Cho Anh Nhìn Về Em Tập 2

Chương 4: Hảo sát phi minh

Tân Di Ổ

12/06/2013

Thế giới của Cát Niên luôn chỉ có mình cô, Vu Vũ là người thường qua lại gần gũi nhất, nhưng trước sau chưa từng gõ cửa bước vào. Giờ trái lại, Cát Niên cảm thấy như anh đang ở đây, anh đã quay lại, bầu bạn cùng cô và con, chỉ là cô không trông thấy.

.

Tên của Phi Minh là do Cát Niên đặt, lấy từ câu ngạn ngữ cổ “Hảo sát phi minh, năng sát năng bất sát chi vị minh; tất thắng phi dũng, năng thắng năng bất thắng chi vị dũng” (1). Trước đây rất lâu, Cát Niên từng lấy câu nói này để khuyên bảo một chàng thanh niên xanh xao mặt mày ủ dột, trên thực tế, cô cũng luôn lấy đó làm châm ngôn nhân sinh cho mình, bớt nóng nảy, bớt hiếu thắng, an phận thủ thường, tránh sinh hồ đồ. Về sau cô nghĩ đi nghĩ lại, thực ra những lời này vốn không phải là những điều một người thông minh thường làm, có chăng phần lớn chỉ là sự tự an ủi của những kẻ yếu thế. Cát Niên luôn cho rằng mình là loại người nhát gan này, và cũng chính vì nhát gan mà có nhiều chuyện có lẽ không cần biết rõ vẫn tốt hơn.

(1). Dễ quan sát không hẳn là rõ ràng, vừa quan sát được vừa không quan sát được mới gọi là rõ ràng; chắc thắng không hẳn dũng, có thể thắng có thể không mới gọi là dũng.

Mặt trái của đen là trắng ư? Mặt trái của yêu là hận ư? Mặt trái của cái chết lẽ nào là sự sống? Nói ra cũng chỉ là một mớ hỗn loạn. Việc đầu tiên Cát Niên làm sau khi ra tù là toàn tâm toàn ý dốc sức đi tìm nơi Vu Vũ được an tang, đây từng là hy vọng duy nhất chống đỡ cho cô trong những tháng ngày đen tối đằng đẵng, là động lực để cô sắm vai một phạm nhân mẫu mực, được ra sớm ngày nào cô có thể trở lại bên anh ngày đó, cho dù anh giờ đã bị vùi sâu dưới lòng đất. Cô cũng không rõ gặp lại anh như thế rốt cuộc có ý nghĩa gì, nhưng điều này thực sự đã giúp cô vượt qua nỗi giày vò phía trong những dãy tường cao.

Ngày cô ra tù là một ngày mưa, các bạn tù và quản giáo thân quen đều tức cảnh chúc phúc cho cô: mưa có thể gột sạch mọi bụi bẩn ô uế trước đây, sẵn sàng cho một cuộc sống mới. Nhưng khi Cát Niên mặc bộ quần áo cũ hồi mới vào tù, cũng chính là bộ quần áo cuối cùng bà Thái Nhất Lâm gửi cho cô, chậm rãi bước qua cánh cổng sắt loang lổ vệt gỉ sét, bên ngoài không một bóng người, ngoại trừ màn mưa dày kịt nối liền trời với đất. Cô không biết đâu là đường, cũng chỉ có thể trách nước mưa che kín mắt cô.

Cô không thể về nhà được rồi, bố mẹ từ lâu đã không nhận một đứa con gái như cô. Trên thế gian này người duy nhất còn khiến cô vương vấn lại đang an giấc ngàn thu ở một nơi nào đó đợi cô tới thăm. Cát Niên nắm chặt tờ giấy chứng nhận ra tù cùng 262 nhân dân tệ tiền đổi công điểm, cô không tìm được chuyến xe buýt nào trở về thành phố, đành hết lần này đến lần khác giơ tay xin quá giang những chiếc taxi thỉnh thoảng chạy qua. Từng chiếc xe xé gió lướt qua cô, nước mưa từ đỉnh đầu theo mái tóc ngắn ròng ròng chảy xuống. Cô nghĩ ngợi hồi lâu cũng dần cảm thấy hoang đường, có tài xế nào muốn dừng xe chở một cô gái ướt lướt thướt từ đầu đến chân trước cổng nhà tù cơ chứ?

Trong đất trời rộng lớn vô hạn, rộng lớn đến thê lương, một con người lại không có nổi chốn dung thân.

Đúng lúc ấy, Cát Niên nhìn thấy một cô gái cầm ô bước nhanh lại dưới mưa.

Là Bình Phượng. Cô mặc một chiếc váy liền màu đỏ rực như ngọn lửa cháy trong mưa, trán lấm tấm mồ hôi, thản nhiên nói: “Mình đến muộn, cái thằng cha cuối cùng, cứ y như đánh tiết gà, mẹ nó chứ…”

Những lời thô lỗ này được thốt ra một cách lưu loát từ khuôn miệng xinh xắn của Bình Phượng, Cát Niên ngây người giây lát, cảm nhận hơi thở ấm áp của những thứ rất đỗi thế tục.

Quãng thời gian sau đó, Cát Niên tạm ở trong căn phòng trọ chật hẹp bừa bộn của Bình Phượng. Bình Phượng ta tù trước Cát Niên nửa năm, không ngoài dự liệu lại tiếp tục mưu sinh bằng nghề cũ. Cô luôn rất bận, chẳng thời gian đâu tâm sự cùng Cát Niên. Khi đó Cát Niên cũng đang chạy khắp nơi tìm việc, số tiền hạn hẹp mang theo nhanh chóng chẳng còn dư lại mấy đồng, cô biết, nếu không có Bình Phượng, cô không thể sống qua nổi những ngày này. Ngoại trừ những lúc rảnh rỗi thu dọn phòng trọ bừa như chuồng lợn của Bình Phượng cho ngăn nắp gọn gàng, Cát Niên chẳng thể làm gì thêm.

Bình Phượng còn trẻ, xinh đẹp lại biết cách ăn diện, xét trong nghề cũng thuộc top đầu, làm ăn rất khá, buổi tối thường không ở nhà, vì Cát Niên, cô không bao giờ mang “khách” về phòng trọ. Dưới sự giúp đỡ của Bình Phượng, Cát Niên dốc sức dò hỏi nơi chôn cất Vu Vũ, chạy đi không ít nơi, nhìn không ít khuôn mặt, cuối cùng cũng được toại nguyện.

Về cơ bản cũng khớp với những gì Trần Khiết Khiết, nghe ngóng được, do không có ai đến nhận, Vu Vũ được chính phủ an tang tại ngoại ô, không như các phạm nhân đã chết khác bị đưa tới phòng thí nghiệm Viện Y học, theo Cát Niên thấy thế đã là quá đỗi may mắn. Dựa theo lời chỉ dẫn đại khái của một người biết chuyện, Cát Niên mù mờ lần tới nơi thê lương đó. Vì đường xa, khi Cát Niên tới nơi cũng đã xế chiều, cô đứng lặng hồi lâu trước đụn cỏ dại, những tia nắng chiều cuối cùng rọi thẳng khiến cô gần như không mở nổi mắt. Một lúc lâu, trong cô chỉ là một mớ hỗn độn, không phân biệt nổi trước mắt rốt cuộc là thực hay hư, từ một nơi xa xôi cùa thành phố đến một nơi xa xôi khác, từ một xó xỉnh bị người đời quên lãng đến một xó xỉnh khác, đây là cuộc đời của Vu Vũ hay sao? Người im lìm nằm bên dưới kia thực sự là anh sao?

Cát Niên đứng đến khi hai chân tê dại mới chịu rời đi theo lời thúc giục của Bình Phượng. Trước khi rời đi, cô đờ đẫn đem “chiếc lá tỳ bà đẹp nhất” Vu Vũ tặng cho cô năm lớp Mười một chôn sâu trong đất. Anh đã từng nói, lựu và tỳ bà chính là Vu Vũ và Cát Niên, vậy thì hãy để lại chút kỷ vật quen thuộc này bầu bạn cùng người đang yên nghỉ.

Lạ lùng ở chỗ, trong cả quá trình này, Cát Niên không rơi lấy một giọt nước mắt, không chỉ Bình Phượng lo cô kìm nén quá mà sinh bệnh, đến cô cũng từng cho rằng vào chính giây phút này mình sẽ ngã khuỵu, nhưng không, không một chút nào. Cô thậm chí quên mất phải gào khóc trong đau khổ, chỉ cảm thấy mờ mịt xa lạ, tựa như tê dại vô cảm hoàn thành một nghi thức đã mong muốn thực hiện bấy lâu. Phải chăng sự xa cách vĩnh cửu cùng nỗi cô độc bao năm sau dãy tường cao ngút đã mài mòn dần nỗi nhớ khắc sâu tận xương tủy?

Bình Phượng cùng Cát Niên quay trở ra, vừa đi vừa nhai kẹo cao su, ánh mắt không giấu nỗi lo lắng. Sự bình tĩnh mặc nhiên của Cát Niên khiến cô có chút sởn tóc gáy. Ra khỏi nghĩa trang, cô vừa thở phào nhẹ nhõm thì Cát Niên nãy giờ vẫn đi bên cạnh cô lại đột nhiên dừng lại.

Cát Niên như không nghe thấy tiếng Bình Phượng gọi đằng sau, chạy thẳng lại phía mộ Vu Vũ, cúi gập người lấy tay ra sức cào bới đám đất hãy còn tơi xốp. Bình Phượng kinh hãi, sợ Cát Niên làm chuyện gì kinh động, nhưng Cát Niên chỉ bới ra chiếc lá ố vàng vừa chôn dưới đất không lâu.

“Cậu sao thế?” Bình Phượng lay Cát Niên hỏi.

Cát Niên nhặt chiếc lá lên, bất ngờ quay sang cười với Bình Phượng, cô nói: “Mình ngốc thật, sao Vu Vũ có thể ở đây cơ chứ.”

Đúng thế, sao Vu Vũ có thể ở đây được? Bộ xương khô cô quạnh dưới lớp đất kia làm sao có thể là Tiểu hòa thượng của Cát Niên. Anh được chôn cũng tốt, được hỏa táng cũng không sao, kể cả có bị giải phẫu thành trăm mảnh trong phòng thí nghiệm thì cũng có sao, đó không phải là anh mà chỉ là cái thể xác bị bỏ lại.

“Nhưng rõ ràng họ nói… vậy thì anh ấy ở đâu?”

Cát Niên cười không nói, kéo Bình Phượng rời đi.

Cô không nói vì sợ Bình Phượng nghĩ cô điên. Nhưng cô biết mình rất tỉnh táo, kể từ khi mở to mắt nhìn Vu Vũ khuỵu xuống trước mặt mình, cô chưa bao giờ tỉnh táo như lúc này.

Tiểu hòa thượng của cô chưa chết, anh vẫn luôn ở đây, chỉ là anh đang ở một nơi không nhìn thấy được dõi theo cô, cũng như ngày cô rời nhà bác, anh đứng dưới gốc cây lựu nhìn theo Cát Niên rời xa. Anh không nói không rằng, không gặp cô, có lẽ chẳng qua là chợp mắt một lát, rồi sẽ có một ngày anh mở mắt, quay người lại nhìn cô cười rạng rỡ.

Tâm sự trong lòng đã giải quyết xong, hiện thực bày ra trước mắt, muốn tiếp tục sinh tồn cần nhanh chóng kiếm một công việc mưu sinh. Dù muốn hay không muốn thừa nhận, khoảng thời gian ba năm ở trong tù thực sự là trở ngại đối với Cát Niên trong việc kiếm miếng cơm manh áo, dù cô có không bận tâm nhưng cũng không thể nói nó không tồn tại. Hiện nay người đi tìm việc nhiều như lá mùa thu, đơn vị tuyển dụng nào lại không muốn chọn người có thân thế trong sạch.

Trong lúc tuyệt vọng nhất, một người biết chấp nhận số phận như Cát Niên cũng kiệt sức sau bao lần thất vọng mà trầm cảm suốt một thời gian dài. Suy cho cùng cô không phải là người may mắn ngã xuống vựa sâu học được võ công tuyệt thế trong thế giới ảo tưởng, ngược lại chỉ là một người hết sức bình thường, hoàn toàn không có gì cả.

Bình Phượng về lúc trời đã sáng, chẳng buồn cởi giày đặt lưng nằm xuống cạnh Cát Niên, cô biết người nằm bên cô không ngủ được.

“Hay là…”



“Không, Bình Phượng, không…”

Trước khi Bình Phượng do dự thốt ra lời đề nghị ấy, Cát Niên dứt khoát cự tuyệt, cô hoảng hốt nhận ra không phải mình đứng đắn tôn nghiêm gì mà cô sợ biết bao bản thân có thể bị dao động.

Bình Phượng im lặng hồi lâu rồi cười nhạt một tiếng.

“Cũng đúng, cậu đương nhiên sẽ nói không, cậu sao có thể giống mình. Mình bẩn, cậu sạch, mình không nên đẩy cậu xuống vũng bùn.”

Cát Niên không phải không nghe ra giọng mỉa mai trong câu nói của Bình Phượng, cô nghiêng người quay lại.

“Bẩn, sạch? Mình với cậu thì có gì khác nhau, chúng ta đều không trong sạch bằng bọn họ. Bình Phượng, chỉ là mình nghĩ, nhất định sẽ có một lựa chọn khác, nhất định có.” Cô muốn câu nói của mình nghe có phần chắc chắn, nói với Bình Phượng, cũng là nói với chính cô, “Bình Phượng, chúng ta có lẽ còn có một con đường khác.”

“Thật ư? Mình buồn ngủ rồi…”

Bình Phượng không nói thêm gì, dường như đã dần dần thiếp ngủ. Cát Niên cũng im lặng nhắm mắt, nhưng trong đầu cả hai người đều vương vấn cùng một câu hỏi.

Một lựa chọn khác, một con đường khác, có thể có không?

Có lẽ là có, “con đường” này đối với những người đã quen với quốc lộ rộng rãi thênh thang thì chẳng đáng nhắc tới, nhưng nhìn từ góc độ những người cần chúng, lại đủ để dẫn tới một chân trời mới. Cũng nhờ biểu hiện tốt mấy năm trong tù, một giám thị phụ trách trại giam nữ gián tiếp biết được cảnh ngộ của Cát Niên sau khi ra tù đã ra mặt giúp đỡ, cuối cùng tìm được cho Cát Niên công việc tạp vụ ở một viện phúc lợi trong thành phố, lương mỗi tháng tuy không nhiều nhưng cũng đủ để duy trì cuộc sống. Cát Niên trong lòng vô cùng cảm kích, đương nhiên sẽ dốc hết tâm sức chăm chỉ làm việc.

Viện phúc lợi là nơi người ta được chăm sóc, cũng là nơi người ta bị bỏ rơi. Ở đây có cả người già không nơi nương tựa lẫn trẻ em mồ côi, Cát Niên phối hợp giúp đỡ nhân viên trong viện, hàng ngày quét dọn vệ sinh, giặt giũ chăn ga, bận bận rộn rộn, cũng chẳng ai quá quan tâm tới quá khứ của cô. Chỉ là cô sợ ánh mắt của những người già lúc lâm chung, càng sợ những đứa trẻ bị bỏ rơi đi rồi lại quay lại. Mỗi lần nhìn thấy những bóng dáng nhỏ bé ấy, cô đều bất giác nhớ đến những gì Trần Khiết Khiết nói, đứa con cô ta vĩnh viễn không bao giờ gặp lại.

Nhưng sự xếp đặt của số mệnh tự nó có sự kỳ diệu riêng mình. Một buổi chiều khi Cát Niên đã làm việc ở Viện Phúc lợi thành phố được hơn nửa năm, đang lau nền hành lang cô bỗng vô tình nghe được y tá trong viện nói chuyện với một người hảo tâm bên ngoài về một đứa trẻ đáng thương. Đó là một đứa bé gái, ba tuổi, nghe nói không rõ bố mẹ, mới sinh ra đã được nhận nuôi. Khi đứa bé được tầm hai tuổi, bố mẹ nuôi trong lúc bón cơm bỗng thấy mặt mũi đứa bé tím ngắt, tay chân có biểu hiện co giật, ban đầu còn tưởng rằng do ăn phải thức ăn lạ mà bị ngộ độc, sau khi đưa đến bệnh viện mới được chẩn đoán mắc bệnh động kinh bẩm sinh. Bố mẹ nuôi sau khi biết tin hết sức bàng hoàng, đưa đứa bé đi khắp các bệnh viện chữa trị, nhưng đều được thông báo đến nay vẫn chưa có phương pháp chữa trị tận gốc. Tuy căn bệnh này không thường xuyên phát tác, nhưng chỉ cần nó vẫn còn tồn tại một ngày thì cũng giống như quả bom hẹn giờ có thể phát nổ bất cứ lúc nào. Do hoàn cảnh gia đình cũng không khá giả gì, bố mẹ nuôi sau khi đắn đo suy nghĩ chỉ còn biết bỏ cuộc, dù không đành lòng nhưng vẫn phải đem cô bé gửi lại vào Viện Phúc lợi. Sau này cũng có vài cặp vợ chồng có ý định nhận đứa bé về nuôi nhưng vừa nghe tới căn bệnh này đã lặng lẽ rút lui.

Cát Niên cũng không rõ buổi chiều hôm đó cô đã lau đi lau lại đoạn hành lang ấy bao nhiêu lần, từ đầu này đến đầu kia rồi lại lặp lại từ đầu. Cho đến khi Viện trưởng đi qua, tốt bụng nhắc cô một câu: “Tiểu Tạ, nền hành lang đã sáng đến mức soi gương được rồi.” Cô dừng lại, lúc đó mới thấy mệt rã rời.

Một bé gái ba tuổi, mắc bệnh động kinh, bị bỏ rơi.

Cát Niên tự nói với bản thân, hơn nửa năm nay ở Viện Phúc lợi, không phải đã thấy quá đủ những hoàn cảnh đáng thương rồi hay sao, chuyện này thì có liên quan gì đến mình? Nhưng vừa buông cây chổi lau nhà xuống, không hiểu sao cô vẫn đi thẳng tới phòng sinh hoạt buổi chiều của bọn trẻ như bị ma nhập.

Lúc đó vừa đúng có một cặp vợ chồng muốn nhận con nuôi đang ở trong phòng, nhân viên trong viện gọi tất cả các em đã biết đi tới tập hợp thành một hình bán nguyệt cùng hát một bài hát thiếu nhi, đợi để được chọn. Không một ai chỉ hay ra dấu cho Cát Niên, cô chỉ đứng từ xa đã nhìn thấy đứa bé đó, cô bé nhỏ nhất dàn đồng ca, tóc thưa thớt, gầy gò ốm yếu, nếu không nhờ vào màu sắc quần áo trên người thì gần như không thể phân biệt nổi là trai hay gái. Cô bé vỗ tay cùng hát với những đứa trẻ khác, thỉnh thoảng lại nhầm nhịp, trong mắt là khoảng trống vô hồn thường thấy ở những đứa trẻ nơi đây.

Cặp vợ chồng trẻ cuối cùng chọn một đứa bé vừa tám tháng tuổi, trẻ em ở giai đoạn này vẫn chưa có quá nhiều ký ức, dễ dàng xây đắp tình cảm. Những đứa trẻ không được chọn lần lượt tản ra, vài đứa cùng chơi đuổi bắt, lại có những đứa tự chơi một mình.

Cát Niên kéo một chị nhân viên phụ trách trông bọn trẻ lại, do dự chỉ đứa bé hỏi: “Chị Vương, kia chính là đứa trẻ động… động kinh bị gửi lại phải không?”

Người phụ nữ được gọi là chị Vương gật đầu, giọng xót xa, “Cũng thật là đáng thương, hơn ba tuổi mà cứ nhìn như đứa bé lên hai, lại là con gái.”

Cát Niên không biết mình đã đi tới bên đứa bé như thế nào, cô bé ngồi trên một chiếc ghế gỗ, không nói năng gì, chỉ mở to hai mắt nhìn chằm chằm vào người bên cạnh.

Cánh tay Cát Niên đưa ra run rẩy, cô một lần nữa tự thuyết phục mình né tránh việc chạm trán như thế này, cũng như ngày xưa cô một mình đẩy chiếc xe đạp cũ nát vui vẻ chạy nhảy trong gió, lẽ ra không nên quay đầu lại, tuyệt đối không được quay đầu lại, nếu như hôm đó cô không nhìn thấy nụ cười tươi sáng của Vu Vũ, không có sự bắt đầu ấy, sẽ không có kết cục này.

Cho đến hôm nay, những con sóng lớn ít nhiều cũng dần yên bình trở lại, cô đã không còn hàng đêm mơ thấy bàn tay mình đẫm máu chậm chạp xòe ra, không thể nắm được gì, chỉ có đường chỉ tay cô độc.

Là đứa bé này ư? Đây chính là đứa bé đã thay đổi số phận nửa cuộc đời cô mà cô chưa từng biết mặt?

Cát Niên đặt tay lên mái tóc tơ ấy, đứa bé vẫn chỉ nhìn cô, không động đậy. Ánh mắt xa lạ.

Cát Niên đưa tay xuống, đặt ngang trước mặt, che kín cặp mắt đứa bé, đôi môi mỏng này cuối cùng cũng có chút quen thuộc, dường như cũng chính đôi môi này đã nói: Dù có đi đâu, tớ cũng sẽ nhớ tạm biệt cậu. Tạm biệt, tạm biệt, chính là hình ảnh ẩn hiện trước mắt ấy?

Cát Niên cắn chặt răng, nước mắt cũng có sức mạnh của nó, rơi xuống nặng trĩu. Những giọt nước mắt này như dòng nhựa sống rơi xuống mặt đất nứt nẻ khô cằn, trong nháy mắt đã nuốt trọn, đánh thức những ký ức khô héo từ lâu, nỗi thống khổ khó nói thành lời không thể che đậy tiếp được nữa. Cát Niên ngồi thụp xuống trước mặt đứa bé còn chưa hiểu chuyện, đau khổ khóc không thành tiếng, trước nay cô chưa từng mau nước mắt như thế này, giả như tất cả đều là sự thật, đứa bé này, một nửa là kiếp nạn của cô, một nửa lại là linh hồn của cô.

Đứa bé cảm thấy kỳ lạ, nghiêng nghiêng đầu tránh bàn tay Cát Niên đang che trước mắt.

“Cô ơi, để cháu hát cho cô nghe.”

Rõ ràng nó đã hiểu nhầm. Cũng như mọi đứa trẻ khác ở đây, con bé luôn hy vọng có người xuất hiện dẫn nó đi. Những ngày này, nó đã gặp nhiều người lớn đến nhận con nuôi, các cô trong viện nói, chỉ cần bọn nó đủ ngoan là sẽ có bố mẹ mới. Con bé đã cố gắng ngoan nhất có thể, nhưng vẫn chưa có ai chọn nó. Con bé vẫn cho rằng cô đang ngồi trước mặt nó cũng là một người đến nhận nuôi, vụng về muốn biểu diễn cho cô xem.

Cát Niên lắc đầu.



“Cô ơi, cô có thể dẫn cháu đi được không?”

Những đứa trẻ trong Viện Phúc lợi, dù được ăn no mặc ấm, nhưng đây tuyệt đối không phải căn phòng hoa tươi đẹp, vì vậy không đứa trẻ nào lại không muốn rời khỏi đây.

Cát Niên nghe vậy kinh ngạc sực tỉnh. Cô là người tin vào số mệnh, nhưng ai có thể đảm bảo đứa bé này chắc chắn là cốt nhục của Vu Vũ? Trên đời này không biết có bao nhiêu những đứa trẻ bị động kinh, hơn nữa, sao có thể khẳng định con anh nhất định cũng bị di truyền căn bệnh bất hạnh ấy, rồi cơ duyên trùng hợp lại được số mệnh đưa đến bên cô? Hoàn cảnh cô bây giờ, lấy gì để chăm sóc một đứa trẻ? Cứ cho đây thực sự là con gái của Vu Vũ thì trong người đứa trẻ này cũng vẫn có một nửa là dòng máu cô không muốn gần gũi nhất, mẹ đẻ con bé còn không muốn tìm lại con, vì sao cô phải nhận lấy gánh nặng này? Không, cô đã gánh thay bọn họ quá nhiều rồi, người khác làm bậy, dựa vào cái gì bắt cô phải trả giá kia chứ?

“Được không hả cô?” Bàn tay mềm mại của đứa bé khẽ chạm vào giọt nước mắt lăn trên má Cát Niên.

Cát Niên co lại như chạm phải điện, lập tức đứng dậy bỏ đi.

“Không, không được.”

Cả đêm hôm đó, khuôn mặt Vu Vũ, khuôn mặt Trần Khiết Khiết, cả khuôn mặt của Hàn Thuật cứ hiện đi hiện lại trong đầu cô, chập lại thành khuôn mặt của đứa trẻ, lúc thì giống đứa bé ban sáng, lúc thì giống Vu Vũ, lúc lại có vài phần giống cô; lúc là yêu nghiệt xấu xa, lúc lại là một vũng máu… cô muốn hét lớn, muốn khua tay điên loạn trong cơn mơ, nhưng không thể chạm nổi bất cứ thứ gì.

Cô hổn hển tỉnh lại, mồ hôi đầm đìa, kinh hãi. Bình Phượng không về, màn đêm đen bao dung mà cô liêu. Cát Niên ôm chăn ngồi dậy, quệt quệt trán, hơi thở cũng dần bình thường trở lại, một lúc lâu sau, cô lôi từ dưới gối ra tờ báo cũ tháng trước.

Tờ báo do Bình Phượng lấy từ chỗ khách hàng về, phía góc phải có một tin ảnh nhỏ - “Họa sĩ tranh sơn dầu nổi tiếng làm việc tại Anh - Tạ Tư Niên sắp tới sẽ tổ chức triển lãm cá nhân tại quê hương.” Trong tù, Cát Niên từng có lần nhắc với Bình Phượng về người anh họ nội này của mình. Bình Phượng là một người có tâm.

“Sao không tới tìm anh ta? Anh ta là họ hàng của cậu, lại có tiền, không biết chừng có thể moi được chút tiền.” Bình Phượng từng hỏi vậy.

Khi đó Cát Niên đã tìm được công việc trong Viện Phúc lợi, thu nhập tuy không cao nhưng cuộc sống cũng từng bước ổn định, vì vậy cô lắc đầu. Anh Tư Niên trở về, cô rất vui, nhưng không đi gặp, vừa là không dám lại vừa là không muốn. Hồi bé, anh Tư Niên thường nói cô là một cô bé có khí chất, cô không muốn người con gái bị cuộc sống mài mòn đến tầm thường, thậm chí có một quá khứ xấu hổ này làm hỏng ký ức của anh họ. Hãy cứ để cho cô em họ bé nhỏ trong ký ức của anh mãi mãi là cô bé lanh trí tinh quái đó. Hơn nữa, cái cô cần là một cuộc sống an bình, điều này anh họ không giúp nổi cô.

Nhưng giờ thì khác, kể từ giây phút nhìn thấy đứa bé ấy, quỹ đạo cuộc đời cô chắc chắn đã thay đổi. Cô biết, cô không thể coi đứa trẻ ấy không tồn tại, không thể để con bé cô quạnh trong Viện Phúc lợi. Không vì sao cả, chỉ là nếu như có thể thì cô đã không còn là Tạ Cát Niên ngày hôm nay.

Năm ngày sau, trong phòng triển lãm của mình, Tạ Tư Niên gặp một cô gái trẻ dáng vẻ rụt rè khuôn miệng khẽ cười – và còn cả một thiên thần nhỏ tí hon khép nép thò đầu ra phía sau cô.

Đến nay Cát Niên vẫn còn không hết cảm kích Tư Niên, từ trước tới nay anh là người cho cô nhiều sự giúp đỡ thiết thực nhất lại hoàn toàn không mong báo đáp. Cha mẹ Cát Niên từ lâu đã cắt đứt liên hệ với Tạ Tư Niên, bản thân Cát Niên cũng nhiều năm nay không gặp lại anh. Nhưng Tạ Tư Niên đã nhanh chóng giúp đỡ Cát Niên giải quyết ổn thỏa mọi việc, thậm chí còn hơn cả mong đợi của cô.

Cát Niên chưa kết hôn, không thể nhận con nuôi một cách hợp pháp, ngoài ra, trong thâm tâm cô cũng không muốn đứa trẻ này gọi cô là mẹ. Tạ Tư Niên nói anh đã kết hôn với người anh yêu, tuy rằng người ấy giờ đang lâm bệnh nặng nhưng điều này cũng không ảnh hưởng gì tới việc hai người nhận con nuôi. Với danh tiếng và tài nghệ của Tạ Tư Niên, các thủ tục nhận nuôi được tiến hành rất thuận lợi, đứa bé cũng nhanh chóng được đổi thành họ Tạ.

Ngoài ra, sau khi biết hoàn cảnh của cô, Tạ Tư Niên dễ dàng mua lại từ hai người bác đang làm ăn ở phía Bắc của Cát Niên căn nhà nhỏ họ được thừa kế, cũng chính là căn nhà Lâm Hằng Quý cướp từ tay Vu Vũ, lấy đây làm nơi ổn định cuộc sống cho Cát Niên và đứa trẻ. Sắp xếp xong xuôi mọi chuyện, anh cũng không ở lại lâu.

Cứ như vậy, Cát Niên lại cùng đứa bé trở về nơi Vu Vũ đã sinh ra và lớn lên. Cát Niên nói với Phi Minh, Tạ Tư Niên vốn là cha đẻ của cô bé, trước đây không cẩn thận mà cha con thất lạc, giờ cuối cùng đã tìm lại được nhưng do bận công việc đành nhờ Cát Niên là cô ruột trông nom thay.

Phi Minh lúc đó vẫn còn quá nhỏ, chưa biết phân biệt nhiều chuyện, đương nhiên cũng không hề nghi ngờ. Cuộc sống an bình dễ dàng phủ lấp những ký ức đau buồn, hơn nữa những ký ức trước ba tuổi vốn rất mơ hồ, chẳng bao lâu sau Phi Minh đã dần dần quên đi cặp bố mẹ nuôi trước đó và cuộc sống ở Viện Phúc lợi.

Để tránh điều tiếng, Cát Niên cũng xin thôi việc ở Viện Phúc lợi. Nhờ kỹ năng may vá thành thạo học được trong tù, cô xin vào làm việc tại cửa hàng đồ vải nghệ thuật như hiện nay. Cuộc đời từ đó dường như lật sang một trang mới. Cát Niên từng có lần khuyên Bình Phượng mau chóng thoát thân khỏi cái nghề này, giờ là lúc cô báo đáp Bình Phượng, Bình Phượng có thể chuyển qua sống cùng cô và Phi Minh. Nhưng trước lời đề nghị này Bình Phượng chỉ cười phó mặc. Cô nói: “Kiếp này của mình đã thế rồi. Cậu cũng đừng nhắc đến chuyện báo đáp mình, cậu nợ mình chỉ là mấy tháng tiền nhà, còn mình nợ cậu cả cái mạng này, cậu cứ sống cho tốt đi.”

Đúng vậy, sống cho tốt. Cát Niên nắm tay Phi Minh đứng trong mảnh sân trải đầy lá tỳ bà, những chuyện trước đây vụt qua như ánh chớp ảo ảnh, như một giấc mộng Nam Kha (2), mặt nước gợn sóng giờ trở lại yên tĩnh như tấm gương cổ phủ lớp bụi mờ, dường như chưa có gì từng xảy ra, cô đã ở đây từ trước tới nay, đã luôn ở đây. Chỉ có cây tỳ bà năm xưa Vu Vũ tự tay trồng đã khác xưa. Ngắm cây tỳ bà, Cát Niên rất dễ nhớ lại một câu văn của Quy Hữu Quang (3):

“Nhà có cây tỳ bà, tự tay trồng năm vợ tôi mất, giờ đã um tùm xanh tốt.”

(2). Thành ngữ “Giấc mộng Nam Kha”, được dùng để hình dung cõi mộng hoặc một mơ ước không thể thực hiện được của một người nào đó.

(3). Quy Hữu Quang (1506 – 1571) một viên quan và cũng là một tác gia tản văn thời nhà Minh.

Hoàn cảnh này, nỗi thê lương ẩn sau giọng bình tĩnh, giờ cô đã có thể hiểu được.

Nhưng cô đâu cần thê lương. Bình Phượng từng mắng cô ngốc, nhận nuôi một đứa trẻ chẳng có quan hệ huyết thống, hơn nữa, đứa trẻ này liệu có phải cốt nhục của người xưa hay không còn chưa chắc chắn, trên đời làm gì có chuyện trùng hợp như thế, có lẽ cái gọi là trực giác chẳng qua chỉ là sự nhầm lẫn của Cát Niên. Cát Niên không phản bác, có thể Bình Phượng đúng. Vì vậy cô đặt tên cho đứa bé là Phi Minh. Hiểu quá rõ chưa hẳn đã là hạnh phúc. Cô chọn cách nghe theo trái tim mình.

Gió thổi qua bức tường thấp bao quanh khu vườn làm bóng cây đung đưa, nghe nói cây tỳ bà này đã kết trái. Thế giới của Cát Niên luôn chỉ có mình cô, Vu Vũ là người thường qua lại gần gũi nhất, nhưng trước sau chưa từng gõ cửa bước vào. Giờ trái lại, Cát Niên cảm thấy như anh đang ở đây, anh đã quay lại, bầu bạn cùng cô và con, chỉ có điều cô không trông thấy.

Cát Niên xòe bàn tay, chiếc lá Vu Vũ tặng cô bị gió thổi tới gốc cây. Thế giới của cô chưa từng viên mãn như thế này.

Cô nhìn về phía góc tường trống không mỉm cười, với tay đóng cổng.

.

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.net

Ngôn Tình Sắc
đấu phá thương khung

Dtruyen.com đổi tên miền thành Dtruyen.net. Độc giả ghi nhớ để truy cập.

truyện full

Nhận xét của độc giả về truyện Cho Anh Nhìn Về Em Tập 2

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook