Đã Có Anh Trong Nỗi Nhớ Của Em Chưa?

Chương 25

ZuzuLinh

02/07/2015

Vũ đề nghị các bạn tập các tiết mục tại nhà cậu ấy, vì nó tương đối rộng để chứa được tiếng ồn của cả tập thể vài chục người. Chúng tôi học xong đã mười hai giờ kém, chuẩn bị cho buổi ngoại khóa cần tốn nhiều thời gian nên Vũ mời các bạn đến nhà ăn trưa luôn.

Không nhảy nhót, diễn thời trang hay đóng kịch, tuần này lịch học nhẹ nhõm, tôi dự tính tới nhà anh Sơn chơi với em bé, con đầu lòng của anh. Ấy thế trường tôi còn tổ chức hội trại bao gồm cả hội chợ, mỗi lớp được đăng ký một gian hàng buôn bán. Ban cán sự xét thấy bán đồ ăn lãi nhất, nhưng chưa tìm được người triển khai.

Nom tướng tôi có lẽ giống dân buôn bán hoặc toát lên tư chất đảm đang nên được các bạn nam trong lớp đề cử.

Bà nội và mẹ đồng tình lắm, vì bằng cách này, tôi có thể biết tới cái thứ xa xỉ gọi là “nữ công gia chánh”.

Lệ Quyên giao cho tôi tận một triệu, và các bạn kỳ vọng tôi sẽ biến nó gấp hai, gấp ba lần. Cứ như tôi giao cho Phong hai viên bi, cậu ấy chơi lên được chục viên rồi khi trở về tay trắng.

Tôi cầm hai tờ năm trăm về chỗ mà tay cứ run run. Mọi người đang bàn luận đủ món: tokbokki, cơm cuộn Gimbab của Hàn Quốc, bánh rán Đô-rê-mon,… toàn những thứ tôi chưa ăn bao giờ thì làm thế nào được. Hichic.

Vũ nhìn sự chật vật của tôi mà không mảy may một lời. Cậu ta lúc này lạnh như một cơn mưa. Thế gọi là phong cách ư?

Tan học, cả lớp í ới hẹn nhau ở cổng cùng đến nhà Vũ. Một số bạn hỏi địa chỉ trước, Vũ xách cặp đi cạnh bên lớp trưởng cùng đám đông, có liếc nhìn tôi lấy một lần.

Các bạn con trai hầu hết có xe máy, họ chở các bạn nữ. Tôi vào nhà xe lấy con ngựa sắt của mình thì Thịnh bước vội đuổi kịp.

“Nhà Vũ xa lắm, Lâm Anh đi cùng tôi luôn.”

“Không xa bằng nhà tớ được, nếu đi cùng nhau, chiều bạn lại phải trả tớ về trường, mất công lắm.”

“Có sao đâu, nếu giờ bạn đạp xe thì cả lớp lại phải đợi. Lên xe tôi cho nhanh.”

Tôi đâu nghĩ sẽ được đợi, mà địa chỉ nhà Vũ tôi thuộc nằm lòng, mười hai năm ở nơi ấy lạc làm sao được.

“Lớp mình có mặt hết ở ngoài cổng rồi, còn mỗi tôi và Lâm Anh. Nhanh thôi!”

Tôi vẫn muốn tự đến hơn, nhưng không muốn bị cho rằng lề mề và nhận về những ánh nhìn khinh khỉnh nên đành theo Thịnh.

Vì là lớp trưởng nên Thịnh lấy xe cuối cùng không bị ai nói gì. Cậu ấy ngồi lên và đợi tôi, tay lái còn yếu nên xe loạng choạng khi có người đằng sau leo lên. Không có mũ bảo hiểm, tôi nơm nớp lo sợ.

“Ê.”

Vũ ném cho Thịnh một chiếc mũ bảo hiểm màu trắng trong cốp xe, sau đó lên xe đi luôn.

Thịnh đưa chiếc mũ đó cho tôi.

“Sao lại đưa tớ? Bạn cầm lái… cần hơn.”

Thịnh không trả lời, chỉ đưa tay chỉ lên đầu. Cậu ấy đang sở hữu mái tóc dựng đứng, mỗi sợi tóc sẽ thành véc-tơ vô hướng nếu đội nó. Hơn nữa chưa bao giờ tôi bắt gặp Vũ đội mũ bảo hiểm.

Vậy là để tôi đội ư?

Tự dưng thấy vui vui vì Vũ đâu có lạnh như lời đồn thổi của… chính bản thân tôi. Lệ Quyên đáp ánh nhìn khó chịu thẳng vào tôi khi lướt qua. Các bạn khác cũng bắt đầu di chuyển, Thịnh đi chầm chậm và là người đi sau cuối. Gần nửa đường, cậu ấy mở lời:

“Lâm Anh và Vũ giận nhau à?”

Giận nhau?

Giận nhau là thế nào? Tại sao phải giận nhau?

“Không. Tớ và cậu ấy vẫn bình thường.”

“Con trai tụi tôi thích con gái hiền.”

Vậy sao? Thế mà bố mẹ luôn phiền lòng vì cái sự hiền như cục đất sét phơi khô của tôi, còn tôi nhiều khi cảm thấy bất lực với chính mình.

“Vũ rất thích Lâm Anh thì phải!”

Lại nói đến “thích”, lần này tôi được nghe từ một người khác nói về tình cảm của Vũ dành cho mình, trước đó thì nghe từ một người khác (là Vũ) nói về tình cảm của mình dành cho Phong.

Nhận xét của người ngoài mang tính chất khách quan, thường đúng hơn ý kiến chủ quan, nhưng không hiểu sao sau mấy ngày không bình thường giữa tôi và Vũ, tôi cảm thấy được an ủi khi nghe Thịnh nói vậy.

*

Mỗi lần bước vào khu đất chung cư cũ, tôi đều có cảm giác bồi hồi khó tả, dẫu giờ nó đã thuộc quyền sở hữu của một gia đình khác. Vì thế trong khi Thịnh xoay xở cho xe vào giữa hai xe khác trong bãi thì tôi đứng bất động, như một đứa trẻ con cầm bút màu để vẽ về ngôi nhà của nó.

Chúng tôi đi vòng qua khu nhà nghỉ để đến nhà Vũ, nó nằm cuối cùng trong tổng thể khách sạn. Một ngôi nhà hai tầng, diện tích không lớn, chừng bằng nhà của Phong và tôi ngày xưa cộng lại.

Cả lũ chen chúc đứng vào trong ngôi nhà mà chỉ cảm thấy ngột ngạt chứ không ấm áp. Bố mẹ Vũ không có nhà vì họ thường xuyên đi công tác trong miền Nam, hoặc trên Hà Nội, nhưng mẹ cậu quản rất chặt. Vũ vừa đặt cặp xuống ghế thì mẹ gọi điện tới, hỏi han đủ thứ, còn bắt kiểm chứng bằng việc chuyển điện thoại cho lớp trưởng. Nếu tôi là con trai chắc cũng vậy, vì ngay từ bé Phong đã bị chú Dương giám sát 24/24.

Vẻ như mẹ Vũ không tin Thịnh lắm nên cô muốn nghe giọng bạn nữ ngồi cạnh trên lớp để xác minh. Thịnh định chuyển máy cho tôi thì Vũ giữ lại, hướng về phía Lệ Quyên.

À, trước đây người ngồi cạnh Vũ đâu phải tôi, hoặc là Lệ Quyên đáng tin cậy hơn tôi.

“Không như Lâm Anh nghĩ đâu, Quyên gặp mẹ tôi rồi, dễ nói hơn.”

“Uh, tớ có nghĩ gì đâu.”

Tôi đang nghĩ cái gì chứ? Tôi nghĩ nó làm gì? Sao tôi phải nghĩ? Nhưng… Lệ Quyên ngồi cùng Vũ có vài ngày thôi mà.

“Trổ tài nấu nướng đi mày! Bọn tao đói!”



Nói tới chuyện ăn uống, bụng tôi đang sôi lên biểu tình dữ dội.

“Ờ. Mỳ xào nhé!”

Tôi đang nghĩ đến việc đói nên không để ý rằng Vũ sẽ đứng bếp nấu. Vũ biết nấu á?

“Lâm Anh ra giúp một tay đi chứ!”

Giúp thì đương nhiên rồi nhưng cái cậu lớp trưởng có vẻ thích vun tôi vào việc… lớn. Tôi vào trong bếp thì Lệ Quyên đã khoác tạp dề đứng bên Vũ, Vũ dặn bạn ấy đun nước, trong khi đó sẽ ra khu nhà bếp khách sạn lấy thêm đồ.

Khi Vũ trở về thì có cả Phong, hai cậu ấy hai tay hai túi mỳ khô, túi rau quả, Phong còn có thêm cái cặp sách.

Rau đã được nhà bếp rửa sạch, hành tỏi đã được bóc, chỉ ngâm mỳ rồi cho vào nấu. Những việc tôi có thể làm được thì đã có người làm rồi.

Bếp của Vũ rất sạch sẽ, cũng đầy đủ dụng cụ, kể cả những con dao bé tẹo teo. Phong sử dụng đồ bếp quen thuộc như nhà cậu ấy, hành động cắt rau mới chuyên nghiệp làm sao, trong khi nếu là tôi, mẹ tôi sẽ dùng “mỹ từ”: thái như cho heo ăn.

Lệ Quyên đứng bên Vũ, hai người họ đang lo chần mỳ, trông mới đẹp đôi làm sao… nếu như tôi chạy lăng xăng bên cạnh Phong. Hehe.

Thịnh và các bạn nam nhìn tôi bằng ánh mắt hối hận như vừa giao trứng cho ác, phải thôi, các bạn ấy đã đề cử tôi nấu ăn trong hội chợ. Không phải lười, tôi rất muốn làm nhưng cái chính là lo không ai nuốt nổi, đó cũng là lí do tôi được miễn việc bếp núc trong nhà.

Giai đoạn nấu nướng, Vũ cho lên bếp một cái chảo, cùng lúc với Phong, hai cậu ấy cùng nấu. Tôi và các bạn chỉ biết tròn mắt nhìn, hai người này nấu liệu có ăn được không?

Minh Thu hỏi Phong thì được cho hay, cậu ấy thích nấu ăn, tình cờ quen được Vũ cùng chung sở thích nên cả hai đã làm bạn trước khi học cùng trường. Trong khi đó tôi chỉ có sở thích ăn và ăn.

Vũ đặt đĩa mỳ lên chỗ tôi đầu tiên, trông nó thật hấp dẫn. Phong không đặt đĩa mỳ cho ai cả, mà để trên kệ bếp cho ai lấy thì lấy, hơi tham lam nhưng tôi muốn ăn mỳ của cả hai người.

Tôi ngước lên nhìn Vũ, và đợi các bạn dùng bữa mới ăn.

Vũ ngồi ngay cạnh tôi, Lệ Quyên ngồi cạnh Vũ, còn Phong ngồi xa lắc xa lơ. Tôi chạy đi lấy đũa. Mình tôi ăn đũa còn các bạn dùng nĩa vì lần nào ăn nĩa y như rằng tôi sẽ cắn phải nó, mà răng cửa của tôi đặc biệt, cái răng sữa của nó đã từng bị mẻ.

Vũ nhìn tôi:

“Ăn đi!” - Nói giọng như ra lệnh. Đó gọi là… phong cách của cậu ấy.

Nghe phản hồi của các bạn thì món mỳ rất ngon. Tôi ăn.

“Thế nào?” - Vũ hỏi bằng vẻ mặt tự đắc như biết sẽ nhận được lời khen.

Tôi là người rõ hơn ai khác cảm giác của người bỏ hết công sức làm một món ăn mà bị chê bai, nên đành nói giảm nói tránh:

“…Ngon.”

“Biểu cảm thế mà nói ngon?”

“Tại tớ không quen ăn đồ tây.”

“Sao không nói?”

Vũ cầm đĩa mỳ lên, tôi lại bắt gặp những đường gân xanh đáng sợ, cậu ấy ném luôn vào sọt. Thế này gọi là manh động như ngọn đuốc hay phong cách?

Hành động đó khiến tôi sợ xanh mặt.

“Mày làm cái gì vậy?”

Phong khom người nhặt chiếc đĩa sứ từ thùng rác, cho vào bồn rửa và xả nước. Tiếng nước nghe man mát, dìu dịu.

Sau đó bữa ăn mất ngon, sự hằn học của các bạn đủ để tôi no căng, tôi đúng là đứa phiền phức.

Vũ quay về đĩa mỳ của mình, cắm mặt ăn, hệt như tôi tự ăn đồ mình nấu. Nhưng tôi nấu chỉ mình ăn được, còn Vũ làm rất ngon, mình tôi dở dở ương ương nên mới vậy.

Phong trở về chỗ, cậu ấy chỉ ngồi nhìn đĩa mỳ và tôi.

Biết mình không tốt, tôi nhận nhiệm vụ rửa bát. Có mấy bạn nói sẽ phụ một tay, nhưng ngón tay của họ đều gắn đá hoặc sơn màu rất kỳ công nên cứ để họ vầy nước, việc của mình tôi nên lặng lẽ làm.

Xong đống bát, mấy bạn leo lên phòng tham thú “lãnh địa” của Vũ, tôi rửa nốt chảo rồi ngồi ngắm mấy con cá vàng, tự hỏi thịt cá vàng vị thế nào nhỉ? Nghĩ vậy nên tôi vỗ béo chúng trước, rắc hộp thức ăn cạnh bể cho chúng.

Phong đứng từ cửa sổ bên ngoài hiên từ lúc nào, chìa tay vào cho tôi một cái túi màu trắng có bánh mỳ bên trong. Bánh mỳ kẹp pa-tê, món mà tôi… phát cuồng. Tôi quên luôn mấy em cá vàng.

Oh, nhưng pa-tê cũng là đồ ăn tây, tuy nhiên về Việt Nam đã lâu nên bị Việt hóa rồi. Tôi nhận lấy của Phong mà cười rất tươi. Cậu ấy vẫn đứng cách tôi qua hàng song cửa.

“Tớ một nửa cậu một nửa.”

Tôi nói và bỏ túi bóng ra. Chiếc bánh mỳ còn nóng nguyên.

“Tớ bảy phần cậu ba phần.”

Âm thanh đó nghe giống như: “Tao là con trai ăn khỏe hơn, mày ăn ít thôi, ba phần thôi.” Chúng tôi từng chia nhau bất kỳ thứ gì, kể cả que kem và nước đá. Nhưng lần này Phong chỉ lấy phần ba, còn tôi được bảy phần.

Đó là miếng bánh mỳ mà tôi ăn với hương vị trọn vẹn của đúng mười năm trước.

Có tiếng nô đùa trên ban công tầng hai khiến tôi ngượng ngùng quay vào trong. Khi cả lớp đi xuống, Phong đề nghị tập kịch. Các bạn trong đội nhảy sẽ tập ở góc sân phía sau, còn những đứa vô công rồi nghề như tôi đứng xem, có thể tham gia nêu ý kiến, hoặc lên kế hoạch chuẩn bị sân khấu.

Cô Hà My giao cho Phong đảm nhiệm vì cậu ấy có khả năng sửa lỗi phát âm và đủ hài hước để tạo lôi cuốn cho vở kịch, cô cùng thầy Ivan sẽ tổng duyệt sau. Cô chọn đúng người rồi, xưa nay Phong không lên tiếng thì thôi, một khi đã nói tụi con gái chúng tôi nghe răm rắp, mà bọn con gái nghe thì lũ con trai cũng phải nghe.



Lệ Quyên tập trung vào vở kịch hơn đội văn nghệ, bạn ấy đang đọc kịch bản bên cạnh “chàng hoàng tử” ngồi vắt vẻo chơi điện tử.

Dù sao không có cô giáo, các bạn nói tiếng Việt nên tôi cảm thấy bớt lạc lõng. Phong dặn dò vì không phải ai cũng nghe được hết những câu thoại bằng tiếng Anh nên đội ngũ diễn viên cần phải dùng ngôn ngữ cơ thể.

Bước đầu anh chàng đạo diễn nghiệp dư cho phép đội kịch cầm giấy đọc thoại. Cô bé lọ lem có một người dì và hai ông anh trai tối ngày rúc đầu chơi game, ngày ngày cô bé làm quần quật đủ thứ việc, như chơi điện tử cùng ông anh trai, ôi trời ơi đất hỡi, tôi cười đến chảy nước mắt.

Phong chỉ cho Quyên một số chi tiết cần nhấn mạnh, nhìn hai người ấy cũng đẹp đôi… nhỉ?

Tôi ngồi dựa lưng vào cây cột và ngủ lúc nào chẳng biết, đến đoạn chàng hoàng tử tìm đúng bài nhạc chuông của chiếc điện thoại trong túi cô nàng Lọ lem, tôi lại lăn ra cười thì làm rơi chiếc áo khoác đồng phục.

“Vũ Anh Vũ

11B3 - THPT Hùng Vương”

Trên ngực áo gió có thêu bảng tên của Vũ, còn cậu ấy mặc độc một cái áo trắng ngắn tay.

“Nghỉ giải lao chút!”

Trước khi diễn lại lần hai, các bạn vòng ra phía sau xem Đức và các bạn nhảy hip hop. Tôi đưa trả lại Vũ chiếc áo.

“Cậu mặc vào đi, trời lạnh đừng mặc phong phanh.”

“Nếu thấy lạnh tôi sẽ vào lấy áo khác, Lâm Anh cầm lấy…”

Vũ không định nhận lại, nhưng tay đành chìa ra như biết tôi sẽ không cần tới.

“… Không phải tớ không muốn, mà bởi tớ đã mặc áo khoác rồi, sao mặc được nữa.”

“Ừm, thế thì được,... nhưng áo rất to, mặc chùm lên?”

Hichic, tối nay được dự báo có đợt gió mùa, nhưng không phải bây giờ.

“… Nóng chảy mỡ mất.”

Vũ cười ha ha, cậu ta xoa đầu làm tóc tôi chả ra thể thống gì, đành phải bỏ dây buộc, cho tay cào cào như tổ quạ.

Vũ giật dây chun của tôi. Trời ạ, cậu ta đang dự tính chuyện gì đây?

“Cậu trả lại tớ dây buộc đi!”

“Tôi... tịch thu… Bạn để tóc như thế này trông hay hơn nhiều.”

Cách xưng hô cậu ta học ở đâu không biết, cả câu nói trên không giống thường ngày tý nào. Không sao, tôi thiếu gì nịt chun, bỏ lại cậu ta tôi đi lấy cặp, cả rổ chun buộc tóc mất một cái chả sao, dù gì cái dây đó giãn hết rồi.

Cơ mà cặp tôi bị thủng một lỗ, cái lỗ đủ để những chiếc nịt lọt ra ngoài. Chỉ còn cách tìm một cái khác trong nhà của một cậu con trai hoặc đòi lại. Tiếc rằng Vũ đã dùng để buộc chỏm tóc ngắn cũn sau gáy. Cái dây buộc có một vị trí không tồi. Trông cậu ta buộc tóc… hay hay.

*

Mười phút, hai mươi phút,… anh chàng đạo diễn nghiệp dư nói rằng chỉ để các bạn nghỉ giải lao năm phút. Tôi đi một vòng và không tìm được Phong, định nhắc lớp trưởng cho tập kịch tiếp thì nhận ra ngoài Phong chẳng ai quan tâm đến nó. Cậu ấy không có ở đây, ai còn màng tới nữa.

Phong về mà không chào tôi.

Vì vậy buổi tụ tập sớm kết thúc, tôi đứng đợi Thịnh nhưng cậu nói rằng có việc đột xuất. Không sao, tôi có thể đi bộ, ông nội khuyến khích bọn trẻ thời nay đi bộ xuyên quốc gia mà.

Đi ra được tới cổng thì Vũ kéo kít trước mặt tôi bằng phanh của một chiếc xe đạp mini đã mượn từ ai đó, trong số nhân viên ở bãi để xe.

Có lẽ vì tấm lưng khom lại cho tay nắm ghi-đông của Vũ mà tôi leo lên không suy nghĩ. Cơn gió trở nên bớt se lạnh hơn, bất chợt cậu ấy hát:

“Đưa em đi chơi xa/ Trên con xe tay ga…”

Tôi cũng lẩm nhẩm hát theo. Cả hai đứa hát được hai câu thì tắc tịt bởi chỉ nhớ được thế.

Vũ đưa tôi lấy xe đạp rồi “hộ tống” về nhà, đến ngã rẽ cuối cùng thì gặp mẹ đạp xe ra, trông thấy con gái há miệng cười hơ hớ mẹ tôi bất bình lắm. Vũ hỏi học trò chết gọi là gì, tôi không biết, hóa ra là “sĩ tử”, già quá chết là “lão tử”, chết toàn thây là “nguyên tử”, ngược lại “phân tử” là không toàn thây, còn bị chết do chém thành nhiều mảnh gọi là “thái tử”, đến đoạn chết khi đi tiểu sau khi ăn yến tiệc gọi là “Tiểu Yến Tử”, thiếu áo lạnh mà chết là “Hàn Mặc Tử”, tôi không chịu nổi cười rúc rích để mấy bác ngồi hàng nước quay ra nhìn.

“Lâm Anh, đi chợ!”

Dứt câu mẹ đưa bao đong gạo về phía tôi, đành theo mẹ ra chợ, còn Vũ đi về. Tôi trông xe cho mẹ mua thức ăn, vừa chọn su hào, mẹ nói:

“Mẹ không thích con chơi với những đứa nhà giàu đua đòi.”

Đúng rồi, họ có thèm chơi với tôi đâu, mẹ yên tâm quá còn gì.

“Nhà chúng có điều kiện, dễ sinh tính ỷ lại không chịu phấn đấu, con nên học tập Phong và Hải Yến. Tại sao con không nhờ Phong chỉ tiếng Anh giúp, bạn bè chơi với nhau để cùng vươn lên.”

“Nhưng… Vũ cũng giỏi tiếng Anh mà mẹ!”

Tôi nối tiếp lời mẹ ngay tức thì. Mẹ cho tôi chơi cùng Phong, tôi cảm thấy rất vui nhưng Vũ thì sao chứ? Cậu ấy làm mẹ không thích ư? Trước đây mẹ từng khen Vũ ngoan ngoãn, bênh vực tôi cơ mà.

“Mẹ không muốn con a dua theo các bạn có điều kiện trong lớp, ý mẹ là con hãy nhìn vào hoàn cảnh nhà chúng ta để phấn đấu, đừng ung dung như các bạn trong lớp. Hơn nữa tuổi con còn rất nhỏ, chưa hiểu biết nhiều, đừng để chuyện tình cảm ảnh hưởng đến học tập. Năm tới trường lại cho thi xếp lớp, con nên cố gắng vào chọn I, hoặc II. Mẹ thích con được học trong môi trường đó hơn.”

Đó là môi trường mà mang cặp sách tới trường, ngồi xuống bàn học và chỉ học, không phải nơi các bạn nữ nói chuyện về tóc tai, quần áo, các bạn nam bàn tán về bóng đá, xe hơi, đế chế,… Ừ thì tôi không quan tâm tới, nhưng ở môi trường mà mẹ hy vọng, không có cậu bạn lấy dây chun buộc lên chỏm tóc ngắn cũn của tôi.

Tôi cảm thấy buồn khó tả, người lớn sao hiểu được tâm tư tụi trẻ con chúng tôi chứ? Hoặc là tôi chưa cần lớn để hiểu biết nhiều.

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.net

truyện trọng sinh
truyện sắc

Dtruyen.com đổi tên miền thành Dtruyen.net. Độc giả ghi nhớ để truy cập.

ngôn tình sắc

Nhận xét của độc giả về truyện Đã Có Anh Trong Nỗi Nhớ Của Em Chưa?

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook