Chuyện Tháng Tư

Chương 61: Lời cuối sách – Liên quan đến Rwanda

Vĩ Ngư

21/02/2018

Biên dịch: 1309

[1]

Lúc chưa bắt tay vào viết bộ này, có biên tập tới hỏi trước ý tưởng của tôi, sau đó chau mày đề nghị: “Đã là tiểu thuyết tình cảm thì có thể đừng nói về châu Phi không, chẳng thích xem dân da đen thắt bím yêu nhau tí nào.”

Xong hỏi đề tài, hết hồn than: “Má ơi, coi chừng đi tù đó.”

Khi chuẩn bị đăng bài, có để hai tag: Báo thù rửa hận, tình duyên viễn xứ.

Chưa được mấy ngày, tôi phát hiện tag “báo thù rửa hận” biến đâu mất tiêu, hỏi biên tập, biên tập nói: “Tag này khó chia bảng phân loại lắm, cho nên tạm thời gỡ xuống.”

Qua ít hôm, phát hiện có thêm tag “hư cấu giả tưởng”, lại chạy qua hỏi biên tập, biên tập đáp: “Em xem, trên đời này đâu có nước Kallon, đề tài này còn tương đối nhạy cảm, cần phải thận trọng… nên cứ bỏ vào khu giả tưởng thì hơn.”

Thử nghĩ cảnh tôi lò dò bước vô khu giả tưởng, nhìn xung quanh toàn nhân vật sống lại, nhìn độc giả bình luận về truyện “Đảm bảo có dị năng, đảm bảo mấy chương sau sẽ xuất hiện, không thì sao lại bỏ vô khu giả tưởng”, tâm trạng cứ gọi là phấn khích đến lạ.



Trong quá trình đăng truyện, có không ít độc giả đoán được nguyên hình của Kallon là Rwanda, sở dĩ không giữ nguyên Rwanda là vì 2 nguyên nhân:

1) Tôi chỉ viết tiểu thuyết, không muốn nghiêm túc thảo luận vấn đề chính trị. Sự kiện ở Rwanda là hiện thực, mà trong tiểu thuyết có tình tiết hư cấu, cho nên muốn tránh liên hệ trực tiếp.

2) Rwanda thực tế bi thảm hơn miêu tả trong tiểu thuyết quá nhiều, chẳng nỡ viết lại.

Nhưng tôi đã dự định đến khi hoàn thành thì sẽ nói đôi lời về Rwanda.

[2]

Nội dung dưới đây, một số là tư liệu hiện đang có trong tay, một số là sưu tầm được từ trước, có khả năng không còn chính xác nữa, cũng chưa lột tả hết được thế cục phức tạp lúc ấy, cho nên chỉ để giúp mọi người hiểu khái quát bối cảnh, nếu có hứng thú thì mọi người nên tìm đọc các tư liệu chính xác hơn.

Rwanda là một quốc gia nhỏ ở trung đông Phi, chủ yếu có hai bộ tộc là Hutu và Tutsi.

Cuộc diệt chủng Rwanda phát sinh vào tháng 4 năm 1994, diễn ra trong khoảng từ tháng 4 đến tháng 7, kéo dài 3 tháng, tổng số người chết ước chừng 800 ngàn đến 1 triệu người, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon gọi nó là “Một trong những chương tăm tối nhất trong lịch sử nhân loại”.

Sự kiện này rất khủng khiếp, bởi vì trong thế kỷ 20 chỉ xảy ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo kinh hoàng tương tự: Đức Quốc xã Nazi tận diệt dân Do Thái.

Cuộc diệt chủng Rwanda được xem là còn thảm khốc và gây phẫn nộ hơn hẳn của Nazi, chủ yếu có 2 nguyên nhân:

1) Nazi sát hại dân Do Thái, tổng số tử vong cũng rất nhiều, nhưng ít ra là gom góp suốt bao nhiêu năm, mà Rwanda chỉ tập trung thảm sát trong vòng 3 tháng, tốc độ giết người nhanh hơn Nazi gấp mấy lần.

2) Nazi chí ít còn hiểu việc mình làm là vô đạo đức, mới vờ vịt xây trại tập trung, tuyên bố với bên ngoài là nhà máy, lừa ép người Do Thái vào đó dưới danh nghĩa làm công. Rwanda thì quá ngang nhiên, còn dám hô hào cả trong radio: Đến đây, giết đi!

Để nắm rõ nguồn cơn của lòng thù hận giữa hai bộ tộc này, chúng ta cần truy ngược lại thời kỳ châu Phi bị thực dân phương Tây xâu xé.

Vốn dĩ Rwanda không phân chia chủng tộc, chỉ có nông dân và dân du mục các kiểu. Theo một thuyết âm mưu thì, sau khi đến đây, quân thực dân đã thực hiện phân chia chủng tộc nhằm dời đi mâu thuẫn.

Tiêu chuẩn phân chia rất khôi hài, dựa trên nước da, chiều cao, tướng mũi có giống người châu Âu không, và số tài sản trong nhà: Lấy 10 con trâu làm giới hạn, có trên 10 con là người Tutsi, dưới 10 con là người Hutu.

Thử nghĩ xem, hai nhà chúng ta nguyên là hàng xóm, tôi trông cao hơn anh chút xíu, anh dang nắng nhiều nên hơi hơi đen hơn tôi. Ban đầu tất cả mọi người đều có 9 con trâu, vừa khéo hôm nay trâu nhà tôi sinh nghé con, quân thực dân đến kiểm tra số lượng, dứt khoát kết luận: Từ đây tôi là người Tutsi, anh là người Hutu.

Không chỉ có thế, trên thẻ căn cước nhất định phải ghi rõ tên bộ tộc. Phân chia xong, người Tutsi chiếm 14% dân số, người Hutu chiếm khoảng 85%.

Tiếp đó, quân thực dân vui vẻ xoa tay, lập ra hàng loạt chính sách trên từng phương diện như chính trị, kinh tế, giáo dục, hành chính, tất cả đều vô cùng thiên vị người Tutsi, cố công bồi dưỡng người Tutsi nắm quyền. Đồng thời thổi phồng rằng “Người Tutsi thuộc chủng tộc cao quý, nền văn hóa của họ là ưu việt, họ là hậu duệ của tộc người Hamite”.

Cao quý gì chứ, chẳng phải vừa mới phân chia ra sao? Còn tộc người Hamite là thế nào thì tôi không tìm hiểu sâu.

Chỉ biết là sau khi được lợi, người Tutsi bắt đầu bành trướng, thực sự cảm thấy mình tài trí hơn hẳn, rồi có không ít hành động chèn ép bên kia. Thế là người Hutu cũng lập tức chĩa mũi dùi vào họ, tự nhủ bọn mi là cái thá gì chứ.

Chính vì vậy, việc chống thực dân có lẽ chẳng còn quan trọng nữa. Hai nhóm người phân chia chủng tộc rạch ròi — Dù phải nhìn thẻ căn cước mới nhận ra ai với ai, nhưng đã bắt đầu so kè ganh đua và đấu đá dai dẳng.

Đồng thời, bánh xe lịch sử vẫn không ngừng tiến tới trước, đến những năm 60 của thế kỷ 20, phong trào giải phóng dân tộc nổi lên mạnh mẽ, các nước châu Phi thi nhau giành độc lập. Xu hướng chung của thế giới như vậy, quân thực dân cũng biết thời biết thế, lần lượt trả quyền quản lý thuộc địa về lại cho dân bản xứ.

Thực dân Bỉ chiếm đóng Rwanda khi đó, căn cứ vào đủ loại suy tính (chung quy vẫn là do người Hutu đông hơn hẳn), đã làm một việc đơn giản mà cay nghiệt: Lúc giao quyền thì đặt tất cả quyền lực vào tay người Hutu.

Như thế hiển nhiên sẽ nảy sinh vấn đề. Bao nhiêu năm qua người Tutsi vẫn đứng ở vị trí cao, bỗng nhiên nay người Hutu lại biến thành tầng lớp thống trị; mà người Hutu đã nén lửa giận suốt mấy thập niên, chỉ chực chờ tìm nơi trút xuống.

Cho nên, kể từ năm 1962 Rwanda độc lập, căn bản là trong nước chưa từng được thái bình. Người Tutsi liên tục lưu vong, liên tục bị chèn ép hãm hại, cứ dăm ba ngày lại xảy ra một vụ lớn, ngày ngày đều có mấy vụ nhỏ. Qua thập niên 90, những người Tutsi lưu vong hải ngoại thành lập Mặt trận Yêu nước Rwanda, trực tiếp khai chiến với quân đội chính phủ.

Liên Hiệp Quốc cảm thấy thế này là không ổn, đến năm 1994 thì đứng ra hòa giải. Tổng thống Rwanda đương nhiệm, tên khó đọc quá, chúng ta gọi tắt là tổng thống A đi, chịu đủ loại áp lực trong ngoài nước, mới đáp máy bay qua nước láng giềng đàm phán hòa bình.

Điều này khiến cho phần từ cực đoan Hutu bất mãn, họ bắt đầu kích động dân chúng: Các anh đã quên quãng thời gian bị bọn Tutsi đè đầu cưỡi cổ rồi sao? Nếu đàm phán thành công, bọn Tutsi lên nắm quyền, các anh có còn được sống yên lành nữa không?

Cùng lúc đó, một kế hoạch diệt chủng nhằm vào người Tutsi cũng đang âm thầm tiến hành. Tóm tắt ngắn gọn thì khâu chuẩn bị bao gồm:

1) Thống nhất ám hiệu “Cut the tall trees” (đốn ngã cây cao), bởi vì người Tutsi hơi cao lớn hơn. Họ bí mật thông báo cho nhau: Chừng nào nghe ám hiệu này truyền bá rộng rãi, thì chính là thời điểm bắt đầu hành động.

2) Rà soát địa chỉ của người Tutsi. Trên cơ bản, họ nắm giữ tất cả địa chỉ nhà của người Tutsi. Cuộc thảm sát mở đầu bằng cách lần theo địa chỉ đến tận nhà, thẳng tay chém giết, không tha bất kỳ ai.

3) Mua sắm một lượng vũ khí lớn. Nghe nói từ năm 93 đến 94, tính riêng dao phay đã mua tới 500 ngàn — Đoán chắc là không đủ tiền mua súng đạn. Ở đây cũng cần nói thêm: Đa số dao này là do Trung Quốc sản xuất. Nghe đâu lúc ấy nhà xưởng bên Trung Quốc cũng rất kinh ngạc, hỏi sao đặt hàng nhiều dữ, người ta bình tĩnh trả lời, năm nay được mùa cao su, cần mua về cạo mủ.

Bao nhiêu người rỉ tai nhau, bao nhiêu người tham dự, thực tế là tin tức này không hề bảo mật, rất nhiều người nghe được, nhưng chẳng coi ra gì. Khi đó có một tư lệnh người Canada thuộc lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc trú đóng tại Rwanda, tên Dallaire, còn biết cả địa chỉ kho giấu vũ khí của phía Hutu. Ông lập tức báo về tổng bộ, bên New York lại đáp: Việc tịch thu vũ khí không nằm trong phạm vi quyền hạn của Liên Hiệp Quốc, không được phép thực hiện.

Ngày 6 tháng 4, tổng thống A đàm phán xong về nước, khi chuyên cơ chuẩn bị hạ cánh thì trúng phải 2 quả tên lửa, toàn bộ mọi người có mặt đều tử vong. Tiện thể nói thêm, trên đó còn một vị tổng thống mới của Burundi quá giang máy bay.

Việc chém giết bắt đầu ngay sau đấy vài phút, radio của phía Hutu điên cuồng thông báo: “Tổng thống của chúng ta đã bị bọn Tutsi hại chết! Hãy đứng lên, cầm lấy vũ khí, báo thù cho tổng thống, đốn ngã cây cao, chúng ta phải giết sạch lũ gián!”

Trong vòng một đêm, toàn bộ thủ đô Kigali của Rwanda rơi vào cảnh gió tanh mưa máu.

Điều đáng nghiền ngẫm nhất là, thành phần bị sát hại hàng đầu lại không phải người Tutsi, mà là những người Hutu thuộc phái ôn hòa, thậm chí bao gồm cả quan lớn, ví dụ như thẩm phán tòa án hiến pháp, bộ trưởng chính phủ… Từ đó lại truyền ra một tín hiệu nguy hiểm: Cho dù anh là người Hutu, cho dù anh đang ngồi ở vị trí cao, chỉ cần dám đứng về phe Tutsi, thì anh cũng phải chết.

Lúc đó các cường quốc phương Tây, cả quân đội Liên Hiệp Quốc, đều chưa từng phải ứng phó tình cảnh tàn bạo thô sơ như vậy nên hết sức luống cuống. Binh lính gìn giữ hòa bình bị cấm tự tiện hành động, có can thiệp hay không vẫn phải chờ chỉ thị từ tổng bộ. Và thế là tổng bộ bắt đầu hội họp thảo luận.

Mé bên kia thảo luận hừng hực khí thế, phía bên này đã tàn sát đỏ mắt. Rõ ràng là người Hutu có kế hoạch hết sức cụ thể, vừa bắt đầu đã giết luôn 10 lính Bỉ. Mà lực lượng gìn giữ hòa bình tại Rwanda là tập hợp từ nhiều quốc gia, trong đó thành phần hùng hậu nhất chính là quân Bỉ.

Phía Bỉ chẳng ngờ xảy ra chuyện thật, để chết mất 10 thanh niên trẻ, không thể nào ăn nói với nhân dân đóng thuế ở quê nhà. Lập tức trong nước cũng nổ ra tranh cãi gay gắt, chính phủ Bỉ suy tính rất nhanh, quyết định rút hết công dân và lính tráng nước mình về.

Các nước khác xem xét: Một nhánh quân mạnh nhất đã tháo lui, mình ở lại chẳng phải để chờ chết sao, tình hình sắp tới có vẻ sẽ mất khống chế, tốt nhất là cũng đi mau thôi.

Tất cả đều ồ ạt thu quân.

Thời điểm rời đi, cho dù trên xe có dư chỗ chở thú cưng thì cũng không được dẫn theo một người Tutsi nào. Quân dân Hutu dựng lên hàng loạt rào chắn dọc các tuyến đường, sẽ kiểm tra thẻ căn cước từng xe, cứ phát hiện ra là lập tức lôi xuống chém chết, phách lối đến mức dám giết người ngay trước mặt binh lính Liên Hiệp Quốc.



Từ đó phát sinh rất nhiều cảnh tượng thương tâm. Khi tháo lui, quân Bỉ đã chọn vào buổi tối, bảo là muốn nhân lúc đêm khuya lặng lẽ rời đi. Đợt ấy có chừng hơn 2.000 nạn dân được họ bảo hộ, nạn dân vây quanh xe, khẩn cầu: “Hay thôi các anh bắn chết chúng tôi đi, bị đạn bắn sẽ chết nhanh hơn, chúng tôi không muốn bị dao chém.”

Tất nhiên là đâu thể nổ súng.

Đến khi xe bắt đầu xuất phát, nạn dân chạy thành đoàn phía sau, khóc than van nài: “Xin đừng bỏ rơi chúng tôi.”

Rồi chỉ sau vài giờ, gần như toàn bộ 2.000 nạn dân đó đều bị sát hại.

Dựa theo tư liệu, tổ chức quốc tế duy nhất quyết tâm tiếp tục ở lại làm việc là một nhóm nhỏ thuộc Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế, và vị tướng Dallaire bi thảm, đứng đầu lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc (tôi sẽ nói kỹ hơn ở phần sau).

Ngay cả những bác sĩ ngoại quốc thuộc tổ chức Bác sĩ không biên giới cũng gia nhập hàng ngũ tháo chạy. Một vị bác sĩ nói với phóng viên: “Chúng tôi nhận thấy, ở lại đây đã không còn ý nghĩa gì nữa. Chữa trị cho một người sắp bị giết là việc làm phí công vô ích.”

Liên Hiệp Quốc vẫn mở hội nghị, thảo luận không ngớt; người Tutsi còn sống thông qua mọi phương thức, cầu cứu bạn bè mình ở nước ngoài.

Nghe nói có một quan chức Mỹ gọi điện cho kẻ đứng đầu quân đội Rwanda của người Hutu bấy giờ, uy hiếp: “Nếu các ông không dừng tay, nước Mỹ chúng tôi sẽ ra mặt can thiệp.”

Thực tế là lúc ấy cả nước Mỹ vẫn còn đắm chìm trong vụ án thế kỷ, ngôi sao bóng bầu dục Simpson giết vợ, căn bản đâu thèm quan tâm chuyện gì đang diễn ra ở Rwanda.

Kẻ đứng đầu quân đội kia đáp: “Rwanda chúng tôi chẳng có dầu hỏa, cũng chẳng có vàng bạc đá quý, người Mỹ các ông sẽ chịu đến sao, đến để làm gì chứ?”

Thật đúng là lập luận sắc sảo về phong cách hành sự của người Mỹ.

Rồi lại có người đề nghị với Mỹ, cho dù không xuất binh thì họ vẫn nắm giữ kỹ thuật gây nhiễu được sóng radio ở Rwanda, có thể ngăn chặn những lời tuyên truyền quá kích động, quá đáng sợ kia – Kiểu như đột nhiên phát hiện một địa điểm ẩn nấp của người Tutsi, đã lập tức thông qua radio báo cho tất cả người Hutu: “Mau qua đây, ở ngã tư đường XX có một lũ gián!”

Tất cả những người Hutu nghe thấy đều vác dao nhảy lên xe tải lao tới, trên đường còn liên tục có người muốn quá giang, chưa lên được xe cũng tự chạy bộ, chứ đừng nói chi là đám người ngay từ đầu đã ở gần đấy.

Nhưng Mỹ cự tuyệt thỉnh cầu gây nhiễu radio, lý do là, chúng ta không được quyền cản trở tự do thông tin — Về sau có người vạch rõ chân tướng, việc gây nhiễu sóng ngắn radio này cần tốn 8.500 USD/giờ, đại khái là phía Mỹ chẳng muốn bỏ tiền…

Thế là, đến khi BBC có thể phát sóng hình ảnh, truyền ra tin tức, thế giới biết được chuyện gì đang xảy ra ở đây, quá trình thảm sát đã kéo dài đến tận 3 tháng.

Vẫn còn rất nhiều chi tiết chưa nhắc tới.

[3]

Có một quyển sách tên 《Hiệu ứng Lucifer 》, phân tích vì sao người tốt lại biến thành ác ma, hoặc nói cách khác, rốt cuộc khoảng cách giữa một người bình thường và sát nhân là bao xa.

Cuối cùng rút ra kết luận: Trong hoàn cảnh xã hội nhất định nào đó, người lương thiện cũng có thể hóa thành tội phạm tàn bạo. Loại biến đổi tính cách của một người như thế được gọi là “Hiệu ứng Lucifer” — Thiên thần Lucifer được Chúa yêu quý nhất lại rơi xuống thành thiên thần sa ngã đầu tiên, bị đuổi khỏi thiên đường.

Trong cuộc diệt chủng Rwanda, có khá nhiều trường hợp phá vỡ nhận thức về nhân tính.

Ví dụ như, bác sĩ vốn là chữa bệnh cứu người, song từ chính những bác sĩ đó lại xuất hiện rất nhiều “sát thủ kiệt xuất”. Theo báo cáo của tổ chức nhân quyền, bất kể là bác sĩ nam hay nữ, nội khoa hay ngoại khoa, nhi khoa, phụ khoa… đều tham gia sát hại người Tutsi, bao gồm đồng sự, bệnh nhân của mình, và nạn dân, thương binh tìm đến bệnh viện xin bảo hộ.

Ví dụ như, giáo sư sẽ tố giác sinh viên, thậm chí tự tay sát hại sinh viên. Một vị giáo sư Hutu kể với phóng viên: “Chính tôi đã giết vài em… Sinh viên năm nhất từng là 80 người, cuối cùng chỉ còn lại 25.”

Có một nông dân nhận phỏng vấn: “Tôi giết người là do bất đắc dĩ bị ép buộc. Tôi mà tha cho họ thì chính tôi sẽ bị giết. Rất nhiều người đã chết vì không chịu giết ai…”



Đến khi sự kiện diệt chủng lắng xuống, phần lớn hung phạm Hutu không thừa nhận mình giết người, khẳng định chắc chắn là lúc đó bị quỷ ám, nói: “Đâu phải tôi, toàn do ma quỷ ám trên người tôi gây ra.”

Chính bản thân cũng chẳng thể đối mặt với việc mình từng làm.

[4]

Sở dĩ tôi muốn viết bộ này là bắt nguồn từ một người được đề cập ở đoạn trước, vị tướng Canada, Dallaire, tư lệnh của lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc bấy giờ.

Ý tưởng nảy ra khi xem phim phóng sự liên quan đến Rwanda, trong đó có nhắc tới vị tướng ấy — Ông giam mình vào hố sâu áy náy và tự trách, nhiều lần định tự sát, đến nay vẫn phải nhờ thuốc thang mới có thể ngủ yên và giữ cho cảm xúc ổn định.

Cảm thấy khó mà tin nổi: Đây đâu phải thiếu niên mới ra đời, đây là một vị tướng, một người đàn ông, dày dạn kinh nghiệm, từng chứng kiến bao nhiêu sự kiện lớn, chắc chắn cũng trải qua không ít chuyện tàn khốc, hơn nữa người chết cũng đâu phải do ông giết, vì sao lại “nhiều lần định tự sát” chứ.

Có một số anh hùng bàn phím kích động, mắng ông thánh mẫu.

Thế là tôi tò mò tìm hiểu thử xem ông đóng vai trò gì trong sự kiện này.

1) Ban đầu, Dallaire nhận lệnh đảm nhiệm chức tư lệnh lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc đóng ở Rwanda (hay còn gọi là Phái đoàn hỗ trợ Rwanda của Liên Hiệp Quốc, viết tắt là UNAMIR), yêu cầu xin cấp 4.500 lính. Liên Hiệp Quốc lại giao cho ông đội quân chừng 2.500 người, điều kiện huấn luyện và trang bị đều thấp kém, hậu cần thiếu thốn, thậm chí còn không có bao nhiêu tiền. Chính ông hồi tưởng: “Chúng tôi cần đặt mua đèn pin, phải chờ rất lâu sau mới nhận được, nhưng chẳng có pin phù hợp…”

2) Ông không đủ khả năng thu thập tình báo, mặc dù từng gởi yêu cầu về tổng bộ, nhưng câu trả lời nhận được là: Hành động thu thập tình báo đi ngược lại chính sách bảo vệ hòa bình.

3) Tuy vậy, ông vẫn rất cố gắng. Tháng 1 năm 1994, ở trận doanh Hutu có sĩ quan định phản bội chạy trốn, ông ta tiết lộ một phần kế hoạch của phần tử cực đoan cho bên Dallaire.

Chúng ta hãy xem thử ông ta tiết lộ những gì:

— Phía Hutu tập trung huấn luyện 1.700 người, chia ra thành từng tổ 40 người, mỗi tổ đều “có khả năng giết 1.000 người Tutsi trong vòng 20 phút”, hiện đã phân tán khắp thủ đô Kigali. Khi tín hiệu “Cut the tall trees” được truyền ra, những người này sẽ dẫn đầu hành động — Nói cách khác, người Hutu đã huấn luyện “kẻ khơi mào”. Bởi vì đám đông rất dễ bị ảnh hưởng xúi giục, mới chỉ nghe thấy lời kêu gọi trong radio thôi thì chắc sẽ không ai dám ra tay, nhưng nếu đã có kẻ dẫn đầu trước thì sao?

— Phía Hutu có kế hoạch sát hại nhân viên thuộc lực lượng gìn giữ hòa bình của Bỉ, như thế có thể khiến Bỉ rời khỏi liên quân UNAMIR, mà quân Bỉ lại là một nhánh quan trọng nhất trong đó.

— Ông ta biết nơi giấu kín vũ khí, sẵn lòng cung cấp địa chỉ và thêm nhiều tình báo khác nữa, với yêu cầu “Liên Hiệp Quốc phải giúp cả gia đình ông ta xuất ngoại an toàn, đồng thời tăng thêm hỗ trợ bảo hộ”.

Xin lưu ý, lúc đó là tháng 1 năm 1994, cách thời điểm thật sự phát sinh thảm sát đến 3 tháng.

4) Dallaire vui mừng khôn xiết, lập tức báo cáo lên Liên Hiệp Quốc, thỉnh cầu được tước đoạt vũ khí trước. Kết quả thì mọi người đều biết rồi, Liên Hiệp Quốc trả lời làm thế là vượt quá quyền hạn nên không cho phép.

5) Dallaire cố gắng đề xuất đi đề xuất lại mấy lần, nhưng vẫn bị bác bỏ. Liên quân dưới tay ông dàn mỏng khắp Kigali, các nơi đều bị chướng ngại vật trên đường ngăn cách. Sau khi 10 lính Bỉ bị giết, điều ông lo lắng hơn cả là sự an toàn của những binh lính khác, là thực phẩm dự trữ còn cầm cự được chưa đến hai tuần, có mấy doanh trại chỉ đủ nước dùng trong vài ngày, là nhiên liệu, đạn dược, thuốc men đều thiếu thốn.

6) Song Dallaire vẫn không bỏ cuộc, ông cảm thấy, chỉ cần nhận được tiếp viện, mình nhất định có thể ngăn chặn thảm sát. Cho dù quan viên Liên Hiệp Quốc đưa ra chỉ thị đến 3 lần, yêu cầu mau chóng xác định phương án rút quân, thì ông đều từ chối chấp hành, trong đó có một lần là đích thân Ghali (tổng thư ký Liên Hiệp Quốc bấy giờ) gọi tới.

7) Sau khi Bỉ rút quân, Dallaire gần như đã tuyệt vọng vì thực lực liên quân bị sụt giảm mạnh. Tuy vậy, ông vẫn kiên trì bảo hộ hơn 30 ngàn thường dân trong doanh trại của mình. Nhưng ngay tiếp đó, chuyện tuyệt vọng hơn nữa đã phát sinh, quân Bỉ vừa rời đi chừng chục ngày, Hội đồng Bảo an đã thông qua một nghị quyết mới, yêu cầu rút về phần lớn nhân viên bảo vệ hòa bình của Liên Hiệp Quốc, chỉ chừa lại một nhánh quân tượng trưng gồm 270 người.



Từ hơn 2.500 binh lính, mất đi quân Bỉ, thành chỉ còn 270, lại còn xé lẻ khắp nơi, hậu cần không đủ, thiếu nước và thực phẩm, đạn dược chẳng còn thừa bao nhiêu, không có tiếp viện, không thể liều mạng… Hơn hết là lúc trước đã để chết mất 10 binh lính, thân là tư lệnh, lẽ ra cần phụ trách an toàn cho lính của mình.

Mà nói vậy, Dallaire phải chịu trách nhiệm cho toàn bộ sự kiện sao? Tôi cảm thấy ông đã nỗ lực hết sức rồi. Thế nhưng tới cuối cùng khi cuộc diệt chủng kết thúc, ông lại là người “nhiều lần định tự sát, đến nay vẫn phải nhờ thuốc thang mới có thể ngủ yên và giữ cho cảm xúc ổn định”.

Ngẫm kỹ thì thấy, chắc là bởi vì thảm sát diễn ra ngay trước mắt ông, kéo dài liên tục mỗi ngày, nên mới bị hiện trường quá kinh khủng kích thích, vượt khỏi giới hạn chịu đựng của ông.

Tôi không muốn chỉ trích những chính khách họp bàn đưa ra nghị quyết kia là máu lạnh, bởi vì họ cũng có suy tính riêng. Tôi nghĩ, giả sử họ bị kéo đến hiện trường để tận mắt chứng kiến mọi chuyện, có lẽ họ cũng sẽ hét lên, gào khóc, cố sức ngăn cản. Nhưng khi họ ở cách xa ngàn dặm, ngồi phòng điều hòa, uống cà phê, thì tới lúc mở hội nghị, họ sẽ chỉ cân đo phí tổn, xem xét có phù hợp với lợi ích quốc gia, ai góp bao nhiêu, thu lại được gì, có thể bớt tốn kém không.

1.700 kẻ khơi mào đề cập ở đoạn trước, có một số được sĩ quan nước ngoài hỗ trợ huấn luyện. Một vị sĩ quan Pháp tận mắt trông thấy cảnh chém giết tàn bạo đã bật khóc, không thể tin được “binh lính chính tay mình dạy dỗ lại có những hành động ác độc như thế”.

Bởi vì trường hợp của Dallaire, tôi lại tra cứu thêm một ít tài liệu tương tự, mới phát hiện còn có bà Vautrin. Người Trung Quốc chắc đã quá quen thuộc với vị này, vì trong đợt thảm sát Nam Kinh, bà đã từng tận lực bảo vệ nạn dân Trung Quốc. Song rất ít người biết đến phần kế tiếp — Sau khi về nước, bởi vì tinh thần rơi vào trạng thái trầm cảm nặng và thất vọng với nhân tính, bà đã mở khí ga tự tử.

Bao nhiêu kẻ tự tay gây ra tội ác chất chồng khác vẫn luôn miệng chối bay chối biến, vậy mà những người lương thiện này, lại lần lượt mất đi cuộc sống bình thường và tính mạng, tôi cảm thấy điều này quá sức bất công.



[5]

Cho nên muốn viết một câu chuyện liên quan tới khu bảo hộ, nhưng không phải chỉ rập khuôn ca tụng, tán dương, miêu tả họ cố gắng thế nào, đấu trí đấu dũng ra sao.

Tôi cứ nghĩ, nếu có một cô gái, tham gia khu bảo hộ khi còn rất trẻ, dưới đủ loại áp lực chèn ép mà phạm phải sai lầm chẳng thể quên được, như vậy sau khi hết thảy kết thúc, cô ấy có còn can đảm tiếp tục đối mặt không, có tìm cách đền bù không, làm thế nào để đền bù.

Vì thế,《Chuyện Tháng Tư》 ra đời.

Thật ra đây cũng xem là bật hack cho nữ chính. Rất nhiều người thuộc bậc cha chú, lớn tuổi hơn, có thâm niên hơn, hiểu rõ đen trắng hơn cô, như ông Dallaire, bà Vautrin, vậy mà vẫn không thể bước ra khỏi ám ảnh quá khứ, chỉ mong dùng cái chết để kết thúc tất cả đau khổ, thế thì làm sao cô vượt qua nổi?

Nhiều lúc viết tiểu thuyết, sẽ hi vọng mọi thứ đều là hiển nhiên; xây dựng một nhân vật gánh vác tầng tầng thương đau, gặp đúng tình yêu đời mình, lập tức được hoàn toàn cứu rỗi.

Nhưng ngoài thực tế, cuộc đời phức tạp hơn trong tiểu thuyết rất nhiều. Không phải tất cả sự cứu rỗi đều có thể đến từ tình yêu, chiến giáp vẫn luôn ở đấy, đôi khi phải dựa vào chính sức mình mặc lên.

Cũng giống như sự kiện Rwanda cuối cùng cũng có biến chuyển, rõ ràng chẳng phải là nhờ cộng đồng quốc tế mạnh tay can thiệp, mà bởi vì Mặt trận Yêu nước của người Tutsi phản công; phía Hutu bắt đầu hoảng hốt, sợ bị trả thù, mới ồ ạt trốn sang các nước láng giềng — “Trước khi qua khỏi biên giới còn vứt lại hàng đống dao rựa, cuốc, dùi cui”.

Cho dù Sầm Kim không gặp được Vệ Lai, cuối cùng cô cũng sẽ phơi bày sự thật, để nơi nào cần báo ứng sẽ báo ứng triệt để.

Vệ Lai xuất hiện, chẳng qua là giúp kết cục tốt đẹp hơn thôi.

Tình hình Kallon đã được giảm nhẹ hơn Rwanda rất nhiều, không tuyệt vọng như nguyên mẫu ngoài đời thực — Tổng số người chết bớt xuống còn chừng 200 ngàn, có không ít tổ chức quốc tế và tình nguyện viên chịu ở lại bảo vệ nạn dân, thành lập khu bảo hộ; đến hậu chiến, Bàn Tay Thượng Đế có quyền yêu cầu truy cứu trách nhiệm tội phạm chiến tranh, thậm chí còn được lực lượng quốc gia hỗ trợ…

Lúc trước tôi từng nhắc đến tình hình Rwanda ngoài đời thực, đa số tội phạm chiến tranh trốn thoát được, chính phủ dự tính phải tốn 200 năm mới đòi lại đầy đủ công lý cho người tử nạn, khá nhiều tội phạm chiến tranh chủ chốt được các quốc gia khác che chở, mà đứng đầu là chính phủ Pháp — Vào thời gian tưởng niệm sự kiện diệt chủng Rwanda tròn 20 năm, cụ thể là năm 2014, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon cũng đến tham dự. Lần đó Rwanda đã thẳng thừng từ chối đón tiếp tổng thống Pháp, còn từng uy hiếp muốn cắt đứt quan hệ ngoại giao.

Cho nên trong truyện mới sắp đặt để vụ án của Jeremie phát sinh ở Pháp, Bàn Tay Thượng Đế vừa mới tuyên bố chịu trách nhiệm trong vụ ám sát đấy, cảnh sát Pháp lập tức không truy cứu nữa.

Sau khi hình dung ra mấy nét chính của truyện, tự tôi cũng do dự vài lần.

Một là, chủ đề này phải chăng quá nghiêm túc và mang quá nhiều màu sắc chính trị? Dẫu sao thì tôi chỉ là một tác giả mạng, không muốn viết xong được ngay một suất bóc lịch. Bởi vậy trong quá trình sáng tác, tôi đã làm nhạt bớt rất nhiều tình tiết, giai đoạn đầu cơ bản đều là tương tác thường ngày, đến sau cùng mới lật lại quá khứ, rồi kết thúc vào ngày cuối tháng tư.

Hai là, toàn bộ câu chuyện chỉ phát sinh ở những nơi xa xôi, hết Bắc Âu tới Đông Phi. Ngoại trừ nam nữ chính là Hoa kiều, nhân vật phụ đều là người ngoại quốc, còn liên quan đến tình hình chính trị đương thời, cách khá xa cuộc sống thực tế vốn có của chúng ta, nên chắc chắn là đề tài này chẳng gây được bao nhiêu hứng thú cho độc giả. Tôi nhớ lúc mới đăng truyện đã có độc giả vào than, ối giời đến cả tên họ còn chẳng nhớ nổi.

Ba là, khi thử tập trung vào triển một chương, cảm thấy văn phong biến hóa rõ rệt. Chọn viết kiểu truyện này thì khó mà không dùng đến lối văn dịch, cách nói chuyện của nhân vật chẳng thể tùy ý như trong nước, mở miệng là toàn phương ngữ làm lẫn lộn bối cảnh.

Bốn là, bởi vì không phải thể loại ma quái huyền ảo được quyền mặc sức thả trí tưởng tượng bay xa, mỗi một lời thoại trong đây đều cần có đôi chút căn cứ, không thể cứ nghĩ sao viết vậy. Cho dù nước Kallon này là hư cấu thì cơ bản cũng phải phù hợp với thực tế. Có điều nhức đầu nhất là, mấy nước được nhắc tới trong truyện ấy, tôi đều chưa từng đi qua.

Thế là đành phải tra tư liệu, xem hơn 40 tập phim phóng sự, lật những bài nghiên cứu về xã hội ở các nước Bắc Âu, lịch sử độc lập của châu Phi, kiểm tra xem mấy nước đấy có cấm rượu bia không, tính cách con người thế nào, giữa các nước có đường thủy không, tàu buôn người có chạy qua vùng biển này không, bão cát trên Hồng Hải kéo dài bao lâu, thuyền bè có được an toàn trong tình trạng bão cát không.

Tổng kết một vài bản tin và kinh nghiệm của du khách, xác nhận phục vụ tình dục ở Ethiopia là hợp pháp, mấy năm trước còn nghèo đến mức chỉ cần 1 USD/lần, khoảng năm 2013 thì hình như đã tăng lên chừng 5 USD. Cuối cùng là việc Sirius Star được trả lại, phía Saudi đúng là dùng thủy phi cơ chở tiền chuộc thả dù xuống biển.

Tôi kể những điều này không phải để khoe khoang mình cố gắng làm việc bao nhiêu, mà là muốn nói, nếu bạn cảm thấy tình tiết phóng đại thái quá, thì xin đừng vội chất vấn. Ví dụ như 1 USD/lần, đây chẳng phải là tôi là cường điệu bịa chuyện; ví dụ như bão cát đỏ sẫm càn quét Hồng Hải, nghe như chém bừa, nhưng đó là hiện tượng địa lý có thật; hay ví dụ như bạn cảm thấy làm gì có loại tổ chức báo thù kia, nhưng cho đến nay Người Báo Thù Do Thái vẫn đang hoạt động.

Bởi vì bản thân không chuyên về lĩnh vực này, nên có khả năng còn sơ sót ở một vài chi tiết, cám ơn độc giả đã chỉ giúp chỗ sai. Trong phạm vi khả năng cho phép, tôi cố gắng để truyện được chỉn chu, ít lỗi nhất có thể, và định hướng phát triển tình tiết hợp lý nhất.



Cũng may đã từng bước hoàn thành, gần 2 tháng, viết xong được câu chuyện về 1 tháng này.

Vốn dĩ không tính viết quá dài, cũng không muốn viết quá sâu, vì khai thác hết những chi tiết kia sẽ rất nặng nề, đào sâu hơn sẽ có cảm giác như đang gồng mình câu kéo. Nhân tính hay cứu nạn, đều là chủ đề quá rộng, tự cảm thấy chưa đủ sức khống chế, thành ra chỉ mượn bối cảnh chung, trọng tâm vẫn là nội dung như hiện tại.

Tên truyện là 《Chuyện Tháng Tư》, phần đầu rất nhẹ nhàng, bởi vì lấy bối cảnh tàn khốc, cho nên cứ phá tan mọi ràng buộc mà mặc sức yêu nhau. Tất cả những việc chấn động lòng người đều phát sinh vào 6 hay 3 năm trước, trong đây chỉ là một tháng cuối cùng, một tháng bình tĩnh bước về phía tử vong theo đúng kế hoạch.

Tôi cực thích cả nam nữ chính, ở đây không đánh giá quá nhiều.

Có bạn cảm thấy nam nữ chính tiến triển quá nhanh, tôi nghĩ, thay bằng nam nữ chính khác chắc sẽ chẳng nhanh đến thế, nhưng hai người này thì có thể.

Khi được hỏi nếu cuộc đời mình bắt đầu đếm ngược từng ngày, bạn sẽ làm gì, rất nhiều người đều có đôi chút ý nghĩ càn rỡ, ngông cuồng bất kham. Sầm Kim tiếp nhận Vệ Lai, thật khó nói rốt cuộc ban đầu có đúng là yêu đến chết đi sống lại không, hay chỉ là một thoáng nảy sinh ý muốn bất chấp hết thảy. Mà bản thân Vệ Lai lại là người dạo bước bên ngoài đám đông, thích gì làm nấy, luôn lệch quỹ đạo, sống phớt đời, nhưng một khi thật sự để tâm, dẫu có đến nước chết, cũng sẽ quyết không buông tay.

Tuy là đến kết truyện Vệ Lai gần như chẳng có bao nhiêu tiền — Quyên góp hết một nửa, anh tưởng chỉ cần nửa còn lại là đủ để mua nhà? Đúng là kiểu mơ mộng ngây ngô của trẻ con 3 tuổi. Sầm Kim đàm phán chuộc cả con tàu lớn vậy, một chuyến mới được 500 ngàn USD đấy.

Mà Sầm Kim xem ra còn nghèo hơn cả Vệ Lai: Trước đó biết sẽ phải chết nên đã thu xếp sẵn sàng, thanh lý hết tài sản cá nhân, tiền thù lao cũng quyên góp, lộ phí về Helsinki chắc phải nhờ Bàn Tay Thượng Đế đài thọ rồi.

Thật đúng là một đôi nghèo rớt, nhưng tôi chẳng hề lo lắng cho tương lai của họ. Mặc dù rất nhiều chuyện còn bỏ ngỏ, ví dụ như có thể kết hôn không, hay cuối cùng Sầm Kim bị phán xử thế nào, về sau sống nhờ vào đâu, Vệ Lai có đi bán son thật không — Thì nhất định họ đều sẽ giải quyết ổn thỏa.

[6]

Cuối cùng tôi xin được bày tỏ lòng cảm tạ đến các bạn độc giả. Với một đề tài khác biệt, ít được ưa thích như vậy, rất cám ơn mọi người đã ủng hộ và cùng đồng hành với tôi.

Khi viết truyện này, thật sự cảm thấy hòa bình là một điều hết sức tốt đẹp. Ông trùm chứng khoán Warren Buffett từng nói đến việc “trúng số từ trong trứng” — Vào thời điểm thích hợp được sinh ra ở một nơi an lành, thì đã là trúng số từ trong trứng.

Ngẫm lại bản thân đang sống tại một quốc gia hòa bình văn minh, đích xác là rất may mắn. Chẳng như những cô bé ở các vùng hẻo lánh bên châu Phi kia, phải chịu hủ tục cắt quy đầu, mới đôi ba tuổi mà thân thể đã bị thương tổn, họ làm gì có quyền nắm giữ vận mệnh của chính mình? Rồi thì mười mấy tuổi đã bị cha bán đi đổi lạc đà, gả cho lão già 50-60 tuổi — Thời điểm có người vì tình yêu mà đau lòng rơi lệ, những cô bé ấy còn chẳng biết tình yêu là thứ gì.

Trong cuộc diệt chủng Rwanda, các nước phương Tây nhanh chóng rút hết dân và quân mình về, mặc dù bị lên án, nhưng đổi một góc độ khác suy nghĩ: Người dân ở hải ngoại gặp phải tình cảnh hỗn loạn, lập tức có chính phủ hùng mạnh nước mình đứng ra bảo vệ, âu cũng là điều hạnh phúc.

***

Một vài bạn nhận xét tôi thay đổi phong cách, thật ra cũng không hẳn là đổi phong cách, chẳng qua là đúng lúc này, vừa khéo muốn viết bộ này mà thôi. Có cụm từ “đời người chỉ gặp một lần” [*], mỗi một bộ truyện của tôi, bất kể độc giả yêu thích bộ nào hơn, ưng ý phong cách nào hơn, đặc biệt có cảm tình với thiết lập nào hơn, thì đều là một lần duy nhất trong đời, về sau sẽ chẳng nhắc lại hay lặp lại nữa.

Cảm tạ lần gặp gỡ duy nhất trong đời này, bạn không thích, là quyền lợi của bạn; bạn yêu thích, là duyên phận của chúng ta.

Cầu chúc các bạn mọi điều tốt lành. Hẹn gặp lại.

[*] Nguyên gốc là “nhất kỳ nhất hội” (いちごいちえ ichigo ichie), đây là ngạn ngữ Nhật bắt nguồn từ triết lý trong trà đạo, hàm ý rằng mỗi cuộc gặp gỡ trong đời này đều chỉ có một lần, chúng ta nên trân trọng gìn giữ.

[ GHI CHÚ]

Nếu muốn tìm hiểu cặn kẽ tình hình thực tế của giai đoạn lịch sử này, các bạn có thể tìm đọc cuốn 《The Fate of Africa: A History of Fifty Years of Independence 》 (Vận mệnh Phi châu: Lịch sử 50 năm độc lập) của tác giả người Anh Martin Meredith, trong đó có một chương 《The Graves are Not Yet Full》 (Huyệt mộ chưa đầy) nói riêng về cuộc diệt chủng Rwanda, vô cùng tường tận.

Trong nước cũng quay một bộ phim phóng sự, dài chừng 40 phút, tên là 《Rwanda 100 ngày 》, nếu độc giả có hứng thú cũng nên xem thử, tôi cảm thấy sắp xếp bố cục tương đối mạch lạc.

Ngoài ra có một bộ phim khá nổi tiếng, khắc họa rõ nét giai đoạn này, tên 《Hotel Rwanda 》. Cơ mà độc giả dễ xúc động, dễ khóc thì theo phim phóng sự thôi đủ rồi.

Còn hai bộ phim nữa: 《Beyond The Gates / Shooting Dogs》 kể về câu chuyện trong một trường tiểu học, sau khi quân Bỉ rút đi thì có 2 người ngoại quốc ở lại bảo hộ nạn dân; 《Sometimes In April》 nội dung xoay quanh quá trình quay về và tiếp tục cuộc sống của những thường dân Rwanda sau đợt thảm sát. Cá nhân tôi cảm thấy sàn sàn như nhau, chủ yếu là xem để hiểu thêm về một ít tình huống lúc đó.

~♥~♥~♥

~✿ Mình để bản đồ lộ trình tuyến đường từ Bắc Âu tới Kallon ở dưới cùng nhóe. Tới đây là xong phần tác giả đăng trên mạng (những chỗ chữ nâu là bị lược bỏ trong sách). Đoạn cuối này dài vãi chưởng, 8,3k chữ, gấp đôi 1 chương bình thường rồi XD.

✿ Tuần sau mình tạm nghỉ, tuần kế tiếp sẽ bắt đầu update ngoại truyện từ sách xuất bản .

✿ Cuối cùng là, hiện thời mình chưa có kế hoạch làm ebook nhé. Chờ ngâm kíu cái đã XD

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.net

Dtruyen.com đổi tên miền thành Dtruyen.net. Độc giả ghi nhớ để truy cập.

Nhận xét của độc giả về truyện Chuyện Tháng Tư

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook