Chuyện Xứ Lang Biang (Tập 1: Pho Tượng Của Baltalon)
Chương 23: Chương 16 phần 1
Nguyễn Nhật Ánh
27/12/2016
Chương 16: Tiệm những dấu hỏi
Nguyên từng nhận xét cái đầu của thằng Kăply chẳng khác gì một cục gạch, tuy gần đây có khá hơn cục gạch một chút xíu. Chính Kăply cũng thừa nhận so sánh của Nguyên nếu không hoàn toàn là sự thật thì cũng chẳng xê xích là mấy.
Bây giờ bắt cái cục gạch đó nghĩ cách đánh lừa thằng Nguyên để ở lại chỗ hẹn với nhỏ Mua thì quả là khó khăn cho Kăply quá. Kăply nghĩ mãi, nghĩ mãi và cuối cùng, lúc chuẩn bị chạy ra cửa theo tụi bạn, đầu nó mới nảy ra một sáng kiến hết sảy là nhét cái cặp sách thụt sâu trong ngăn bàn.
Nguyên chẳng hay biết gì, đi khỏi cổng trường một quãng xa, nghe Kăply rú lên: “Chết rồi. Tao để quên cặp sách trong lớp,” nó tỉnh queo hất đầu:
- Mày quay lại lấy đi. Tao đứng đây đợi.
- Thôi, khỏi đợi... - Kăply hấp tấp nói. - Mày về trước đi, lát tao về với Êmê, Păng Ting và K’Tub.
Nói xong Kăply co giò vọt mất, không để cho thằng bạn nó kịp có ý kiến ý cò gì ráo.
Lúc quay trở ra, dòm quanh quất không thấy Nguyên đâu, Kăply khoái chí toét miệng cười một mình rồi hí hửng chui vô quầy bột chiên cạnh cổng ngồi đợi. Bữa nay thầy Haifai nổi khùng đuổi cổ tụi nó ra khỏi lớp ngang xương, chứ các lớp khác phải mười lăm phút nữa mới ra về.
Một lão phù thủy đầu quấn khăn, cởi trần trùng trục, đang phơi cái bụng to như thùng nước lèo trước một chiếc bàn dài chất lủ khủ các đống bột nhồi. Lão dích từng nhúm bột nhão, lăn chúng trên mặt bàn rồi vo lại thành từng viên tròn tròn thảy vào cái chảo mỡ sôi sùng sục trước mặt.
- Ngồi đi con... - Thấy Kăply bước vào, lão híp mắt cười và gại gại cái mũi nhọn hoắt vào cánh tay chắc là cho đỡ ngứa, miệng niềm nở. - Chắc là con đói bụng rồi há.
- Đây là thứ gì vậy, ông! - Kăply tò mò dòm mấy viên bột nổi lều bều trong chảo. - Giống bánh Nhớ dai quá hả?
- Đừng nói bá láp chứ con! - Lão chủ quầy nhăn mặt vẻ phật ý. - Bánh Nhớ dai của mụ Gian ăn vô chỉ tổ quên sạch cả bài vở, cả tên cha mẹ cũng quên tuốt luôn. Còn đây là bột chiên Yêu đời nổi tiếng mấy trăm năm nay ở Lang Biang đó.
Kăply không có vẻ gì tin tưởng vào lời quảng cáo bốc trời của lão chủ quầy lắm, nhưng đã chui vô đây ngồi đợi Mua, nó không thể không gọi món bột chiên của lão. Nó lục túi, từ dạo bà Êmô quay về lâu đài K’Rahlan, sáng nào bả cũng nhét vào túi áo chùng của nó, Nguyên, Êmê và K’Tub mỗi đứa năm năpken để ăn sáng.
- Ông bán cho con một năpken.
- Chỉ có một năpken thôi ư! - Lão chủ quầy tròn xoe mắt. - Một năpken chỉ mua được ba viên à, con trai. Ta bán cho con năm năpken nhé.
Kăply đặt đồng một năpken lên chiếc bàn dài:
- Dạ thôi ạ. Con mua ba viên đủ rồi.
- Chẳng ai ăn bột chiên Yêu đời chỉ với một năpken. Ăn nhấm nháp thế chỉ tổ chán đời thêm.
Lão chủ quầy lằm bằm trong miệng, nhặt chiếc muỗng dài trước mặt vung lên một cách bực tức.
Kăply kinh ngạc nhận ra đó là đồ dùng pháp thuật. Cái muỗng vừa hất một cái, một chiếc đĩa bạc từ trên nóc tủ phía sau bay vèo xuống và đáp ngay chóc trước mặt Kăply như một chiếc đĩa bay chính hiệu. Lão chủ quầy vung tay một cái nữa, ba viên bột chiên từ trong chảo mỡ đang sôi sùng sục nhảy tót ra và rơi ngay ngắn vào chiếc đĩa, y như được một bàn tay vô hình sắp xếp.
- Ăn đi, nhóc... - Lão chủ quầy hất đầu, giọng lạnh nhạt và không còn kêu Kăply bằng con trai.
Chẳng buồn để ý đến thái độ bất lịch sự của lão, Kăply nhón một viên bột vàng rụm cho vào miệng và đảo mắt nhìn ra ngoài.
Chỗ cổng trường, học trò các lớp bắt đầu túa ra ngay khi hồi chuông ra về vừa reo dứt, thấp thoáng cả bọn trẻ lâu đài K’Rahlan trong số đó. Kăply hấp tấp quay mặt vào phía trong khi thấy thằng Steng lò dò ra khỏi cổng, mắt nhìn dáo dác như đang tìm kiếm những nạn nhân quen thuộc của nó.
Có cả đống đứa tỏa vào các ki-ốt hai bên cổng để ăn vặt. May mà quầy bột chiên Kăply đang ngồi chỉ lác đác khách nên nó không đụng đầu tụi bạn quen. Kăply tọng thêm một cục bột nữa vô họng, lần này nó để tâm lắng nghe mùi vị của món Yêu đời và lập tức hiểu ngay tại sao chẳng mấy ai đặt chân vào quầy bột chiên: vì nếu thấy cuộc đời quả thật đáng yêu và muốn giữ mãi tâm trạng lạc quan đó thì cách hay nhất là đừng bao giờ ngu ngốc nuốt cái thứ bột nhạt thếch như làm từ rong biển và thoang thoảng mùi lá bù xít này.
Lão chủ quầy có vẻ khó chịu khi thấy Kăply ngồi lâu lắc mà vẫn chưa ăn hết ba viên bột chiên trong đĩa. Lão không nói gì nhưng cái ánh mắt gườm gườm của lão y như một nhát chổi đang muốn quét Kăply ra đường quách cho rồi.
Kăply nhận ra ngay cái vẻ mặt khó coi của lão nhưng nó tảng lờ, ra vẻ ta đây là thằng nhóc vô tâm nhất trên đời. Chỉ đến khi tụi học trò từ trong các ki-ốt lục tục kéo nhau ra về và hai cái bím tóc quen thuộc của nhỏ Mua hiện ra chỗ cổng trường, Kăply mới bỏ viên bột cuối cùng vào miệng, nhăn mặt nuốt vội nuốt vàng và lật đật đứng lên.
***
- Bây giờ tụi mình đi đâu hở K’Brêt?
Mua cất tiếng hỏi, khi hai đứa rẽ sang con đường nhỏ cắt ngang đại lộ Brabun để tránh ánh mắt tọc mạch của tụi bạn.
- Tôi cũng không biết nữa.
Kăply bối rối đáp, vẻ lúng túng của nó làm Mua trố mắt:
- Hôm trước bạn rủ tôi đi chơi mà.
- Ừ.
- Ừ là sao?
- Là tôi có rủ Mua đi chơi nhưng thiệt tình thì tôi cũng... hổng biết đi đâu.
- Ra vậy.
Mua bật cười khúc khích, nhưng lần này Kăply không đủ can đảm quay nhìn hàm răng sún của nhỏ bạn. Hai đứa lặng lẽ đi bên nhau và khi cảm thấy cái nắng trên đầu đã dịu bớt, tụi nó chợt nhận ra cả hai đang đi dưới những tàng cây. Chỉ mới rời đại lộ Brabun chừng vài trăm mét mà cả Kăply lẫn Mua đều có cảm giác được vây bọc giữa một sự yên lặng đầy đặn và ấm áp, y như vừa đặt chân vào một thế giới khác.
Trong khi hai đứa đang bắt đầu tin rằng không có một sinh vật nào hiện diện trên con đường tịch mịch này, một ngôi nhà đột ngột hiện ra sau lùm cây bên trái.
Kăply và Mua khẽ đưa mắt nhìn nhau và từ từ đến gần, ngạc nhiên nhận ra đó là một cửa hiệu đồ sộ nhưng trống rỗng.
Một cửa hiệu mọc lên giữa nơi vắng vẻ, hầu như không có người qua lại đã là một chuyện lạ. Nhưng tấm bảng hiệu treo phía trước kẻ hàng chữ còn lạ lùng hơn: “TIỆM NHỮNG DẤU HỎI”, và hàng phụ chú chạy bên dưới phải nói là quá sức kỳ quái “Hãy đổi trí thông minh để lấy những đồng vàng”.
Mua mỉm cười nhìn Kăply:
- Vô đây coi thử không, K’Brêt?
Nhìn thấy cái cửa hiệu vắng tanh vắng ngắt, hổng có hàng hóa, cũng hổng có ai trông coi gì ráo trọi, Kăply đã thấy chờn chợn, muốn bỏ đi lẹ cho rồi. Nhưng nụ cười của Mua không cho phép nó lắc đầu. Nó đáp, ngoảnh mặt đi để Mua không nhìn thấy vẻ gượng gạo trong mắt nó:
- Vô thì vô.
Hai cánh cửa mở toác hoác như mời chào những bước chân rón rén của Kăply và Mua.
Hai đứa bước lên những bậc cấp, băng qua một căn phòng trống để đến một cái sân lát đá xanh nằm liền theo đó, vẫn không thấy một người nào. Sự hoang vắng khác thường của ngôi nhà khiến Kăply nghe ruột gan như quặn từng cơn, nhưng thấy Mua không tỏ thái độ gì, nó đành cắn răng lệt bệt đi theo, bụng không ngừng nguyền rủa cái cửa hiệu khốn kiếp không biết ở đâu mọc ra ngay trong buổi hẹn hò đầu tiên và được khởi đầu rất hứa hẹn của mình.
Đi hết khoảng sân, Kăply và Mua gặp một hành lang sâu hút, gió thổi lồng lộng và không ngừng kêu u u như một tiếng rên bất tận. Chân nặng như chì, Kăply nặng nề lê bước theo Mua đi hết hành lang, xuyên qua một dãy những gian phòng đóng cửa im ỉm, trèo lên những bậc thang rồi lại tiếp tục đi miết, đi miết cho đến khi cả hai giật mình nhận thấy một cánh cửa xám xịt như lông chuột chắn mất lối đi của tụi nó.
- Hết đường đi rồi! - Kăply mừng rỡ lên tiếng, phải cố lắm nó mới không nhảy cẫng lên. - Quay lại thôi, Mua ơi.
Nhưng Mua làm như không nghe thấy Kăply, nó đứng ngây ra, nghển cổ nhìn chằm chằm vào chiếc mặt nạ vằn vện gắn trên cửa, loại mặt nạ mà Kăply nhớ ra nó đã thấy hàng mớ trong căn nhà kho ở lâu đài K’Rahlan.
- Mặt nạ này có gì lạ đâu, Mua... - Kăply nhún vai, và nói bằng giọng của một kẻ biết quá nhiều. - Ở nhà tôi có hàng đống những thứ nhảm nhí như thế này.
- Có khác đấy!
Một giọng nói trầm trầm cất lên và Kăply điếng hồn nhận ra không phải là giọng của Mua. Tóc gáy dựng đứng, Kăply thấp thỏm ngoái đầu nhìn lại phía sau nhưng dãy hành lang mà tụi nó vừa vượt qua vẫn lặng như tờ, không hề có một bóng người thấp thoáng.
Kăply hoang mang quay lại, chưa kịp hỏi Mua, ánh mắt nó chợt chạm phải cái mặt nạ đính trên cánh cửa và lập tức dính cứng luôn ở đó.
- Hãy trả lời đi! Con gì buổi sáng đi bốn chân, buổi trưa đi hai chân và buổi chiều đi ba chân?
Lần này, khi nghe rõ tiếng nói phát ra từ đôi môi đang mấp máy của chiếc mặt nạ quái dị kia, Kăply run bắn người, trái tim văng xa đi đâu cả thước, chân bất giác thối lui ba, bốn bước; ngay trong khoảnh khắc đó, nó đột nhiên thấy phần bụng dưới của nó tưng tức khủng khiếp. Hai đầu gối lập cập khép chặt vào nhau, nó cố đừng để xổ tung hết mọi thứ trong người ra trước mặt Mua.
- Đừng sợ, K’Brêt! Đây chỉ là thủ tục vào cửa thôi... - Mua lật đật lên tiếng trấn an, nó đã kịp hiểu ra vai trò của chiếc mặt nạ, phần khác có lẽ nó không muốn nhìn thấy thằng Kăply tè vãi ra quần trước mặt nó.
- Chỉ là thủ tục vào cửa thôi ư! - Kăply ngơ ngác hỏi lại, mặt vẫn còn tái nhợt.
- Ừ... - Mua gật đầu. - Giải được câu đố này, chắc chúng ta sẽ vào được bên trong. Đây là cách trắc nghiệm trí thông minh của khách hàng, xem chúng ta có đủ trình độ để tham gia cuộc chơi hay không vậy mà.
- Nếu vậy thì dễ thôi... - Kăply áp tay lên ngực, đầu óc dần dần trấn tĩnh. - Đó là con người.
Tất nhiên Mua không biết hồi còn ở làng Ke, Nguyên đã từng đem câu này ra đố Kăply và cuối cùng chính Nguyên đành nói toạc ra luôn lời giải đáp sau một tuần chờ đợi Kăply trong vô vọng. Mua đang định lên tiếng khen bạn thì cánh cửa trước mặt đã xịch mở.
Hoàn toàn tương phản với không khí lặng ngắt bên ngoài, đập vào mắt hai đứa trẻ là một khung cảnh náo nhiệt ì xèo đến nỗi cả Mua lẫn Kăply lập tức đưa tay lên dụi mắt lia lịa.
Sau thoáng ngỡ ngàng, Mua cầm tay Kăply lôi tuột vào bên trong. Hai đứa đứng lấp ló sau lưng những dãy ghế đầy nghẹt người, khẽ nhăn mặt khi không ngừng xộc vào mũi tụi nó mùi mồ hôi phù thủy và mùi khói thuốc lá khét lẹt tỏa ra mù mịt từ bốn, năm chiếc ống điếu trên môi những lão pháp sư già ngồi ở hàng ghế trên cùng. Nhưng dù sao Mua và Kăply cũng có chút mừng rỡ khi thấy chẳng ai thèm chú ý đến tụi nó giữa màn khói dày đặc và hôi rình đó.
Trên chiếc bục cao ở cuối phòng, đứng chình ình chính giữa là một phù thủy mặc chiếc áo chùng màu mè, bên ngoài khoác thêm chiếc áo ngắn đen láng như làm từ một loại vải chống thấm. Mặt mày rất hoạt kê, ông ta liên tục ngoẹo cổ sang hai bên, làm lắc lư chiếc nón chóp dựng đứng như có lót các-tông bên trong, và trong khi ông nói những ngón tay phụ họa theo bằng cách bật vào nhau làm xẹt ra những tia lửa nhỏ và những tiếng lép bép như pháo nổ:
- Ngài Lonton đã lãnh giải của ngài Mit rồi, bây giờ xin mời các vị khác!
Kăply đảo mắt ngó quanh, thấy một bà phù thủy già sọm, mặt mày nhăn nheo đứng lên khỏi hàng ghế thứ ba và lọm cọm tiến lên phía trước với chiếc gậy đầu khỉ trên tay.
- À, xin mời bà Homhem... - Ông phù thủy đứng trên bục hét lên bằng giọng phấn khích, điệu bộ rất kịch, ngó y chang người điều khiển chương trình trao giải Oscar.
Bà Homhem đi lâu thiệt lâu mới tới được chỗ chiếc bục và mất thêm một lúc nữa mới lê được tới chỗ người phù thủy điều khiển chương trình.
Sau khi đứng thở dốc một hồi, bà chậm chạp quay mặt xuống khán phòng, khẽ dộng cây gậy làm phát ra những tiếng “lộp cộp” và nặng nhọc cất tiếng:
- È... ta có chín mươi chín viên ngọc bích, muốn chia cho chín đứa con ta. Nếu ta chia đều thì mỗi đứa sẽ được... è... è... mười một viên, có phải vậy không các nhà thông thái?
- Phải! Phải!
Hàng chục cái miệng ngồi bên dưới ứng tiếng đáp, không biết vì câu hỏi quá dễ hay vì ai cũng muốn chứng tỏ mình là nhà thông thái.
- Nhưng bà già này lại không muốn chia đều, vì như vậy có điều gì đó... è... không được công bằng với công sức của từng đứa con... - Bà Homhem nói, ngừng lại một lúc rồi khò khè tiếp, vẫn đệm lung tung tiếng “è” vào câu nói không biết do thói quen hay do để lấy hơi. - Ta muốn mỗi đứa anh phải được nhiều hơn đứa em kế... è... è... một viên ngọc nhưng thiệt tình là cho đến hôm nay ta vẫn chưa nghĩ ra cách chia như thế nào... è... cho chẵn.
Bà Homhem lại dộng cây gậy xuống bục:
- Như thông lệ ở đây, 20.000 năpken cho vị nào chỉ dẫn cho đầu óc ngu muội của bà già này... è... è...
Nguyên từng nhận xét cái đầu của thằng Kăply chẳng khác gì một cục gạch, tuy gần đây có khá hơn cục gạch một chút xíu. Chính Kăply cũng thừa nhận so sánh của Nguyên nếu không hoàn toàn là sự thật thì cũng chẳng xê xích là mấy.
Bây giờ bắt cái cục gạch đó nghĩ cách đánh lừa thằng Nguyên để ở lại chỗ hẹn với nhỏ Mua thì quả là khó khăn cho Kăply quá. Kăply nghĩ mãi, nghĩ mãi và cuối cùng, lúc chuẩn bị chạy ra cửa theo tụi bạn, đầu nó mới nảy ra một sáng kiến hết sảy là nhét cái cặp sách thụt sâu trong ngăn bàn.
Nguyên chẳng hay biết gì, đi khỏi cổng trường một quãng xa, nghe Kăply rú lên: “Chết rồi. Tao để quên cặp sách trong lớp,” nó tỉnh queo hất đầu:
- Mày quay lại lấy đi. Tao đứng đây đợi.
- Thôi, khỏi đợi... - Kăply hấp tấp nói. - Mày về trước đi, lát tao về với Êmê, Păng Ting và K’Tub.
Nói xong Kăply co giò vọt mất, không để cho thằng bạn nó kịp có ý kiến ý cò gì ráo.
Lúc quay trở ra, dòm quanh quất không thấy Nguyên đâu, Kăply khoái chí toét miệng cười một mình rồi hí hửng chui vô quầy bột chiên cạnh cổng ngồi đợi. Bữa nay thầy Haifai nổi khùng đuổi cổ tụi nó ra khỏi lớp ngang xương, chứ các lớp khác phải mười lăm phút nữa mới ra về.
Một lão phù thủy đầu quấn khăn, cởi trần trùng trục, đang phơi cái bụng to như thùng nước lèo trước một chiếc bàn dài chất lủ khủ các đống bột nhồi. Lão dích từng nhúm bột nhão, lăn chúng trên mặt bàn rồi vo lại thành từng viên tròn tròn thảy vào cái chảo mỡ sôi sùng sục trước mặt.
- Ngồi đi con... - Thấy Kăply bước vào, lão híp mắt cười và gại gại cái mũi nhọn hoắt vào cánh tay chắc là cho đỡ ngứa, miệng niềm nở. - Chắc là con đói bụng rồi há.
- Đây là thứ gì vậy, ông! - Kăply tò mò dòm mấy viên bột nổi lều bều trong chảo. - Giống bánh Nhớ dai quá hả?
- Đừng nói bá láp chứ con! - Lão chủ quầy nhăn mặt vẻ phật ý. - Bánh Nhớ dai của mụ Gian ăn vô chỉ tổ quên sạch cả bài vở, cả tên cha mẹ cũng quên tuốt luôn. Còn đây là bột chiên Yêu đời nổi tiếng mấy trăm năm nay ở Lang Biang đó.
Kăply không có vẻ gì tin tưởng vào lời quảng cáo bốc trời của lão chủ quầy lắm, nhưng đã chui vô đây ngồi đợi Mua, nó không thể không gọi món bột chiên của lão. Nó lục túi, từ dạo bà Êmô quay về lâu đài K’Rahlan, sáng nào bả cũng nhét vào túi áo chùng của nó, Nguyên, Êmê và K’Tub mỗi đứa năm năpken để ăn sáng.
- Ông bán cho con một năpken.
- Chỉ có một năpken thôi ư! - Lão chủ quầy tròn xoe mắt. - Một năpken chỉ mua được ba viên à, con trai. Ta bán cho con năm năpken nhé.
Kăply đặt đồng một năpken lên chiếc bàn dài:
- Dạ thôi ạ. Con mua ba viên đủ rồi.
- Chẳng ai ăn bột chiên Yêu đời chỉ với một năpken. Ăn nhấm nháp thế chỉ tổ chán đời thêm.
Lão chủ quầy lằm bằm trong miệng, nhặt chiếc muỗng dài trước mặt vung lên một cách bực tức.
Kăply kinh ngạc nhận ra đó là đồ dùng pháp thuật. Cái muỗng vừa hất một cái, một chiếc đĩa bạc từ trên nóc tủ phía sau bay vèo xuống và đáp ngay chóc trước mặt Kăply như một chiếc đĩa bay chính hiệu. Lão chủ quầy vung tay một cái nữa, ba viên bột chiên từ trong chảo mỡ đang sôi sùng sục nhảy tót ra và rơi ngay ngắn vào chiếc đĩa, y như được một bàn tay vô hình sắp xếp.
- Ăn đi, nhóc... - Lão chủ quầy hất đầu, giọng lạnh nhạt và không còn kêu Kăply bằng con trai.
Chẳng buồn để ý đến thái độ bất lịch sự của lão, Kăply nhón một viên bột vàng rụm cho vào miệng và đảo mắt nhìn ra ngoài.
Chỗ cổng trường, học trò các lớp bắt đầu túa ra ngay khi hồi chuông ra về vừa reo dứt, thấp thoáng cả bọn trẻ lâu đài K’Rahlan trong số đó. Kăply hấp tấp quay mặt vào phía trong khi thấy thằng Steng lò dò ra khỏi cổng, mắt nhìn dáo dác như đang tìm kiếm những nạn nhân quen thuộc của nó.
Có cả đống đứa tỏa vào các ki-ốt hai bên cổng để ăn vặt. May mà quầy bột chiên Kăply đang ngồi chỉ lác đác khách nên nó không đụng đầu tụi bạn quen. Kăply tọng thêm một cục bột nữa vô họng, lần này nó để tâm lắng nghe mùi vị của món Yêu đời và lập tức hiểu ngay tại sao chẳng mấy ai đặt chân vào quầy bột chiên: vì nếu thấy cuộc đời quả thật đáng yêu và muốn giữ mãi tâm trạng lạc quan đó thì cách hay nhất là đừng bao giờ ngu ngốc nuốt cái thứ bột nhạt thếch như làm từ rong biển và thoang thoảng mùi lá bù xít này.
Lão chủ quầy có vẻ khó chịu khi thấy Kăply ngồi lâu lắc mà vẫn chưa ăn hết ba viên bột chiên trong đĩa. Lão không nói gì nhưng cái ánh mắt gườm gườm của lão y như một nhát chổi đang muốn quét Kăply ra đường quách cho rồi.
Kăply nhận ra ngay cái vẻ mặt khó coi của lão nhưng nó tảng lờ, ra vẻ ta đây là thằng nhóc vô tâm nhất trên đời. Chỉ đến khi tụi học trò từ trong các ki-ốt lục tục kéo nhau ra về và hai cái bím tóc quen thuộc của nhỏ Mua hiện ra chỗ cổng trường, Kăply mới bỏ viên bột cuối cùng vào miệng, nhăn mặt nuốt vội nuốt vàng và lật đật đứng lên.
***
- Bây giờ tụi mình đi đâu hở K’Brêt?
Mua cất tiếng hỏi, khi hai đứa rẽ sang con đường nhỏ cắt ngang đại lộ Brabun để tránh ánh mắt tọc mạch của tụi bạn.
- Tôi cũng không biết nữa.
Kăply bối rối đáp, vẻ lúng túng của nó làm Mua trố mắt:
- Hôm trước bạn rủ tôi đi chơi mà.
- Ừ.
- Ừ là sao?
- Là tôi có rủ Mua đi chơi nhưng thiệt tình thì tôi cũng... hổng biết đi đâu.
- Ra vậy.
Mua bật cười khúc khích, nhưng lần này Kăply không đủ can đảm quay nhìn hàm răng sún của nhỏ bạn. Hai đứa lặng lẽ đi bên nhau và khi cảm thấy cái nắng trên đầu đã dịu bớt, tụi nó chợt nhận ra cả hai đang đi dưới những tàng cây. Chỉ mới rời đại lộ Brabun chừng vài trăm mét mà cả Kăply lẫn Mua đều có cảm giác được vây bọc giữa một sự yên lặng đầy đặn và ấm áp, y như vừa đặt chân vào một thế giới khác.
Trong khi hai đứa đang bắt đầu tin rằng không có một sinh vật nào hiện diện trên con đường tịch mịch này, một ngôi nhà đột ngột hiện ra sau lùm cây bên trái.
Kăply và Mua khẽ đưa mắt nhìn nhau và từ từ đến gần, ngạc nhiên nhận ra đó là một cửa hiệu đồ sộ nhưng trống rỗng.
Một cửa hiệu mọc lên giữa nơi vắng vẻ, hầu như không có người qua lại đã là một chuyện lạ. Nhưng tấm bảng hiệu treo phía trước kẻ hàng chữ còn lạ lùng hơn: “TIỆM NHỮNG DẤU HỎI”, và hàng phụ chú chạy bên dưới phải nói là quá sức kỳ quái “Hãy đổi trí thông minh để lấy những đồng vàng”.
Mua mỉm cười nhìn Kăply:
- Vô đây coi thử không, K’Brêt?
Nhìn thấy cái cửa hiệu vắng tanh vắng ngắt, hổng có hàng hóa, cũng hổng có ai trông coi gì ráo trọi, Kăply đã thấy chờn chợn, muốn bỏ đi lẹ cho rồi. Nhưng nụ cười của Mua không cho phép nó lắc đầu. Nó đáp, ngoảnh mặt đi để Mua không nhìn thấy vẻ gượng gạo trong mắt nó:
- Vô thì vô.
Hai cánh cửa mở toác hoác như mời chào những bước chân rón rén của Kăply và Mua.
Hai đứa bước lên những bậc cấp, băng qua một căn phòng trống để đến một cái sân lát đá xanh nằm liền theo đó, vẫn không thấy một người nào. Sự hoang vắng khác thường của ngôi nhà khiến Kăply nghe ruột gan như quặn từng cơn, nhưng thấy Mua không tỏ thái độ gì, nó đành cắn răng lệt bệt đi theo, bụng không ngừng nguyền rủa cái cửa hiệu khốn kiếp không biết ở đâu mọc ra ngay trong buổi hẹn hò đầu tiên và được khởi đầu rất hứa hẹn của mình.
Đi hết khoảng sân, Kăply và Mua gặp một hành lang sâu hút, gió thổi lồng lộng và không ngừng kêu u u như một tiếng rên bất tận. Chân nặng như chì, Kăply nặng nề lê bước theo Mua đi hết hành lang, xuyên qua một dãy những gian phòng đóng cửa im ỉm, trèo lên những bậc thang rồi lại tiếp tục đi miết, đi miết cho đến khi cả hai giật mình nhận thấy một cánh cửa xám xịt như lông chuột chắn mất lối đi của tụi nó.
- Hết đường đi rồi! - Kăply mừng rỡ lên tiếng, phải cố lắm nó mới không nhảy cẫng lên. - Quay lại thôi, Mua ơi.
Nhưng Mua làm như không nghe thấy Kăply, nó đứng ngây ra, nghển cổ nhìn chằm chằm vào chiếc mặt nạ vằn vện gắn trên cửa, loại mặt nạ mà Kăply nhớ ra nó đã thấy hàng mớ trong căn nhà kho ở lâu đài K’Rahlan.
- Mặt nạ này có gì lạ đâu, Mua... - Kăply nhún vai, và nói bằng giọng của một kẻ biết quá nhiều. - Ở nhà tôi có hàng đống những thứ nhảm nhí như thế này.
- Có khác đấy!
Một giọng nói trầm trầm cất lên và Kăply điếng hồn nhận ra không phải là giọng của Mua. Tóc gáy dựng đứng, Kăply thấp thỏm ngoái đầu nhìn lại phía sau nhưng dãy hành lang mà tụi nó vừa vượt qua vẫn lặng như tờ, không hề có một bóng người thấp thoáng.
Kăply hoang mang quay lại, chưa kịp hỏi Mua, ánh mắt nó chợt chạm phải cái mặt nạ đính trên cánh cửa và lập tức dính cứng luôn ở đó.
- Hãy trả lời đi! Con gì buổi sáng đi bốn chân, buổi trưa đi hai chân và buổi chiều đi ba chân?
Lần này, khi nghe rõ tiếng nói phát ra từ đôi môi đang mấp máy của chiếc mặt nạ quái dị kia, Kăply run bắn người, trái tim văng xa đi đâu cả thước, chân bất giác thối lui ba, bốn bước; ngay trong khoảnh khắc đó, nó đột nhiên thấy phần bụng dưới của nó tưng tức khủng khiếp. Hai đầu gối lập cập khép chặt vào nhau, nó cố đừng để xổ tung hết mọi thứ trong người ra trước mặt Mua.
- Đừng sợ, K’Brêt! Đây chỉ là thủ tục vào cửa thôi... - Mua lật đật lên tiếng trấn an, nó đã kịp hiểu ra vai trò của chiếc mặt nạ, phần khác có lẽ nó không muốn nhìn thấy thằng Kăply tè vãi ra quần trước mặt nó.
- Chỉ là thủ tục vào cửa thôi ư! - Kăply ngơ ngác hỏi lại, mặt vẫn còn tái nhợt.
- Ừ... - Mua gật đầu. - Giải được câu đố này, chắc chúng ta sẽ vào được bên trong. Đây là cách trắc nghiệm trí thông minh của khách hàng, xem chúng ta có đủ trình độ để tham gia cuộc chơi hay không vậy mà.
- Nếu vậy thì dễ thôi... - Kăply áp tay lên ngực, đầu óc dần dần trấn tĩnh. - Đó là con người.
Tất nhiên Mua không biết hồi còn ở làng Ke, Nguyên đã từng đem câu này ra đố Kăply và cuối cùng chính Nguyên đành nói toạc ra luôn lời giải đáp sau một tuần chờ đợi Kăply trong vô vọng. Mua đang định lên tiếng khen bạn thì cánh cửa trước mặt đã xịch mở.
Hoàn toàn tương phản với không khí lặng ngắt bên ngoài, đập vào mắt hai đứa trẻ là một khung cảnh náo nhiệt ì xèo đến nỗi cả Mua lẫn Kăply lập tức đưa tay lên dụi mắt lia lịa.
Sau thoáng ngỡ ngàng, Mua cầm tay Kăply lôi tuột vào bên trong. Hai đứa đứng lấp ló sau lưng những dãy ghế đầy nghẹt người, khẽ nhăn mặt khi không ngừng xộc vào mũi tụi nó mùi mồ hôi phù thủy và mùi khói thuốc lá khét lẹt tỏa ra mù mịt từ bốn, năm chiếc ống điếu trên môi những lão pháp sư già ngồi ở hàng ghế trên cùng. Nhưng dù sao Mua và Kăply cũng có chút mừng rỡ khi thấy chẳng ai thèm chú ý đến tụi nó giữa màn khói dày đặc và hôi rình đó.
Trên chiếc bục cao ở cuối phòng, đứng chình ình chính giữa là một phù thủy mặc chiếc áo chùng màu mè, bên ngoài khoác thêm chiếc áo ngắn đen láng như làm từ một loại vải chống thấm. Mặt mày rất hoạt kê, ông ta liên tục ngoẹo cổ sang hai bên, làm lắc lư chiếc nón chóp dựng đứng như có lót các-tông bên trong, và trong khi ông nói những ngón tay phụ họa theo bằng cách bật vào nhau làm xẹt ra những tia lửa nhỏ và những tiếng lép bép như pháo nổ:
- Ngài Lonton đã lãnh giải của ngài Mit rồi, bây giờ xin mời các vị khác!
Kăply đảo mắt ngó quanh, thấy một bà phù thủy già sọm, mặt mày nhăn nheo đứng lên khỏi hàng ghế thứ ba và lọm cọm tiến lên phía trước với chiếc gậy đầu khỉ trên tay.
- À, xin mời bà Homhem... - Ông phù thủy đứng trên bục hét lên bằng giọng phấn khích, điệu bộ rất kịch, ngó y chang người điều khiển chương trình trao giải Oscar.
Bà Homhem đi lâu thiệt lâu mới tới được chỗ chiếc bục và mất thêm một lúc nữa mới lê được tới chỗ người phù thủy điều khiển chương trình.
Sau khi đứng thở dốc một hồi, bà chậm chạp quay mặt xuống khán phòng, khẽ dộng cây gậy làm phát ra những tiếng “lộp cộp” và nặng nhọc cất tiếng:
- È... ta có chín mươi chín viên ngọc bích, muốn chia cho chín đứa con ta. Nếu ta chia đều thì mỗi đứa sẽ được... è... è... mười một viên, có phải vậy không các nhà thông thái?
- Phải! Phải!
Hàng chục cái miệng ngồi bên dưới ứng tiếng đáp, không biết vì câu hỏi quá dễ hay vì ai cũng muốn chứng tỏ mình là nhà thông thái.
- Nhưng bà già này lại không muốn chia đều, vì như vậy có điều gì đó... è... không được công bằng với công sức của từng đứa con... - Bà Homhem nói, ngừng lại một lúc rồi khò khè tiếp, vẫn đệm lung tung tiếng “è” vào câu nói không biết do thói quen hay do để lấy hơi. - Ta muốn mỗi đứa anh phải được nhiều hơn đứa em kế... è... è... một viên ngọc nhưng thiệt tình là cho đến hôm nay ta vẫn chưa nghĩ ra cách chia như thế nào... è... cho chẵn.
Bà Homhem lại dộng cây gậy xuống bục:
- Như thông lệ ở đây, 20.000 năpken cho vị nào chỉ dẫn cho đầu óc ngu muội của bà già này... è... è...
Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.net
Dtruyen.com đổi tên miền thành Dtruyen.net. Độc giả ghi nhớ để truy cập.