Bước Đường Cùng

Chương 8

Nguyễn Công Hoan

03/10/2018

Trời nắng đã bắt đầu dữ. Hai bên đường chắng có một bóng cây. Chỉ có một cánh đồng phẳng lặng với làn nước loang loáng.

Pha lên huyện hầu kiện.

Anh đội khăn lượt, mặc áo vải tây đen và quần trắng vải to, là những thức anh sắm đã lâu, nhưng ít khi có dịp dùng. Anh mượn cái ô trắng để che, vì từ làng lên huyện xa những sáu cây số.

Anh vừa mừng lại vừa lo. Mừng vì trong lưng có phong thư của ông nghị, anh chắc chắn thế nào cũng được quan thương mà ngơ đi cho. Lo vì bỡ ngỡ, mới đến cửa quan lần này là một.

Anh giắt năm đồng hai hào tư. Chẳng phải anh biếu cả quan chỗ tiền ấy. Ông nghị bảo tạ độ hai ba đồng là quá phải. Ông đã dặn lối vào công đường, chỗ nào là trại lệ, chỗ nào là trại cơ, chỗ nào là buồng giấy ông thừa ông lục, chỗ nào là chỗ quan ngồi. Ông lại chỉ bảo anh rành rọt lời ăn tiếng nói với lính và quan nha. Ông bảo vì anh là dân, nên phải lên đúng ngày giờ hầu kiện cho phải phép, chứ cứ như ông thì chẳng phải đến công đường, hoặc lúc nào lên cũng được. Ông quả quyết anh chỉ phải giáp mặt quan độ một lát, rồi lại được về nhà ngay. Cho nên vợ anh dặn nhân tiện lên huyện, thì chỗ tiền thừa, anh ra phố đến hiệu chú Sỹ mua mười phong thuốc lá và vài chục diêm, nửa tá xà phòng, một hợp lơ và hai cỗ tổ tôm.

Đến cổng huyện, anh đứng ngoài nhìn vào, thấy trong tấp nập những người đi lại. Anh có ý tìm cậu lính hôm trước để gọi, nhờ cậu đưa đường cho thì hơn, vì cậu dặn khẩn khoản thế nào lúc đến huyện anh cũng vào chơi uống nước.

Nhưng anh không gặp người quen. Anh đành theo các người khác vào trong sân. Qua mặt người lính khố xanh bồng súng gác ở cổng, anh lễ phép ngả ô, rồi tiến đến gốc bàng có bóng mát, bẽn lẽn đứng chờ.

Tuy vậy, anh cũng sợ. Anh chẳng dám đường đột nhìn ai. Trong lúc đắn đo, lại thấy những tiếng dạ, những lính lệ cắm cổ chạy, anh tính trở về, nhờ ông nghị viết cho lá thư khác, đừng nói anh kiện tụng lôi thôi nữa.

Bỗng có người đến hỏi làm anh đứt mối nghĩ ngợi:

- Người kia, việc gì?

Pha khép nép thưa:

- Thưa cậu, tôi mang giấy của ông Nghị Lại lên hầu quan, nhờ cậu bẩm hộ.

Người lính không đáp, khủng khỉnh đi thẳng đến một người dân khác, đứng gần đó.

Một lát, một người lính nữa đến hỏi xẵng, và Pha cứ câu ban nãy trả lời. Một lát nữa, lại người lính nữa đến xoắn xuýt, nhưng lại có câu trả lời ấy thì lại có sự lạnh nhạt ấy.

Pha nhớ cái quanh cảnh ở bến ô tô ngoài tỉnh, và sự mời chào của những người bán vé. Anh biết rằng đã khờ vì không đáp thực thà. Việc đưa thư cho ông nghị không khiến họ phải chú ý bằng việc mình có giấy quan đòi lên hầu. Bởi vậy, người lính thứ tư có dáng tử tế hơn, anh đáp:

- Tôi lên hầu kiện.

Nhưng người lính cau mặt gắt:

- Hầu hạ gì bây giờ? Quan đang bận.

- Nhưng giấy sức khẩn kia mà?

Người lính lại gắt:

- Đợi đấy, mai.

Rồi anh ta càu nhàu:

- Sức quan thì tờ đếch nào là không khẩn?

Kinh ngạc, Pha đáp:

- Chết, nhà tôi ở xa lắm, cậu vào trình quan hộ cho tôi còn về.

Cậu lệ ngắm Pha từ đầu đến chân, rồi đứng gần lại, hất hàm thân mật hỏi nhỏ:

- Có gì không?

Pha vui vẻ móc túi lấy phong thư, và mỉm cười đáp:

- Có, giấy của ông nghị tôi.

Bỗng huỵch một cái, Pha bị ngay một quả tống vào ngực đau điếng:

- Này nghị này. Cậy có nghị à? Nghị thì đến ngày kia.

Nói đoạn, lính lệ quăng phong thư xuống đất và bỏ đi chỗ khác. Pha sợ run, cúi nhặt. Anh không hiểu tại làm sao cả. Anh phải chạy theo nhũn nhặn hỏi:

- Sao lại ngày kia, cậu? Cậu làm phúc vào trình quan hộ.

Người lính đứng lại, nhíu lông mi, hất hàm về cửa công đường, như có ý thách:

- Đấy, cậu có nghị thì cứ vào.

Pha tưởng thật, vừa bước đi, thì bị lôi ngay tà áo lại. Mảnh vải cũ, rách toạc ngay một đường. Pha vừa tức, vừa sợ. Anh lính đỏ mặt, sừng sộ hỏi:

- Đi đâu?

Pha không biết đáp câu hỏi vô lý ấy thế nào. Người lệ vừa bảo anh cứ vào lại hỏi anh đi đâu. Thật là khó hiểu quá. Giữa lúc ấy, có tiếng gọi, lính dạ rất to và thoăn thoăt chạy đi, nhưng còn quay lại giơ bàn tay ra đe:

- Đứng đấy, liệu hồn.

Thấy mình được tự do, Pha mon men tiến đến cửa công đường, thập thò ngoài buồng giấy quan huyện.

Bên buồng cạnh, các ông thừa và nho đương làm việc rộn ràng.

Pha lách mắt, ngó qua lỗ thủng ở bức bình phong, nhìn vào trong, thấy quan đương hút thuốc lá và lấy dao cạo một miếng xương trắng. Anh toan mạnh bạo bước vào, thì thình lình: bốp. Một cái tát của tay chuyên môn làm anh đinh tai, choáng óc.



- Ối.

Anh bật lên tiếng kêu. Lập tức, anh bị giật cổ ra bực hè, suýt ngã bổ chửng xuống sân. Người lính nghiến răng, trỏ vào mặt:

- Mày định kêu cho cụ tổ mày nghe tiếng phải không? Bố mày đánh thì phải câm kia mà?

- Lạy cậu...

- Bố mày bảo mày đứng chờ ở kia sao mày không nghe? Muốn tù thì bảo.

Hết cơn bàng hoàng, Pha như cái máy theo người lính kéo áo lôi đi. Đến đầu công đường, người lính trợn mắt, hạch:

- Mày muốn vượt quyền ông, thì mày bảo?

Dứt lời, anh bị một quả tống nữa vào giữa ngực. Lần này đã là lịch duyệt, anh cố nhăn nhó chứ không dám kêu. Nhưng người lính cũng dọa:

- Kêu ông bỏ tù. Ông đánh cho mất thói tự do đi. Mày đừng tưởng quan như ông nghị nhà mày ấy.

Pha còng lưng, ôm ngực nói:

- Cậu bảo tôi phải vào mà.

- Bố mày bảo thế nghĩa là bố mày bảo liệu hồn. Quân ngu như lợn. Mày không biết mày muốn vào quan thì phải nhờ đến bố mày đây à?

Bây giờ Pha mới hiểu cái uy quyền của cậu lệ, thì ra còn to hơn cả ông nghị làng anh, anh vội vàng lạy:

- Lạy cậu, cậu tha cho. Có gì tôi không biết, xin cậu cứ bảo.

- Thế sao tao bảo có gì không, mày lại cậy có giấy của ông nghị mày. Ông nghị mày oai lắm thế à?

- Vâng, quả thật tôi không biết.

- Quả cái thằng bố mày. Thế mày tưởng mày lờ bố mày mà mày lọt quan à?

Pha hiểu, vội vàng nói:

- Cậu cử cho tôi vào, tôi xin hậu tạ.

Người lính lắc đầu:

- Không hậu tạ gì cả, có gì thì đưa ngay “tút xuỵt”, không có quan gọi tao bây giờ, tao không có thì giờ lôi thôi.

Nói chưa dứt câu, người lính thò tay vào nắn hai túi, và thắt lưng người dân khốn nạn. Khi thấy cục nút, hắn hiểu là tiền, vội vàng dịu ngay mặt lại, đổi giọng nói:

- Các anh ngu lắm kia. Có việc vào quan lại cứ không muốn mất tiền để người ta chỉ bảo công việc cho. Mau lên, đưa đây mấy hào, không thì...

- Lạy cậu, tôi quả thực nghèo túng.

Người lính trợn mắt:

- Đồ các anh ngu như lợn. Một đằng được vào hầu ngay, được xử tử tế, một đằng phải cơm hàng, cháo chợ để chờ không biết đến bao giờ, anh chọn đằng nào?

Pha nén lòng để cười nhạt. Anh không dám đắn đo, khẽ thở dài, thong thả quay mặt đi, cởi nút thắt lưng, lấy ra một hào, mỉm cười đưa vào tay người lính:

- Chỉ có thế này, cậu nhận cho.

Người lính cầm tiền bỏ túi xong mới nói:

- Bỏ ra hào nữa, không có thì thôi.

- Lạy cậu, làm gì còn?

- Thì thôi.

Người lính quay bước đi, anh Pha vội vàng gọi lại:

- Cậu.

Anh lắc đầu, lúi húi lấy ra hào nữa, và vừa buộc nút lại vừa nói:

- Thật quả chỉ còn thế này. Tôi có biết đâu lệ ở đây phải thế.

Bất đồ mấy mươi xu rơi tung ra. Người lính vội vàng nhanh như cắt, cướp lấy cướp để và cười sằng sặc đắc chí. Bỏ tiền vào túi xong, hắn đưa Pha đến trước buồng giấy quan, cầm tờ sức vào. Một lát hắn quay ra, vẫy tay bảo:

- Sang bên ông lục sự.

Thấy không được vào quan để đưa thư ông nghị, cái thư nhờ quan bênh vực mình, Pha trù trừ rồi đánh bạo nói khó với người lính:

- Nhờ cậu làm phúc trình quan cho tôi vào, để đưa ngài bức thư của ông nghị tôi.

Anh lệ gắt thầm:

- Con khỉ. Ban nãy thì không nói. Để đến mai cũng được.



- Không, thư cần kia.

- Đấy thì mặc kệ, đây không biết.

Pha nghĩ đến cái bạt tai lúc nãy, tần ngần không dám tiến. Nhưng người lính lại giục:

- Vào đi, quan đang rỗi, con khỉ.

Pha dựng cái ô vào tường rồi vào, khom lưng vái chào:

- Lạy quan lớn.

Quan vẫn cạo quân bài mà chược và hút thuốc lá như ban nãy. Ngài không ngẩng đầu lên, mà cũng không đáp. Cho nên Pha đứng khoanh tay chờ.

Quan phụ mẫu là một người có nhiều cái đặc biệt. Đứng trước ngài, ta có cảm tưởng hỗn xược như ta lại phải ăn một mâm cỗ đầy ắp những thịt mỡ khi ta đã no nê. Nghĩa là ta phát ngấy về sự phì nộn của ngài. Ngài cúi mặt xuống, cả tấm thịt trên quai hàm bị cổ áo cứng nó đùn lên, nó vẽ nên một nét răn, chia má ra làm hai khu đều nhau, khu nào cũng phính và nung núc những thịt. Cái tấm má ấy đầy đặn đến nỗi giá chỉ một mũi ghim nhỏ lỡ đụng vào, là chỗ đó có thể chảy ra hàng lít nước nhờn nhờn mà ta quen gọi là mỡ. Lông mi ngài rậm mà vòng lên, đối với đôi mắt ngài hùm hụp cong xuống. Từ thái dương, đến má, đến xương quanh miệng ngài, người ta tưởng mặt ngài làm bằng sắt, vì nó đen đen. Nhưng không, màu ấy chỉ là di tích bộ râu quai nón mà sáng nay ngài quên chưa cạo.

Ngài đặt lên đầu một vòng khăn không xứng đáng. Vì đối với cái mặt vĩ đại ấy, nó phải nhiều nếp hơn. Cho nên quấn quanh đầu ngài, nó như chiếc vành sắt đai quanh một thùng gỗ gánh nước. Mà khăn ấy, ngài đội một cách rất chướng, đến nỗi một người nào trong mặt trận dân chủ, tất phải cáu mà vô phép ngài ấn thật mạnh đằng sau xuống cho nó trùm nốt gáy.

Riêng ở người ngài, sự oai vệ cũng đã quá đầy đủ rồi, thế mà đằng sau đằng trước, bên phải, bên trái, còn bày la liệt những thứ khiến người yếu bóng vía phải rùng mình: thanh quất, súng lục, súng trường, gươm, giáo, bát xà mâu, kích,... rặt những thứ chỉ quyệt vào thằng dân nào là thằng ấy đủ chết mất ngáp.

Ngắm từng ấy thứ, tự nhiên mặt Pha xám dần.

Bỗng quan ngẩng lên nhìn: một luồng điện làm anh choáng vía, anh run lên, không nói ra hơi nữa.

- Việc gì?

Nghe hai tiếng ồ ồ ở cuống họng quá rộng, Pha hoàn toàn líu tắc lưỡi lại. Nhưng hỏi xong quan đưa mắt xuống quân bài ngay. Lúc ấy Pha mới hoàn hồn dần và nhớ mang máng lại các việc.

Pha móc túi lấ bức thư, vuốt cho thẳng thắn, tiến đến cạnh bàn giấy. Tự nhiên anh lại bắt đầu run và quên nỗi chỉ nói được rõ có mấy tiếng:

- Lạy... lớn... nghị...

Như cầy sấy, anh đặt thư lên bàn, và lùi lại góc phòng đứng khoanh tay để lấy hồn vía.

Quan vẫn cắm mắt vào mảnh xương trắng, đưa tay vớ lấy thư, rồi bóc phong bì ra. Đọc được vài dòng, ngài ngẩng đầu, nói:

- Quái, tao lạ cho ông nghị nhà mày ăn nói lắm giọng. Hôm nọ vừa viết cho tao nhờ xử cho thằng Thi được kiện, hôm nay đã nhờ tao xử hòa cho mày rồi.

Pha càng bối rối, không hiểu bụng dạ ông này thế nào mà đòn xóc hai đầu làm vậy.

Quan đọc nốt bức thư, rồi, vẫn không ngẩng đầu lên, gật đầu nói:

- Được, nể lời ông nghị, tao sẽ tha cho mày, nghe chưa? Sang buồng thầy lục, tao bảo thầy ấy liệu lấy cung.

Pha dạ, và ngắm nghía quan như ngắm nghía vị ân nhân. Lúc ấy quan vẫn vừa đọc thư, vừa với tay vào cái đĩa không, để ở góc bàn. Ngài vét mấy lượt mà chẳng được gì. Bỗng ngài ngẩng lên nhìn thẳng vào Pha, ngạc nhiên hỏi:

- Đâu?

Pha ngạc nhiên chẳng kém gì quan, vì chẳng hiểu quan hỏi gì. Song anh cũng trả lời:

- Dạ?

Quan cau mặt hỏi:

- Dạ cái gì? Đâu? Thế ông nghị nhà mày không dặn mày phải thế nào à?

- Bẩm có, con phải đem đầu đến kêu quan lớn thương cho.

Quan gật:

- Biết rồi, nhưng vào quan không có lối nói bằng nước dãi.

Rồi ngài bắt đầu nói xẵng:

- Mày đừng láo. Ông nghị viết cả cho tao là mày trình tao năm đồng và tạ tao hai chục, vì thế ban nãy tao mới bảo tha cho mày.

Pha dựng tóc gáy như nghe thấy tiếng sét. Thực là tự nhiên anh chui vào hang hùm. Năm đồng thì có, chứ hai chục, anh lấy đâu ra. Anh oán ông nghị bỗng dưng đưa anh vào chỗ chết. Anh run lên, nói như mếo máo:

- Lạy quan lớn, cảnh nhà con nghèo, quan lớn đèn trời soi xét cho.

Quan quắc mắt:

- Nghèo thì bước. Làm mất thì giờ của ông.

Nói xong ông gọi:

- Lính đâu mày, tống cổ thằng này xuống trại.

- Lạy quan lớn...

Anh lính ban nãy lại hùng hổ hiện ra, giơ tay vả luôn vào mồm Pha hai cái, rồi cầm cổ anh lôi ra ngoài.

Trong khi ấy, không biết quan đã cúi mặt xuống tự bao giờ, bình tĩnh cạo nốt quân bài mạt chược. Đăng bởi: admin

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.net

truyện bách hợp
truyện sắc

Dtruyen.com đổi tên miền thành Dtruyen.net. Độc giả ghi nhớ để truy cập.

truyện bách hợp

Nhận xét của độc giả về truyện Bước Đường Cùng

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook