Bình Tung Hiệp Ảnh Lục

Chương 16: Bao phen dâu bể danh viên thành đổ trường - Vung tay cá cược hiệp sĩ thắng hung đồ

Lương Vũ Sinh

04/10/2013

Vân Lối sững sờ nhìn lên lôi đài, chỉ thấy Trương Đan Phong mặc bộ đồ trắng, đầu đội khăn vuông màu trắng, mỉm cười tung mình vọt lên lôi đài, tư thế rất đẹp đẽ, Hoàng đế ngồi xem bên dưới cũng thầm khen rằng: “Hay cho một nhân vật phong lưu!” Rồi mỉm cười quay sang nói với Khang Siêu Hải rằng: “Người này nên thi văn thì đúng hơn!”

Khang Siêu Hải trả lời ậm ừ, nhìn chăm chăm Trương Đan Phong, trên mặt lộ vẻ ngạc nhiên. Chỉ thấy Trương Đan Phong đưa mắt liếc xuống đài, chỉ thấy ánh mắt của chàng lạnh như băng, Hoàng đế bất giác rùng mình nghĩ thầm: “Gã này trông nho nhã phong lưu mà ánh mắt tràn đầy sát khí!”

Y nào biết, tổ tiên của Trương Đan Phong đã bị tổ tiên của y đoạt mất giang sơn!

Trương Đan Phong nhảy lên đài tỉ võ, không những gây bất ngờ cho Vân Lối, ngay cả Vu Khiêm và Vân Trọng cũng không thể ngờ tới! Vu Khiêm nghĩ bụng: “Trương Đan Phong là bậc kỳ tài hiện nay, mình đã nhiều lần khuyên y ra sức cho triều đình, lại còn bảo đảm cho y, mà y vẫn không chịu, tại sao lần này lại thi Võ trạng nguyên?”

Vân Trọng càng thất kinh hơn, nghĩ bụng: “Gã này rõ ràng là gian tặc của nước Ngõa Thích, tại sao y cũng đến tranh đoạt chức Võ trạng nguyên với mình?” Đang định lên tiếng phanh phui thân phận của chàng, nhưng lại ngại vì người đảm bảo cho Trương Đan Phong chính là Trương Phong Phủ. Vì thế Vân Trọng tuy tức tức giận trong lòng nhưng không dám lên tiếng.

Trương Đan Phong xoay người lại, đối mặt với Vân Trọng, mỉm cười nắm lấy chuôi kiếm, vái dài nói: “Vân huynh đệ hãy nương tay!”

Vân Trọng nổi cơn giận, mắt như nảy lửa. Nhưng chàng đang ở trên lôi đài không thể nào thất lễ, chỉ đành trợn đôi mắt, cầm chuôi đao trả lại một vái, gằn giọng nói: “Hôm nay không phải ngươi chết thì ta vong!”

Trương Đan Phong mỉm cười nói: “Đâu cần phải thế!” Nói vừa dứt lời, chỉ thấy Vân Trọng bày ra thức Khoa Hổ Đăng Sơn, rồi chàng hô lên một tiếng, tung ra một đòn thật mạnh mẽ. Vân Lối lo lắng đến nỗi toát mồ hôi lạnh, chợt thấy Trương Đan Phong móc tay phải, hạ chưởng xuống kéo về, vừa mới quát một tiếng “Hay”, Vân Trọng đã vung bảo đao lên, ánh xanh loang loáng, đao đánh ra cùng với chưởng, chỉ thấy cả người cũng đâm xéo tới! Vân Trọng đã tung ra một đòn nặng cả ngàn cân nhưng bị Trương Đan Phong nhẹ nhàng ngự kình hóa giải, trong lóng cũng rất kinh hoảng. Cho nên chàng không hề nương tay khi chém xuống đao này. Còn Trương Đan Phong thì ngầm vận chân lực nội gia, dùng lực đạo của chưởng phải hóa giải kình lực trên tay trái của Vân Trọng, trong lòng thầm khen rằng: “Đại Lực Kim Cương thủ của đại sư bá thật danh đồn không ngoa!” Rồi chàng không dám chậm trễ, xoay người rút kiếm ra, khi bảo đao của Vân Trọng vừa chém tới thì chàng đâm soạt lại một chiêu. Chiêu này đỡ rất chính xác, Vân Trọng cũng bất giác kêu lên một tiếng hay, rồi chàng chuyển mũi đao biến thành một chiêu quét ngang.

Vân Trọng biết thanh kiếm của Trương Đan Phong là loại thần binh lợi khí, thanh đao của mình kém xa, cho nên cứ sợ bị thanh kiếm của chàng chặt gãy, vì thế chỉ sử dụng thủ pháp chém ngang, đao quang loang loáng không rời những chỗ yếu hại trên mình Trương Đan Phong. Lối đánh xáp lá cà này xuất phát từ lối đánh vật, hoàn toàn là kiểu đánh lưỡng bại câu thương, mỗi chiêu mỗi thức đều hiểm hóc lạ thường!

Trương Đan Phong cười dài, vung thanh trường kiếm ra một vòng, người xoay theo, chỉ thấy kiếm quang nổi lên, kiếm phong tuôn ra ào ạt, trên lôi đài chỉ toàn là bóng dáng của Trương Đan Phong, tựa như có mấy mươi người cầm kiếm từ bốn phương tám hướng chém tới. Vân Trọng đứng giữa lôi đài, không dám rời chân nửa bước, khi thấy bóng người xẹt tới thì tung ra một đao, mỗi chiêu đều nhanh như điện chớp. Thủ pháp chém đao đoạn môn của Vân Trọng tuy ghê gớm, nhưng thân pháp của Trương Đan Phong nhanh đến cực điểm, tựa như chuồn chuồn giỡn nước, cả hai bên đánh nhanh khoảng năm mươi chiêu, đôi bên không ai núng thế, Hoàng đế kêu lớn: “Hay lắm, hay lắm!”

Vân Lối thì lòng lo như lửa đốt, chỉ sợ Trương Đan Phong đả thương Vân Trọng, Vân Trọng đánh bị thương Trương Đan Phong.

Dưới ánh mắt của những người khác, hai người này một người kiếm pháp tinh diệu, một người đao pháp hiểm hóc, công lực lại bằng nhau, không thể phân được thắng bại, nhưng theo Vân Lối thì có người cao kẻ thấp. Vân Lối từng nhiều lần liên thủ với Trương Đan Phong nên biết kiếm pháp của Trương Đan Phong rất tinh diệu, chàng đánh lâu như thế mà vẫn chưa dùng tuyệt chiêu, tựa như có ý nương tay, còn Vân Trọng thì đã dốc hết toàn lực. Khi hai cao thủ tỉ võ với nhau, việc thắng thua sống chết chỉ diễn ra trong chớp mắt, do đó cả hai bên đều sử dụng những chiêu số hiểm hóc, mà số lần gặp nguy hiểm của Trương Đan Phong nhiều hơn Vân Trọng.

Vu Khiêm thấy thế thì lo lắng, tựa như tự nói với mình, tựa như nói với Vân Lối: “Hai hổ đánh nhau, chắc sẽ có một bị thương, cần gì phải khổ như thế?” nhưng không ai có thể cản lại được.

Vân Trọng đã dốc hết toàn lực mà vẫn không thể thắng nổi, trong lòng lo lắng vô cùng. Lại thêm lúc nãy chàng vừa mới đấu một trận với Lục Triển Bằng, hao tổn không ít khí lực, nay lại ác chiến với Trương Đan Phong, đánh được sáu bảy mươi chiêu thì cảm thấy đã đuối sức. Trương Đan Phong thì vẫn nhẹ nhàng tự nhiên, nhưng chàng đánh mỗi chiêu đều rất chính xác, lúc nhanh lúc chậm, không hề để cho Vân Trọng núng thế, rõ ràng là cố ý duy trì cực diện ngang tài cân sức. Lúc này cả Vân Trọng cũng nhận ra chàng đang có ý nhường nhịn, cho nên lửa giận càng bốc cao, thế là thi triển thủ pháp Đại Lực Kim Cương, đao trên tay phải và chưởng tay trái liên tục đánh ra vù vù, đẩy Trương Đan Phong lùi đến mấy thước, rồi đột nhiên xoay người bỏ chạy. Trương Đan Phong cười thầm: “Kế giả bại này lừa được ai?”

Thế rồi chàng tương kế tựu kế cầm kiếm đuổi theo, nào ngờ Vân Trọng lộn người lại, tay trái vung ra, sáu bảy trái Tuyết Liên tử xé gió bay vào các huyệt đạo yếu hại trên mình. Thủ pháp đánh ám khí này là thủ pháp độc môn của Huyền Cơ Dật Sĩ, ám khí có thể bay thẳng tới hoặc bay theo hình vòng cung, khiến cho tất cả những cao thủ đứng bên dưới đều trợn mắt há mồm!

Chợt nghe mấy tiếng keng keng vang lên rất nhỏ, người xem bên dưới đều không nhận ra, nhưng Vân Trọng thì nghe rất rõ ràng, chỉ thấy những trái Tuyết Liên tử đều rơi xuống đài. Vân Trọng biết Trương Đan Phong đã phóng ám khí đánh rơi Tuyết Liên tử của mình, chàng vừa nghe thì đã biết đây chỉ là loại ám khí nhỏ như Mai Hoa châm, nhưng được phóng ra bằng kình lực rất mạnh, đánh rơi trái Tuyết Liên tử nặng gấp mười lần Mai Hoa châm, công lực này quả thật ghê gớm! Không chỉ thế, Trương Đan Phong vừa ra tay lập tức khiến cho Vân Trọng nhớ lại một chuyện lạ!

Khi đang giao đấu với Lục Triển Bằng, Vân Trọng đã đánh ra đòn cuối cùng vốn là sẽ khiến cho hai bên lưỡng bại câu thương, nhưng trong lúc nguy hiểm nhất, Lục Triển Bằng lại đột nhiên ngã xuống, lúc đó Vân Trọng cũng thắc mắc, nay nhìn lại ám khí của Trương Đan Phong thì chàng mới vỡ lẽ ra, té ra kẻ lúc nãy đã ám toán Lục Triển Bằng là Trương Đan Phong! Không ngờ kẻ địch không đội trời chung này lại giúp cho mình!

Trong khoảnh khắc ấy, Vân Trọng vừa hổ thẹn vừa cảm kích, nhưng cũng có vài phần tức giận. Đang không biết làm thế nào, chợt nghe Trương Đan Phong cười: “Xem kiếm!”

Ánh bạch quang loáng lên trước mắt, Trương Đan Phong lại đâm soạt ra một kiếm, Vân Trọng trả lại một đao theo bản năng, đang suy nghĩ có nên nhường lại chức Võ trạng nguyên hay không, đột nhiên phát giác kiếm quang của Trương Đan Phong đã bao vây xung quanh của mình, chỉ thấy kiếm thế của chàng như cầu vồng, trong khoảnh khắc chàng sử dụng toàn sát chiêu, Vân Trọng cả kinh. Lúc này chàng không đủ thời gian suy nghĩ có nên nhường hay không, vội vàng chưởng trái chém ngang ra, đao phải đâm tới, định dùng chiêu Băng Khứ Liệt Thạch phá giải, chợt nghe Trương Đan Phong hạ giọng nói nhỏ: “Chiêu này không được, mau dùng Tam Dương Khai Thái!”

Vân Trọng bất đồ chém ra ba đao, quả nhiên chàng đã sử dụng chiêu số Tam Dương Khai Thái. Còn Trương Đan Phong đã sử dụng Bát Phương Phong Vũ bao vây Vân Trọng, lúc này mũi kiếm vừa vẽ ra nửa vòng cung, chiêu số vẫn chưa hết thì bị Tam Dương Khai Thái phá ra, lập tức chuyển khách thành chủ, môn hộ mở rộng, Vân Trọng lại liên tục chém ra ba đao nữa. Chỉ thấy Trương Đan Phong thối lui từng bước, đến khi đao thứ ba của Vân Trọng vừa chém ra, chàng tựa như không thể chống cự nổi, lộn mình vọt ra sau, nhẹ nhàng hạ xuống đất như con diều bị đứt dây. Thắng bại đã định, Trương Đan Phong đã thua! Cao thủ bên dưới đều kêu vang dội, khen ngợi chiêu số Tam Dương Khai Thái chuyển bại thành thắng của Vân Trọng, ngoại trừ Vân Lối, không ai biết Trương Đan Phong đã cố ý nhường nhịn!

Té ra Trương Đan Phong lần này tham gia tỉ võ mục đích là âm thầm giúp Vân Trọng đoạt chức Võ trạng nguyên. Trương Đan Phong biết hai sư huynh đệ của Đại nội tổng quản Khang Siêu Hải cũng tham gia tỉ võ, võ công của hai người này tương đương với Vân Trọng, những cao thủ khác thì hơi kém Vân Trọng một chút. Theo quy củ của cuộc tỉ võ, ít nhất phải thắng liên tục hai trận mới được nghỉ ngơi, mà Vân Trọng lại không hề nắm chắc phần thắng, bởi vậy chàng mới mạo hiểm nhờ Trương Phong Phủ làm người đảm bảo để được tham gia khảo thí. Trong cuộc thi vòng loại ngày hôm trước, chàng không cùng một nhóm với Vân Trọng, chàng thi chung với một sư huynh của Khang Siêu Hải tên gọi là Kim câu Ngô Phong và những cao thủ khác như vệ sĩ Lộ Minh, Trương Đan Phong đã hạ ba người này để giảm bớt kẻ kình địch cho Vân Trọng, đến khi lên lôi đài lại âm thầm giúp chàng đánh bại Lục Triển Bằng, cuối cùng thì Trương Đan Phong ra trận, chỉ cho chàng một chiêu, cố ý để cho chàng chuyển bại thành thắng giúp Vân Trọng lấy được công danh. Cả Vu Khiêm và Trương Phong Phủ đều không hiểu nỗi khổ tâm của Trương Đan Phong. Vân Trọng đã thắng như thế, thật sự chàng không ngờ tới, tiếng hô vang dội vẫn chưa dứt, Vân Trọng đứng sững sờ trên đài mà quên cả bước xuống, chợt nghe trên đài có tiếng quát: “Mau mau bắt tên phản tặc!”

Vân Lối, Vân Trọng đều nghe tiếng quát, cho nên bừng tỉnh, chỉ thấy Đại nội tổng quản Khang Siêu Hải đứng trước đài, chỉ về phía Trương Đan Phong, quát võ sĩ chạy tới bắt. Té ra hai sư thúc của Khang Siêu Hải là Thiết Tý Kim Viên Long Trấn Phương và Tam Hoa Kiếm Huyền Linh Tử sau khi bị Trương Đan Phong và Vân Lối đánh bại ở Thanh Long hiệp đã chạy về kinh sư, tả lại cho Khang Siêu Hải biết dung mạo của hai người, nhất là Trương Đan Phong.

Hôm nay Thiết Tý Kim Viên và Tam Hoa Kiếm tuy không có mặt, Khang Siêu Hải đã nghi ngờ Trương Đan Phong, âm thầm để ý, lúc này đã quyết định thà bắt lầm chứ không bỏ sót, cho nên đã hạ lệnh bắt Trương Đan Phong trước mặt Hoàng đế.

Tiếng quát của Khang Siêu Hải đã át hẳn tiếng hoan hô, Ngự lâm quân và các võ sĩ vẫn chưa hiểu chuyện gì, chợt nghe một tràng cười rộ lên, Trương Đan Phong đột nhiên chạy đến mép sân, còn Khang Siêu Hải thì ngã xuống đài. Té ra y không đề phòng bị Trương Đan Phong phóng ám khí phi châm trúng vào huyệt đạo!

Bọn võ sĩ cả kinh la hét, ùn ùn đuổi theo, chỉ nghe Trương Đan Phong huýt một tiếng sáo, con Chiếu dạ sư tử mã phóng tới như bay, Trương Đan Phong cười ha hả rồi nhảy lên lưng ngựa, vung thanh kiếm đánh rơi những mũi tên bắn tới từ sau lưng, con ngựa hí dài tung vó phóng ra khỏi hiệu trường nhanh như điện chớp, không ai có thể cản nổi!

Vương Chấn tay chân run bần bật, miệng kêu lên: “Không... không thể được! Mau bảo Trương Phong Phủ đến đây!”

Chợt nghe Hoàng đế nói: “Khoan đã, trước tiên hãy hỏi Khang Siêu Hải có chuyện gì?”

Khang Siêu Hải cũng là người võ công cao cường, lúc này đã vận khí giải huyệt đạo, nhưng be sườn vẫn còn bị cắm mấy mũi kim, phải dùng đá nam châm mới hút ra được, thế là y lặc lè bước lên đài. Hoàng thượng nói: “Ngươi sao thế?”

Khang Siêu Hải là Đại nội tổng quản, thường ngày rất muốn tranh giành danh hiệu Kinh sư đệ nhất cao thủ với Trương Phong Phủ, y cũng là kẻ rất trọng sĩ diện nhưng nay bị Trương Đan Phong, một người dưới tay Trương Phong Phủ đánh xuống đài, cho nên không dám nói thẳng ra, chỉ ấp úng đáp rằng: “Lúc nãy nô tài vì nôn nóng bắt phản tặc, không cẩn thận bị ngã”.

Hoàng đế hỏi: “Đấy là phản tặc ư?”

Khang Siêu Hải nói: “Đúng thế, y đã từng đả thương Đại thống lĩnh Trương Phong Phủ, đã cướp trọng phạm trong tay Trương Phong Phủ, Trương Phong Phủ chẳng phải đã bẩm cáo lên Hoàng thượng rồi ư?”

Khang Siêu Hải đã suy nghĩ trước, cho nên che giấu chuyện sư thúc của mình bị Trương Đan Phong đánh bại, đùn đẩy hết mọi tội danh lên đầu Trương Phong Phủ. Hoàng đế nghe xong thì không khỏi cười ha hả, nói rằng: “Ái khanh, chắc ngươi đã nhìn nhầm người! Nếu Trương Đan Phong đã từng đả thương Trương Phong Phủ, Trương Phong Phủ làm sao chịu làm người bảo đảm cho y? Ta thấy Trương Đan Phong tuy bị Vân thống lĩnh đánh bại, võ công cũng không kém, vả lại tướng mạo nho nhã, có thể trọng dụng được, đáng tiếc đạ bị ngươi dọa chạy mất. Ngươi hãy mau tìm y về, không được hù dọa y!”

Ông vua nhỏ này thường ngày bị Vương Chấn kìm kẹp, nhưng cũng không đến nỗi ngu muội, vả lại cũng thích tỏ ra khôn vặt, lúc ấy cảm thấy mình cao minh hơn Khang Siêu Hải, cho nên mới trêu Khang Siêu Hải một hồi. Còn Trương Phong Phủ thì toát mồ hôi lạnh, mừng vì Hoàng đế không truy cứu.

Sau một hồi náo loạn, cuộc tỉ võ lại tiếp tục, Vân Trọng thắng liên tiếp hai trận, giành được quyền vào trận cuối cho nên được tạm thời nghỉ ngơi. Lần này cử tử tham gia không nhiều, nhưng sau ba vòng thi chỉ còn lại hai mươi bốn người đủ tư cách tham gia tỉ võ trên lôi đài, tranh đoạt chức Võ trạng nguyên, đến lượt Trương Đan Phong là trận thứ mười lăm, còn lại chín trận, lúc này đã sắp có kết quả.

Chín trận cũng đấu xong, chỉ còn lại một người có thể thắng liên tiếp hai trận bước vào quyết đấu với Vân Trọng, người này tên gọi là Phàn Tuấn, là em ruột của Phàn Trung, chính Phàn Trung đã truyền võ công cho y. Phàn Tuấn kém xa Vân Trọng, đấu không được mười chiêu đã bị Vân Trọng đánh rơi xuống đài. Hoàng đế tuyên bố Vân Trọng đã đoạt đức chức Võ trạng nguyên.

Vân Lối vui mừng trở về nhà Vu Khiêm, chì đợi Vân Trọng có được quan chức sẽ dời ra khỏi hoàng cung, nào ngờ cả mấy ngày trôi mà chẳng có tin tức gì. Không chỉ Vân Lối lo lắng, mà cả Vu Khiêm cũng lấy làm lạ. Theo lý Vân Trọng đã trúng trạng nguyên, ít nhất cũng phải được phong chức tướng quân, ban cho nhà cửa, không cần phải làm thị vệ trong nội đình nữa, nhưng lúc này lại không thấy Hoàng đế ban chiếu, đó là điều chưa từng thấy bao giờ. Vu Khiêm tuy là đại thần, nhưng cũng không tiện hỏi đến chuyện này.

Vân Trọng sau khi đoạt được chức Võ trạng nguyên thì cảm thấy trong người bần thần, dù mọi người đến chúc mừng nhưng cũng không thể nào mỉm cười nổi. Chàng quay trở về phòng đóng cửa lại, bạn bè chúc mừng càng đều không tiếp. Không ai biết rằng chàng đoạt được chức Võ trạng nguyên thì tâm trạng càng buồn bã hơn.

Người khác không biết, nhưng Vân Trọng thì hiểu rõ, chàng không phải giành được chức Võ trạng nguyên bằng bản lĩnh thật sự của mình mà nhờ Trương Đan Phong nhường cho! Đây chính là nỗi nhục lớn nhất! Nhưng chàng đã giành được chức Võ trạng nguyên, chả lẽ lại cho Hoàng đế biết sự thật? Vân Trọng đang rầu rĩ trong lòng, chợt nghe thái giám đến gõ cửa kêu: “Hoàng thượng triệu kiến”.

Vân Trọng vừa mừng vừa lo, lật đật thay đổi trang phục, đi theo thái giám vào ngự thư phòng ở điện Văn Hoa, chỉ thấy trong ngự thư phòng đèn đuốc sáng trưng, Hoàng đế đang ngồi xem xét tấu chương, thấy Vân Trọng bước vào thì xua tay bảo thái giám lui ra hết, đóng cửa phòng lại cười rằng: “Khanh gia võ nghệ cao cường, thật đáng chúc mừng!”

Vân Trọng đỏ mặt, ấp úng nói: “Được Hoàng thượng để mắt tới, vi thần dù tan xương nát thịt cũng phải đền ơn”.

Hoàng đế nhìn Vân Trọng rồi hỏi: “Khanh gia là người ở đâu?”

Vân Trọng hơi chần chừ rồi đáp rằng: “Tổ tiên của thần ở Khai Phong Hà Nam”.

Hoàng đế liếc nhìn Vân Trọng, chợt nói: “Nói như thế, khanh gia là đồng hương đồng tính với đại thần tiền triều Vân Tĩnh. Khanh gia và Vân Tĩnh có mối quan hệ thế nào?”

Vân Trọng lòng đau nhói, quỳ xuống tâu rằng: “Vân khâm sứ của tiền triều là gia gia của thần”.

Vân Trọng là kẻ hậu nhân của tội thần, không bao giờ dám nhắc với ai chuyện này, nay Hoàng đế hỏi tới cho nên phải nói. Hoàng đế biến sắc, nói: “Vân trạng nguyên, ngươi có hận trẫm không?”

Vân Trọng lòng đau như cắt, nói: “Tổ phụ của vi thần trung thành với nước, cầu mong Hoàng thượng tẩy rửa tội danh”. Thế rồi bất giác ứa nước mắt, Hoàng đế nói: “Trẫm biết tấm lòng trung thành của gia gia khanh, nhưng ban chết cho ông ta cũng không phải là ý của trẫm”.

Vân Trọng ngẩng đầu nhìn lên Hoàng đế. Hoàng đế tiếp tục nói: “Song muốn tẩy rửa tội danh cho gia gia của khanh phải đợi đến ngày sau”.

Té ra vị vua nhỏ này không phải ngu xuẩn, chỉ là từ nhỏ ông ta bị Vương Chấn kìm kẹp, không thể tự làm chủ, ông ta cũng từng nghĩ đến việc thu hồi quyền bính, nhưng Vương Chấn đã dựng bè kết đảng, không thể nào đụng tới được, do đó muốn gầy dựng thế lực tâm phúc, dần dần cắt quyền bính của Vương Chấn. Vân Trọng là người trung thành lại có thù với Vương Chấn, cho nên dã được ông ta chọn lựa. Vân Trọng nghe Hoàng đế nói người hại chết gia gia của chàng chính là Vương Chấn, quả nhiên nước mắt tuôn trào, tỏ ý sẽ ra sức cho Hoàng đế, quét sạch gian đảng. Hoàng đế đợi chàng lau nước mắt mới mỉm cười nói: “Khanh gia không cần gấp, đừng nên đánh cỏ động rắn”.

Vân Trọng tâu rằng: “Cầu mong Hoàng thượng hãy cho phép thần ra biên quan, cầm quân đánh lui Ngõa Thích, sau đó quay về triều dẹp từ gian tặc”.

Hoàng đế mỉm cười nói: “Chuyện này cũng phải chờ đã!”

Vân Trọng rất thất vọng, chỉ thấy Hoàng đế nhìn mình cười rằng: “Cử tử tỉ thí với khanh có phải là Trương Đan Phong không? Võ nghệ của y cũng khá lắm!”

Vân Trọng nóng ran mặt, nghiến răng đáp rằng: “Hoàng thượng soi xét, võ nghệ của Trương Đan Phong thật sự hơn vi thần, y đã có ý nhường cho vi thần!”

Trước đó Vân Lối cứ suy đi tính lại, cảm thấy bất an, nay nói ra lời thực trong lòng, trái lại đã thấy yên lòng. Hoàng dế ngạc nhiên, chợt cười rằng: “Ngươi rất thành thực, thật ra ngươi không nói trẫm cũng nhận ra!”

Vân Trọng bất giác ngạc nhiên, nghĩ bụng: “Hoàng thượng sống trong nhung lụa, chắc ông ta không hiểu võ nghệ, Trương Đan Phong nhường mình, cả cao thủ cũng không biết, sao ông ta lại nhận ra?” Trong lòng thắc mắc vô cùng.

Hoàng đế nói: “Ngươi có biết Trương Đan Phong là người thế nào không?”

Vân Trọng nói: “Vi thần đang định tâu lên Hoàng thượng, Trương Đan Phong là con trai của Hữu thừa tướng Trương Tôn Châu nước Ngõa Thích, lần này y về Trung thổ chỉ e không có ý tốt”.

Hoàng đế hơi ngạc nhiên, nói: “Té ra y còn là con trai của Trương Tôn Châu!”

Vân Trọng vội vàng nói: “Trương Phong Phủ hình như không biết lai lịch của y, thấy y võ nghệ cao cường cho nên tiến cử. Trương thống lĩnh rất trung thành, mong Hoàng thượng đừng nên nghi ngờ”.

Hoàng đế nói: “Kẻ không biết không có tội, trẫm cũng không nghi ngờ Trương Phong Phủ...”.

Vân Trọng biến sắc tâu rằng: “Trương Đan Phong nhường chức Võ trạng nguyên cho vi thần, chả trách nào Hoàng thượng nghi ngờ, thực ra y là kẻ thù của nhà thần!”sau khi nói rõ nguyên do, lại dâng bức huyết thư cho Hoàng đế xem, Hoàng đế mới cười rằng: “Trẫm cũng không nghi ngờ khanh. Trương Đan Phong làm thế chẳng qua là muốn ra ơn để cho khanh quên mối thù nhà hận nước. Khanh đương nhiên không thể sa vào bẫy của y”.

Hoàng đế chỉ nói mấy câu mà khiến cho Vân Trọng phục sát đất, mấy phần cảm kích đối với Trương Đan Phong cũng tiêu tan. Chỉ nghe Hoàng đế lại nói: “Đến đây, trẫm cho ngươi xem một bức tranh!”

Hoàng đế mở tủ sách, lấy ra một bức tranh, người trong tranh đội hoàng quán, mình mặc long bào, tướng mạo rất oai võ. Chỉ nghe Hoàng đế run run hỏi: “Ngươi thấy Trương Đan Phong của giống kẻ này không?”

Vân Trọng rất ngạc nhiên, khi nhìn kỹ lại thì chỉ thấy tướng mạo quả nhiên có nét giống nhau nhưng người trong tranh thì thô hào hơn, còn Trương Đan Phong thì trông rất nho nhã, thần tình khí độ cũng rất khác nhau. Vân Trọng nghĩ bụng: “Chả lẽ Trương Đan Phong là người trong hoàng thất?”

Hoàng đế lại hỏi: “Có giống chút nào không?”

Vân Trọng trả lời: “Vâng, hơi giống”.

Chỉ thấy Hoàng đế mặt biến sắc, chỉ bức tranh nói: “Ngươi đã chết không nhắm mắt, còn bảo con cháu đến cướp đoạt giang sơn của ta ư?”

Vân Trọng kinh hãi, nói: “Y... y là ai?”

Hoàng đế cười lạnh nói: “Y chính là Hoàng đế nhà Châu Trương Sĩ Thành, Trương Tôn Châu, Trương Đan Phong đều là con cháu của y, hừ, đặt tên nước là Đại Châu, sao lại muốn mượn sức giặc ngoài khôi phục Đại Châu của y, diệt giang sơn Đại Minh của ta?”

Trương Đan Phong là con cháu của Trương Sĩ Thành, Vân Trọng mới biết lần đầu, chàng cảm thấy bất ngờ, trong nhất thời không nói ra lời, lòng thầm nhủ: “Chả trách nào cha con họ lại hận triều Minh đến thế, nhưng Hoàng thượng sao cũng biết? Ông ta đã biết tại sao không ra lệnh bắt Trương Đan Phong ngay tại chỗ?”

Chỉ nghe Hoàng đế nói: “Năm xưa Trương Sĩ Thành tranh đoạt giang sơn với Thái Tổ, đã thua to trong cuộc quyết chiến ở Trường Giang. Nghe nói trước khi chết y đã chôn kim ngân châu báu ở một vùng tại Tô Châu, ngoài ra còn có một bức địa đồ quân dụng, ghi chép rõ các nơi hiểm yếu ở Trung Quốc, để lại trong dân gian. Cho nên Thái Tổ ra lệnh, cần phải tiêu diệt con cháu nhà họ Trương, lấy lại tấm bản đồ bảo tàng của Trương Sĩ Thành, giang sơn Đại Minh mới có thể yên ổn. Trương Đan Phong giờ đây đã rời khỏi kinh thành, trẫm đoán rằng y sẽ đến Tô Châu tìm bảo tàng. Trẫm sẽ ban ngự mã cho ngươi, lệnh ngươi lập tức đuổi tới Tô Châu, theo Trương Đan Phong, trước khi y chưa tìm ra bảo tàng thì không được ra tay, đến khi y lấy được thì lập tức giết chết, mang thủ cấp về gặp trẫm”.

Vân Trọng rùng mình không dám trả lời, chỉ nghe Hoàng đế lại mỉm cười nói: “Trẫm lại phái thêm bảy cao thủ đại nội giúp ngươi, các ngươi sẽ gặp nhau tại Tô Châu, ngươi hãy yên tâm”.

Vân Trọng nghĩ bụng, Trương Đan Phong tuy cao hơn mình một bậc, nhưng đã có bảy cao thủ giúp đỡ, đoán rằng có thể chế phục được chàng, thế là vui vẻ nhận lệnh.

Tại sao Hoàng đế có thể biết lai lịch thân phận của Trương Đan Phong? Vốn là Trương Đan Phong đã suy tính rất kỹ càng trước khi bước ra tỉ võ, quả nhiên sau khi chàng tỉ thí với Vân Trọng, đã bị Khang Siêu Hải ra lệnh bắt giữ, chàng vừa dùng phi châm đả thương Khang Siêu Hải, một mặt đã viết sẵn một bức thư cuộn lại ném vào long bào của Hoàng đế, thủ pháp phóng ám khí của chàng rất khéo léo, người khác không thể nào nhìn được, cả bản thân Hoàng đế cũng không biết. Đến khi về cung nghỉ ngơi cởi long bào thì mới phát hiện bức thư này, trong thư trước tiên nói rõ người Ngõa Thích sắp đánh vào Trung thổ, bảo Hoàng đế phải biết nhìn ra ai là trung ai là gian để chống cự kẻ địch bên ngoài, đồng thời đưa ra chứng cứ Vương Chấn cấu kết với người Ngõa Thích, bảo Hoàng đế phải sớm phòng bị. Thứ đến chàng cũng nói rõ mình vốn có mối thù truyền đời với nhà Minh, nếu Hoàng đế chịu toàn tâm chống địch, mối thù này cũng có thể hóa giải. Lại khuyên Hoàng đế không nên giết hại trung lương, nếu không thì mình sẽ lấy thủ cấp của y.

Đây chẳng qua là tấm lòng trung của Trương Đan Phong đối với nước nhà, nào ngờ Hoàng đế vừa xem thì thất kinh, thầm nhủ: “Không ngờ trên đời lại có dị nhân như thế, nếu không trừ y thì chả lẽ tính mạng của trẫm nằm trong tay y hay sao?”



Rồi lại nhớ đến di chiếu của Thái Tổ, đoán rằng người này là con cháu của Trương Sĩ Thành, cho nên y mới bảo “có mối thù truyền đời”, cho nên vào trong cung lấy bức tranh vẽ Trương Sĩ Thành ra so sánh, mới thấy giống nhau, càng kinh hãi hơn cho nên chẳng thèm nghĩ đến ý tốt của Trương Đan Phong. Vì thế mời hạ lệnh cho Vân Trọng cùng bảy cao thủ đại nội đến Tô Châu. Trương Đan Phong viết bức thư này tuy giống như gãy đàn cho trâu nghe, nhưng cũng có một điểm thành công, đó chính là trước khi Hoàng đế bắt được Trương Đan Phong, vì sợ y dám sát cho nên không giám giáng tội Trương Phong Phủ.

Lại nói Vân Trọng nhận lệnh vua, sáng sớm ngày hôm sau thì bí mật rời kinh đô, con ngựa Hoàng đế ban cho tuy không bằng con Chiếu dạ sư tử mã của Trương Đan Phong nhưng cũng không quá kém cỏi, trong vòng sáu mươi ngày đã vượt qua Hà Bắc, Sơn Đông, tiến vào Giang Tô. Ngày hôm nay thì đã đến huyện Ngô, huyện Ngô tiếp giáp với Tô Châu, hai nơi này cách nhau nửa ngày đường. Vân Trọng dong ngựa đi chậm rãi. Phong cảnh núi sông Giang Nam nổi tiếng đẹp, lúc này Vân Trọng không gấp gáp lên đường, trong lòng thơ thới, chàng chợt cảm thấy bao nhiêu công danh lợi lộc rất vô vị, đi được một đoạn thì gặp được một mặt hồ. Bên hồ có ngôi cổ mộ, khi Vân Trọng đưa mắt nhìn thì thấy trên bia mộ có viết mấy chữ “Đàm Đài Diệt Minh chi mộ”, chàng thất kinh nghĩ bụng: “Đàm Đài Diệt Minh là đại tướng ở Ngõa Thích, tháng trước vẫn còn ở Bắc Kinh, sao ở đây lại có mộ của y? Vả lại ngôi mộ trông cổ xưa, rõ ràng chẳng phải mới đắp”.

Đang suy nghĩ thì chợt thấy một mục đồng chăn trâu gần đó, thế rồi mới bước tới hỏi: “Tiểu ca, đây là nơi nào? Là mộ của ai thế?”

Mục đồng ấy cười rằng: “Chắc ngài là khách từ xa đến, nơi đây gọi là làng Đàm Đài, còn hồ này gọi là hồ Diệt Minh, đây là mộ thủy tổ chúng tôi”.

Vân Trọng ngạc nhiên nói: “Cái gì, là mộ thủy tổ của các người?”

Mục đồng ấy cười rằng: “Hình như ngài không phải là người đọc sách, chả trách nào cả Đàm Đài Diệt Minh mà cũng không biết!”

Vân Trọng ngạc nhiên, chỉ nghe mục đồng ấy hỏi: “Dĩ mạo thủ nhân, thất chi Tử Vũ, ngài có hiểu câu thành ngữ ấy không?”

Vân Trọng hơi bực bội, nói: “Tiểu ca ngươi đang khảo ta đấy hử? Câu này là của Khổng Tử, Tử Vũ là học trò của Khổng Tử, tài năng và nhân cách đều hơn người, nhưng tướng mạo xấu xí cho nên Khổng Tử nói “dĩ mạo thủ nhân, thất chi Tử Vũ”. Ý muốn bảo rằng không nên đánh giá bề ngoài của mỗi người”.

Mục đồng cười rằng: “Không phải thế. Thủy tổ của chúng tôi là Đàm Đài Diệt Minh, chính là một trong bảy mươi hai học trò của Khổng Tử, người có biệt hiệu là Tử Vũ, người đã từng đọc Tứ Thư đều biết. Hồ này là nơi ở của người, nghe nói sau đó dâu bể thay đổi, lõm xuống thành hồ, cho nên gọi là hồ Đàm Đài. Trong huyện chí đã có ghi rõ”.

Mục đồng ấy nói rất lưu loát, dẫn cả sách vở ra chứng minh khiến cho Vân Trọng ngẩn người ra.

Sư phụ Đổng Nhạc của Vân Trọng là người văn võ toàn tài, từ nhỏ Vân Trọng đã đọc qua sách lịch sử, nhớ lại trong số bảy mươi hai học trò của Khổng Tử quả nhiên có một người tên là Đàm Đài diệt Minh. Nhớ lại lần đầu tiên khi nghe ở Ngõa Thích có một đại tướng tên là Đàm Đài Diệt Minh thì không khỏi cười thầm, bởi vì một võ phu mà lại lấy tên của một nhà nho cổ đại. Chàng còn tưởng rằng Đàm Đài là họ của người Hồ, nào biết người này lại ở miền Giang Nam văn vật, lại còn có mộ ở Ngô huyện, được mọi người kính ngưỡng. Song chắc con cháu đời sau của ông ta đã xây ngôi mộ này, nhìn nét chữ và kiểu cách, ít nhất cũng là kiến trúc thời Trần, Hán, không thể nào là mộ ở thời Xuân Thu.

Mục đồng ấy mỉm cười nói: “Dĩ mạo thủ nhân, thất chi Tử Vũ. Lời thánh nhân quả nhiên không sai!” Thế rồi giơ ống sáo lên thổi, thả trâu chầm chậm quay về. Vân Trọng ngạc nhiên, lẩm bẩm hai câu “Dĩ mạo thủ nhân, thất chi Tử Vũ”, lòng nhủ thầm: “Té ra Đàm Đài Diệt Minh quả nhiên là người Hán, chả lẽ y muốn như bậc tiên hiền? Đàm Đài Diệt Minh tướng mạo xấu xí, điểm này có thể giống với Đàm Đài Diệt Minh thời cổ, nhưng y đã đi theo phiên bang, sao có thể so sánh với bậc tiên hiền? Chả lẽ y lấy cái tên này còn có ý nghĩ gì khác? Phải chăng bảo mọi người đừng đánh giá bề ngoài của y? Chả lẽ hai chữ Diệt Minh chẳng phải có ý tiêu diệt Minh Triều hay sao? Hừ, lẽ nào một tên võ phu như Đàm Đài Diệt Minh có chí lớn?”

Vân Trọng đi quanh hồ Đàm Đài, vào làng Đàm Đài, trong lòng cứ nghĩ mãi chuyện Đàm Đài Diệt Minh, nghĩ mình lần trước đã ám toán tên Phiên vương, Đàm Đài Diệt Minh võ công hơn hẳn mình nhưng lại nương tay với mình. Lại nhớ trong cuộc tỉ võ ở nhà Trương Phong Phủ, Đàm Đài Diệt Minh cũng giúp Trương Phong Phủ đánh lui kẻ địch của y, càng thắc mắc, hơn, chợt cười rằng: “Đàm Đài này so với Đàm Đài kia, Đàm Đài này chẳng phải Đàm Đài kia, cần gì phải nghĩ đến?”

Lúc này đã đến trưa, mặt trời đã đứng bóng, Vân Trọng khát khô cả cổ họng. Ở miền Giang Nam, trà đình tửu quán ở khắp nơi, con đường này băng ngang qua làng, hai bên là ruộng lúa mà chẳng thấy ai làm việc, trà đình tửu quán cũng chẳng có, Vân Trọng nhìn thấy cảnh đó thì rất ngạc nhiên, nhủ thầm: “Chả lẽ làng Đàm Đài này không có người ở?”

Vân Trọng lại vỗ ngựa đi một đoạn nữa, miệng càng khát giữ hơn, chợt thấy bên đường có bà lão bán trà. Vân Trọng cười rằng: “Đi cả ngày đường mới thấy nơi bán trà.

Mình còn tưởng rằng đang đi giữa đại mạc”.

Thế rồi vào trong trà đình, buộc ngựa xong. Bà lão ấy nói: “Khách tới, Minh nhi rót trà”.

Chợt thấy một thiếu nữ tuổi khoảng mười bốn mười lăm bưng bình trà ra, rót cho chàng một chén trà. Thiếu nữ ấy tuy ăn mặc xoàng xĩnh, nhưng bộ mặt rất thanh tú, cụ già nói: “Làng chúng tôi đều mang họ Đàm Đài, khách quan cứ gọi tôi là Đàm Đài đại nương”.

Thế rồi Vân Trọng chợt thấy có một thớt ngựa đi qua, trên ngựa là một người tướng mạo thô kệch, y không xuống ngựa mà hất hàm hỏi: “Này, bà lão kia, hôm qua có thấy một Bạch Mã thư sinh đi ngang qua đây không?”

“Bạch Mã thư sinh?”

Vân Trọng bất đồ giật mình, Bạch Mã thư sinh mà người ấy hỏi chẳng phải là Trương Đan Phong hay sao?

Cụ già đưa mắt nhìn ra, nói: “Không thấy!”

Người ấy nhảy xuống ngựa, lớn giọng nói: “Có gặp một Bạch Mã thư sinh không?”

Giọng nói của y ồm ồm, bà lão há hốc mồm nói không thành tiếng. Người ấy giận dữ nói: “Bà có điếc không?”

Thế rồi bước vào trà đình, níu lấy bà lão già. Vân Trọng ngạc nhiên, nhẹ nhàng gạt tay qua, cú gạt này ẩn chứa kình lực, người ấy suýt nữa ngã chỗng vó, y thất kinh biết đã gặp cao nhân. Vân Trọng cười rằng: “Có chuyện gì thì hãy từ từ nói, cần gì phải tức giận đến thế? Bà lão hơi lãng tai”.

Thật ra bà lão lúc nãy vẫn còn nói chuyện với Vân Trọng, Vân Trọng nói như thế là có ý che chở cho bà ta. Bà lão mỉm cười nói: “Lỗ tai của tôi rất lạ, nói lớn quá thì không nghe, nói nhỏ quá cũng không nghe. Không lớn không nhỏ thì nghe được. Lúc nãy ngài hỏi gì? Hãy nói lại xem”.

Người ấy cố nén cơn giận, nhẹ nhàng nói: “Xin hỏi có một Bạch Mã thư sinh đi ngang qua đây hay không?”

Bà lão ấy nói: “Ồ? Bạch Mã thư sinh? À, có một Bạch Mã thư sinh, hôm qua cũng vào giờ này y đi ngang qua đây, đã dặn rằng, phàm có người hỏi đến y thì mời đến gặp tại Khoái Hoạt lâm ở Tô Châu vào trưa ngày mai, y sẽ mời uống rượu”.

Kỵ sĩ ấy nghe xong, lập tức lên ngựa bỏ đi. Bà lão ấy cười lạnh rồi nói: “Minh nhi, hãy nhớ lấy!”

Thiếu nữ đang ngồi ở một góc thêu thùa, cười rằng: “Vâng, phải nhớ lấy”. Thế rồi bỏ tấm khăn thêu sang một bên, trong mảnh khăn có bảy đóa hoa màu đỏ, rồi nàng nói: “Đây là đóa hoa thứ bảy!”

Vân Trọng rất ngạc nhiên, chàng biết hai mẹ con nhà này chẳng phải người thường, nhưng cũng không e ngại, thế rồi hỏi: “Bạch Mã thư sinh gì? Khoái Hoạt lâm ở đâu?”

Bà lão ấy liếc nhìn Vân Trọng rồi cười rằng: “Khách quan này rất tốt, tôi sẽ kể cho ngài nghe. Khoái Hoạt lâm là nơi tiêu tiền ở Tô Châu, nghe nói ngày trước khi Trương Sĩ Thành xưng đế ở Tô Châu, đã từng xây một hành cung ở nơi ấy. Sau này Trương Sĩ Thành chết đi, Khoái Hoạt lâm đã bị tịch thu bán cho người khác. Giờ đây chủ nhân của Khoái Hoạt lâm là Cửu Đầu Sư Tử Ân Thiên Giám, y đã biến nơi này thành nơi ăn chơi tiêu tiền, lại còn mua nhiều ruộng đất, huyện Ngô chúng tôi cũng bị mua. Bảy phần mười đất đai ở làng Đàm Đài đều thuộc về y”.

Vân Trọng nói: “Nói như thế tên Cửu Đầu Sư Tử này cũng là một kẻ đại ác bá, nhưng có liên quan gì đến Bạch Mã thư sinh?”

Bà lão ấy đáp: “Trà đình này của chúng tôi cũng là của y, mỗi tháng y đến thu hai lượng sáu tiền, chúng tôi đã nợ ba tháng tiền thuê, hôm qua y đã phái hai người đến bảo rằng sẽ bắt Minh nhi về làm a hoàn cho nhà y trừ nợ, may mà có Bạch Mã thư sinh đi ngang qua, trả tiền cho chúng tôi, lại còn trừng trị hai kẻ ấy”.

Thiếu nữ chen vào nói: “Thư sinh ấy không đánh người mà bị hai người kia đánh. Thật là kỳ lạ, hai tên kia vừa chạm vào người y thì kêu hoảng, cũng chẳng thấy thư sinh trả đòn, hai người kia đã lăn lộn xuống đất, khi đứng dậy thì thấy nắm đấm của bọn chúng xưng to như miệng bát. Khách quan, ngài hiểu biết rộng rãi, có biết đó là tà pháp gì không?”

Vân Trọng biết đó là loại nội công thượng thừa Triêm Y thập bát điệt, nhưng miệng thì đáp: “Tôi cũng không biết”.

Bà lão lại nói: “Hai kẻ kia còn cứng miệng bảo với thư sinh rằng: ‘Có ngon hãy đến Khoái Hoạt lâm gặp Cửu Đầu Sư Tử của bọn ta’. Thư sinh ấy cười lớn rồi đáp: ‘Hai ngày nữa ta sẽ đến gặp y. Xem thử Cửu Đầu Sư Tử sao lại hung hăng đến thế?’.”

Vân Trọng cứ ngạc nhiên, thầm nhủ: “Trương Đan Phong đến Tô Châu rõ ràng là tìm bảo tàng và địa đồ của tổ tiên y, sao lại lo chuyện bao đồng, đối chọi với một ác bá, chả lẽ không sợ để lộ thân phận hay sao? Nếu bảo hành hiệp trượng nghĩa, chỉ cần dạy cho hai kẻ kia một bài học, trả nợ cho hai mẹ con này là xong, làm sao dẹp hết ác bá trong thiên hạ, huống chi đang có chuyện gấp”.

Nhưng chàng nhớ lại những chuyện đã nghe, mỗi việc Trương Đan Phong làm đều có kế hoạch rất chu đáo, cho nên trong lòng cũng chẳng hiểu.

Bà lão lại nói tiếp: “Bạch Mã thư sinh ấy sau khi đuổi hai người kia bỏ chạy mới nói với tôi rằng: ‘Cụ hãy gọi đàn ông trong làng ngày mốt đến Khoái Hoạt lâm xem trò, tôi sẽ chia bạc cho họ’. Khách quan, ngài có muốn đến đó xem trò hay không?”

Vân Trọng nói: “Từ lâu đã ngưỡng mộ tiếng tăm viên lâm Tô Châu, huống chi lại có trò xem, chắc chắn là phải đi”.

Thế rồi trả tiền trà, lập tức cáo từ, chàng đưa mắt liếc nhìn, chỉ thấy thiếu nữ ấy đã thêu xong đóa hoa thứ tám.

Vân Trọng thúc ngựa chạy nhanh, khi mặt trời chưa lặn thì đã đến Tô Châu. Chỉ thấy đường sá được lát bằng loại đá trứng ngỗng nhiều màu, chẳng hề giống ở nơi khác, nhà cửa phòng ốc đều rất tinh xảo, chỉ thấy khắp nơi cây cối tươi tốt, nhà nhà đều có vườn, khác hẳn với phong cảnh đại mạc, trong lòng khen rằng: “Trên có thiên đường, dưới có Tô Hàng, quả thực không sai tý nào!”

Vân Trọng cầm mật chỉ của Hoàng đế đến phủ nha thăm hỏi, bảy cao thủ ấy vẫn chưa tới. Vân Trọng đang có lệnh vua, tuy đồng sự vẫn chưa đến, nhưng đã biết Trương Đan Phong đang ở đây, cho nên phải đi điều tra, chỉ ở lại một đêm trong phủ nha, sáng hôm sau thì cải trang thành một trà khách bình thường đến Khoái Hoạt lâm.

Khoái Hoạt lâm nằm ở ngoại ô phía bắc Tô Châu, là một viên lâm rất lớn, vừa bước vào cổng thì thấy một dãy trường lang Ngoằn ngoèo, trên hai bên bức tường có vô số bức thư pháp, chỉ là chủ nhân của viên lâm này không biết giữ gìn cho nên đã hư hỏng nhiều. Vân Trọng tuy không hiểu lắm về thư họa, nhưng cũng không khỏi tiếc nuối. Ra khỏi trường lang, hai bên cây cối um tùm, lại còn có giả sơn, hồ nước trong đẹp như tranh vẽ. Chỉ là trong vườn bày đầy những, lại thêm trà khách đông đúc, cứ la hét ồn ào, chẳng xứng cái nào với phong cảnh nơi đây!

Vân Trọng thầm để ý, đã phát hiện ra trong vườn đầy những kẻ có võ công, chắc Cửu Đầu Sư Tử đã âm thầm bày ra nơi đó chờ Bạch Mã thư sinh. Vân Trọng ngồi một hồi, thì mặt trời đã lên đến đỉnh đầu, nhưng vẫn không thấy Trương Đan Phong xuất hiện, chàng thầm nhủ: “Chả lẽ y không dám đến”. Chàng đang suy đoán, chợt nghe tiếng người xôn xao, một đám người kéo nhau vào là một hán tử râu xồm tuổi khoảng năm mươi, lớn giọng kêu rằng: “Cửu Đầu Sư Tử, hôm nay ta phải đánh với ngươi vài ván!” Trong vườn lập tức yên tĩnh, chiếu bạt các nơi đều dừng lại. Vân Trọng nghe có người thì thầm nói: “Long bang chủ của Hải Long bang đến đây đánh bạc rõ ràng có ý muốn hạ Cửu Đầu Sư Tử, hôm nay sẽ có tuồng hay”.

Vân Trọng rất bất ngờ. Chàng đến đây để chờ Trương Đan Phong, ai ngờ Bang chủ Hải Long bang lại dẫn xác đến, kẻ này hình như cũng là một ác bá ở Tô Châu.

Người ở trước mặt dãn ra hai bên, chỉ thấy một hán tử thô hào mắt to mày rậm, mặc bộ trường bào, làm ra vẻ rất nhã nhặn, dắt theo tám võ sư bước ra, y liền nói: “Long bang chủ, hôm nay ngọn gió lành nào đã thổi ngài đến đây? Xin mời ngồi uống chén trà thơm. Này, bọn bây hãy mang một ít món ngon đến”.

Long bang chủ thấy nghiêm mặt lạnh lùng nói: “Cửu Đầu Sư Tử hôm nay ngứa tay đến đây đấu với ngươi một trận, khoan hãy ăn uống, đánh một vài ván rồi uống tiếp”.

Chỉ thấy Cửu Đầu Sư Tử Ân Thiên Giám tựa như rất kiêng dè, mỉm cười nói: “Chúng ta cần gì phải làm mất lòng nhau, ngày có gì căn dặn, tiểu đệ nếu làm được thì sẽ cố gắng hết lòng”.

Long bang chủ chợt cười lạnh: “Lão ân, ngươi đã mở sòng bạc, sao lại không cho ta đánh bạc? Ngươi sợ ta không có tiền ư? Ngươi hỏi ta có gì căn dặn, vậy ta muốn đánh bạc với ngươi, chắc ngươi làm được chứ”.

Ân Thiên Giám biến sắc: “Người có sĩ diện, cây có vỏ, ông cứ dùng ép tôi trước mặt nhiều người như thế, tôi chỉ đành xá mạng chìu theo quân tử, thôi được, muốn đánh thế nào?”

Long bang chủ nói: “Đổ xúc xắc là nhanh nhất, vậy cứ đổ xúc xắc. Này, lão Quách, ông rất may mắn, ông hãy đổ cho ta! Lão Hân, tự ông đổ hay là kêu đại sư phụ thay ông?”

Bên cạnh Long bang chủ là một ông già vẻ mặt rất quái dị, ông ta kéo mũ xuống, nói: “Quách Hồng bái kiến đại ca”. Ông ta vừa kéo mũ xuống thì mọi người đưa mắt nhìn, té ra ông ta có bộ mặt rất kỳ dị, tóc lại càng kỳ dị hơn, bởi vì mái tóc của ông ta màu đỏ giống như đống cỏ rối, lại tựa như có một đám mây đỏ chụp lên đầu. Vân Trọng thấy thế thì cũng không bỏ thất kinh, ngạc nhiên nhủ thầm: “Ồ, té ra Hồng Phát Yêu Long Quách Hồng cũng đến đây”.

Quách Hồng là một võ sĩ tâm phúc của Vương Chấn, đã ở nhiều năm trong Tư lễ thái giám phủ, chuyên bảo vệ cho Vương Chấn, rất ít khi ra ngoài, vì màu tóc của y kỳ lạ, Trương Phong Phủ đã từng nhắc với Vân Trọng cho nên Vân Trọng tuy chưa gặp y, chỉ cần thấy mái tóc đỏ của y thì biết đó là một nhân vật bí hiểm trong phủ Vương Chấn.

Vân Trọng nghĩ thầm: “Vương Chấn giàu nổi tiếng thiên hạ tại sao lại sai người đến quấy nhiễu ở đây? Chuyện này thật khó hiểu”.

Chỉ nghe Cửu Đầu Sư Tử Ân Thiên Giám nói: “Quách sư phụ thay ông ư? Được, tôi không cần nhờ đến người khác, tôi sẽ đích thân ra tay”.

Long bang chủ cười ha hả: “Hay lắm ở đây là tấm ngân phiếu mười vạn lượng, ván này tôi cược luôn mười vạn!”

Cửu Đầu Sư Tử Ân Thiên Giám nói: “Tôi không có nhiều tiền mặt như thế”.

Long bang chủ lại ngửa mặt cười ha hả rồi nói: “Ông có bao nhiêu gia sản, tôi làm sao không biết? Đất đai và cửa tiệm của ông trị giá bốn mươi vạn lượng, Khoái Hoạt lâm cũng khoảng bốn mươi vạn lượng, vốn của ông có đến tám mươi vạn lượng, ông hãy yên tâm”.

Ân Thiên Giám cũng rất tức giận, nhưng cũng cười ha hả: “Té ra ông muốn lấy Khoái Hoạt lâm của tôi”.

Long bang chủ nói: “Ông chưa đánh mà đã sợ thua ư?”

Ân Thiên Giám nói: “Chỉ e không như ông mong muốn. Được, ông hãy xem trước những viên xúc xắc này”.

Quách Hồng cầm viên xúc xắc lên xem, Long bang chủ nói. “Quách đại ca, chắc là bọn họ không muốn giở trò”.

Quách Hồng đưa viên xúc xắc cho Ân Thiên Giám nói: “Cửu Đầu Sư Tử, ông là nhà chủ, hãy thảy trước!”

Ân Thiên Giám cầm viên xúc xắc quát rằng: “Giết!”

Sáu viên xúc xắc lăn tròn lăn tròn trong một cái bát, chỉ nghe có người rao: “Hai sáu, một bốn, mười sáu điểm, lớn!”

Ném xúc xắc mười tám điểm là lớn nhất, mười sáu điểm cũng đã là hiếm thấy. Ân Thiên Giám lau mồ hôi lạnh: “Được họ Quách kia, ngươi hãy thả đi!”

Ông già tóc đỏ mỉm cười, chậm rãi cầm mấy viên xúc xắc lên nói, đầu ngón tay hơi run run, đột nhiên ném mạnh vào bát. Tiếng rao vang lên: “Hai sáu, một năm, mười bảy điểm, lớn!”

Ân Thiên Giám tái xanh mặt kêu lên: “Có ma! Ném lại!”

Ông già tóc đỏ nói: “Được, ném lại nhưng lần này cược hai mươi vạn!”

Ân Thiên Giám đổ mồ hôi tay, run rẩy nói: “Toàn màu!” Thế rồi ném xúc xắc ra, chỉ nghe có người rao: “Hai sáu, một năm, là mười bảy điểm!”

Ném ra được mười bảy điểm có thể nói là đã nắm chắc phần thắng trong tay, Ân Thiên Giám mỉm cười. Chỉ thấy ông già tóc đỏ không hề lên tiếng, tiện tay ném ra người xung quanh đều biến sắc, có người rao: “Toàn màu!” “Toàn màu là lớn nhất”. Ông già tóc đỏ cười: “Ngươi kêu không ra, trái lại ta kêu thì nó ra”! “Được, lần này thì cá cược bốn mươi vạn!”

Sắc mặt của Ân Thiên Giám càng khó coi hơn, khi cầm lên: “Lần này ngươi ném trước!”



Ông già tóc đỏ nói: “Được, ta ném trước!”

Thế rồi hai tay bụm lại lắc xúc xắc trong lòng bàn tay ném vào bát,lập tức mặt ai nấy cũng đều im bặt sắc mặt của Ân Thiên Giám tái xanh. Một hồi sau chỉ nghe người rao rung giọng nói: “Sáu con sáu, mười tám điểm kim toàn màu, thắng tuyệt đối!”

Theo qui củ ném xúc xắc nếu ném được muời tám điểm hoặc toàn màu thì không ai theo kịp nữa.

Im lặng một hồi, toàn trường đều trở nên ồn ào, ai nấy đều rất ngạc nhiên tại sao ông già tóc đỏ lại ra tay thuận lợi như thế! Vân Trọng đứng từ xa nhìn bàn tay của ông ta thì lại thấy sơ hở. Té ra người có công phu ám khí giỏi, kiểm soát được lực tay của mình, được bất cứ thứ gì do đó ném được toàn màu hay mười tám điểm cũng không phải là điều kỳ lạ, chỉ là những người xung quanh cũng không ai hiểu nổi công phu thượng thừa này, dù cho Cửu Đầu Sư Tử Ân Thiên Giám cũng ngạc nhiên! bọn họ đều là người có tên tuổi trong giang hồ, thua thì phải nhận thua huống chi xúc xắc là của y càng không thể nói người ta đã giở trò. Vì thế Ân Thiên Giám tuy lòng đau như cắt nhưng cũng gượng cười: “Họ Long kia Khoái Hoạt lâm này là của ngươi!”

Long bang chủ nói: “Ngươi nói vốn của ngươi có tám mươi vạn là ngươi thua hết bảy mươi vạn, còn có thể lấy về muời vạn, coi như ngươi muốn lấy đất đai hay lấy tiền bạc, họ Ân kia có mười vạn cũng coi như là người giàu, ta không đuổi cùng giết tiệt, coi như đã tốt với ngươi lắm rồi!”

Ông già tóc đỏ nói: “Không cần nhiều lời, hạn cho các ngươi trước khi mặt trời lặng phải dọn ra khỏi Khoái Hoạt lâm!”

Chớt nghe có giọng cười vang lên: “Khoan đã ta cũng muốn đánh một ván!”

Chỉ thấy Trương Đan Phong chậm rãi từ trong đám người bước ra, vừa rồi Vương Trọng chú ý đến cuộc đánh bạc, cho nên không biết chàng đã đến từ lúc nào.

Cửu Đầu Sư Tử Ân Thiên Giám trừng mắt theo, theo tay chân của y miêu tả, đây chính là Bạch Mã thư sinh, nhưng lúc này y đã thua bảy mươi vạn lượng bạc, mất cả Khoái Hoạt lâm, nào chẳng còn lòng dạ nào tính toán chuyện Trương Đan Phong nữa, chỉ đành đứng xửng một bên ý muốn xem thử Trương Đan Phong đánh thế nào với lão già tóc bạc!

Long bang chủ và lão già tóc bạc Quách Hồng thấy Trương Đan Phong thì đều biến sắc, Trương Đan Phong mỉm cười nói: “Ha ha các ngươi không dám đánh với ta ư?”

Té ra Trương Đan Phong ăn mặt sang trọng lịch sự, tựa như một công tử nhà giàu, vừa đến Tô Châu đã gây chú ý cho bọn Hải Long bang, người của Hải Long bang đã theo dõi chàng đến khách sạn. Trương Đan Phong đã phát hiện trước nhưng giả vờ không hay, cố ý lấy châu báu ra phô bày, những kẻ đi theo dõi đều có kinh nghiệm giang hồ già dặn, thấy thế thì không dám hành động, quay về báo với Bang chủ, Long bang chủ định rằng sau khi lấy được Khoái Hoạt lâm thì sẽ điều tra Trương Đan Phong, sau đó mới quyết định ra tay, nào ngờ chàng lại không mời mà đến, lại còn đòi đánh bạc với mình.

Ông già tóc đỏ liếc nhìn Trương Đan Phong: “Ngươi muốn đánh bao nhiêu?”

Trương Đan Phong mỉm cười: “Ngươi có bao nhiêu vốn?”

Long bang chủ cười lạnh: “Sản nghiệp của Hân lâm chủ là vốn của ta”.

Trương Đan Phong nói: “Ồ, tính cả tấm ngân phiếu mười vạn của ngươi thì cũng chỉ được chín vạn, được, ta sẽ đánh với ngươi vài ván!”

Ông già tóc bạc nói: “Ngươi muốn đánh bao nhiêu?”

Trương Đan Phong mỉm cười, lấy ra một xâu trân châu, hạt nào hạt nấy vừa lớn vừa trắng óng ánh, vừa nhìn thì đã biết là bảo vật vô giá, xâu trân châu ấy còn có một viên bảo thạch toát ra ánh sáng màu xanh lấp lánh. Trương Đan Phong nói: “Ta sẽ cá cược xâu trân châu và viên bảo thạch này, các người hãy tính thử xem”. Long bang chủ cầm xâu trân châu săm soi rồi nói: “Chúng ta sẽ cá cược công bằng, xâu trân châu này của ngươi có một trăm viên, mỗi viên đều bằng nhau, là loại trân châu Hợp Phố vừa tròn vừa lớn không có tạp chất, quả thật rất hiếm thấy. Vốn là mỗi viên trị giá một ngàn năm trăm lượng, nhưng hiếm khi có loại trân châu trong hạt đều như nhau, cho nên giá tiền phải tính cao hơn, vậy cả xâu trân châu này có thể tính hai mươi vạn lượng bạc!”

Trương Đan Phong nói: “Ồ, ngươi rất biết xem hàng, vậy còn viên bảo thạch này thì sao?”

Long bang chủ nói: “Viên bảo thạch này càng hiếm có hơn, vậy ta tính mười vạn ngươi nghĩ thế nào?”

Trương Đan Phong nói: “Tính mười vạn thì hơi thấp một chút, song cũng không sao, được, ta có hết thẩy ba mươi vạn vậy ta sẽ đánh tất cả. Hãy đổi một bộ xúc xắc!”

Tên thủ hạ của Ân Thiên Giám vội vàng đổi một bộ xúc xắc khác. Trương Đan Phong cầm trong tay nói: “Nếu ta ném trước đều toàn màu hoặc đều mười tám điểm thì ngươi sẽ không có cơ hội nữa. Ta sẽ không chiếm phần hơn. Ngươi hãy ném trước”.

Vân Trọng thầm nghĩ bụng: “Công phu ám khí của Trương Đan Phong hiếm thấy trên đời nếu y ném trước thì nắm chắc phần thắng, giờ thì lại nhường cho Hồng Phát Yêu Long ném trước, chắc chắn sẽ thua to!”

Ông già tóc đỏ nhận lấy xúc xắc, chợt cảm thấy tựa như hơi nhẹ hơn, nhưng cũng không để ý thế là lấy ném ngay vào trong bát. Chỉ thấy trong bát trước tiên xuất hiện, hạt xúc xắc sáu điểm, chỉ trong khoảnh khắc lại có hai hạt xúc xắc sáu điểm, lão nở nụ cười, tiếp theo hạt xúc xắc cuối cùng cũng là sáu điểm, nhưng đột nhiên lại xoay thêm một vòng rồi mới dừng lại, thì ra chỉ có năm điểm. Có người rao: “Hai sáu một năm mười bảy điểm, lớn!”

Ông già tóc đỏ vốn định ném ra ba hạt sáu điểm, nhưng giờ đây không được như ý muốn, xong mười bảy điểm cũng đã hiếm thấy, thấy rồi cười rằng: “Mười bảy điểm thì mười bảy điểm, ngươi hãy ném đi!”

Trương Đan Phong cầm xúc xắc trong tay nói: “Mười bảy điểm cũng đã hiếm thấy!” Thế rồi hai mắt nhìn lên trời, tiện tay ném ra, trong nhất thời mọi người đều im bặt, cả ông già tóc đỏ cũng mở to mắt ra!

Chỉ nghe có người rao rằng: “Hai bốn, hai năm, lại hai sáu, bốn năm sáu toàn sát!”

Trương Đan Phong tiện tay ném ra bốn năm sáu toàn thắng, Vân Trọng không hề cảm thấy bất ngờ, những người khác đều ngạc nhiên, ông già tóc đỏ rất may mắn, Trương Đan Phong càng may hơn ông ta! Quách Hồng cũng thầm ngạc nhiên, lão ta rất giỏi môn Độc Long chưởng và Độc Long đinh có thể khống chế tình lực dễ dàng cho nên người ta gọi là Hồng Phát Yêu Long. Lão ta đã luyện hàng ngàn lần thủ pháp ném xúc xắc, muốn bao nhiêu điểm thì ra bấy nhiêu điểm, chưa hề thất bại không ngờ hôm nay lại bại trong tay của Trương Đan Phong.

Ông già tóc đỏ không biết rằng, té ra khi Trương Đan Phong cầm viên xúc xắc trong tay đã ngầm vận chân lực nội gia nén xúc xắc mềm ra. Không ai biết điều này, kể cả Quách Hồng, lão vẫn dùng lực đạo như lúc nãy cho nên muốn ném ra mười tám điểm thì chỉ có mười bảy điểm!

Trương Đan Phong toàn thắng, nhưng chàng vẫn hờ hững, thản nhiên nói: “Cả vốn lẫn lời cộng lại là sáu mươi vạn, vậy cuộc này ta sẽ đánh sáu mươi vạn!”

Ông già tóc đỏ hơi suy nghĩ rồi nói rằng: “Được, chơi với ngươi thêm một ván nữa, lần này ngươi ném trước!” Lời ấy vừa nói ra, Vân Trọng lại thầm ngạc nhiên, Vân Trọng nghĩ rằng: “Đã đánh xong một ván chả lẽ Quách Hồng cũng không biết Trương Đan Phong cũng là người giỏi ám khí, tại sao lại còn để cho y ném trước?”

Chỉ nghe Trương Đan Phong nói: “Để ta ném trước!”

“Được, ngươi đừng hối hận”. Thế rồi nhặt hạt xúc xắc lên, lại ném xuống số hạt xúc xắc trong bát đang lăn, ông già tóc bạc đột nhiên quát lên một tiếng “giết!”

Hạt xúc xắc dừng lại. Có người rao: “Hai hai, một một, năm điểm, nhỏ!”

Ông già tóc đỏ cười rằng: “Hà hà té ra chỉ có năm điểm!”

Trong trò ném xúc xắc, lớn nhất là mười tám điểm, nhỏ nhất là bốn điểm (1, 2, 3, bồi thường, không tính) ném thêm năm điểm, hầu như chắc chắn sẽ bại. Vân Trọng để lão ta quát lớn như thế vì biết lão đã dừng công phu truyền âm chấn vật, khiến cho hạt xúc xắc ngừng lại. Khi ném xúc xắc la hét cũng là chuyện bình thường, không ai có thể can thiệp. Vân Trọng nghĩ bụng: “Lần này Trương Đan Phong chắc chắn sẽ thua”.

Lão già tóc đỏ đắc ý, cầm viên xúc xắc ném vào trong bát. Chỉ nghe Trương Đan Phong cười ha hả, có người rao: “Hai một, một hai, bốn điểm!”

Y rao đến hai lần, lúc này giọng nói run run rõ ràng rất kinh ngạc Trương Đan Phong nói: “Ồ, té ra chỉ có bốn điểm!”

Ông già tóc đỏ mặt vàng ệch, lão đã thua trong môn nén xúc xắc, nhưng cũng là thua ở thủ pháp ném ám khí.

Trương Đan Phong búng tay đánh tách một tiếng miệng cười rằng: “Ngươi đã thua chín mươi vạn, mất cả vốn lẫn lời, ngân phiếu lẫn sản nghiệp, cả Khoái Hoạt lâm này thuộc về họ Trương ta!”

Cửu Đầu Sư Tử Ân Thiên Giám đột nhiên nhảy vọt tới, chụp lấy vai Trương Đan Phong quát rằng: “Ngươi là tên lừa gạt, ngươi dám cướp Khoái Hoạt lâm của ta!”

Chợt nghe một tiến ối chao vang lên, Ân Thiên Giám ngã chỗng vó. Khi mọi người nhìn lại thì chỉ thấy năm đầu ngón tay của Ân Thiên Giám đều bị gẫy, máu thịt bầy nhầy, y đau đến nỗi ngất đi!

Bọn thủ hạ của Ân Thiên Giám vừa ùa tới thì Trương Đan Phong nói: “Hừ, vô liêm sỉ, đã thua thì phải chịu, huống chi không phải ta thắng Khoái Hoạt lâm từ tay họ Ân của nhà ngươi!”

Thế rồi trong khoảnh khắc chàng đã đánh ngã tất cả. Ông già tóc đỏ giơ tay cản lại: “Cửu Đầu Sư Tử, phải giữ quy củ giang hồ!”

Bề ngoài là giúp Trương Đan Phong chặn Ân Thiên Giám lại nhưng thật sự đã ngầm hạ độc thủ, nào ngờ Trương Đan Phong biết bàn tay của y có độc, cho nên phất tay áo về phía bàn tay của y, giả vờ cười rằng: “Thế mới phải!” Rồi húp một ngụm trà lạnh phun vào mặt Ân Thiên Giám, Ân Thiên Giám tỉnh lại. Long bang chủ nói: “Cửu Đầu Sư Tử lần này bọn ta cũng thua, ngươi hãy đến Hải Long bang làm Hương chủ cho bọn ta”.

Long bang chủ cũng là kẻ già dặn đã thấy rằng ông già áo đỏ chẳng phải là kẻ địch thủ của Trương Đan Phong chỉ rằng giả vờ tỏ ra giữ quy củ giang hồ. Trương Đan Phong nói: “Cửu Đầu Sư Tử đem tất cả khế ước và tiền mặt của nhà ngươi ra đây!”

Ân Thiên Giám băng bó xong ngón tay, cúi đầu rầu rĩ nói: “Tùy ý ngươi!”

Trương Đan Phong nói: “Ngươi có bao nhiêu sản nghiệp đất đai hay tiền mặt ta đều biết cả. Nếu ngươi dám giở trò thì ngươi có mười cái đầu thì ta cũng chặt xuống. Này, các người theo y khiêng đồ!”

Chỉ thấy đám đông hoan hô như sóng dậy, tất cả đều ùa tới, té ra trong đám những người này có dân của làng Đàm Đài do Trương Đan Phong gọi tới.

Trương Đan Phong đem giấy tờ đất đai của Cửu Đầu Sư Tử đốt sạch, phân phát hết tiền mặt và vàng bạc, đến chiều thì mọi việc mới chấm dứt. Bọn Cửu Đầu Sư Tử, Long bang chủ và Hồng Phát Yêu Long Quách Hồng đều kéo đi sạch. Trương Đan Phong phát hết tài sản của Cửu Đầu Sư Tử rồi cười ha hả. Đột nhiên lấy ra một cành hoa sen ngâm rằng: “Trả lại vườn ta hoa sen thoát khỏi bùng nhơ!” nước mắt rưng rưng.

Vân Trọng nghĩ bụng: “Chắc y thấy tổ nghiệp bị người ta coi rẻ như thế, nên trong lòng cảm khái”.

Lúc này đám đông đã tản đi hết, Vân Trọng sợ Trương Đan Phong phát hiện cho nên đã len lén bỏ đi!

Vân Trọng quay trở lại phủ nha mới có hai cao thủ tới, đó là hai sư thúc của Đại nội tổng quản Khang Siêu Hải, Thiết Tý Kim Viên Long Trấn Phương và Tam Hoa Kiếm Huyền Linh Tử, trong ngày tỷ võ, Vân Trọng đánh bại sư điệt của họ là Lục Triển Bằng, coi như cũng có chút hiềm khích, nhưng nay đều vâng lệnh Hoàng đế, thành thử không nhắc đến thù riêng nữa. Vân Trọng kể chuyện ở Khoái Hoạt lâm cho Thiết Tý Kim Viên và Tam Hoa Kiếm nghe, cả hai người này đều là những kẻ già dặn trên giang hồ, nghe Vân Trọng nói như thế đều nhìn nhau, hai người nhíu mày một hồi, Thiết Tý Kim Viên nói: “Chuyện này rất rắc rối, Hồng Phát Yêu Long là người đắc lực nhất của Vương Chấn, sao y giúp Hải Long bang cướp Khoái Hoạt lâm? Trương Đan Phong coi vàng bạc như bùn đất, hành tung vô định, tại sao khi đến Khoái Hoạt lâm. Khoái Hoạt lâm này trước đây là hành cung tránh nóng của Trương Sĩ Thành, nói không chừng địa đồ và bảo tàng của Trương Sĩ Thành đều ở trong Khoái Hoạt lâm này”.

Vân Trọng cũng cảm thấy có lý, vì thế ba người ăn cơm tối, xong phải nghỉ ngơi một hồi, đến canh ba thì thay đồ dạ hành chạy về phía Khoái Hoạt lâm. Trương Đan Phong đã đuổi đám đầu trâu mặt ngựa nên lúc này cả khu vườn rất vắng lặng.

Ba người vượt tường lặng lẽ vào bên trong, định chia nhau tra xét, chợt ở phía đông có âm thanh vang lên, ba người vội vàng nấp sau một hòn giả sơn. Chỉ nghe một người nói: “Tên Trương Đan Phong ấy sợ chúng ta nên đã bỏ trốn”.

Một người lại nói: “Chả lẽ y đã tìm ra?”

Một người lại bảo: “Vương công công quả nhiên đoán không sai, may là chúng ta không đến muộn”.

Người mới lên tiếng này là Hồng Phát Yêu Long Quách Hồng. Vân Trọng thầm thất kinh, nghĩ bụng té ra đám người này do Vương Chấn phái đến. Sao bọn chúng biết Trương Đan Phong đến Tô Châu tìm bảo tàng? Rồi suy nghĩ lại, Vương Chấn có rất nhiều tai mắt trong cung cho nên biết chuyện Hoàng đế sai mình đến Tô Châu.

Chỉ nghe Quách Hồng nói: “Theo bản đồ thì hắc chắn là ở đây. Ngươi thấy ở đây có dấu đào bới, nhưng đá vẫn chưa bật ra, chắc là một mình tên tiểu tử này chưa tìm được bảo tàng thì nghe chúng ta kéo đến, vì thế bỏ chạy”.

Tiếp theo nghe tiếng cuốc bổ xuống đá, Vân Trọng toan nhổm dậy nhưng bị Tam Hoa Kiếm kéo xuống, thì thầm bên tai chàng: “Đừng vội, chờ chúng đào xong chúng ta mới xông ra”.

Vân Trọng từ trong kẻ đá nhìn ra, chỉ thấy có khoảng mười người vay quanh một tảng đá bên, một hồi thì có người kêu: “Được rồi, được rồi, có một cái hang, ồ, còn có một mảnh bia ngọc chặn lại!”

Một người giật ra, chợt nghe, đùng một tiếng tia lửa bay tung tóe. Quách Hồng kêu lớn: “Tránh mau!”

Trong hang đột nhiên phóng ra vô số mũi tên, lập tức có sáu bảy người trúng tên ngã xuống đất, sắc mặt sạm đen. Quách Hồng kêu: “Tên độc thật lợi hại”. Một hồi sau, tên độc bay ra hết mà Quách Hồng vẫn chưa yên tâm lấy một cái thuẫn che trước người, đột nhiên kêu to: “Hừ, chúng ta đã trúng kế của tên tiểu tử”. Thế là thối lui mấy bước, hai tay cầm cái cuốc bổ xuống, tấm bia ngọc bật ra, trong động trống trơn, mười mấy người nhao nhao chửi rủa, đỡ đồng bọn bị thương ra ngoài.

Thiết Tý Kim Viên nói: “Đến xem thử!”

Vân Trọng cẩn thận bước ra, chỉ thấy trên tấm bia có bốn dòng chữ lớn: “Người chết vì tài vật, chim chết vì thức ăn, các vị đã đến đây, sẽ được hưởng độc tiễn. Hoàng đế Trương Sĩ Thành lập bia”.

Vân Trọng thầm kinh, té ra Trương Sĩ Thành đoán rằng sẽ có người khai quật bảo tàng nên cho đã bày sẵn độc tiễn, thủ đoạn thật độc ác.

Nhưng cái hang này rất cạn, nghe nói tài sản của Trương Sĩ Thành chất cao như núi, cái hang này làm sao chứa đủ? Ba người đưa mắt nhìn nhau. Tam Hoa Kiếm nói: “Ta thấy Trương Đan Phong chưa chắc đào được bảo tàng”.

Vân Trọng nói: “Tại sao?”

Tam Hoa Kiếm nói: “Một là hang đá này không giống nơi giấu bảo tàng, hơn nửa Trương Đan Phong chỉ có một mình, lại bị Quách Hồng và Hải Long bang theo dõi, không thể chuyển bảo tàng ra khỏi thành”.

Thiết Tý Kim Viên nói: “Sư đệ nói đúng lắm, nhưng nếu y vẫn chưa đào được bảo tàng, vậy tại sao lại rời Khoái Hoạt lâm? Lẽ nào bảo tàng không phải trong Khoái Hoạt lâm?”

Vân Trọng nhìn kỹ lại chợt thấy bên cạnh bia đá còn có dán một tờ giấy trên có viết mấy hàng chữ rằng: “Thiên tử Đại Minh cần gì phải tốn sức đến thế. Vân Trọng đại ca, hãy bỏ đi cho sớm. Đệ Trương Đan Phong”.

Vân Trọng và Thiết Tý Kim Viên và Tam Hoa Kiếm chẳng nói một lời, lúc này gà đã gáy sáng.

Đó chính là:

Thần long chỉ thấy đầu mà không thấy đuôi, ngạo nghễ nhìn đời mà chẳng sợ ai.

Muốn biết sau đó thế nào, mời xem hồi sau sẽ rõ.

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.net

truyện bách hợp
truyện sắc

Dtruyen.com đổi tên miền thành Dtruyen.net. Độc giả ghi nhớ để truy cập.

truyện bách hợp

Nhận xét của độc giả về truyện Bình Tung Hiệp Ảnh Lục

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook