Cánh Cửa

Quyển 1 - Chương 17: SAU LƯNG

Chu Đức Đông

21/11/2015

Một người con gái tóc buông ngang vai đang đi đường đêm, sau lưng là một kẻ xấu bám theo từng bước. Sau một hồi rẽ ngang, rẽ dọc, người con gái tiến vào một đường hầm dưới lòng đất. Kẻ lạ mặt kia vẫn đuổi theo, bước chân mỗi lúc một gấp gáp. Khi chạy tới sau lưng cô gái, hắn thì thào: “Cướp đây! “

Người con gái dừng bước nhưng không ngoái đầu lại, chỉ từ từ vén mái tóc lên, để lộ ra khuôn mặt trắng toát… Nãy giờ cô gái đi giật lùi. Cô nói: “Hãy quay đầu lại và nhìn sau lưng!” Kẻ xấu hoảng hồn ngoái đầu lại, thấy một người con gái đang đứng sát sau lưng hắn tự bao giờ, mặt quay về hướng đằng sau, mái tóc tém buông rủ phất phơ.

Sau khi sửa xong lỗi bìa, cuốn sách mới cuối cùng cũng được xuất bản và tung ra thị trường.

Chuyện cái khung đen cũng chẳng có gì động trời nên cảnh sát không thể lập án điều tra. Mấy ngày đầu, đồng nghiệp công ty cũng hùa theo gã chửi đổng lỗi ngớ ngẩn của nhà in, nhưng lâu dần, chẳng còn ai nhắc đến chuyện đó nữa. Câu chuyện cứ dở sáng dở tối mà lắng xuống. Chỉ riêng gã nhà văn vẫn thi thoảng nhắc đến nó, khiến người khác cảm thấy quái đản.

Hôm đó, Mễ Gia lại hẹn gã tới quán trà cũ.

– Vụ khung đen trên cuốn Đã khuất xảy ra được non nửa tháng rồi, sao anh vẫn cứ nhay đi nhay lại vậy?

– Tôi luôn cho rằng đó không phải là sai sót của con người, mà có liên quan tới một tin nhắn ma mị bí ẩn.

– Tin nhắn gì?

– Hai mươi bốn ngày trước, tôi nhận được một tin nhắn trong đó bảo tôi tiến về phía trước 322 bước sẽ gặp một đứa trẻ. Đúng bước thứ 322, tôi gặp một đứa trẻ con đang cười hềnh hệch với mình thật…

– Chắc chắn có kẻ nào đó bày trò.

– Tôi từng nói với cô rồi còn gì, tôi có linh cảm mà…

– Vậy theo anh, tin nhắn đó là do Cố Phán Phán gửi?

– Đúng là cô ta!

– Nói như vậy thì công ty viễn thông trên trần với công ty viễn thông dưới âm lại nối sóng được với nhau chắc? – Mễ Gia ra vẻ mỉa mai.

– Cô còn nhớ lúc Cố Phán Phán chết, cô từng nói gì không?

– Quên rồi!

– Cô nói: “Thế giới vắng một con người, thêm một con ma…”

– Đúng!

– Tôi đang thấy thế giới như vắng một con ma, thêm một con người…

Mễ Gia không đáp. Cô là một người rất thực tế, chỉ sợ cảnh sát nắm thóp chứ chưa bao giờ biết sợ ma quỷ, nhưng câu cuối cùng của gã nhà văn cũng khiến cô thấy lành lạnh sống lưng.

Giờ đây, thế giới vắng một con ma, thêm một con người…

Cô nghĩ đi nghĩ lại câu nói đó trong đầu, đây là lần đầu tiên cô cảm nhận được thế nào là kinh dị.

Cảm giác kinh dị ấy như thể một luồng khí chậm rãi len lỏi vào trong dạ dày, từ từ phình to mỗi lúc một lớn dần…

Hôm đó, gã nhà văn thiếp đi mê mệt nguyên một ngày trời. Mãi đến lúc sắc trời nhập nhoạng, gã mới tỉnh dậy ăn tạm cái gì đó rồi uể oải đến công ty ghi hình.

Địa điểm ghi hình cho tiết mục nửa đêm kỳ này là một hành lang trên tầng bốn kho đạo cụ mượn được của xưởng làm phim.

Khi gã tới nơi, mấy người trong công ty đã dàn dựng trường quay đâu vào đấy. Cả đoàn vừa ăn xong bữa cơm ngoài cổng.

Do ánh sáng trong tòa nhà không được như ý muốn, họ đưa gã nhà văn tới một thẩm mĩ viện gần đó, mượn tạm chỗ để thợ trang điểm tô vẽ qua loa cho gã. Xong xuôi, nữ đạo diễn cho thợ trang điểm và hai người phụ việc về nhà trước.

Và rồi gã nhà văn, nữ đạo diễn cùng hai quay phim trở lại tòa nhà đạo cụ.

– Hôm nay thầy sẽ kế chuyện gì? – Lúc lên cầu thang, tay quay phim A hỏi gã. Bậc thang gỗ tối mò, chân người bước đến đâu, tiếng “cọt kẹt” vang lên tới đó.

– Chuyện về một vong hồn treo cổ. – Gã nhà văn nói.

– Tốt nhất là đừng có đáng sợ quá, chỗ này không như studio trên công ty, âm u chết đi được. – Nữ đạo diễn nói. Nghe là biết cô đang rất căng thẳng.

– Thầy mới viết à? – Tay quay phim B hỏi.

– Sao anh biết? – Gã nhà văn hỏi.

– Chẳng phải tháng trước có một nữ sinh thắt cổ tự tử ở thôn Huyền Quái còn gì? Chắc hẳn câu chuyện này đã gợi cảm hứng cho thầy. – Tay quay phim B đáp.

Nói đến đây, hai bàn chân gã đột nhiên díu lại, suýt nữa thì té nhào.

Cả đoàn cùng cúi xuống nhìn, nữ đạo diễn hét lên thất thanh khi thấy đó là một cánh tay trắng bềnh bệch bị cắt ngang, lộ ra mỏm đầu xương trơ khấc, vài tia máu còn đang ri rỉ, năm ngón khoằm lại như đang bò về phía trước.

Tay quay phim B bàng hoàng trong giây lát rồi cúi xuống nhặt vật đó lên, anh nhìn nó một lúc rồi nói:

– Hề hề, đồ giả thôi mà!

Tay quay phim A nói:

– Cái này là đạo cụ của xưởng phim, cứ mang lên đi, biết đâu lúc quay ta lại cần tới nó thì sao.

Gã nhà văn đột ngột thét lên:

– Vứt đi!

Gã kêu to đến độ tay quay phim B phải run lên lập cập vì thất kinh, anh luống cuống vứt nó xuống đất.

Gã nhà văn bước tới, nhặt nó lên và ném vụt khỏi cửa sổ cầu thang. Hình như nó không phải làm bằng nhựa, chạm tay vào có cảm giác như đang sờ vào da thịt. Hơn nữa, nó không quá nặng, cũng chẳng quá nhẹ mà nặng ngang ngửa với một cánh tay thật.

Tay quay phim A nói:

– Đây đang là kho đạo cụ, chưa biết chúng ta sẽ còn gặp phải những thứ gì đâu. Một cánh tay còn đỡ sợ chứ tự dưng ở đâu lại rơi ra nguyên cái đầu thì mới gọi là chết khiếp!

Tòa nhà này do bọn quỷ Nhật (1) xây nên từ thời xưa, mái trần cao cao hệt như một miếu đường, mùi mốc meo bốc ra thoang thoảng. Hễ đến tối sau khi hai nhân viên bảo vệ tan ca, nơi đây càng đượm vẻ im lìm, chết chóc.

Quỷ Nhật: Từ để người Trung Quốc gọi lính xâm lược Nhật trước kia.

Đã tới tầng bốn. Dãy hành lang mới dài và sâu hun hút. Cao cao trên xà nhà chỉ còn một chao đèn phát sáng, tất cả đèn khác đều đã hỏng.

Ngay chính giữa hành lang là một chiếc ghế sô pha màu nâu đậm đứng một mình đượm vẻ cô độc. Gã nhà văn sẽ ngồi lên chiếc ghế này để kể chuyện.

Hai chiếc đèn lớn rọi thẳng luồng sáng trắng nhờ lên chiếc sô pha. Nhìn về phía đằng sau, dãy hành lang tối tăm heo hút tựa như một đường hầm vô tận không biết đâu là lối ra.

Hai chiếc máy quay, một máy chính diện, một máy đặt ngang đã được chuẩn bị đâu vào đấy. Chiếc mi-crô được mắc trên cao, vươn xuống chỗ ghế sô pha.



Gã nhà văn bước tới, ngồi xuống ghế, xem lại bản thảo một lượt rồi nói:

– Bắt đầu được rồi đấy.

Chỉnh ống kính xong xuôi, thợ quay phim chính diện ra hiệu “ok” với gã. Nữ đạo diễn đứng sau lưng anh chăm chú quan sát.

Gã nhà văn hướng mắt về phía máy quay chính diện rồi thì thầm vào chuyện:

– “Có một nữ sinh đang theo học tại trường Đại học Tây Kinh. Cô vốn là người khép kín, xưa nay không thích giao thiệp với người ngoài. Trên đường, dù bắt gặp người quen cô cũng rất ít khi chào hỏi, lúc nào cũng thế, chỉ gằm mặt bước qua. Tối hôm đó, khi nhóm bạn đồng hương tụ tập trong ký túc xá thì cô lại ra ngoài. Cô đột nhiên biến hẳn thành một người khác, cô chào từ biệt từng người, từng người một cách ân cần…”

Chợt một tiếng “bộp” phát ra từ đằng sau. Gã nhà văn quay phắt lại nhìn nhưng chỉ thấy một màn đêm tăm tối, chắc có miếng vữa đâu đó vừa rơi xuống. Nữ đạo diễn hỏi:

– Thầy sao thế?

– À, không có gì, chúng ta tiếp tục. – Gã nhà văn đáp.

Thợ quay máy phụ ra hiệu “ok” với gã nhà văn. Gã quay về phía anh ta và tiếp tục câu chuyện:

– “Khi cô gái ra đi, tất cả mọi người đều thấy cử chỉ của cô thật lạ. Trông cô hào hứng, phấn khởi quá đỗi so vói thường ngày, ai nấy đều nghĩ chắc cô gái đang yêu và chuẩn bị ra ngoài hẹn hò. Không ngờ vào đêm hôm đó, vừa bước chân ra ngoài cô đã bị ai đó giết hại, mãi mãi chẳng còn quay về nữa…”

Lại một tiếng “bộp” phát ra sau lưng.

Gã nhà văn quay phắt lại nhìn, nhưng vẫn chẳng thấy gì hết.

Nữ đạo diễn lại hỏi:

– Rốt cuộc thầy bị làm sao thế?

– Mấy người không nghe thấy gì sao? – Gã nhà văn hỏi.

Nữ đạo diễn nhìn hai thợ quay phim và tỏ ra hoang mang:

– Hai người có nghe thấy không?

Tay quay phim A nhìn tay quay phim B và nói:

– Tôi không nghe thấy.

– Tôi cũng không thấy gì hết. – Tay quay phim B cũng đáp.

Nữ đạo diễn nói:

– Thầy này, hay chúng ta dừng lại ở đây đi. Ngày mai gọi thêm vài người nữa đến. Tôi thấy buổi tối hôm nay cứ bất thường làm sao ấy…

Tay quay phim A cười rồi nói:

– Mọi người cứ thần hồn nát thần tính. Tôi thấy cảnh thầy quay đầu lại nhìn và cả đoạn nói chuyện với chúng ta đều không cần cắt bỏ, thế này lại càng thêm sinh động, càng thêm kinh dị ấy chứ!

Gã nhà văn lắc đầu nguầy nguậy và bảo:

– Dạo này tình trạng của tôi không được tốt lắm, chắc tôi gặp ảo giác đấy. Làm lại đi.

Nói rồi câu chuyện lại được tiếp tục:

– “Cô gái ấy chết vì bị ai đó treo trên cây suốt cả một đêm dài đằng đẵng, mãi sáng sớm hôm sau mới có người phát hiện. Khi ấy, cơ thể của cô như đã dài ra gấp đôi bình thường. Trời không nổi gió, ấy vậy mà cái xác cứ chầm chậm quay vòng, chốc thì quay về hướng tây nam, lát lại quay về hướng đông bắc…”

Nói tói đây, gã đột nhiên hỏi:

– Mọi người có biết, cô gái ấy tên gọi là gì không?

Đứng từ góc của nữ đạo diễn, cô thấy gã nhà văn đang nhìn vào ống kính mà cứ như đang hỏi mình trực diện. Giữa cái nền u ám của bóng tối, khuôn mặt gã trông lại càng thêm nhờn nhợt.

Đột nhiên nữ đạo diễn trông thấy một vật đen thù lù ghé sát ngay thành sô pha đang từ từ nhô lên từ sau lưng gã nhà văn. Đó là cái đầu của một cô gái, mái tóc dài đen huyền buông rủ trên khuôn mặt, che kín toàn bộ mắt mũi, nhưng vẫn loáng thoáng lộ ra những vệt máu sẫm đen. Vòng quanh cổ cô là một sợi dây dài ủ ê rũ xuống. Cô gái không nói năng cũng chẳng hành động gì, chỉ lừ lữ ngoi lên, ngoi lên…

Nữ đạo diễn kinh hoàng thét lên, toàn thân cô tê nhũn ra rồi ngã vật xuống mặt đất. Hai người quay phim cũng trông thấy cô gái đó qua ống kính, họ ngẩng đầu lên cùng lúc, tiếng la hét thất kinh của ai vang lên:

– Đằng sau! – Thế rồi cả hai đều tức tốc vứt bỏ máy móc, quáng quàng lao ra phía cầu thang.

Gã nhà văn giương to đôi mắt, từ từ quay đầu…

Người con gái ấy đang đứng thẳng đơ ngay sát phía sau. Cô lững thững gập mình xuống như vừa phát hiện ra có thứ gì đó trên gáy gã nhà văn. Cánh tay cô chậm rãi vươn ra như muốn vén lọn tóc dài sau gáy gã lên.

Gã nhà văn như bị dùi chích bèn nhảy bật ra để tránh. Gã nhìn mái tóc dài vương kín gương mặt cô gái, từ từ lùi lại và cuối cùng cũng bám vào được thành cầu thang. Gã quay phắt người và chạy xuống cầu thang một cách điên cuồng.

Gã loạng quạng vùng chạy khỏi tòa nhà đạo cụ, thoạt trông thấy ánh đèn từ phía phòng bảo vệ, đôi bàn chân gã chợt trượt phải thứ gì đó khiến toàn cơ thể ngã lăn ra đất. Gã nheo mắt nhìn, hóa ra đó chính là nửa phần cánh tay vừa bị gã ném xuống ban nãy, năm ngón tay đều đưa về phía gã như đang toan bò lên…

Khi bỏ chạy tới cổng xưởng phim, mặt gã nhà văn cắt không còn giọt máu.

Trong phòng bảo vệ có một nhân viên đang trực ca, anh ta chạy ra ngoài và hỏi:

– Làm sao thế?

– Trong kho đạo cụ có ma! – Gã đáp.

– Hai người vừa chạy ra ban nãy đi cùng anh phải không? – Bảo vệ hỏi.

– Chắc vậy. – Gã đáp.

– Nào, tôi đi xem cùng anh. – Bảo vệ nói.

– Đừng đi! – Gã đáp.

– Nếu anh sợ thì tôi đi một mình vậy. – Bảo vệ nói.

Nói rồi anh ta đi một mình thật. Cánh cửa tòa nhà đạo cụ tối hun hút như một con ngươi đang tránh né nhìn người bảo vệ, mà cứ chăm chăm hướng thẳng về phía gã nhà văn. Gã nhà văn rút điện thoại và gọi cho Mễ Gia.

– Mễ Gia, chúng tôi vừa gặp ma!

– Có chuyện gì vậy?

– Lúc đang thu hình, Cố Phán Phán xuất hiện!

– Anh có chắc đó là cô ta không?



– Không thể nào mà nhầm được!

– Những người còn lại đâu?

– Hai quay phim chạy mất rồi, còn đạo diễn hãy còn hôn mê trong đó…

– Anh đang ở đâu?

– Tôi đang ở ngoài cổng xưởng phim.

– Tôi cho người tới liền đây.

Mười mấy phút sau, người bảo vệ đã dìu được nữ đạo diễn xuống. Cô ta đã tỉnh lại, nhưng khuôn mặt vẫn tái mét như người chết, chốc chốc lại nôn ọe.

Lúc đó, Mễ Gia cũng vừa có mặt cùng ba nhân viên. Cô vỗ về nữ đạo diễn vài lời rồi phái một nhân viên đưa về nhà.

Bốn người còn lại theo chân người bảo vệ tiến vào tòa nhà đạo cụ.

Trong lúc bước trên cầu thang, gã nhà văn hỏi người bảo vệ:

– Ban nãy khi lên anh trông thấy gì?

– Chỉ thấy một người phụ nữ nằm trên sàn nhà. – Bảo vệ nói.

– Anh có kiểm tra đằng sau sô pha không? – Gã nhà văn nghĩ ngợi một hồi rồi lại hỏi.

– Không! – Bảo vệ nói.

Lên tới tầng bốn, tất cả đều dừng bước tại chân cầu thang.

Chiếc đèn cô độc vẫn soi rọi giữa trần nhà nhưng dường như ánh sáng của nó đùng đục hơn ban nãy. Dãy hành lang lờ mờ tối không một bóng người. Chiếc ghế sô pha vẫn ở đó vô hồn giữa hành lang.

Mễ Gia nhìn gã nhà văn, gã nhà văn nhìn người bảo vệ.

Người bảo vệ rảo bước tới phía sau chiệc ghế, nhìn ngó một hồi rồi bảo:

– Không có gì cả.

Lúc đó tất cả mới dám bước tới. Mễ Gia kiểm tra chiếc máy quay phim rồi nói với gã nhà văn:

– Tất cả hãy còn đang ghi hình.

Chuyển máy quay về công ty, dọn dẹp xong xuôi thì cũng đã đến nửa đêm. Sau khi hai nhân viên rời đi, gã nhà văn xem chừng vẫn chưa định về nhà, gã ngồi trong văn phòng Mễ Gia và nói:

– Tôi như vừa trải qua một cơn ác mộng vậy…

Mễ Gia lặng thinh, tay đùa nghịch với chiếc bật lửa Zippo.

Gã nói tiếp:

– Thời gian ghi hình lâu như thế mà tôi không hề hay biết cô ta đứng ngay sau lưng…

Mễ Gia vẫn giữ im lặng, tay không rời khỏi chiếc bật lửa.

Gã nói:

– Chắc chắn cô ta sẽ còn bám theo chúng ta đến tận studio.

Mễ Gia chợt thu chiếc bật lửa lại rồi lên tiếng:

– Đi!

– Đi đâu? – Gã sững người.

– Studio! – Mễ Gia nói.

– Làm gì? – Gã hỏi.

– Từ đầu đến cuối hai chiếc máy quay đó không hề tắt, chúng đã ghi lại toàn bộ sự việc tại hiện trường. Ta hãy xem thử chuyện gì đã xảy ra sau khi các anh bỏ chạy? – Mễ Gia đáp.

Đúng thế, sau khi tất cả đã lao ra khỏi tòa nhà, người con gái tóc buông phơ phất ấy đã làm gì tiếp theo? Cuối cùng cô ta đã đi đâu? Đôi mắt gã nhà văn rực lên vẻ kinh hãi tột độ:

– Để mai đi! Chờ khi nào mọi người đều đi làm rồi cùng xem…

Mễ Gia lườm xéo gã và nói:

– Ma sợ kẻ ác hơn nó. Anh cứ thế này chả trách cô ta tìm tới!

Mễ Gia đi trước, gã bước theo sau. Hai người cùng tiến chân vào một studio. Để cách âm, bốn phía studio đều được xây kín như bưng nên trông lại càng chật hẹp, bầu không khí lại càng ngột ngạt muôn phần.

Mễ Gia rút băng ghi hình ra và hắt đầu chiếu lên màn ảnh. Khuôn mặt gã nhà văn nổi lên giữa dãy hành lang heo hút. Giọng kể trầm đục của gã khai mờ câu chuyện. Trong quá trình ghi hình, gã như nghe thấy tiếng gì đó nên quay lại nhìn những hai lần.

Sau ấy, gã hỏi: “Mọi người có biết, cô gái ấy tên gọi là gì không?

Thật ra gã cũng chẳng biết họ tên cô gái là gì vì đạo diễn đã dàn dựng như thế nhằm kéo dài cảm giác kinh hoàng tới tận những giây phút cuối cùng. Gã thì thầm đọc lên một cái tên, có lẽ là ba chữ “Cố Phán Phán” nhưng cố ý khiến khán giả không nghe rõ. Tiếp đó, gã nói: “Không nghe rõ sao? Vậy thì thôi. Nếu nghe rõ, các bạn sẽ càng kinh hãi hơn đó…” Và như vậy, câu chuyện sẽ để lại một góc khuất tăm tối mãi tồn hiện trong tâm trí khán giả.

Đúng lúc đó, người con gái ấy lẳng lặng nhô lên sau ghế sô pha… Xem đến đây, gã nhà văn hốt hoảng quay sang cầu cứu Mễ Gia, nhưng cô vẫn chăm chú dõi theo màn hình.

Trong thước phim, gã nhà văn nhảy phắt dậy và quàng chân lên cổ bỏ chạy để rồi trên màn ảnh chỉ còn lại dãy hành lang hun hút, chiếc ghế sô pha cô độc và cả người con gái kia nữa…

Tòa nhà đạo cụ chìm trong sự im lìm đến chết chóc.

Cô gái cứ trân trân đứng đó. Thước phim như thể bị dừng hình.

Cứ như thế, rất lâu, rất lâu sau, cuối cùng cô cũng rời khỏi chiếc ghế, lững thững bước tới sát màn hình, ánh mắt như đang nhìn thẳng vào Mễ Gia và gã nhà văn. Cô mặc chiếc váy lụa trắng, khẽ phiêu du trong gió nhẹ như vô hình.

Cuối cùng, cô dừng lại ngay trước ống kính, vén làn tóc dài buông rủ, để lộ ra gương mặt dầm dề máu. Cô ghé khuôn mặt ri rỉ máu ấy vào, mỗi lúc một gần cho đến khi choán hết toàn bộ ống kính rồi nói câu gì đó bằng giọng khàn khàn…

Gã nhà văn như tắm trong ớn lạnh, gã quá hoang mang nên chẳng nghe thấy gì hết. Mễ Gia cũng không nghe rõ, cô tua lại đoạn vừa rồi.

Một lần nữa, người con gái ấy bước gần tới ống kính rồi dừng lại. Lần này, cả hai đều nghe thấy rõ mồn một, giọng nói của cô ta thật kỳ quái, nghe như giọng đàn ông: “Đừng có nhắc đến tên ta…”

Nói rồi cô lững thững quay mình, vòng qua ghế sô pha, đi thẳng khỏi dãy hành lang heo hút và dần dần chìm hẳn trong bóng tối…

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.net

truyện trọng sinh
truyện sắc

Dtruyen.com đổi tên miền thành Dtruyen.net. Độc giả ghi nhớ để truy cập.

truyện bách hợp

Nhận xét của độc giả về truyện Cánh Cửa

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook