Chia Tay Tình Đầu

Chương 14: Ký ức đã qua

Lạc Tiểu Mỹ

24/01/2018

Em giống như một bông thương nhĩ, muốn theo anh đi đến chân trời góc biển, nhưng anh lại vứt bỏ em trong cái đêm tối năm mười sáu tuổi ấy, thế là, em không thể tìm thấy đường về nhà.

[20]

Những đêm không ngủ, Trang Nghị đều lật xem tư liệu của Hứa Noãn.

Đây là những tư liệu mà Mã Lộ đã giúp anh ta thu thập từ lâu lắm rồi, vào cái đêm mà lần đầu tiên anh ta gặp Hứa Noãn, anh ta cũng lật xem tư liệu của cô dưới ánh đèn mờ nhạt như thế này.

Những nỗi bi thương giằng xé ấy, trong đôi mắt lạnh lùng của Trang Nghị, phảng phất sự thương hại xót xa.

Khi Mã Lộ bước vào, anh ta gấp đống tư liệu dày cộp, ngẩng đầu và hỏi:

- Có thông tin gì chưa? Mã Lộ gật đầu nói:

- Đúng như anh dự đoán, vụ tai nạn này không phải là một sự cố. Nhưng chắc chắn anh không thể ngờ rằng, ai đã ra chỉ thị tạo ra vụ tai nạn này.

Khuôn mặt tuấn tú của Trang Nghị cuồn cuộn sát khí đáng sợ. Anh ta hỏi:

- Ai? Mã Lộ tiến lên trước, ghé sát vào tai anh ta. Anh ta ngạc nhiên, sau đó cười khẩy, như đang chế nhạo, nhưng không giấu được niềm thương xót.

Hứa Noãn thích ngồi bên Cẩn Thành, giãi bày tâm sự của mình, dù rằng rất nhiều lúc giống như đang tự nói một mình.

Cô hếch chiếc cằm nhọn, chau mày nói:

- Cháu không thích tên của mình, không thích chút nào! Mạnh Cẩn Thành nhìn cô chằm chằm và cười. Nguyễn Nguyễn nhìn Mạnh Cẩn Thành, nghiêm túc nói:

- Chắc chắn là chú muốn biết vì sao cháu không thích, đúng không?

Mạnh Cẩn Thành vẫn nhìn cô cười. Nguyễn Nguyễn kìm nén rất lâu, cuối cùng vẫn không nói cho Mạnh Cẩn Thành, đó là bởi vì Mạnh Cổ thường dùng vôi viết đầy những chữ nguệch ngoạc trên những bức tường từ nhà đến trường để chửi cô, ví dụ như Nguyễn Nguyễn là cục phân thối.

Từ tiểu học đến cấp hai, Mạnh Cổ luôn phấn đấu không biết mệt mỏi để đưa cái khái niệm “Nguyễn Nguyễn là cục phân thối” đi sâu vào lòng những người xung quanh qua văn hóa “tường làng nguệch ngoạc”.

Mạnh Cổ không thích cô, giống như cô không thích tên của mình vậy.

Từ năm sáu tuổi, trong tiết xuân se lạnh, khi bà Mạnh dẫn cô lúc ấy vẫn chỉ là một cô bé xanh xao vàng vọt về nhà nhận nuôi thì cô đã cảm nhận được ánh mắt thù địch mà Mạnh Cổ dành cho mình.

Mạnh Cổ không thích cô là do mẹ của anh ta xúi giục. Người phụ nữ trung niên hà khắc này dường như không hề cho rằng nhà mình còn có tiền dư dật để nhận nuôi đứa trẻ mồ côi này. Vì vậy, khi bà nội đưa Nguyễn Nguyễn đến trước mặt Mạnh Cổ và nói với anh ta rằng “đây là Nguyễn Nguyễn, sau này sẽ là thành viên của gia đình chúng ta” thì Mạnh Cổ đã trợn trừng mắt, vênh mặt lên, kiêu căng hấm hứ một tiếng: “Nguyễn Nguyễn, hứ, phân thối!”

Lần đầu tiên gặp mặt, cậu bé Mạnh Cổ chín tuổi đã gắn cái từ bẩn thỉu nhất này với cô bé Nguyễn Nguyễn sáu tuổi. Thậm chí khi bà nội mắng mỏ anh ta, anh ta vẫn còn vênh váo cãi cố: “Sao? “Nhuyễn Nhuyễn” chẳng phải là phân thì là gì? Ai bảo cô ta có cái tên đáng buồn nôn như thế?”

Lúc ấy, cô vẫn còn nhỏ, bị tê nhung thần ác nghiệt Mạnh Cổ làm cho sợ phát khóc. Cô không biết vì sao cậu bé xinh trai này lại không thích mình. Lần đầu tiên gặp mặt đã chửi cô là phân thối, lại còn nhổ nước bọt vào mặt cô.

Lúc ấy cô không dám căm hận Mạnh Cổ, chỉ có thể căm hận cái tên Nguyễn Nguyễn của mình.

Nhìn thấy Nguyễn Nguyễn bị ức hiếp, bà nội chỉ có thể thở dài, không nỡ đánh cháu nhưng không thể không làm ra vẻ, vừa định cầm roi đuổi đánh thì Mạnh Cổ liền chạy đến núp sau lưng chàng thiếu niên đang ngồi ngây người trong khu vườn cách đó không xa rồi hét lên, “chú út, cứu cháu với, cháu sắp chết rồi, bà nội đánh cháu”. Nhưng trên mặt lại hiện lên vẻ mãn nguyện vốn có của những cậu bé thích đùa dai.

Nhiều năm sau, Nguyễn Nguyễn vẫn nhớ hình ảnh ấy, hình ảnh cậu bé Mạnh Cổ chín tuổi đứng nấp sau chàng thiếu niên lớn tuổi kia. Sở dĩ cô nhớ sâu sắc đến như vậy, không phải vì Mạnh Cổ mà là vì chàng ngốc đang cười mà Mạnh Cổ gọi là chú.

Thì ra là người này. Sao lại có thể là người này. Trang Nghị từ từ nhắm mắt. Tất cả những chuyện có liên quan đến Hứa Noãn ập đến như nước thủy triều.

Những đêm ngồi một mình trước giường bệnh của cô, dường như anh đã chìm vào trong giấc mơ dài vô tận ấy.

Giấc mơ đầy ắp những nỗi đau khổ tột cùng.

[21]

Có phải là thiên đường không? Hay là một giấc mơ? Linh hồn của cô đang vùng vẫy, giống như bị mài dưới lưỡi dao, không nhìn thấy máu nhưng đau đớn tột cùng.

Những chuyện quá khứ trước mười sáu tuổi như bừng tỉnh trong từng tế bào ký ức của cô, trong từng lỗ chân lông của cô, trong mỗi lần cô thở...

Khoảnh khắc ấy, sinh mạng dường như bị xé một lỗ hổng, những chuyện đã qua trước mười sáu tuổi, mang theo mùi máu tanh và mùi hương của cỏ, táp vào mặt - quá khứ, hiện tại bị giằng xé.

Mạnh Cẩn Thành, Mạnh Cổ, làng Hoa Đào, thương nhĩ, Triệu Tiểu Hùng, và cô.

Những năm tháng ấy. Nỗi đau nghẹn ngào, quằn quại. Như Lạc Tiểu một Mỹ giấc mơ.

Giấc mơ đau đớn tột cùng. Trong giấc mơ cô mang tên Nguyễn Nguyễn.

[22]

Dường như đã là một thói quen, Nguyễn Nguyễn rất thích dựa đầu vào vai Mạnh Cẩn Thành dưới ánh nắng ấm áp của chiều tà.

Khuôn mặt đẹp như tranh vẽ. Nhiều năm sau, mỗi lần nhớ lại lần đầu tiên gặp Mạnh Cẩn Thành, Nguyễn Nguyễn lại nhớ đến sáu chữ ấy.

Chàng thiếu niên với khuôn mặt đẹp như tranh vẽ ấy, lắc lư cái đầu ngồi trên ghế băng, ánh mắt vô hồn mà ấm áp đến lạ thường, giống như đầy ắp gió xuân vậy. Nếu không phải vì miệng không ngừng chảy dãi thì có lẽ anh là một người hoàn mỹ, hoàn mỹ đến nỗi khiến người ta không dám nhìn thẳng. Khi bà nội dắt tay Nguyễn Nguyễn nước mắt đầm đìa đến trước mặt chàng thiếu niên ấy, anh ấy cười, đứng thẳng người, cố gắng giơ tay ra, vì dùng sức nên mặt hơi đỏ, lau nước bọt dính trên tóc Nguyễn Nguyễn.

Bàn tay mềm mại, đầu ngón tay lành lạnh. Sau đó, anh mở miệng nói, mép vẫn còn dính nước bọt, i i a a với cô, giống như đang an ủi vậy, giọng nói tuy bức thiết nhưng rất nhẹ, dường như sợ làm con nai nhỏ bé như cô khiếp sợ.

Chàng thiếu niên mà Mạnh Cổ gọi là “chú út” chính là Mạnh Cẩn Thành - lúc ấy, tất cả mọi người trong làng Hoa Đào đều nói Mạnh Cẩn Thành là một kẻ điên.

Sự ấm áp đầu tiên mà Nguyễn Nguyễn nhận được từ khi bước chân vào nhà họ Mạnh chính là đầu ngón tay lạnh buốt của Mạnh Cẩn Thành.



Lúc ấy cô bé sáu tuổi không hề biết rằng, sở dĩ cô được nhận nuôi là vì bà nội muốn nuôi một cô dâu nhỏ cho Mạnh Cẩn Thành. Cô cứ tưởng rằng bà nội nhận nuôi cô vì bà là một người tốt bụng.

Số phận của cô lận đận và ly kỳ. Cô biết được điều đó qua những lời nói xấu sau lưng của mẹ Mạnh Cổ và những người phụ nữ khác lúc buôn chuyện với nhau.

Mẹ cô là một cô gái trẻ, chưa chồng mà có con, lén lút sinh cô trong nhà vệ sinh của công trường. Nói ra thì mẹ của cô quả là lạ kỳ, sinh cô ở hố tiêu, có lẽ lúc ấy muốn dìm chết cô. Nhưng đáng tiếc là cảnh ấy đã bị một chàng trai nhìn trộm lấp sau lỗ hổng ở nhà vệ sinh nhìn thấy. Có lẽ là vì lòng tốt mà anh ta hét toáng lên, quên rằng mình đang nhìn trộm. Thế là rất nhiều người chạy đến, đào hố tiêu, cứu sống cô bé gần như bị chết chìm trong đó. Họ đã phải vỗ vào cơ thể mềm mại đỏ hỏn ấy đúng nửa tiếng mới nghe thấy tiếng khóc yếu ớt như mèo kêu của cô.

Có lẽ cái tên Nguyễn Nguyễn của cô bắt nguồn từ “Nhuyễn Nhuyễn” (mềm yếu), mềm yếu khuất phục trước số phận, không thể phản kháng.

Cuối cùng, người mẹ trẻ không giữ cô bên mình. Sự xuất hiện của cô là một sai lầm mà bà đã phạm phải khi còn non trẻ. Thế là, bà bán cô cho một cặp vợ chồng trung niên không có con với cái giá tám trăm tệ, giống như trút đi một gánh nặng vậy.

Có lẽ, cho dù cặp vợ chồng trung niên ấy không trả tiền thì người mẹ trẻ chắc cũng sẽ vứt con đi. Một người đã muốn dìm chết con mình ngay từ lúc nó còn đỏ hòn thì có gì là không thể đây?

Tên của cô là Nguyễn Nguyễn nhưng sinh mạng thì lại rất cứng, cứng như bông thương nhĩ bên đường vậy.

Hồi năm tuổi, mẹ nuôi chết đuối. Không lâu sau, bố nuôi lấy vợ mới, sống yên ổn ba năm, không ngờ bố nuôi lại chết vì tai nạn năm cô sáu tuổi. Thế là bà mẹ kế trẻ tuổi bán cô cho kẻ buôn người Triệu Lão Thất còn mình thì “ung dung” tái giá. Triệu Lão Thất vốn định bán cô đến làng quê Tứ Xuyên, làm con dâu nuôi từ nhỏ cho một lão góa vợ, nhưng trên đường đến trạm xe khách liên tỉnh thì lão ta bị một chiếc xe tải đâm vỡ sọ, chết ngay tại chỗ.

Vậy là Nguyễn Nguyễn được bà nội của Mạnh Cổ nhận nuôi. Nguyễn Nguyễn vẫn còn nhớ, lúc ấy mặt cô, người cô còn dính đầy máu của Triệu Lão Thất. Cô run lập cập trong đám người vây quanh. Một bàn tay nhăn nheo kéo lấy cô, bàn tay không to nhưng hiền lành, phúc hậu giống như ánh mắt của người ấy vậy. Sự đô nhậu ấy giống như đom đóm ấm áp trong bóng đêm, khiến cô xúc động đến nỗi ôm chầm lấy người bà hiền từ ấy, òa khóc nức nở.

Số phận tròng trành như vậy đấy. Tròng trành đến nỗi khiến cô không biết phải làm thế nào, không biết phải chống đỡ ra sao. Tròng trành đến nỗi lúc nào cô cũng muốn mò mẫm trong bóng tối một bàn tay như thế, một bàn tay vĩnh viễn không bao giờ buông tay cô.

[24]

Mẹ của Mạnh Cổ là Mã Liên rất không vui với chuyện hôn sự mà mẹ chồng đã “rấm” trước cho chú út ngốc nghếch Mạnh Cẩn Thành. Trong mắt bà ta, Mạnh Cẩn Thành vốn đã là một cái nợ, một cái nợ mà không lâu sau sẽ chết đi cùng với mẹ chồng. Nhưng bây giờ lại thêm một cái miệng. Hơn nữa sau này, con bé tên là Nguyễn Nguyễn lớn lên, lấy chú út, không biết chừng lại còn sinh con đẻ cái, lại còn phân gia sản của mình.

Tuy rằng số gia sản này rất ít ỏi nhưng nó nên thuộc về con trai Mạnh Cổ của bà ta mới đúng.

Nếu không phải vì Mạnh Cổ thì bà ta đã sớm tái giá sau khi chồng chết rồi, cũng sẽ không khổ sở chịu đựng sự giày vò bên cạnh một bà mẹ chồng ở góa, một đứa con nhỏ dại và một chú út bị bệnh đao.

Vì vậy, bà ta lúc nào cũng xúi giục Mạnh Cổ ức hiếp Nguyễn Nguyễn.

Hồi ấy, Nguyễn Nguyễn thường chơi nhảy dây trong vườn. Một đầu dây chun buộc vào cây hồng, một đầu buộc vào chân của chú ngốc Mạnh Cẩn Thành. Lúc ấy Nguyễn Nguyễn cảm thấy rất vui...

- Nhảy nhảy cái đầu mẹ mày ý! - Mỗi lúc như vậy, Mã Liên sẽ chạy trong nhà ra ngoài vườn, nói bóng nói gió, lúc thì đồ con riêng, lúc lại đồ con hoang. - Còn Mạnh Cổ thì chạy ra phía sau Nguyễn Nguyễn, châm lửa đốt tóc cô, nhìn cô ôm đầu chạy khắp vườn mà hả hê cười khoái trí.

Sau đó, anh ta còn hớn hở chạy lại cắt sợi dây chun yêu quý của cô, vừa cắt vừa cười ha hả, còn Nguyễn Nguyễn chỉ có thể đứng sau Mạnh Cẩn Thành lau nước mắt.

Mỗi lần nhìn mái tóc đen nhánh của Mạnh Cẩn Thành qua lớp nước mắt nhạt nhòa, Nguyễn Nguyễn lại nghĩ, chú Mạnh Cẩn Thành, nếu chú không phải là một người ngốc thì chú có ôm cháu rời khỏi nơi này, vĩnh viễn không để người khác ức hiếp cháu không?

Có lẽ vì ban đầu nụ cười của Mạnh Cổ quá gian ác, đến nỗi mà sau này xem phim hoạt hình “Xì trum”, mỗi lần nhìn thấy gã phù thủy Gar gamel, Nguyễn Nguyễn lại nhớ đến hình ảnh của Mạnh Cổ lúc cắt dây chun của mình.

Anh ta cũng đã từng đi tiểu vào bát của Nguyễn Nguyễn, sau đó nhìn cô ăn cơm bằng chiếc bát đó, anh ta nằm bò ra bàn, cười ha hả như một kẻ tiểu nhân vừa thực hiện được ý đồ xấu xa của mình. Kết quả là suýt nữa thì chết vì sặc cơm.

Đợi đến khi ho ra được rồi, nhìn thấy cô đang nhếch mép cười thầm thì anh ta ném thẳng chiếc bát ăn cơm vào mặt cô... Năm ấy, cô bảy tuổi. Cậu bé Mạnh Cổ mười tuổi đã để lại vết thương trên thái dương của cô. Vết sẹo đáng sợ ấy hung hăng “nhe nanh giơ vuốt” ở thái dương bên trái. Vì thế mà sau này, cô thường để tóc mái để che đi vết sẹo ấy. Trước mười sáu tuổi, che đi là vì muốn đẹp, con gái đều thích làm đẹp. Sau năm mười sáu tuổi, che đi là vì muốn quên, xóa đi dấu vết mà cậu bé tên là Mạnh Cổ đã để lại trên người mình.

Anh ta còn làm những gì nữa? À, đúng rồi. Anh ta còn đẩy cô xuống giếng khi cô đang múc nước. Năm ấy, cô chín tuổi. Khi những người trong làng vớt cô lên, trông cô giống như một con gấu bông ngấm nước, hôn mê không biết gì.

Mạnh Cẩn Thành ở bên cạnh cô, lo lắng kêu ôa, lắc lắc cánh tay nhỏ bé của cô. Mọi người xung quanh mặc dù rất lo lắng nhưng vẫn không quên trêu anh: “Nhìn cậu ngốc này kìa, cũng biết thương vợ cơ đấy!”

Khoảnh khắc ấy, cậu bé Mạnh Cổ mười hai tuổi đột nhiên có cảm giác muốn khóc. Anh ta rất sợ, sợ cô sẽ chết đi như vậy. Anh ta đã quen ức hiếp cô, quen đánh cô, quen chửi cô là con hoang, chửi cô là phân thối, quen giật tóc cô, nhìn thấy dáng vẻ đau đớn của cô, sau đó cười hả hê khoái chí... Đột nhiên anh ta nghĩ, nếu không có con bé tên là Nguyễn Nguyễn này thì anh ta sẽ viết câu “Nguyễn Nguyễn là phân thối” trên tường cho ai xem đây?

Bản chất anh ta không phải là người xấu. Trong máu anh ta có thứ gì đó rất lương thiện, giống như Mạnh Cẩn Thành vậy. Chỉ vì mẹ anh ta nói rằng, Nguyễn Nguyễn là đồ xấu xa. Vì vậy, anh ta căm ghét “đồ xấu xa” này như bản năng vậy, muốn đuổi “đồ xấu xa” ra khỏi nhà, không để nó làm hại mẹ, hại bà nội, hại chú út.

Sau vài hồi vật lên vật xuống, cuối cùng Nguyễn Nguyễn đã được cứu sống.

Khi tỉnh dậy, cô nhìn thấy một cái đầu nhỏ nằm nghiêng trên giường, mơ màng nằm ngủ bên cạnh người mình. Đó là Mạnh Cổ, lúc ngủ, anh ta còn chảy nhớt nhãi, dính đầy lên tay cô. Cô căm ghét và lo sợ rụt tay lại. Đúng là khắc tinh, ngay cả lúc ngủ anh ta cũng không quên phun nước bọt lên người mình.

Chú ngốc Mạnh Cẩn Thành ngồi trên chiếc ghế cách đó không xa, ngửa đầu ngủ rất say.

Đừng tưởng rằng từ đó thế giới hòa bình. Sau khi Nguyễn Nguyễn bình phục, Mạnh Cổ vẫn ức hiếp cô như xưa. Nhìn thấy đôi lông mày nhỏ xinh của cô co rúm lại, anh ta cảm thấy vui hơn bao giờ hết. Tuy anh ta đã không còn hung hăng như trước nữa nhưng đối với Nguyễn Nguyễn nhút nhát, anh ta vẫn là một kẻ đáng sợ.

Đến một ngày. Hôm ấy, Nguyễn Nguyễn đang nhảy dây. Chú ngốc Mạnh Cẩn Thành và cây hồng trong vườn trung thành với “nhiệm vụ” của mình. Mạnh Cổ sau khi tan học về lẻn ra vườn, rón ra rón rén đi tới, bất ngờ cho một nhát kéo vào sợi dây chun đang buộc rất căng. Dây chun đứt, cuốn bay cát bụi dưới đất, co rúm lại, đập thẳng vào mắt Nguyễn Nguyễn. Khoảnh khắc ấy, thế giới chìm trong tối tăm.

Năm ấy, Nguyễn Nguyễn mười hai tuổi, Mạnh Cổ mười lăm tuổi.

Vậy là, Nguyễn Nguyễn lại sống trong bóng tối, giống như ngày cô chào đời, muốn đón lấy ánh sáng ấm áp của trần gian, nhưng chưa kịp mở mắt thì đã bị ném vào bóng tối.

Trong bóng tối, có tiếng thở dài của bà nội, có tiếng gọi i i a a của Mạnh Cẩn Thành... dường như còn có tiếng nhịp thở của Mạnh Cổ, cái ngực nhỏ bé đang phập phồng, phập phồng. Không có ai trách mắng anh ta. Bà nội không nỡ, mẹ anh ta vui mừng còn chẳng kịp nữa là, chú ngốc Mạnh Cẩn Thành thì chỉ biết cười ngờ nghệch, không bao giờ biết trách mắng. Nhưng Mạnh Cổ vẫn cảm thấy trong mắt có một chất dịch gì đó đang run rẩy, khiến anh ta thấy sống mũi cay cay.

Mẹ của Mạnh Cổ là người rời khỏi phòng trước tiên. Trước khi đi, bà ta vẫn không quên nói lời cay nghiệt: “Thật đúng là duyên trời định, một kẻ điên, một kẻ mù.”

Mù. Trong bóng tối, cái chữ đáng sợ ấy giống như mũi gai đâm vào tim Nguyễn Nguyễn. Cơ thể nhỏ bé của cô run rẩy. Bà nội thấy vậy, khẽ thở dài một tiếng, dường như an ủi Nguyễn Nguyễn và cũng là an ủi chính mình. Bà nói, không sao, không đi học, mù hay không, không sao cả.

Câu nói “không sao cả” của bà nội khiến Nguyễn Nguyễn thấy sợ, lẽ nào mình mù thật sao? Không thể nhìn thấy khuôn mặt đẹp như tranh vẽ của Mạnh Cẩn Thành, không thể nhìn thấy bà nội hiền từ, cũng không thể nhìn thấy tên Mạnh Cổ khiến người ta căm hận... Khoảnh khắc ấy, nước mắt rơi xuống lã chã, thấm ướt cả miếng băng bó trên mắt.

Bà nội ôm cô vào lòng và nói:

- Nguyễn Nguyễn, đừng khóc, bà có thể nuôi được Cẩn Thành thì cũng có thể nuôi được cháu.

Đúng lúc ấy Mã Liên vào phòng giục Mạnh Cổ về phòng làm bài tập, nghe thấy lời bà nội nói, không kìm được cười lạnh lùng rồi nói: “Cảm động quá, quả là tấm lòng nhân hậu bao la! Mù rồi chẳng phải đúng với ý bà sao, không còn phải lo con chim bồ câu chưa chín này sẽ bay đi nữa.” - Nói xong bà ta lôi Mạnh Cổ xềnh xệch và nói: “Đứng ngây ra đấy làm gì? Còn không về phòng làm bài tập sao?”



Mạnh Cổ sống chết không chịu về phòng, bà ta vừa lôi cậu vừa đập tay vào đầu cậu và nói:

- Mày đúng là đồ ngu, ở đây với một lũ người sắp vào quan tài rồi làm gì? Áá... - Nói đến đấy, bà ta kêu toáng lên, vả một cái thật mạnh vào mặt Mạnh Cổ và nói:

- Mày điên à? Cắn tao làm gì? Mày cũng giống cái đứa con hoang kia, mù rồi đúng không?

Mạnh Cổ ôm mặt, mắt đỏ lừ, trợn mắt lườm mẹ và nói:

- Cô ấy sẽ không mù. Mẹ Mạnh Cổ nghiến răng nghiến lợi véo tai cậu, lôi ra ngoài, vừa đi vừa nói:

- Mày đúng là thằng ngu, có phải vợ mày đâu, mù hay không không liên quan đến con mẹ mày. Đi về nhà làm bài tập ngay cho tao.

Vậy là tối hôm ấy, Mạnh Cổ bị mẹ lôi về phòng của mình. Còn Nguyễn Nguyễn thì ở trong phòng của bà nội, một mình trải qua một đêm không ngủ.

Mọi thứ trước mắt tối đen. Cô không thể nhìn thấy gì, trong khi đó, bên ngoài cửa sổ, ánh trăng lung linh lặng lẽ xuyên qua tán lá, chiếu rọi vào khuôn mặt trắng như sứ của cô.

Mạnh Cẩn Thành ở bên cô, “i i a a” suốt cả buổi tối, dường như muốn nói với cô bé này rằng, đừng sợ, có chú út đây.

Đêm tối trăng sáng lung linh ấy, Mạnh Cổ đã khóc suốt đêm nhưng không ai biết.

Cũng không ai biết rằng mới sáng sớm, cậu bé tên là Mạnh Cổ ấy đã cắp cặp sách đi ra khỏi nhà mà không thèm ăn sáng. Cậu ra công ra sức xóa những dòng chữ “Nguyễn Nguyễn là phân thối” mà mình đã dùng vôi viết trên đường đến trường. Nhưng cậu cố gắng thế nào cũng không thể xóa đi được, không thể che đi được. Cho dù bàn tay nhỏ bé của cậu có bị bức tường sần sùi cào rách... Có những thứ không thể xóa đi được, như những chữ mà anh ta đã để lại trên tường, như vết sẹo mà anh ta đã để lại trên trán Nguyễn Nguyễn.

Sau đó, cậu dựa người vào góc tường, ôm cặp sách, òa khóc nức nở: “Cô ấy không thể nhìn được nữa rồi.” Vậy thì những chữ này viết cho ai nhìn? Nhìn ai ấm ức đến phát khóc, nhìn ai xấu hổ đến nỗi không biết làm thế nào, đuổi ai chạy khắp vườn, nhìn ai nấp sau lưng chú út Mạnh Cẩn Thành ngốc nghếch? Đã sáu năm nay, mình ra sức viết những dòng chữ ấy lên tường.

Sáu năm, chuyện mà anh ta kiên trì nhất e là ức hiếp một cô bé tên là Nguyễn Nguyễn, kiên trì không biết mệt mỏi. Từ năm cô sáu tuổi, đến tận năm cô mười hai tuổi.

Sau khi bị thương, đêm nào Nguyễn Nguyễn cũng mơ thấy ác mộng. Trong giấc mộng, có một giọng nói ấm áp và trầm lắng của một người đàn ông khẽ gọi tên cô: Nguyễn Nguyễn, Nguyễn Nguyễn, tiếng gọi như xa vời nhưng lại nghe rất rõ. Cô chạy theo tiếng gọi ấy như bị trúng tà vậy. Cô cứ chạy, chạy và chạy, không thể dừng lại được. Tóc rũ ra, giày cũng mất, nhưng bước chân vẫn không thể dừng lại được. Trước mặt là vách sâu thăm thẳm. Cô không thể thở được, vô cùng sợ hãi, nhưng điều duy nhất cô có thể làm là gào khóc thảm thiết.

Không có một bàn tay! Không có một cái ôm! Ôm lấy cô, ôm chặt lấy cô trước khi cô rơi xuống vách núi! Trong cuộc đời này, nơi nào có thể cho cô một vòng tay, cho cô một nơi yên tĩnh? Không còn có nước mắt, không còn sợ hãi, không có những cái lườm đáng sợ, không còn lời trách mắng... Cô nghĩ cũng không cần những chiếc kẹp tóc xinh xắn trên đầu những cô bé khác, cũng không cần những sợi dây chuyền trên cổ của họ, cô chỉ cần một vòng tay.

Nhưng cuối cùng vẫn là vách sâu hun hút. Cô rơi xuống. Những giọt nước mắt hoảng sợ trong giấc mơ trào ra, thấm ướt miếng băng trên mắt, khiến mắt cô đau nhói: “A” - cô kêu lên một tiếng, giật mình tỉnh dậy sau cơn ác mộng hãi hùng. Cô nằm trên giường, thở hổn hển, người đầm đìa mồ hôi.

Nhưng vẫn là bóng tối không bờ bến. “Nguyễn... Nguyễn... đừng... đừng... sợ!” Trong bóng tối, có một bàn tay ấm áp, khẽ đặt lên đôi vai nhỏ bé của cô. Giọng nói ấy rất khó khăn, không có một sắc thái tình cảm, dường như chỉ được ghép lại từ vài âm tiết đơn giản. Nhưng nếu mấy âm tiết ấy được phát ra từ miệng chú ngốc Mạnh Cẩn Thành thì tất cả lại là một sự biến đổi kỳ diệu. Nguyễn Nguyễn vẫn chưa kịp đáp lời thì bà nội đứng ngoài cửa đã hét lên vì quá đỗi vui mừng: “Cẩn Thành, Cẩn Thành, con đang nói đấy à?”

Nguyễn Nguyễn không nhìn thấy, nhưng cô có thể cảm nhận được niềm vui và bất ngờ của bà nội. Hình như bà đã chạy đến trước mặt chú Mạnh Cẩn Thành, nắm lấy tay chú và hỏi, dường như có giọt nước mắt vui mừng chảy xuống gò má nhăn nheo của bà nội hiền từ.

Kỳ lạ là dù bà nội có hỏi như thế nào thì Mạnh Cẩn Thành cũng không đáp lời. Chỉ kêu i i a a. Dường như câu nói “Nguyễn... Nguyễn... đừng... đừng... sợ!” ấy không phải do chú nói mà là giọng nói của một thần thánh nào đó.

Hôm sau, khi tan học về, Mạnh Cổ mang mấy chiếc kẹo vào phòng bà nội tìm Nguyễn Nguyễn. Anh ta vội vàng bóc vỏ, nhét kẹo vào miệng Nguyễn Nguyễn khi mà cô không hề có sự chuẩn bị.

Sự “tấn công” bất ngờ này khiến Nguyễn Nguyễn giật mình khẽ hét một tiếng. Nhưng tiếng hét vẫn còn tắc nghẹn ở cổ thì lưỡi đã cảm nhận được vị ngọt, hơn nữa cũng ngửi thấy hương bạc hà đặc biệt.

Mạnh Cổ hỏi Nguyễn Nguyễn:

- Kẹo ngon không? Nguyễn Nguyễn gật đầu, lè lưỡi với Mạnh Cổ nhưng vẫn khẽ chau lông mày vì mắt còn nhức. Cô lặng lẽ cầm lấy mấy chiếc kẹo của Mạnh Cổ. Bàn tay nhỏ bé khẽ xoay xoay trong túi, cẩn thận đếm từng viên kẹo, trong lòng cảm thấy rất vui mừng - những bảy viên kẹo liền!

Đột nhiên, cô nhớ lại “tiếng gọi” của Mạnh Cẩn Thành đêm qua, liền hỏi Mạnh Cổ:

- Chú út Cẩn Thành bị như thế từ nhỏ sao? Mạnh Cổ vừa lắc đầu, chưa kịp trả lời thì đã bị Mã Liên xông vào phòng như một cơn gió, xách tai cậu lôi về.

Mã Liên nói:

- Mạnh Cổ, mỗi ngày đi học về mày không chạy vào thăm cái đứa con hoang chết giẫm này thì ngứa ruột không chịu được à? Tao thấy nóng lòng nóng ruột như thế, hay là mày đầu thai sang kiếp khác đi.

[25]

Sau này, Mạnh Cổ nói với Nguyễn Nguyễn:

- Trước đây chú út là người bình thường, về sau đột nhiên bị điên.

Nói đến đây, Mạnh Cổ nghiêm mặt nhìn Nguyễn Nguyễn, chần chừ một lúc rất lâu rồi mới chậm rãi nói:

- Chú út... là lưu manh. Nói xong hai chữ ấy, mặt Mạnh Cổ đỏ bừng lên. Lúc ấy, hai chữ “lưu manh” vô cùng nghiêm trọng, chửi một người là lưu manh thì chẳng khác nào xử tội chết. Hơn nữa, hai cô bé cậu bé chưa hiểu chuyện lắm mà nói đến hai chữ này thì vấn đề quả thật nghiêm trọng.

Nguyễn Nguyễn há hốc mồm, sau đó lắc đầu, ra công ra sức lắc đầu và nói:

- Sao chú út Cẩn Thành có thể là lưu manh được? Không thể nào.

Mặt Mạnh Cổ đỏ như gấc chín, anh ta cũng lo lắng và nói:

- Tôi cũng không tin, nhưng khi còn đi học, rất nhiều người nói chú ấy như thế...

Giọng nói của Mạnh Cổ thấp dần, thấp dần, rõ ràng là có một số chuyện anh ta không thể nói với Nguyễn Nguyễn. Những năm mà cậu còn đi học, gần như ngày nào trên đường đến trường và tan học về, cũng có người chỉ trỏ sau lưng cậu và nói:

- Nhìn kìa, kia chính là cháu của thằng lưu mạnh Mạnh Cẩn Thành!

- Mạnh Cẩn Thành? Không phải là thằng điên ấy sao? - Đúng vậy. May mà bị điên, nếu không thì không biết sẽ lưu manh như thế nào. Nghe nói, cái đứa đấy mười mấy tuổi rồi...

- Hả? Thật không thể tưởng tượng được. - Chả thế? Anh trai nó bị nó làm cho ức chết. - Thế thì nó bị điên cũng đáng. - Nhìn thằng cháu kia kìa, chẳng khác nào thằng lưu manh hồi nhỏ cả. Thằng lưu manh ấy cũng đẹp trai, đáng tiếc là nửa đời trước là lưu manh, nửa đời sau là thằng điên! Đáng tiếc, đáng tiếc!

- Ai dà, chị nói xem, có phải thằng cháu cũng giống thằng chú, không chịu học hành, sau này cũng trở thành lưu manh!

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.net

truyện bách hợp
truyện ngôn tình

Dtruyen.com đổi tên miền thành Dtruyen.net. Độc giả ghi nhớ để truy cập.

truyện bách hợp

Nhận xét của độc giả về truyện Chia Tay Tình Đầu

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook