Cuộc Đời Của Pi

Chương 18

Yann Martel

03/09/2017

Anh đã có vợ. Tôi đang cúi cởi giầy thì nghe anh nói: Xin giới thiệu đây là nhà tôi. Tôi ngẩng lên và ngay ở đó, bên cạnh anh… là bà Patel. Xin chào, chị lên tiếng, giơ tay ra cho tôi bắt và mỉm cười. Piscine đã nói với tôi rất nhiều về anh. Tôi thì không thể nói với chị điều tương tự. Tôi đã chưa biết tí gì về chị. Chị đang sắp phải đi nên chúng tôi chỉ chuyện trò được đôi câu. Chị cũng là người Ấn Độ nhưng nói giọng Canada điển hình hơn. Chắc là thế hệ thứ hai. Chị trẻ hơn anh một chút, da hơn đen hơn một chút, tóc dài đen tết thành một bím nặng. Cặp mắt đen láy và sáng và hàm răng trắng thật đáng yêu. Chị mang trên tay một cái áo choàng phòng thí nghiệm trắng tinh vừa giặt khô vẫn còn để trong bao ni lông, chị làm nghề bào chế thuốc. Khi tôi chào: rất được hân hạnh, thưa bà Patell, chị đáp: Xin anh cứ gọi tôi là Meena. Vợ chồng hôn nhẹ nhau một cái, rồi chị ra khỏi nhà vì một phiên làm ngày thứ Bảy.

Căn nhà này không phải chỉ là cái hộp đầy các tượng thờ nữa. Tôi bắt đầu để ý thấy các dấu hiệu nho nhỏ của một cuộc sống lứa đôi. Chúng vẫn ở đó cả thôi, nhưng trước đây tôi đã không tìm kiếm chúng.

Anh là một người nhút nhát. Cuộc đời đã dạy anh chớ có khoe khoang những gì quý giá nhất của mình.

Chẳng nhẽ chị đã là thủ phạm của những vụ bụng da tôi ậm ạch sau những lần ăn uống tại nhà anh?

Tôi vừa làm món sốt chua ngọt đãi anh đấy, anh nói, miệng mỉm cười.

Thì ra không phải chị, mà chính là anh.

Họ gặp nhau một lần, ông Kumar với ông Kumar, ông làm bánh với ông thầy giáo. Ông Kumar thứ nhất nói ông muốn đến thăm vườn thú. “Ngần ấy năm sống ở đây mà tôi chưa lần nào được xem. Mà thật là ngay gần đây. Cậu sẽ hướng dẫn tôi chứ?” Ông hỏi.

“Vâng, tất nhiên rồi,” tôi đáp. “Thật là một vinh dự cho cháu.”

Chúng tôi hẹn gặp nhau ở cổng chính sau giờ tan trường ngày hôm sau.

Tôi lo lắng suốt ngày hôm đó, bụng bảo dạ, “Mày thật ngốc nghếch! Sao lại hẹn ở cổng chính? Lúc nào chỗ đó cũng đông người. Mày quên là ông ấy chẳng có đặc điểm gì rồi à? Mày sẽ không khi nào nhận được ra ông ấy cho mà xem!” Nếu tôi đi ngay qua cạnh ông mà không nhận ra ông thì ông chắc sẽ tự ái lắm. Ông sẽ nghĩ tôi đã thay lòng đổi dạ và không còn muốn cặp kè với một người làm bánh Hồi giáo nghèo khổ nữa. Ông sẽ bỏ đi không thém nói một lời. Ông sẽ không giận dữ - ông sẽ chấp nhận lời biện bạch của tôi là tôi bị chói mắt không nhìn thấy ông – nhưng ông sẽ không còn muốn đến thăm vườn thú làm gì nữa. Tôi có thể thấy sự việc sẽ diễn ra như thế. Tôi bắt buộc phải nhận ra ông. Tôi sẽ nấp và đợi đến khi nào chắc chắn đó là ông, nhất định sẽ phải làm như vậy. Nhưng tôi đã từng nhận thấy rằng cứ khi nào tôi cố hết sứcđể nhận dạng ông thì lại là lúc khó khăn nhận ra ông nhất. Hình như càng cố thì càng khó là đằng khác.

Đến giờ hẹn, tôi đứng trực ngay trước cổng chính của vườn thú và bắt đầu dụi mắt bằng cả hai tay.

“Mày làm cái gì thế?”

Đó là Raj, một thằng bạn.

“Tao đang bận.”

“Mày bận dụi mắt à?”

“Cút đi.”

“Mình đi ra bờ biển đi.”

“Tao đang đợi một người.”

“Thế thì mày sẽ lỡ hẹn nếu cứ dụi mắt lia lịa như thế kia.”

“Cảm ơn mày đã nhắc. Mày đi chơi bờ biển cho vui nhé.”

“Hay là đi Vườn Nhà nước đi mày.”

“Tao không đi được, tao bảo rồi mà.”

“Thôi đi.”

“Tao xin mày, Raj, mày đi đi.”

Nó bỏ đi. Tôi lại dụi mắt.

“Mày giúp tao làm bài tập toán được không, Pi?”

Đó là Ajith, một thằng bạn khác.

“Để sau, mày đi chỗ khác đi.”



“Chào Piscine”

Đó là bà Radhakrishna, một người bạn của mẹ. Tôi xua được bà đi chỗ khác sau một vài câu nhẹ nhàng.

“Xin lỗi, đến phố Laporte đi lối nào?”

Một người lạ.

“Lối kia.”

“Vé vào vườn thú bao nhiêu tiền?”

Một người lạ khác.

“Năm rupi. Quầy bán vé ở ngay kia.”

“Câu bị chlorine vào mắt hay sao?”

Đó là Mamaji.

“Chào bác Mamaji, không phải đâu ạ.”

“Bố cháu có đây không?”

“Chắc có ạ.”

“Gặp cháu sáng mai nhé.”

“Thưa bác vâng ạ.”

“Tôi đây, cậu Piscine.”

Tôi đông cứng lại trước mắt mình. Cái giọng nói đó. Vừa lạ vừa quen. Tôi cảm thấy như trong lòng mở một nụ cười.

“Salaam alaykum, bác Kumar! Gặp bác cháu rất mừng.”

“Wa alaykum as-salaam(1). Mắt cậu làm sao thế?”

“Không, không sao đâu ạ. Chắc chỉ là một hạt bụi.”

“Đỏ hết cả rồi.”

“Không sao đâu ạ.”

Ông đi về phía quầy vé nhưng tôi gọi ông lại.

“Không, không. Thầy(2) không phải mua vé đâu ạ.”

Thật là vinh hạnh khi tôi xua tay về phía quầy vé và mở đường cho ông Kumar bước vào vườn thú.

Ông kinh ngạc trước tất cả mọi thứ, nào là vì cây cao mà sinh ra hươu cao cổ, rồi chuyện các loài ăn thịt thì được cấp thức ăn là loài ăn cỏ, rồi loài ăn cỏ thì có cỏ mà ăn, rồi thì chuyện có các loài ăn đêm và các loài ăn ngày, con nào cần có mỏ sắc thì có mỏ sắc, con nào cần có chân tay nhanh nhẹn thì có chân tay nhanh nhẹn. Tôi sung suớng thấy ông kinh ngạc đến như vậy.

Ông dẫn lời kinh Koran: “Có thông điệp của Thượng đế cho những ai biết dùng trí xét đoán của mình trong tất cả những điều này.”



Chúng tôi đến chỗ bọn ngựa vằn. Ông Kumar chưa từng nghe về những con vật này chứ đừng nói đến chuyện đã từng nhìn thấy một con. Ông đứng ngây người.

“Ngựa vằn đấy ạ.” Tôi bảo.

“Người ta sơn vẽ chúng bằng bút lông à?”

“Không, không. Trông thế thôi chứ là tự nhiên đấy ạ.”

“Trời mưa thì sao?”

“Chẳng sao ạ.”

“Những cái vạch lông kia không nhòe nhoẹt đi à?”

“Không ạ.”

Tôi có mang theo ít cà-rốt. Còn một củ to và cứng. Tôi lấy nó ra khỏi túi. Đúng lúc ấy tôi nghe thấy tiếng sỏi lạo xạo ở phía bên phải. Đó là ông Kumar, đang bước về phía hàng rào trong dáng điệu lắc lư khập khiễng quen thuộc.

“Chào thầy ạ.”

“Chào Pi.”

Ông làm bánh, bẽn lẽn nhưng đàng hoàng, gật đầu chào ông thầy giáo. Ông này lại gật đầu chào lại.

Một chú ngựa vằn tinh ý đã thấy củ cà-rốt của tôi và đã bước đến chỗ rào thấp. Nó vẫy tai và giậm chân nhè nhẹ. Tôi bẻ củ cà-rốt làm đôi, đưa cho mỗi ông Kumar một nửa. “Cám ơn Piscine,” một ông nói. “Cám ơn Pi” ông kia bảo. Ông Kumar làm trước, thò tay qua hàng rào. Cặp môi dày đen bóng và khoẻ mạnh của con ngựa vằn ngoạm ngay lấy củ cà-rốt. Ông Kumar không bỏ ra, con ngựa vằn đớp ngập răng vào mẩu cà-rốt và cắn nó ra làm hai. Nó nhai rau ráu trong vài giây, rồi ngoạm nốt nửa kia, môi nó phủ kín các đầu ngón tay ông Kumar. Ông buông miếng ca-rốt và vuốt ve cái mũi mềm mại của con ngựa vằn.

Đến lượt ông Kumar. Ông không làm khó cho con ngựa vằn như ông kia. Khi môi con ngựa đã ngoạm nửa miếng cà-rốt, ông buông tay. Cặp môi ấy vội vàng lùa miếng cà-rốt vào trong miệng.

Ông Kumar với ông Kumar có vẻ sung suớng.

“Cậu bảo gì nhỉ, ngựa vằn à?” Ông Kumar nói.

“Đúng thế ạ,” tôi trả lời. “Nó thuộc cùng một họ với lừa và ngựa.”

“Xe Rolls-Royce của các nhà kỵ sỹ” ông Kumar nói.

“Con này là một con ngựa vằn giống Grant,” tôi nói.

Ông Kumar nói, “Equus burchelli beohmi(3).”

Ông Kumar nói, “Allahu akbar(4).”

Tôi nói, “Nó rất đẹp.”

Chúng tôi tiếp tục nhìn.

Ghi chú:

(1). Salaam alaykum là câu chào nhau của người Hồi giáo, có nghĩa tương tự như xin Thượng đế ở cùng bạn và Wa alaykum as-salaam là câu đáp lại, cũng có nghĩa đó (ND).

(2). Pi phải gọi ông Kumar này là “Bác” mới đúng, vì ông thầy Kumar dạy sinh vật lát sau mới đến. (namphuong)

(3) Tiếng Latin, có nghĩa: con ngựa rất đẹp. (ND)

(4) Nghĩa là: Vinh danh thánh Allah. (ND) Đăng bởi: admin

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.net

truyện Đam Mỹ
truyện ngôn tình

Dtruyen.com đổi tên miền thành Dtruyen.net. Độc giả ghi nhớ để truy cập.

ngôn tình sắc

Nhận xét của độc giả về truyện Cuộc Đời Của Pi

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook