Bí Thư Tỉnh Ủy

Chương 34

Vân Thảo

06/12/2018

Đình định đi vào nhà của mấy ông phái viên nhưng thấy họ còn đang họp nên đi thẳng, vờ như như mình vô tình đi qua. Ông Sắc nhìn theo Đình:

- Tay Đình trông dáng điệu công tử quá nhỉ. Lúc nào cũng ăn mặc chải chuốt.

- Trông bề ngoài thế thôi nhưng bên trong là một người rất cứng rắn về lập trường giai cấp. Kiên định với đường lối. Anh ta với ông Kim giống như nước với lửa – Bao nói.

- Không hiểu sao tôi chẳng có một chút cảm tình nào với anh ta.

Ông Ẩn biết ông Bao và ông Sắc đã mở miệng ra nói về một chuyện gì đó thế nào cũng tranh luận dằng dai nên ông vỗ nhẹ tay xuống bàn bảo:

- Thôi, ta tiếp tục trao đổi nhé. Tôi thấy việc đánh giá tình hình của Yên Lộc vừa rồi của đồng chí Sắc chưa thật chính xác lắm đâu. Theo tôi việc một số Hợp tác xã sút kém không phải do cơ chế của chúng ta lỏng lẻo mà do trình độ cán bộ Hợp tác xã quá kém và rất thiếu trách nhiệm với công việc. Tôi chỉ lấy ví dụ Hợp tác xã Yên Chính. Ở Hợp tác xã này tay chủ nhiệm Hợp tác khoán trắng công việc cho đội trưởng sản xuất. Tay đội trưởng sản xuất làm việc cũng rất à uôm. Hắn tập trung xã viên lại bảo nhóm này làm ruộng này, nhóm kia làm ruộng kia rồi bỏ đó đi làm việc nhà, không hề đoái hoài đến việc xem xã viên làm ăn đến đâu, chất lượng công việc như thế nào. Làm ăn như thế bảo sao Hợp tác xã không sút kém.

- Tôi vẫn giữ quan điểm nhận định của mình – Ông Sắc nói từ tốn – Về mặt trình độ và trách nhiệm của cán bộ của Hợp tác xã tôi đồng ý như ý kiến của anh Ẩn. Nhưng về mặt tổ chức sản xuất chúng ta có khá nhiều lỗ hổng. Ví dụ khoán. Đội trưởng sản xuất chỉ khoán công việc cho xã viên mà không khoán thời gian phải hoàn thành và chất lượng công việc. Vì chỉ khoán việc chứ không khoán thời gian và chất lượng, nên xã viên vừa làm vừa chơi, còn đội trưởng sản xuất thì rảnh rỗi thời gian để tranh thủ làm việc nhà. Thứ hai là cho công điểm vô tội vạ. Người làm tốt, người làm dối nếu cùng làm trong một thời gian, một công việc đều được công điểm như nhau. Người làm tốt không được khuyến khích về vật chất, kẻ làm xấu không bị phạt, khiến bản tính tích cực cần cù của người nông dân ngày một phai mờ và tạo ra căn bệnh lười biếng khá phổ biến trong các Hợp tác xã. Tôi chỉ lấy mấy ví dụ như thế thôi cũng đủ thấy nguyên nhân dẫn đến sự sút kém của các Hợp tác xã không phải chỉ do trình độ non yếu của cán bộ.

Ông Bao lật mấy trang cuốn sổ để trước mặt theo thói quen chứ không nhìn vào đó, nói trơn tru như được bôi mỡ:

- Tôi thấy các Hợp tác xã hiện nay đang đi đúng hướng chỉ đạo. Đó là điều cơ bản nhất. Còn chỗ này chỗ kia còn có thiếu sót, đều là do trình độ của cán bộ chứ không phải do cơ chế hay do những nguyên nhân khác. Lê-nin nói: Tổ chức, tổ chức và tổ chức. Có nghĩa là con người cán bộ quyết định tất cả. Cán bộ nào phong trào ấy. Từ trước đến nay Đảng ta rất coi trọng vấn đề này. Hợp tác xã là một mô hình tập thể hóa Xã hội Chủ nghĩa đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Vì thế vai trò của cán bộ cực kỳ quan trọng…

Ông Sắc đưa tay bưng mũi rồi hắt hơi một cái thật mạnh, bắn nước mũi ra cả mặt bàn và cả mặt của Bao. Bao đưa bàn tay lên lau mặt và cằn nhằn:

- Cái tay Sắc này thiếu lịch sự bỏ mẹ. Hắt hơi sao không quay mặt đi chỗ khác mà hắt cả vào mặt người ta là thế nào.

- Xin lỗi, buồn hắt hơi quá nên không kịp quay mặt đi.

Ông Ẩn ngồi tủm tỉm cười.

Đình quay trở lại. Thấy mấy ông phái viên đang ngồi uống nước liền bước vào:

- Các anh họp xong rồi à?

- Xong rồi – Ông Ẩn bảo – Ngồi uống nước.

Ông Sắc nhìn Đình bằng đôi mắt châm biếm:

- Hình như anh có chuyện gì muốn trao đổi với chúng tôi có phải không?

- Sao anh biết?

- Tôi ngồi họp thấy anh đi qua đi lại với dáng vẻ sốt ruột nên đoán vậy.

Đình có ý ngượng:

- Định vào chơi với các anh và có câu chuyện cần trao đổi nhưng thấy các anh bận họp, tôi đi dạo một lúc chứ có gì đâu mà sốt ruột.

Ông Ẩn hỏi:

- Anh định trao đổi với chúng tôi về chuyện gì?

- Chắc các anh còn nhớ lần trước tôi có báo cho các anh biết tại xã Hồng Vân huyện Vĩnh Hòa, Hợp tác xã đã trả lại ao chuôm cho xã viên nuôi cá để bán và chia đất cho nông dân trồng ngô chứ?

- Có. Chúng tôi đã yêu cầu tỉnh ủy chấn chỉnh việc làm vô nguyên tắc kia rồi.

- Tôi cũng đã mấy lần đề nghị họp thường vụ để xem xét việc làm này và xem ai là người chịu trách nhiệm, nhưng vẫn chưa họp được. Hiện nay anh Kim và một vài đồng chí trong thường vụ đang có chủ trương lấy Hợp tác xã Hồng Vân làm thí điểm một vài phương pháp khoán mới để đem ra áp dụng trong toàn tỉnh.

Bao giãy lên:

- Sao cái ông Kim này liều thế nhỉ. Ông ấy định thiết lập tỉnh Phước Vĩnh này thành một vùng trời riêng hay sao?

Ông Ẩn hỏi:

- Anh có nắm được tình hình hiện nay ở Hợp tác xã Hồng Vân như thế nào không?

Đình tỏ vẻ lúng túng:

- Tôi cũng định xuống đó kiểm tra tình hình xấu đến đâu để về báo cáo lại với ban thường vụ để chấn chỉnh nhưng chưa đi được. Có điều này, tôi biết chắc chắn anh Kim cử đồng chí Thường xuống đó trực tiếp chỉ đạo việc nghiên cứu một số cách thức khoán mới, nhằm thay thế phương thức khoán hiện nay. Tôi không loại trừ việc chia lại đất đai có thể diễn ra. Ngoài đồng chí Thường đi Hồng Vân ra còn có đồng chí Côn được cử đi Tam Bình cũng nhằm mục đích như đồng chí Thường.

Bao lại kêu lên:

- Loạn rồi!

Ông Sắc tỏ vẻ khó chịu:

- Ông làm gì mà giãy lên như bị ong châm thế? Chưa vội kết luận loạn hay không loạn. Có thể ông Kim và những người khác trong tỉnh ủy Phước Vĩnh đang mày mò tìm lối ra cho sự bế tắc của một số Hợp tác xã hiện nay thì sao?.

- Không thể nói như thế được. Hợp tác xã quy mô là một mô hình làm ăn tập thể chỉ có tính ưu việt của chế độ Xã hội Chủ nghĩa mới có được. Mô hình ấy đã được định hình bằng đường lối chủ trương của Đảng ta. Nó là bước quá độ trên con đường tiến lên Xã hội Chủ nghĩa và cao hơn là Cộng sản Chủ nghĩa. Đi chệch, dù chỉ là một li thôi thì cái mô hình ấy sẽ bị đổ nghiêng, giống như con tàu đi chệch đường ray. Mà đã chệch khỏi đường ray thì con tàu sẽ đổ, đó là điều chắc chắn…



Ông Sắc lại hướng về phía Bao bịt mũi và hắt hơi liền mấy cái. Bao đưa tay xoa mặt và cằn nhằn:

- Sao ông thiếu lịch sự thế. Nói một lần ông phải biết suy nghĩ để rút kinh nghiệm chứ.

- Xin lỗi. Cái mũi của tôi rất nhạy cảm nên hay bị dị ứng mỗi khi có bụi bặm hay một mùi gì đó là lạ xộc vào.

- Có khi anh bị cảm đấy – Đình không biết tính hài hước của ông Sắc nên nói vẻ chân thành.

- Vâng. Có lẽ thế. Anh Đình này. Vì sao những việc đó anh không đưa ra bàn với nhau trong Ban thường vụ mà đi báo cáo với chúng tôi? – Ông Sắc hỏi với giọng mỉa mai.

- Là ủy viên thường vụ tỉnh ủy, tôi đã đấu tranh quyết liệt với đồng chí Kim về việc này rồi, nhưng tôi thấy mình có trách nhiệm thông báo với các anh một vài hiện tượng vi phạm đường lối Hợp tác hóa để các anh nắm được. Có khi các anh nên trực tiếp đi xuống Hợp tác xã Hồng Vân xem sao. Nếu đúng là có hiện tượng trên như phản ánh của quần chúng, các anh cũng nên báo cáo kịp thời cho Ban bí thư biết để chấn chỉnh.

- Cám ơn anh đã phản ánh kịp thời những hiện tượng sai trái của Hợp tác xã Hồng Vân cho chúng tôi. Có lẽ chúng tôi phải xuống đó xem sao. Nếu để hiện tượng trên lây lan thì hết sức nguy hiểm.

Nghe ông Ẩn nói vậy, Đình thấy trong người phấn chấn hẳn lên. Ngồi nói chuyện tào lao một lát Đình ra về. Thấy ông Kim từ trong phòng mình đi ra, Đình hỏi:

- Anh tìm tôi à?

- Tôi tìm ông để bảo ông cho cậu Hoàng sáng mai đi cùng chị Thường xuống Vĩnh Hòa công tác mấy hôm.

- Có việc gì dưới Vĩnh Hòa mà anh điều Hoàng xuống đó?

- Ông biết rồi còn vờ hỏi làm gì.

- Anh có báo trước việc điều phó ban của tôi đi công tác Vĩnh Hòa làm việc gì đâu mà anh bảo tôi đã biết.

- Thôi được rồi. Nếu ông bảo ông chưa biết điều cậu Hoàng đi cùng chị Thường xuống Vĩnh Hòa làm gì thì tôi nói luôn. Tôi đang định lấy Hợp tác xã Hồng Vân làm thí điểm một số phương pháp mới về khoán và quản lí lao động.

- Sao không thấy anh đưa vấn đề này ra bàn trong thường vụ trước khi làm?

- Tôi rất coi trọng vai trò tập thể, nhưng không sử dụng nó như một công cụ để dựa dẫm. Việc cho cậu Hoàng đi cùng chị Thường xuống Vĩnh Hòa thế là xong nhé. Bây giờ đến việc thứ hai. Tại sao việc gì trong cơ quan tỉnh ủy ông cũng đưa đi làm quà cho người ngoài là thế nào?

- Anh nói gì tôi không hiểu?

- Chuyện gì ông cũng hiểu, cũng biết cả, nhưng lúc nào cũng làm bộ ngơ ngác tôi không biết, tôi không hiểu. Nếu ông không hiểu thì tôi nói cho nghe vậy. Việc tìm cách tháo gỡ những bế tắc trong sản xuất nông nghiệp đang là vấn đề đau đầu của mọi người có trách nhiệm. Ông Quốc là chủ tịch tỉnh, phó bí thư tỉnh ủy, tôi không nói làm gì. Còn chị Thường, ông Dần, ông Côn, đều là những trưởng ban như ông, nhưng họ trăn trở với công việc chẳng thua kém gì tôi. Ông Côn đang lăn lộn dưới cơ sở để tìm ra những nguyên nhân nào dẫn đến sự yếu kém hiện nay của các Hợp tác xã nông nghiệp để giúp cho tỉnh ủy chỉ đạo. Còn ông, không những vô tâm mà còn muốn thọc gậy bánh xe.

- Anh nhận xét về tôi hơi quá lời rồi đấy – Giọng Đình đã cao lên vài bậc.

- Tôi không quá lời đâu. Việc làm của tôi đang ở giai đoạn tìm tòi, có thể có chỗ đúng, có thể có chỗ chưa thật thích hợp. Nếu ông thấy chỗ nào chưa đồng ý, sao ông không nói thẳng ra với tôi mà đi phản ánh với tổ phái viên của Trung ương?

- Tôi làm tất cả những gì cần làm để bảo vệ chủ trương đường lối của Đảng.

- Như vậy tôi và các ủy viên thường vụ khác làm sai đường lối, chỉ có một mình ông đúng?

- Tôi không nói những việc khác. Riêng việc anh đang tìm cách thay đổi cơ chế của Hợp tác xã nông nghiệp là sai lầm.

- Sai lầm ở chỗ nào? – Ông Kim thấy mặt mình đã nóng lên.

- Đưa Hợp tác xã nông nghiệp lên quy mô là một chủ trương lớn của Đảng ta, nhằm tạo ra một nền sản xuất lớn Xã hội Chủ nghĩa. Nó đã được nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi ban hành. Trong thực tế của mấy năm qua, các Hợp tác xã nông nghiệp đang đi đúng hướng mà Đảng ta đã vạch ra. Nhiều Hợp tác xã nông nghiệp ở Thái Bình, Thanh Hóa và một số địa phương nữa đã trở thành mô hình tiên tiến trong lối sản xuất theo phương hướng Xã hội Chủ nghĩa. Nông dân ở các nơi đó không những thoát ra khỏi sự nghèo khổ mà đang dần dần trở nên khá giả. Điều đó không đủ chứng minh sự đúng đắn và chính xác khi đưa các Hợp tác xã nông nghiệp lên quy mô hay sao. Theo tôi mọi thay đổi làm cho các Hợp tác xã nông nghiệp hiện nay đi chệch hướng đều là sai lầm.

Cơn tức giận của ông Kim qua đi và thay vào đó là sự khinh miệt. Ông nói giọng châm biếm:

- Anh có khả năng tổng kết. Vậy anh thử đếm cho tôi hay hiện nay trên miền Bắc có bao nhiêu Hợp tác xã nông nghiệp như Thành Công ở Thanh Hóa, như Đại Phong ở Quảng Bình? Và có bao nhiêu Hợp tác xã nông nghiệp sống dưới mức nghèo khổ? Theo tôi, sai lầm không thuộc về những người đang tìm cách tháo gỡ những bế tắc trong sản xuất nông nghiệp hiện nay mà là ở những người cố dồn sức dồn của, xây lên vài cái tượng đài rồi ra sức thổi phồng nó lên, tô vẽ nó lên thành những hình ảnh đẹp đẽ để tuyên truyền. Tôi nói thật với ông, nếu dồn tiền bạc vật tư vào để xây dựng nên một mô hình để tuyên truyền thì tôi sẽ biến một Hợp tác xã nông nghiệp nào đó trong tỉnh ta thành một nông trường tập thể còn đẹp đẽ gấp mấy cái Hợp tác xã đang ngày nào cũng làm rùm beng trên báo chí.

- Anh không tin vào cơ quan ngôn luận của Đảng?

- Tôi tin vào sự thật.

Đô đi lại phía ông Kim và Đình đang đứng:

- Anh đứng đây mà em tìm khắp nơi.

- Tìm tớ có việc gì?

- Đồng chí Hiếu chủ nhiệm phòng không của tỉnh muốn báo cáo tình hình thiệt hại của các trận đánh phá ngày hôm qua và xin hướng chỉ đạo khắc phục.

- Ông Hiếu qua báo cáo trực tiếp hay gọi điện thoại?

- Gọi điện thoại ạ.

- Thế thì bảo ông Hiếu lát nữa gọi lại, tớ còn bận việc.

Ông Kim quay sang tiếp tục câu chuyện với Đình:



- Bây giờ ông cứ nói thẳng thắn ý kiến của ông ra đi. Cái gì tôi nghe được thì nghe. Cái gì không nghe được thì ông và tôi, ta trao đổi thẳng thắn trên tinh thần của người Cộng sản.

- Anh đã nói thế thì tôi xin nói với anh như thế này. Việc anh thao túng và khuyến khích cho một số Hợp tác xã nông nghiệp ở Vĩnh Hòa, Linh Sơn, Tam Bình và Yên Lộc chuyển đổi một số hình thức khoán và trả lại ao chuôm cho các hộ gia đình, cũng như chia đất sau khi gặt cho xã viên làm vụ xen canh là việc làm không đúng. Phá vỡ mô hình làm ăn tập thể và những quy chế đã ban hành đối với các Hợp tác xã nông nghiệp. Nếu không kịp thời ngăn chặn thì đây là tiền đề để nông dân trở về với lối làm ăn riêng lẻ của chủ nghĩa tư bản.

Ông Kim hỏi giọng mỉa mai:

- Còn tội gì nữa không?

- Tôi đâu dám kết tội anh. Nhưng những việc làm của anh, theo tôi là không đúng. Đi ngược lại với đường lối hợp tác hóa của Đảng.

- Tôi hoan nghênh sự thẳng thắn của ông. Tôi nói thật lòng đấy. Có gì ông cứ nói sổ toẹt ra như vậy để tôi biết mà tranh cãi với ông để tìm ra chân lí của sự việc còn hơn là đem đi phản ánh với người khác, khi sự việc đúng sai chưa ngã ngũ. Bây giờ tôi sẽ nói ý kiến của tôi về những việc ông vừa phê phán. Trước hết, đối với việc làm của một số Hợp tác xã nông nghiệp ở các huyện, tôi cho rằng những hiện tượng đó cần được nghiên cứu một cách kỹ lưỡng chứ không nên vùi dập nó. Cái mới này sẽ nảy sinh ra cái mới khác. Đó là quy luật của sự vận động. Biết nắm bắt, nâng niu chắt lọc nó mới là thái độ đúng đắn của những người Mác-xít. Nông dân là người trực tiếp sản xuất. Hơn ai hết họ biết phải làm gì để cái bụng mình được no và đóng góp cho Nhà nước được nhiều hơn. Sản xuất phải thực sự gắn bó với quyền lợi của họ thì họ mới gắn bó với ruộng đồng. Vì sao năng suất lúa của tỉnh ta ngày càng giảm? Phải trả lời cho được câu hỏi đó mới tìm ra được phương hướng khắc phục, đưa năng suất trở lại như những năm trước đây hoặc hơn. Ông thử trả lời câu hỏi ấy cho tôi nghe thử.

- Theo tôi là do tình hình có chiến tranh. Một số lao động trẻ khỏe khá lớn được điều đi bộ đội và thanh niên xung phong. Vật tư cung cấp cho nông nghiệp như phân bón, thuốc trừ sâu, xăng dầu để chạy máy bơm không đủ dùng. Cộng với những năm qua thời tiết rất khắc nghiệt và sâu bệnh phát triển do không có thuốc trừ sâu để diệt. Đó là những nguyên nhân chủ yếu khiến năng suất sụt giảm.

- Những điều ông nói đều đúng, nhưng đó chỉ là nguyên nhân khách quan. Còn nguyên nhân chủ quan, có ý nghĩa quyết định thì ông chưa nhắc tới. Trong chiến đấu hoặc sản xuất và làm bất cứ việc gì thì yếu tố con người mới là yếu tố quyết định. Khi người nông dân không còn quyền tự chủ về kinh tế thì việc người ta không gắn bó với công việc ruộng đồng, làm được chăng hay chớ là lẽ tất nhiên. Ông có hiểu những điều tôi vừa nói không?

- Những điều anh vừa nói là có, nhưng đó chỉ là những hiện tượng cá biệt chứ không có tính phổ biến. Theo tôi, Hợp tác xã hiện nay đang đi đúng hướng. Vì thế làm biến đổi mô hình đã định hình của nó chỉ có thể tạo nên sự rối loạn, khiến năng suất càng xuống thấp.

- Tôi nghĩ ông nên rời bốn cái chân bàn, chân ghế của mình để đi xuống các Hợp tác xã nông nghiệp xem tình trạng làm ăn của xã viên hiện nay ra sao mới giải đáp được cho ông câu hỏi vì sao xã viên một số Hợp tác có hiện tượng xé rào.

Ông Kim nói xong bỏ đi về phòng làm việc của mình lấy cái điếu cày đem ra hiên ngồi xổm rít thuốc lào. Ông châm đóm rồi lại dập đóm đến mấy lần, vẻ mặt trở nên khắc khổ, bức xúc. Đô ngồi trong nhà thấy thế bước ra hỏi:

- Anh vừa cãi nhau với anh Đình đấy à?

- Đàn gảy tai trâu. Đúng là đàn gảy tai trâu – Nói xong ông Kim châm thuốc và rít cật lực.

- Hôm nay không có việc gì hay sao mà hai thầy trò ngồi ngắm cảnh và rít thuốc lào đấy? – Ông Sắc đến đứng trước mặt ông Kim và hỏi.

- Vừa nói chuyện với tay Đình xong, bực không thể chịu được. Đúng là cái tủ sách di động. Mời anh vào nhà uống nước.

- Sáng mai chúng tôi xuống Vĩnh Hòa đấy, tôi qua báo cho anh biết.

- Đã có chương trình làm việc gì chưa?

- Buổi sáng làm việc với bí thư huyện ủy và chủ tịch huyện về chủ trương của huyện ủy cho phép Hợp tác xã Hồng Vân dùng ao của Hợp tác để thả cá và chia đất cho nông dân làm vụ xen canh. Buổi chiều sẽ xuống làm việc với lãnh đạo xã và Hợp tác xã Hồng Vân.

- Anh có dám đứng ra bênh vực việc làm của lãnh đạo huyện Vĩnh Hòa không? – Ông Kim hỏi đột ngột khiến ông Sắc lúng túng. Ngẫm nghĩ một lát, ông Sắc bảo:

- Anh đặt cho tôi câu hỏi khó trả lời quá.

Ông Kim cười:

- Tôi hỏi đùa cho vui thôi chứ biết ở cương vị là phái viên của Ban nông nghiệp Trung ương, mỗi lời anh nói ra là phải hết sức thận trọng. Vì nó gắn liền với đường lối chủ trương của Đảng.

- Sáng mai anh có định xuống Vĩnh Hòa không?

- Mấy giờ các anh đi?

- Chắc là ăn cơm sáng xong thì đi.

Ông Kim lặng yên suy tính rồi nói với ông Sắc:

- Để tôi bàn với ông Quốc và chị Thường xem có nên xuống hay không. Nếu có xuống thì chúng tôi sẽ xuống sau các anh một ít.

- Theo tôi thì anh và chị Thường nên xuống để làm chỗ dựa cho lãnh đạo Vĩnh Hòa. Như tôi đã nói với anh rồi đấy. Anh Ẩn là người rất cứng rắn trong việc giữ gìn các nguyên tắc. Về mặt nào đó thì rõ ràng việc làm của lãnh đạo Vĩnh Hòa và Hồng Vân là vi phạm những nguyên tắc tổ chức Hợp tác xã. Mặc dù nguyên tắc ấy có rất nhiều điểm không hợp lí. Nhưng trong khi chưa có chủ trương sửa đổi của Trung ương, thì đó là những nguyên tắc cần phải chấp hành một cách nghiêm túc.

- Anh nói như vậy có nghĩa là những tìm tòi đổi mới của lãnh đạo Vĩnh Hòa và Hồng Vân phải dẹp bỏ?

- Đấy là tôi nói trên nguyên tắc. Còn trong thực tế, vượt qua nguyên tắc thế nào cho khéo, vừa được việc, vừa không ai nói gì được mình.

- Có được một người bạn như anh, làm cho tôi thêm vững tin rất nhiều vào những việc mình làm.

- Phần tôi tuy tiếp xúc với anh chưa nhiều, nhưng qua những việc làm của anh và những lời nói tốt đẹp của mọi người dành cho anh, tôi cũng hết sức quý trọng anh. Làm người lãnh đạo của một tỉnh trong giai đoạn này thật là khó. Vừa lãnh đạo sản xuất vừa lãnh đạo chiến đấu. Vừa lo cuộc sống của người ở hậu phương lại phải lo cơm gạo áo tiền cho người ở ngoài mặt trận.

- Rồi cũng vượt qua được hết anh ạ. Có khó khăn nào bằng khó khăn những năm đầu tiên bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp. Tiền thiếu, gạo thiếu, súng đạn cũng thiếu. Bạn bè bên cạnh không có ai. Dân còn, dân tin là còn tất cả. Lãnh đạo dù có tài ba đến mấy mà dân không tin thì cũng chẳng làm được cái gì.

- Anh nói đúng. Làm cho dân tin là yếu tố quyết định mọi thành công.

- Tôi đang lo việc tìm tòi đổi mới cách làm ăn của Hồng Vân mà bị dẹp bỏ sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường anh ạ. Phải tìm cách nâng niu nó như nâng niu một cái chồi non vừa mới nhú ra khỏi cái cây sắp héo úa. Tôi mong anh khéo léo lựa lời chống đỡ cho nó.

- Anh lại làm khó cho tôi nữa rồi.

Ông Kim cười:

- Có khó tôi mới nhờ, chứ dễ thì tôi tự làm lấy chứ nhờ anh làm gì.

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.net

truyện Đam Mỹ
truyện sắc

Dtruyen.com đổi tên miền thành Dtruyen.net. Độc giả ghi nhớ để truy cập.

truyện bách hợp

Nhận xét của độc giả về truyện Bí Thư Tỉnh Ủy

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook