Cuộc Sống Bình Dị

Chương 18

Junne

03/10/2017

Thời gian này mọi người trong thôn xôn xao về việc có một hộ mới dọn đến. Họ bắt đầu dựng nhà từ ba hôm trước, mấy ngày nay cha cùng những người đàn ông khác trong thôn qua đó phụ dựng nhà, kiếm cũng được bốn mươi văn một ngày, không bao cơm. Diệu Nhi cảm thấy như vậy cũng được, thà về nhà cô nấu món ngon cho cha ăn còn hơn là ăn ở nhà người ta, rau dại với cháo là chủ yếu.

Từ sáng Ngô thẩm đã qua nhà ngồi thêu thùa với nương. Ngô thẩm thường xuyên qua lại với mọi người, lại còn có khiếu nói chuyện nên bắt kịp thông tin rất nhanh. Nương thì thuộc kiểu người ít nói, chỉ tập trung làm là chủ yếu. Nhưng cũng may nhờ có Ngô thẩm mà mấy người nhà Diệu Nhi cũng biết thêm được chút tin tức.

"Nghe đâu là người trên trấn lớn chuyển về đấy!"

"Thật hả? Nếu là ở trấn lớn sao không sống ở đó nhỉ? Nơi đó có điều kiện hơn mà."

"Chắc gặp chuyện gì đấy!" Ngô thẩm vừa xỏ chỉ thêu vào kim vừa đáp. "Chẳng biết mấy người nhà đó có dễ ở chung không? Nếu là một gia đình chua ngoa đanh đá chắc cái thôn này om sòm cả ngày mất thôi."

Nương nghe xong thì nói:

"Ta nghĩ chắc cũng không đến nỗi đâu. Dù sao cũng là người từ nơi phồn hoa hơn mà."

"Ôi dào, nơi lớn thì sao chứ? Chỗ nào cũng có người này, người kia a. Nhưng nghe cha mấy đứa nhỏ nói chủ nhà đó cũng là người hiểu lý lẽ, nói chuyện cũng biết trước biết sau."

"Vậy chắc cũng không đến nỗi đâu."

"Hy vọng vậy a!"

Diệu Nhi ngồi kế bên vừa chép sách, vừa vểnh tai nghe lén chuyện xóm làng. Ở nơi này không có cái gì để tiêu khiển ngoài hóng chuyện cả. An Nhi tỷ thì dịu dàng ngồi thêu thùa vô cùng nghiêm túc, không hề nói leo vào một câu nào, rất ra dáng thục nữ.

Ngô thẩm thấy Diệu Nhi ngồi viết chữ thì khen: "Nhà tỷ có mấy đứa nhỏ thông minh quá! Đặc biệt là Diệu Nhi, còn biết cả chữ nữa."

"Nào có thông minh gì chứ." Mặc dù trong lòng rất vui nhưng bên ngoài nương vẫn phải giả vờ như không có gì, "Mấy đứa nó tự mày mò thôi, chứ tôi và cha bọn nó có biết chữ nghĩa gì đâu."

"Bởi vậy ta mới khen nhà tỷ có phúc a. Ta cũng chỉ mong thằng nhóc Thanh Lãng nó học bằng một phần tiểu Sơn nhà tỷ là ta cũng vui rồi."

"Ta thấy hai đứa nó học như nhau mà. Thẩm cũng đừng ép thằng bé quá, học hành phải để cho tụi nó tự do thì mới dễ tiếp thu. Nhà ta chẳng hề ép buộc gì, cứ tùy chúng nó nháo. Nhưng cũng tạ ơn trời, giờ bốn đứa nhỏ đứa nào cũng biết chữ, lâu lâu tôi và cha chúng nó còn học ké được một ít."

Ngô thẩm thở dài: "Thế đạo này, biết chữ là vô cùng may mắn a."

Thời cha với nương, kiếm được miếng ăn đã khó rồi chứ đừng nói đến chữ nghĩa. Tối ngày bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, đổ mồ hôi, sôi nước mắt mới được vài tạ lương thực, nộp thuế xong chẳng còn nhiêu để ăn. Nếu mà năm nào mất mùa còn khổ hơn nữa. Có người còn ăn cả vỏ cây, côn trùng để sống.

Sau khi Ngô thẩm về thì nương đi nấu cơm, Diệu Nhi đứng dậy vươn vai, lắc qua lắc lại cho đỡ mỏi, ngồi suốt hai canh giờ cánh tay cũng tê dần. Hôm nay cha bận đi dựng nhà cho người ta nên chỉ có A Thành ca và Thanh Mộc rủ nhau đi săn thôi. Sau khi làm vài động tác thể dục thì Diệu Nhi ra sân lật tôm khô, rồi đi cho gà ăn hộ tiểu Sơn. Bây giờ thằng bé bận đi học buổi sáng nên công việc chăm sóc và cho gà ăn được giao lại cho Diệu Nhi. Ngày nào thằng bé cũng dặn đi dặn lại nhớ phải chăm sóc đàn gà của nó cho kỹ, không được bỏ đói...vv... Vì nương có lần đùa rằng, thằng bé có tiền đi học được hay không là nhờ đàn gà này hết đó.

Tầm giữa trưa thì cha về, mồ hôi nhễ nhại, ướt hết cả tấm áo sờn cũ. Diệu Nhi nhanh tay múc một chậu nước mát và đưa khăn bố sạch cho cha và nói:

"Cha, người rửa mặt đi."



"Được."

Chờ cha rửa mặt xong, cả nhà quây quần ăn cơm. Bữa cơm nhà nông vẫn có mấy món đơn giản thôi, canh măng, cá kho cà, rau xào tôm, gỏi đu đủ chua ngọt, dù chỉ ăn với bánh rán nhưng cũng đã được coi là mỹ vị rồi. Có nhà đến cháo cũng không có để mà ăn chứ đừng nói tôm hay cá.

"Ngày mai chàng lên trấn bán tôm hay ta đi?" Nương vừa ăn vừa hỏi.

Cha suy nghĩ một lát rồi đáp: "Ta vẫn đi dựng nhà, nàng với A Thành đi là được rồi. Thằng bé cũng lớn rồi nên để cho nó tập tự lập dần."

"Được."

Sau khi ăn xong, cha nghỉ ngơi tầm nửa tiếng lại đi làm, nương bắt hai tỷ muội Diệu Nhi ngủ hơn một canh giờ mới cho dậy vì An Nhi tỷ và Diệu Nhi đều làm những việc hại cho mắt, mà còn ngồi chăm chú rất lâu nữa.

Mấy tháng nay cả nhà bận bịu bán măng tươi, bán tôm, bán thịt thú săn được, rồi đồ thêu của nương và An Nhi tỷ nữa cũng đã đủ tiền mua một con trâu. Cha nương dự tính qua tháng sau sẽ mua, như vậy đến vụ mùa công việc sẽ bớt mệt hơn.

Đến xế chiều A Thành ca đi săn về, được ba con gà rừng, một con thỏ và một con chồn. Hôm nay thu hoạch không tệ, Thanh Mộc thì nhờ tay nghề giỏi hơn nên săn thêm được hai con chim lớn nữa. Lúc A Thành ca về Diệu Nhi và tiểu Sơn đang phụ nương gom tôm khô. A Thành vào đến sân, vứt con mồi sang một bên, xắn tay áo liền lao vào phụ.

"Con vào nghỉ ngơi chút đi, mình nương làm được mà." Nương xót con trai cả vất vả, đau lòng nói.

"Không sao đâu nương, con không mệt lắm."

Thời gian này A Thành ca bỗng dưng cao lớn, to con hẳn ra, mới mười lăm mà nhìn cứ như hai mươi. Đã vậy còn siêng năng làm việc, nên làn da rám nắng đen hơn hồi trước nhiều, tuy nhiên vì được ăn uống đầy đủ nên cơ thể khỏe mạnh, nhìn rất có sức hút.

Mấy người đang lui khui gom tôm thì Thanh Mộc sang, thấy cả nhà đang làm cũng lao vào phụ. Nương thấy vậy thì nói:

"Sao đi săn về cực khổ mà cháu không nghỉ ngơi chút đi, lại qua đây?"

"Dạ, cháu có hái được ít trái cây dại mang qua cho mọi người ăn lấy thảo."

"Khi nãy cháu không đưa A Thành cầm về luôn, mất công đi sang đây nữa không?"

"Dạ, nãy cháu quên mất." Thanh Mộc cười hì hì gãi đầu. Hắn nào dám nói hắn kiếm cớ qua đây thăm cô gái nhỏ của hắn chứ. Dù sao hắn có tâm tư nhăm nhe nữ nhi nhà người ta mà.

Diệu Nhi nhìn hắn như vậy thì bật cười, vì có hai người phụ nên cô không phải làm nữa, nhanh chân đi cầm rổ trái cây Thanh Mộc mang sang xem thử là trái gì. Toàn là trái lạ, cô không biết nhưng trông có vẻ mọng nước và rất ngon.

"Để con mang vào rửa nhé nương."

"Ừ."

Diệu Nhi mang ra sau bếp, múc nước từ trong lu chứa đổ vào chậu rồi cho rổ trái cây vào rửa kỹ từng trái cho thật sạch.

***



Đêm ngày rằm nên trăng rất sáng, tròn vành vạch vậy đó, nhìn thấy cả đường đi, tuy chỉ mơ hồ nhưng còn hơn là không thấy gì a. Đầu tháng năm, gió thổi lồng lộng, mấy cây cao rì rì xào xạc nghe rất vui tai. Tối nay, Diệu Nhi không chép sách nên ngồi ngoài mái hiên chỉ cho A Thành ca cách làm đèn lồng để treo và đi lại trong đêm. Vì nhiều khi cha hay ra thăm ruộng vào lúc đầu sáng hoặc tối khuya nữa.

"Huynh vuốt tre cho hết các góc cạnh rồi ghép chúng lại như hình muội vẽ này. Sau đó dùng các thanh khác chống nó lên, lấy giấy dán bên ngoài."

Vừa nói, Diệu Nhi vừa chỉ cho A Thành ca các bước làm mà cô vẽ trên giấy. Phía bên kia tiểu Sơn đang ngồi học bài nhưng thằng bé rất ham vui cứ chốc chốc lại nhìn lén qua bên này, đến mức Diệu Nhi phải nạt:

"Nếu đệ không lo học bài cho xong thì tỷ sẽ không chỉ cho A Thành ca làm đèn lồng cho đệ đâu."

"Đừng mà tỷ. Đệ học mà." Thành bé mếu máo, lại cầm sách chăm chú đọc.

Mất một canh giờ cũng làm xong bốn cái đèn lồng, một cái hình ngôi sao, thứ này dễ làm nhất, sau đó là hai cái đèn lồng hình trụ và hình tròn cho cha nương dùng, cuối cùng làm một cái đèn hình con cá cho tiểu Sơn. Thằng bé thích lắm, chiều tối nào cũng mang ra đốt rồi đi lượn một vòng mới chịu về ăn cơm. Mấy đứa nhóc trong thôn thấy lại, vừa đi theo chơi vừa xuýt xoa hâm mộ làm thằng bé càng ưỡn ngực, hãnh diện, kiêu ngạo, Diệu Nhi nhìn thấy buồn cười kinh khủng.

Ở thời đại này có đèn lồng nhưng không có nhiều kiểu cho lắm, nên Diệu Nhi tính bàn với cả nhà làm đèn lồng bán. Sau khi nói ra, đều được mọi người chấp thuận nên cả nhà Diệu Nhi dự tính bắt đầu làm sau vụ mùa.

Mấy ngày sau, nương và cha đi bán mẻ tôm khô cuối cùng thì cả nhà tính ngưng làm vì lúc này tôm cũng cạn kiệt nhiều rồi, lại bắt đầu chuyển qua hái măng làm măng khô thôi. Ngày hôm nay tiểu Sơn được nghỉ, vì thưởng cho thằng bé học rất tốt trong thời gian qua, Diệu Nhi làm cho thằng bé một cái diều bằng giấy để chơi. Thằng bé thích lắm, chiều nào cũng cầm ra bãi đất trống đầu làng thả.

Gia đình mới dọn đến cũng có bốn nhân khẩu, người đứng đầu gia đình tên Phạm Chiêu, thê tử là Lưu thị, nữ nhi lớn năm nay mười ba tuổi tên Tuyết Hạnh và một tiểu nhi tử bốn tuổi tên Phạm Thiết. Nhà họ xây nhà cũng khá lớn, bự gần gấp đôi nhà Diệu Nhi, sơn màu khá đẹp, xây cả hàng rào, trồng hoa, đào ao nhỏ làm cảnh... Nhiều lúc Diệu Nhi nghĩ họ không phải chạy trốn chuyện gì mà về đây nghỉ dưỡng thì đúng hơn.

Tuyết Hạnh rất xinh đẹp, da trắng bóc, mắt hạnh, tóc đen dài, nàng ta rất thích mặc váy màu xanh biển nhạt, mỗi bước đi làn váy bay phấp phới rất đẹp. Từ ngày có nàng ta đến, đám trai trẻ trong thôn trở nên rộn ràng hơn hẳn. Đúng là so về nhan sắc nàng ta ơn hẳn An NHi tỷ, nhưng Diệu Nhi vẫn thích kiểu nữ nhân như An Nhi tỷ hơn, không phải vì tỷ muội nên cô thiên vị mà vì kiểu nữ nhân như An Nhi tỷ lấy về gia đình sẽ êm ấm hơn. Tuyết Hạnh xinh đẹp thật đó, nhưng tính tình khá kiêu căng, ỷ vào bản thân nhà mình có tiền nên có vài lần Diệu Nhi bắt gặp nàng ta chửi mắng vài tiểu tử theo đuổi.

Ngược lại thằng nhóc tiểu Thiết lại rất đáng yêu, trắng trắng tròn tròn vô cùng lễ phép, gặp ai cũng cười toe toét chào. Thằng bé chơi rất hợp với tiểu Sơn nên cũng hay qua nhà Diệu Nhi chơi, và sau khi được nếm thử mấy món ăn nhà Diệu Nhi làm thì tần suất ghé chơi còn nhiều hơn nữa.

"Diệu Nhi tỷ, tỷ đang làm gì thế?" Chưa thấy người Diệu NHi đã nghe thấy tiếng trước rồi.

"Tỷ đang rửa măng."

"Cái thứ này là thứ mà hôm qua nấu với cá đúng không tỷ?"

"Đúng rồi. Tiểu Thiết thích ăn không nè?"

"Dạ thích." Tiểu Thiết nghiêm túc gật đầu lia lịa làm Diệu Nhi phì cười.

"Vậy lát Diệu NHi tỷ nấu cho tiểu Thiết ăn nhé, hôm nay tiểu Thiết có ở lại nhà tỷ ăn cơm không?"

"Đệ có, đệ có..."

"Vậy giờ tiểu Thiết phụ Diệu Nhi tỷ rửa măng nhé." Diệu NHi chọc thằng bé.

"Được ạ." Thằng bé hồn nhiên đáp.

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.net

truyện trọng sinh
truyện ngôn tình

Dtruyen.com đổi tên miền thành Dtruyen.net. Độc giả ghi nhớ để truy cập.

truyện bách hợp

Nhận xét của độc giả về truyện Cuộc Sống Bình Dị

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook