Bộ Khuy Kỳ Lạ

Chương 3: Một khu chợ Trung Đông

Nam Quân

18/04/2017

Việt Kim tiến ra mở cửa. Thốt nhiên em lùi phắt lại, sợ tái người.

Tiếng gõ nhè nhẹ vừa rồi khiến em cứ tưởng người hầu bưng bữa ăn trưa lên. Không ngờ giây phút này, trước mặt em lại đột ngột xuất hiện một... "bóng ma". Một bóng ma nhỏ tí xíu, choàng tấm áo ngoài màu trắng rộng, dài lướt thướt, đường viền kẻ đầy những hình vẽ đặc biệt Ả-Rập màu kim tuyến vàng óng ánh. Trên mặt cái bóng ma trắng toát đó nổi bật đôi mắt to đen láy. Hai hàng mi dài cong vút, mỗi khi chớp chớp lại in hình hai bóng đen nhỏ linh động chạy nhanh hai bên sóng mũi cao.

Tiếng nói Việt Kim vẫn chưa hết vẻ thảng thốt:

- Á Minh! Sao em lại phải ngụy trang "ghê" thế?

Á Minh đưa tay gỡ mảnh áo choàng, lật mũ trùm xuống để lộ khuôn mặt xinh xắn như mặt búp bê. Và cô bé Du-Ráp chỉ chiếc áo rộng dài màu trắng:

- Cái này gọi là "Chador", chị Kim! Phụ nữ Du-Ráp thường khoác chùm ra ngoài để che cát, che bụi, che nắng, và che luôn cả mặt mình đặng tránh những con mắt... nhìn trộm.

Á Minh đặt chiếc Chador của mình lên thành ghế salon. Em xuất hiện trong bộ "mini" xinh xắn màu hồng nhạt:

- Em có đem theo cho chị một chiếc chador đây, chị Kim!

Việt Kim bật phì cười:

- Chị mong rằng không phải chador của Á Minh! Vì, nếu là áo của em, chị mặc sẽ tới ngang bụng là cùng.

Búp bê láu táu:

- Ý, đâu có, chị Kim! Á Minh cũng ranh lắm chứ! Em lấy trộm chador của má đó. Chu choa! Má em cũng bự con, thân hình cũng khổng lồ y như chị vậy đó!

Việt Kim cười thích thú:

- Đâu? Đưa chị coi thử! Chỉ cho chị cách mặc ra sao nào!

Á Minh giở chiếc áo chador dài rộng:

- Nè! Đó, mặc như vậy đó! Dễ mà!

Việt Kim choàng một giải áo lên đầu và tấm áo rộng nhẹ nhàng rủ xuống che cả đầu em kín mít, trừ bộ mặt.

Á Minh reo lên:

- Hay quá! Hay quá! Đó, chị đã biến thành thiếu nữ Du-Ráp rồi đó!

Việt Kim thấy bộ mặt mình hãy còn lồ lộ, ngạc nhiên nhìn Á Minh:

- Ủa! Nhưng khi mở cửa cho Á Minh, chị chỉ còn thấy có mỗi đôi mắt em thôi mà. Mặt mũi em dấu kín hết mà. Thế ra...

Á Minh vội vã ngắt lời Việt Kim:

- Không đâu! Không đâu! Chị Kim! Chị nên nhớ em là thiếu nữ Du-Ráp, mà đã là con gái Du-Ráp thì không bao giờ để hở mặt khi đi ra ngoài. Kẹt một điều là đức Shah, từ nhiều năm nay, đã ra lệnh phải bỏ đi cái mạng che mặt. Tuy nhiên người vẫn không cấm con gái có quyền dấu mặt, chỉ phải bỏ cái mạng che đi thôi. Do đó, chúng em lại tìm ra cách khác. Nghĩa là vắt luôn mảnh áo chador choàng qua đầu, cho nó rủ xuống kín mặt và kẹp mép áo vào hai hàm răng.

Việt Kim làm theo lời Á Minh, đi lại chiếc gương lớn loay hoay mãi với tấm áo choàng. Rồi em quay lại nhìn Á Minh run giọng:

- Đ...ư...ợ...c c...h...ư...a?

Á Minh vui mừng nhảy cẫng lên:

- Khá lắm!... Và bây giờ chắc chị Kim đã hiểu vì sao, khi cãi nhau với vợ, người đàn ông Du-Ráp cứ hay quát lên: "Dấu mặt đi, mụ kia!" Tiếng quát ấy có nghĩa là: "Hãy im miệng đi!" Vì, khi dấu mặt tức là phải ngậm mép áo chador vào miệng. Mà một khi đã ngậm giải áo chador thì... còn miệng đâu mà nói nữa. Chị đã hiểu chưa?

Việt Kim cười phá lên:

-...Các ông thì ở đâu cũng vậy. Lúc nào cũng chỉ muốn bắt các bà phải câm miệng hến hết. Họ không chịu hiểu cho rằng việc cấm đoán đó là một điều không thể thực hiện được.

- Đúng! Em đồng ý với chị về điểm đó lắm! Chính em cũng đã nhiều lần bảo Hà Khâm như vậy đó?

- Hà Khâm? Hà Khâm là ai thế, Á Minh?

- Chồng chưa cưới của em, a... mà các chị hay gọi là, là... gì...? Là "bạn trai" đó phải không?

- Không đâu Á Minh? Nếu trước sau thế nào em cũng làm lễ cưới với Hà Khâm thì em phải gọi anh ta là chồng chưa cưới, hay nói văn vẻ hơn thì xưng là vị hôn phu chứ...! Thôi, chị em mình đi chứ Á Minh! Chị nóng ruột muốn xem chợ Ba-ga-ra quá!

Hai cô gái, thân hình quấn kín mít trong hai tấm "chador" thả bước đi bộ ra khu chợ. Để ý nhìn kỹ, khách qua đường cũng chỉ có thể ngó thấy hai đôi giày gót cao bước đi thoăn thoắt mà thôi.

Hai chị em chen vai thích cánh len lỏi tìm lối đi giữa đám người áo quần loè xoè, màu sắc rực rỡ, tiếng nói lao xao không khác gì cảnh một đàn ong vỡ tổ.



Bỗng có tiếng Á Minh:

- Đến nơi rồi, chị Kim!

Hé mắt ngó qua khe tấm áo choàng, Việt Kim nhận ra hai chị em đang đứng trong một tòa kiến trúc bằng gạch có nhiều cửa tò vò. Trên tường nhiều lỗ hổng. Ánh sáng bên ngoài lọt vào như ném châu gieo vàng xuống đám người lúc nhúc, áo quần đủ các màu sặc sỡ.

Khi đôi mắt đã điều tiết đủ để quen với bóng tranh tối tranh sáng, Việt Kim nhận thấy rất nhiều ánh đèn nê ông sáng choang trước các cửa tiệm. Tiếng ồn ào như sóng biển không lúc nào ngớt nổi lên từ bốn phía xen lẫn cả âm thanh vi vút của những ống tiêu, món nhạc khí đặc biệt của dân Du-Ráp.

Mùi hạt tiêu hăng hắc vương trong không khí, đi tới đâu cũng ngửi thấy. Ngay cả trước cửa một tiệm tạp hóa cũng "nghe" mùi hạt tiêu. À, kìa một ông chủ tiệm bán đồ gia vị ngồi xếp bằng tròn trên một tấm chăn gấp gọn gàng cao nghệu, rao hàng, chèo kéo khách như thể cãi nhau. Cái miệng, hai hàm răng trắng ởn, không phút nào để yên, cứ chép chép liên tu bất tận. Ngay cả khi vớ được một khách hàng, anh ta cũng cứ vừa giốc hạt tiêu vào túi giấy vừa gói mà đôi môi vẫn không thôi phát ra hàng tràng a rả, a rỉ...

Việt Kim và Á Minh thả bước từ từ đi theo lối đi chật hẹp, hai bên bầy những thúng gạo đầy có ngọn, những đống đậu phụng và những "núi" dưa hấu. Người bán tươi cười niềm nở mời chào, quảng cáo tíu tít về phẩm chất tuyệt hảo của món hàng bầy bán.

Việt Kim vui vẻ mua một gói đậu phụng rang. Hai chị em vừa đặt bước vừa cắn nhai những hột lạc vàng thơm béo ngậy. Đồng thời đôi mắt sắc của Việt Kim, qua kẽ áo "chador" không bỏ sót một chi tiết nào quang cảnh xung quanh. Hai người giờ đây đứng trước một cửa tiệm bán quần áo, nữ trang, và những đồ lặt vặt. Việt Kim đưa mắt ngắm đồ hàng của tiệm kế bên: một rừng chăn nệm, những bức trướng, màn che đẹp không bút nào tả xiết. Hình vẽ đẹp, màu sắc đẹp: xanh da trời, đỏ, tía, vàng cam, nằm kề nhau dung hợp nhau, êm êm dịu mắt một cách khiến cho người ngắm nhìn có thể buột miệng thốt ra một câu: "quả là một bức danh họa". Việt Kim tự nhủ thế nào cũng phải nói cho cha biết để ông nhớ đến tận nơi thu hình mới được.

Hương thơm, mùi vị và sắc màu khiến em thích thú, chân nhẹ lâng lâng như bước đi trong một đám mây hồng. Việt Kim ghé nhẹ bên tai Á Minh thỏ thẻ:

- Á Minh! Chị chỉ muốn ở đây hàng tháng thôi đó!

Búp bê reo lên:

- Thật không, hả chị Kim? Vậy mà có nhiều du khách ngoại quốc, ba em dẫn đi chơi chợ, cứ ngơ ngơ ngác ngác vì cái cảnh lùng tùng xoè ầm ĩ ở đây đấy! Mà sao chị lại không bị thế chứ! Thích ghê!... à, chị Kim! Tìm cái gì uống để chị em mình nghỉ chân một lát chứ!

Dứt lời, Á Minh kéo bạn rẽ vào một tiệm trà mái lợp bằng vải tuồn, có tới một chục cái cột bằng gỗ chạm trổ rất đẹp chống đỡ. Lại những cái nệm tròn xanh, đỏ, vàng, để rải rác quanh những chiếc bàn thấp. Mặt bàn bằng đồng sáng loáng, chân làm bằng gỗ "tếch" theo kiểu chữ X giản dị nhưng chắc chắn.

Á Minh đặt phịch người lên tấm nệm, hai tay vỗ vào nhau nghe bôm bốp. Một tay tiểu nhị áo dài lướt thướt tiến lại: Á Minh hé cặp môi xinh "tá ra ra, tủ la lả" một hồi và trong chớp mắt, hai "tô" nước trà đã được đặt trước mặt hai cô gái. Việt Kim tròn mắt ngó hai "tách" nước:

- Quái, tách trà gì mà bự như cái tô đựng phở ở Saigon vậy? Mà lại không có quai nữa chứ! Làm sao uống đây?

- Làm vầy nầy, chị Kim!

Rất nhẹ nhàng, rất khéo léo, Á Minh đưa bốn ngón tay, hai ngón trỏ hai ngón cái nắm lấy miệng tô từ từ nhấc lên kề sát môi.

Việt Kim bắt chước làm theo và nhúng môi vào nhấm nháp nước trà rất thơm mà cũng rất... nóng. Thiệt hay! Em không bị bỏng miệng chút nào.

Á Minh cười khanh khách:

- Chị tài quá hà! Nhiều khách ngoại quốc học uống trà kiểu này mãi mà không được đó. Họ đánh đổ tùm lum hà! Duy chỉ có chị là cô học trò giỏi nhất thôi!

Đột nhiên Việt Kim nhìn Á Minh:

- Nói chuyện về vị hôn phu của em cho chị nghe đi, Á Minh!

Đôi môi búp bê mấp máy:

-... Anh ấy...

Đúng lúc đó, một tiếng tu huýt ré lên lanh lảnh. Việt Kim khẽ giật mình:

- Cảnh sát hả?

Á Minh thản nhiên như không:

- Đúng! Cảnh sát đó chị!

- Sao Á Minh lại không để ý xem cái gì đã xảy ra thế?

- Lại ăn cắp chứ gì! Ối chà! Chợ thì thiếu gì ăn cắp hả chị! Chẳng ai thèm để ý đến đâu.

Việt Kim đưa tia mắt loáng nhanh bốn chung quanh. Đúng như lời Á Minh nói. Mọi người vẫn tiếp tục công nào việc nấy, nét mặt bình thản như không. Có lẽ họ không nghe cả tiếng còi nữa.

Việt Kim nở một nụ cười:

- Ở Saigon, quê chị thì phải biết! Thiên hạ đã chạy túa ra rồi đó. Đồng bào của chị hiếu kỳ lắm!

Vừa dứt lời đã thấy hai nhân viên cảnh sát mặc đồng phục màu xanh biếc dẫn một cái bóng trắng lôm lốp đi qua. Chẳng hiểu là đàn ông hay đàn bà mà chỉ thấy tấm áo chador che trùm kín mít từ đầu đến chân.

Việt Kim chưa kịp đoán ra, ba người đã mất hút trong đám đông.



Á Minh từ bao giờ chẳng mảy may chú ý, bỗng đứng phắt dậy:

- Đi, chị Kim! Em dẫn chị tới coi một cửa tiệm này, thích lắm. Tiệm bán "Zada". Tuyệt lắm chị Kim ơi! Rồi chị sẽ mê và mua ít nhất là hai cái cho mà coi! Em khoái mấy cái đó nhất!

Việt Kim ngẩn mặt:

- Cái gì? Zađa! Zađa là cái gì hả Á Minh! Zađa! Cái tên nghe hay quá nhỉ. Chưa biết là cái gì, nhưng cứ nghe tên gọi là chị đã thích rồi đó! Zađa!... chị phải mua vài cái mới được!

Á Minh nhẹ tay liệng trên mặt bàn mấy đồng tiền rồi hai chị em theo nhau bước ra. Em dẫn Việt Kim tới tiệm bán Za-đa.

Thì ra zađa là những cái khăn quàng cổ màu sắc rực rỡ đẹp vô cùng. Hàng trăm chiếc vắt trên dây dọc theo vách tường. Mỗi cơn gió thoảng qua những cái khăn uốn mình nhẩy múa rung rinh khiến người nhìn có cảm giác như đang được xem một cuộc khiêu vũ của... lửa. Việt Kim buộc miệng:

- Ối chà! Lạ quá ta.

Trong khi đó, người bán hàng trải ra trước mặt hai em hàng mấy chục chiếc za-đa đẹp như những đóa hoa rừng ngàn hồng muôn tía. Việt Kim ngắm xem không chán mắt. Mua về làm quà cho các bạn, nhất là cô Hiền thì phải biết. Và em lẩm bẩm:

- Đây, cái này cho cô Hiền, cái kia cho con Trâm, cái xanh biếc kia cho con Liên để nó lên ti-vi thì tuyệt quá...! À mình phải lấy cái vàng cam kia, trời! Đẹp quá! Á Minh, coi chị đẹp không?

Vừa dứt lời, Việt Kim đã rút nhanh chiếc áo choàng "chador" ra để vắt chiếc za-đa quanh cổ. Á Minh cười rúc rích:

- Trời ơi! Chị Kim đẹp quá! Nhưng coi chừng chị Kim! Chị Kim mà theo em ra chợ chắc chị sẽ nghèo luôn quá!

Việt Kim hăng say:

- Em nói đúng! Nhưng thây kệ! Cứ thích ý là chị mua liền hà!

Chợt Việt Kim nhớ ra một điều gì:

- Á Minh! Thôi em liệu cho chị về khách sạn đi. Ba chị chờ có việc cần. Lẹ đi! Cứ nấn ná la cà mãi ở đây e chị không về nổi quá!

Á Minh vạch lối đi giữa đám người đông đảo một cách thật khó khăn Việt Kim theo sát đằng sau, tay ôm một ôm lớn toàn khăn quàng za-đa.

Ra tới gần bãi trống, đám người bớt đông, đi lại đã dễ dàng.

Vừa bước tới bực thềm xi măng, chợt Việt Kim ngó thấy một vật gì phản chiếu ánh sáng, lấp lánh trên mặt đất. Bất giác em cúi xuống lượm, phủi bụi rồi đưa lên gần mắt xem kỹ.

Thì ra là một cái khuy, một cái khuy rất lạ: dầy, không tròn như mọi cái khuy khác, bụng phồng lên khiến cái hình trên mặt nổi bật hẳn:

- Á Minh! Coi! Cái khuy đẹp ghê này! Khuy gì lạ quá hả! Chị chưa thấy bao giờ đó!

Á Minh cầm cái khuy ngắm nghía:

-... Hình như em đã được trông thấy ở đâu rồi này! Ồ, không nhớ nữa chứ!

Và em đứng hẳn lại, cái đầu nhỏ xinh lắc lắc:

- Hừ, bực quá, sao không nhớ gì hết kìa? Không đâu chị Kim! Không phải khuy, mà chính là một vật làm theo kiểu cái khuy đó thôi. À, à, có thể là một cái hộp nhỏ đựng phấn thơm chẳng hạn. Có lẽ đúng đấy! Chị Kim! Thiếu nữ Du-Ráp thường hay đem theo trong sắc tay mỗi khi đi chơi đó chị. Phải rồi, nhiều khách du lịch qua đây cũng hay mua để làm kỷ niệm lắm. Chị thấy không, nếu cần có thể làm khuy được đó. Đẹp ghê! Thú quá hả chị Kim? Cái này có vẻ cũ kỹ, sắc nét, thật lắm chứ không phải đồ giả chế riêng để bán cho du khách ngoại quốc đâu chị!

Việt Kim:

- Có lẽ chị em mình nên hỏi xem của ai đánh rớt thì trả lại cho người ta, hả Á Minh?

- Trả sao được? Biết ai đánh rớt mà hỏi? Thôi kệ, cứ giữ lấy đi chị Kim. Để làm kỷ niệm đi chơi chợ Ba-ga-ra!

Việt Kim không biết tính sao hơn, đành gật đầu:

- Em nói phải! Thôi được, để chị cất đi!

Hai chị em ra khỏi chợ. Chân bước thoăn thoắt nhờ đường phố đã bớt đông đảo.

Chợt Việt Kim nhẹ quay đầu nhìn quanh lại phía sau. Em có cảm giác như có người theo dõi. Quả nhiên, một gã đàn ông Du-Ráp, dáng điệu khả nghi, đang đặt những bước nhanh và nhẹ phía sau hai cô gái. Việt Kim chỉ kịp thoáng thấy cái nhìn lạnh lùng dữ dội từ đôi mắt ốc bươu tia ra. Ghê gớm hơn nữa: tia mắt đó lại chiếu thẳng mặt em thật lâu... Thời gian ánh chớp, gã đàn ông có đôi mắt rùng rợn đó đã biến mất hút trong làn sóng người ở phía sau. Việt Kim bất giác rùng mình. Cơn sợ hãi như một luồng sóng lớn ở đâu lấn tới nhận chìm ngột ngạt. Em lắp bắp nói chẳng ra lời:

- Trời ơi! Gã đàn ông này theo hút mình làm gì đây?

Đồng thời Việt Kim lại tự nhủ ngay để trấn an:

- À, ừ, mà ăn thua gì, việc gì phải sợ run lên thế nhỉ. Ở Saigon, những lần đi chơi chợ Bến Thành, thiếu gì người nhìn mình như vậy mà có làm sao đâu nào?

Đúng thế! Những lần đó không làm sao hết. Nhưng lần này, tại xứ Du-Ráp, quê người đất khách, đôi mắt trắng dã, tia nhìn trừng trừng lại chiếu thẳng mặt Việt Kim kia, dễ gì mà em có thể quên ngay được.

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.net

truyện Đam Mỹ
đấu phá thương khung

Dtruyen.com đổi tên miền thành Dtruyen.net. Độc giả ghi nhớ để truy cập.

truyện full

Nhận xét của độc giả về truyện Bộ Khuy Kỳ Lạ

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook