Cuộc Sống Sâu Gạo Của Mọt Sách Ở Thanh Triều

Chương 5: NỮ GIỚI TÂN GIẢI

THIÊN BẢN ANH CẢNH NGHIÊM

28/05/2017

Với nguồn cung ứng sách eo hẹp, tốc độ ăn sách giống như thời gian thuê sách luyện tập trước kia khẳng định không thích hợp. Bây giờ mỗi quyển sách nhất định phải từng câu từng chữ, nhai kỹ nuốt chậm, cẩn thận nghiên cứu, cân nhắc nhiều lần, tiện nữa thì viết xuống cảm tưởng hoặc các lý giải của bản thân. Còn nhớ trước kia nàng có thể dùng thời gian một tháng đem nguyên văn sách Mật mã Da Vinci gõ lại vào máy tính.

Đáng tiếc thật, trước kia đọc sách thì chọn chọn lựa lựa, bây giờ lại phải lùi về thời kì năm đầu trung học — Bốn dấu chấm câu bên trong một tác phẩm của Lỗ Tấn: thầy giáo yêu cầu viết cảm tưởng từ năm trăm chữ trở lên; một câu gì mà “Đình xa toạ ái phong vân lãm(*)” lại là một bài văn năm trăm chữ trở lên nữa. Đây phải chăng là báo ứng cho việc trước kia bạn học Thục Lan thích đọc sách, nhưng lại ăn tươi nuốt sống không quý trọng?

(*) Đây là câu thứ ba trong bài Sơn hành của Đỗ Mục:

Lên đỉnh non thu chếch nẻo ngoài,

Giữa vùng mây trắng thoáng nhà ai.

Dừng xe, chiều ngắm rừng phong thẳm,

Lá đỏ hơn hoa giữa tháng hai.

(Tương Như dịch)

Để mở rộng thư nguyên (nguồn sách*), bất đắc dĩ, Đông Thục Lan lại phải tìm tới đích phúc tấn.

(*) những mở ngoặc kiểu này là lời của tác giả nhé, những chỗ mình chú thích đều có màu khác

“Muội muốn tới thư phòng?”

“Vâng, chẳng qua là muốn mượn vài cuốn sách thôi. Nhưng mà phúc tấn cũng biết gia không thích nhìn thấy Thục Lan, kể cả bối lặc gia không có ở đây thì Thục Lan cũng sợ điều tiếng, vậy nên Thục Lan muốn mời phúc tấn đi cùng, đương nhiên là thời điểm thư phòng không có ai”.

“Chuyện này…mặc dù cũng chẳng có gì ghê gớm, với lại xem nhiều sách biết nhiều kiến thức cũng là chuyện tốt, nhưng mà ta cũng phải nói một tiếng với bối lặc gia”.

“Đó là tất nhiên”. Nàng có chút nhụt chí, xem ra hi vọng thật xa vời, nghe ngữ khí này thật giống với mấy câu chiếu lệ của người hiện đại.

Vậy cũng chỉ còn một đường cuối cùng: mạo hiểm tính mạng, nữ phẫn nam trang lén lút xuất phủ, đi tới thư cục. Theo những tiểu thuyết xuyên không trước đây nàng từng đọc, nữ chính chỉ cần ra đường thì sẽ có chuyện phát sinh, trăm phần trăm trúng mục tiêu. Sau đó thì phiền toái liên tiếp, cuối cùng bước tới cái gọi là tương lai tươi sáng, theo Thục Lan thì đây phải gọi là bước tới nguy hiểm mới đúng, bộ bộ kinh tâm, trải qua phong sinh thuỷ khởi, không được thái bình.

Sau khi Thục Lan nghĩ đến cái lý do hùng hồn để ở lì trong phòng này, nàng liền ngoan ngoãn trở về đọc bản Nữ giới tự tay sao chép, nói không chừng còn có thể ôn cũ hiểu mới.

********



“Kẻ hèn ngu muội, tư chất không thông minh, được tiên quân (người cha đã mất) nuông chiều, nhờ cậy vào sự dạy dỗ của mẫu sư. Năm mười bốn tuổi, về làm con dâu họ Tào, đến nay đã hơn bốn mươi năm. Thấp thỏm lo lắng, luôn sợ bị khiển trách, khiến cho cha mẹ xấu hổ, làm liên lụy đến nhà chồng và nhà mẹ đẻ. Sớm tối cần cù, chăm không kể khổ, hiện tại đã già mới không cần như vậy nữa. Ta trời sinh có phần ngu dốt, dạy dỗ con trai qua loa, luôn sợ con trai Tào Cốc sau khi lên làm quan sẽ cô phụ triều đình. Thánh ân chồng chất, lại ban cho kim tử (ban ấn vàng dây thao tím, ý là thăng quan tiến chức), đây thực sự là điều kẻ hèn này không dám mơ ước. Nam tử có thể tự mình mưu toan, ta cũng không phải lo lắng cho bọn họ. Vậy nhưng ta lại lo cho những nữ tử sắp xuất giá, nếu không dạy các người phụ lễ (phép tắc của phụ nữ), các người sẽ mất mặt ở nhà chồng, làm xấu hổ dòng tộc cha anh. Ta giờ đau ốm liên miên, e rằng sẽ sớm rời nhân thế, nhưng cứ nghĩ đến chuyện nữ tử Tào gia không biết phụ lễ, lòng lại phiền lo. Bởi vậy ta viết xuống bảy chương ‘Nữ giới’, những mong mỗi người đều chép lại một bản, nếu nghiêm túc tuân theo, có thể giúp chính mình không phạm phải sai lầm. Chỉ có vậy, hãy cố gắng làm theo!

Khiêm cung là một. Người xưa sau khi sinh hạ con gái ba ngày sẽ cho đứa trẻ ngủ ở dưới giường, lấy mảnh ngói làm đồ chơi, cũng đem việc sinh nữ trai cáo tông miếu (trong lúc báo lên tông miếu phải ăn chay). Ngủ ở dưới giường chứng tỏ nữ tử phải cúi mình nhu nhược, thái độ với người khác luôn phải nhún nhường. Chơi mảnh ngói chứng tỏ nữ tử phải tự tay lao động, không ngại cực khổ. Trai cáo tổ tông chứng tỏ nữ tử phải chuẩn bị rượu thịt giúp phu quân cúng lễ. Ba điều này chính là gốc rễ làm người của phụ nữ, đã nói trong lễ giáo kinh điển xưa nay. Khiêm nhường cung kính, nghĩ đến người rồi mới đến mình, làm việc thiện không khoe khoang, làm việc ác không chối bỏ, nhẫn nhục chịu đựng, luôn luôn e sợ, đây là đạo khiêm cung. Ngủ muộn dậy sớm, làm việc ngày đêm không ngại khổ, tự thân xử lí việc nhà, không màng khó dễ, làm đến nơi đến chốn, chu toàn không đại khái, đây là đạo chấp cần (cần mẫn lo liệu, quản lí). Dáng vẻ đoan chính, hầu hạ phu quân, thùy mị ít lời, tự tôn tự trọng, không nói cười tùy tiện, chuẩn bị rượu thịt dâng lên tổ tông, đây là đạo kế tục thờ cúng. Làm tốt ba điều trên, danh tiếng tốt đẹp sẽ đồn xa, ô danh trên người cũng không còn. Không làm đúng ba điều này thì có đâu mỹ đức để người đời tán tụng, làm sao tránh khỏi ô nhục cho được!”

(Lời phê bình: thức khuya dậy sớm là trái với đạo dưỡng sinh, trẻ con một ngày giấc ngủ đầy đủ là năm canh giờ; người bình thường là bốn canh giờ; người già thì từ hai đến ba canh giờ. Thân thể là gốc rễ của con người, nếu người yếu ớt sinh nhiều bệnh tật thì còn nói gì đến việc khác.)

“Vợ chồng là hai. Đạo vợ chồng là âm dương phối hợp, dùng lòng thành lay động thần linh, là nghĩa lớn của trời đất, cũng là lẽ phải của đời người. Vì thế mà lời mở của ‘Lễ ký’ đã nêu lên khác biệt giữa nam và nữ, bài thơ đầu trong ‘Kinh thi’ cũng là ‘Quan thư*’. Vậy mới nói không thể không coi trọng đạo vợ chồng. Chồng không tài đức thì không thể quản vợ; vợ không hiền thục thì không thể kính trọng chồng. Chồng không quản vợ là vứt bỏ uy nghiêm, vợ không kính trọng chồng là đánh mất đạo nghĩa. Hai thứ này đều không bỏ được. Quan sát quân tử bây giờ, vợ không thể không quản thúc, uy nghiêm bản thân không thể không chỉnh đốn, giáo dục con cháu bằng sách cổ, kinh điển, truyện ký. Nữ tử không tự nhiên mà biết đạo phu chủ (chồng làm chủ) hay phụ lễ. Chỉ dạy nam không dạy nữ, chẳng phải là che giấu bất minh sao? Trong ‘Lễ ký’ có viết, nam tử tám tuổi được dạy đọc sách, mười lăm tuổi được dạy nuôi chí lớn. Đã như vậy, sao không dùng cách đó để dạy nữ tử?”

(*)

Quan quan thư cưu,

Tại Hà chi châu…

Yểu điệu thục nữ,

Quân tử hảo cầu…

(Lời phê bình: ở phương tây, đàn ông không sinh con, đây là chuyện tất nhiên, song phụ nữ cũng có thể tái giá, ba phu bốn hầu, có thể thấy rằng trụ cột gia đình không phân biệt nam nữ, chỉ phân chia mạnh yếu.)

“Kính thận (kính trọng + thận trọng) là ba. Tính chất âm dương không giống nhau, nam nữ cũng có khác biệt. Dương cương âm nhu là thiên đạo, nam mạnh nữ yếu là nhân tính, nam quý ở mạnh, nữ đẹp ở yếu. Tục ngữ có câu: ‘Đẻ con trai như sói vẫn sợ nhu nhược, đẻ con gái như chuột vẫn lo giống cọp’. Nguyên tắc tu thân là ‘kính’, nguyên tắc tránh mạnh là ‘thuận’. Vậy mới nói đạo kính thuận là lễ nghĩa lớn nhất của đàn bà. Không đòi hỏi nhiều ở phu quân có thể kéo dài ‘kính’, bao dung thấu hiểu phu quân có thể tăng thêm ‘thuận’. Muốn lâu dài, phải biết đủ; muốn thoải mái, phải biết kính. Vợ chồng nếu tốt sẽ ở bên nhau cả đời. Gần gũi vui đùa sẽ sinh ra ý khinh nhờn. Đã không có kính thuận, lời nói sẽ ngạo mạn. Lời nói mà ngạo mạn, cử chỉ cũng quá phận. Cử chỉ quá phận, ắt sẽ nảy sinh ý coi thường trượng phu. Đây cũng tại đàn bà không biết an phận. Sự tình có khúc cong khúc thẳng, lời nói có chỗ đúng chỗ sai. Người có lý không thể không tranh luận, người vô lý không thể không phản bác. Tranh luận xong, sẽ sinh ra tức giận. Đây cũng tại đàn bà vô lễ. Không biết tiết chế sỉ nhục trượng phu, tất sẽ rước lấy mắng mỏ khiển trách; tranh luận không ngừng, tức giận không ngớt, nhất định sẽ bị đòn roi. Vợ chồng hòa vì nghĩa, hợp vì ân, phải dùng đến quát mắng thì còn gì là nghĩa? Phải cần đến đòn roi thì còn gì là ân? Ân nghĩa không còn, vợ chồng cũng chia lìa”.

(Lời phê bình: lo con gái giống cọp là ý gì? Có thơ nói về tam tòng tứ đức của nam nhân làm chứng: “thê tử ra khỏi nhà phải đi theo, thê tử ra lệnh phải làm theo, thê tử nói sai phải mù quáng mà theo”, tứ đức nói đến chính là “thê tử trang điểm phải đợi được, thê tử tiêu tiền phải chi được, thê tử không vui phải nhịn được, sinh nhật thê tử phải nhớ được”.)

“Phụ hạnh (đức hạnh của phụ nữ) là bốn. Nữ tử có tứ hạnh, một là phụ đức, hai là phụ ngôn, ba là phụ dung, bốn là phụ công. Về phụ đức, không cần tài giỏi quá mức; về phụ ngôn, không cần ăn khôn nói khéo; về phụ dung, không cần nhan sắc mỹ lệ; về phụ công, không cần khéo léo hơn người. Thùy mị an tĩnh, thủ tiết đủ đầy, có lòng xấu hổ, hành xử hợp lễ, đấy là phụ đức. Chọn lấy lời hay, không dùng lời ác, đến khi nói xong không tổn thương người, đấy là phụ ngôn. Giặt giũ quần áo, phục sức sạch sẽ, những lúc tắm rửa người không cáu bẩn, đấy là phụ dung. Chuyên tâm dệt cửi, không cười không đùa, chuẩn bị tốt cơm nước rượu thịt chiêu đãi khách khứa, đấy là phụ công. Bốn điều này là phẩm chất cao quý của nữ nhân, thiếu một cũng không được. Để làm tốt những điều này không khó, quan trọng là phải thật lòng cố gắng. Người xưa có câu: ‘Người cách ta xa không? Ta muốn người, người liền tự tới’. Chỉ có như vậy”.

(Lời phê bình: nếu phụ nữ nào cũng thế này thì sao hồng lâu (kỹ viện) lại hưng thịnh? Thật vô vị.)

“Chuyên tâm là năm. Trong ‘Lễ ký’ viết, chồng có thể tái giá, nhưng một vợ không thể có hai chồng, người xưa nói chồng là trời. Trời muốn trốn cũng không thoát, chồng muốn rời cũng không thể. Người không có đạo đức sẽ bị trời phạt; vợ không có lễ nghĩa sẽ bị chồng coi nhẹ. Cũng vì vậy, trong ‘Nữ hiến’ có viết: ‘Hài lòng với trượng phu thì suốt đời mĩ mãn, không vừa ý trượng phu thì mất đi hạnh phúc cả đời.’ Nói như vậy tức là làm vợ phải có được tấm lòng của chồng. Nhưng khi có được rồi cũng không được nịnh nọt, quyến rũ, tùy tiện gần gũi; chỉ cần chuyên nhất một lòng, giữ vẻ đoan chính. Tuân thủ lễ nghĩa, cử chỉ đoan khiết, không nghe lời khiếm nhã, không nhìn điều bất chính, ra ngoài không diêm dúa lẳng lơ, ở nhà không nhếch nhác bẩn thỉu, không cùng bè bạn tụ họp vui chơi, không đứng trong nhà tò mò chuyện bên ngoài, đấy chính là chuyên tâm đứng đắn. Nếu cư xử tùy tiện thì tâm chí sẽ bất định, ở nhà náo loạn không ra sao, ra đường lại yểu điệu ra vẻ, nói không ra nói, nhìn không ra nhìn, như vậy không thể chuyên tâm đoan chính được”.

(Lời phê bình: có “trốn” hay không phải nhìn vào tâm, nếu có tâm thì ở lại; nếu vô tâm thì đi hay ở có khác gì nhau?)



“Cúi mình là sáu. Trên viết ‘Hài lòng với trượng phu thì suốt đời mĩ mãn, không vừa ý trượng phu thì mất đi hạnh phúc cả đời’, nói vậy là muốn người vợ phải chuyên tâm bền chí để có được tấm lòng của trượng phu. Thế nhưng cũng không được làm mất lòng cha mẹ chồng. Vợ chồng dù có ơn sâu nghĩa nặng, nhưng nếu không được lòng cha mẹ, bị chán ghét quấy phá, thì ơn nghĩa phu thê rồi cũng đánh mất. Muốn cha mẹ chồng vui vẻ, tốt nhất là phải cúi mình. Mẹ chồng bảo làm việc đúng đương nhiên phải nghe; mẹ chồng bảo làm việc không đúng thì dù biết cũng phải thuận theo. Không được cãi cọ thị phi với mẹ chồng. Đấy là cúi mình. ‘Nữ hiến’ viết: ‘Nếu cứ thuận theo như bóng với hình, như âm với vang, thì lo gì không được tán thưởng!’”

(Lời chú giải: nếu như không có chuyện sai trái thì sao được gọi là người! Không quy củ thì không thành vuông tròn, nước loạn, nhà huỷ. Trưởng bối nói phải theo, nhưng không thể theo một cách mù quáng.)

“Em chồng là bảy. Đàn bà có thể được chồng yêu thương là do cha mẹ thích, có thể được cha mẹ thích là nhờ em chồng khen ngợi. Vậy mới nói, mình thiện hay ác, được khen ngợi hay chịu chê bai đều tùy thuộc vào em chồng, nhất định không được làm mất lòng. Đã biết không thể mất lòng em chồng, mà vẫn không chung sống hòa thuận được thì không còn gì để bao biện! Người không phải bậc thánh hiền nên rất khó để không phạm sai lầm! Nhưng Nhan Tử (tự Tử Uyên, là một học trò rất đắc ý của Khổng Tử) quý vì biết sửa đổi, một lỗi không phạm hai lần, huống chi là đàn bà! Dù nữ tử có tài đức sáng suốt, thông minh trí tuệ thì cũng không tránh khỏi mắc sai lầm! Do vậy, nếu thân thiết với người trong nhà, làm sai sẽ được che đậy; nếu gia đình chia rẽ không đoàn kết, việc sai trái sẽ nhanh chóng truyền xa. Đây là điều tất yếu. Trong ‘Kinh Dịch’ có viết: ‘Hai người đồng lòng có sức mạnh bẻ gãy kim loại. Hai người chung tiếng nói thì mùi thơm tựa hoa lan’. Ta muốn nói đến đạo lí này. Em chồng tôn kính vì khác họ, ân thì nhẹ mà nghĩa thì nặng. Nếu là người yểu điệu hiền thục, khiêm tốn nhún nhường, tất sẽ biết cách làm dày thêm cái nghĩa với chồng, cái ân với cha mẹ, giữ mối quan hệ tốt đẹp với em chồng, để họ vui vẻ giúp mình; làm cho đức hạnh bản thân ngày càng lộ rõ, khuyết điểm sơ suất được che giấu kĩ càng, cũng vì thế mà được cha mẹ tán dương, trượng phu ca ngợi, danh tiếng tốt đẹp lưu truyền khắp xóm giềng, đức độ sáng soi làm rạng danh phụ mẫu. Nhưng người ngu dốt sẽ tự cao vì được làm chị, ngạo mạn vì được chồng yêu thương. Đã có ý kiêu ngạo thì không thể sống chung hòa thuận! Không có ân nghĩa, sao có thanh danh tốt đẹp! Vẻ xinh đẹp lương thiện sẽ dần mất đi, sai lầm sẽ dần lộ rõ, khiến cho cha mẹ tức, trượng phu giận, tiếng xấu sẽ lan truyền trong ngoài, nhận lấy xấu hổ nhục nhã, làm mất mặt phụ mẫu, làm trượng phu thêm phiền. Đây là gốc rễ của vinh nhục, căn cơ của thanh danh điều tiếng. Nhất định phải chú ý! Nếu muốn được lòng em chồng thì phải khiêm nhường nhu thuận. Khiêm là gốc rễ của đức hạnh, thuận là chuẩn mực ứng xử của đàn bà. Làm tốt hai điều này là có thể sống hòa thuận với em chồng. ‘Kinh Thi’ viết: ‘Đối với người không có tâm oán ghét, không có tâm đố kỵ’. Chỉ có vậy”.

(Tổng kết: Thế gian trăm dạng, nam nữ khác nhau, coi chồng là trời cũng tốt, nhưng luôn phải lấy vui vẻ làm đầu, chứ không phải giống như Nữ giới này. Trong bao người vì sao danh nữ truyền lưu thiên cổ đều không phải là tiêu chuẩn trong Nữ giới? Có thể thấy được những lời này của Ban Chiêu là từng trải, nhưng chỉ để tham khảo chứ không phải rập khuôn.)

*

Vốn còn muốn thêm một câu: nếu Hiếu Trang (bà nội của Khang Hi) tuân thủ nữ giới thì Đại Thanh đã mất rồi. Có điều Thục Lan đồng học vẫn rất sợ chết, không bàn chính trị. Nhỡ đâu sách này bị điều tra ra, lúc ấy chỉ còn nước rơi đầu, hơn nữa còn không phải chỉ là một cái đầu. Bây giờ nhìn vào nó, hoàn toàn không vấn đề, không có từ ngữ phản động nào.

Thục Lan đọc đi đọc lại ba lần, thật sự không còn gì để sửa chữa nữa mới cho Tiểu Thúy dùng sợi dây đóng thành sách, nàng vẽ bìa xinh đẹp rồi dùng bút chì viết lên hai chữ Nữ giới thật to, phía dưới còn thêm hai chữ tân giải nhỏ như nòng nọc. Một cuốn Nữ giới tân giải đã ra đời như vậy.

Thời gian không có sách thật là gian nan, người nào đó ngồi không tới một phút đồng hồ, cả người liền không thoải mái, cảm giác thời gian thật là dài đằng đẵng. Làm gì bây giờ? Trước kia có trò chơi một người nào có thể giết thời gian? Nghĩ nửa ngày, nàng liền cầm lấy thước thẳng vẽ lên giấy. Sau đó sai Tiểu Thúy gọi đến một hạ nhân tay chân linh hoạt, giảng giải cho hắn một chút, thật ra thì rất đơn giản, chính là cưa mấy khối gỗ nhỏ không bằng nhau. Dưới sự giám sát của Tiểu Thúy, công việc có hiệu suất rất cao, mấy khối gỗ rất nhanh đã được làm xong, thế nhưng vẫn còn phải làm thêm một cái hộp nhỏ nữa, mấy khối gỗ sẽ được đặt chỉnh tề bên trong. Như vậy thì chẳng những khó đánh rơi mà mang theo cũng dễ. Tiểu Thúy cũng rất tò mò, biết tiểu thư nhất định lại nghĩ ra một trò chơi hay ho nào đó. Sau khi thấy thành phẩm, Thục Lan liền cong mắt cười, đây là hoa dung đạo(*) đó, là trò chơi tư duy của hiện đại, đã rất lâu rồi nàng chưa chơi lại, chắc hẳn có thể tiêu hao chút thì giờ. Thấy đôi mắt Tiểu Thúy trông mong ngắm nghía mấy khối gỗ, mắt Đông Thục Lan liền hiện lên ý xấu, một câu giải thích nàng cũng không nói, chỉ từ từ trang trí món đồ chơi mới rồi viết tên. Chờ sau khi toàn bộ đại công cáo thành mới nói cho Tiểu Thúy, phải đem khối gỗ to nhất ở phía trên dời xuống cửa bên dưới thì mới thắng.

(*) “Hoa dung đạo” là một trò chơi tư duy của Trung Quốc, nó được các nghệ nhân dân gian sáng tạo căn cứ theo câu chuyện “Tam quốc diễn nghĩa”.

Đồ chơi này như sau: trong một khung hình chữ nhật (tương đương với bàn cờ của đồ chơi) có đặt 10 quân cờ to nhỏ khác nhau, như hình vẽ thể hiện. Trên bề mặt quân cờ đều có tên, trong đó Tào Tháo là 1 quân cờ lớn nhất, 5 quân cờ kích cỡ trung bình lần lượt là thuộc hạ của Lưu Bị tức “ngũ hổ tướng” là : Quan Vũ, Trương Phi, Triệu Vân, Mã Siêu và Hoàng Trung, thêm nữa là 4 quân cờ nhỏ là những lính quèn.

Sự sắp đặt của các quân cờ được thể hiện như trong hình vẽ, Tào Tháo bị vây tầng tầng lớp lớp, nhưng trong bàn cờ vẫn còn khe hở giữa hai ô nhỏ được coi như là lối thoát của Hoa dung đạo, vì vậy Tào Tháo vẫn còn một tia sống sót, ông ta có thể tận dụng cơ hội nhỏ bé này và có cơ hội là sẽ trốn ra. Vấn đề là làm thế nào để cho Tào Tháo nhanh chóng thoát ra ngoài được?

Trò chơi này xem ra rất đơn giản nhưng thực tế lại không phải như vậy. Đối với những người mới biết chơi trò này thì chỉ cần để Tào Tháo thoát được ra ngoài là coi như đã thắng rồi, có thể không cần suy nghĩ là đi mất bao nhiêu nước. Nhưng với những người đã chơi thành thạo thì cần phải nghiên cứu xem làm thế nào để số bước đi là ít nhất mà lại cho Tào Tháo thoát ra. Điều thú vị là Tào Tháo sở dĩ có thể thoát được ra ngoài hoàn toàn là do nguyên nhân Quan Vũ có ý nhường đường, bởi vì chỉ cần Quan Vũ đứng ngang bất động ở chính giữa thì bất kể Tào Tháo có muốn bay cũng không thể bay được. Trò chơi này vì thế có tên là “Hoa dung đạo” cũng chính là xuất phát từ nguyên nhân này.

“Sao có thể làm vậy được?” Tiểu Thúy vô cùng kinh ngạc.

“Sao lại không được?!” Người nào đó tiến hành chiến đấu hăng hái, kiên quyết không để tiểu nha hoàn nhà mình coi thường.

Tiểu Thúy đứng ở một bên, đầu tiên là hăng hái bừng bừng, sau đó cổ lại có chút nhức mỏi, sau nữa thì lặng lẽ không tiếng động đi ra ngoài làm việc. Sau khi chiến đấu hăng hái hai ngày trời, cuối cùng thì Tào Tháo không còn hành hạ mỗ Lan nữa, thoát khỏi hoa dung đạo đúng là không dễ chút nào. Vì vậy, món đồ chơi này trên thực tế đã bị từ bỏ, lấy danh nghĩa cho mượn rơi vào tay Tiểu Thúy. Đương nhiên, điều kiện tiên quyết chính là Tiểu Thúy chỉ có thể chơi ở trong phòng của mình.

Không thể ngờ phúc tấn lại giữ chữ tín cho người đến báo nàng đến thư phòng gặp mặt. Đông Thục Lan kích động thiếu chút nữa nhào lên người phúc tấn, thân thiết hôn nàng ấy một cái. Sách à sách ơi, ta cuối cùng cũng có thể đến thăm các ngươi rồi! Đầu tiên là lướt nhanh một lần tên sách, thi từ ca phú các loại: bỏ qua, ai bảo nàng học khoa học tự nhiên đâu, đối với mấy thứ phong hoa tuyết nguyệt kia đều không quá thích thú, những sách về phong tục nước ngoài, các nơi du kí, thiên văn địa lý được đem xuống một chồng lớn. Nhưng nhìn thấy mặt phúc tấn có phần xám ngắt, Thục Lan rất tự giác, chọn chọn nhặt nhặt lại một lần, rưng rưng nhịn đau đem phần lớn sách trả lại chỗ cũ.

Cho dù thế nào thì cuộc sống có sách đọc cuối cùng đã trở lại.

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.net

truyện bách hợp
truyện ngôn tình

Dtruyen.com đổi tên miền thành Dtruyen.net. Độc giả ghi nhớ để truy cập.

ngôn tình sắc

Nhận xét của độc giả về truyện Cuộc Sống Sâu Gạo Của Mọt Sách Ở Thanh Triều

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook