Chúng Tôi Đã Thay Đổi Như Thế Đấy

Chương 3: gặp mặt

Maldives

19/12/2013

Thứ 2 – Tháng 8: Đêm qua trời mưa lớn, thời tiết đột nhiên chuyển lạnh. Mọi vật có chút thời gian nghỉ ngơi, tận hưởng sau những ngày nắng gắt.

6h30’ sáng, Diệp Anh trằn trọc bởi một vài ý tưởng dở dang cho bối cảnh mở đầu kịch bản. Ngoài trời, thời tiết có vẻ rất dễ chịu. Khu nhà, đường phố đều tĩnh lặng. Mang theo máy tính xách tay, khoác vội chiếc sơmi dài tay, cô vòng qua lối phụ để xuống sân sau. Chút mát mẻ, trong lành và không gian thoáng đãng có thể giúp cô bớt vội vã và gắt gỏng với chính mình.

Cô ngồi ở góc sân, tận hưởng tiếng nhạc sacxophone tuyệt vời, bài The moment (Kenny G) ưa thích. Tưởng tưởng, cảm nhận và lưu giữ, cô cố gắn kết lại các ý tưởng rời rạc, các cảm xúc không liền mạch ồ ạt tới trong suốt hai tuần qua để có được một nội dung cụ thể. Khi bắt đầu ghi thành lời những dòng đầu tiên của kịch bản, đột nhiên, Diệp Anh cảm thấy lành lạnh phía sau gáy. Từ từ quay đầu nhìn lại, mọi ý tưởng đều bay biến, tiếng nhạc cũng tắt ngấm từ lâu. Cách cô vài bước, một con chó khổng lồ đang nằm trên hai chân trước, nhìn cô chằm chặp. Một con quỷ bốn chân với hai mắt lồi, mõm dài và cái đuôi cáo. Nó như đang chờ từ cô một động tĩnh, một dấu hiệu kích động để xông tới, găm những chiếc răng nhọn hoắt vào bắp đùi đang dần tê cứng của cô.

Cô nhớ tới lời khuyên của một nhân vật làm nghề huấn luyện chó trong một tác phẩm từng đọc: “Phải khẳng định với mọi con vật đang đe doạ đến ta, ta mới là con người, là người làm chủ.”

Diệp Anh gập vội chiếc máy tính xách tay, ôm sát ngực, liếc nhìn nút thắt dây giầy kĩ càng rồi từ từ đứng dậy. Con chó vẫn nằm im, bĩnh tĩnh trước cuộc đuổi bắt mà vẻ tự tin của nó đã khẳng định ai sẽ là kẻ chiến thắng.

- Này, nhóc, mày nhìn gì? Nếu mày muốn, tao sẽ nhường cái sân rộng rãi này cho mày, chó ạ.

Khi các cơ trên thân thể cô đã căng tới mức tối đa thì một tiếng nói khá trầm vang lên.

- Tính theo tuổi người thì nó đã là một người đàn ông thực thụ chứ không phải nhóc đâu.

Một người đàn ông lạ mặt bước ra từ lối đi phụ. Một người mà Diệp Anh chắc rằng trước đây, chưa từng nhìn thấy ở khu nhà này nhưng có điều gì đó ở anh ta khiến cô cảm thấy rất quen. Bốn bước chân để tới đứng đối diện với cô. Quá cao để đưa ra một số đo chính xác.

Khải Hưng tháo bỏ đôi găng tay dính đầy bùn đất, đập mạnh rồi dắt vào túi quần sau, trông như một người làm vườn thực thụ.

- Chó của anh hả? Nó ngồi đấy, nhìn tôi chòng chọc. Có gì làm nó kích động sao?

Khải Hưng ngọ nguậy ngón trỏ, gọi to:

- Bobby!

Tức thì, con chó chạy tới, nằm im dưới chân chủ.

- Cô làm quen đi. Tên nó là Bob!

Diệp Anh nhướn một bên lông mày, cố cười theo cách tự nhiên nhất. Lần đầu tiên, cô được yêu cầu làm quen với sinh vật mà cô sẵn sàng bò nếu phải thoát thân. Cô cúi xuống nhìn đôi mắt lồi của nó. Bàn tay từ từ chạm nhẹ đám lông màu xám trên đỉnh đầu nó. Mìm cười rồi nói: “Chào!”. Nó nhanh nhẹ liếm tay cô rồi lùi ra sau chủ, như để đáp lại.

Khải Hưng phì cười.

- Nó muốn làm quen với cô đấy. Nhưng theo cách từ tốn.

- Nhưng trông nó…

- Rất khiếp phải không? Hàng xóm của tôi trước đây luôn muốn cho nó đi vì nó xấu quá nhưng chẳng ai nhận. Có lần, nó đuổi theo một thằng bé. Nó bị bố thằng bé đánh. Thấy không? Chân nó tập tễnh là do bị đánh.

Diệp Anh nghiêng đầu để nhìn cho rõ vết thương ở chân của con chó, trong lòng có chút thương cảm.

- Tới mức này thì hơi ác.

Khải Hưng khẽ cười, xoay xoay chiếc nhẫn trên tay.

- Cũng không phải cố ý. Lúc đấy, bố tôi chỉ muốn đuổi nó đi. Sau đó, ông đã đem nó đi chữa chân rồi bảo tôi đem về nuôi vì con ông không thích chó.

- Con ông? Ý anh là em anh?

Khải Hưng gật đầu, xoay xoay chiếc nhẫn trên tay.

- Em cùng cha khác mẹ.

Diệp Anh gật đầu, ra vẻ đã hiểu rồi nhanh nhẹn đổi hướng câu chuyện.

- Vậy à. Nhưng trông anh không quen lắm. Anh không sống ở khu này đúng không?

Khải Hưng dừng lại trong giây lát rồi như nghĩ ra điều gì, nhanh chóng tiếp tục cuộc đối thoại.

- Tôi mới chuyển đến. Ngay sát nhà cô. Hôm qua, tôi có nhìn thấy cô. Nhưng trông có vẻ không tiện để chào hỏi.

Diệp Anh bất chợt nhớ lại buổi chiều mệt mỏi ngày hôm qua.

Suốt 3 tiếng đồng hồ, cô ngồi đối diện với hai người đàn ông: một béo một gầy, một cao một lùn và cả hai đều hói. Cả buổi, họ nói rất nhiều, âm vực cũng rất cao. Nhưng cô hầu như chẳng nghe thấy gì ngoài tiếng nhạc xập xình bị bao lấy bởi mùi khói thuốc đậm đặc. Cuối cùng, cô viết vào sổ điều duy nhất cô hiểu. Đó là thay vì một bộ phim tình cảm chiếu vào dịp Tết, họ lại muốn có một buổi biểu diễn tạp kĩ, mua vui bằng kĩ xảo. Mệt mỏi rời thoát khỏi quán cà phê ồn ào đó, cô phải đứng thêm 1 tiếng ngoài cửa khi không tìm thấy chùm chìa khoá đã cẩn thận nhét vào túi quần. Trong lúc chờ thợ phá khoá, cô ngồi trước cửa, im lặng. Đôi mắt mở căng hết cỡ, như sắp bắn ra khỏi hốc mắt. Những nếp nhăn trên mũi và khoé mắt bao lấy khuôn mặt đỏ ửng, được đỡ bằng vài đốt ngón tay đang siết chặt lấy nhau.

Khải Hưng cố bước bằng một nửa sải bước bình thường để không bỏ lại người hàng xóm mới quen. Anh vừa xoay nhẹ tay nắm cửa, con Bob đã ngồi xuống trên hai chân sau, giơ một chân trước lên, đôi mắt lồi hướng về phía Diệp Anh, chòng chọc. Cô nhìn Khải Hưng cho tới khi anh gật đầu, cô mới dám nắm nhẹ lấy chân nó, mỉm cười, tuy chưa thực sự cảm thấy thoải mái rồi nói: “Chào!”

Khải Hưng dùng gót giầy đẩy nhẹ lượt cửa tiếp theo, đột nhiên quay sang hỏi Diệp Anh:



- Tôi có bánh mì nướng và bơ. Cô ăn không?

- Không, cám ơn. Tôi ăn sáng rồi.

Con Bob bước vào theo chủ, những bước chân khập khiễng. Diệp Anh nhíu mày nghi ngại, cố lục tìm trong kí ức xem đã từng gặp anh ta ở đâu.

Chủ nhật – Tháng 8 : Trời nắng gắt, chút ẩm ướt của trận mưa đêm qua dường như đã bị hút kiệt.

Gần hai tháng trôi qua kể từ lúc nộp hồ sơ, Đan Nguyên vẫn chưa nhận được hồi đáp. Cô chắc rằng im lặng là cách từ chối lịch sự nhất và lặng lẽ quay lại cuộc sống vốn có của mình. Ngoài giờ dạy ở trường, để lấp đầy thời gian rảnh rỗi, cô nhận dạy kèm cho một cậu học sinh lớp 3.

Lần đầu tiên tới dạy, thằng bé ngồi tựa vào ghế, đôi mắt bịt kín bởi một cặp kính râm, điệu bộ như thể đang tắm nắng ở một nơi nào đó. Đan Nguyên vừa ngồi xuống ghế, gương mặt nhễ nhại mồ hồi, tức thì thằng bé đẩy cặp kính xuống rồi hỏi:

- Cô ơi, mấy giờ thì hết giờ ạ?

Cô thở dài nhìn thằng bé lo lắng cho những ngày tiếp sau của mình. Quả vậy, điều cô lo lắng thực sự đã diễn ra.



Đan Nguyên đứng thu mình dưới bóng cây. Đã nửa tiếng trôi qua, cánh cửa vẫn khép kín. Cô thở dài, nhìn xuống phía cuối đường. Đột nhiên, cô thấy một bóng dáng rất quen. Đi như chạy, cô tiến về phía bác giúp việc, mồ hồi đầm đìa lưng áo.

- Cô giáo. Cô tới dạy à?

- Vâng, cháu bấm chuông mãi mà không thấy ai mở cửa.

- Chết! Chắc bố con nhà đấy lại thức đêm ngủ ngày rồi.

Bà luôn miệng nói, chất giọng dày, khoẻ khoắn, tay vẫn không rời hai chiếc bị lớn, trông có vẻ khá nặng. Đan Nguyên cúi xuống, đỡ lấy bằng hai tay và dồn toàn sức vào đôi chân gầy để nhận từ tay bà chiếc bị lớn hơn.

- Tôi vừa ở quê lên. Nhọc. Nhưng vẫn cố mang lên ít khoai lang. Món này bố con nó khoái lắm. Trên đây, từng này người ta nướng lên, bán bao nhiêu cho vừa.

Dáng bà nhỏ nhắn, nước da ngăm đen, bước nhanh nhẹn. Bên cạnh, Đan Nguyên thở từng hơi đứt đoạn, chỉ tới khi đặt gọn chiếc bị trên tay xuống sàn bếp, cô mới đủ sức đáp lại.

- Bác cứ để cháu lên gọi Bin dậy.

- Thế cô giáo giúp tôi.

Đan Nguyên vừa vào tới phòng đã rùng mình vì lạnh. Trên giường, thằng bé vẫn ngủ say. Cô lay khẽ. Bất chợt, cô thấy da thịt nó nóng ran. Sờ lên trán, cô giật mình, vội vã tắt điều hoà, hớt hải chạy xuống kêu bác giúp việc.

- Bác ơi! Bin sốt cao lắm!

- Chết! Để tôi lên xem!

Lên tới nơi thì thắng bé đã lơ mơ tỉnh. Nó kêu đau. Nhưng hỏi đau chỗ nào, đau thế nào thì cứ chỉ lung tung, khiến hai người, một già một trẻ, càng quýnh quáng. Cuối cùng, bác giúp việc đặt thằng bé lên lưng Đan Nguyên. Chiếc xe máy chạy nhanh qua con phố ngắn rồi đỗ kềnh ngay trước cổng bệnh viện.

“Không sao, cảm lạnh thôi”, nghe tới đó Đan Nguyên mới thấy mình ngồi vững trên ghế. Trên đường về, cả thân thể mềm nhũn của thằng bé dựa vào lưng cô. Lúc này, cô mới nhận ra, rút cuộc, nó vẫn là một đứa trẻ, cần sự bảo vệ và chăm sóc của người lớn. Vậy mà chỉ cách đây vài ngày, cô còn chấp nhặt thái độ ương bướng của nó.

Cố hết sức, Đan Nguyên đặt thằng bé lên chiếc ghế sofa ngoài phòng khách.

- Cô giáo cứ đặt thằng bé ở đấy.

Bác giúp việc vừa nói dứt câu thì Đan Nguyên nghe có tiếng người bước xuống cầu thang.

- Bác mới lên ạ. Mà sao Bin lại nằm ở kia?

- Nó sốt. Cậu ở nhà mà không biết thằng bé sốt hay sao? Cô giáo với tôi vừa phải đưa nó đi viện đấy. Cảm lạnh thôi. Đơn đây. Lát cậu đi mua thuốc đi. Tôi nấu nồi cháo rồi cho nó ăn. Khổ quá.

Bác giúp việc thở dài quay vào bếp. Quốc Dũng cúi xuống áp vào má thằng bé, khẽ gạt vài sợi tóc trên chiếc trán vẫn còn lầm tấm mồ hôi.

- Sao bác không gọi cháu?

- Con sốt thế cậu còn chả biết. Chắc tối qua lại nhậu khuya mới về. Chờ cậu tỉnh hơi men thì chắc tôi cũng chạy được mấy lượt quanh bệnh viện rồi.

Lời bác giúp việc nói vọng ra khiến ánh mắt Quốc Dũng trùng xuống. Thằng bé không mở mắt nhưng dường như có thể cảm nhận được hơi thở của bố, quàng tay qua cổ anh. Anh nhẹ nhàng bế thằng bé áp vào người rồi từ từ đứng dậy. Tay khẽ xoa vào lưng thằng bé. Đan Nguyên bị thu hút theo từng cử chỉ ấy, nhẹ nhàng và ấm áp. Cô đột nhiên nhận ra mình đang nhìn chằm chằm vào Quốc Dũng, bèn đưa mắt sang bên, bối rối cất tiếng.

- Chắc tôi về đây. Tôi sẽ dời buổi dạy tới hôm nào cháu khỏi ốm.

Lúc này, Quốc Dũng mới chợt nhớ tới sự tồn tại của vị khách nãy giờ vẫn đứng ngay sát mình.



- À, vâng, xin lỗi cô giáo. Phiền cô quá. Có gì tôi sẽ liên lạc lại với cô. Mà…cô cho tôi xin số điện thoại.

- Bác Lài có đấy ạ.

- À…vâng…, Quốc Dũng cảm thấy bối rối vì sự vô tâm của mình.

Quốc Dũng tiễn Đan Nguyên ra tận cửa. Bộ quần áo ngày hôm qua anh vẫn mặc. Chiếc áo sơ mi trắng xộc xệch, chiếc quần âu, khuôn mặt rầu rầu áp vào nước da trắng nhợt nhạt của thằng bé.

Thứ 6 – Tháng 8 : Trời tiếp tục đổ nắng, càng khó chịu hơn khi thi thoảng lại ào tới một trận mưa, chỉ đủ làm hơi nóng bốc lên, quện với đủ thứ mùi. Oi bức.

Diệp Anh tới ngưỡng cửa vừa kịp lúc trời ngớt mưa. Cô gập lại chiếc ô màu nâu nhạt và chỉnh trang lại áo quần cho ngay ngắn. Tới các nhà hàng, chụp ảnh, thưởng thức thức uống hoặc một vài món ăn cũng là một trong số công việc của Diệp Anh vì cô đang làm cộng tác viên cho một chuyên mục chuyên giới thiệu về các địa điểm ăn uống thú vị trong nước cho du khách nước ngoài. Hôm nay, cô tình cờ tới viết bài về nhà hàng Linh An đang làm việc.

- Cô tự nhiên nhớ.

Người quản lí lịch sự sắp xếp cho Diệp Anh một chỗ ở trung tâm sau khi tận tình dẫn cô đi thăm quan một lượt. Cô ngồi xuống, mỉm cười với Linh An, đang ngồi bên chiếc piano ở góc phòng.

Quả thật đẹp. Chiếc mũi dọc dừa. Đôi môi hàm tiếu. Diệp Anh từng nói khi Linh An ngồi bên đàn piano là đẹp nhất, như thể một bức tranh, rất có thần thái.

Bản nhạc kết thúc. Linh An cũng đồng thời hết giờ làm. Cô tiến đến, kéo ghế ngồi sát Diệp Anh, hào hứng nói:

- Lát Đan Nguyên qua đây. Ba đứa mình đi ăn thứ gì ngon ngon đi. Mình rất thích thời tiết hôm nay.

- Trời âm u. Đường xá thì ẩm ướt. Không phải vì mình đã chôn chân ở nhà cả tuần thì mình nhất quyết ngủ giờ này.

- Đời là mấy. Chẳng phải đến cuối cùng cậu sẽ được ngủ một giấc thiên thu sao? Giờ thì tận hưởng cuộc sống đi.

- Đối với mình, tận hưởng cuộc sống chính là ngủ. Cậu có biết mấy hôm rồi mình phải thức trắng để viết kịch bản không?

Trong khi Diệp Anh và Linh An đang trò chuyện, Nhật Minh bưng nước tới. Đột nhiên, anh trượt tay, cốc nước cam đổ ụp vào ngực áo Linh An. Cô luống cuống. Nhật Minh đứng bên cạnh, yên lặng giơ về phía Linh An một chiếc khăn lau màu trắng, bình thản, không một lời xin lỗi.

- Mắt anh để đâu thế?, Linh An lớn giọng.

Nhật Minh vẫn đứng yên, hai tay chắp sau lưng rồi điềm tĩnh chỉ vào hai con mắt đang mở to. Linh An đứng bật dậy, nhìn Nhật Minh chòng chọc. Đúng lúc đấy, Diệp Anh kéo tay Linh An rồi ra hiệu cho Nhật Minh quay vào trong.

Diệp Anh quay sang thì thầm vào tai Linh An.

- Ngồi xuống đi. Bên kia có nhà báo đấy.

Linh An hậm hực ngồi xuống. Nhật Minh đặt chiếc khăn lên bàn rồi lẳng lặng bỏ đi.

- Cậu không nhìn thấy mắt anh ta trừng lên nhìn mình sao?

- Thế cậu có nhìn thấy hình xăm trên cánh tay anh ta không? Bắp tay nữa. Không vừa đâu.

- Thế thì sao? Gã đó sẽ bẻ cổ mình ngay trước đám đông chắc.

Diệp Anh nhìn về phía bàn đối diện rồi nháy mắt với Linh An.

- Này! Nhìn ai kìa!

- Ai?

- Xem ra sau khi gạt được cậu ra, cô ta đã trở thành miếng mồi ngon của báo chí rồi.

Linh An nhìn Diệp Anh tỏ ý không hiểu.

- Chẳng phải sự nổi tiếng chính là miếng mồi của dư luận sao?

Linh An nhìn sang bàn đối diện. Trong lòng thoáng qua cảm giác nuối tiếc. Cô đã từng ở đó, vị trí của cô ta, thảnh thơi và kiêu kì, rồi từ đó trượt xuống dốc, xây xẩm.

Diệp Anh lại nháy mắt với Linh An, tinh quái.

- Giờ thì mình hiểu vì sao cô ta xuất hiện nhiều trên tạp chí hơn là các buổi biểu diễn. Nhìn móng tay cô ta xem. Thế kia thì gãi ngứa cũng sợ hỏng móng ý chứ. Làm sao mà đánh đàn được.

Linh An cười trừ.

- Thôi. Mình gọi điện rồi qua chỗ Đan Nguyên đi. Ngồi đây mình cảm thấy bất tiện.

Sau khi thanh toán, hai cô gái nhanh chóng rời khỏi quán. Trước khi đi, Diệp Anh không quên chỉ cho Linh An dưới gầm bàn có bốn bàn chân đang xoắn lấy nhau mặc cho hai chủ nhân của chúng, gương mắt vẫn hết sức điềm tĩnh trả lời phỏng vấn.

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.net

truyện trọng sinh
Linh Vũ Thiên Hạ

Dtruyen.com đổi tên miền thành Dtruyen.net. Độc giả ghi nhớ để truy cập.

truyện full

Nhận xét của độc giả về truyện Chúng Tôi Đã Thay Đổi Như Thế Đấy

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook