Cuộc Sống Của Hai Người Ở Trong Rừng

Chương 40: Cá Chép Kho

Dục Hỏa Tiểu Hùng Miêu

23/09/2021

Đến cuối tháng năm, nhiệt độ nóng hơn một chút, đi dạo trong rừng, ven sông, hồ nước, trong tầm mắt đều là một màu xanh lá.

Trên mấy mảnh đất của Hà Điền cũng vậy.

Cao nhất là mầm khoai tây, có cây cao gần 20 cm, cà rốt, củ cải và kê cũng đều xanh mơn mởn.

Những mầm khoai lang ngâm trong cốc gốm cũng đã lớn, trước tiên chuyển nó sang một cái chậu lớn bằng gốm cạn, lúc đầu trong chậu chỉ có vài cây con, dần dần càng ngày càng dày đặc, những cây con có màu xanh nhạt này dường như đang uống nước vậy, mỗi ngày cô đều đổ thêm vào trong chậu khoảng 10 cm nước.

Sau khi chồi khoai lang mọc rễ thì có thể đem giâm xuống đất.

Hà Điền và Dịch Huyền trồng một mảnh khoai lang, và có để lại một dãy mầm dưới bệ cửa sổ trong nhà, xanh mơn mởn vô cùng đáng yêu.

Hà Điền cũng để lại một vài chiếc cốc gốm rỗng, lâu lâu lại hái một ít hoa dại nơi núi rừng đem cắm vào.

Ngoài cửa sổ, cây táo cũng đang nở hoa, trên cây nở đầy hoa trắng hồng, vừa ngồi trong phòng đã ngửi thấy mùi thơm, nhắm mắt lại, trước mũi như có đĩa táo chín.

Hoa táo thu hút rất nhiều ong và bướm, trước nhà sau nhà đâu đâu cũng thấy.

Nếu là ong, Hà Điền rất chào đón, nhưng bướm thì, cô không thích nó cho lắm.

Bạn biết đấy, một số loài bướm đuổi bắt và bay lượn trên ruộng rau không phải chỉ để chơi, chúng là đang tán tỉnh, nếu tán tỉnh thành công, chúng sẽ sinh sản. Trứng được đẻ trên lá rau, sau khi nở, ấu trùng sẽ từng ngụm từng ngụm ăn sạch số rau mà bọn họ vất vả lắm mới trồng được. Đặc biệt là cây cải thảo non.

Vì vậy, rất nhanh, Hà Điền và Dịch Huyền đã cắm thêm cọc tre xung quanh đất trồng và dùng lưới đánh cá bao phủ lên chúng. Chỉ những khi xới đất, bón phân, loại bỏ côn trùng và cỏ dại thì mới xốc lưới lên.

Mỗi lúc như vậy, hai người đều nghĩ, nếu như có thể xây một cái rạp lớn thì tốt biết mấy.

Cà rốt, củ cải, khoai tây, khoai lang, lúa mì, và cải thảo, những loại cây này được Hà Điền chăm bón rất cẩn thận, đến nay đều phát triển rất tốt.

Sau tháng sáu, cô còn muốn trồng thêm một số cà chua và dưa chuột, cũng như mướp, đậu đũa và cà tím. Mấy loại rau quả này cô trồng rất tốt, và cũng rất tự tin vào khả năng của mình.

Năm ngoái, cà chua không được mùa vì không có thời gian chăm sóc, năm nay với sự giúp đỡ của Dịch Huyền, Hà Điền cảm thấy họ sẽ có một vụ thu hoạch bội thu. Nếu như vậy, cà chua có thể được phơi khô hoặc là làm thành đồ hộp, bảo quản đến mùa đông. Năm nay cô cũng mua hạt giống cà chua nho, theo như hàng mẫu do người bán hạt mang đến thì quả của loại cà chua này nhỏ, không to hơn quả hồ đào, vị chua ngọt, so với loại cà chua lớn mà cô đang trồng thì loại này dễ phơi khô và làm đồ hộp hơn.

Nếu vậy, cô có thể dùng cà chua lớn để làm một ít sốt cà chua, còn cà chua nhỏ thì làm đồ hộp, phơi khô.

Bằng cách này, thức ăn có thể nấu trong mùa đông sẽ phong phú hơn.

Sau khi mua “băng vệ sinh siêu thấm hút có thể tái sử dụng”, năm nay cô không định trồng bông nữa.

Cô xới lại mảnh đất nơi trồng bông ban đầu, mở lại thành một luống hình vuông dài hơn hai mét và trồng một lứa hạt lanh mà Tam Tam đã đưa.

Đối với số hạt lanh còn lại, Hà Điền làm bánh quy ăn.

Trộn bột mì với dầu và trứng ngỗng, thêm muối, đường rồi cán thành từng lát mỏng, dùng nĩa chọc thủng từng hàng lỗ nhỏ trên bột, dùng cọ quét một lớp lòng trắng trứng, rắc hạt lanh rồi cắt thành từng miếng. Những lát vuông nhỏ được nướng trong khay, đợi sau mười đến hai mươi phút, chúng sẽ được nướng thành những chiếc bánh quy giòn rụm.

Hạt lanh được nướng chín khá ngon. Nó rất giàu chất béo, mặc dù nhỏ, nhưng hương vị rất hấp dẫn.

Loại bánh quy này thưởng thức cùng một tách trà mật ong mứt mận chua ngọt trong giờ giải lao buổi chiều, cả người sảng khoái hẳn lên.

Ngoài những loại cây đã trồng trước đó, Hà Điền còn mua hạt giống bí đỏ và dưa hấu theo gợi ý của Dịch Huyền. Hai thứ này cô chưa từng nếm và trồng qua, cũng không biết có thành công hay không.

Dịch Huyền nói chi tiết cách ăn của hai loại quả này: “Bí đỏ có thể được dùng làm thực phẩm chính, hấp với cơm hoặc đem nấu cháo cũng được. Hoặc là làm món tráng miệng, chẳng hạn như bánh bí đỏ, viên bí đỏ chiên… Món canh sườn bí đỏ cũng ngon và đẹp mắt lắm. Đem sườn đặt vào bên trong quả bí nhỏ… ừm, chắc là hấp chín? Nước canh nấu xong có mùi thơm của bí đỏ… Ngon nhất phải nói đến bánh bí đỏ! Thành phần chính của nhân bánh là bí đỏ, thịt và trứng, ngoài ra còn có một loại gia vị gọi là quế…” Anh cẩn thận nhớ lại: “Bánh có một lớp da xốp giòn, nhân thịt và bí đỏ màu vàng, bên ngoài bánh được quết một lớp đường, hoặc là đánh lòng trắng trứng làm bánh trứng đường rồi đặt lên… “

Hà Điền quả nhiên ngay lập tức hỏi bánh trứng đường là gì, làm như thế nào và có ngon không.

Dịch Huyền có chút đắc ý: “Nếu cô hỏi về các công thức tráng miệng khác thì có lẽ tôi không kể được, nhưng bánh trứng đường thì tôi rất rành. Rất đơn giản. Nguyên liệu chính là lòng trắng trứng và đường. Cho chúng vào với nhau rồi khuấy thật mạnh để lòng trắng trứng tan ra và bông lên. Nói thì dễ nhưng không hề dễ đâu nhé. Tỉ lệ nguyên liệu, nhiệt độ và thời gian nướng, hay chỉ đơn giản là lực khuấy cũng ảnh hưởng rất nhiều đến kết cấu của bánh nữa đấy.”

Anh chậm rãi nói, còn nói về cách làm bánh trứng đường tiêu chuẩn của Ý, Pháp và Thụy Sĩ. Hà Điền lắng nghe và suy nghĩ, thực sự không khó, chẳng qua là cần phải có trứng tươi.

Lần trước mang theo Lúa Mì đi nhặt trứng, Hà Điền chợt thông suốt. Lần đó Dịch Huyền bàn với cô về việc nuôi vịt và ngỗng để lấy trứng và ăn thịt, lúc ấy bọn họ đều nghĩ là nếu muốn bắt vịt và ngỗng trưởng thành thì phải bắt sống, nhưng trước giờ Hà Điền luôn dùng súng để bắn.

Lần này đi nhặt trứng thấy mấy con vịt con trong ổ đã nở, cô chợt nhận ra mình đã hiểu sai, đem ý tưởng của Dịch Huyền xem như gió thoảng bên tai.

Vịt và ngỗng lớn trưởng thành có thể bay và bơi nên không thể nào bắt sống được, nhưng chẳng lẽ ngay cả vịt con cũng không bắt được?



Vịt con chưa ra khỏi ổ còn rất yếu, khi lớn hơn, khỏe hơn thì bơi theo mẹ, nhưng khi chúng còn chưa bay được, họ giăng lưới, không phải là muốn bao nhiêu thì bắt bấy nhiêu cũng được rồi sao?

Nói đến đây, cả hai nhìn nhau cười.

Vì vậy, Hà Điền đã dùng một cây trúc để làm vợt lưới bắt vịt và ngỗng con.

Trên tay cầm dài gắn một vòng tròn bằng trúc có lưới được may lại bằng mảnh lưới cắt từ một chiếc lưới đánh cá bị hỏng, trông giống như chiếc vợt lưới mà khi còn bé cô đã dùng để bắt bướm và cá nhỏ, nhưng cái này dài và to hơn.

Sau khi làm xong một cái, Hà Điền đem ra ngoài sông thử nghiệm một phen, sau đó lại làm một cái khác cho Dịch Huyền.

Vừa cầm vợt lưới trong tay, anh ngay lập tức dùng sức chụp lấy Lúa Mì rồi cười bỏ nó vào trong lưới, nhìn Lúa Mì di chuyển loạn bên trong, dùng móng vuốt nhỏ túm lấy lưới, anh lùi lại phía sau vài bước tiếp tục cười trêu nó.

Lúa Mì gấp đến độ kéo theo vợt lưới chạy vài bước, nhưng vẫn như cũ không ra được. Dịch Huyền thấy bộ dạng nó kéo theo cái cán tre dài giống như cái đuôi, buồn cười đến mức anh phải ngồi xổm trên mặt đất, đưa tay ra chọc vào cái mông lộ ra bên ngoài lưới của nó.

Mãi đến khi Lúa Mì cắn cho lưới thủng một lỗ, trò đùa này mới dừng lại.

Dịch Huyền cầm lấy cái lưới có lỗ thủng, nhìn Hà Điền đang đen mặt, rồi cả Lúa Mì đang rên ư ử cáo trạng ở bên cạnh cô, ngượng ngùng nói: “Tôi… tôi sẽ sửa lại.”

Hà Điền đau đầu. Nghĩ đến việc Dịch Huyền dùng những ngón tay mảnh mai xinh đẹp kia xe chỉ luồn kim, rồi cả cái bộ dạng mím môi và trên trán nổi gân xanh, đầu cô càng đau hơn nữa.

Bây giờ thì cô đã hiểu, Dịch Huyền chủ động đề xuất sử dụng tre để xây dựng các kênh dẫn nước tưới tiêu tự động, không phải để tăng năng suất, mà là để tiết kiệm thời gian chơi.

Thật ra Dịch Huyền vốn là một anh chàng lười biếng.

Ban đầu anh rất siêng năng và chăm học hỏi đấy, nhưng tất cả chỉ là vì muốn lấy điểm trong mắt cô mà thôi.

Hiện tại, anh chàng này vẫn luôn suy nghĩ về việc làm thế nào để tiết kiệm thời gian chơi hơn.

Điều này không có nghĩa là Dịch Huyền lười biếng và không chăm chỉ trong công việc. Nếu cùng ra ngoài săn bắn, nhặt trứng, lưới cá, hoặc hái rau dại, anh đều rất hào hứng. Trồng rau, trồng kê, anh cũng đều làm hết, chỉ có điều không nhiệt tình bằng những lúc đi săn bắn, nhưng dù là cày xới đất, làm cỏ, thậm chí tận dụng phân của Gạo, Lúa Mì và những phần lá mục thối để làm phân bón thì anh cũng sẽ làm một cách nghiêm túc và chủ động đảm nhận công việc nặng nhọc và bẩn này.

Nhưng nếu chặt củi, lấy nước và tưới tiêu này nọ, anh sẽ nghĩ ra nhiều cách để “tăng năng suất”.

Có vẻ như Dịch Huyền không mấy hứng thú với loại công việc không tương tác và lặp đi lặp lại này.

Trước khi bắt vịt con, Hà Điền và Dịch Huyền phải chuẩn bị nơi ở cho chúng.

Chặt tre, dựng lán làm chuồng, những việc này Dịch Huyền rất năng nổ.

Hai người bận rộn trong một hai ngày thì dựng được một cái chuồng mới bên cạnh chuồng của Gạo. Điều này tiết kiệm một bức tường và làm cho chuồng ấm áp hơn khi mùa đông đến.

Chuồng mới cũng có một cửa khóa và hai cửa sổ nhỏ. Chuồng tạm được chia làm hai lớp, lớp trên là lồng vịt, dùng vài cây tre dày đóng đinh làm khung, sau đó lại đóng hàng rào tre to cỡ ngón tay để làm một dãy lồng.

Lồng tre mà họ làm có thể xếp được bốn cái liền nhau.

Đợi vịt con lớn lên, họ sẽ lót một lớp ván lên chuồng, làm thêm một tầng bên trên nữa.

Lồng tre có hình chữ nhật và có cửa mở ở bên, một nửa là cửa nhỏ mở ra ngoài, nửa còn lại là máng ăn.

Máng được làm bằng cách chẽ một phần ba một đoạn tre lớn có kích cỡ bằng với một cái chén ăn cơm theo chiều dọc, làm thông các mắt tre, mài nhẵn các cạnh, khoan lỗ ở hai đầu rồi cột vào lồng tre bằng dây thừng.

Bên dưới lồng được đặt hộp gỗ đựng đầy cát để hứng phân vịt.

Còn chưa bắt được một con vịt nào, Dịch Huyền đã bắt đầu mặc sức tưởng tượng: “Về sau chúng ta sẽ mở một khoảng đất trống ở phía bên kia suối núi, đào một cái ao nhỏ, dẫn nước rồi thả một ít cá con vào đó, ban ngày vịt có thể ở trong nước bơi lội, ban đêm thì lùa chúng về. À, đúng rồi! Chúng ta cũng có thể đào một số củ sen và trồng vào đó, sau một thời gian, môi trường sinh thái trong ao được hình thành, có cá nhỏ, tôm tép và chạch này nọ, vịt sẽ càng lớn và béo hơn! Haha, haha!”

Khai khẩn, đào ao, dẫn nước… đều là những việc không hề đơn giản.

Nhưng khi nghĩ đến việc có thể trồng được củ sen, từ nay về sau có thể hái được những nguyên liệu tươi ngon ngay trước cửa nhà mình, Hà Điền cũng rất động tâm.

Thung lũng suối nước nóng đó rất tốt, nhưng có rất nhiều gấu. Mùa này đặc biệt có nhiều gấu, hơn nữa chúng còn rất đói khát.

Những tưởng tượng của Dịch Huyền vẫn còn chưa dừng lại: “Lần tới khi đến núi lửa, chúng ta có thể mang về một ít tro núi lửa! Trộn nó với cát và đá cuội, vậy là thành xi măng rồi! Người La Mã cổ đại đã xây dựng toàn bộ thành phố Rome bằng xi măng làm từ tro núi lửa đó! Tất nhiên chúng ta cũng có thể làm được. Bằng cách làm một số khuôn, chúng ta có thể làm thêm nhiều viên gạch ống bằng xi măng, và sau đó xây một nhà kính trồng rau quả, chúng ta có thể ăn chúng vào mùa đông!”

Hà Điền gật đầu liên tục, cảm thấy rất thích thú, nhưng cô nghĩ: “Còn mái nhà thì sao?” Phải vừa giữ ấm vừa thoáng đãng mới được.

Dịch Huyền suy nghĩ một chút: “Tạm thời không tính tới, nhưng chúng ta cứ từ từ suy nghĩ, biết đâu một ngày nào đó sẽ tìm được nguyên liệu và phương pháp thích hợp. Không phải trước đây chuyện nuôi vịt cũng vậy sao?”



Hà Điền cười: “Haizz, chúng ta còn chưa bắt được vịt đâu, hơn nữa cũng không biết có nuôi được hay không.”

Dịch Huyền cũng nói: “Nuôi lớn rồi cũng không biết có thể đẻ trứng không nữa.”

Hà Điền nhìn anh cười: “Nhưng không thử thì làm sao biết được?”

Hai người tâm ý tương thông.

Để đảm bảo rằng họ có thể kiếm được những con vịt có thể nuôi sống và đẻ trứng, Hà Điền và Dịch Huyền đã bắt một số lứa vịt con trong các ao đầm khác nhau. Điều này nhằm đảm bảo tính đa dạng của các loài. Có thể lứa vịt đó đặc biệt dễ nuôi và thích đẻ trứng cũng không chừng.

Khi Hà Điền và Dịch Huyền giăng lưới và nấp trong bụi cỏ của ao và đầm lầy để bắt vịt con, mới đầu Lúa Mì còn tưởng rằng những con vịt nhỏ này giống với con vịt lớn mà Hà Điền kêu nó đi ngậm về, nên đã vô tình giết chết một con. Nhưng sau khi nhìn thấy cô chủ nâng niu và đặt tất cả những con mồi bắt được vào một chiếc lồng tre, nó mới nhận ra rằng những thứ nhỏ bé này dường như tạm thời không phải để ăn.

Vì vậy, nó ngồi trước lồng, canh chừng chúng một cách oai vệ. Mỗi khi vịt con kêu lên hoảng sợ, vỗ cánh quạc quạc, nó sẽ cúi đầu xuống, nhìn chằm chằm vào chúng và cất tiếng gừ gừ đe dọa.

Rốt cuộc vịt con càng kêu thảm thiết hơn.

Hà Điền và Dịch Huyền hoàn toàn không có cảm giác tội lỗi khi bắt trộm con của người ta, bắt vài con ở chỗ này, lại bắt thêm vài con ở chỗ khác, họ không bắt hết một lúc là vì muốn nuôi thử nhiều loại, sau khi bắt đủ hai lồng rồi, mới vui tươi hớn hở chèo thuyền về nhà.

Về đến nhà, Hà Điền và Dịch Huyền đem hai cái lồng nhốt tổng cộng 25 con vịt để vào trong chuồng. Lúa Mì nghĩ, quả nhiên những thứ nhỏ bé này sẽ là hàng xóm với cái kẻ to lớn kia.

Trong hai lồng vịt con này còn có thể có cả một số ngỗng.

Khi bị bắt, những con vịt mẹ bị Hà Điền và Dịch Huyền làm cho sợ hãi chạy mất, trong đó có vịt nước, vịt trời và ngỗng hoang, nhưng bây giờ vịt con đã lẫn lộn với nhau nên không thể phân biệt được. Tất cả đều là lông xù, trên lớp lông tơ màu nâu đen còn có một chút vằn đen.

Có một vài con rất cao, rất có thể là những con ngỗng con.

Đàn vịt con túm tụm lại và mổ nhau, một số con gầy hơn, khi nhận thức ăn thì bị bạn mình đẩy ngã, giẫm đạp tàn nhẫn.

Cuốn sách do bà cô để lại không nói gì về việc chăn nuôi gia cầm, Hà Điền chỉ có thể dựa vào cảm giác của mình để tách những con yếu hơn và nhốt chúng vào một lồng khác.

Từ nay, ngoài Gạo và Lúa Mì, họ còn phải chuẩn bị thức ăn cho đàn vịt con.

Đột nhiên có thêm nhiều thành viên há miệng chờ ăn như vậy, Hà Điền cảm thấy áp lực rất lớn.

Nhưng mà không sao, thức ăn cho vịt con rất dễ tìm.

Cỏ non mọc ven sông, rau cần ta dại, còn có rễ của một loại cây gọi là hương bồ, giun đất, tép nhỏ và cá con đều là thức ăn ưa thích của chúng.

Hà Điền và Dịch Huyền lại chèo thuyền ra sông nhỏ.

Cô kéo mấy cái lồng đã đặt ở đây trước đó lên, cũng được kha khá, trong mỗi lồng có bốn năm con cá mập mạp, bao gồm cá chép, cá chuối, cá nheo và cả cá trê.

Ngoài cá còn có tôm tít. Đây là một loại tôm sống trong sông có càng lớn.

Dịch Huyền giúp Hà Điền đặt cá vào thùng gỗ ở giữa thuyền. Đậy nắp thùng lại, cá bên trong vẫn còn đang quẫy.

Cô chỉnh sửa lại các lồng này rồi lại cho vào nước, một tuần sau sẽ lại có thu hoạch.

Thuyền uốn mình vào dòng sông nhỏ, loại bẫy mà Hà Điền đặt ở đây mấy ngày trước cũng đã đến lúc phải kéo lên.

Cô hướng dẫn Dịch Huyền cùng mò những bó nhánh cây đang chìm trong nước lên.

Trước tiên đem những nhánh cây được bó thành bó lên thuyền, chẳng mấy chốc cá, chạch, tôm và cua nhỏ đều nhảy ra, lần lượt bắt chúng bỏ vào trong thùng gỗ. Những nhánh cây này không bỏ đi, một lần nữa ném trở lại trong nước.

Với mức độ hư nát của cành và lá hiện tại, còn có thể sử dụng được thêm một tháng nữa.

Về đến nhà, Hà Điền chọn một con cá chép to béo đem giết thịt, sau khi cạo vảy và mổ ruột thì rửa sạch đem kho, rắc gừng băm, hành dại và rau cần ta rồi lại nấu thêm một nồi cơm.

Cá chép đang trong thời kỳ sinh sản, bụng cá đầy trứng, đem nước kho thơm phức chang lên cơm, ăn vào miệng béo ngậy.

Vảy, mang, xương và nội tạng của cá chép thì được băm nhỏ trộn với bèo làm thức ăn cho vịt.

Về phần Lúa Mì, nó cũng nhận được một phần thưởng đặc biệt, Hà Điền cho nó một miếng trứng cá lớn, nó ăn lấy ăn để, trên mép còn dính lại vài quả trứng cá vàng.

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.net

truyện Đam Mỹ
truyện sắc

Dtruyen.com đổi tên miền thành Dtruyen.net. Độc giả ghi nhớ để truy cập.

truyện bách hợp

Nhận xét của độc giả về truyện Cuộc Sống Của Hai Người Ở Trong Rừng

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook