Bình Minh Và Hoàng Hôn

Chương 4: Thể xác cùng tâm tư tuổi dậy thì

Tân Di Ổ

30/05/2013

Nỗi lo âu giấu kín trong lòng Chỉ Di kéo dài tận hơn một năm ròng, cuối cùng vào một ngày chẳng hề có điểm gì hẹn trước, cô bé đã đón nhận kỳ “nhuốm đỏ” đầu tiên trong đời. Một thân một mình trốn trong nhà vệ sinh, cô bé vừa ngượng nghịu, lại vừa như trút được gánh nặng. Lúc đi ra, cô bé lấm lét kéo mẹ vào phòng, kể cho mẹ nghe bí mật ấy. Uông Phàm xoa lên mái tóc tơ mềm mại của Chỉ Di, thốt lên, “Các con đều lớn cả rồi đấy!”.

Đúng vậy, các cô con gái đã bắt đầu trưởng thành. Chỉ Di cảm thấy cơ thể mình mỗi ngày đều biến đổi, tuy cái biến đổi ấy chỉ chậm rãi từ từ, nhưng cô vẫn cảm nhận được. Cô giống hệt một hạt mầm trải qua cả mùa đông trong đất bùn của nhà kính đang cố sức nảy mầm. Cô cao thêm một chút, nhưng thứ khiến cô ngại ngùng nhất chính là khuôn ngực cũng đang dần dà nảy nở, có đôi chút đớn đau nhoi nhói, lẽ nào đây chính là dấu hiệu của tuổi trưởng thành? Với những biến đổi này, Chỉ Di luôn cảm thấy không thể nào quen cho nổi, có lúc cô ngắm mình trong gương, cơ hồ chẳng còn thấy đâu dáng vẻ ngày xưa nữa, nhưng nhìn kĩ lại thì hình như chẳng thay đổi là mấy, vẫn mặt mũi nhạt nhòa, mơ hồ như thể bị phủ một lớp sương mù. Cô nài nỉ mẹ mua cho bộ đồng phục rộng hơn một cỡ, tính che giấu đi những đường cong dần dà lồ lộ; cô bắt đầu phải lòng những cuốn tiểu thuyết có lối viết lách khổ đau kể lể, chọn những loại thi từ ai oán mà thuộc nằm lòng, rồi sau vô duyên vô cớ thương cảm sụt sùi. Từ Thục Vân – mẹ của Kỉ Đình – vốn là Phó Giáo sư khoa Văn, chuyên ngành Văn học cổ điển Trung Hoa, trong nhà có hẳn một tủ sách cao ngất, Chỉ Di thích qua thư phòng nhà họ Kỉ, thế nhưng không hiểu sao, càng lớn lên, những lúc nhìn thấy Kỉ Đình cô lại càng lúng túng, không biết phải để tay chân vào đâu cho đỡ thừa – rõ ràng là cô mong chờ khôn lớn chỉ vì anh chàng ấy mà thôi. Kỉ Đình lúc này đã tốt nghiệp cấp ba, ra dáng một chàng thanh niên lắm rồi, tuy cậu vẫn chăm chút ân cần với Chỉ Di như thuở bé, nhưng họ không còn ngày ngày lên lớp rồi đi về cùng nhau nữa. Thế nên cho dù phát hiện ra những biến đổi ở cô gái nhỏ, cậu cũng chẳng có bụng dạ nào mà đi tìm tòi nguyên cớ bên trong, cậu chỉ biết là bây giờ, trước mặt cậu, có lúc Chỉ Di hệt như một con thỏ non bị kinh động, hỏi cô bé phải chăng là có tâm sự gì, cô đều nói không phải, cậu cũng chỉ cười cười để mặc cô bé mà thôi.

Mỗi lúc nhìn thấy bóng dáng của Kỉ Đình, Chỉ Di đều thầm trách móc bản thân mình vô dụng, rất nhiều lần, một mình ngắm nghía mấy chú cá vàng tung tăng múa lượn giữa làn nước, cô bé đều hỏi bọn chúng: vì đâu cô chẳng thể như Chỉ An, giống hệt một cây con mọc hoang, thỏa thuê vô chừng, mặc sức mà đâm cành trổ lá. Chỉ An lúc mười lăm tuổi đã cao hơn một mét sáu mươi ba, cô bé tuy không phải nữ sinh cao nhất lớp, nhưng bất kể là bạn học nam hay nữ, trông thấy cô cơ hồ đều phải ngẩng đầu lên. Cô càng lúc càng không giống với Chỉ Di, mặt phượng mảnh dài, gò má hơi cao, sống mũi thẳng tắp, bờ môi hơi mỏng, từng nét trên mặt tách riêng ra thì không có gì là đặc biệt hơn người, thế nhưng hợp lại với nhau, lại có nét sắc sảo lộng lẫy. Vẻ đẹp của Chỉ An là kiểu sinh động, lanh lợi, mang chút lạnh lẽo khắc nghiệt xa cách, đến lúc này cô bé đã cắt phăng mái tóc dài vốn nuôi từ tấm bé, để một kiểu đầu ngắn ngủn hơi lộn xộn, nhưng không những không giống một đứa con gái giả trai, ngược lại càng tôn thêm các nét trên khuôn mặt nhỏ nhắn. Dáng người cô bé dong dỏng mảnh mai, không giống với vẻ đẹp đẫy đà nở nang truyền thống, thế nhưng bất kể đi đến nơi nào, cô cũng đều rướn thẳng lưng, cằm hơi hất lên, bởi vì đến tuổi này cô đã ý thức được vẻ đẹp của mình.

Khi nhìn người ta, Chỉ An luôn nheo nheo đôi mắt vốn dĩ dài mảnh xinh đẹp, không kiêng dè ngần ngại mà dò xét người trước mặt. Thế nên, cho dù từ nhỏ kết quả học tập có nổi trội, cô cũng chẳng phải đứa trẻ được người lớn yêu quý, đặc biệt là các cô, các bác trong khu tập thể cán bộ công nhân viên. Bọn họ lúc trà dư tửu hậu thường lấy giọng điều vừa khinh ghét vừa tiếc rẻ mà bàn tán về đứa con gái nhỏ nhà ông giáo Cố. Như bọn họ thấy, Chỉ An mới tí tuổi đầu mà mắt mũi đã sáng quắc, như thể muốn móc cả linh hồn người ta ra, nội điều đó thôi đã là một cái tội, huống hồ tính tình thì ngông nghênh phóng túng, đúng một thành phần bất hảo.

Đương nhiên, đó chỉ là những lời đàm tiếu sau lưng thôi, tính khí của Chỉ An thì người quanh vùng nay ai ai cũng biết, không ai động vào cô thì cô cũng chẳng động vào ai, thế nhưng đắc tội với cô là cô quyết báo thù đến cùng, cô chưa kiêng dè ai bao giờ cả. Mấy năm gần đây, sự kìm kẹp của vợ chồng Cố Duy Trinh đối với Chỉ An càng lúc càng bất lực, cô bé mềm cứng đều không nghe, ai khuyên giải ra sao cũng đều không lọt tai, chỉ khăng khăng làm những việc mình muốn. Cũng may cô vẫn là người có đầu óc tỉnh táo, biết cái gì là tốt cho mình, thế nên tuy uốn nắn chẳng dễ dàng gì, nhưng trong suốt quá trình trưởng thành, cô chẳng hề sai sót nhầm lẫn lấy một bước, ngoài cái thói tùy tiện ngông cuồng thì Chỉ An từ nhỏ vẫn luôn là một đứa bé học hành giỏi giang, không khiến ai phải bận tâm.

Đương nhiên, nguyên nhân khiến các chị em phụ nữ trong khu ghét cay ghét đắng cô bé như thế không hẳn vì dung mạo hay tính khí của cô, mà vì mấy thằng con, thằng cháu đang tuổi nhỡ nhồng trong nhà họ lại cứ như ăn phải bùa phải bả của “con yêu tinh” đấy. Đám con trai từ bé nghịch ngợm chơi đùa với Chỉ An, bây giờ đều đã trở thành những chàng khờ mặt mày đỏ lựng trước cô bé, đến cả thằng béo đã từng bị cô bé nhảy lên người đánh đấm cho khóc thét bao nhiêu lần, giờ vớ được thứ gì hay ho cũng phải nghĩ ngợi khổ sở cả ngày xem có cách nào khiến Chỉ An chịu nhận không.

Không ai rõ hơn Chỉ An về sức hấp dẫn của cô trong mắt đám con trai, thế nhưng cô lại chẳng hề cảm thấy đây là thứ gì nên giấu giếm hay đè nén, cô vui sướng trước ánh mắt thèm thuồng của bọn chúng, rồi vận dụng ma lực của mình vừa chặt chẽ vừa khéo léo. Cô bé chẳng lại gần ai cả, thế nhưng đứa nào cũng ngỡ rằng cái xa cách của cô bé là đặc biệt lắm. Thi thoảng cô cũng thấy thinh thích một cậu trai nào đó. Dù đối tượng là người cao ngạo, lặng lẽ, ngọt ngào êm ái hay đã có người thương, một khi đã thích là cô quyết chinh phục bằng được. Những đối tượng càng khó sáp lại thì cô càng thích sáp lại gần, hơn nữa không giành được quyết không từ bỏ. Cô nàng Cố Chỉ An mười lăm tuổi đầu đã hệt như thuốc phiện, rõ ràng biết là không được phép đụng vào đấy, thế mà vẫn luôn có người lao vào vồ vập cho đã cơn thèm khát.

“Kỉ Đình, cậu xem ai đến kìa, chẳng phải là tìm cậu hay sao?” Kỉ Đình bị người bên cạnh vỗ vai đau điếng, đành phải ngẩng đầu đang chống trên tay lên.

Kể cũng đúng là duyên phận, bắt đầu từ hồi lớp năm cậu chuyển đến đây, hết cấp một, cấp hai, suốt một lèo cậu đều học cùng lớp với Lưu Lý Lâm. Có rất nhiều người, kể cả bố mẹ cậu cũng không tài nào giải thích nổi, một nam sinh xuất sắc điềm đạm nho nhã như Kỉ Đình làm thế nào mà lại duy trì được mối giao tình tốt đẹp lâu dài với Lưu Lý Lâm như vậy. Bố mẹ Lưu Lý Lâm vốn là nông dân ở vùng ngoại ô gần trường Đại học G, lúc còn trẻ thì dựa vào nghề cai thầu mà dựng nghiệp, về sau một tay thầu trọn nhà ăn sinh viên của Đại học G, gia cảnh càng lúc càng trở nên giàu có dư dật. Lưu Lý Lâm vốn tính hoạt bát hướng ngoại, từ nhỏ đã có phần nghịch ngợm cứng đầu, thành tích chẳng ra sao, lại lắm lời, mở miệng ra là liến thoắng không biết trời đất là gì. Hồi học cấp hai, cậu chàng có đến nhà Kỉ Đình chơi, cả trong thư phòng, cả trên bàn ăn mồm miệng cậu ta đều to nhất, những “trợ từ” chẳng lấy gì làm sạch sẽ văng ra giữa các từ ngữ cùng những câu chuyện hài hước chẳng buồn cười tí nào khiến cho Kỉ Bồi Văn cùng Từ Thục Vân lẳng lặng nhíu mày. Lúc ấy thì họ chẳng nói gì, nhưng trông thấy hết trung học rồi mà Kỉ Đình với Lưu Lý Lâm vẫn là bạn cùng lớp, lại còn thường xuyên cặp kè bầu bạn với nhau ngoài giờ học, mối giao tình còn khăng khít hơn cả bạn cùng lớp bình thường, bố mẹ Kỉ Đình không nén nổi chút lo âu. Vì việc này mà Kỉ Bồi Văn phải dàn xếp tâm sự riêng với Kỉ Đình, xa gần bóng gió nói với cậu những chủ đề kiểu “Bạn tốt có ba loại”, “Bạn xấu có ba loại” mà Khổng Tử vẫn dạy, thấy cậu quý tử hồi lâu chẳng hé nửa lời, cũng không lý sự gì cả, ông bố bèn tiếp tục, “Người không bằng ta, không nên bầu bạn làm chi, chỉ hại cho ta mà thôi, những cái này mẹ con từ bé đã dạy con đọc thuộc làu làu rồi, con là một đứa trẻ ngoan, nên hiểu cái khổ công dạy dỗ của bố mẹ, người trẻ tuổi, phương hướng nhất định phải nhắm cho chính xác, chọn bạn mà chơi cũng rất quan trọng đấy con ạ”.

Kỉ Đình chỉ cúi gằm mặt nghịch cái bút trong tay – thói quen từ nhỏ của cậu, đợi đến lúc Kỉ Bồi Văn nói xong xuôi rồi, cậu mới đáp lời, “Bố, bố nói đúng lắm ạ, con hiểu ý bố rồi”. Kỉ Bồi Văn mãn nguyện vỗ vỗ vai cậu quý tử đứng dậy, nhưng lại nghe thấy Kỉ Đình nói tiếp, “Có điều, con cũng vẫn nhớ mẹ đã từng dạy con: Kẻ quân tử dung nạp người hiền, nhưng cũng cảm thông với người kém tài. Nếu vốn ta đã là kẻ hiền đức, vậy thì có hạng người nào không dung nạo nổi? Còn như ta vốn đã không hiền đức, thì làm gì có tư cách nói không dung nạo kẻ nào. Bố thấy sao ạ?”.

Lúc ấy, Kỉ Bồi Văn không ngờ cậu con trai lại phản một đòn như thế, ông bố vốn xuất thân ngành Tự nhiên, suy cho cùng không thể nào rành rẽ về món này như vợ được, nên nhất thời không nói gì. Kỉ Đình ngẩng đầu nhìn bố, lại nói thêm một câu nữa, “Bố, chẳng lẽ bố không cảm thấy Khổng Tử rất khốn khổ hay sao? Ông ta chẳng có bạn bè gì cả.” Kỉ Bồi Văn bất giác đưa mắt nhìn con một lượt nữa, Kỉ Đình cao ngồng rồi, đứng lên đã ngang vai với ông, gương mặt nó rất giống mẹ, trắng trẻo tuấn tú, khi nói chuyện giọng điệu ôn hòa. Kỉ Bồi Văn cảm thấy mình càng lúc càng không thể hiểu nổi, phải chăng là con trai đã quá lớn khôn, hay từ trước đến nay chính ông vốn đã chẳng hiểu gì về nó cả?

Suy cho cùng, Kỉ Đình vẫn chẳng giống mấy cậu choai choai đang độ tuổi thiếu niên, liều thân bạt mạng lấy cái việc làm trái ý người lớn ra mà chứng tỏ bản thân, hầu hết thời gian cậu vẫn nhẫn nại lắng nghe những lời dạy bảo của người lớn, có điều những gì cậu đã nhận định chắc chắn rồi thì sẽ luôn khăng khăng kiên định đến cùng. Thế nên cho dù bố mẹ có phê bình kín đáo, tình bạn của cậu với Lưu Lý Lâm trước sau vẫn tiếp tục, tuy không đến mức gọi là tri kỷ, nhưng cũng khá thân thiết. Kỳ thực, cậu cũng không rõ tại sao mình lại kết giao với người có tính cách như Lưu Lý Lâm, nhưng chơi với Lưu Lý Lâm, cậu cảm thấy rất nhẹ nhàng, thoải mái.



Hầu hết thời gian trên lớp, Kỉ Đình đều thích cái tư thế một tay chống đầu, một tay nghịch cây bút, mắt nhìn vào sách vở, có lúc đúng là đang đọc sách thật, có lúc lại lơ đễnh đâu đâu. Tuy sắp tốt nghiệp cấp ba, nhưng cậu chẳng mấy căng thẳng về việc thi cử như các bạn trong lớp, cũng không mong đợi gì. Ngoài nguyên nhân là cậu không phải lo lắng về thành tích ra, cậu cảm thấy kết quả ra sao cũng chẳng có gì khác biệt. Khoa Vật lý Đại học G chính là thế mạnh của trường, chất lượng được xếp vào loại dẫn đầu cả nước, Kỉ Bồi Văn lại là giáo viên hướng dẫn tiến sĩ trong khoa này, cũng chính là chuyên gia hàng đầu cả nước trong lĩnh vực vật lý, chủ trì phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia về kết cấu chất ngưng tụ, ông sớm muộn gì cũng tính toán rằng cậu quý tử sẽ nối nghiệp cha, trở thành trợ thủ và cũng là người kế nhiệm đắc lực nhất về mặt học thuật của ông – đó là một việc quá ư bình thường hợp lẽ. Kỉ Bồi Văn thậm chí đã từng nghĩ, với cái tư chất thông minh thiên bẩm và tính cách ổn định ít bị ảnh hưởng bên ngoài của Kỉ Đình, việc con vượt cha trong lĩnh vực này cũng không phải không có khả năng. Đến Lưu Lý Lâm cũng thường nói đùa: trước mặt Kỉ Đình là con đường khoa học vinh quang.

Đối với môn Vật lý, Kỉ Đình không phải không thích, thành tích học tập của cậu đã chứng tỏ điều này, cậu cũng hiểu được tầm cỡ của cha mình, trở thành một học giả được kính nể như cha cũng là một việc tốt đẹp đấy chứ. Nếu như cậu đã được sắp xếp đi theo con đường này, vậy cớ gì còn phải mong chờ nữa? Có lúc cậu cũng nghĩ vơ vẩn trong lòng, nếu hôm thi tốt nghiệp cấp ba ấy, cậu bỗng nhiên đầu hoa óc loạn, hoặc giả gặp cơn bạo bệnh, thế thì cuộc đời của cậu có biến đổi được không? Có lẽ là không, cho dù phải học bù một năm, cậu cũng vẫn sẽ trở thành một “sinh viên đại học xuất sắc”.

Đúng lúc đang ở giữa dòng tâm tư chồng chéo ấy, cậu bị Lưu Lý Lâm thô thiển cắt ngang, bèn tiu nghỉu nhìn ra cửa lớp. Cô nàng Chỉ An tay nắm thứ gì đó đang đứng ngay cửa phòng học của cậu, dáng điệu nghênh ngang, trên người là bộ đồng phục quen thuộc, mép váy hơi quăn, khiến người ta bỗng nhiên nảy ra một suy nghĩ, cô bé này ngay cả lúc mặc một bộ đồng phục nhăn nhúm như thế trông vẫn xinh đẹp lạ lùng.

“Em An xinh đẹp!” Lưu Lý Lâm khẽ huýt sáo, lập tức hết thảy đám bạn học cùng lớp ngẩng đầu lên nhìn cô bé. “Ớ, Kỉ Đình, nói đi chứ, chẳng phải là con bé tìm cậu hay sao?” Cậu chàng vỗ vai Kỉ Đình thêm lần nữa.

Cô bé đến tìm cậu? Kỉ Đình thấy bất ngờ quá. Tuy rằng gia đình cậu với nhà họ Cố có quan hệ thân thiết khiến mọi người nghĩ rằng cậu và hai cô bé gia đình bên đó là bạn thanh mai trúc mã với nhau, nhưng thực ra từ nhỏ đến lớn, chỉ có Chỉ Di với cậu là gần gũi – có điều hai năm trở lại đây, thái độ của Chỉ Di cũng cứ lạ lùng thế nào. Còn Chỉ An, lần tiếp xúc gần nhất giữa cậu với cô bé cũng chỉ là hồi tốt nghiệp cấp hai đó thôi, cậu vẫn còn nhớ buổi chạng vạng hôm ấy, gương mặt cô bé được ánh hoàng hôn nhuộm sắc, cả cái kết ngượng nghịu cuối cùng nữa, thế nhưng khi ấy cậu không hề ngờ đấy lại là “sự kiện đặc biệt” của người con gái… Cậu nhìn cô bé đang đứng ở cửa, thế nhưng ánh mắt của cô lại không hướng về cậu.

“Trần Lang, anh vẫn chưa chịu ra đây à?” Cô bé hướng vào phòng học mà gọi toáng lên. Trần Lang – cậu nam sinh được Chỉ An gọi tên thì cúi mặt cười khẽ một tiếng, dáng bộ hãnh diện, bật dậy từ chỗ ngồi chạy đến bên cô bé.

Lưu Lý Lâm tò mò nhìn Chỉ An đưa món đồ cầm trong tay cho Trần Lang, Trần Lang cười cười đón lấy, hai người cười nói thân mật mấy câu, Lưu Lý Lâm còn đang định tận dụng cái thính lực bén nhạy đáng tự hào để nghe xem hai người rốt cuộc đang nói gì, nào ngờ một vật thể bay không xác định bắn thẳng vào mặt cậu, làm cậu chàng sợ quá hét toáng lên. Đến lúc ôm mặt nhặt món “hung khí” lên, cậu mới biết đấy chính là cái bút bi lúc trước Kỉ Đình vẫn còn đang nghịch ngợm quay quay trên tay. Lý Lâm bực bội đập cái bút xuống trước mặt Kỉ Đình, chỉ thấy Kỉ Đình nở nụ cười đượm vẻ hối lỗi, đến lúc quay người lại nhòm ngó tình hình ở cửa lớp học thì Trần Lang đã quay về chỗ ngồi, Chỉ An cũng không còn ở chỗ cũ nữa. Cậu chàng có chút thất vọng, không biết mình có để lỡ mất cảnh gì hay ho không, bèn nói với Kỉ Đình, “Tớ cứ ngỡ Cố Chỉ An đến tìm cậu cơ, không ngờ là tìm thằng đấy, trông hai đứa nó có vẻ thân thiết thế”.

Kỉ Đình tiếp tục ngó ngoáy cái bút của mình, làn mi phủ bóng xuống đôi mắt, “Con bé đến tìm tớ làm gì?”.

“Ơ, bọn cậu chẳng phải là bạn thanh mai trúc mã hay sao?” Lưu Lý Lâm kinh ngạc hỏi dò.

“Vớ vẩn, chỉ là quan hệ của bố tớ với nhà bên đó rất khăng khít thôi.”

“Thế cậu với cô chị của Chỉ An, tên là gì ấy nhỉ… Phải rồi, Cố Chỉ Di, chẳng phải vẫn thân thiết đấy thôi, hồi trước lúc tan học hai người còn hay đi với nhau nữa.”



“Đấy là hồi bé, sức khỏe của Chỉ Di không tốt, đương nhiên tớ phải chăm sóc cô bé cẩn thận”, Kỉ Đình đáp lời.

Lưu Lý Lâm không hỏi han lằng nhằng nữa, chỉ chép chép miệng mà rằng, “Nói thật chứ, chỉ có đồ ngốc như cậu mới không tận dụng cơ hội thôi, nếu mà bố tớ với nhà họ Cố thân thiết như thế, tớ nhất định…”.

“Nhất định cái gì?” Kỉ Đình bật cười, “Con gái nhà người ta mới tí tuổi đầu, cậu nghĩ ngợi lung tung gì thế?”.

“Còn bé bỏng gì nữa? Hic hic, chờ đến lúc em ấy thành thiếu nữ, rực rỡ như hoa thì đã bị người ta hái phéng mất rồi, vừa nãy cậu không trông thấy cái vẻ thân thiết của con bé với Trần Lang hay sao?” Lưu Lý Lâm tỏ nỗi xót xa của kẻ ngoài cuộc mà nhấn mạnh với Kỉ Đình.

Kỉ Đình vẫn giữ nguyên tư thế cúi đầu đọc sách, “Con bé thích chơi với ai, có liên quan gì đến bọn mình đâu”.

“Sao lại không liên quan? Ui chao… Tớ thích cái vẻ ngoài của Cố Chỉ An đến thế chứ!” Lưu Lý Lâm ôm cằm tỏ vẻ ngưỡng mô vô ngần.

Lần này Kỉ Đình lom lom dòm cậu ta, vẻ mặt có đôi phần kinh ngạc, “Cậu… thích Chỉ An à?”.

Lưu Lý Lâm vê vê cằm, cười bảo, “Lòng yêu cái đẹp ai mà chả có, nhưng mà nói thật, cái kiểu như cô nàng Cố Chỉ An này, nhìn xa xa thôi thì lòng dạ háo sắc cũng đã phải nguội lạnh ngay, không thể áp sát được, chỉ cần nhìn vào đôi mắt của em ấy, tớ cũng đã thấy trong lòng hốt hoảng. Tớ chỉ không hiểu được, sao em ấy lại chơi với thằng Trần Lang đấy là sao?”.

“Viêc không dính dáng gì đến mình, tốt hơn hết là đừng lắm lời.” Kỉ Đình lãnh đạm đáp, thần sắc ngữ khí vẫn cứ ôn hòa bình tĩnh như bấy nay.

Lưu Lý Lâm từ trước đến giờ chẳng ưa gì Trần Lang, không phải vì giữa hai người có điều gì bất hòa, mà nói chung chỉ là thói ganh ghét giữa những kẻ nam giới với nhau. Trần Lang cũng giống Kỉ Đình, là con cái giáo viên trong trường, bố cậu là Phó hiệu trưởng Đại học G, mẹ cậu là Chủ tịch công đoàn trường, cậu nắm trong tay hết thảy những ưu thế: điều kiện gia đình thuận lợi, ngoại hình cao ráo đẹp trai, thành tích tốt, chơi bóng chuyền cừ khôi – những điều mà các nam sinh đồng trang lứa phải mơ ước, điều quan trọng hơn là, từ nhỏ cậu đã học vẽ, nhiều lần đoạt giải thưởng trong các kỳ thi vẽ tranh dành cho lứa tuổi thanh thiếu niên trong thành phố. Vậy nên vẻ kiêu hãnh và thanh cao của cậu cũng không khó lý giải, đặc biệt đám nữ sinh trong trường còn cho rằng như thế mới là cool. Trái lại, Lưu Lý Lâm chẳng coi Trần Lang ra gì, cậu chàng vẫn hay nói với Kỉ Đình rằng, “Cool cái con khỉ, cái kiểu của nó ấy mà, chả biết là cun hay cút!”. Kỉ Đình nghe xong, lần nào cũng chỉ lắc đầu cười lấy lệ.

Kỉ Đình và Trần Lang đều là những cậu nam sinh khiến người ta phải để mắt chú ý, nếu như Trần Lang là một bức sơn dầu giá trị thì Kỉ Đình lại là một tấm giấy xuyến chỉ Trừng Tâm Đường cao quý, trắng trẻo, mềm mại, mát lạnh, thứ giấy phải dùng đến loại nước tan ra từ băng lạnh tiết tháng Chạp gột nên, khiến người ta thành kính ngưỡng mộ, không nỡ lòng xuống bút. Nhiều người cho rằng, hiếm khi gặp được cậu con trai nào vừa có hơi hướm sách vở thâm trầm tĩnh lặng, lại không vương vấn chút phấn hương như Kỉ Đình, đây có lẽ chính là khí chất lắng đọng từ mấy đời thư hương của gia đình cậu.

Không ít các cô nữ sinh trong lớp và cả trong khối rất thích thì thào so bì Trần Lang và Kỉ Đình, mỗi người bọn họ đều có những kẻ ái mộ riêng, Kỉ Đình nghe Lưu Lý Lâm kể lại mấy chuyện này, chỉ cười cười chẳng nói chẳng rằng. Cậu không hề ghét Trần Lang, bởi vì nếu nhất định phải so sánh giữa hai người, cậu ghét chính mình hơn.

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.net

truyện ma
Linh Vũ Thiên Hạ

Dtruyen.com đổi tên miền thành Dtruyen.net. Độc giả ghi nhớ để truy cập.

truyện full

Nhận xét của độc giả về truyện Bình Minh Và Hoàng Hôn

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook