Bích Nhãn Thần Quân

Chương 2: Cái bang nhất dạ lâm phong hỏa - Công tử khinh tài giúp Khánh Dương

Ưu Đàm Hoa

21/05/2013

Từ ngày Đào gia trang theo lệnh của Phạm phu nhân thu nạp anh hùng các bộ, Phạm Phi Vân mới có nhân lực thâm nhập ngành Tiền trang và vận tải. Đoàn thương thuyền của ông xuôi ngược Hoàng Hà, Dương Tử mà không sợ bị cướp bóc.

Thực ra Đào ký vẫn có những khoản giúp đỡ nhất định với các bang hội lớn nhỏ, ông là người trọng nghĩa khinh tài nên ai ai cũng tôn kính. Công việc kinh doanh lên như diều gặp gió, xuôi chèo mát mái nên ông rất bận rộn. Việc nuôi dạy công tử Vân Long giao cho Hà tổng quản và phu nhân.

Phạm công tử anh tuấn phi phàm thừa hưởng của phụ thân nét đường chính uy nghi, thận trọng và của mẹ tính thông minh tuyệt đỉnh. Mười bốn tuổi đã lào thông kinh sử, tứ thư ngũ kinh, bách gia chư tử. Học một biết mười nhưng tính tình điềm đạm ít nói, khiêm tốn và nhân hậu. Cả những gia đinh cũng vô cùng quí mến chàng.

Vân Long ít khi giận nhưng đôi lúc không vừa ý, mắt chàng cũng đổi màu xanh biếc như Nam Cung Sương. Chẳng mấy ai biết được điều này.

Công tử ở trong một tòa tiểu viện chung quanh có trúc, có mai và các loài hoa đẹp. Chàng ở đây học tập và ngâm vịnh. Theo lệnh Nam Cung Sương, Hà tổng quản đã huy động mạng lưới Đào ký cả nước tìm mua cho bằng được những dược thảo quí. Và từ nhỏ, Vân Long đã được mẹ tắm cho bằng thứ nước đặc phương ấy.

Đúng định kỳ, chàng phải uống thơm tho nhưng rất đắng.

Đào gia nhất mạch đơn truyền nên Trang chủ không muốn con mình dấn thân vào ân oán võ lâm, Nam Cung Sương chỉ cười bảo :

- Chỉ sợ sau này tướng công không thể ngăn cản nó đó thôi. Kiếp vận giang hồ đã ứng vào con mình. Nhưng chàng đừng lo, chỉ có cát mà không có hung hiểm gì đâu.

Đào trang chủ không hiểu nhưng ông chẳng hỏi thêm. Phạm phu nhân cũng không ép con phải luyện võ công, nàng chỉ chuyện trò phân tích những lề lối, quy củ và thủ đoạn xảo quyệt trong giang hồ. Vân Long cũng thường lui tới khu hậu viện, nơi cư trú của các hảo hán. Chàng chuyện trò cùng họ và thu thập rất nhiều kiến văn. Họ biết mẹ chàng là ai nên không dám lên tiếng truyền thụ võ công cho chàng mà chỉ giả như đang tập luyện, ôn lại võ công để phòng khi hữu dụng.

Những tuyệt kỹ phòng thân, chiêu thức thủ mạng được múa rất chậm và với trí nhớ tuyệt luân, Vân Long đã vô tình thâm nhập tất cả. Trong chỉ có hai năm, các cao thủ không còn gì để dạy chàng nữa. Cả Hà tổng quản cũng dốc túi truyền cho chàng ba mươi sáu đường Sưu Hoàn Thủ. Năm ấy chàng mới vừa mười lăm tuổi.

Một hôm Nam Cung Sương đến thư phòng của con và bảo :

- Mẹ biết con say mê võ học và căn cơ của con rất thích hợp để luyện võ. Những gì con học được của các thúc bá, rất hữu dụng sau này. Nhưng đấy cũng chỉ là vỏ ngoài của võ học, phần cốt lõi tinh yếu sẽ đến lúc có người truyền thụ. Võ công của ngoại con siêu quần bạt tụy nhưng lại không thích hợp với nữ nhân nên ta không luyện được. Nay mẹ sẽ dạy cho con môn khinh công và ám khí, đó là tuyệt kỹ gia truyền mà ta đắc ý nhất.

Vân Long vui mừng cảm tạ và từ đó ngày nào chàng cũng theo mẫu thân vào khu rừng sau trang viện để luyện tập. Lăng Vân Tiên Tử quả danh bất hư truyền, khinh công nàng độc bộ võ lâm, thủ pháp ném ám khí kỳ tuyệt thiên hạ. Vì chưa luyện qua nội công tâm pháp nên chàng chỉ ỷ vào khí lực thiên sinh mà Nam Cung Sương đã âm thầm bồi dưỡng từ khi chàng còn nhỏ. Vân Long hỏi mẹ sao không dạy nội công cho chàng thì bà trả lời :

- Đường lối luyện chân khí của mẹ chỉ thích hợp với nữ nhân. Sau này khi con học được tâm pháp chính tông thì võ công mới mong đến mức tuyệt đỉnh được.

- Nhưng ai sẽ dạy con?

Nam Cung Sương cười bí ẩn :

- Rồi Long nhi sẽ biết.

Vài hôm sau nhân còn ba tháng là đến ngày Phật đản, Phạm phu nhân bàn với Trang chủ :

- Tướng công, chàng cũng biết thiếp tinh thông bốc dịch, biết trước rằng con mình không thể đứng ngoài vòng ân oán giang hồ. Hơn nữa bậc trượng phu nhậm trọng nhi đạo viễn, sao có thể trốn bổn phận với thiên hạ? Long nhi sau này sẽ là cột chống đỡ cho tòa nhà võ lâm và cả an nguy của giang san. Chàng vốn là bậc thượng trí chắc cũng hiểu được lòng thiếp?

Đào trang chủ vốn tuyệt đối tin tưởng Nam Cung Sương nên vội nói :

- Ta biết nàng yêu thương Long nhi không kém gì ta, nếu quả là kiếp vận này cần đến Long nhi sao ta có thể hẹp hòi.

- Cảm tạ tướng công đã tin yêu tiện thiếp. Nay đã đến lúc Long nhi phải xa nhà để thụ giáo võ học thượng thừa. Ngày mai, xin tướng công truyền Hà Tổng quản xuất ra hai vạn lượng vàng giao cho Long nhi và một số cao thủ lên đường đến Thiếu Lâm tự. Long nhi sẽ học nội công tâm pháp của nhà Phật và sau đó sẽ lên Võ Đang sơn luyện kiếm.

Sáng hôm sau Long nhi được mẫu thân gọi đến :

- Long nhi, ta giao cho con hạt niệm châu này, khi đến Thiếu Lâm tự, cúng dường cho chùa một vạn lượng vàng để trùng tu đại điện. Con sẽ giao vật này cho Phương trượng, xin được làm đệ tử tục gia và học võ công. Sau một năm, ta tin rằng con sẽ thành công. Con hãy đến Võ Đang sơn, đưa thanh tiểu kiếm này cùng một vạn lượng vàng cho Huyền Hạc đạo trưởng và xin học kiếm pháp. Khi nào xong con mới được trở về nhà.

Long nhi nửa mừng nửa lo, chàng vốn từ lâu đã khao khát được đi xa để thưởng thức các danh lam thắng cảnh và thu thập kiến văn. Nhưng chàng vẫn lo vì sợ huyên đường ở nhà không ai sớm hôm kề cận.

Phạm phu nhân truyền Hà tổng quản cho gọi anh em họ Hải lên nhận lệnh. Lát sau, hai đại hán áo đen bước vào, kính cẩn ứng hầu.

Hải thị huynh đệ vốn là hảo hán đất Sơn Đông, tính tình thẳng thắn cương liệt, không chịu được chính sự hà khắc của tuần phủ Sơn Đông nên bỏ nhà đi làm cường đạo, chuyên đánh cướp bọn cường hào ác bá, tham quan ô lại rồi lấy của cải chia cho người nghèo.

Cách đây hơn năm, tuần phủ Sơn Đông truy sát ráo riết, anh em họ Hải bỏ xứ bôn đào về Bắc Kinh. Ở Đế đô không ai biết họ nhưng chỗ nào cũng sum nghiêm, cấm quân, thị vệ đấy đường nên họ cũng chẳng cách nào kiếm được tiền. Lâu ngày, lộ phí mang theo đã nhẵn, buồn tình lên Ngọc Hoa lâu uống chịu, bị đám thị vệ dưới quyền của Cửu môn Đề đốc vây chặt. Tưởng rằng không sao thoát khỏi cảnh lao tù và tội chém. May thay, hôm ấy Đào trang chủ và Hà tổng quản đi kiểm tra các tửu lâu nên gặp gỡ. Hà Phong là người lão luyện giang hồ, kiến văn uyên bác lại cùng quê ờ Sơn Đông nên biết Hải thị song hùng. Ông thưa với Trang chủ rằng :

- Anh em họ Hải là hảo hán đương thời, võ công kiệt xuất, tính tình trung hậu, việc thu nhận hai người này là chuyện nên làm.

Phạm Phi Vân đứng ngoài thấy hai người uy mãnh, khí thế khiếp người nên cũng thầm yêu mến. Ông xuống ngựa, ung dung bước qua vòng vây của đám thị vệ. Họ cung kính dạt qua. Phi Vân và Hà Phong đi thẳng vào khách sảnh của Ngọc Hoa lâu, nơi Hải Thị đang tử thủ. Hà Phong chắp tay thi lễ nói :

- Chẳng hay trước mặt tại hạ có phải là Hải thị song hùng ở đất Sơn Đông chăng?

Anh em họ Hải giật mình vì không ngờ có người nhận biết lai lịch của mình, nhưng vẫn giữ qui củ, chắp tay đáp :

- Chính thị là anh em mỗ. Các hạ là cao nhân phương nào, sao lại biết đến chút tiếng tăm nhỏ nhoi của bọn ta?

Hà tổng quản cười tươi :

- Chúng ta vốn là đồng hương, tại hạ họ Hà.

Ông nói xong đưa tay vẽ vào không khí thức đầu của pho Sưu Hồn Thủ. Anh em họ Hải thất kinh :

- Thất lễ, thất lễ! Té ra ngài là Sưu Hồn Thủ Hà Phong.

Hà tổng quản quay sang đưa tay giới thiệu Phi Vân với họ :

- Ta xin giới thiệu với nhị vị, đây chính là Đào trang chủ, cũng chính là chủ nhân của tòa tửu lầu này.

Anh em họ Hải đỏ mặt sượng sùng :

- Đắc tội thật, bọn tại hạ dù thô mãng cũng biết tiếng Tài Thần là người trọng nghĩa, nhân hậu, dám đâu vào đây ăn quịt, chẳng qua túi rỗng lòng không nên muối mặt uống chịu vài chén rượu, đem thanh đao này cầm đỡ. Nhưng chưởng quấy không chịu nên mới xảy ra xô xát. Nay gặp đại nhân ở đây, xin chịu trách phạt.

Phạm Phi Vân cười độ lượng :

- Không đánh nhau sao nhận được anh em? Nhị vị hảo hán là đồng hương của Tổng quản thì cũng là người nhà thôi. Để ta quở trách chưởng quầy quá hẹp hòi nên anh hùng mới gặp nạn thế này.

Anh em họ Hải cảm động :

- Không dám, không dám!

Phi Vân bước ra ngoài bảo chưởng quầy phát cho mỗi anh em thị vệ mười lạng bạc rồi giải tán vì đây chỉ là chuyện hiểu lầm. Bọn thị vệ lương tháng chỉ vài lượng bạc trắng, nay được thưởng một lúc mười lạng nên cảm ơn rối rít.

Phi Vân mời anh em họ Hải lên lầu trên đàm đạo. Các món ngon vật lạ và rượu quí được đem ra. Hải thị song hùng từ ngày lên Bắc Kinh, biết mình thiết thốn nên tằng tiện, đâu dám thưởng thức những món sang trọng, đắt tiền. Hôm nay gặp được quí nhân, lòng như mở hội, thả sức ăn uống. Phi Vân và Hà Phong chỉ ăn cầm chừng để tiếp khách.

Phi Vân không biết võ công nhưng khí độ rộng rãi, hào sảng, ở gần càng lâu càng thấy mến. Hải thị song hùng thổ lộ việc mình bị truy bắt ở Sơn Đông và hoàn cảnh khó khăn hiện tại. Phi Vân nghe xong đưa ngón tay cái lên khen rằng :

- Trượng phu thay, nhị vị lúc cùng khốn mà không đổi chí, thà chịu thiếu thốn chứ không bắt nạt dân lành vô tội.

Hải Long là lão đại, nghe Phi Vân nói xong, vỗ đùi than rằng :

- Trang chủ quả là người tri âm của Hải này. Đạo nhi hữu đạo, dù có chết anh em tại hạ cũng không ức hiếp lương dân để nhục đến tổ tiên. Trang chủ là bậc đại nhân, anh em tại hạ xin đem thân nương nhờ dưới trướng, nguyện một lòng phò tá, dẫu chết không thay.

Nói xong, anh em họ Hải sụp xuống thi đại lễ, Phi Vân vui mừng đỡ họ đứng lên và nói.

- Nhị vị anh hùng cái thế, nay có lòng xin đến Đào gia làm khách khanh, chứ ta nào có đức độ gì để nhị vị tôn thờ.

Lão nhị Hải Hổ lắc đầu nói với vẻ cương quyết :

- Mong Trang chủ đừng từ chối, bọn tại hạ vì ngưỡng mộ phong thái quân tử của ngài mà quy phục chứ không phải vì miếng cơm manh áo. Hà đại ca chịu nhận thân phận Tổng quản thì anh em họ Hải nào dám ở cao hơn.

Hà Phong đưa mắt ra hiệu, Phi Vân gật đầu đỡ hai người dậy :

- Thôi được, nhị vị đã quyết, ta cũng đành chịu. Chúng ta cứ về gia trang rồi sẽ tính sau.

Từ đó, Hải thị song hùng trở thành hộ vệ thân tín của Phi Vân.

Nhắc lại, Long nhi thấy anh em Hải thị thì rất vui mừng vì chàng vốn thân thiết với họ, nay nếu được đi cùng thì thật tuyệt. Phạm phu nhân nhìn Hải Long, Hải Hổ, bảo rằng :

- Nhị vị là người lão luyện, võ công hơn người, nay ta giao phó công tử cho nhị vị. Trong vài năm tới, nhị vị phải hết lòng chăm sóc cho Long nhi đăng sơn học nghệ. Mọi việc, Hà tổng quản sẽ dặn dò chi tiết sau.

Hải thị song hùng biết mình được giao trọng trách nên vô cùng phấn khởi :

- Xin trang chủ và phu nhân yên tâm, anh em tại hạ xin xả thân bảo vệ cho công tử.

Biết tính họ trung liệt, hứa một lời bốn ngựa khó theo, nên phu nhân rất hài lòng.

Hôm sau là ngày tốt, Đào gia trang âm thầm tiễn Long nhi lên đường. Hai vạn lượng vàng được đóng hòm chở trong xe ngựa. Hải thị huynh đệ và Long nhi cởi tuấn mã theo sau.

* * * * *

Thường tình các bang phái võ lâm đều tìm nơi núi cao, rừng lớn để đặt trụ sở. Có lẽ họ muốn cho thêm phần cao cả, tôn nghiêm, hoặc muốn lánh xa thế tục để yên tâm tu luyện. Nhưng có một ngoại lệ, đó là Cái bang, đại bang lớn nhất thiên hạ, đệ tử lên đến hàng vài chục vạn.mà sinh hoạt của bọn ăn mày thì không thể xa nơi phồn hoa, đô hội. Các Phân đà cũng vậy.

Ngoại thành Lạc Dương có một trang viện không tráng lệ nhưng rất rộng rãi.

Tòa chính viện uy nghi được vây quanh bởi một vòng phòng ốc. Tất cả đều bằng gỗ. Không có hoa viên, không có nhà thủy tạ, chỉ có sân trước rộng mênh mông làm nơi hội họp hàng kỳ. Trước cổng có tấm chiêu bài cũ bằng gỗ viết bốn chữ “Cái bang Tổng đà”. Nơi đây, sau hơn tháng nữa sẽ tổ chức lễ mừng thượng thọ tuổi cho bang chủ là Mỹ Nhiêm Cái Hạ Khánh Dương. Thiệp mời đã gởi đi từ vài tháng trước. Các Chưởng môn, long đầu, hào kiệt thiên hạ đều được mời. Đại biểu Phân đà tỉnh Trung Nguyên đang lũ lượt kéo về. Khắp nơi trong thành Lạc Dương, đâu đâu cũng bàn tán về thịnh hội này. Hai mươi năm qua, dưới sự lãnh đạo của Hạ Khánh Dương, Cái bang đã là bang hội đông đảo và hùng mạnh nhất trong lịch sử khai tông.

Nhưng chỉ trong một đêm, không hiểu do vô tình hay có bàn tay phá hoại, mà ngọn lửa quái ác đã thiêu rụi Tổng đà thành bãi tro tàn. Đê tử Cái Bang liều chết cứu chữa nhưng vô vọng. Lửa bốc lên từ mọi phía cùng với ngọn gió Tây lồng lộng đã nuốt chửng mọi thứ. Pháp Cái Hà Quyết chẳng ngại tử vong, xông pha lửa đỏ, cứu lấy sổ sách, văn bản điều hành của toàn bang.



Đến sáng, ngọn lửa đã tắt. Mỹ Nhiêm Cái với bộ râu cháy xém cùng đám đệ tử đứng nhìn cảnh điêu tàn mà khóc ròng. Kiểm điểm lại nhân lực thấy thiếu mất tám người và trọn thương gần trăm đệ tử.

Trong số tám người mất tích, nhân vật quan trọng nhất là Tài Cái Hồ Phú người nắm giữ toàn bộ ngân sách Cái bang. Hiện trường chỉ có bảy xác, không có ai mập mạp, to lớn như Hồ Phú.

Hạ Khánh Dương đã hiểu, mắt ông tóe lửa, người run lên bần bật. Ông quay lại nhìn Pháp Cái và đám đệ tử mà nói với giọng thê thiết :

- Ta quả là bất tài, u mê, tin dùng cất nhắc tên vô lại Hồ Phú nên mới có ngày hôm nay. Ta sẽ tự quyết trước bàn thờ tổ sư để tạ tội. Chức vị Bang chủ tạm thời do Pháp Cái nắm giữ.

Hạ bang chủ vừa nói đến đây thì bọn đệ tử lớn tiếng khóc ròng, đồng thanh can ngăn :

- Nếu Bang chủ tự quyết thì chúng đệ tử cũng xin theo hầu.

Pháp Cái xua tay bảo quần cái im lặng rồi chắp tay nói :

- Cung bẩm Bang chủ, việc dùng người không thể trách Bang chủ. Dù Hồ Phú do Bang chủ đề cử, nhưng đã do hội đồng trưởng lão thẩm tra, xét duyệt. Nay Bang chủ tự quyết chỉ làm hằng trăm đệ tử chết theo và cơ nghiệp Cái bang sụp đổ. Tổng đà đã bao lần xây dựng lại vì chinh chiến, nào phải cơ nghiệp tổ truyền.

Hạ Khánh Dương xua tay lắc đầu thở dài :

- Nhưng chỉ gần tháng nữa, anh hùng thiên hạ đến đây chúc thọ, chúng ta lấy gì để đón tiếp. Họ mà biết được nội tình thì ta còn mặt mũi nào mà chường mặt ra nhận lời chúc tụng.

Pháp Cái trầm ngâm giây lát rồi quay lại chúng đệ tử :

- Các ngươi nghe đây, tên phản phúc Hồ Phú là nỗi nhục của bổn bang, vì vậy các ngươi phải thủ khẩu như bình. Tuyệt đối không được tiết lộ ra ngoài. Cứ coi như Hồ Phú đã tuẫn nạn trong biển lửa. Kẻ nào không tuân tức là muốn đưa Bang chủ vào con đường chết vậy.

Quần cái đồng thanh tuyên thệ, thà chết không hé nửa lời.

Hạ bang chủ thở dài, truyền lệnh cho mọi người tiếp tục dọn dẹp, còn ông và Pháp Cái trở về Phân đà Lạc Dương triệu tập cuộc họp khẩn cấp với các trưởng lão.

Ba ngày sau, các trưởng lão hay tin đã tề tựu đông đủ trong phòng khách nhỏ bé của Phân đà. Mọi người nghe Pháp Cái kể lại sự tình đều căm phẫn vô cùng. Cái bang bao đời nổi tiếng trung liệt, trượng nghĩa, chưa hề gặp cảnh phản sư diệt tổ thế này.

Hạ bang chủ như mất cả hùng tâm, tráng chí, thiểu não nói :

- Chư vị trưởng lão! Nay Tổng đà đã bị thiêu hủy, muốn xây dựng lại cũng phải mất nửa năm. Hơn nữa, ngân quỹ của bổn bang đã cạn sạch, lấy đâu ra hàng chục vạn lạng bạc để dựng Tổng đà mới và tổ chức lễ chúc thọ? Ta đề nghị, trước mắt hủy bỏ cuộc lễ, truyền thư cáo lỗi cùng anh hùng thiên hạ.

Truyền công trưởng lão Thần Hành Thiết Bổng Lữ Quân lắc đầu phản đối :

- Không được, như thế còn gì thanh danh bao đời của Cái bang? Hơn nữa, ngày lễ đã cận kề, hào kiệt các lộ nơi xa đã lên đường từ tháng trước, không cách nào thông tin được. Chi bằng chúng ta mượn tạm trang viện nào đó để tổ chức, việc xây Tổng đà mới sẽ tính sau.

Mọi người tán thành. Phân đà chủ Phân đà Lạc Dương tên gọi Thiết La Hán Vương Hồng cũng là trưởng lão tám túi lên tiếng :

- Tại hạ biết ở Lạc Dương thành có một trang viện rộng lớn thuộc tài sản của Đào gia trang, xin Bang chủ cho người liên hệ với Đào Hoa tửu lâu để mượn. Phạm tài thần nổi tiếng trọng nghĩa khinh tài lẽ nào lại từ chối.

Hạ bang chủ gật đầu hỏi lại :

- Còn tiền bạc thì sao, khách mời không dưới ngàn người, chi phí trên năm vạn lượng, trong thời gian ngắn ngủi tìm đâu cho đủ?

Thật vậy, Cái bang sinh hoạt bằng nghề khất thực, đệ tử có đông cũng chẳng thể nào trong ít ngày mà gom góp được số tiền năm vạn lượng.

trưởng lão phụ trách ngoại vụ Thần Toán thư sinh La Thiện Hùng vốn là một sĩ tử văn võ song toàn nhưng công danh bất toại nên đầu nhập Cái bang, đem tài trí góp phần giúp Cái bang trở nên hùng mạnh, được mau chóng cất nhắc lên hàng trưởng lão, trầm tư rồi nói :

- Tôn chỉ xưa nay của chúng ta là tự lập, tự tôn nên không có quan hệ với các hào phú trong thành. Nay có việc phải mượn e rất khó. Hơn nữa, chuyện khó khăn này lại không thể lộ ra ngoài. Chỉ có chủ nhân Đào Hoa tửu lâu là người thân tín của Phạm tài thần, trước đây cũng là người giang hồ may ra thông cảm, giúp đỡ và giữ kín. Nhưng theo thông lệ thì cứ cuối tháng, các phân hiệu của Đào ký đều chở số bạc lời lãi trong kinh doanh về nộp cho Đào trang chủ. Vì vậy, nếu chẳng may xe bạc đã lên đường thì coi như vô vọng. Chúng ta hãy nhanh chóng đến gặp Đồng Thiên Cung để thương lượng, may ra còn kịp.

* * * * *

Lại nói về Long nhi, bao năm chưa ra khỏi thành Bắc Kinh nên chàng vô cùng phấn khởi, say sưa trước những cảnh đẹp dọc đường. Thời gian không gấp nên Hải thị song hùng cứ nhẩn nha để Long nhi có thời gian thưởng thức. Đường xuôi Nam cảnh vật kỳ tú, êm đềm, mùa xuân còn chưa qua nên cỏ cây xanh tốt, chim chóc rộn ràng. Sau mươi ngày bạt thiệp trường đồ đã đến Lạc Dương thành. Hải thị huynh đệ đưa người ngựa vào thẳng Đào Hoa tửu lâu để nghỉ ngơi. Chủ nhân là Đồng Thiên Cung nghe tin mừng rỡ ra tân cửa đón :

- Lão phu thật vui mừng được đón tiếp công tử và nhị vị. Xin vào trong tắm gội, lão phu bảo thuộc nhân bày tiệc để các vị tẩy trần và cũng để mọi người đến ra mắt chúc mừng.

Xe chở bạc được đưa vào sân sau, đám gia nhân khệ nệ khiêng hai rương vàng vào cất trong phòng quỹ.

Đào Hoa tửu lâu có ba tầng, tiểu yến được bày ở trên tầng chót. Từ đây có thể nhìn bao quát cả thành Lạc Dương. Long nhi đã thay áo khinh bào, phong thái tuấn mỹ phi phàm, có phần hơn cả Phạm tài thần thưở thiếu thời.

Các thuộc nhân đã tề tựu đông đủ, họ chỉ nghe nói mà chưa hề biết mặt Long nhi. Đồng lão đưa chàng thượng lâu, Long nhi lễ đô chắp tay thi lễ. Mọi người xúc động trước vẻ đẹp hơn người và hí độ khiêm cung, hòa nhã của Long nhi nên xúyt xoa khen ngợi, lần lượt đến chào. Lát sau họ xuống lầu tiếp tục làm việc, chỉ còn Đồng lão và bọn Long nhi.

Đồng Thiên Cung trước khi về Lạc Dương coi sóc tửu lâu, đã từng ở Đào gia trang một thời gian nên biết rõ sở thích ẩm thực của Long nhi, vì vậy chàng ăn rất ngon miệng. Anh em họ Hải thì khỏi nói, họ ăn như rồng cuốn nhưng chỉ uống vài ly vì còn nhiệm vụ bảo vệ thiếu gia.

Long nhi với tư cách tiểu chủ nhân, cũng hỏi han sơ qua sanh ý của tửu lâu.

Đồng lão nhất nhất trả lời cặn kẽ. Yến tiệc đang vui vẻ chợt có chưởng quầy lên bẩm báo :

- Thưa Đồng lão gia, có các trưởng lão Cái bang đến tham kiến.

Đồng lão giật mình vì trước đây hai bên không có quan hệ gì với nhau, nay sao lại có cuộc thăm viếng bất thường này? Cương vị của các trưởng lão Cái bang rất cao quí, không dễ gì gặp được. Hải thị song hùng cũng chột dạ, hỏi thăm Đồng Thiên Cung :

- Chúng ta với Cái bang có thất thố điều gì chăng?

Đồng lão lắc đầu, suy nghĩ giây lát rồi nói :

- Không lẽ Cái bang đến đây vì việc hỏa hoạn ở Tổng đà? Thôi được, chưởng quầy hãy ra mời các vị ấy vào. Nhân có công tử và nhị hiệp ở đây, xin giúp lão đối phó.

Lát sau, chưởng quầy cung kính đưa khách thượng lâu. Dẫn đầu là Truyền Công trưởng lão Lữ Quân, tuổi đã hơn bảy mươi mà còn quắc thước, thân hình khôi vĩ, râu cằm đen nhánh. Theo sau là Thần Toán thư sinh, Pháp Cái trưởng lão và Phân đà chủ Lạc Dương.

Đồng lão cung kính mời khách an toạ, đưa tay giới thiệu Hải thị song hùng và Long nhi. Quần cái chắp tay thi lễ :

- Thất kính, té ra là công tử và nhị vị anh hùng.

Lữ Quân cũng giới thiệu phe mình rồi đi thẳng vào vấn đề :

- Đồng lão, việc Tổng đà Cái bang gặp hỏa tai chắc ông có biết? Nay chỉ còn ít hôm nữa là đến ngày khánh hạ thất tuần của Bang chủ bổn bang. Mong Đồng lão rộng lượng cho mượn tạm trang viện ở ngoại thành và số bạc năm vạn lượng để tổ chức. Sau này sẽ hoàn lại với lãi suất qui định của các Tiền trang.

Quy củ của Đào gia trang là các cơ sở có toàn quyền tự giải quyết công việc làm ăn tại chỗ nên Hải thị và Long nhi không lên tiếng. Đồng lão trầm ngâm một lát rồi nói với Lữ Quân rằng :

- Việc mượn tạm trang viên không thành vấn đề, nhưng số bạc trong quỹ của tửu lâu hiện nay chỉ hơn vạn lượng, không đủ đáp ứng yêu cầu của quý bang.

Quần cái thất vọng ra mặt vì nước xa không cứu được lửa gần. Đường từ Bắc Kinh đến Lạc Dương đi về cũng hơn một tháng, nếu Trang chủ có lòng tương trợ cũng không có cách nào đem bạc về kịp.

Long nhi thường được nghe nói về sinh hoạt giang hồ nên cũng biết Cái bang thế mạnh người đông, các Phân đà mỗi năm đều đóng góp cho Tổng đà và toàn bộ là bạc trắng, vì ăn mày làm gì có ngân phiếu. Dù có hỏa hoạn, bạc chảy ra chỉ cần phân kim đúc lại chứ đâu thể mất hết được? Chàng hiểu ngay sự tình có uẩn khúc.

Tính trẻ thơ hiếu kỳ nên chàng không e ngại cấm kỵ của giang hồ, cất tiếng hỏi :

- Tiểu sinh mạo muội xin hỏi chư vị thúc bá rằng phải chăng nội tình quý bang có điều khó nói? Vì các vị người đông, nếu lửa chỉ phát sinh một chỗ lẽ nào không đối phó được? Hơn nữa, bạc trắng chảy ra sao chẳng thu gom lại?

Thần Toán thư sinh giật mình trước nhận xét tinh tế của Long nhi. Ông ngấm ngầm quan sát và nhận ra nét thông tuệ, phi phàm đằng sau khuôn mặt trẻ thơ xinh đẹp kia. Quần cái phần vì mối ưu tư đè nặng trong lòng, phần vì coi Long nhi như một thế gia công tử bất tài như bao lũ con nhà giàu khác nên không để ý tới. Nay nghe chàng hỏi mới biết chàng không hổ là dòng dõi Tài Thần. La Thiện Hùng cất tiếng ngợi khen :

- Công tử quả là bậc tài trí, tuổi trẻ mà xét việc như thần. Quả thật bổn bang đang lâm đại nạn. Ta nói ra, mong quý vị vì thanh danh bổn bang mà giữ kín dùm.

Ông bèn thành thật kể hết chuyện Hồ Phú phản bang đốt nhà, cướp bạc.

Bốn người trong bọn Long nhi nghe xong kinh tâm động phách. Long nhi trầm ngâm giây lát rồi nói :

- Theo ý tiểu điệt thì một mình Hồ Phú không thể nào phóng hỏa được nhiều nơi trong một lúc, chắc là có vài tên đồng bọn. Hơn nữa, số bạc gần mười ngàn lượng ấy cũng chưa thể đem ra khỏi thành Lạc Dương.

Mọi người sững sờ vì Long nhi quả cao kiến. Cái bang cứ cho rằng số bạc đã cao chạy xa bay cùng Hồ Phú nên không hề truy tìm.

Lữ Quân giơ ngón tay cái khen :

- Phạm công tử đã làm đầu óc bọn già này được mở mang. Nhưng để sau hãy tính, trước mắt phải lo cho xong việc lễ thọ. Dù không mượn được bạc nhưng bọn lão cũng vô cùng cảm kích công tử và Đồng lão. Xin được cáo từ để đi mượn nơi khác.

Long nhi cười bảo :

- Chư vị thúc bá có chắc rằng sẽ mượn được ở nơi khác chăng?

Phân đà chủ Vương Hồng thiểu não lắc đầu :

- Quả thật chúng ta có ít hy vọng lắm. Nếu chia ra mượn mỗi nơi một ít thì còn gì là danh dự Cái bang nữa.

Long nhi quay sang hỏi Đồng lão :

- Đồng bá bá, các doanh nghiệp của bổn trang từ đây đến phủ Hà Nam gom góp lại có đủ một vạn lạng vàng chăng?

Đồng lão không hiểu ý Long nhi nhưng vẫn lấy bàn toán nhẩm tính sanh ý các cơ sở rồi trả lời :

- Bẩm công tử, chắc là đủ. Nhưng trong mươi ngày làm sao có thể huy động vận chuyển về đây kịp?

Long nhi mỉm cười bí ẩn, quay sang nói với quần cái :

- Như vậy là tốt rồi. Long nhi xin thay mặt gia phụ kính tặng Cái bang một vạn lạng vàng để sử dụng. Coi như đó là lễ mọn để mừng thượng thọ quý bang chủ. Xin Đồng bá bá sai người mở phòng quỹ mang lên đây một trong hai chiếc rương của tiểu điệt.



Quần cái xúc động khôn xiết đồng thanh đứng lên chắp tay cảm tạ :

- Công tử nghĩa khí ngút trời, hai mươi vạn đệ tử Cái bang xin cúi đầu lạy tạ. Sau này công tử có gì sai bảo, dù nước sôi lửa bỏng cũng không dám từ nan.

Thật vậy, Cái bang được một vạn lượng vàng này như đại hạn phùng cam vũ, không những đủ để làm lễ thượng thọ mà còn đủ để xây lại Tổng đà mới nữa. Từ chỗ tưởng chừng vô vọng, lại nhận được quá nhiều nên họ cảm kích là phải. Đồng lão và Hải thị song hùng cũng gật gù thán phục khí độ và cách xử lý thông minh của Tiểu Tài Thần. Mối ân tình này với Cái bang làm tăng thế lực Đào gia trang trên toàn cõi Trung Nguyên.

Long nhi xua tay nói :

- Cái bang anh hùng trượng nghĩa, bao đời nổi tiếng trung liệt, là chỗ dựa cho chính khí võ lâm. Tiểu điệt đường xa không mang theo nhiều ngân lượng nên chỉ có bấy nhiêu. Mong chư vị thúc bá chớ quá bận tâm.

Lúc này bọn gia nhân và chưởng quầy đã đem rương vàng lên. Đồng lão mở ra, ngàn nén vàng mười xếp chặt chẽ, lấp lánh như tỏa sáng. Thực ra chính Đồng lão cũng không biết Long nhi đem theo số vàng to lớn này. Ông chỉ biết Long nhi đang trên đường đến phủ Hà Nam để học nghệ.

Quần cái cũng cả đời chưa hề thấy một lúc cả số vàng vạn lạng nên ngẩn người lặng im không biết nói sao. Thần Toán thư sinh vốn túc trí đa mưu nên thầm đoán rằng rương vàng này đem theo chắc là để làm quà tặng chứ chẳng phải để tiêu xài. Vì Đào gia trang có cơ sở khắp nơi, đâu cần phải đem theo nhiều vàng đến thế.

Ông không biết mục đích của Long nhi nhưng cũng hiểu chàng đã tự quyết định một việc ngoài ý liệu. Ông đứng dậy chắp tay nói :

- Ân trọng không báo đáp bằng lời. Thay mặt Bang chủ, kính thỉnh công tử và tam vị hào kiệt ngày rằm tháng này đến dự lễ chúc thọ.

Hải thị song hùng chắp tay nói :

- Xin cảm tạ lòng ưu ái của quý trưởng lão, nhưng thiếu gia và bọn tại hạ ngày mai đã phải lên đường. Đồng lão sẽ thay mặt Đào gia trang đến dự.

Quần cái hớn hở hộ tống rương vàng trên xe ngựa đưa về phân đà Lạc Dương.

Dân chúng trong thành cứ ngỡ các trưởng lão Cái bang hôm nay vì buồn nên quá chén, phải ra về bằng xe ngựa kéo thay vì bằng những bàn chân quen với phong trần.

Chiều hôm ấy, Hải thị huynh đệ và Long nhi lững thững thưởng ngoạn trên đường phố Lạc Dương. Đến đâu cũng được đám ăn mày kín đáo thi lễ. Long nhi bản tính nhân hậu nên bảo Hải Long lấy bạc vụn bố thí, nhưng bang chúng Cái bang chỉ cúi đầu cảm tạ mà không dám nhận. Long nhi thầm hiểu nên cũng không ép. Trời đã về chiều, chàng đang định quay lại tửu lâu thì có một hán tử trung niên là đệ tử Cái bang nhưng áo quần sạch sẽ, vài miếng vá chỉ là qui củ, lưng đeo năm túi, đến trước mặt cung kính nói rằng :

- Bang chủ bổn bang kính thỉnh công tử và nhị vị đến trụ sở Phân đà dùng chén rượu nhạt, để Bang chủ đích thân cảm tạ. Lúc nãy tiểu nhân đến tửu lâu, nhưng nghe Đồng lão nói công tử đi dạo nên vội chạy ra đây tìm. Mong công tử thứ lỗi...

Quả thật, lưng áo của y đã đẫm ướt mồ hôi. Long nhi đưa mắt hỏi ý kiến Hải thị huynh đệ. Hải Long gật đầu.Long nhi quay sang bảo hán tử :

- Bang chủ có lòng ưu ái, Long nhi không dám từ chối. Xin các hạ dẫn đường.

Hán tử vui mừng vội bước, lát sau đã đến phân đà. Đệ tử trực cổng từ xa đã thấy nên vào thông báo. Khi bọn Long nhi đến nơi thì Mỹ Nhiêm Cái Hạ Khánh Dương và các trưởng lão đã ra tận cửa đón khách. Bang chủ hôm nay phục hồi phong độ, bộ râu đẹp bị cháy xém được sửa sang, chăm chút lại. Ông cười rạng rỡ, bước tới chắp tay chào Hải thị song hùng và thân thiết nắm lấy tay Long nhi lôi vào trong :

- Công tử quả là rồng phụng trong đời, Tài Thần phúc phận sâu dầy mới sanh được một quý tử khí chất phi phàm đến thế.

Phân đà vốn nhỏ bé nên chỉ vài bước đã vào đến khách sảnh. Chiếc bàn bát tiên bày biện đơn sơ vài món nhậu, không nhiều nhưng thơm tho và ngon mắt. Bang chủ kéo ghế mời Long nhi ngồi kế bên mình, mọi người cùng ngồi theo. Hạ Khánh Dương tính tình hào sảng, cầm lấy bầu rượu rót đầy từng chén rồi đứng dậy nói :

- Hôm nay, ta mượn chén rượu nhạt này để tỏ lòng cảm kích với Phạm công tử. Xin mời cạn và dùng tạm mấy món ăn đạm bạc này.

Mọi người đều là giang hồ hiệp khách, xem rượu như tri kỷ nên đều hồ hởi uống cạn. Long nhi còn nhỏ không uống được nhưng cũng nhấp một ngụm nhỏ cho bang chủ vui lòng. Bang chủ đưa đũa gắp mấy miếng thịt vàng ươm bỏ đầy vào chén Long nhi. Chàng không biết là thịt gì nhưng giữ lễ nên vẫn ăn. Càng ăn càng cảm thấy thơm ngon, hơn cả những mòn cầu kỳ mà chàng đã từng thưởng thức.

Thấy bát của Long nhi đã hết, Bang chủ hài lòng, cười ha hả gắp thêm món khác :

- Công tử chắc chưa bao giờ được ăn những món dân dã này chứ gì? Đây là món mà đệ tử Cái bang đắc ý nhất.

Long nhi đỏ mặt vì biết mình ngon miệng ăn nhiều. Chàng nói :

- Quả thật tiểu điệt chưa bao giờ được ăn những món ngon như thế nầy. Chẳng hay nấu bằng loại thịt gì vậy?

Quần hào ha hả phá lên cười. Long nhi càng thêm thẹn thùng. Bang chủ đưa tay ôm lấy vai Long nhi mà bảo :

- Đây là món đặc sản được nấu nướng bằng bàn tay diệu thủ của đầu bếp số một Cái bang là Truyền Công trưởng lão Lữ Quân đấy. Ngay cả Thánh thượng cũng chưa được thưởng thức. Nay vì ái mộ công tử nên trưởng lão đã xuống bếp, tự tay làm lấy món tuyệt kỹ để công tử ăn thử. Nhờ vậy bọn già chúng ta cũng được hưởng phúc lây.

Hải Hổ cười đỡ lời Bang chủ :

- Công tử không biết đấy thôi, Lữ trưởng lão lừng danh thiên hạ về tài nấu nướng nhưng ít khi chịu ra tay. Nay công tử đã ăn rồi thì chẳng bao giờ quên được vậy.

Long nhi giận dỗi hỏi lại :

- Nhưng nãy giờ chư vị thúc bá vẫn chưa cho Long nhi biết đây là thịt con gì.

Thần Toán thư sinh La Thiện Hùng cười đáp :

- Công tử không biết rằng bọn Cái bang chúng ta chỉ thích ăn thịt chó thôi sao?

Mọi người lại phá lên cười. Long nhi lúng túng giây lát rồi thản nhiên đưa tay gắp thêm một miếng dồi nướng, miệng nói rằng :

- Con gì cũng do tạo hóa sinh ra để nuôi dưỡng nhân sinh, chư vị ăn được thì tiểu điệt cũng ăn được.

Hạ bang chủ hoan hỉ đưa ngón tay cái lên khen ngợi :

- Công tử còn nhỏ mà khí độ đã hào sảng đến thế, bọn lão phu xin khâm phục.

Rượu được vài tuần, mọi người đều đã no nê. Mặt Long nhi lúc này ửng sắc hồng trông càng anh tuấn dễ thương. Hạ bang chủ buông chén nghiêm nghị nói :

- Ta vốn mồ côi từ nhỏ, lại không có anh em, nay thấy công tử tinh anh mỹ mạo, lại có khí phách anh hùng, muốn mạo muội xinh kết nghĩa đệ huynh với công tử, có được chăng?

Long nhi và mọi người sửng sốt vì tuổi họ Hạ đã hơn thất tuần và bối phận cực kỳ cao cả, nay muốn nhận Long nhi làm nghĩa đệ quả là chuyện nghịch thường.

Long nhi lúng túng chắp tay thưa :

- Hạ bá phụ quá thương nên nói thế, Long nhi chỉ là đưa trẻ, sau này biết xưng hô với các thúc bá khác thế nào?

Hạ Khánh Dương vuốt râu cười lớn :

- Công tử đừng lo, ta đã suy nghĩ đến điều này, khi có mặt người ngoài thì công tử cứ gọi ta là Bang chủ còn trong nhà thì cứ gọi ta là lão đại ca. Hơn nữa các vị trưởng lão trong bang đề gọi ta là Hạ đại ca thì công tử cũng không thể làm khác được.

Hải Long, Hải Hổ cảm thấy lời nói của Bang chủ có ẩn chứa huyền cơ nhưng không dám hỏi. Hạ bang chủ quay sang hỏi ba vị trưởng lão của Cái bang :

- Các huynh đệ chắc cũng biết ai là người cứu vãn thanh danh của Cái bang chứ? Nay ta có ý tăng cho Phạm công tử danh vị trưởng lão danh dự của Cái bang. Chẳng hay hội đồng trưởng lão thấy thế nào?

Uy tín của Hạ bang chủ rất cao, tuy tiếng là ông xin ý kiến của hội đồng trưởng lão nhưng thực ra ông đã biết trước rằng sẽ không ai phản đối. Quả nhiên tam vị trưởng lão tức thời hoan hô tán đồng. Pháp Cái cũng là Chấp Pháp trưởng lão hồ hởi nói :

- Bang chủ quả là anh minh, Phạm công tử xứng đáng nhận danh hiệu cao quý này.

Long nhi sợ hãi đưa mắt nhìn Hải thị song hùng cầu cứu. Hải Long biết ý Hạ bang chủ đã quyết, nếu không nhận sẽ làm mất mặt Cái bang nên gật đầu. Long nhi hiểu ý vòng tay cung kính thưa rằng :

- Nay bang chủ và quý trưởng lão hết lòng lân ái, Long nhi chẳng dám không nghe. Ba lạy này xin ra mắt đại ca.

Nói xong Long nhi phục xuống thi đại lễ. Hạ bang chủ cũng vái lại ba cái. Ông bước đến ôm lấy Long nhi, lòng xúc động đến đầm đìa nước mắt. Ông đưa chàng đến chào các trưởng lão trong bối phận mới :

- Từ nay Long đệ sẽ là tiểu trưởng lão, cũng là tiểu đệ của lũ già chúng ta. La trưởng lão mau thỉnh bàn thờ tổ sư để Long đệ tuyên thệ nhận chức trưởng lão.

Nghi lễ đơn sơ nhưng không khí cực kỳ nghiêm trang. Hạ Khánh Dương thắp ba nén nhang, đứng trước bàn thờ tuyên cáo với tổ sư rồi quỳ xuống lạy. Long nhi và các trưởng lão cũng quỳ theo Bang chủ. Chờ Long nhi tuyên thệ xong liền rút trong tay áo ra một thẻ trúc đen nhánh trao cho chàng và nói :

- Từ nay Long đệ đã chính thức là trưởng lão Cái bang, Hắc Trúc lệnh phù này có thể điều động được đệ tử Cái bang trong cả nước. Long đệ nên giữ gìn cẩn thận.

Long nhi cảm động trước tấm lòng thương yêu của Hạ Khánh Dương nên mắt chàng cũng đỏ hoe. Chàng ấp úng nói :

- Tiểu đệ xin cảm tạ thịnh tình của các vị đại ca. Tiếc là ngày mai đã phải lên đường, không thể lưu lại cận kề. Học nghệ xong tiểu đệ sẽ quay lại thăm viếng.

Hạ Khánh Dương chợt vỗ đầu cười lớn :

- Ta thật đãng trí vô cùng, Long đệ là tiểu trưởng lão Cái bang mà không biết gì về võ công bản phái thì coi sao được. Lữ trưởng lão hãy vào phòng ta lấy cuốn bí kíp Đả Cẩu bổng pháp và Giáng Ma chân giải sao lại, sáng mai sẽ giao cho Long đệ đem theo luyện tập.

Hải thị huynh đệ và các vị trưởng lão nghe Bang chủ nói mà không khỏi giật mình. Hai tuyệt học này là bí truyền của Cái bang mà Hạ Khánh Dương cũng dạy cho Long nhi, đủ chứng tỏ ông thật lòng thương mến chàng chứ chẳng phải vì tính toán lợi hại đến thế lực của Tài Thần.

Sáng hôm sau, người ngựa của bọn Hải Thị vừa ra đến ngoại thành đã gặp quần cái đứng chờ. Long nhi vội xuống ngựa thi lễ. Hạ bang chủ đưa tay đỡ chàng dậy, trao cho một bọc nhỏ, chắc là bí phổ. Ông thân ái dặn dò :

- Long đệ cố gắng luyện tập để khỏi phụ lòng ta kỳ vọng. Hiền đệ thiên tư xuất chúng chắc sẽ không gặp khó khăn gì. Võ công Cái bang không phải là quán thế nhưng nếu luyện đến thập thành cũng có thể xưng hùng thiên hạ.

Long nhi nhất nhất tuân theo, bùi ngùi từ giã các lão huynh rồi lên đường. Được vài mươi dăm, mặt trời xuân nắng như đổ lửa. Hải thị huynh đệ dừng chân trước một tửu quán nhỏ nhưng sạch sẽ. Cả ba bước vào tìm một bàn gần cửa sổ thoáng mát để dùng bữa trưa. Tửu bảo nhìn khí thế bọn Long nhi biết ngay là khách quý nên phục vụ rất chu đáo. Ăn xong, tửu bảo đem lên một bình trà ngon, Hải Long chiêu một ngụm khen ngon rồi bảo :

- Long nhi, lẽ nào công tử đã gọi lão già bất tử họ Hạ kia là đại ca mà vẫn xưng hô với chúng ta là tiểu điệt mãi sao? Anh em chúng ta còn trẻ hơn họ nhiều. Hay là từ nay Long nhi cứ gọi quách chúng ta là đại ca có hay hơn không?

Hải Hổ nghe vậy mừng rỡ đập bàn nói :

- Đúng vậy, đại ca nói chí phải, từ bữa ấy đến nay, tiểu đệ vẫn tức anh ách trong lòng.

Long nhi là người khoáng đạt nên cũng vui vẻ gật đầu :

- Nhị vị đã dạy, Long nhi xin nghe, chúng ta từ nay coi nhau như huynh đệ.

Hải Long, Hải Hổ khoái chí ngửa cổ cười dài. Trời đã dịu nắng, mã phu cũng vừa ăn xong, cả bọn lại lên đường.

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.net

truyện sắc
Vạn Cổ Thần Đế

Dtruyen.com đổi tên miền thành Dtruyen.net. Độc giả ghi nhớ để truy cập.

truyện full

Nhận xét của độc giả về truyện Bích Nhãn Thần Quân

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook