!
Nhưng đấy là lần cuối cùng tôi được gặp và chơi cùng với nó. Sau này, như các ông bà thầy bói từng nói giống nhau, nó đi theo để phù hộ cho riêng tôi, nhưng đó là sau này, còn lúc nghe tin em mất tôi chưa đủ lớn để hiểu nỗi đau ấy.
Em tôi đã mất vì bệnh viêm màng não!
Người chạy xe máy lên báo tin em gái tôi nguy kịch là ông bác họ, từ Thái Nguyên lên tới nơi tôi ở cũng chừng hơn 150 km, đường xá thời đó nhiều đoạn khó đi chứ không dễ như bây giờ, đi từ sáng sớm đến trưa mới tới nơi.
Tôi được cho về cùng, ngồi trên bình xăng chiếc Simson màu đỏ, tôi nhớ bố tôi chạy rất nhanh, chừng 50 đến 60km/h ở những đoạn đường đẹp, bác tôi chạy theo sau. Đến một đoạn đường khá thẳng, có hai hàng cây ăn quả sum suê bên đường, một đám trẻ cũng tầm tuổi tôi đang chơi đùa thì bất thình lình một đứa chạy băng qua đường, bố tôi tránh không kịp.
Huỵch! Hự!
Tôi vẫn nhớ khoảnh khắc thằng bé đấy (chừng 8, 9 tuổi) nhìn tôi, tôi nhìn nó, bốn mắt nhìn nhau. Tôi ngồi trên bình xăng còn nó thì bị xe máy đâm phải, hai tay choàng về phía tôi, đầu gần chạm nhau, nhìn nhau như kiểu ngạc nhiên. Tôi nghĩ nó sẽ bị chết! Nhưng điều kì lạ là nó chả làm sao, từ chỗ bị đâm xe đến khi xe dừng cũng phải mười mét, nó đứng dậy phủi quần áo rồi chạy lại chỗ đám bạn.
Bố tôi ngây người ngồi lặng trên xe, bác tôi đến hỏi thăm thằng bé nhưng đúng là nó chả làm sao cả.
- Có lẽ không kịp rồi anh ạ! - Bố tôi nói.
- Ừ, tình hình này chắc anh em mình về tới nơi không kịp nhìn mặt.
Khoảng 5g chiều, chạng vạng, khi xe máy trôi nhẹ xuống con dốc, tôi thấy mẹ tôi, em trai, bà nội Già (tôi có nhiều bà nội)..., rất đông người đang đứng ở cổng, đầu chít khăn trắng xóa, mắt đỏ hoe và sưng húp.
Mọi người vừa đưa em tôi đi chôn trở về!
Em gái tôi, đứa em gái xinh xắn sinh năm 1987, nằm dưới một ngôi mộ nhỏ ven bờ suối, gần công ty gang thép Thái Nguyên, phải đến nhiều năm sau gia đình mới có điều kiện đưa hài cốt em về quê cha đất tổ, chuyến đi đó là một chuyến đi rợn tóc gáy mà tôi sẽ kể vào một dịp khác.
Nhưng vì sao em tôi mất và đi chôn nhanh như vậy?!
Trở lại ngày hôm trước.
Em gái tôi sốt, cho uống thuốc nhưng không giảm, buổi chiều muộn người nhà chở mẹ và em lên bệnh viện đa khoa Thái Nguyên vì chắc nó không chỉ bị ốm bình thường.
Trên đường đi, em tôi sốt cao đến mê man, sợ nó cắn lưỡi nên mẹ tôi cho tay vào miệng, nó cắn làm như muốn đứt rời ngón tay cái vậy. Đến bệnh viện, ngón tay rướm máu của mẹ tôi được thay bằng một cái đũa, nó cắn cái đũa gần như gãy đôi. Tôi không bao giờ biết nó đã đau đớn như thế nào, mẹ tôi cũng chỉ biết khóc, lúc ấy em gái tôi chưa đầy hai tuổi.
Bác sỹ nói nó bị viêm não Nhật Bản, nghe đâu bệnh này thời đó gây ra cái chết cho nhiều trẻ em, tôi cũng chưa bao giờ tìm hiểu về bệnh này, trong cuộc sống, đôi khi có những điều càng tìm hiểu lại càng khiến ta đau lòng, lại khiến ta ước "giá như ..."
Tôi chưa bao giờ hỏi lại chi tiết việc này, chỉ biết rằng khi bệnh viện trả về nó mất trên tay mẹ tôi, giữa trời đêm lạnh của tháng 2 Âm lịch, tôi cũng không bao giờ hiểu cảm giác khi đó của mẹ tôi lúc ấy, chỉ biết rằng hơn 30 năm trôi qua vào ngày giỗ của nó, mẹ tôi không thắp hương, không hỏi han, cũng không kể, hiếm lắm có người gợi chuyện mẹ tôi chỉ nói dăm ba câu qua loa. Mỗi khi tôi thắc mắc về việc này thì mẹ tôi chỉ nói:
- Sao tao phải thắp hương cho nó? Nó là con tao, tao thương nó vậy mà nó bỏ tao đi.
Tôi cảm nhận trong câu nói ấy có chút hờn giận, chút đau khổ, chút bi ai ..., tôi thật không cảm nhận được hết vì tôi không phải phụ nữ, không mang nặng đẻ đau chín tháng mười ngày, không hiểu được hết tình mẫu tử. Tôi chỉ biết nghe và im lặng, đó là quyền lựa chọn của mẹ tôi, còn với cá nhân tôi, khi đó còn quá nhỏ để hiểu nỗi buồn đau là như thế nào.
Bố tôi về đến nơi khi việc chôn cất đã xong xuôi nhưng mọi thứ quá nhanh, bố tôi có lẽ cũng thấy buồn vì việc không kịp nhìn con gái mình lần cuối.
- Con chị nó đi, con dì nó tới, số nó làm con chỉ được đến vậy nhưng nó sẽ đưa về đứa khác, Nhưng phải đem chôn ngay chiều nay!
Đấy là lời của bà thầy hay ông thầy nói cho người nhà lúc đến xem giờ mất, giờ chôn. Việc ma chay đều do họ hàng tổ chức một cách nhanh gọn là như vậy, đến bây giờ mỗi khi có người nằm xuống, đi chôn giờ nào cũng phần lớn do bà thầy hay ông sư đưa ra.
- Từ khi nó biết nói đến lúc nó chết, nó chỉ gọi mẹ xưng tên chứ không xưng con với tao bao giờ! Số nó được đi hầu Quan Âm nên nó không chịu xưng con với ai!
Mẹ tôi nói tiếp, trong khi tay vẫn không ngưng công việc bán hàng ở chợ.
Nhưng cuối năm 1989, tôi lại có thêm đứa em gái khác thật!
Từ lúc em gái tôi mất đến lúc con bé em gái út ra đời chính xác là 9 tháng 1 ngày, cũng cùng năm đó. Con bé út nhà tôi lớn lên với nước da bánh mật chứ không trắng (bây giờ dùng đủ các thể loại dưỡng da với ở nhà chơi nên mới trắng theo trend) ảnh chụp bây giờ nhìn khá giống Hiền Hồ, tôi hay gọi là Hàm Hồ vì ít nhiều nó cũng phải dùng app chứ, Hiền Hồ tôi nghe nói còn rất trẻ, nó thì đã ngoài 30 rồi. Con bé út từ nhỏ đến lớn không xa rời mẹ tôi nửa bước, khi lấy chồng điều kì lạ là bố mẹ tôi chuyển cửa hàng đi đâu thì chỉ chừng một, hai tháng sau nhà nó lại chuyển đến gần đấy. Kể ra trong ba anh em hiện nay nó vẫn là đứa được chiều từ nhỏ, lấy chồng cũng được cưng, cuộc sống hiện tại chỉ thấy dành thời gian chăm con và săn đồ sale off, tính toán uống trà sữa gọi chỗ nào lợi giá, make up cho con trai và con gái lên hình như người mẫu ảnh... tuyệt nhiên không màng thế sự. Kiểu như miệng thì kêu nghèo khó nhưng tay thì order đồ ăn đồ uống nhanh như chớp. Thi thoảng tôi đọc thấy tus các bạn trẻ viết rằng "đám cưới có nên mời anh shipper không?" Ây, tôi cứ tưởng đó là nó cơ đấy.
Sau khi em tôi mất được chừng ba tháng thì mọi thứ xáo trộn, bố tôi không làm ăn trên Lạng Sơn nữa, còn mẹ tôi cũng muốn bỏ Thái Nguyên, như kiểu chạy trốn nỗi đau.
Cả gia đình đi Hòa Bình, lên xứ mà người ta gọi là rừng thiêng nước độc, bằng chiếc xe Gaz màu xanh, lỉnh kỉnh những đồ đạc. Điểm đến sau cùng là gần ngã ba Xưa, người ta hay gọi đùa là ngã ba say, đã nhiều năm rồi, tôi không rõ địa điểm này bây giờ ra sao. Huyện Lạc Sơn, Hòa Bình này người Kinh sống lẫn với người Mường nhiều, người Mường nghe đâu có nhiều bùa chú. Ví dụ như bùa yêu, bùa yêu thời đó nghe đâu dùng cây mía để làm phép, tôi chịu! Bùa thì không thấy nhưng việc người bị ma nhập thì cũng nhiều lần thấy, chả rõ ma rừng hay ma nào nhưng người bị nhập làm nhiều hành động kì quái, làm nhiều thứ không tưởng! Họ có thể trèo lên nóc nhà nhanh như con thạch sùng vậy.
Đã nhiều năm, tôi không còn nhớ tên cái nông trường nơi gia đình tôi đã sinh sống, dân ở cũng tương đối đông và cây cối thì bạt ngàn, nhà nọ cách nhà kia chỉ chừng ba con dao quăng.
Gia đình tôi thuê lại một căn nhà nhỏ của vợ chồng bác Chín Hợi, vợ chồng bác này cũng từ vùng khác đến làm kinh tế mới hồi sau giải phóng. Căn nhà lợp mái tranh vách đất giống như nhiều căn nhà ở miền núi Tây Bắc thời cuối những năm 80 thế kỉ trước.
Ổn định chỗ ở được vài ngày thì tôi bị ốm, sốt cao, bà nội tôi bảo do lạ nước, nhưng tôi bị sốt cao nên đã sinh ra ảo giác.
Trong những cơn sốt tôi mơ thấy rất nhiều bộ đội, bộ đội bắc thang trổ mái nhà rồi leo lên đứng trên đấy hò hét bắn máy bay?! Cơn mê sảng ấy cứ lặp đi lặp lại, những chú bộ đội quần áo sạch sẽ, mũ cối mới tinh tươm cứ lần lượt đi qua trước mặt tôi, rồi cái thang xuất hiện, rồi lần lượt leo lên, hô bắn rồi lại biến mất.
Tôi không sợ, đúng hơn là không biết sợ, tôi kể lại cho bà nội những hình ảnh ấy, bà tôi không nói gì. Tôi có nói những điều mình nhìn thấy trong cơn mê cho những người lớn khác nhưng không ai giải thích cho tôi, đáp lại là sự im lặng. Về sau tôi được biết trong khu vườn rộng bạt ngàn đấy đã từng dính bom B52 rải thảm, một tiểu đội hay trung đội pháo cao xạ đã hi sinh, có người tìm thấy xác, một số không phân biệt nổi các bộ phận trên cơ thể, sau hòa bình, mộ phần đã được đưa về nghĩa trang, đấy là những điều tôi được nghe kể lại, không rõ tính xác thực đến đâu.
Gia đình bác Chín Hợi có mấy người con, trong đó có một anh con trai lớn tên H. chừng 16 tuổi, anh ấy rất khỏe, ngoài việc học thường hay làm mấy công việc nặng để kiếm tiền, như đào huyệt, đào móng nhà..., lần đấy anh H. đi cùng phường thợ đào móng nhà cũng gần nông trường, tôi chưa đi học nên cũng đi theo để xem, trẻ con mà, chơi loanh quanh chỗ người lớn làm nhân tiện hái sim, hái mua, hái mâm xôi ở những triền đồi.
Anh H. đào móng, tôi ngồi chồm hõm gần đấy, bỗng dưng anh dừng việc đào lại cúi xuống lúi húi vạt đất, tôi lon ton lại gần. Lẫn trong đám đất là một thứ, gần giống như bát ăn cơm bằng kim loại, tôi chợt nhớ tới cái bát sắt tráng men ở nhà. Anh H. lấy cái bát đó lên nhìn nghiêng nhìn dọc, cẩn thận gạt những bụi đất còn dính đầy trên bát rồi gọi người khác lại, họ nói gì đó với nhau rồi anh H. ngưng làm, rửa tay chân rồi đi về.
Tôi đi về theo, tôi không phải em trai nhưng anh H. thấy tôi không gây phiền nên cũng không đuổi tôi về nhà, anh H. đi ra chợ gặp một người nói chuyện hồi lâu, người đó xem rồi trả 20000 đồng cho cái bát anh mang tới. 20000 đồng mua được rất nhiều kem mút, số tiền nhiều nhất tôi từng có là 120 đồng, tờ tiền to nhất tôi từng có là tờ 50 đồng.
- Khi nào bà bán kem đi qua tao sẽ mua cho mày hẳn 10 que luôn nhé N.
Anh H. nói với tôi, tay đút tiền vào túi, tôi lại theo anh đi, lần này là về nhà thật.
Sáng hôm sau khi ngủ dậy tôi đi tìm anh H. để đi theo xem đào đất tiếp, nếu vô tình gặp bà bán kem thì được ăn kem nữa, hẳn 10 que.
- Thằng H. ra trạm xá sáng nay rồi!
Bà tôi nói trong khi đưa cho tôi bắp ngô luộc.
Qua ngày hôm sau nữa anh H. vẫn chưa về, nhà bác Chín Hợi cũng nhốn nháo, một đứa 5 tuổi như tôi dĩ nhiên chả biết chuyện gì đang diễn ra, đến chiều tối thấy nhiều người lớn ngồi quanh bàn uống nước, có cả bố tôi nữa, tôi thì cũng không vắng mặt, tôi ngồi cạnh cửa hông của căn nhà mải nghĩ khi nào gặp anh H. để ăn kem.
- Chắc phải đưa cháu nó lên huyện, ở trạm xá người ta không biết bệnh gì cả, cháu nó cứ mê man nói linh tinh rồi ôm đầu la hét. - Bác Chín nói.
- Đưa cháu lên huyện luôn bác ạ, em chở đi. - Bố tôi nói.
Bác Chín ngập ngừng, nhấp chén trà mắt nhìn chăm chăm vào ly nước.
- Nếu bác thiếu tiền thì em đưa trước tiền thuê nhà để bác dùng. - Vẫn là bố tôi nói tiếp.
- Lên huyện thì không khó, cái tôi lo là không biết cháu nó bị cái gì, đêm hôm trước đi ăn cùng đám thợ đào móng cho nhà Tùng, nó ra ngoài đi tiểu xong la hét ôm đầu rồi không nói thêm được gì nữa. - Bác Chín rầu rĩ.
- Chắc là trúng gió, uống rượu ban đêm ra ngoài có khi phải cảm bác ơi. - Ai đó lên tiếng.
- Có khi ăn phải đồ ôi thiu, hôm qua đám thợ đào móng nhà Tùng nghỉ cả loạt, nghe đâu bị tiêu chảy. - Một trong số người lớn bổ sung thông tin.
Ngồi thêm một lúc, quyết định đưa anh H. lên bệnh viện huyện, mọi người đứng dậy toan ra về, tôi lại gần bố tôi, vô tình buột miệng:
- Hôm kia anh H. có đầy tiền, tận 20000 đồng cơ, bố không phải cho bác Chín mượn đâu!
Tôi thấy sự khó hiểu trong mắt bố, ông nheo mắt lại, quay đầu nhìn bác Chín, bác ấy có vẻ cũng chả hiểu tôi nói gì. Tôi nói tiếp như sợ người lớn không để tâm tới.
- Con nói thật, 20000 đồng đấy, nhiều lắm, bán có một cái bát ăn cơm thôi, anh ấy hứa mua kem cho con nữa mà.
Choang!
Tiếng cái gì đó rơi vỡ, tôi không biết, xung quanh tôi tiếp theo đó là sự im lặng của người lớn, có vẻ họ đang nhìn lẫn nhau.
Một ông khoảng ngoài 60 tuổi, râu cằm mọc đen, dài dài nhưng không mượt như trong phim bây giờ, lao tới vồ lấy 2 vai tôi, đôi mắt mở lớn vẻ ngạc nhiên, thở gấp gáp:
- Bát à, bát ăn cơm đấy bán cho ai? Trông nó như thế nào? Cháu biết không?
Tôi kể lại những gì mình thấy rành mạch, có vẻ thông tin có ích thật, ai đó nói rằng phải đi hỏi ông chủ thầu xem có đúng là đào được cái bát khi đào móng hay không, trẻ con nói thật nhưng vẫn phải xác minh cho chắc.
Đúng như tôi kể, người lớn biết được thứ anh H. đã đào là đồ cổ, mang bán được tiền nên đêm hôm kia cả nhóm thợ đi ăn thịt chó, uống rượu túy lúy, đang ăn thì thấy anh H. kêu la, tay ôm đầu nên đưa ra trạm xá, còn những người khác bị tiêu chảy nằm ở nhà đến nay vẫn chưa hết bệnh.
Phải đi mời thầy cúng về!
Mệnh lệnh đã được đưa ra, người già trong khóm dân cư ấy đã đưa ra lời khuyên phải mời gấp thầy cúng về, nếu muộn e là sẽ có người mất mạng.
Trời gần về khuya, thầy cúng đã được mời tới nhà, trẻ con không được xem nhưng lúc tối bác gái đã ra chợ mua nhiều thứ lỉnh kỉnh tôi lần đầu nhìn thấy.
Anh H. đã lấy bát ăn cơm của người âm, một cái bát bằng kim loại, bây giờ người ta đòi phải trả lại nếu không sẽ phải chết! Việc này bây giờ có hoang đường không? Nhưng hơn 30 năm trước, lời thầy cúng đã như thánh chỉ, bác Chín lập tức đi gặp người mua nói chuyện chuộc lại đồ, người kia cũng không gây khó dễ, có lẽ họ hiểu.
Nửa buổi sáng hôm sau anh H. về, có vẻ tiều tụy hơn, mặt nhợt nhạt, đôi mắt lờ đờ. Sau này anh kể lại rằng, đang ăn nghe tiếng ai đó gọi ra ngoài, bước ra khỏi quán nhậu là bãi đất trống ven đường, dưới ánh đèn điện màu vàng nhạt hắt ra từ quán, có 2 cái bóng mờ mờ cởi trần lao tới khóa tay theo kiểu giật cánh khuỷu, một bóng khác tát và đạp vào đầu anh rất nhiều đến choáng váng. Họ liên tục tra hỏi anh về bát ăn cơm đã bán đi đâu, bán cho ai, phải trả lại ngay nếu không sẽ giết anh, anh H. muốn la lên kêu cứu nhưng lại không thể nói ra tiếng, đến khi tỉnh lại thì thấy mẹ anh ngồi cạnh giường trong trạm xá. Thứ đồ anh tìm thấy có lẽ không phải chỉ là bát ăn cơm của một con ma bình thường.
Mọi thứ lại yên bình trở lại, việc anh H. lấy bát của người âm đi bán rồi ai cũng biết nhưng là chuyện có vẻ như chuyện bình thường vậy.
Tôi được cho đi học lớp 1, bố tôi khai gian tuổi để đi học cho đỡ đi theo người lớn, việc đi học cũng không có gì ghê gớm, tôi vào học cũng đã giữa tháng 10 của năm 1989 tại xã Xuất Hóa, Lạc Sơn, Hòa Bình.
Vào một buổi tối, khoảng chừng 7 giờ, cả nhà tôi đang ăn cơm bỗng nghe tiếng bước chân chạy, tiếng la hét đâu đó vọng lại.
***
Ngoài trời tối, cả nhà tôi bước ra sân chưa biết ai vào ai, phía con đường đất cách xa chừng vài chục mét có loang loáng bốn, năm ánh đèn pin của một nhóm người soi ngang dọc, tiếng nói xen lẫn tiếng gọi í ới.
Bố tôi cũng mang theo đèn pin, loại chế thêm 2 cục pin để sáng lâu hơn (bác nào biết loại này cũng phải ngoài 30 tuổi), tôi nhanh chóng nhận ra người quen trong nhóm người ấy, là ông Q., ông Q. làm trong nông trường này đã lâu, tuổi cũng gần 50 còn những người khác tôi đều không biết. Tôi lúc này mới chỉ 5 tuổi rưỡi nên chỉ nhớ được những sự kiện chính, con người để lại chút dấu ấn mà thôi.
- Có chuyện gì thế chú Q?
Bố tôi cất tiếng hỏi, nhanh chóng tiến lại gần, tôi và mẹ tôi cũng đi theo.
- Con L. nhà tao chắc bị nhập! Nó mới chạy về hướng này.
Người lớn nghe qua đã hiểu câu chuyện, tôi lúc ấy cứ thấy đông người là thích tham gia hóng, không hiểu gì cũng hóng, dù sao cũng thích hơn ở nhà.
Nhóm người dò dẫm đi trong bóng tối.
- Kia, đằng kia có người! - Tiếng ai đó hô lên, nhiều ánh đèn cùng rọi theo hướng đấy.
Cách chừng 50m, cạnh vườn sắn nhà ai đó là một người tóc dài bù xù, một phần trùm qua khuôn mặt che mất một bên mắt, quần áo xộc xệch với nhiều vết bẩn, chân đi đất, trên tay cầm củ sắn có lẽ vừa bới được.
- L! bố đây, đứng yên con ơi!
Chị L. bỏ chạy, chạy nhanh, trời tối không trăng mà chạy như nhìn thấy rõ đường vậy, thoắt một cái đã mất dấu. Ba người thanh niên trong nhóm kiên trì đuổi theo với đèn pin trên tay, những người khác bị rớt lại phía sau, tiếng ông Q. gọi con í ới, xung quanh vẫn là bóng tối...
Mấy người thanh niên kia bắt được chị L. mang quay lại, tay chân chị bị trói bởi dây nhợ bện như dây thừng, một người vác chị trên vai, chị giãy và gào lên những tiếng khó hiểu.
- Đưa nó vào trong nhà, đứa nào đi bẻ cành dâu ngoài bãi tha ma về!
Một bà cụ nhìn mấy thanh niên lên tiếng khi chị L. đã được vác vào trong nhà, vẫn không ngừng la hét mãi không thôi. Tôi không biết bãi tha ma là gì và ở đâu nhưng cây dâu thì ngoài vườn đầy ra, xứ này nhà nào chả có.
Một người hàng xóm ông Q. và hai thanh niên sẽ là những người đi lấy cành dâu, bỗng dưng họ nhìn tôi, cười cười hỏi:
- Mày con chú K. phải không? Đi chơi với bọn anh không?
Tôi gật đầu cái rụp, rủ đi chơi sao lại không đi, dù sao tôi cũng muốn biết bãi tha ma ở đâu và cành dâu phải đi lấy về có gì đặc biệt chứ. Tôi hỏi bố, bố tôi đứng gần đấy chỉ gật đầu và dặn dò đi với các anh phải biết nghe lời.
Bốn người cùng đi, tôi cũng được cầm một cái đèn pin loại bình thường, bây giờ tôi vẫn nhớ cái trò xoay xoay phần trên của đèn để ánh sáng hình tròn to ra hoặc úp bàn tay mình lên và thấy cả bàn tay đỏ hồng.
Các bạn thắc mắc những đứa bé khác đâu? Tại sao chỉ có mình tôi? Về sau tôi biết những chuyện này cũng hay xảy ra nên đám trẻ như tôi hay lớn hơn tôi không còn quan tâm mấy, có những thứ hấp dẫn chúng nó hơn rất nhiều, ví dụ cái tivi National vỏ màu đỏ, màn hình đen trắng đang mở ở một vài nhà khá giả trong xóm, nhà tôi chưa có tivi nhưng tôi không ham cái này lắm vì tôi cũng thấy mấy lần rồi.
Tôi cũng không bận tâm tại sao một thằng trẻ con như tôi lại được rủ đi chơi, cần gì phải lí do nhỉ? Thời đấy người trong xóm biết rõ nhau, biết con nhà ai, cũng chưa có bắt cóc như bây giờ, chí ít là ở cái nông trường này (thật ra là Nông lâm trường khai thác gỗ và chè của Nhà nước nhưng khi ấy chẳng ai nói với tôi cả).
Đi chừng mười phút, một anh dừng lại nói với tôi.
- Cởi quần ra!
Tôi hơi ngạc nhiên, ừ thì cởi, tôi cũng không thắc mắc. Chú lớn tuổi đi cùng đưa cho tôi một cái bát sắt và bảo:
- Mày đái vào cái bát này!
Tôi nhận lấy cái bát sắt, đưa đèn pin của mình cho anh kia cầm và đi tiểu dưới ánh đèn pin soi rọi, làm như việc đi tiểu của tôi rất quan trọng vậy. Chừng gần một phút, nước tiểu được lưng cái bát sắt ấy thì hết nước, ba người lớn nhận lại bát nước tiểu, đặt xuống đất rồi lần lượt từng người... thò tay vào, xoa xoa bàn tay với nhau kiểu như sát khuẩn Covid bây giờ vậy, tôi cũng được bảo làm theo. Sau này tôi mới biết làm như vậy để không bị ai đó cầm tay dắt đi lạc trong đêm?! Sau này nước tiểu của tôi còn được hàng xóm lấy để cạo gió nữa!!! Thật sự là thần kỳ đấy, cái thứ nước vàng vàng, khai khai ấy lại có nhiều tiện ích như vậy.
Bãi tha ma không có hàng lối, mộ to mộ nhỏ lung tung, tiếng gió thổi rì rào bên tai bỗng nhiên tôi thấy hơi lạnh. Nãy ở nhà đi hóng chuyện chỉ quần cộc áo may ô, nói thật là tôi không biết sợ, có ai kể gì với mình hay nói gì với mình đâu mà sợ, nơi đây là chỗ ở của người đã chết, tôi chỉ biết đến thế. Một vài ngôi mộ được xây bằng gạch còn phần lớn vẫn là đất, không có bia mộ. Bãi tha ma này nằm ven chân đồi, bên cạnh xóm, chỗ này tôi chưa biết đến mặc dù đã đến ở xóm này khoảng 4 tháng.
Cây dâu tìm không khó, ở vùng rừng núi tìm cây thì có gì khó đâu, trong bãi tha ma mọc nhiều cây dại, dĩ nhiên có cả cây dâu. Tôi được phân công cầm hai đèn pin soi cho người lớn, tôi thấy thất vọng vì cây dâu này không có gì đặc biệt, nó rất bình thường, thậm chí nhìn xơ xác như cây đói ăn vậy.
Trở về gần nhà ông Q. lại thấy ồn ào, chị L. không biết bằng cách nào đã cởi được dây trói lúc này đang đứng trên nóc nhà la hét ầm ĩ còn mọi người tụ tập trước sân. Tôi lại được yêu cầu tiểu ra bát! Nhưng tôi không rặn được tí nào, tôi mới tiểu trước đó chưa được nửa tiếng cơ mà.
Trẻ con dĩ nhiên không thiếu nên chỉ một loáng sau đã có hẳn hai bát nước tiểu mang về, cái cảm giác người lớn chờ đợi mình tiểu vào cái bát thật buồn cười, ở nhà mà chơi trò này thì bị đánh cho nát đít như chơi, đằng này bát nước tiểu được bưng về rất cẩn thận. Bây giờ xã hội phát triển, ở các vùng quê người ta hẳn cũng rất hiếm dùng nước tiểu trẻ con rồi, có vấn đề gì đều đã có bác sĩ lo.
Mấy cành dâu mới bẻ về mau chóng được nhúng vào bát nước tiểu đưa cho mấy thanh niên leo lên mái nhà, chị L. bỗng dưng im bặt tiếng la hét, co rúm người lại và dễ dàng bị bắt lại đưa xuống.
Trong căn phòng đầu hồi nhà ông Q. tiếng roi dâu vun vút quất lên người chị L., sau đó là từng tiếng rú lên, chừng hơn nửa tiếng sau ai về nhà nấy, chỉ còn người thân quen ở lại, tôi cũng bị đá đít về.
Chị L. bị vong nhập, một vong nữ chưa có chồng, thầy cúng người Mường được mời tới để trừ ma, chị L. cũng thất thần một thời gian ngắn sau đấy mới trở lại bình thường. Từ đó tôi biết được vài kinh nghiệm dân gian, biết tác dụng của nước tiểu nhưng tôi vẫn chưa thấy con ma nào.
Chuyện ma nhập rồi phải làm lễ trừ ma nó như chuyện cơm bữa, một tháng đôi ba lần tôi nghe kể lại lúc đến lớp, lúc gần hết lớp 1 tôi còn nghe kể rằng cô giáo trong trường đã bị bùa yêu của người khác, bỏ dạy đi lấy chồng, đấy là tôi nghe thế chứ không tham gia sự việc. Bùa ngải vẫn là thứ được nói thường xuyên nhưng đa phần không ai nhìn thấy.
Việc học của tôi nói chung là suôn sẻ, tôi nhập học trễ lại ít tuổi hơn đám bạn nhưng đến hết lớp 2 tôi đã là học sinh giỏi nhất lớp, chữ viết đẹp như chữ con gái. Việc viết chữ đẹp hay học giỏi không phải vì tôi phấn đấu hay tài năng gì, là do tôi sợ bị bố tôi đánh mà thôi!
***
Cũng phải liệt kê vài nét về gia đình không giàu truyền thống cách mạng của tôi để sau này bạn đọc dễ hiểu hơn vì có nhiều sự kiện đan xen. Tôi vẫn khẳng định cuộc đời mình chưa từng nhìn thấy quỷ bao giờ, không thấy quỷ nhưng lại được chứng kiến và trải qua nhiều chuyện khó lí giải, có chuyện các bạn sẽ thấy quen như chính bản thân các bạn từng trải qua vậy, mỗi người sẽ có những cách lý giải khác nhau tùy vào góc nhìn mỗi người.
Cụ tôi là một người bán bánh rán, bánh trôi ở chợ, tích cóp nhiều rồi mua ruộng đất, đến đời ông nội tôi và hai người em gái, khoảng thập niên 1930, thì trở thành địa chủ, ruộng đất thẳng cánh cò bay, người giúp việc cũng lên tới hàng chục, xếp hạng giàu có thì đứng thứ năm trong làng, làng tôi lại giàu nhất xã, thời nay cũng có thể vỗ ngực tự xưng đại gia không chừng.
Làng tôi giống như một ốc đảo, bao quanh là lũy tre dày đặc, kế lũy tre là mương nước tưới tiêu rồi kế đó là ruộng lúa bạt ngàn kéo dài hàng km đến rìa làng bên cạnh, địa thế ở vào cuối huyện này, đầu huyện kia.
Ông nội tôi lấy vợ đầu tiên lúc khoảng 13 tuổi, đưa đón dâu đều phải cõng, 100 năm trước không lạ nhưng bây giờ là được tặng lịch ngay. Người vợ thứ hai ông tôi cưới lúc 18 tuổi lại được xem như vợ cả vì bà cưới đầu tiên đã... bỏ về nhà, cũng không ở với nhau ngày nào. Bà Cả đẻ được mấy người con đều chết lúc còn đỏ hỏn, đến 25 tuổi ông tôi lấy tiếp một bà nữa ở khác huyện, bà này chính là bà nội Già của tôi, chúng tôi gọi là bà Già, tôi không biết tại sao nhưng cũng không quan trọng, bà Già là người gắn bó với tôi suốt thời thơ ấu cho đến khi trưởng thành.
Bà Già trước khi lấy ông tôi là giao liên cho cách mạng, hoạt động trước Khởi nghĩa 1945, sau này mãi đến lúc 75 tuổi mới có chứng nhận có công và thêm cái huy hiệu ngôi sao. Bà Già cũng đẻ được sáu người con nhưng cũng không nuôi được ai quá thôi nôi, có lẽ phần nào đó bị nhiễm trùng uốn ván vì cắt rốn bằng liềm chăng?
Nguy cơ nhà tôi bị tuyệt tự là rất cao, ông tôi là con trai duy nhất trong nhà, của cải mỗi ngày một nhiều, cũng nuôi giấu và ủng hộ cách mạng nhưng đến lúc cải cách ruộng đất bị lên thành phần địa chủ thì... mất hết, còn giữ được cái mạng là may mắn, hàng ngày bị người làng lôi ra sân đình đấu tố, chửi rủa trong cả một thời gian dài, đến khi chính phủ sửa sai thì nhà cửa, ruộng vườn đã chia hết cho người trong làng sạch sành sanh chẳng còn lại gì, kể cả chồi cùn, rế rách, đòi lại làm sao được. Bây giờ các bạn Google sẽ ra rất nhiều thông tin về thời kì này ở miền Bắc, các bạn sẽ thấy đấu tố kinh khủng đến mức nào. Nhiều người đã chết oan, ông tôi may chỉ mất của và còn mạng.
Ông nội tôi, bà Cả và bà Già bị đuổi ra rìa làng, căn nhà năm gian hai chái bằng gỗ quý được đổi thành một cái lều vịt cũ rách nát, trên khoảnh đất rộng chừng 800m² hoang tàn ấy còn được khuyến mãi thêm cái miếu cũ đổ nát. Ba người bắt tay vào gầy dựng từ đầu, chỉ khi đêm đến thì anh em họ tộc mới có thể tới giúp, người giúp sức, kẻ giúp đồ ăn thức uống vì lúc này ông tôi vẫn bị đấu tố, không thể mua bán được cái gì và cũng chẳng ai dám bán cho. Cái thời điểm đấy nó kinh khủng như vậy đấy, bị cả làng xa lánh chỉ vì mình đã từng giàu có, được gọi là địa chủ. Các bạn đọc sách nhiều cũng thấy, nếu không có những người địa chủ giúp cách mạng thì lúc đấy cách mạng sẽ thêm bội phần khó khăn.
Nhà tranh vách đất cùng cái bếp đều lợp cỏ tranh được hoàn thiện sau cả tháng, đồ đạc không có gì, những thứ mang được theo là bát hương tổ tiên và cái phản gỗ lim làm giường ngủ, mấy thứ này cũng là tài sản thừa kế đến tận bây giờ để nhắc nhở con cháu về những gì đã qua. Quãng năm 1958, ông tôi lại trở nên giàu có nhờ buôn gỗ và buôn vải, mặc dù bị cướp bóc nhiều nhưng không làm ông chùn bước. Năm bốn mươi bốn tuổi, ông tôi được mai mối lấy thêm vợ lẽ, bà Cả đã mất được mấy năm, chỉ còn ông nội và bà Già, người vợ mới này của ông chúng tôi gọi là bà Trẻ.
Điều buồn cười nhất chính là bà Trẻ tôi lại là chị ruột của người từng chủ trì việc đấu tố ông tôi mấy năm trước, là người chửi ông tôi nhiều nhất, miệt thị bằng nhiều từ ngữ nay đã thất truyền nhất, mãi sau này chúng tôi vẫn không có thiện cảm với em gái của bà Trẻ, mặc dù chuyện đã xảy ra hơn 60 năm, nhưng bạn biết đấy, cuộc sống luôn có nhiều bất ngờ.
Bố tôi được sinh ra hơn một năm sau đó, rồi tiếp đến là các cô của tôi, mỗi người cách nhau 3 năm, vậy là nhà tôi thoát cảnh tuyệt tự.
Trở lại lúc tôi học gần xong lớp 3, khoảng tháng 5 năm 1992, tôi hay tin mình sẽ được kết nạp Đội cùng những bạn học sinh giỏi khác, điều này dĩ nhiên là vinh dự cực phẩm. Đeo trên cổ tấm khăn quàng đỏ lúc vào lớp 4 là rất oai, bởi điều này chứng tỏ rằng bạn là học sinh ngoan và giỏi, ngoài sự e dè của đám bạn còn là ánh mắt trìu mến của thầy cô giáo.
Tôi cho rằng bản thân mình là đứa thông minh, không phải là một đứa học giỏi, đến sau này tôi vẫn học kiểu tài tử và thường thích những công việc đầy mơ mộng viển vông nhưng dù sao tôi vẫn là niềm tự hào của bố mẹ từ lúc đi học đến sau này trưởng thành, mặc dù tôi không có gì xuất sắc nhưng ở vào những thời điểm quan trọng tôi lại hay may mắn! 90% thành công của tôi có khi là may mắn và chỉ có 10% nỗ lực mà thôi.
Buổi sáng được kết nạp Đội, tôi thấy rất vinh dự, chỉ chờ tan buổi lễ là chạy một mạch về nhà khoe với bố mẹ, tôi chạy như bay nhưng về đến nhà không thấy ai, vắng lặng như tờ. Năm này bố mẹ tôi đã mua nhà với giá 5 triệu đồng của bác kế toán nông trường, tôi nhớ đâu đó đất rộng khoảng tám sào Bắc Bộ, có vườn chè, cây ăn quả và một nhà rộng.
Sang nhà hàng xóm hỏi, khi hỏi vẫn cố khoe cái khăn quàng nhưng có vẻ bác hàng xóm không quan tâm...
- Nhà mày lên Mãn Đức sáng nay cả rồi!
Ơ! Sao đi vội thế nhỉ? Sao tôi lại không được đi? Thị trấn ấy cách chỗ tôi ở khoảng 30km nơi đó là nhà cô ruột của tôi đã ở từ lâu. Cô và chú chính là người đã rủ bố tôi di chuyển từ Thái Nguyên lên xứ này. Tôi lững thững quay về, chán nản và cụt hứng, tôi đã tưởng tượng ra sự vui mừng của mẹ, hay tự hào của bà nội.
- Này! Thế mày có lên đấy không tao bắt xe cho, chú mày mới chết sáng nay đấy!
Thịch!
Tôi đứng chết trân, nghe rõ tim mình đập từng tiếng, mới tuần trước chú B. còn ghé nhà tôi cơ mà, tại sao lại chết nhanh như thế?
***
Một người quen của gia đình đã lấy xe Honda 67 màu đen với tiếng pô giòn tan của bố tôi gửi ở nhà hàng xóm chở tôi đi lên nhà cô chú. Tôi ngồi sau cứ suy nghĩ miên man, cả nhà tôi gồm hai bà nội, bố mẹ và hai em đã lên đó lúc sáng sớm bằng xe UAZ thuê của nông trường, chẳng hiểu sao lại không qua trường đón tôi đi cùng luôn.
Những năm này, ở Quỳ Châu và Thái Nguyên rộ lên phong trào đi đào đá đỏ và đào vàng, bố tôi cũng bắt trend nên tay nải rời nhà, bố tôi quyết định theo hướng mua bán nhỏ lẻ vàng cám của những người đào ở bãi vàng trên Thái Nguyên, được một người có máu mặt bảo kê nên cũng tay cân tay tiền vào hành nghề ở bãi mà không gặp khó khăn gì. Sau một lần cân gian bán thiếu cho giang hồ tại bãi, bị bẻ cân, chỉ thiếu chút nữa thì bỏ mạng trong rừng sâu, nếu không có đại ca ở bãi đó đứng ra thì tôi mồ côi cha luôn từ những năm đấy. Khi trưởng thành, tôi được kể rằng người đại ca của bãi vàng giúp bố tôi lúc ấy khi còn trẻ đã lăn lộn cùng bố tôi mua bán súng quân dụng và bị bắt ở Lạng Sơn, bố tôi thì thoát được chạy về nhờ người quen là công an cứu bác đó ra, vì thế hai người mới thân thiết như vậy.
Bố tôi từ bỏ nghề mua bán vàng cò con ấy, tôi cũng thoát cảnh một tháng có vài ngày vào buổi tối đứng đạp cái pen hơi để bố khò vàng cục nhỏ thành hình những cái nhẫn, mặc dù được cho tiền mua kẹo, mua kem nhưng việc đạp vào cái pen như bơm xe đạp ấy rất mệt, phải đạp đều và liên tục, tôi cũng chả biết cái dụng cụ đấy gọi là cái gì.
Thất nghiệp nghề vàng, bố tôi chuyển qua bán tivi cho người Mường và thu mua hạt sa nhân. Tivi mua từ Hà Nội, vẫn là cái hiệu National vỏ màu đỏ, có tặng kèm thêm một tấm nhựa màu xanh chắn màn hình để tivi có vẻ như... có màu, đỡ nhìn đen trắng nhàm chán, mỗi cái tivi được bán thành công mang lại lợi nhuận đến 400 nghìn đồng, khoảng 3 chỉ vàng bây giờ, còn hạt sa nhân thu mua thì lại bán về Hà Nội. Bởi vậy nhà tôi cũng thuộc diện có điều kiện kinh tế ở khu nông trường và vì thế bố tôi cũng có nhiều bạn bè, điều này ngay từ nhỏ tôi đã tự hiểu, người làm ăn buôn bán luôn có nhiều bạn bè hơn những người làm nghề khác.
Tôi đến nơi vào buổi trưa, đám ma đã có cờ báo tang treo ven đường, căn nhà 2 tầng khang trang có mặt tiền nằm ở chân cầu, giờ tôi không còn nhớ tên, bên hông là con suối nhỏ. (Nếu bạn nào đó đang ở thị trấn này chắc sẽ biết tên cây cầu đó mà thôi).
Chú tôi (ở miền Trung và miền Nam gọi là dượng) treo cổ tự tử!!!
Không biết nguyên nhân như nào, người thì bảo thua cờ bạc nợ nhiều, người thì nói do buồn chuyện gia đình ở quê..., tất cả chỉ là phỏng đoán của mọi người, đến bây giờ cũng chưa có nguyên nhân cụ thể vì người chết làm sao mà nói đây?
Cô tôi khóc vật vã bên cạnh cái giường ngoài phòng khách nơi chú tôi nằm trên đấy, mặt đã được phủ khăn, tôi chỉ được đứng nhìn từ cửa sổ, mẹ tôi cũng khóc, bà tôi cũng như thế và nhiều người khác nữa. Chú ấy được phát hiện lúc sáng khi đứa con gái lớn dậy đánh răng thấy chân bố mình lửng lơ, thân treo trên xà bếp và lưỡi thì thè ra ngoài, con bé chỉ mới 6 tuổi! Lúc tôi tới nó và hai đứa nhỏ hơn đã được đưa qua nhà người thân trông coi giúp, đứa nhỏ nhất mới chỉ ba tháng tuổi. Tôi không biết việc đó ám ảnh nó như thế nào nhưng nó là một đứa nghị lực tốt, kiên định, sau này đi học lên cấp 3 còn đoạt hạng II khi đi thi học sinh giỏi tỉnh Bắc Ninh, lúc thi đại học nó lại là thủ khoa đầu vào cái ngành nó học của trường ĐH Văn Hóa.
Tôi có hai cô ruột, khi trẻ hai cô đều lấy chồng cùng năm, lúc tính cưới nhiều người đã bảo là không nên vì kiêng kị, các bậc tiền bối trong họ cũng khuyên ngăn nhưng cô út vẫn kiên quyết, bên đằng trai cũng xem tuổi thấy năm đó tốt nên chả ai cản được. Cuộc đời không ai biết được điều gì, cũng có thể ông thầy nào đó nói đúng hoặc kinh nghiệm nghìn năm cha ông truyền lại là đúng. Nói chung, thầy bà tướng số cũng có nhiều loại, nếu như tôi gặp lại bà thầy đã xem tuổi tôi và người yêu, phán cho mẹ vợ tôi cái gì đó làm bà ngăn cản cật lực một thời gian dài chắc chắn tôi sẽ đập bà ta một trận ra trò nhưng cũng có thể bà ấy nói đúng, dù sao cuộc đời vẫn còn rất dài.
Chú B. đã chết, đấy là sự thật, con người hay cười, đẹp trai, cao hơn 1m8 ấy mỗi lần gặp các cháu đều có quà. Tôi nghe đâu bố tôi bảo, chú ấy cũng có tiếng tăm trong giới xã hội đen nơi ấy, đi đâu cũng mang trong người côn nhị khúc, đánh đấm nhiều trận phân cao thấp trong thế giới ngầm.
Vẫn chưa có quan tài nào phù hợp!
Chú ấy cao hơn mức phổ thông lại gấp gáp nên cả thị trấn và lân cận kiếm mãi cũng chỉ có một cái mà khi nhập quan vẫn thừa chân, áng chừng thiếu đến 3cm, tôi chỉ áng chừng vậy thôi, làm gì được lại gần mà biết rõ. Mọi người không biết nên làm sao, người thì to mà quan tài nhỏ lại ngắn, lại phải đưa về quê chôn cất, quãng đường 150km không phải là gần.
Đúng lúc ấy, có một người tôi không biết là ai bước lại gần nhìn rồi quay sang nói gì đó với mấy người xung quanh, sau đấy tách khỏi đám đông đang vây quanh và đi theo bố tôi, đứa tò mò như tôi làm sao bỏ qua cơ hội đi theo chứ. Bố tôi dẫn người lạ ấy vào phòng ngủ của cô chú trên lầu 1, người ấy xem xét một hồi, nhắm mắt lại lẩm bẩm gì đó trong miệng kiểu như niệm thần chú, ra điều rất bí hiểm, tôi vểnh tai nghe nhưng có điều tiếng nhỏ quá tôi chả nghe thấy.
Một lát, bỗng nhiên người lạ mở mắt rồi lấy chân đạp "Phịch" một cái thật mạnh vào phía chân giường, tôi chả biết ông ta định làm gì nhưng cùng lúc ấy dưới nhà xôn xao hẳn lên.
Hai chân người chết đã nằm lọt trong quan tài như một phép màu!!!
Người Mường vẫn có những điều thật kỳ bí, đến nay tôi vẫn có thiện cảm với người Mường hoặc người ở Hòa Bình, có lẽ do họ mang lại cho tôi những điều kỳ lạ ấy.
Chú tôi sẽ được đưa về quê và chôn gần mộ của ông nội tôi, mọi người đã quyết định như vậy và đánh điện về quê và sáng sớm mai sẽ khởi hành...
Chuyến xe tang xuất phát từ thị trấn ấy đi qua thị xã Hòa Bình, qua cả Thủ đô (lần đầu đến Thủ đô trong tình huống này) rồi về quê. Tôi được đi cùng đơn giản vì đã thi xong, chỉ là chưa tổng kết năm và quan trọng tôi là đứa không phá quấy hay gây phiền cho ai.
Còn cách làng tôi chừng 5km thì có sự cố dở khóc dở cười, nghe thì cũng bán tín bán nghi, là do đường đi quá dài nên... vàng mã mang theo rải đường bị hết!!! Xe chở áo quan không thể di chuyển được, máy xe nổ bình thường mà xe cứ ì ra như bị ai đó kéo lại! Bác tài xế mặt tái mét còn mọi người lại nháo nhào gom tiền lẻ lại, những tờ 100 đồng, 200 đồng, 500 đồng, 1000 đồng, 2000 đồng, 5000 đồng được giao cho một bác phụ nữ. Những tờ tiền được vứt xuống dưới đường, cái xe chở áo quan lại bon bon chạy, tôi ở trên xe ca Hải Âu (xe khách) thấy mọi người im lặng, trán vài người lấm tấm mồ hôi còn tôi thì tò mò việc đấy rất nhiều.
Bà Già giải thích cho tôi rằng rải vàng mã xem như lộ phí đi đường đưa cho ma quỷ, cô hồn để chúng không gây phiền nhiễu hay gây khó khăn cho việc đưa tang, vì hết vàng mã nên ma quỷ kéo xe tang lại không cho đi tiếp. Nghe thì biết vậy, mấy năm sau tôi được trải nghiệm kĩ hơn cái này, không nhìn thấy gì nhưng lại cảm nhận thấy cái gì đó, nói thật lúc đấy chỉ còn thiếu điều đái ra quần mà thôi, muốn chạy nhưng chân đông cứng.
Bây giờ tình trạng rải vàng mã vẫn còn dù Nhà nước đã cấm, có người tin người không về việc này, tôi thuộc nhóm bán tín bán nghi, không tin nhưng muốn thử, thử xong vẫn nửa tin nửa ngờ nhưng tôi biết nhiều người không muốn có sự cố bất ngờ trong lúc tang gia bối rối như vậy.
Ở làng người ta bàn tán xôn xao về chú B., tự tử là điều gì đó rất kinh khủng ở một làng quê vốn yên bình này. Làng tôi đến nay vẫn giữ những phong tục từ xưa, ví như đã chết ở xa thì không được mang vào làng, chỉ được để ngoài cổng làng gần cây đa cổ thụ mà thôi.
Chú B. tôi cứ như vậy về với đất, để lại vợ và ba đứa con cho cuộc đời vùi dập.
Còn tôi, quê hương lúc này thì tôi chưa có khái niệm gì, lần đầu tôi về làng chỉ có kỉ niệm như vậy, không ngủ đêm lại, hạ huyệt xong đoàn xe quay đầu...
Trở về nhà, hơn một tuần sau tôi chút xíu nữa đã gây ra đại họa!
***
Như tôi đã kể, bố tôi là con trai duy nhất, ông nội tôi cũng vậy cho nên bố tôi thừa kế luôn trách nhiệm thờ cúng tổ tiên, ông có cả một cuốn sổ viết các thông tin chi tiết và tôi đã phải gánh trách nhiệm thay bố khi tôi học cấp 2, cá nhân tôi lúc đấy thấy rất vinh dự nhưng sau này khi nó là trách nhiệm chính thì tôi thấy không còn vinh dự nữa, đó là trách nhiệm, đôi khi vẫn bị chửi vì chểnh mảng.
Nếu bạn đã đọc những phần trước sẽ biết tôi có ít nhất ba bà nội, khi tôi biết nhận thức và biết mọi thứ xung quanh thì thấy có hai bà là bà Già và bà Trẻ, trong đó bà Trẻ đẻ ra bố tôi còn bà Già không có công sinh nhưng có công dưỡng. Tôi và các em phải mãi đến khi học cấp 2 mới biết ai đẻ ra bố nhưng điều đó không làm giảm đi tình cảm của chúng tôi. Trong đám cháu nội ngoại, có lẽ do tôi là cháu trưởng lại ngoan nên luôn được ưu ái nhất, thế hệ các cụ thì chỉ có cháu đích tôn mới là số một nên những đứa em tôi, kể cả em họ đều thấy bất công, đôi khi chúng nó ghét tôi cũng vì tôi được ưu ái hơn chúng nó. Thực tế, tôi chưa bao giờ dùng sự ưu ái để bắt nạt các em của mình, chúng nó tị nạnh thì kệ thôi.
Bà nội Cả của tôi đã mất từ trước khi bà Trẻ về làm vợ ông nội nên ngay cả bố tôi cũng không biết nhưng ngày giỗ vẫn được thực hiện đều đặn hàng năm, ngày 1 tháng 4 Âm lịch, ngày này cũng lại trùng hợp là ngày giỗ của một bà cô trẻ, em ruột của cụ nội, bởi vậy là đám giỗ chung ngày.
Ngày mùng Một tháng Tư năm ấy, tôi nhớ là đã được nghỉ hè, chú B., cũng mới mất nên không khí gia đình khá ảm đạm, mấy anh em tôi không được ra ngoài bêu nắng, chỉ chơi loanh quanh trong nhà. Tôi học mỹ thuật, đã biết được mấy kiểu gấp máy bay giấy khác nhau nên xé vở rủ hai em mình chơi cùng, thằng em phi máy bay một hồi thì bị dính trên ban thờ trên cao, tôi đi lấy cái sào dài cố chọc để máy bay giấy rơi xuống.
Choang!
Một bát hương nhỏ màu trắng với những họa tiết màu xanh lục rớt xuống đất vỡ tan, chính là bát hương thờ bà cô trẻ cúng giỗ hôm ấy! Bụi tro bay tứ tung, tôi đứng lặng người không biết nên phải làm gì? Bỏ chạy? Thu gọn lại rồi giấu đi? Bao nhiêu ý tưởng thoáng chốc chạy ngang qua nhưng tôi lựa chọn cách đứng đó nhìn.
Mẹ tôi từ ngoài xuất hiện, tôi thấy khuôn mặt bà chỉ thoáng chốc đã tái xanh đồng thời hét toáng lên. Nói thật, nếu không có hai bà can ngăn thì tôi đã ăn đủ roi ngay tại lúc đấy, đây việc đại kỵ, tôi đủ thông minh để biết rằng đây là thứ không bao giờ được động chạm vào nhưng bây giờ đã vỡ tan, như này khó tránh bị ăn đòn một trận nhừ tử, tôi cảm thấy sợ hãi vô cùng, tưởng tượng đến cảnh mình nằm sấp nhận từng cái roi mây vun vút đáp xuống thân thể mình. Thời gian thật dài khi tôi phải chờ đợi cơn thịnh nộ của bố.
Bố tôi vắng nhà! Hôm nay nghe đâu là cúng tuần đầu cho chú B., nhân tiện nhận hàng để chở về, tôi còn nhớ lúc ấy hạt sa nhân và long nhãn là hai thứ bố tôi thu mua và đóng bao bì gửi về Hà Nội để người ta làm thuốc bắc, việc mua bán loại hạt này ít người làm vì cần phải có mối dưới Hà Nội, vậy nên bố tôi một mình trên chiếc Honda 67 chạy khắp các huyện như Lạc Thủy, Tân Lạc, Lạc Sơn... để thu mua, phần nhiều vẫn là người đồng bào bán cho, người đồng bào bán những loại hạt này rồi mua sắm các vật dụng như tivi, đài cassette, đèn pin... và thậm chí cả xe Simson, Honda Cub, thế nên trong người bố tôi lúc nào cũng phải nhiều tiền mặt phục vụ việc mua nhanh bán gọn.
Bố tôi mới ngoài ba mươi, đàn ông thời đó có điểm chung là ngoài ba mươi đã đỉnh thiên lập địa rồi, không như tôi bây giờ, gần bốn mươi vẫn chạy ăn từng bữa, nuôi một đứa con đã vã mồ hôi, rồi ngồi than trách cuộc đời nhàm chán. Lúc thanh niên, bố đã từng sinh sống qua nhiều nơi như Bắc Giang, Lạng Sơn, Hà Nội và cũng chạy vài thứ "hàng cấm" lúc bấy giờ, về sau tôi mới hay tuyến đường sắt Hà Nội - Lạng Sơn chính là nơi kiếm tiền đầy phức tạp, bố tôi có vẻ như cũng nằm trong số những người buôn bán hàng lậu.
Đến nay tôi vẫn không cho rằng bố mình là người bản lĩnh giang hồ gì, tôi đánh giá ông là một người khôn khéo và luôn hăng say kiếm tiền chăm lo cho gia đình.
Tối muộn hôm ấy, tôi vẫn thấp thỏm đợi chờ nghe tiếng xe máy Honda 67 vọng lại từ xa nhưng cho đến khi mắt díp lại, leo lên giường ngủ thì vẫn chưa nghe thấy tiếng xe máy của bố về, tôi thiếp đi lúc nào không hay.
***
Quốc lộ 12B đoạn từ thị trấn Mãn Đức tới ngã ba Xưa khoảng 25km, con đường trải nhựa với nhiều đoạn lên dốc xuống dốc băng qua những con đồi thoai thoải của miền Tây Bắc, dĩ nhiên tôi đoán nó không đẹp như trong thơ. Buổi tối ngày đầu tháng trời không trăng, thời tiết mát mẻ, màn đêm phủ xuống khiến người ta cảm thấy hơi lạnh khi chạy xe máy.
Tiếng nổ giòn tan đặc trưng của chiếc Honda 67 cùng ánh đèn tròn vàng của xe lao vun vút giữa màn đêm, ông K. không lạ gì con đường này vì hàng tháng ông qua lại đến năm mươi lần, thoáng nhìn đồng hồ Seiko trên tay, ánh dạ quang trên mặt đồng hồ cho ông biết cũng đã gần 9 giờ tối, xa xa trong tầm mắt ông đã thấy ánh đèn của một căn nhà quen thuộc, qua con dốc phía trước là tới nơi, căn nhà ấy là nơi ở của một đầu mối nhỏ thu mua hạt sa nhân rồi bán lại cho ông, lúc sáng khi đi qua ông đã dặn dò chiều tối quay lại sẽ chở hàng về và trả tiền.
Loáng trong ánh đèn, ngay đầu con dốc trước mặt ông thấy một thân cây nhỏ nằm chắn ngang đường, ông giảm tốc độ xe từ từ chạy lại, gần bỗng nhiên từ trong lùm cây ven đường nhảy ra hai bóng người. Với một người đã từng nhảy tàu buôn hàng lậu, cũng đã từng cầm hàng nóng buôn bán ở đất biên giới lúc chiến tranh với Tàu chưa nổ ra, cũng đã từng thoát chết ở bãi vàng nên ít nhiều ông K. cũng có sự bình tĩnh nhất định. Ánh đèn pha không chiếu được khuôn mặt của hai người lạ nhưng qua dáng dấp có thể khẳng định chắc chắn đó là 2 người đàn ông, họ đội mũ len với khăn quàng cổ che đi nửa khuôn mặt.
Xung quanh trời tối đen như mực, thời gian như ngưng đọng trong giây lát, tiếng pô xe vẫn nổ "bịch bịch" đều đặn. Hai người đàn ông lạ mặt, một thấp đậm còn người kia cao hơn và trên tay họ đều có vũ khí, một khẩu CKC trên tay gã cao và một con dao đi rừng trong tay gã thấp.
Ông K. gạt chân chống để xe nghiêng sang một bên rồi nhanh tay rút đầu chụp bugi ra khỏi vị trí, xuống đứng cạnh xe. Tiếng xe máy đang nổ tắt lịm.
- Đưa hết tiền ra đây! - Một giọng khàn khàn nói tiếng Kinh chưa sõi vang lên.
- Dạ thưa, các anh tha cho, em đây không mang theo nhiều.
- Không nói nhiều, lục túi của nó! - Gã đó ra lệnh cho đồng bọn.
Ông K. vô thức lui lại phía sau, gã đàn ông kia tiến lại gần, trời tối nhưng khi đủ gần vẫn có thể nhìn thấy bóng của nhau, thoáng trong phút sinh tử, ông K. thấy có bóng kim loại loáng lên, theo phản xạ ông đưa tay trái lên đỡ.
Soạttttt!!!
Là dao! Ông K. bị chém, ông đã đỡ được và nhanh chóng tìm cách thoát thân không thì bỏ mạng tại đây, ông K. nhanh chóng lùi lại tránh tiếp nhát chém thứ hai đang bổ tới.
- Đứng lại! Mày lui nữa tao bắn!
Trời tối, bắn có trúng không? Mạng thì chỉ có một mà thôi, ông K. vội vàng lấy tiền trong người ra, luống cuống tay chân nhưng đủ tỉnh táo để ném một sấp tiền về phía trước, nhiều tờ bay tứ tung trong gió
- A! Thằng này giỏi...
Đoàng!!!
Tiếng súng vang lên giữa đêm tối, ông K. ngã ra phía sau vì sợ nhưng vẫn đủ tỉnh táo vùng dậy thật nhanh nhảy vào lùm cây ven đường bỏ chạy, không thấy đường vẫn phải cắm đầu về phía trước mà chạy.
Đoàng!!!
Thêm một tiếng súng nữa bắn phía sau lưng, ông K. vội nằm sấp xuống quay nhìn về phía sau, cố nén tiếng thở hộc hộc từng cơn rồi vùng dậy khom người chạy tiếp...
Cảm thấy đủ xa ông đứng lại thở dốc từng cơn, mồ hôi ướt đẫm áo.
Mãi không nghe thấy tiếng xe máy nổ, bọn nó đi chưa? Bọn nó dắt xe đi hay sao?
Ngồi một hồi lâu cố lấy lại bình tĩnh và thở từng chặp gấp gáp, ông K. nhìn hướng căn nhà người thu mua mà ông quen biết ở phía xa đang sáng đèn, dường như có nhiều đèn sáng hơn khi nãy, có lẽ họ đã nghe thấy tiếng súng, ông quyết định đi về hướng đó. Lúc này ông K. đã cảm thấy đau và ướt ở nơi bàn tay trái.
- Chú có sao không?
Người chủ nhà hỏi gấp ngay khi nhìn thấy rõ ông K. trong ánh đèn hắt ra đường, xung quanh ông là vợ và mấy đứa con.
- Em mới bị cướp ngay chỗ dốc kia, bọn nó hai đứa có CKC.
- Chú ngồi đây, có bị làm sao không? Tôi nghe thấy nhưng không dám ra, tôi đoán là cướp nhưng không nghĩ là chú bị.
Ông K. giơ tay trái ra, dưới ánh đèn điện vàng vọt có thể thấy rõ lòng bàn tay trái một vệt đứt dài khoảng 5cm dính bùn đất đang chảy máu.
- Em đỡ được lúc nó chém vào đầu, xe máy chắc vẫn ngoài đấy.
Ông K. được băng bó rất nhanh, ông chủ nhà cũng vào nhà mang ra hai khẩu súng kíp, thời điểm này người dân tộc sở hữu súng kíp không có gì lạ, còn súng quân dụng thì họ giấu khá kĩ, không phải ai cũng có. Có súng làm người ta thêm tự tin, dù súng chỉ bắn phát một rồi nhồi đạn vẫn tốt hơn là tay không tấc sắt, uy lực của súng hơn con dao rừng rất nhiều, điều này thì ai cũng hiểu.
Hai người đàn ông nối đuôi nhau lom khom men theo vệ đường đi xuống dốc, tay lăm lăm súng sẵn sàng nhả đạn nếu thấy bóng người.
Hồi hộp!
Phía xa chừng cả cây số lúc này có bóng đèn pha và tiếng xe Zin đi tới, 2 người quyết định ngồi chờ xe tới gần, tận dụng ánh đèn xe để quan sát động tĩnh, dù sao cũng có thêm người giúp sẽ an tâm hơn.
Xe tải dừng lại khi thấy rõ dưới ánh đèn pha chiếu là chiếc xe 67 nằm chỏng chơ, thân cây nhỏ vắt ngang đường vẫn nằm ở vị trí chân dốc, xung quanh vẫn còn rải rác tiền rơi. Ông K. cất tiếng gọi để người lái xe nghe thấy và bước ra giữa đường giơ hai tay vẫy vẫy, khẩu súng đã đưa cho người đi cùng. Cửa xe tải mở ra, có tiếng đáp lại rồi bác tài xuống xe, thật may đây lại là xe của bộ đội làm kinh tế, bác tài xế có hẳn AK luôn kìa.
Sáng sớm hôm sau công an tới hiện trường vụ cướp để lập hồ sơ, lấy lời khai, số tiền bị cướp mất gần Bốn triệu đồng, vàng lúc đó mới khoảng Một trăm năm mươi nghìn đồng một chỉ.
Có mấy thông tin rất giá trị mà bên công an thu được gồm có:
- Xe máy vẫn cắm chìa khóa nhưng không bị mất, xe bị đổ sang bên phải.
- Một tên cướp nói giọng Kinh chưa sõi bị thọt chân trái.
- Vị trí chặn đường cướp của nằm ở chân dốc gần địa điểm mà ông K. sẽ quay lại để lấy hàng và trả tiền.
Sau khi trình báo, ông K. (tức bố tôi) nhờ bên công an gọi về số điện thoại của nông trường báo cho người nhà.
Trong khi những sự việc xảy ra với bố mình ở một nơi cách xa hơn 10 km thì tôi vẫn đang ngủ ngon, khi trời sáng rõ có người gọi cổng thì tôi mới tỉnh giấc.
---
Mẹ tôi rất nhiều lần nhắc đi nhắc lại một câu chuyện như thế này, đó là vào khoảng đầu năm 1985 khi gia đình tôi còn sống ở thành phố Thái Nguyên, gần ga Lưu Xá bây giờ. Một đêm mẹ tôi nằm mơ chạy loạn giặc Tàu cùng những người đang bán hàng ở chợ Đồng Quang, mọi người nhốn nháo chạy qua một bãi tha ma thì nhìn thấy có một thằng bé còn nhỏ rất đẹp trai, da trắng, môi son ngồi khóc trên một nấm mộ mới xây, mọi người đi qua muốn bế nhưng nó nhất định không theo ai, đến lượt mẹ tôi giơ tay bế thì thằng bé đó cười rồi theo luôn.
Gần một năm sau mẹ tôi sinh thêm con trai, chính là thằng em kế tôi bây giờ, nó cao ráo, đẹp trai, da trắng môi son và rất sát gái, mỗi tội khá bướng bỉnh, lúc nhỏ hay quậy khiến gia đình cũng nhiều lần phải đi xin nhà người ta bỏ qua vì nó hay đánh nhau, mãi đến hết cấp III nó mới thay đổi tính nết, trầm tính hơn và không gây sự. Nhà có mấy anh em thì nó vẫn hợp tính với mẹ tôi nhất, được cưng chiều nhất.
Tôi có một đứa em gái, sinh năm 1987, mặt trái xoan, có giọng cười rất trong mà theo như lời kể của mẹ tôi là "cười khanh khách", da cũng trắng, mắt tròn, những tấm ảnh gia đình còn lưu lại thì tôi thấy nó là đứa bé rất đẹp.
Kỷ niệm tôi vẫn nhớ, hồi năm 1989, khi ấy gia đình tôi chia đôi ra để tìm kế sinh nhai. Tôi, bố và bà nội Trẻ lên Lạng Sơn, tôi không nhớ nơi đó nhưng nó gần chợ Kỳ Lừa, khoảng 5 km gì đó. Trời mùa đông lạnh, mỗi tối phải để than củi vào cái chậu rồi cho vào dưới gầm giường cho đỡ lạnh. Đầu năm ấy, mới Tết xong mẹ tôi và em gái từ Thái Nguyên lên thăm, anh em tôi chơi với nhau trên một bậc thềm đá dẫn xuống suối. Bậc thềm đá ấy chừng tám bậc, nó vô tình trượt ngã từ trên cao xuống dưới mà không hề hấn gì, cũng không khóc, chỉ bẩn quần áo mà thôi, tôi thì sợ bị đánh vì không trông em cẩn thận. Nó đã không mách mẹ tôi!
Nhưng đấy là lần cuối cùng tôi được gặp và chơi cùng với nó. Sau này, như các ông bà thầy bói từng nói giống nhau, nó đi theo để phù hộ cho riêng tôi, nhưng đó là sau này, còn lúc nghe tin em mất tôi chưa đủ lớn để hiểu nỗi đau ấy.
Em tôi đã mất vì bệnh viêm màng não!
Người chạy xe máy lên báo tin em gái tôi nguy kịch là ông bác họ, từ Thái Nguyên lên tới nơi tôi ở cũng chừng hơn 150 km, đường xá thời đó nhiều đoạn khó đi chứ không dễ như bây giờ, đi từ sáng sớm đến trưa mới tới nơi.
Tôi được cho về cùng, ngồi trên bình xăng chiếc Simson màu đỏ, tôi nhớ bố tôi chạy rất nhanh, chừng 50 đến 60km/h ở những đoạn đường đẹp, bác tôi chạy theo sau. Đến một đoạn đường khá thẳng, có hai hàng cây ăn quả sum suê bên đường, một đám trẻ cũng tầm tuổi tôi đang chơi đùa thì bất thình lình một đứa chạy băng qua đường, bố tôi tránh không kịp.
Huỵch! Hự!
Tôi vẫn nhớ khoảnh khắc thằng bé đấy (chừng 8, 9 tuổi) nhìn tôi, tôi nhìn nó, bốn mắt nhìn nhau. Tôi ngồi trên bình xăng còn nó thì bị xe máy đâm phải, hai tay choàng về phía tôi, đầu gần chạm nhau, nhìn nhau như kiểu ngạc nhiên. Tôi nghĩ nó sẽ bị chết! Nhưng điều kì lạ là nó chả làm sao, từ chỗ bị đâm xe đến khi xe dừng cũng phải mười mét, nó đứng dậy phủi quần áo rồi chạy lại chỗ đám bạn.
Bố tôi ngây người ngồi lặng trên xe, bác tôi đến hỏi thăm thằng bé nhưng đúng là nó chả làm sao cả.
- Có lẽ không kịp rồi anh ạ! - Bố tôi nói.
- Ừ, tình hình này chắc anh em mình về tới nơi không kịp nhìn mặt.
Khoảng 5g chiều, chạng vạng, khi xe máy trôi nhẹ xuống con dốc, tôi thấy mẹ tôi, em trai, bà nội Già (tôi có nhiều bà nội)..., rất đông người đang đứng ở cổng, đầu chít khăn trắng xóa, mắt đỏ hoe và sưng húp.
Mọi người vừa đưa em tôi đi chôn trở về!
Em gái tôi, đứa em gái xinh xắn sinh năm 1987, nằm dưới một ngôi mộ nhỏ ven bờ suối, gần công ty gang thép Thái Nguyên, phải đến nhiều năm sau gia đình mới có điều kiện đưa hài cốt em về quê cha đất tổ, chuyến đi đó là một chuyến đi rợn tóc gáy mà tôi sẽ kể vào một dịp khác.
Nhưng vì sao em tôi mất và đi chôn nhanh như vậy?!
Trở lại ngày hôm trước.
Em gái tôi sốt, cho uống thuốc nhưng không giảm, buổi chiều muộn người nhà chở mẹ và em lên bệnh viện đa khoa Thái Nguyên vì chắc nó không chỉ bị ốm bình thường.
Trên đường đi, em tôi sốt cao đến mê man, sợ nó cắn lưỡi nên mẹ tôi cho tay vào miệng, nó cắn làm như muốn đứt rời ngón tay cái vậy. Đến bệnh viện, ngón tay rướm máu của mẹ tôi được thay bằng một cái đũa, nó cắn cái đũa gần như gãy đôi. Tôi không bao giờ biết nó đã đau đớn như thế nào, mẹ tôi cũng chỉ biết khóc, lúc ấy em gái tôi chưa đầy hai tuổi.
Bác sỹ nói nó bị viêm não Nhật Bản, nghe đâu bệnh này thời đó gây ra cái chết cho nhiều trẻ em, tôi cũng chưa bao giờ tìm hiểu về bệnh này, trong cuộc sống, đôi khi có những điều càng tìm hiểu lại càng khiến ta đau lòng, lại khiến ta ước "giá như ..."
Tôi chưa bao giờ hỏi lại chi tiết việc này, chỉ biết rằng khi bệnh viện trả về nó mất trên tay mẹ tôi, giữa trời đêm lạnh của tháng 2 Âm lịch, tôi cũng không bao giờ hiểu cảm giác khi đó của mẹ tôi lúc ấy, chỉ biết rằng hơn 30 năm trôi qua vào ngày giỗ của nó, mẹ tôi không thắp hương, không hỏi han, cũng không kể, hiếm lắm có người gợi chuyện mẹ tôi chỉ nói dăm ba câu qua loa. Mỗi khi tôi thắc mắc về việc này thì mẹ tôi chỉ nói:
- Sao tao phải thắp hương cho nó? Nó là con tao, tao thương nó vậy mà nó bỏ tao đi.
Tôi cảm nhận trong câu nói ấy có chút hờn giận, chút đau khổ, chút bi ai ..., tôi thật không cảm nhận được hết vì tôi không phải phụ nữ, không mang nặng đẻ đau chín tháng mười ngày, không hiểu được hết tình mẫu tử. Tôi chỉ biết nghe và im lặng, đó là quyền lựa chọn của mẹ tôi, còn với cá nhân tôi, khi đó còn quá nhỏ để hiểu nỗi buồn đau là như thế nào.
Bố tôi về đến nơi khi việc chôn cất đã xong xuôi nhưng mọi thứ quá nhanh, bố tôi có lẽ cũng thấy buồn vì việc không kịp nhìn con gái mình lần cuối.
- Con chị nó đi, con dì nó tới, số nó làm con chỉ được đến vậy nhưng nó sẽ đưa về đứa khác, Nhưng phải đem chôn ngay chiều nay!
Đấy là lời của bà thầy hay ông thầy nói cho người nhà lúc đến xem giờ mất, giờ chôn. Việc ma chay đều do họ hàng tổ chức một cách nhanh gọn là như vậy, đến bây giờ mỗi khi có người nằm xuống, đi chôn giờ nào cũng phần lớn do bà thầy hay ông sư đưa ra.
- Từ khi nó biết nói đến lúc nó chết, nó chỉ gọi mẹ xưng tên chứ không xưng con với tao bao giờ! Số nó được đi hầu Quan Âm nên nó không chịu xưng con với ai!
Mẹ tôi nói tiếp, trong khi tay vẫn không ngưng công việc bán hàng ở chợ.
Nhưng cuối năm 1989, tôi lại có thêm đứa em gái khác thật!
Từ lúc em gái tôi mất đến lúc con bé em gái út ra đời chính xác là 9 tháng 1 ngày, cũng cùng năm đó. Con bé út nhà tôi lớn lên với nước da bánh mật chứ không trắng (bây giờ dùng đủ các thể loại dưỡng da với ở nhà chơi nên mới trắng theo trend) ảnh chụp bây giờ nhìn khá giống Hiền Hồ, tôi hay gọi là Hàm Hồ vì ít nhiều nó cũng phải dùng app chứ, Hiền Hồ tôi nghe nói còn rất trẻ, nó thì đã ngoài 30 rồi. Con bé út từ nhỏ đến lớn không xa rời mẹ tôi nửa bước, khi lấy chồng điều kì lạ là bố mẹ tôi chuyển cửa hàng đi đâu thì chỉ chừng một, hai tháng sau nhà nó lại chuyển đến gần đấy. Kể ra trong ba anh em hiện nay nó vẫn là đứa được chiều từ nhỏ, lấy chồng cũng được cưng, cuộc sống hiện tại chỉ thấy dành thời gian chăm con và săn đồ sale off, tính toán uống trà sữa gọi chỗ nào lợi giá, make up cho con trai và con gái lên hình như người mẫu ảnh... tuyệt nhiên không màng thế sự. Kiểu như miệng thì kêu nghèo khó nhưng tay thì order đồ ăn đồ uống nhanh như chớp. Thi thoảng tôi đọc thấy tus các bạn trẻ viết rằng "đám cưới có nên mời anh shipper không?" Ây, tôi cứ tưởng đó là nó cơ đấy.
Sau khi em tôi mất được chừng ba tháng thì mọi thứ xáo trộn, bố tôi không làm ăn trên Lạng Sơn nữa, còn mẹ tôi cũng muốn bỏ Thái Nguyên, như kiểu chạy trốn nỗi đau.
Cả gia đình đi Hòa Bình, lên xứ mà người ta gọi là rừng thiêng nước độc, bằng chiếc xe Gaz màu xanh, lỉnh kỉnh những đồ đạc. Điểm đến sau cùng là gần ngã ba Xưa, người ta hay gọi đùa là ngã ba say, đã nhiều năm rồi, tôi không rõ địa điểm này bây giờ ra sao. Huyện Lạc Sơn, Hòa Bình này người Kinh sống lẫn với người Mường nhiều, người Mường nghe đâu có nhiều bùa chú. Ví dụ như bùa yêu, bùa yêu thời đó nghe đâu dùng cây mía để làm phép, tôi chịu! Bùa thì không thấy nhưng việc người bị ma nhập thì cũng nhiều lần thấy, chả rõ ma rừng hay ma nào nhưng người bị nhập làm nhiều hành động kì quái, làm nhiều thứ không tưởng! Họ có thể trèo lên nóc nhà nhanh như con thạch sùng vậy.
Đã nhiều năm, tôi không còn nhớ tên cái nông trường nơi gia đình tôi đã sinh sống, dân ở cũng tương đối đông và cây cối thì bạt ngàn, nhà nọ cách nhà kia chỉ chừng ba con dao quăng.
Gia đình tôi thuê lại một căn nhà nhỏ của vợ chồng bác Chín Hợi, vợ chồng bác này cũng từ vùng khác đến làm kinh tế mới hồi sau giải phóng. Căn nhà lợp mái tranh vách đất giống như nhiều căn nhà ở miền núi Tây Bắc thời cuối những năm 80 thế kỉ trước.
Ổn định chỗ ở được vài ngày thì tôi bị ốm, sốt cao, bà nội tôi bảo do lạ nước, nhưng tôi bị sốt cao nên đã sinh ra ảo giác.
Trong những cơn sốt tôi mơ thấy rất nhiều bộ đội, bộ đội bắc thang trổ mái nhà rồi leo lên đứng trên đấy hò hét bắn máy bay?! Cơn mê sảng ấy cứ lặp đi lặp lại, những chú bộ đội quần áo sạch sẽ, mũ cối mới tinh tươm cứ lần lượt đi qua trước mặt tôi, rồi cái thang xuất hiện, rồi lần lượt leo lên, hô bắn rồi lại biến mất.
Tôi không sợ, đúng hơn là không biết sợ, tôi kể lại cho bà nội những hình ảnh ấy, bà tôi không nói gì. Tôi có nói những điều mình nhìn thấy trong cơn mê cho những người lớn khác nhưng không ai giải thích cho tôi, đáp lại là sự im lặng. Về sau tôi được biết trong khu vườn rộng bạt ngàn đấy đã từng dính bom B52 rải thảm, một tiểu đội hay trung đội pháo cao xạ đã hi sinh, có người tìm thấy xác, một số không phân biệt nổi các bộ phận trên cơ thể, sau hòa bình, mộ phần đã được đưa về nghĩa trang, đấy là những điều tôi được nghe kể lại, không rõ tính xác thực đến đâu.
Gia đình bác Chín Hợi có mấy người con, trong đó có một anh con trai lớn tên H. chừng 16 tuổi, anh ấy rất khỏe, ngoài việc học thường hay làm mấy công việc nặng để kiếm tiền, như đào huyệt, đào móng nhà..., lần đấy anh H. đi cùng phường thợ đào móng nhà cũng gần nông trường, tôi chưa đi học nên cũng đi theo để xem, trẻ con mà, chơi loanh quanh chỗ người lớn làm nhân tiện hái sim, hái mua, hái mâm xôi ở những triền đồi.
Anh H. đào móng, tôi ngồi chồm hõm gần đấy, bỗng dưng anh dừng việc đào lại cúi xuống lúi húi vạt đất, tôi lon ton lại gần. Lẫn trong đám đất là một thứ, gần giống như bát ăn cơm bằng kim loại, tôi chợt nhớ tới cái bát sắt tráng men ở nhà. Anh H. lấy cái bát đó lên nhìn nghiêng nhìn dọc, cẩn thận gạt những bụi đất còn dính đầy trên bát rồi gọi người khác lại, họ nói gì đó với nhau rồi anh H. ngưng làm, rửa tay chân rồi đi về.
Tôi đi về theo, tôi không phải em trai nhưng anh H. thấy tôi không gây phiền nên cũng không đuổi tôi về nhà, anh H. đi ra chợ gặp một người nói chuyện hồi lâu, người đó xem rồi trả 20000 đồng cho cái bát anh mang tới. 20000 đồng mua được rất nhiều kem mút, số tiền nhiều nhất tôi từng có là 120 đồng, tờ tiền to nhất tôi từng có là tờ 50 đồng.
- Khi nào bà bán kem đi qua tao sẽ mua cho mày hẳn 10 que luôn nhé N.
Anh H. nói với tôi, tay đút tiền vào túi, tôi lại theo anh đi, lần này là về nhà thật.
Sáng hôm sau khi ngủ dậy tôi đi tìm anh H. để đi theo xem đào đất tiếp, nếu vô tình gặp bà bán kem thì được ăn kem nữa, hẳn 10 que.
- Thằng H. ra trạm xá sáng nay rồi!
Bà tôi nói trong khi đưa cho tôi bắp ngô luộc.
Qua ngày hôm sau nữa anh H. vẫn chưa về, nhà bác Chín Hợi cũng nhốn nháo, một đứa 5 tuổi như tôi dĩ nhiên chả biết chuyện gì đang diễn ra, đến chiều tối thấy nhiều người lớn ngồi quanh bàn uống nước, có cả bố tôi nữa, tôi thì cũng không vắng mặt, tôi ngồi cạnh cửa hông của căn nhà mải nghĩ khi nào gặp anh H. để ăn kem.
- Chắc phải đưa cháu nó lên huyện, ở trạm xá người ta không biết bệnh gì cả, cháu nó cứ mê man nói linh tinh rồi ôm đầu la hét. - Bác Chín nói.
- Đưa cháu lên huyện luôn bác ạ, em chở đi. - Bố tôi nói.
Bác Chín ngập ngừng, nhấp chén trà mắt nhìn chăm chăm vào ly nước.
- Nếu bác thiếu tiền thì em đưa trước tiền thuê nhà để bác dùng. - Vẫn là bố tôi nói tiếp.
- Lên huyện thì không khó, cái tôi lo là không biết cháu nó bị cái gì, đêm hôm trước đi ăn cùng đám thợ đào móng cho nhà Tùng, nó ra ngoài đi tiểu xong la hét ôm đầu rồi không nói thêm được gì nữa. - Bác Chín rầu rĩ.
- Chắc là trúng gió, uống rượu ban đêm ra ngoài có khi phải cảm bác ơi. - Ai đó lên tiếng.
- Có khi ăn phải đồ ôi thiu, hôm qua đám thợ đào móng nhà Tùng nghỉ cả loạt, nghe đâu bị tiêu chảy. - Một trong số người lớn bổ sung thông tin.
Ngồi thêm một lúc, quyết định đưa anh H. lên bệnh viện huyện, mọi người đứng dậy toan ra về, tôi lại gần bố tôi, vô tình buột miệng:
- Hôm kia anh H. có đầy tiền, tận 20000 đồng cơ, bố không phải cho bác Chín mượn đâu!
Tôi thấy sự khó hiểu trong mắt bố, ông nheo mắt lại, quay đầu nhìn bác Chín, bác ấy có vẻ cũng chả hiểu tôi nói gì. Tôi nói tiếp như sợ người lớn không để tâm tới.
- Con nói thật, 20000 đồng đấy, nhiều lắm, bán có một cái bát ăn cơm thôi, anh ấy hứa mua kem cho con nữa mà.
Choang!
Tiếng cái gì đó rơi vỡ, tôi không biết, xung quanh tôi tiếp theo đó là sự im lặng của người lớn, có vẻ họ đang nhìn lẫn nhau.
Một ông khoảng ngoài 60 tuổi, râu cằm mọc đen, dài dài nhưng không mượt như trong phim bây giờ, lao tới vồ lấy 2 vai tôi, đôi mắt mở lớn vẻ ngạc nhiên, thở gấp gáp:
- Bát à, bát ăn cơm đấy bán cho ai? Trông nó như thế nào? Cháu biết không?
Tôi kể lại những gì mình thấy rành mạch, có vẻ thông tin có ích thật, ai đó nói rằng phải đi hỏi ông chủ thầu xem có đúng là đào được cái bát khi đào móng hay không, trẻ con nói thật nhưng vẫn phải xác minh cho chắc.
Đúng như tôi kể, người lớn biết được thứ anh H. đã đào là đồ cổ, mang bán được tiền nên đêm hôm kia cả nhóm thợ đi ăn thịt chó, uống rượu túy lúy, đang ăn thì thấy anh H. kêu la, tay ôm đầu nên đưa ra trạm xá, còn những người khác bị tiêu chảy nằm ở nhà đến nay vẫn chưa hết bệnh.
Phải đi mời thầy cúng về!
Mệnh lệnh đã được đưa ra, người già trong khóm dân cư ấy đã đưa ra lời khuyên phải mời gấp thầy cúng về, nếu muộn e là sẽ có người mất mạng.
Trời gần về khuya, thầy cúng đã được mời tới nhà, trẻ con không được xem nhưng lúc tối bác gái đã ra chợ mua nhiều thứ lỉnh kỉnh tôi lần đầu nhìn thấy.
Anh H. đã lấy bát ăn cơm của người âm, một cái bát bằng kim loại, bây giờ người ta đòi phải trả lại nếu không sẽ phải chết! Việc này bây giờ có hoang đường không? Nhưng hơn 30 năm trước, lời thầy cúng đã như thánh chỉ, bác Chín lập tức đi gặp người mua nói chuyện chuộc lại đồ, người kia cũng không gây khó dễ, có lẽ họ hiểu.
Nửa buổi sáng hôm sau anh H. về, có vẻ tiều tụy hơn, mặt nhợt nhạt, đôi mắt lờ đờ. Sau này anh kể lại rằng, đang ăn nghe tiếng ai đó gọi ra ngoài, bước ra khỏi quán nhậu là bãi đất trống ven đường, dưới ánh đèn điện màu vàng nhạt hắt ra từ quán, có 2 cái bóng mờ mờ cởi trần lao tới khóa tay theo kiểu giật cánh khuỷu, một bóng khác tát và đạp vào đầu anh rất nhiều đến choáng váng. Họ liên tục tra hỏi anh về bát ăn cơm đã bán đi đâu, bán cho ai, phải trả lại ngay nếu không sẽ giết anh, anh H. muốn la lên kêu cứu nhưng lại không thể nói ra tiếng, đến khi tỉnh lại thì thấy mẹ anh ngồi cạnh giường trong trạm xá. Thứ đồ anh tìm thấy có lẽ không phải chỉ là bát ăn cơm của một con ma bình thường.
Mọi thứ lại yên bình trở lại, việc anh H. lấy bát của người âm đi bán rồi ai cũng biết nhưng là chuyện có vẻ như chuyện bình thường vậy.
Tôi được cho đi học lớp 1, bố tôi khai gian tuổi để đi học cho đỡ đi theo người lớn, việc đi học cũng không có gì ghê gớm, tôi vào học cũng đã giữa tháng 10 của năm 1989 tại xã Xuất Hóa, Lạc Sơn, Hòa Bình.
Vào một buổi tối, khoảng chừng 7 giờ, cả nhà tôi đang ăn cơm bỗng nghe tiếng bước chân chạy, tiếng la hét đâu đó vọng lại.
***
Ngoài trời tối, cả nhà tôi bước ra sân chưa biết ai vào ai, phía con đường đất cách xa chừng vài chục mét có loang loáng bốn, năm ánh đèn pin của một nhóm người soi ngang dọc, tiếng nói xen lẫn tiếng gọi í ới.
Bố tôi cũng mang theo đèn pin, loại chế thêm 2 cục pin để sáng lâu hơn (bác nào biết loại này cũng phải ngoài 30 tuổi), tôi nhanh chóng nhận ra người quen trong nhóm người ấy, là ông Q., ông Q. làm trong nông trường này đã lâu, tuổi cũng gần 50 còn những người khác tôi đều không biết. Tôi lúc này mới chỉ 5 tuổi rưỡi nên chỉ nhớ được những sự kiện chính, con người để lại chút dấu ấn mà thôi.
- Có chuyện gì thế chú Q?
Bố tôi cất tiếng hỏi, nhanh chóng tiến lại gần, tôi và mẹ tôi cũng đi theo.
- Con L. nhà tao chắc bị nhập! Nó mới chạy về hướng này.
Người lớn nghe qua đã hiểu câu chuyện, tôi lúc ấy cứ thấy đông người là thích tham gia hóng, không hiểu gì cũng hóng, dù sao cũng thích hơn ở nhà.
Nhóm người dò dẫm đi trong bóng tối.
- Kia, đằng kia có người! - Tiếng ai đó hô lên, nhiều ánh đèn cùng rọi theo hướng đấy.
Cách chừng 50m, cạnh vườn sắn nhà ai đó là một người tóc dài bù xù, một phần trùm qua khuôn mặt che mất một bên mắt, quần áo xộc xệch với nhiều vết bẩn, chân đi đất, trên tay cầm củ sắn có lẽ vừa bới được.
- L! bố đây, đứng yên con ơi!
Chị L. bỏ chạy, chạy nhanh, trời tối không trăng mà chạy như nhìn thấy rõ đường vậy, thoắt một cái đã mất dấu. Ba người thanh niên trong nhóm kiên trì đuổi theo với đèn pin trên tay, những người khác bị rớt lại phía sau, tiếng ông Q. gọi con í ới, xung quanh vẫn là bóng tối...
Mấy người thanh niên kia bắt được chị L. mang quay lại, tay chân chị bị trói bởi dây nhợ bện như dây thừng, một người vác chị trên vai, chị giãy và gào lên những tiếng khó hiểu.
- Đưa nó vào trong nhà, đứa nào đi bẻ cành dâu ngoài bãi tha ma về!
Một bà cụ nhìn mấy thanh niên lên tiếng khi chị L. đã được vác vào trong nhà, vẫn không ngừng la hét mãi không thôi. Tôi không biết bãi tha ma là gì và ở đâu nhưng cây dâu thì ngoài vườn đầy ra, xứ này nhà nào chả có.
Một người hàng xóm ông Q. và hai thanh niên sẽ là những người đi lấy cành dâu, bỗng dưng họ nhìn tôi, cười cười hỏi:
- Mày con chú K. phải không? Đi chơi với bọn anh không?
Tôi gật đầu cái rụp, rủ đi chơi sao lại không đi, dù sao tôi cũng muốn biết bãi tha ma ở đâu và cành dâu phải đi lấy về có gì đặc biệt chứ. Tôi hỏi bố, bố tôi đứng gần đấy chỉ gật đầu và dặn dò đi với các anh phải biết nghe lời.
Bốn người cùng đi, tôi cũng được cầm một cái đèn pin loại bình thường, bây giờ tôi vẫn nhớ cái trò xoay xoay phần trên của đèn để ánh sáng hình tròn to ra hoặc úp bàn tay mình lên và thấy cả bàn tay đỏ hồng.
Các bạn thắc mắc những đứa bé khác đâu? Tại sao chỉ có mình tôi? Về sau tôi biết những chuyện này cũng hay xảy ra nên đám trẻ như tôi hay lớn hơn tôi không còn quan tâm mấy, có những thứ hấp dẫn chúng nó hơn rất nhiều, ví dụ cái tivi National vỏ màu đỏ, màn hình đen trắng đang mở ở một vài nhà khá giả trong xóm, nhà tôi chưa có tivi nhưng tôi không ham cái này lắm vì tôi cũng thấy mấy lần rồi.
Tôi cũng không bận tâm tại sao một thằng trẻ con như tôi lại được rủ đi chơi, cần gì phải lí do nhỉ? Thời đấy người trong xóm biết rõ nhau, biết con nhà ai, cũng chưa có bắt cóc như bây giờ, chí ít là ở cái nông trường này (thật ra là Nông lâm trường khai thác gỗ và chè của Nhà nước nhưng khi ấy chẳng ai nói với tôi cả).
Đi chừng mười phút, một anh dừng lại nói với tôi.
- Cởi quần ra!
Tôi hơi ngạc nhiên, ừ thì cởi, tôi cũng không thắc mắc. Chú lớn tuổi đi cùng đưa cho tôi một cái bát sắt và bảo:
- Mày đái vào cái bát này!
Tôi nhận lấy cái bát sắt, đưa đèn pin của mình cho anh kia cầm và đi tiểu dưới ánh đèn pin soi rọi, làm như việc đi tiểu của tôi rất quan trọng vậy. Chừng gần một phút, nước tiểu được lưng cái bát sắt ấy thì hết nước, ba người lớn nhận lại bát nước tiểu, đặt xuống đất rồi lần lượt từng người... thò tay vào, xoa xoa bàn tay với nhau kiểu như sát khuẩn Covid bây giờ vậy, tôi cũng được bảo làm theo. Sau này tôi mới biết làm như vậy để không bị ai đó cầm tay dắt đi lạc trong đêm?! Sau này nước tiểu của tôi còn được hàng xóm lấy để cạo gió nữa!!! Thật sự là thần kỳ đấy, cái thứ nước vàng vàng, khai khai ấy lại có nhiều tiện ích như vậy.
Bãi tha ma không có hàng lối, mộ to mộ nhỏ lung tung, tiếng gió thổi rì rào bên tai bỗng nhiên tôi thấy hơi lạnh. Nãy ở nhà đi hóng chuyện chỉ quần cộc áo may ô, nói thật là tôi không biết sợ, có ai kể gì với mình hay nói gì với mình đâu mà sợ, nơi đây là chỗ ở của người đã chết, tôi chỉ biết đến thế. Một vài ngôi mộ được xây bằng gạch còn phần lớn vẫn là đất, không có bia mộ. Bãi tha ma này nằm ven chân đồi, bên cạnh xóm, chỗ này tôi chưa biết đến mặc dù đã đến ở xóm này khoảng 4 tháng.
Cây dâu tìm không khó, ở vùng rừng núi tìm cây thì có gì khó đâu, trong bãi tha ma mọc nhiều cây dại, dĩ nhiên có cả cây dâu. Tôi được phân công cầm hai đèn pin soi cho người lớn, tôi thấy thất vọng vì cây dâu này không có gì đặc biệt, nó rất bình thường, thậm chí nhìn xơ xác như cây đói ăn vậy.
Trở về gần nhà ông Q. lại thấy ồn ào, chị L. không biết bằng cách nào đã cởi được dây trói lúc này đang đứng trên nóc nhà la hét ầm ĩ còn mọi người tụ tập trước sân. Tôi lại được yêu cầu tiểu ra bát! Nhưng tôi không rặn được tí nào, tôi mới tiểu trước đó chưa được nửa tiếng cơ mà.
Trẻ con dĩ nhiên không thiếu nên chỉ một loáng sau đã có hẳn hai bát nước tiểu mang về, cái cảm giác người lớn chờ đợi mình tiểu vào cái bát thật buồn cười, ở nhà mà chơi trò này thì bị đánh cho nát đít như chơi, đằng này bát nước tiểu được bưng về rất cẩn thận. Bây giờ xã hội phát triển, ở các vùng quê người ta hẳn cũng rất hiếm dùng nước tiểu trẻ con rồi, có vấn đề gì đều đã có bác sĩ lo.
Mấy cành dâu mới bẻ về mau chóng được nhúng vào bát nước tiểu đưa cho mấy thanh niên leo lên mái nhà, chị L. bỗng dưng im bặt tiếng la hét, co rúm người lại và dễ dàng bị bắt lại đưa xuống.
Trong căn phòng đầu hồi nhà ông Q. tiếng roi dâu vun vút quất lên người chị L., sau đó là từng tiếng rú lên, chừng hơn nửa tiếng sau ai về nhà nấy, chỉ còn người thân quen ở lại, tôi cũng bị đá đít về.
Chị L. bị vong nhập, một vong nữ chưa có chồng, thầy cúng người Mường được mời tới để trừ ma, chị L. cũng thất thần một thời gian ngắn sau đấy mới trở lại bình thường. Từ đó tôi biết được vài kinh nghiệm dân gian, biết tác dụng của nước tiểu nhưng tôi vẫn chưa thấy con ma nào.
Chuyện ma nhập rồi phải làm lễ trừ ma nó như chuyện cơm bữa, một tháng đôi ba lần tôi nghe kể lại lúc đến lớp, lúc gần hết lớp 1 tôi còn nghe kể rằng cô giáo trong trường đã bị bùa yêu của người khác, bỏ dạy đi lấy chồng, đấy là tôi nghe thế chứ không tham gia sự việc. Bùa ngải vẫn là thứ được nói thường xuyên nhưng đa phần không ai nhìn thấy.
Việc học của tôi nói chung là suôn sẻ, tôi nhập học trễ lại ít tuổi hơn đám bạn nhưng đến hết lớp 2 tôi đã là học sinh giỏi nhất lớp, chữ viết đẹp như chữ con gái. Việc viết chữ đẹp hay học giỏi không phải vì tôi phấn đấu hay tài năng gì, là do tôi sợ bị bố tôi đánh mà thôi!
***
Cũng phải liệt kê vài nét về gia đình không giàu truyền thống cách mạng của tôi để sau này bạn đọc dễ hiểu hơn vì có nhiều sự kiện đan xen. Tôi vẫn khẳng định cuộc đời mình chưa từng nhìn thấy quỷ bao giờ, không thấy quỷ nhưng lại được chứng kiến và trải qua nhiều chuyện khó lí giải, có chuyện các bạn sẽ thấy quen như chính bản thân các bạn từng trải qua vậy, mỗi người sẽ có những cách lý giải khác nhau tùy vào góc nhìn mỗi người.
Cụ tôi là một người bán bánh rán, bánh trôi ở chợ, tích cóp nhiều rồi mua ruộng đất, đến đời ông nội tôi và hai người em gái, khoảng thập niên 1930, thì trở thành địa chủ, ruộng đất thẳng cánh cò bay, người giúp việc cũng lên tới hàng chục, xếp hạng giàu có thì đứng thứ năm trong làng, làng tôi lại giàu nhất xã, thời nay cũng có thể vỗ ngực tự xưng đại gia không chừng.
Làng tôi giống như một ốc đảo, bao quanh là lũy tre dày đặc, kế lũy tre là mương nước tưới tiêu rồi kế đó là ruộng lúa bạt ngàn kéo dài hàng km đến rìa làng bên cạnh, địa thế ở vào cuối huyện này, đầu huyện kia.
Ông nội tôi lấy vợ đầu tiên lúc khoảng 13 tuổi, đưa đón dâu đều phải cõng, 100 năm trước không lạ nhưng bây giờ là được tặng lịch ngay. Người vợ thứ hai ông tôi cưới lúc 18 tuổi lại được xem như vợ cả vì bà cưới đầu tiên đã... bỏ về nhà, cũng không ở với nhau ngày nào. Bà Cả đẻ được mấy người con đều chết lúc còn đỏ hỏn, đến 25 tuổi ông tôi lấy tiếp một bà nữa ở khác huyện, bà này chính là bà nội Già của tôi, chúng tôi gọi là bà Già, tôi không biết tại sao nhưng cũng không quan trọng, bà Già là người gắn bó với tôi suốt thời thơ ấu cho đến khi trưởng thành.
Bà Già trước khi lấy ông tôi là giao liên cho cách mạng, hoạt động trước Khởi nghĩa 1945, sau này mãi đến lúc 75 tuổi mới có chứng nhận có công và thêm cái huy hiệu ngôi sao. Bà Già cũng đẻ được sáu người con nhưng cũng không nuôi được ai quá thôi nôi, có lẽ phần nào đó bị nhiễm trùng uốn ván vì cắt rốn bằng liềm chăng?
Nguy cơ nhà tôi bị tuyệt tự là rất cao, ông tôi là con trai duy nhất trong nhà, của cải mỗi ngày một nhiều, cũng nuôi giấu và ủng hộ cách mạng nhưng đến lúc cải cách ruộng đất bị lên thành phần địa chủ thì... mất hết, còn giữ được cái mạng là may mắn, hàng ngày bị người làng lôi ra sân đình đấu tố, chửi rủa trong cả một thời gian dài, đến khi chính phủ sửa sai thì nhà cửa, ruộng vườn đã chia hết cho người trong làng sạch sành sanh chẳng còn lại gì, kể cả chồi cùn, rế rách, đòi lại làm sao được. Bây giờ các bạn Google sẽ ra rất nhiều thông tin về thời kì này ở miền Bắc, các bạn sẽ thấy đấu tố kinh khủng đến mức nào. Nhiều người đã chết oan, ông tôi may chỉ mất của và còn mạng.
Ông nội tôi, bà Cả và bà Già bị đuổi ra rìa làng, căn nhà năm gian hai chái bằng gỗ quý được đổi thành một cái lều vịt cũ rách nát, trên khoảnh đất rộng chừng 800m² hoang tàn ấy còn được khuyến mãi thêm cái miếu cũ đổ nát. Ba người bắt tay vào gầy dựng từ đầu, chỉ khi đêm đến thì anh em họ tộc mới có thể tới giúp, người giúp sức, kẻ giúp đồ ăn thức uống vì lúc này ông tôi vẫn bị đấu tố, không thể mua bán được cái gì và cũng chẳng ai dám bán cho. Cái thời điểm đấy nó kinh khủng như vậy đấy, bị cả làng xa lánh chỉ vì mình đã từng giàu có, được gọi là địa chủ. Các bạn đọc sách nhiều cũng thấy, nếu không có những người địa chủ giúp cách mạng thì lúc đấy cách mạng sẽ thêm bội phần khó khăn.
Nhà tranh vách đất cùng cái bếp đều lợp cỏ tranh được hoàn thiện sau cả tháng, đồ đạc không có gì, những thứ mang được theo là bát hương tổ tiên và cái phản gỗ lim làm giường ngủ, mấy thứ này cũng là tài sản thừa kế đến tận bây giờ để nhắc nhở con cháu về những gì đã qua. Quãng năm 1958, ông tôi lại trở nên giàu có nhờ buôn gỗ và buôn vải, mặc dù bị cướp bóc nhiều nhưng không làm ông chùn bước. Năm bốn mươi bốn tuổi, ông tôi được mai mối lấy thêm vợ lẽ, bà Cả đã mất được mấy năm, chỉ còn ông nội và bà Già, người vợ mới này của ông chúng tôi gọi là bà Trẻ.
Điều buồn cười nhất chính là bà Trẻ tôi lại là chị ruột của người từng chủ trì việc đấu tố ông tôi mấy năm trước, là người chửi ông tôi nhiều nhất, miệt thị bằng nhiều từ ngữ nay đã thất truyền nhất, mãi sau này chúng tôi vẫn không có thiện cảm với em gái của bà Trẻ, mặc dù chuyện đã xảy ra hơn 60 năm, nhưng bạn biết đấy, cuộc sống luôn có nhiều bất ngờ.
Bố tôi được sinh ra hơn một năm sau đó, rồi tiếp đến là các cô của tôi, mỗi người cách nhau 3 năm, vậy là nhà tôi thoát cảnh tuyệt tự.
Trở lại lúc tôi học gần xong lớp 3, khoảng tháng 5 năm 1992, tôi hay tin mình sẽ được kết nạp Đội cùng những bạn học sinh giỏi khác, điều này dĩ nhiên là vinh dự cực phẩm. Đeo trên cổ tấm khăn quàng đỏ lúc vào lớp 4 là rất oai, bởi điều này chứng tỏ rằng bạn là học sinh ngoan và giỏi, ngoài sự e dè của đám bạn còn là ánh mắt trìu mến của thầy cô giáo.
Tôi cho rằng bản thân mình là đứa thông minh, không phải là một đứa học giỏi, đến sau này tôi vẫn học kiểu tài tử và thường thích những công việc đầy mơ mộng viển vông nhưng dù sao tôi vẫn là niềm tự hào của bố mẹ từ lúc đi học đến sau này trưởng thành, mặc dù tôi không có gì xuất sắc nhưng ở vào những thời điểm quan trọng tôi lại hay may mắn! 90% thành công của tôi có khi là may mắn và chỉ có 10% nỗ lực mà thôi.
Buổi sáng được kết nạp Đội, tôi thấy rất vinh dự, chỉ chờ tan buổi lễ là chạy một mạch về nhà khoe với bố mẹ, tôi chạy như bay nhưng về đến nhà không thấy ai, vắng lặng như tờ. Năm này bố mẹ tôi đã mua nhà với giá 5 triệu đồng của bác kế toán nông trường, tôi nhớ đâu đó đất rộng khoảng tám sào Bắc Bộ, có vườn chè, cây ăn quả và một nhà rộng.
Sang nhà hàng xóm hỏi, khi hỏi vẫn cố khoe cái khăn quàng nhưng có vẻ bác hàng xóm không quan tâm...
- Nhà mày lên Mãn Đức sáng nay cả rồi!
Ơ! Sao đi vội thế nhỉ? Sao tôi lại không được đi? Thị trấn ấy cách chỗ tôi ở khoảng 30km nơi đó là nhà cô ruột của tôi đã ở từ lâu. Cô và chú chính là người đã rủ bố tôi di chuyển từ Thái Nguyên lên xứ này. Tôi lững thững quay về, chán nản và cụt hứng, tôi đã tưởng tượng ra sự vui mừng của mẹ, hay tự hào của bà nội.
- Này! Thế mày có lên đấy không tao bắt xe cho, chú mày mới chết sáng nay đấy!
Thịch!
Tôi đứng chết trân, nghe rõ tim mình đập từng tiếng, mới tuần trước chú B. còn ghé nhà tôi cơ mà, tại sao lại chết nhanh như thế?
***
Một người quen của gia đình đã lấy xe Honda 67 màu đen với tiếng pô giòn tan của bố tôi gửi ở nhà hàng xóm chở tôi đi lên nhà cô chú. Tôi ngồi sau cứ suy nghĩ miên man, cả nhà tôi gồm hai bà nội, bố mẹ và hai em đã lên đó lúc sáng sớm bằng xe UAZ thuê của nông trường, chẳng hiểu sao lại không qua trường đón tôi đi cùng luôn.
Những năm này, ở Quỳ Châu và Thái Nguyên rộ lên phong trào đi đào đá đỏ và đào vàng, bố tôi cũng bắt trend nên tay nải rời nhà, bố tôi quyết định theo hướng mua bán nhỏ lẻ vàng cám của những người đào ở bãi vàng trên Thái Nguyên, được một người có máu mặt bảo kê nên cũng tay cân tay tiền vào hành nghề ở bãi mà không gặp khó khăn gì. Sau một lần cân gian bán thiếu cho giang hồ tại bãi, bị bẻ cân, chỉ thiếu chút nữa thì bỏ mạng trong rừng sâu, nếu không có đại ca ở bãi đó đứng ra thì tôi mồ côi cha luôn từ những năm đấy. Khi trưởng thành, tôi được kể rằng người đại ca của bãi vàng giúp bố tôi lúc ấy khi còn trẻ đã lăn lộn cùng bố tôi mua bán súng quân dụng và bị bắt ở Lạng Sơn, bố tôi thì thoát được chạy về nhờ người quen là công an cứu bác đó ra, vì thế hai người mới thân thiết như vậy.
Bố tôi từ bỏ nghề mua bán vàng cò con ấy, tôi cũng thoát cảnh một tháng có vài ngày vào buổi tối đứng đạp cái pen hơi để bố khò vàng cục nhỏ thành hình những cái nhẫn, mặc dù được cho tiền mua kẹo, mua kem nhưng việc đạp vào cái pen như bơm xe đạp ấy rất mệt, phải đạp đều và liên tục, tôi cũng chả biết cái dụng cụ đấy gọi là cái gì.
Thất nghiệp nghề vàng, bố tôi chuyển qua bán tivi cho người Mường và thu mua hạt sa nhân. Tivi mua từ Hà Nội, vẫn là cái hiệu National vỏ màu đỏ, có tặng kèm thêm một tấm nhựa màu xanh chắn màn hình để tivi có vẻ như... có màu, đỡ nhìn đen trắng nhàm chán, mỗi cái tivi được bán thành công mang lại lợi nhuận đến 400 nghìn đồng, khoảng 3 chỉ vàng bây giờ, còn hạt sa nhân thu mua thì lại bán về Hà Nội. Bởi vậy nhà tôi cũng thuộc diện có điều kiện kinh tế ở khu nông trường và vì thế bố tôi cũng có nhiều bạn bè, điều này ngay từ nhỏ tôi đã tự hiểu, người làm ăn buôn bán luôn có nhiều bạn bè hơn những người làm nghề khác.
Tôi đến nơi vào buổi trưa, đám ma đã có cờ báo tang treo ven đường, căn nhà 2 tầng khang trang có mặt tiền nằm ở chân cầu, giờ tôi không còn nhớ tên, bên hông là con suối nhỏ. (Nếu bạn nào đó đang ở thị trấn này chắc sẽ biết tên cây cầu đó mà thôi).
Chú tôi (ở miền Trung và miền Nam gọi là dượng) treo cổ tự tử!!!
Không biết nguyên nhân như nào, người thì bảo thua cờ bạc nợ nhiều, người thì nói do buồn chuyện gia đình ở quê..., tất cả chỉ là phỏng đoán của mọi người, đến bây giờ cũng chưa có nguyên nhân cụ thể vì người chết làm sao mà nói đây?
Cô tôi khóc vật vã bên cạnh cái giường ngoài phòng khách nơi chú tôi nằm trên đấy, mặt đã được phủ khăn, tôi chỉ được đứng nhìn từ cửa sổ, mẹ tôi cũng khóc, bà tôi cũng như thế và nhiều người khác nữa. Chú ấy được phát hiện lúc sáng khi đứa con gái lớn dậy đánh răng thấy chân bố mình lửng lơ, thân treo trên xà bếp và lưỡi thì thè ra ngoài, con bé chỉ mới 6 tuổi! Lúc tôi tới nó và hai đứa nhỏ hơn đã được đưa qua nhà người thân trông coi giúp, đứa nhỏ nhất mới chỉ ba tháng tuổi. Tôi không biết việc đó ám ảnh nó như thế nào nhưng nó là một đứa nghị lực tốt, kiên định, sau này đi học lên cấp 3 còn đoạt hạng II khi đi thi học sinh giỏi tỉnh Bắc Ninh, lúc thi đại học nó lại là thủ khoa đầu vào cái ngành nó học của trường ĐH Văn Hóa.
Tôi có hai cô ruột, khi trẻ hai cô đều lấy chồng cùng năm, lúc tính cưới nhiều người đã bảo là không nên vì kiêng kị, các bậc tiền bối trong họ cũng khuyên ngăn nhưng cô út vẫn kiên quyết, bên đằng trai cũng xem tuổi thấy năm đó tốt nên chả ai cản được. Cuộc đời không ai biết được điều gì, cũng có thể ông thầy nào đó nói đúng hoặc kinh nghiệm nghìn năm cha ông truyền lại là đúng. Nói chung, thầy bà tướng số cũng có nhiều loại, nếu như tôi gặp lại bà thầy đã xem tuổi tôi và người yêu, phán cho mẹ vợ tôi cái gì đó làm bà ngăn cản cật lực một thời gian dài chắc chắn tôi sẽ đập bà ta một trận ra trò nhưng cũng có thể bà ấy nói đúng, dù sao cuộc đời vẫn còn rất dài.
Chú B. đã chết, đấy là sự thật, con người hay cười, đẹp trai, cao hơn 1m8 ấy mỗi lần gặp các cháu đều có quà. Tôi nghe đâu bố tôi bảo, chú ấy cũng có tiếng tăm trong giới xã hội đen nơi ấy, đi đâu cũng mang trong người côn nhị khúc, đánh đấm nhiều trận phân cao thấp trong thế giới ngầm.
Vẫn chưa có quan tài nào phù hợp!
Chú ấy cao hơn mức phổ thông lại gấp gáp nên cả thị trấn và lân cận kiếm mãi cũng chỉ có một cái mà khi nhập quan vẫn thừa chân, áng chừng thiếu đến 3cm, tôi chỉ áng chừng vậy thôi, làm gì được lại gần mà biết rõ. Mọi người không biết nên làm sao, người thì to mà quan tài nhỏ lại ngắn, lại phải đưa về quê chôn cất, quãng đường 150km không phải là gần.
Đúng lúc ấy, có một người tôi không biết là ai bước lại gần nhìn rồi quay sang nói gì đó với mấy người xung quanh, sau đấy tách khỏi đám đông đang vây quanh và đi theo bố tôi, đứa tò mò như tôi làm sao bỏ qua cơ hội đi theo chứ. Bố tôi dẫn người lạ ấy vào phòng ngủ của cô chú trên lầu 1, người ấy xem xét một hồi, nhắm mắt lại lẩm bẩm gì đó trong miệng kiểu như niệm thần chú, ra điều rất bí hiểm, tôi vểnh tai nghe nhưng có điều tiếng nhỏ quá tôi chả nghe thấy.
Một lát, bỗng nhiên người lạ mở mắt rồi lấy chân đạp "Phịch" một cái thật mạnh vào phía chân giường, tôi chả biết ông ta định làm gì nhưng cùng lúc ấy dưới nhà xôn xao hẳn lên.
Hai chân người chết đã nằm lọt trong quan tài như một phép màu!!!
Người Mường vẫn có những điều thật kỳ bí, đến nay tôi vẫn có thiện cảm với người Mường hoặc người ở Hòa Bình, có lẽ do họ mang lại cho tôi những điều kỳ lạ ấy.
Chú tôi sẽ được đưa về quê và chôn gần mộ của ông nội tôi, mọi người đã quyết định như vậy và đánh điện về quê và sáng sớm mai sẽ khởi hành...
Chuyến xe tang xuất phát từ thị trấn ấy đi qua thị xã Hòa Bình, qua cả Thủ đô (lần đầu đến Thủ đô trong tình huống này) rồi về quê. Tôi được đi cùng đơn giản vì đã thi xong, chỉ là chưa tổng kết năm và quan trọng tôi là đứa không phá quấy hay gây phiền cho ai.
Còn cách làng tôi chừng 5km thì có sự cố dở khóc dở cười, nghe thì cũng bán tín bán nghi, là do đường đi quá dài nên... vàng mã mang theo rải đường bị hết!!! Xe chở áo quan không thể di chuyển được, máy xe nổ bình thường mà xe cứ ì ra như bị ai đó kéo lại! Bác tài xế mặt tái mét còn mọi người lại nháo nhào gom tiền lẻ lại, những tờ 100 đồng, 200 đồng, 500 đồng, 1000 đồng, 2000 đồng, 5000 đồng được giao cho một bác phụ nữ. Những tờ tiền được vứt xuống dưới đường, cái xe chở áo quan lại bon bon chạy, tôi ở trên xe ca Hải Âu (xe khách) thấy mọi người im lặng, trán vài người lấm tấm mồ hôi còn tôi thì tò mò việc đấy rất nhiều.
Bà Già giải thích cho tôi rằng rải vàng mã xem như lộ phí đi đường đưa cho ma quỷ, cô hồn để chúng không gây phiền nhiễu hay gây khó khăn cho việc đưa tang, vì hết vàng mã nên ma quỷ kéo xe tang lại không cho đi tiếp. Nghe thì biết vậy, mấy năm sau tôi được trải nghiệm kĩ hơn cái này, không nhìn thấy gì nhưng lại cảm nhận thấy cái gì đó, nói thật lúc đấy chỉ còn thiếu điều đái ra quần mà thôi, muốn chạy nhưng chân đông cứng.
Bây giờ tình trạng rải vàng mã vẫn còn dù Nhà nước đã cấm, có người tin người không về việc này, tôi thuộc nhóm bán tín bán nghi, không tin nhưng muốn thử, thử xong vẫn nửa tin nửa ngờ nhưng tôi biết nhiều người không muốn có sự cố bất ngờ trong lúc tang gia bối rối như vậy.
Ở làng người ta bàn tán xôn xao về chú B., tự tử là điều gì đó rất kinh khủng ở một làng quê vốn yên bình này. Làng tôi đến nay vẫn giữ những phong tục từ xưa, ví như đã chết ở xa thì không được mang vào làng, chỉ được để ngoài cổng làng gần cây đa cổ thụ mà thôi.
Chú B. tôi cứ như vậy về với đất, để lại vợ và ba đứa con cho cuộc đời vùi dập.
Còn tôi, quê hương lúc này thì tôi chưa có khái niệm gì, lần đầu tôi về làng chỉ có kỉ niệm như vậy, không ngủ đêm lại, hạ huyệt xong đoàn xe quay đầu...
Trở về nhà, hơn một tuần sau tôi chút xíu nữa đã gây ra đại họa!
***
Như tôi đã kể, bố tôi là con trai duy nhất, ông nội tôi cũng vậy cho nên bố tôi thừa kế luôn trách nhiệm thờ cúng tổ tiên, ông có cả một cuốn sổ viết các thông tin chi tiết và tôi đã phải gánh trách nhiệm thay bố khi tôi học cấp 2, cá nhân tôi lúc đấy thấy rất vinh dự nhưng sau này khi nó là trách nhiệm chính thì tôi thấy không còn vinh dự nữa, đó là trách nhiệm, đôi khi vẫn bị chửi vì chểnh mảng.
Nếu bạn đã đọc những phần trước sẽ biết tôi có ít nhất ba bà nội, khi tôi biết nhận thức và biết mọi thứ xung quanh thì thấy có hai bà là bà Già và bà Trẻ, trong đó bà Trẻ đẻ ra bố tôi còn bà Già không có công sinh nhưng có công dưỡng. Tôi và các em phải mãi đến khi học cấp 2 mới biết ai đẻ ra bố nhưng điều đó không làm giảm đi tình cảm của chúng tôi. Trong đám cháu nội ngoại, có lẽ do tôi là cháu trưởng lại ngoan nên luôn được ưu ái nhất, thế hệ các cụ thì chỉ có cháu đích tôn mới là số một nên những đứa em tôi, kể cả em họ đều thấy bất công, đôi khi chúng nó ghét tôi cũng vì tôi được ưu ái hơn chúng nó. Thực tế, tôi chưa bao giờ dùng sự ưu ái để bắt nạt các em của mình, chúng nó tị nạnh thì kệ thôi.
Bà nội Cả của tôi đã mất từ trước khi bà Trẻ về làm vợ ông nội nên ngay cả bố tôi cũng không biết nhưng ngày giỗ vẫn được thực hiện đều đặn hàng năm, ngày 1 tháng 4 Âm lịch, ngày này cũng lại trùng hợp là ngày giỗ của một bà cô trẻ, em ruột của cụ nội, bởi vậy là đám giỗ chung ngày.
Ngày mùng Một tháng Tư năm ấy, tôi nhớ là đã được nghỉ hè, chú B., cũng mới mất nên không khí gia đình khá ảm đạm, mấy anh em tôi không được ra ngoài bêu nắng, chỉ chơi loanh quanh trong nhà. Tôi học mỹ thuật, đã biết được mấy kiểu gấp máy bay giấy khác nhau nên xé vở rủ hai em mình chơi cùng, thằng em phi máy bay một hồi thì bị dính trên ban thờ trên cao, tôi đi lấy cái sào dài cố chọc để máy bay giấy rơi xuống.
Choang!
Một bát hương nhỏ màu trắng với những họa tiết màu xanh lục rớt xuống đất vỡ tan, chính là bát hương thờ bà cô trẻ cúng giỗ hôm ấy! Bụi tro bay tứ tung, tôi đứng lặng người không biết nên phải làm gì? Bỏ chạy? Thu gọn lại rồi giấu đi? Bao nhiêu ý tưởng thoáng chốc chạy ngang qua nhưng tôi lựa chọn cách đứng đó nhìn.
Mẹ tôi từ ngoài xuất hiện, tôi thấy khuôn mặt bà chỉ thoáng chốc đã tái xanh đồng thời hét toáng lên. Nói thật, nếu không có hai bà can ngăn thì tôi đã ăn đủ roi ngay tại lúc đấy, đây việc đại kỵ, tôi đủ thông minh để biết rằng đây là thứ không bao giờ được động chạm vào nhưng bây giờ đã vỡ tan, như này khó tránh bị ăn đòn một trận nhừ tử, tôi cảm thấy sợ hãi vô cùng, tưởng tượng đến cảnh mình nằm sấp nhận từng cái roi mây vun vút đáp xuống thân thể mình. Thời gian thật dài khi tôi phải chờ đợi cơn thịnh nộ của bố.
Bố tôi vắng nhà! Hôm nay nghe đâu là cúng tuần đầu cho chú B., nhân tiện nhận hàng để chở về, tôi còn nhớ lúc ấy hạt sa nhân và long nhãn là hai thứ bố tôi thu mua và đóng bao bì gửi về Hà Nội để người ta làm thuốc bắc, việc mua bán loại hạt này ít người làm vì cần phải có mối dưới Hà Nội, vậy nên bố tôi một mình trên chiếc Honda 67 chạy khắp các huyện như Lạc Thủy, Tân Lạc, Lạc Sơn... để thu mua, phần nhiều vẫn là người đồng bào bán cho, người đồng bào bán những loại hạt này rồi mua sắm các vật dụng như tivi, đài cassette, đèn pin... và thậm chí cả xe Simson, Honda Cub, thế nên trong người bố tôi lúc nào cũng phải nhiều tiền mặt phục vụ việc mua nhanh bán gọn.
Bố tôi mới ngoài ba mươi, đàn ông thời đó có điểm chung là ngoài ba mươi đã đỉnh thiên lập địa rồi, không như tôi bây giờ, gần bốn mươi vẫn chạy ăn từng bữa, nuôi một đứa con đã vã mồ hôi, rồi ngồi than trách cuộc đời nhàm chán. Lúc thanh niên, bố đã từng sinh sống qua nhiều nơi như Bắc Giang, Lạng Sơn, Hà Nội và cũng chạy vài thứ "hàng cấm" lúc bấy giờ, về sau tôi mới hay tuyến đường sắt Hà Nội - Lạng Sơn chính là nơi kiếm tiền đầy phức tạp, bố tôi có vẻ như cũng nằm trong số những người buôn bán hàng lậu.
Đến nay tôi vẫn không cho rằng bố mình là người bản lĩnh giang hồ gì, tôi đánh giá ông là một người khôn khéo và luôn hăng say kiếm tiền chăm lo cho gia đình.
Tối muộn hôm ấy, tôi vẫn thấp thỏm đợi chờ nghe tiếng xe máy Honda 67 vọng lại từ xa nhưng cho đến khi mắt díp lại, leo lên giường ngủ thì vẫn chưa nghe thấy tiếng xe máy của bố về, tôi thiếp đi lúc nào không hay.
***
Quốc lộ 12B đoạn từ thị trấn Mãn Đức tới ngã ba Xưa khoảng 25km, con đường trải nhựa với nhiều đoạn lên dốc xuống dốc băng qua những con đồi thoai thoải của miền Tây Bắc, dĩ nhiên tôi đoán nó không đẹp như trong thơ. Buổi tối ngày đầu tháng trời không trăng, thời tiết mát mẻ, màn đêm phủ xuống khiến người ta cảm thấy hơi lạnh khi chạy xe máy.
Tiếng nổ giòn tan đặc trưng của chiếc Honda 67 cùng ánh đèn tròn vàng của xe lao vun vút giữa màn đêm, ông K. không lạ gì con đường này vì hàng tháng ông qua lại đến năm mươi lần, thoáng nhìn đồng hồ Seiko trên tay, ánh dạ quang trên mặt đồng hồ cho ông biết cũng đã gần 9 giờ tối, xa xa trong tầm mắt ông đã thấy ánh đèn của một căn nhà quen thuộc, qua con dốc phía trước là tới nơi, căn nhà ấy là nơi ở của một đầu mối nhỏ thu mua hạt sa nhân rồi bán lại cho ông, lúc sáng khi đi qua ông đã dặn dò chiều tối quay lại sẽ chở hàng về và trả tiền.
Loáng trong ánh đèn, ngay đầu con dốc trước mặt ông thấy một thân cây nhỏ nằm chắn ngang đường, ông giảm tốc độ xe từ từ chạy lại, gần bỗng nhiên từ trong lùm cây ven đường nhảy ra hai bóng người. Với một người đã từng nhảy tàu buôn hàng lậu, cũng đã từng cầm hàng nóng buôn bán ở đất biên giới lúc chiến tranh với Tàu chưa nổ ra, cũng đã từng thoát chết ở bãi vàng nên ít nhiều ông K. cũng có sự bình tĩnh nhất định. Ánh đèn pha không chiếu được khuôn mặt của hai người lạ nhưng qua dáng dấp có thể khẳng định chắc chắn đó là 2 người đàn ông, họ đội mũ len với khăn quàng cổ che đi nửa khuôn mặt.
Xung quanh trời tối đen như mực, thời gian như ngưng đọng trong giây lát, tiếng pô xe vẫn nổ "bịch bịch" đều đặn. Hai người đàn ông lạ mặt, một thấp đậm còn người kia cao hơn và trên tay họ đều có vũ khí, một khẩu CKC trên tay gã cao và một con dao đi rừng trong tay gã thấp.
Ông K. gạt chân chống để xe nghiêng sang một bên rồi nhanh tay rút đầu chụp bugi ra khỏi vị trí, xuống đứng cạnh xe. Tiếng xe máy đang nổ tắt lịm.
- Đưa hết tiền ra đây! - Một giọng khàn khàn nói tiếng Kinh chưa sõi vang lên.
- Dạ thưa, các anh tha cho, em đây không mang theo nhiều.
- Không nói nhiều, lục túi của nó! - Gã đó ra lệnh cho đồng bọn.
Ông K. vô thức lui lại phía sau, gã đàn ông kia tiến lại gần, trời tối nhưng khi đủ gần vẫn có thể nhìn thấy bóng của nhau, thoáng trong phút sinh tử, ông K. thấy có bóng kim loại loáng lên, theo phản xạ ông đưa tay trái lên đỡ.
Soạttttt!!!
Là dao! Ông K. bị chém, ông đã đỡ được và nhanh chóng tìm cách thoát thân không thì bỏ mạng tại đây, ông K. nhanh chóng lùi lại tránh tiếp nhát chém thứ hai đang bổ tới.
- Đứng lại! Mày lui nữa tao bắn!
Trời tối, bắn có trúng không? Mạng thì chỉ có một mà thôi, ông K. vội vàng lấy tiền trong người ra, luống cuống tay chân nhưng đủ tỉnh táo để ném một sấp tiền về phía trước, nhiều tờ bay tứ tung trong gió
- A! Thằng này giỏi...
Đoàng!!!
Tiếng súng vang lên giữa đêm tối, ông K. ngã ra phía sau vì sợ nhưng vẫn đủ tỉnh táo vùng dậy thật nhanh nhảy vào lùm cây ven đường bỏ chạy, không thấy đường vẫn phải cắm đầu về phía trước mà chạy.
Đoàng!!!
Thêm một tiếng súng nữa bắn phía sau lưng, ông K. vội nằm sấp xuống quay nhìn về phía sau, cố nén tiếng thở hộc hộc từng cơn rồi vùng dậy khom người chạy tiếp...
Cảm thấy đủ xa ông đứng lại thở dốc từng cơn, mồ hôi ướt đẫm áo.
Mãi không nghe thấy tiếng xe máy nổ, bọn nó đi chưa? Bọn nó dắt xe đi hay sao?
Ngồi một hồi lâu cố lấy lại bình tĩnh và thở từng chặp gấp gáp, ông K. nhìn hướng căn nhà người thu mua mà ông quen biết ở phía xa đang sáng đèn, dường như có nhiều đèn sáng hơn khi nãy, có lẽ họ đã nghe thấy tiếng súng, ông quyết định đi về hướng đó. Lúc này ông K. đã cảm thấy đau và ướt ở nơi bàn tay trái.
- Chú có sao không?
Người chủ nhà hỏi gấp ngay khi nhìn thấy rõ ông K. trong ánh đèn hắt ra đường, xung quanh ông là vợ và mấy đứa con.
- Em mới bị cướp ngay chỗ dốc kia, bọn nó hai đứa có CKC.
- Chú ngồi đây, có bị làm sao không? Tôi nghe thấy nhưng không dám ra, tôi đoán là cướp nhưng không nghĩ là chú bị.
Ông K. giơ tay trái ra, dưới ánh đèn điện vàng vọt có thể thấy rõ lòng bàn tay trái một vệt đứt dài khoảng 5cm dính bùn đất đang chảy máu.
- Em đỡ được lúc nó chém vào đầu, xe máy chắc vẫn ngoài đấy.
Ông K. được băng bó rất nhanh, ông chủ nhà cũng vào nhà mang ra hai khẩu súng kíp, thời điểm này người dân tộc sở hữu súng kíp không có gì lạ, còn súng quân dụng thì họ giấu khá kĩ, không phải ai cũng có. Có súng làm người ta thêm tự tin, dù súng chỉ bắn phát một rồi nhồi đạn vẫn tốt hơn là tay không tấc sắt, uy lực của súng hơn con dao rừng rất nhiều, điều này thì ai cũng hiểu.
Hai người đàn ông nối đuôi nhau lom khom men theo vệ đường đi xuống dốc, tay lăm lăm súng sẵn sàng nhả đạn nếu thấy bóng người.
Hồi hộp!
Phía xa chừng cả cây số lúc này có bóng đèn pha và tiếng xe Zin đi tới, 2 người quyết định ngồi chờ xe tới gần, tận dụng ánh đèn xe để quan sát động tĩnh, dù sao cũng có thêm người giúp sẽ an tâm hơn.
Xe tải dừng lại khi thấy rõ dưới ánh đèn pha chiếu là chiếc xe 67 nằm chỏng chơ, thân cây nhỏ vắt ngang đường vẫn nằm ở vị trí chân dốc, xung quanh vẫn còn rải rác tiền rơi. Ông K. cất tiếng gọi để người lái xe nghe thấy và bước ra giữa đường giơ hai tay vẫy vẫy, khẩu súng đã đưa cho người đi cùng. Cửa xe tải mở ra, có tiếng đáp lại rồi bác tài xuống xe, thật may đây lại là xe của bộ đội làm kinh tế, bác tài xế có hẳn AK luôn kìa.
Sáng sớm hôm sau công an tới hiện trường vụ cướp để lập hồ sơ, lấy lời khai, số tiền bị cướp mất gần Bốn triệu đồng, vàng lúc đó mới khoảng Một trăm năm mươi nghìn đồng một chỉ.
Có mấy thông tin rất giá trị mà bên công an thu được gồm có:
- Xe máy vẫn cắm chìa khóa nhưng không bị mất, xe bị đổ sang bên phải.
- Một tên cướp nói giọng Kinh chưa sõi bị thọt chân trái.
- Vị trí chặn đường cướp của nằm ở chân dốc gần địa điểm mà ông K. sẽ quay lại để lấy hàng và trả tiền.
Sau khi trình báo, ông K. (tức bố tôi) nhờ bên công an gọi về số điện thoại của nông trường báo cho người nhà.
Trong khi những sự việc xảy ra với bố mình ở một nơi cách xa hơn 10 km thì tôi vẫn đang ngủ ngon, khi trời sáng rõ có người gọi cổng thì tôi mới tỉnh giấc.
---
Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.net
Dtruyen.com đổi tên miền thành Dtruyen.net. Độc giả ghi nhớ để truy cập.