Bí Ẩn Tông Đồ Thứ 13

Chương 11

Michel Benoit

10/04/2017

Đức Cha tu viện trưởng là người cuối cùng bước vào phòng ăn rộng, trong khi các thầy tu đang kính cẩn chờ đợi trước những chiếc ghế xếp hàng thẳng tắp. Ông bắt đầu nghi lễ bằng giọng thánh thót. Sau bài Edent pauperes, bốn mươi bàn tay nắm lấy những chiếc ghế đồng loạt kéo vào dưới những vạt áo choàng bằng vải len bua. Những ngón tay đan vào nhau trên mép bàn bằng gỗ màu trắng, bốn mươi mái đầu cúi xuống để lặng nghe đoạn đầu bài kinh.

Bữa ăn trưa vừa bắt đầu.

Đối diện với vị giáo sĩ cấp cao, ở đầu kia phòng ăn, các sinh viên của học viện chiếm cả một bàn. Những mục sư hoàn hảo, một số người ủng hộ chủ nghĩa nguyên vẹn nhiệt thành nhất mặc áo dòng, những gương mặt căng thẳng, những cặp mắt có quầng: tinh hoa của giới tăng lữ Pháp tương lai đang chuẩn bị đón nhận những liễn xúp bằng kim loại, đựng đầy món xa lát mà đạo hữu Antoine mới hái sáng nay. Năm học vừa bắt đầu, phải cầm cự đến tận tháng Sáu.

Cha Nil yêu thích tiết đầu thu này, khi trái cây trong vườn nhắc ông nhớ rằng ông đang sống trong khu vườn của nước Pháp. Nhưng từ nhiều ngày nay, ông không cảm thấy thích thú nữa. Giờ giảng của ông ở học viện diễn ra trong một bầu không khí khiến ông khó chịu.

- Như vậy, đương nhiên là kinh phúc âm theo thánh Jean, với nội dung phức hợp, là kết quả của một quá trình soạn thảo văn học lâu dài.Tác giả của nó là ai? Hay đúng hơn, tác giả của nó là những ai? Những so sánh mà chúng ta vừa đưa ra giữa các đoạn của văn bản đáng kính này cho thấy từ ngữ và thậm chí cả nội dung vô cùng khác nhau. Chỉ một người không thể viết lại cùng lúc các cảnh tượng sống động, phác họa chính thực tế mà người đó được tận mắt chứng kiến, đồng thời với những bài diễn văn dài bằng một thứ tiếng Hy Lạp sang trọng thể hiện rõ ràng hệ tư tưởng của những người theo thuyết ngộ đạo, các nhà triết học phương Đông.

Ông đã cho phép sinh viên của mình được phát biểu khi ông đang giảng, miễn là các câu hỏi của họ phải ngắn gọn. Nhưng từ khi đề cập đến nội dung quan trọng của chủ đề này, trước mặt ông chỉ còn là hai mươi hình khối bất động.

“Tôi biết rằng chúng ta đã ra khỏi lối mòn, và đó không phải là điều mà giáo lý Cơ đốc đã dạy các bạn. Nhưng văn bản đặt ra… Các bạn còn chưa hết ngạc nhiên!”

Bài giảng của ông là kết quả của nhiều năm nghiên cứu cô độc và suy ngẫm. Ông đã nhiều lần tìm kiếm trong thư viện của tu viện, nơi ông được quyền vào, một số tác phẩm mới xuất bản ông được biết tới qua một tạp chí chuyên ngành cha Andrei nhận được, nhưng vô ích.

- Cha Nil, xem này. Cuối cùng thì người ta cũng lôi ra khỏi quên lãng một lô mới các bản thảo vùng biển Chết! Tôi đã không còn tin chuyện đó… Cách đây năm mươi năm, những cái vại đã được phát hiện trong những hang đá Qumran, vậy mà không có gì được công bố từ sau khi Ygaël Yadin chết: hơn một nữa số bản thảo này vẫn chưa hề được công chúng biết đến. Một vụ rắc rối không thể tin được!

Cha Nil mỉm cười. Trong không khí thân mật của văn phòng này, ông đã phát hiện ra một cha Andrei say mê, tỏ tường mọi chuyện. Ông yêu những cuộc trò chuyện dài của họ, sau cánh cửa đóng kín. Cha Andrei nghe ông kể về những nghiên cứu của mình, đầu hơi cúi xuống. Rồi, bằng một từ, đôi khi là một sự im lặng, hưởng ứng hoặc định hướng cho học trò của mình giữa những giả thiết táo bạo nhất.

Con người mà ông nhìn thấy lúc đó mới khác biệt làm sao so với viên thủ thư hay đắn đo, người canh giữ nghiêm khắc ba chiếc chìa khóa mà mọi người trong tu viện bên bờ sông Loire từng biết!

Tòa nhà được xây dựng lại sau chiến tranh, mái vòm vẫn chưa hoàn thiện. Cả tòa nhà tạo thành hình chữ U, quay ra phía bình nguyên. Các thư viện chiếm trọn tầng trên cùng của ba cánh nhà: cánh giữa, cánh Bắc và cánh Nam, ngay bên dưới mái nhà.

Bốn năm trước, cha Andrei đã được giao những khoản tiền đáng kể kèm theo lệnh mua chính xác một số sách trong các lĩnh vực giáo lý và lịch sử. Ông đã vui sướng được sử dụng năng lực của mình để phục vụ cho khoản đầu tư kỳ diệu này. Các kệ sách chất đầy những cuốn sách hiếm, những xuất bản phẩm khó tìm được hoặc đã bán hết, viết bằng tất cả các ngôn ngữ cổ và hiện đại. Đương nhiên, việc mở học viện đặc biệt, vốn được Vatican theo dõi sát sao, chính là nguyên nhân của việc thành lập phương tiện nghiên cứu tuyệt vời này.

Tuy nhiên, có một điều hạn chế bất thường. Mỗi người trong số tám tu sĩ giảng dạy ở học viện chỉ có một chìa khóa duy nhất, chìa khóa của thư viện tương ứng với bộ môn người đó phụ trách. Chịu trách nhiệm về kinh Tân ước, cha Nil đã nhận được chìa khóa thư viện cánh giữa, trước cửa có gắn một tấm biển gỗ khắc chữ: Khoa học về Kinh Thánh. Các thư viện cánh Bắc, Khoa học lịch sử, và ở cánh Nam, Khoa học Thần học, vẫn khăng khăng đóng kín đối với ông.



Chỉ có cha Andrei và cha Tu viện trưởng có chìa khóa của cả ba thư viện, treo thành một chùm đặc biệt mà họ không bao giờ rời xa.Ngay từ khi bắt đầu nghiên cứu, cha Nil đã đề nghị bạn mình cho phép được vào thư viện lịch sử.

- Ở cánh giữa, tôi không tìm thấy một số tác phẩm mà tôi cần để tiến xa hơn. Cha đã có lần nói với tôi rằng chúng được xếp ở cánh Bắc. Tại sao tôi không thể vào đó được? Thật là buồn cười!

Lần đầu tiên, cha Nil thấy khuôn mặt của bạn mình trở nên kín bưng. Cuối cùng, với vẻ vô cùng ngại ngần, nước mắt lưng tròng, cha Andrei cũng nói với ông:

- Cha Nil… Nếu tôi có nói với cha điều đó, thì tôi đã sai, cha hãy quên đi. Tôi xin cha, đừng bao giờ hỏi tôi chìa khóa của một trong hai thư viện mà cha không được phép tiếp cận. Bạn của tôi, hãy hiểu cho tôi, tôi không làm điều tôi muốn được. Đó là mệnh lệnh chính thức của đức Cha tu viện trưởng, và những mệnh lệnh này được đưa ra… từ cấp cao hơn. Không ai có thể cùng lúc vào cả ba thư viện. Chuyện này đã khiến tôi không thể ngủ được, không phải chuyện buồn cười, mà là bi kịch. Tôi có thể vào cả ba thư viện, và tôi thường dùng thời gian rảnh rỗi để lục lọi rồi đọc. Vì sự yên bình của tâm hồn cha, nhân danh tình bạn của chúng ta, tôi xin cha hãy bằng lòng với những gì cha tìm thấy trong thư viện cánh giữa.

Rồi ông chìm vào im lặng nặng nề, điều không thường thấy ở ông mỗi khi ông còn một mình với cha Nil.

Mất phương hướng, giảng viên phụ trách việc chú giải Kinh Thánh đành thỏa mãn với những kho báu mà chiếc chìa khóa duy nhất của ông mở ra.

- Lời kể cho thấy tác giả chính của kinh Phúc âm theo Thánh Jean biết rõ Jerusalem, và có nhiều mối quan hệ tại đây. Đó là một người vùng Judee khá giả, có học thức, trong khi đó tông đồ Jean sống ở Galilee, là người nghèo và mù chữ… làm sao mà ông có thể là tác giả của văn bản mang tên ông?

Trước mặt ông, những gương mặt dần sa sầm lại theo những điều ông nói. Một số người lắc đầu với vẻ phản đối – nhưng không ai phát biểu. Sự im lặng này của cử tọa khiến cha Nil lo lắng hơn bất kỳ điều gì. Các sinh viên của ông xuất thân từ những gia đình có truyền thống nhất nước. Được lựa chọn kỹ lưỡng để trở thành mũi giáo của Giáo hội bảo thủ trong tương lai. Tại sao người ta lại chọn ông vào chức vụ này? Ông đã sung sướng biết bao khi được lặng lẽ làm việc, cho riêng mình!

Cha Nil biết rằng ông không thể truyền đạt cho họ tất cả các kết luận của ông. Ông chưa bao giờ mường tượng rằng việc chú giải Kinh thánh lại có ngày trở thành một nhiệm vụ khó khăn và nguy hiểm. Khi còn là sinh viên ở Roma, bên cạnh một anh chàng Rembert Leeland nồng nhiệt và thân ái, mọi chuyện thật dễ dàng biết bao…

Tiếng chuông đầu tiên của lễ mixa chậm rãi vang lên.

- Cám ơn các bạn. Hẹn gặp lại tuần sau.

Các sinh viên đứng dậy và thu xếp sách vở. Ở cuối phòng, một sinh viên mặc áo thầy dòng, đầu cạo nhẵn, nán lại một lát để viết mấy dòng lên một mảnh giấy vuông - thứ được các thầy tu dùng để trao đổi với nhau mà không phá vỡ sự im lặng.

Trong khi anh ta vừa gập vuông giấy làm đôi vừa mím môi, cha Nil kín đáo nhận thấy móng tay anh ta bị gặm nham nhở. Cuối cùng anh ta cũng đứng lên, và đi qua thầy giáo của mình mà không hề đưa mắt nhìn ông.

Trong khi cha Nil đang mặc áo lễ trong kho đồ thờ thơm mùi sáp mới, một bóng áo thầy tu lẻn vào căn phòng chung và tiến lại gần những ngăn tủ dành cho các cha. Sau khi liếc nhìn quanh, chắc chắn rằng không có ai trong phòng, một bàn tay có những chiếc móng bị gặm nham nhở luồn một vuông giấy gấp đôi vào ngăn tủ của đức Cha tu viện trưởng.

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.net

truyện Đam Mỹ
truyện ngôn tình

Dtruyen.com đổi tên miền thành Dtruyen.net. Độc giả ghi nhớ để truy cập.

ngôn tình sắc

Nhận xét của độc giả về truyện Bí Ẩn Tông Đồ Thứ 13

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook