Đại Chiến Hacker

Chương 21

Cory Doctorow

13/04/2016

Họ để tôi và cô Barbara ở lại trong phòng, và tôi dùng vòi sen để rửa ráy qua loa - tôi bỗng thấy ngượng khi người toàn nước tiểu và thứ nôn mửa. Khi tôi xong xuôi thì đã thấy cô Barbara đang khóc.

"Bố mẹ cháu..." cô bắt đầu nói.

Tôi lại cảm thấy mình sắp nôn ra đến nơi. Chúa ơi, bố mẹ tội nghiệp của tôi. Những gì họ phải trải qua.

"Họ có ở đây không ạ?"

"Không," cô nói. "Sự việc rất phức tạp."

"Sao cơ?"

"Cháu vẫn đang bị bắt, Marcus à. Tất cả mọi người ở đây cũng thế. Họ không thể cứ thế tràn vào và mở tung các cánh cửa ra. Tất cả mọi người ở đây đều sẽ phải tuân thủ đúng các bước trong hệ thống tư pháp hình sự. Và việc này, ờ, có thể mất tới vài tháng."

"Cháu sẽ phải ở đây vài tháng nữa ư?"

Cô nắm lấy tay tôi. "Không, cô nghĩ chúng ta có thể giúp cháu nhanh chóng được xét xử rồi bảo lãnh cháu ra. Nhưng nhanh chóng chỉ là một từ mang tính tương đối. Cô không hy vọng có điều gì sẽ xảy ra hôm nay. Những người kia cũng không có vẻ gì là sẽ khác cháu. Sẽ rất nhân đạo. Sẽ có thức ăn theo đúng nghĩa thức ăn. Không có tra khảo. Gia đình được đến thăm.

"DHS bị loại bỏ không có nghĩa là cháu có thể ung dung ra khỏi đây. Điều chúng ta đang làm bây giờ là dỡ bỏ phiên bản quái gở, vô phép tắc của hệ thống tư pháp mà bọn chúng đã xây dựng nên và thay thế bằng hệ thống cũ. Hệ thống có quan tòa, xét xử công khai và có luật sư.

"Chúng ta có thể cố gắng chuyển cháu đến một nơi giam giữ dành cho trẻ vị thành niên trên đất liền, nhưng Marcus ạ, những nơi đó có thể thực sự rất khắc nghiệt. Rất, rất khắc nghiệt. Đây có thể là nơi tốt nhất dành cho cháu trước khi cháu được bảo lãnh ra ngoài."

Được bảo lãnh ư? Phải rồi. Tôi là một tên tội phạm cơ mà

- tôi vẫn chưa bị kết án, nhưng chắc chắn có cả đống tội danh bọn họ có thể nghĩ ra cho tôi. Trên thực tế, sẽ là bất hợp pháp nếu có bất cứ ý nghĩ tiêu cực nào về chính phủ cơ mà.

Cô Barbara lại siết chặt tay tôi. "Điều này thật tệ hại, nhưng buộc phải vậy. Điều quan trọng là nó đã kết thúc. Thống đốc đã hất cẳng DHS ra khỏi bang, giải tán tất cả các trạm kiểm soát. Bộ trưởng bộ Tư pháp đã ban hành trát bắt giữ bất kỳ cơ quan hành pháp nào dính líu đến vụ 'tra khảo bằng cách gây áp lực' và bắt giữ người bí mật. Bọn chúng sẽ phải vào tù, Marcus ạ, và đó là nhờ những gì cháu đã làm."

Tôi chết lặng. Tôi đã rõ từng từ, nhưng chúng chẳng có ý nghĩa gì cả. Vì một lý do nào đó, nó đã kết thúc, nhưng nó vẫn chưa kết thúc.

"Nghe này," cô nói. "Có lẽ chúng ta có khoảng một đến hai tiếng trước khi vụ hôm nay được dàn xếp, trước khi bọn chúng quay lại và tống cháu trở lại tù. Cháu muốn gì nào? Đi dạo trên bãi biển? Ăn một bữa? Chúng có một phòng dành cho nhân viên rất tuyệt - bọn cô đã vào phòng này trên đường đến đây. Cực đỉnh."

Cuối cùng thì tôi cũng tìm ra câu trả lời. "Cháu muốn tìm Ange. Cháu muốn tìm Darryl."

Tôi cố gắng dùng cái máy tính mà tôi tìm được để truy ra số xà lim của họ, nhưng để làm được điều này phải có mật khẩu, vậy nên chúng tôi buộc phải đi dọc hành lang, kêu tên họ. Đằng sau những cánh cửa xà lim, tù nhân gào thét vào mặt chúng tôi, hoặc khóc lóc, cầu xin chúng tôi thả họ ra. Họ không hiểu điều gì vừa mới xảy ra, không thể nhìn thấy bọn lính trước đó vừa canh gác họ đã bị còng tay dồn lại tại bến tàu, bị đội đặc nhiệm của bang California giải đi.

"Ange!" tôi gọi ầm lên, "Ange Carvelli! Darryl Glover! Marcus đây!"

Chúng tôi đã đi hết chiều dài của dãy xà lim nhưng vẫn không có ai trả lời. Tôi thấy phát khóc lên được. Họ đã bị tàu chở ra khơi - họ đang ở Syria hoặc có thể tệ hơn nữa. Tôi sẽ chẳng bao giờ được nhìn thấy họ nữa.

Tôi ngồi bệt xuống và dựa lưng vào tường hành lang, hai tay bưng mặt. Tôi nhìn thấy gương mặt của mụ Tóc Bằng, nhìn thấy mụ ta cười tự mãn khi hỏi tài khoản đăng nhập của tôi. Chính mụ đã gây ra điều này. Mụ sẽ bị tống vào tù, nhưng thế vẫn chưa đủ. Tôi mà gặp lại mụ, tôi sẽ giết mụ. Mụ đáng bị như vậy.

"Thôi nào," cô Barbara nói, "Thôi nào Marcus. Đừng bỏ cuộc. Còn có nhiều xà lim nữa ở quanh đây, đi nào."

Cô ấy nói đúng. Tất cả những cánh cửa chúng tôi vừa đi qua của dãy xà lim này đều đã cũ, hoen gỉ, có từ hồi nơi này mới được xây dựng. Nhưng ở phía cuối hành lang là một cánh cửa an ninh tối tân dày ngang một cuốn đại từ điển đang mở hé. Chúng tôi đẩy cửa và đánh liều đi vào dãy hành lang tối om bên trong.

Thêm nhiều cửa xà lim nữa ở đây, những cánh cửa không có mã vạch. Mỗi cánh cửa đều có một hốc để cắm chìa khóa điện tử.

"Darryl?" tôi gọi. "Ange?"

"Marcus?"

Là Ange, gọi tôi từ sau cánh cửa xa nhất. Ange, Ange của tôi, thiên thần của tôi.

"Ange!" tôi la lên. "Là anh, anh đây!"

"Ôi Chúa ơi, Marcus," cô nghẹn lại và rồi khóc nức nở.

Tôi đập thình thình vào những cánh cửa khác.

"Darryl! Darryl! Cậu có ở đó không?"

"Tớ đây." Giọng nói đó rất nhỏ, và khàn đục.

"Mình ở đây. Mình rất, rất xin lỗi. Làm ơn. Mình rất xin

lỗi."

Giọng nó nghe có vẻ... suy sụp. Tan nát.

"Mình đây, D," tôi nói, áp người vào cánh cửa phòng giam của nó. "Marcus đây. Qua hết rồi - họ đã bắt đám lính canh rồi. Họ đã đá đít DHS đi rồi. Chúng ta sẽ được xét xử, xét xử công khai. Và chúng ta sẽ biện hộ chống lại bọn chúng."

"Mình xin lỗi," nó lặp lại. "Làm ơn, mình rất xin lỗi."

Đúng lúc đó thì cảnh sát tuần tra California đi đến chỗ cánh cửa. Họ vẫn để cho máy quay hoạt động. "Cô Stratford?" một người trong số họ nói. Ông cởi mặt nạ, trông ông giống bất kỳ cảnh sát nào khác, chứ không giống như người vừa cứu sống tôi. Giống một người đến để còng tôi lại.

"Đội trưởng Sanchez," cô nói. "Chúng tôi đã xác định được vị trí của hai tù nhân đang được quan tâm ở đây. Tôi mong họ được thả ra và tôi có thể kiểm tra tình hình của họ."

"Thưa cô, chúng tôi không có mã truy cập để mở những cánh cửa này," ông nói.

Cô giơ tay lên. "Đó không phải là thỏa thuận. Tôi phải có toàn quyền tiếp cận cơ sở này. Đây là lệnh trực tiếp từ Thống đốc, thưa ngài. Chúng tôi sẽ không nhúc nhích chừng nào ông chưa mở được những xà lim này." Nét mặt cô trước sau như một, không hề có dấu hiệu nào của sự nhượng bộ hay đổi ý. Cô không hề dọa.

Có vẻ như ngài Đội trưởng cần một giấc ngủ. Ông nhăn nhó. "Tôi sẽ xem có thể làm được gì."

Cuối cùng họ cũng tìm được cách mở xà lim sau chừng nửa tiếng đồng hồ. Mất ba lần thử, nhưng rốt cuộc họ cũng nhập được mã số đúng, khớp chúng với thẻ RFID trên phù hiệu nhận dạng mà họ lấy được từ những tên lính bị bắt giữ.

Họ mở xà lim của Ange đầu tiên. Cô mặc quần áo bệnh viện, hở phía sau lưng, xà lim của cô còn trống trải hơn của tôi - chỉ lót đệm, không chậu rửa hay giường chiếu gì, không ánh sáng. Cô nheo mắt nhìn ra ngoài hành lang và máy quay của cảnh sát chiếu vào cô, rọi ánh sáng lên mặt cô. Barbara bước lên che chúng tôi khỏi máy quay. Ange ngập ngừng bước ra khỏi xà lim, hơi lúng túng. Có gì đó không ổn với đôi mắt của cô, với nét mặt của cô. Cô đang khóc, nhưng đó không phải lý do.

"Chúng đánh thuốc em. Vì em không ngừng kêu gào đòi gặp luật sư," cô nói.

Tôi ôm chầm lấy cô. Cô hơi lùi lại nhưng rồi cũng siết chặt lấy tôi. Người cô bốc mùi hôi thối và ướt đẫm mồ hôi, còn tôi cũng chẳng thơm tho gì hơn. Tôi không bao giờ muốn rời cô nữa.

Đúng lúc đó thì họ mở được xà lim của Darryl.

Nó đã xé vụn cái áo giấy bệnh viện. Nó trần truồng, đầu tóc bù xù, đang ở tít góc xà lim, tránh khỏi máy quay và ánh mắt của chúng tôi. Tôi lao đến chỗ nó.

"D," tôi thì thầm vào tai nó. "D, mình đây. Marcus đây. Kết thúc rồi. Bọn lính đã bị bắt. Chúng ta sẽ được bảo lãnh, chúng ta sắp được về nhà rồi."

Nó run lên và nhắm nghiền mắt lại. "Mình xin lỗi," nó thì thầm, rồi ngoảnh mặt đi.

Sau đó họ dẫn tôi đi, một cảnh sát mặc áo giáp cùng với Barbara đã đưa tôi về xà lim của mình và khóa cửa lại, tôi phải qua đêm ở đó.

Tôi không nhớ rõ lắm về chuyến đi đến tòa án. Họ xích tôi chung với năm tù nhân nữa, bọn họ đều ở trong tù lâu hơn tôi nhiều. Trong số họ có duy nhất một người nói tiếng Ả Rập - đó là một người trung niên, và ông ấy run lẩy bẩy. Những người khác đều trẻ. Tôi là người da trắng duy nhất.

Khi chúng tôi đã được giải lên boong của chiếc phà, tôi nhận ra rằng hầu như tất cả mọi người trên đảo Kho Báu đều là người da màu.

Tôi chỉ ở trong đó có một đêm, nhưng như vậy cũng là quá lâu. Trời lắc rắc vài hạt mưa, thường thì nó sẽ làm tôi phải khom vai và cúi mặt xuống, nhưng hôm nay tôi cùng với tất cả những người khác đều ngẩng mặt lên bầu trời xám xịt bất tận, hân hoan trong cái cảm giác ướt nhẹp ran rát khi chúng tôi đi qua vịnh để xuống boong phà.

Họ đưa chúng tôi đi bằng xe buýt. Những chiếc còng khiến việc leo lên xe buýt trở nên khó nhọc, và phải mất một lúc lâu mọi người mới lên hết. Chẳng ai bận tâm. Khi không vật lộn để giải quyết vấn đề mang tính hình học gồm sáu người, một dây xích, lối đi chật hẹp, chúng tôi ngắm nhìn thành phố xung quanh, ngắm nhìn những tòa nhà trên đồi.

Tất cả những gì tôi có thể nghĩ đến là tìm Darryl và Ange, nhưng không thấy tăm hơi của cả hai đâu. Đoàn người rất đông và chúng tôi không được phép di chuyển tự do. Những người lính áp giải chúng tôi cũng nhã nhặn, nhưng dù sao họ vẫn to lớn, mặc áo giáp và được trang bị vũ khí. Tôi liên tục tưởng là đã nhìn thấy Darryl trong đám đông, nhưng đó luôn là một ai khác cũng với dáng vẻ tiều tụy, lom khom của thằng bạn tôi trong xà lim hôm ấy. Nó không phải là người duy nhất suy sụp.

Tại tòa án, họ dẫn từng nhóm bị xích chung vào các phòng thẩm vấn. Một luật sư từ Liên đoàn quyền tự do công dân Mỹ (1) lấy lời khai và hỏi chúng tôi vài câu hỏi - khi đến cạnh tôi, cô ấy mỉm cười và chào tôi bằng tên riêng - rồi sau đó dẫn chúng tôi đi vào phòng xử án, đứng trước thẩm phán. Vị thẩm phán mặc một chiếc áo choàng và hình như đang trong tâm trạng tốt.

Có vẻ như thỏa thuận ở đây là ai có thành viên gia đình đến nộp tiền bảo lãnh sẽ được tự do, tất cả những người còn lại sẽ vào tù. Liên đoàn quyền tự do công dân Mỹ phải thuyết phục vị thẩm phán rất lâu để có thêm vài tiếng nữa trong khi nhân thân của tù nhân được triệu tập và đưa tới phòng xử án. Vị thẩm phán đồng ý với đề nghị này, nhưng khi tôi nhận ra rằng vài người trong số những tù nhân này đã bị bắt giam sau khi chiếc cầu bị nổ tung, bị gia đình mình coi như đã chết, không hề được xét xử, và bị tra khảo, giam cách ly, tra tấn - tôi chỉ muốn tự mình đập tan xiềng xích để tất cả được tự do.

Khi tôi được đưa tới trước vị thẩm phán, ông ta nhìn tôi và bỏ kính xuống. Ông ta trông có vẻ mệt mỏi. Luật sư của ACLU cũng có vẻ mệt mỏi. Nhân viên chấp hành cũng có vẻ mệt mỏi. Phía sau mình, tôi có thể nghe thấy tiếng nói chuyện rì rầm rộ lên khi chấp hành viên gọi tên tôi. Vị thẩm phán gõ búa một lần nhưng vẫn không rời mắt khỏi tôi. Ông ta dụi mắt.

"Ông Yallow," ông ta nói, "bên nguyên cho rằng bị cáo là mối nguy hại đối với các chuyến bay. Tôi nghĩ họ có lý. Chắc hẳn bị cáo còn có nhiều tiền án hơn những người ở đây. Tôi muốn giữ bị cáo lại để xét xử, không cần biết bố mẹ của bị cáo nộp bao nhiêu tiền bảo lãnh đi chăng nữa."

Luật sư của tôi bắt đầu nói gì đó, nhưng vị thẩm phán đã đưa mắt buộc cô ta im lặng. Ông ta lại dụi mắt thật mạnh.

"Bị cáo có gì để nói không?"

"Tôi đã có cơ hội để chạy trốn," tôi nói. "Đó là vào tuần trước. Có người đã đề nghị đưa tôi đi ra khỏi thành phố, giúp tôi có một danh tính khác. Thay vì bỏ trốn, tôi đã lấy trộm điện thoại của cô ta, trốn khỏi chiếc xe và bỏ chạy. Tôi đưa chiếc điện thoại lưu giữ bằng chứng về bạn tôi, Darryl Glover, cho một phóng viên rồi lẩn trốn trong thành phố."

"Bị cáo lấy trộm một chiếc điện thoại?"



"Tôi đã quyết định rằng tôi không thể trốn chạy. Tôi phải đối mặt với công lý... sự tự do của tôi không có nghĩa lý gì khi tôi là một người bị truy nã, hay khi thành phố vẫn chịu sự kiểm soát của Cục An ninh Nội địa. Khi bạn bè tôi vẫn bị bắt giam. Sự tự do của cá nhân tôi không quan trọng bằng sự tự do của cả đất nước."

"Nhưng đúng là bị cáo đã ăn trộm điện thoại?"

Tôi gật đầu. "Đúng vậy. Tôi định trả nó lại nếu tôi tìm được người phụ nữ trẻ cần tìm."

"Cám ơn phần trả lời của anh, anh Yallow. Anh là một chàng trai trẻ rất có khiếu ăn nói." Ông ta nhìn trừng trừng vào công tố viên. "Có người cũng sẽ nói anh là một chàng trai trẻ dũng cảm. Trên bản tin sáng nay có phát một đoạn phim. Nó cho thấy anh có một lý do hợp pháp nào đó để lẩn trốn các nhà chức trách. Xét thực tế như vậy, và thêm bài diễn văn nho nhỏ của anh vừa rồi, tôi sẽ cho phép anh được bảo lãnh, nhưng tôi cũng sẽ yêu cầu công tố viên thêm vào cả hình phạt trộm cắp mức độ nhẹ, với trường hợp của chiếc điện thoại. Vì vậy, anh sẽ phải mất thêm 50.000 đô la tiền bảo lãnh."

Ông ta lại gõ nhẹ cái búa, và luật sư của tôi siết chặt lấy tay tôi.

Vị thẩm phán nhìn xuống tôi một lần nữa và lại đeo kính lên. Vai áo ông ta lấm tấm gàu. Một ít nữa rơi xuống khi cặp kính chạm vào mái tóc thô xoăn.

"Giờ anh có thể đi, chàng trai. Hãy tránh xa những chuyện phiền toái."

Tôi quay gót và có ai đó ôm chầm lấy tôi. Đó là bố. Ông nhấc bổng tôi lên khỏi mặt đất, ôm tôi chặt đến nỗi xương sườn tôi kêu cọt kẹt. Bố ôm tôi theo cách ông vẫn ôm tôi hồi tôi bé xíu, khi ông quay tròn tôi trong trò chơi máy bay vui nhộn nhưng buồn nôn; bố tung tôi lên không trung và bắt tôi lại rồi siết chặt lấy tôi cũng như thế này, chặt đến nỗi làm tôi đau nhói.

Một đôi tay dịu dàng hơn nhẹ nhàng gỡ tôi ra khỏi vòng tay của bố. Mẹ. Bà dang rộng vòng tay ôm tôi một lúc, chạm vào mặt tôi như tìm kiếm thứ gì đó, bà không nói gì, nước mắt tuôn rơi. Mẹ vừa cười vừa khóc nức nở vừa ôm tôi, vòng tay của bố bao bọc lấy cả hai mẹ con.

Khi hai người buông tôi ra, rốt cuộc tôi cũng xoay xở nói được gì đó, "Darryl sao rồi?"

"Bố đã gặp bố cậu ấy. Cậu ấy đang trong bệnh viện."

"Khi nào con có thể gặp nó?"

"Bây giờ chúng ta sẽ đến đó," ông trả lời. Vẻ mặt ông thật đáng sợ. "Cậu ấy không..." ông dừng lại. "Họ nói cậu ấy sẽ ổn thôi," giọng ông nghẹn lại.

"Thế còn Ange?"

"Mẹ cô bé đã đưa cô bé về nhà. Cô bé muốn ở đây chờ con, nhưng..."

Tôi hiểu. Hoàn toàn hiểu, hiểu cảm giác của các gia đình có người thân bị giam cầm ở một nơi xa xôi. Phòng xử án đẫm nước mắt và nhiều cái ôm siết, ngay cả nhân viên tòa án cũng không ngăn được họ.

"Đi thăm Darryl thôi," tôi nói. "Cho con mượn điện thoại của bố được không ạ?"

Tôi gọi cho Ange trên đường đến bệnh viện nơi Darryl đang nằm - bệnh viện Đa khoa San Francisco, ở ngay cuối phố - và hẹn gặp cô sau bữa tối. Cô nói bằng một giọng thì thầm rất vội vàng. Mẹ cô còn đang băn khoăn không biết có nên trừng phạt cô hay không, nhưng Ange không muốn liều mạng.

Có hai cảnh sát tuần tra cao tốc ở hành lang nơi Darryl đang được canh gác. Họ ngăn các phóng viên đang kiễng chân nhìn ngó và chụp ảnh. Đèn flash cứ rọi liên hồi vào mắt chúng tôi như đèn nhấp nháy, tôi lắc đầu để tỉnh táo. Bố mẹ tôi đem theo quần áo sạch cho tôi và tôi đã thay ở ghế sau của xe, nhưng tôi vẫn còn thấy kinh tởm, ngay cả sau khi tôi đã tắm rửa trong phòng tắm của nơi xử án.

Một trong các phóng viên gọi tên tôi. Ối chà, phải rồi, giờ tôi nổi tiếng rồi. Hai viên cảnh sát đang đứng gác cũng nhìn tôi, họ đã nhận ra mặt tôi hoặc tên tôi khi mấy tay phóng viên réo nó lên.

Bố Darryl gặp chúng tôi ở cửa phòng, chỉ thì thầm để đám phóng viên không thể nghe thấy. Ông mặc thường phục, quần jean và áo len mà tôi thường thấy ông mặc, nhưng trên ngực ông đính huân chương phục vụ.

"Nó vẫn đang ngủ," ông nói. "Khi nãy nó tỉnh dậy và bắt đầu gào. Nó gào mãi không ngừng được. Họ cho nó uống thuốc giúp nó ngủ."

Ông dẫn chúng tôi vào. Mái tóc Darryl sạch sẽ chải chuốt, nó đang há mồm ra ngủ. Có thứ gì đó màu trắng ở góc miệng nó. Phòng nó nằm là loại phòng chăm sóc riêng dành cho hai người, trên giường còn lại là một người Ả Rập lớn tuổi, khoảng tứ tuần. Tôi nhận ra đó chính là người đã bị xích cùng tôi trên đường rời khỏi đảo Kho Báu. Chúng tôi chào nhau bằng những cái vẫy tay ngượng nghịu.

Tôi quay sang Darryl. Tôi cầm tay nó lên. Móng tay đã bị gặm đến tận thịt. Nó có thói cắn móng tay từ nhỏ, nhưng đã bỏ từ khi vào trung học. Tôi nghĩ Van đã thuyết phục nó rằng thật gớm khi suốt ngày cứ cho móng tay vào miệng.

Tôi nghe thấy tiếng bố mẹ tôi và bố Darryl đi ra chỗ khác, kéo rèm xung quanh chúng tôi. Tôi cúi sát mặt nó trên gối. Bộ râu lởm chởm của nó làm tôi nhớ đến Zeb.

Nó đang ngáy khe khẽ. Suýt nữa thì tôi nói "Mình yêu cậu," câu mà tôi chưa bao giờ nói với người nào không thuộc gia đình mình, thật kỳ cục khi nói vậy với một đứa con trai khác. Cuối cùng tôi chỉ siết chặt tay nó. Darryl thật đáng thương.

Chú thích:

1. ACLU (American Communist Lawyers Union) là một tổchức quốc gia, phi lợi nhuận, phi đảng phái với hơn 500.000 thành viên, có mục tiêu là bảo vệ nguyên lý quyền tự do và bình đẳng thể hiện trong Hiến pháp và Luật Nhân quyền.

Phần kết

uối tuần, ngày 4 tháng Bảy, cô Barbara gọi đến văn phòng cho tôi. Tôi không phải là người duy nhất đi làm vào ngày nghỉ cuối tuần, nhưng tôi là kẻ duy nhất lấy cớ chương trình cải tạo hàng ngày của tôi không cho phép tôi rời thành phố.

Cuối cùng, họ kết án tôi vì tội ăn trộm điện thoại của Masha. Bạn có tin nổi điều này không? Công tố viên đã thỏa thuận với luật sư của tôi để giảm những án liên quan đến "khủng bố điện tử" và "xúi giục bạo động", đổi lại tôi bị khép tội trộm cắp vặt. Tôi phải dành ba tháng cải tạo hàng ngày trong một cơ sở tái hòa nhập cộng đồng. Tôi ở trong ký túc xá dành cho tội phạm vị thành niên tại khu Mission. Tôi ngủ ở ký túc xá, chung phòng ngủ tập thể với một lũ tội phạm thực thụ, bọn băng đảng, bọn nghiện ngập, vài đứa điên. Cả ngày tôi được "tự do" ra ngoài và "đi làm".

"Marcus, họ sẽ thả cô ta ra đấy," cô nói.

"Ai cơ ạ?"

"Johnstone, Carrie Johnstone," cô trả lời. "Tòa án binh kín xử cô ta trắng án. Hồ sơ đã được khép lại. Bà ta lại được phái đi nghĩa vụ. Họ cho bà ta đến I Rắc."

Carrie Johnstone là tên của mụ Tóc Bằng. Lúc đầu, nghe nói bà ta bị xét xử ở Tòa án Tối cao California, nhưng cũng chỉ biết được đến thế thôi. Bà ta không hé một lời về việc bà ta làm theo lệnh của ai, đang làm những gì, ai đã bị bắt giam và tại sao. Bà ta chỉ ngồi một chỗ, tuyệt đối im lặng, ngày qua ngày, tại phòng xử án.

Cùng lúc đó, Cục dự trữ liên bang lớn tiếng phản đối việc Chính phủ đã "đơn phương và bất hợp pháp" cho đóng cửa cơ sở trên đảo Kho Báu, và việc ngài Thống đốc đã buộc cảnh sát phục vụ Cục dự trữ liên bang phải rời San Franciso. Rất nhiều trong số những cảnh sát này cùng với lính canh tại Gitmo-bên-bờ-Vịnh đã phải bóc lịch trong các nhà tù của bang.

Ngày hôm trước còn chưa có bất cứ tuyên bố nào từ Nhà Trắng hay từ chính quyền bang. Vậy mà ngay hôm sau đã có một cuộc họp báo khô khan, căng thẳng được phối hợp tổ chức tại bậc thềm của dinh thự dành cho Thống đốc, tại đó, giám đốc DHS và Thống đốc bang đã tuyên bố hai bên đã "hiểu nhau".

DHS sẽ tổ chức một tòa án binh kín để điều tra về những "sai lầm có khả năng phạm phải trong sự suy xét" sau vụ tấn công Cầu Vịnh. Tòa án này sẽ vận dụng mọi công cụ trong quyền hạn của nó để đảm bảo rằng tất cả các tội ác đều bị trừng trị đích đáng. Đổi lại, việc kiểm soát hoạt động của DHS tại California sẽ phải thông qua Thượng viện của bang, nơi có quyền chấm dứt, điều tra hay tái ưu tiên vấn đề an ninh nội địa của bang.

Đám phóng viên lao nhao đến nhức óc và Barbara đã đưa ra câu hỏi đầu tiên. "Ngài Thống đốc, với tất cả sự kính trọng, tôi xin đặt câu hỏi: chúng ta đã có bằng chứng không thể chối bỏ là một đoạn phim chứng minh rằng Marcus Yallow, một công dân sinh ra ở bang này, đã suýt phải lãnh một án tử hình được các sĩ quan DHS thi hành theo lệnh của Nhà Trắng. Liệu bang có sẵn sàng dẹp màn công lý giả tạo, lấy danh nghĩa bảo vệ công dân của mình này khi mà chính người dân phải đối mặt với sự tra tấn phi pháp, dã man không?" Giọng cô run lên nhưng vẫn rất mạch lạc.

Thống đốc dang rộng hai tay, "Các tòa án binh sẽ thực thi công lý. Nếu anh Yallow - hay bất cứ ai khác chê trách DHS - muốn được hưởng nhiều công lý hơn nữa, thì đương nhiên anh ta có quyền kiện ra tòa vì những thiệt hại mà có thể chính phủ liên bang nợ anh ta."

Đó chính là điều mà tôi đang làm. Trong vòng một tuần sau tuyên bố của Thống đốc, hơn hai ngàn đơn kiện dân sự đã được nộp lên để chống lại DHS. Trường hợp của tôi được Hiệp hội Quyền Tự do Dân sự Mỹ đảm trách, và họ đã nộp nhiều bản đề nghị được biết kết quả của các phiên tòa quân sự kín. Cho đến nay, đoàn bồi thẩm tỏ ra khá thông cảm với trường hợp này.

Nhưng tôi không hề mong đợi việc này.

"Mụ ta được xử trắng án hoàn toàn?"

"Báo chí cũng không đưa tin gì nhiều. 'Sau khi đã nghiên cứu kỹ lưỡng các sự kiện tại San Francisco và tại trại giam chống khủng bố đặc biệt trên đảo Kho Báu, tòa đi đến kết luận rằng hành động của cô Johnstone sẽ không chịu thêm hình phạt nào nữa.' Có từ 'nào nữa', nghe cứ như là

họ đã trừng phạt cô ta rồi vậy."

Tôi khịt mũi. Gần như đêm nào tôi cũng mơ thấy Carrie Johnstone kể từ khi tôi được phóng thích khỏi Gitmo-bên-bờ-Vịnh. Tôi nhìn thấy mặt mụ ta hiện ra lù lù trước mặt tôi, nụ cười gằm ghè khi mụ ta ra lệnh cho người của mụ cho tôi "uống nước".

"Marcus..." Barbara nói, nhưng tôi ngắt lời cô.

"Được thôi. Được thôi. Cháu sẽ làm một đoạn phim về việc

này. Tung nó lên mạng sau dịp cuối tuần này. Thứ Hai luôn là một ngày thích hợp để phát tán đoạn phim. Mọi người sẽ trở lại sau kỳ nghỉ, tìm thứ gì đấy khôi hài để gửi qua gửi lại trong trường hay văn phòng."

Tôi phải gặp bác sĩ tâm thần hai lần một tuần như một phần thỏa thuận tại cơ sở tái hòa nhập. Khi tôi không còn nhìn nhận việc này như là một hình phạt nữa thì thực ra nó lại có cái hay. Ông ấy đã giúp tôi tập trung thực hiện những việc có tính xây dựng khi tôi thấy rối trí thay vì cứ chìm đắm trong cảm giác đó. Những đoạn phim sẽ có ích.

"Cháu phải đi rồi," tôi nói, nuốt khan một cách khó khăn để giọng không biểu lộ cảm xúc.

"Cẩn thận nhé, Marcus," Barbara nói.

Ange ôm tôi từ phía sau khi tôi vừa gác điện thoại. "Em vừa đọc tin đó trên mạng," cô nói. Cô đọc đến hàng triệu mục điểm tin, lập tức giật tít giật gân ngay khi tin vừa được tung ra. Cô là blogger chính thức của chúng tôi, và cô rất cừ, săn lùng những câu chuyện thú vị và đăng lên mạng như một thực đơn nhanh cho bữa sáng.

Tôi quay người trong vòng tay cô để có thể ôm cô từ phía đối diện. Thật ra mà nói, ngày hôm đấy chúng tôi cũng không có nhiều việc để làm. Tôi không được phép ra khỏi cơ sở tái hòa nhập sau bữa tối, và cô cũng không thể đến thăm tôi. Chúng tôi gặp nhau gần chỗ văn phòng, nhưng thường có rất nhiều người xung quanh, điều này thực sự phá đám giây phút riêng tư của chúng tôi. Cả ngày ở trong văn phòng thật là quá cám dỗ. Đã vậy trời lại còn oi bức ngột ngạt, có nghĩa là chúng tôi đều mặc áo phông và quần ngắn, có rất nhiều động chạm da thịt khi chúng tôi làm việc bên nhau.

"Anh sắp sửa làm một đoạn phim," tôi nói. "Anh muốn tung nó ra hôm nay."

"Hay quá," cô nói. "Làm thôi."

Ange ngồi đọc thông cáo báo chí. Tôi làm một đoạn độc thoại ngắn, ghép đoạn phim nổi tiếng về tôi về vụ ván và nước, cặp mắt điên dại trong ánh sáng chói lòa của máy quay phim, nước mắt giàn giụa trên mặt, tóc bết lại và dính lẫn thức ăn nôn ra.

"Đây chính là tôi. Tôi đang chịu hình thức tra khảo ván và nước. Tôi đang bị tra tấn bằng biện pháp hành hình giả. Một người phụ nữ tên Carrie Johnstone đã giám sát buổi tra tấn này. Bà ta làm việc cho chính phủ. Bạn có thể nhận ra bà ta từ đoạn phim sau đây." Tôi dán đoạn phim có Johnstone và Kurt Rooney vào.

"Đó chính là Johnstone và Ngoại trưởng Kurt Rooney, trưởng ban chiến lược của tổng thống."

"Đất nước không ưa gì thành phố này. Đối với đất nước, nó như là hai thành phố Sodom và Gomorrah(1) chỉ toàn là những kẻ bạc nhược và vô thần xứng đáng xuống địa ngục.

Lý do duy nhất mà đất nước quan tâm về những điều mà những người ở San Francisco nghĩ là vì họ có vinh dự được bọn khủng bố Hồi giáo cho nổ tung."

"Ông ta đang nói về thành phố mà tôi đang sống. Theo thống kê gần đây nhất thì 4.215 người hàng xóm của tôi đã chết vào cái ngày mà ông ta đang nói tới. Nhưng một số có thể chưa chết. Một số biến mất và xuất hiện ở đúng nhà tù nơi tôi bị tra tấn. Một số bố mẹ, con cái, người yêu, anh chị em sẽ không bao giờ được gặp lại người mà họ yêu thương nữa - bởi vì họ đã bị tống giam bí mật tại một nhà tù bất hợp pháp ngay tại Vịnh San Francisco. Họ bị tàu chở ra ngoài biển. Có hồ sơ rất chi tiết, nhưng Carrie Johnstone lại nắm giữ chìa khóa mã." Tôi cắt đoạn phim Carrie Johnstone đang ngồi trên bàn ăn với Rooney, cười nói ầm ĩ.

Tôi dán nó vào đoạn phim Johnstone bị bắt giữ. "Khi họ bắt bà ta, tôi cứ nghĩ là chúng ta sẽ đạt được công lý. Tất cả những người đã bị bà ta hủy hoại và làm cho biến mất. Nhưng tổng thống..." - tôi cho vào cảnh ông ta đang cười đùa khi chơi gôn tại một trong số vô vàn kỳ nghỉ của ông ta - "... và vị Trưởng ban chiến lược của ông ta..." - bây giờ là hình ảnh Rooney đang bắt tay với một tên cầm đầu khủng bố khét tiếng đã từng ở "cùng phe" với chúng tôi - "... Họ chuyển bà ta đến một tòa án quân sự kín và bây giờ thì tòa án đó đã xóa tội cho bà ta. Bằng cách nào đó, họ đã nhìn nhận rằng chẳng có gì sai trái trong toàn bộ việc này."

Tôi cho vào một tấm ảnh được ghép từ hàng trăm gương mặt của những tù nhân trong xà lim đã được Barbara đăng trên Bay Guardian vào cái ngày mà chúng tôi được thả. "Chúng ta đã bầu ra những con người này. Chúng ta trả lương cho họ. Đáng lẽ họ phải đứng về phía chúng ta. Họ phải bảo vệ tự do của chúng ta. Nhưng những con người này..." - một loạt ảnh của Johnstone và những kẻ khác cũng bị giải đến tòa án - "... đã phản bội niềm tin của chúng ta. Chỉ còn bốn ngày nữa là đến ngày bầu cử. Vẫn còn nhiều thời gian. Đủ để các bạn có thể tìm ra năm người hàng xóm - năm người từ chối bỏ phiếu, bởi vì sự lựa chọn của họ 'không phải là những lựa chọn trên'.

"Hãy nói chuyện với hàng xóm của các bạn. Thuyết phục họ hứa sẽ bầu cử. Thuyết phục họ hứa sẽ mang đất nước ra khỏi những kẻ tra tấn và những kẻ sát nhân. Những kẻ cười nhạo vào bạn bè của tôi khi mà thân thể họ còn chưa kịp phân hủy nơi đáy cảng. Hãy thuyết phục họ hứa rằng cũng sẽ nói điều này với hàng xóm của họ.



"Phần lớn chúng ta không chọn gì trong những điều trên. Làm thế chẳng được gì cả. Nếu bạn phải chọn... hãy chọn tự do.

"Tên tôi là Marcus Yallow. Tôi đã bị chính đất nước mình tra tấn, nhưng tôi vẫn yêu nó. Tôi mười bảy tuổi. Tôi muốn được lớn lên trong một đất nước tự do. Tôi muốn được sống trong một đất nước tự do."

Tôi làm mờ đi biểu tượng của trang web. Ange đã xây dựng nên trang web này, với sự giúp đỡ của Jolu, người đã cho chúng tôi sử dụng máy chủ mà chúng tôi cần khi còn ở Pigspleen.

Văn phòng là một nơi khá thú vị. Về mặt chuyên môn thì chúng tôi được gọi là Liên minh cử tri vì một nước Mỹ tự do, nhưng mọi người đều gọi chúng tôi là những người của Xnet. Một tổ chức - từ thiện phi lợi nhuận - đã được đồng sáng lập bởi Barbara và một số người bạn luật sư của cô sau khi đảo Kho Báu được giải phóng. Nguồn tài trợ cho tổ chức là một số triệu phú trong lĩnh vực công nghệ, những người vốn không thể tin nổi một lũ tin tặc nhí lại có thể đá đít được DHS. Thi thoảng, họ lại yêu cầu chúng tôi đi xuôi bán đảo xuống đường Sand Hill, nơi tập trung tất cả những nhà đầu tư mạo hiểm, và thuyết trình về công nghệ Xnet. Có hàng tá các công ty khởi nghiệp muốn kiếm lời từ Xnet.

Dù sao thì... tôi cũng chẳng phải dính dáng gì đến việc này, tôi có một chiếc bàn giấy và một văn phòng mặt tiền, ngay trên phố Valencia, tại đó chúng tôi phát đĩa CD ParanoidXbox và tổ chức hội thảo về cách thức chế tạo ăng ten radio WiFi sao cho hiệu quả hơn. Số người ghé qua để quyên góp cao đến mức đáng ngạc nhiên, họ mua phần cứng (bạn có thể chạy ParanoidLinux trên bất cứ thứ gì chứ không chỉ trên Xbox Universal) hoặc ủng hộ tiền mặt. Họ yêu quý chúng tôi.

Kế hoạch quan trọng của chúng tôi là cho xuất bản ARG của riêng mình vào tháng Chín, đúng thời điểm bầu cử, và thực sự tạo mối liên kết giữa trò chơi và những người đăng ký chơi, lôi kéo họ vào cuộc bầu cử. Chỉ có 42% người Mỹ có mặt tại các điểm bầu cử trong vòng bỏ phiếu cuối cùng - một số lượng lớn không đi bỏ phiếu. Tôi cố gắng lôi kéo Darryl và Van tham gia một trong các buổi họp kế hoạch của chúng tôi, nhưng họ từ chối. Họ đang dành rất nhiều thời gian bên cạnh nhau, và Van quả quyết rằng việc này không dính dáng tẹo nào đến cái gọi là lãng mạn hết.

Darryl không nói chuyện nhiều với tôi, mặc dù nó đã gửi cho tôi những e-mail dài dằng dặc nói chuyện trên trời dưới bể, ngoại trừ chuyện về Van hay khủng bố hay nhà ngục.

Ange siết chặt tay tôi. "Chúa ơi, em ghét mụ đàn bà đó."

Tôi gật đầu. "Chỉ là một thứ thối nát nữa mà đất nước này đã mang đến cho I rắc," tôi nói. "Nếu họ cử bà ta đến thành phố của chúng ta, có lẽ anh sẽ trở thành một tên khủng bố mất."

"Thì anh đã trở thành một gã khủng bố khi họ cử bà ta đến thành phố của chúng ta còn gì."

"Đúng thế," tôi nói.

"Thứ Hai này anh có định đến nghe phiên chất vấn của cô Galvez không?"

"Có chứ." Tôi đã giới thiệu Ange với cô Galvez hai tuần trước, khi cô mời tôi đến ăn tối. Liên đoàn giáo viên đã triệu tập một phiên chất vấn dành cho cô trước khi ủy ban Trường học khu vực thống nhất bàn luận để trao lại cho cô công việc cũ. Họ nói rằng thầy Fred Benson sẽ về hưu (non) để phản đối cô. Tôi rất mong sẽ được gặp lại cô ấy.

"Anh có muốn đi ăn burrito không?"

"Dĩ nhiên rồi."

"Để em đi lấy tương cay của em," cô nói. Tôi kiểm tra hộp thư lần nữa, hộp thư Pirate Party, trong đó vẫn có một vài tin nhắn từ các thành viên Xnet cũ vì họ chưa tìm được địa chỉ trong Liên minh Cử tri của tôi.

Tin nhắn cuối cùng được gửi từ một địa chỉ dùng một lần rồi bỏ của một người Brazil nặc danh xa lạ.

"Đã tìm thấy cô ta, cám ơn nhé. Cậu chẳng chịu nói với tôi là cô ấy thật quyến rũ".

"Thư của ai đấy?"

Tôi cười. "Zeb đấy," tôi nói. "Em có nhớ Zeb không? Anh đưa cho anh ấy địa chỉ e-mail của Masha. Anh thấy là nếu cả hai bọn họ đều sống ngoài vòng pháp luật thì tốt nhất nên giới thiệu họ với nhau.

"Anh ấy nghĩ Masha dễ thương á?"

"Tha cho anh ấy đi, đầu óc của anh ấy cũng bị méo mó bởi

hoàn cảnh mà."

"Thế còn anh thì sao?"

"Anh á?"

"Yeah... đầu óc anh có bị méo mó bởi hoàn cảnh không?"

Tôi dang tay hết cỡ ôm lấy Ange và nhìn cô từ đầu xuống chân. Tôi nựng má cô và nhìn vào đôi mắt to tinh nghịch của cô qua mắt kính gọng dày. Tôi lùa tay vào mái tóc cô.

"Ange, cả đời anh, anh chưa bao giờ sáng suốt hơn lúc này."

Cô đặt nụ hôn lên môi tôi, và tôi hôn lại, rồi chúng tôi ra ngoài để ăn bánh burrito.

Chú thích:

1. Sodom và Gomorrah là hai thành phố bị Chúa hủy diệt trong Kinh thánh.

Lời bạt của Bruce Schneier(1)

Tôi là một chuyên gia công nghệ bảo mật. Công việc của tôi là đảm bảo sao cho thông tin của mọi người được an toàn.

Tôi suy nghĩ về các hệ thống an ninh và cách để phá được chúng. Sau đó là cách để khiến chúng an toàn hơn. Hệ thống bảo mật máy tính. Hệ thống giám sát. Hệ thống an toàn máy bay, máy bầu cử, chip RFID và tất cả những thiết bị khác.

Cory đã mời tôi đóng góp vài trang cuối trong cuốn sách của anh ấy vì muốn tôi nói với các bạn rằng hoạt động bảo mật rất vui. Nó cực kỳ vui. Giống như mèo và chuột, ai có thể thông minh hơn ai, thú vui của kẻ đi săn này chống lại người đi săn kia. Tôi nghĩ rằng đó công việc vui nhất mà bạn có thể tham gia. Nếu bạn thấy thú vị khi đọc đoạn Marcus thông minh hơn những camera nhận dạng dáng đi vì cho đá vào giày, hãy nghĩ xem sẽ vui hơn đến mức nào nữa nếu bạn là người đầu tiên trên thế giới nghĩ ra việc này.

Làm việc về bảo mật nghĩa là biết rất nhiều về công nghệ. Nó có thể đồng nghĩa với việc biết về máy tính và mạng, hoặc camera và cách thức hoạt động của chúng, hay nguyên lý hóa học của việc dò bom. Nhưng thực sự thì bảo mật là tư duy. Đó là một lối tư duy. Marcus là ví dụ điển hình cho lối tư duy này. Cậu ấy luôn tìm kiếm những lỗ hổng trong hệ thống bảo mật, tôi cá rằng cậu sẽ không vào một cửa hàng mà không tìm được một cách để ăn trộm. Không phải vì cậu sẽ làm thế - có một sự khác biệt giữa việc biết làm thế nào để đánh bại một hệ thống bảo mật và việc thực sự đánh bại nó - nhưng cậu ấy biết rằng mình có thể làm thế.

Đó là cách tư duy của những người làm công tác bảo mật. Chúng tôi liên tục xem xét các hệ thống an ninh và làm thế nào để qua mặt chúng; chúng tôi không thể cưỡng lại được suy nghĩ này.

Kiểu tư duy này rất quan trọng cho dù bạn ở phía nào của an ninh. Nếu bạn được thuê để thiết kế một cửa hàng không có trộm vặt, trước tiên bạn phải biết ăn trộm. Nếu bạn đang thiết kế một hệ thống camera có thể dò được dáng đi của từng người, bạn phải tính tới việc mọi người sẽ cho đá vào giày. Bởi vì nếu không như vậy, bạn sẽ không thể tạo ra được cái gì hay ho cả.

Thế nên, khi bạn lang thang đâu đó, hãy dành một lúc để quan sát hệ thống an ninh quanh mình. Hãy nhìn những camera trong cửa hàng mà bạn mua đồ. (Chúng có phát hiện được tội phạm không hay chỉ để làm cảnh?) Hãy xem cách một nhà hàng hoạt động. (Nếu bạn trả tiền sau khi ăn, tại sao người ta không thể cứ thế bỏ đi mà không trả tiền?) Hãy chú ý tới hệ thống an ninh ở sân bay (Làm cách nào bạn có thể mang vũ khí lên máy bay?) Hãy quan sát nhân viên ngân hàng làm việc. (An ninh ngân hàng được thiết kế để tránh cho nhân viên ăn cắp cũng như tránh bạn ăn cắp.) Hãy nghiên cứu một tổ kiến. (Côn trùng cũng có hệ thống bảo mật.) Hãy đọc Hiến pháp, và chú ý đến tất cả những cách mà Hiến pháp bảo vệ người dân trước chính phủ. Hãy nhìn đèn giao thông, khóa cửa, hệ thống an ninh trên ti vi và phim ảnh. Hãy nghĩ xem chúng hoạt động ra sao, chúng ngăn chặn nguy cơ gì và không ngăn chặn nguy cơ gì, chúng thất bại ra sao, và có thể khai thác chúng như thế nào.

Hãy dành đủ thời gian cho việc này, và bạn sẽ thấy mình đang nghĩ khác về thế giới. Bạn sẽ bắt đầu nhận thấy rằng rất nhiều hệ thống an ninh ở ngoài kia thực sự không làm đúng chức năng của nó, và rằng phần lớn hệ thống an ninh quốc gia của chúng ta là một sự lãng phí tiền bạc. Bạn sẽ hiểu sự riêng tư cũng cần thiết như an ninh, chúng không đối lập nhau. Bạn sẽ không còn lo lắng về những thứ mà mọi người đều lo lắng, và bắt đầu lo nghĩ về những thứ mà những người khác thậm chí còn không nghĩ đến.

Đôi lúc, bạn sẽ nhận ra có điều gì đó về an ninh mà trước giờ chưa một ai nghĩ tới. Và có thể bạn sẽ tìm được một cách mới để phá vỡ một hệ thống an ninh.

Người ta chỉ mới phát minh ra trò tấn công giả mạo (phishing) cách đây có vài năm.

Tôi thường xuyên kinh ngạc trước độ dễ của việc phá vỡ một số hệ thống an ninh khá tầm cỡ. Có rất nhiều lý do, nhưng một trong những lý do chủ yếu là người ta không thể nào chứng minh rằng một cái gì đó đã được an toàn. Tất cả những gì bạn phải làm là thử cố gắng bẻ gãy nó - nếu bạn thất bại, bạn biết rằng nó đủ an toàn để ngăn chặn bạn, nhưng nếu có ai đó thông minh hơn bạn thì sao? Ai đó có thể thiết kế một hệ thống an ninh mạnh đến mức chính bản thân anh ta cũng không thể phá vỡ nó.

Hãy nghĩ về điều này trong một giây, vì nó không phải là một chân lý hiển nhiên. Vì không ai đủ năng lực để phân tích thiết kế bảo mật của chính mình, vì như vậy người thiết kế và người phân tích sẽ là một, vẫn những hạn chế, điểm yếu đó. Công việc của "ai đó" là phải phân tích hệ thống an ninh, bởi vì nó phải là một thứ an toàn trước những thứ mà người thiết kế nó không nghĩ tới.

Điều này có nghĩa là tất cả chúng tôi phải phân tích hệ thống an ninh mà người khác thiết kế. Và thường thì, thật bất ngờ, một trong chúng tôi sẽ phá vỡ nó. Thành công của Marcus không hề gượng ép; đó là điều có thể xảy ra mọi lúc mọi nơi. Hãy lên mạng và tìm từ "bump key"(2) hay "Bic pen Kryptonite lock"(3); bạn sẽ thấy vài câu chuyện rất thú vị về việc hệ thống an ninh tưởng như rất vững chắc này lại bị đánh bại bởi một công nghệ tương đối cơ bản.

Và khi bạn làm được điều đó, hãy đảm bảo là bạn sẽ công bố nó ở một nơi nào đó trên Internet. Sự bí mật và an ninh không đi cùng nhau, dù cho có vẻ đúng là như vậy. Chỉ có những hệ thống an ninh tồi mới phải dựa vào bí mật; hệ thống an ninh tốt thì sẽ hiệu quả ngay cả khi mọi chi tiết của nó đều được công khai.

Và việc công bố những điểm yếu sẽ buộc các chuyên viên thiết kế hệ thống an ninh phải nghĩ ra những cách bảo mật tốt hơn, và khiến chúng ta trở thành những người sử dụng hệ thống an ninh thông minh hơn. Nếu bạn mua một cái khóa xe đạp Kryptonite và nó có thể bị bẻ chỉ bằng một cây bút bi thì có nghĩa là bạn không được bảo vệ tương xứng với số tiền bạn bỏ ra. Và, cũng như vậy, nếu một nhóm những đứa trẻ thông minh có thể qua mặt những công nghệ chống khủng bố của DHS thì nó cũng không làm tốt công việc chống khủng bố trong thực tế.

Việc đánh đổi sự riêng tư để đạt được an ninh đã đủ ngớ ngẩn; không đạt được một chút an ninh thực sự nào trong cuộc mua bán thì còn ngớ ngẩn hơn. Vậy nên hãy gập sách lại và đi thôi. Thế giới này có vô số hệ thống an ninh. Bạn thử hack một trong số chúng xem sao.

Bruce Schneier

www.schneier.comx

Chú thích:

1. Chuyên gia an ninh mạng hàng đầu thế giới.

2. Loại chìa khóa đặc biệt có thể mở được tất cả các ổ khóa cùng loại.

3. "Bút bi khóa Kryptonite." Khóa Kryptonite nổi tiếng vững chắc nhưng lại có thể mở khá dễ dàng (nếu biết cách) bằng một chiếc bút bi.

Lời bạt của Andrew “Thỏ” Huang, Xbox Hacker

Hacker là những người khám phá, những kẻ tiên phong trong thế giới kỹ thuật số. Bản năng của một hacker là đặt câu hỏi với những quy ước, lề thói và bị những vấn đề rắc rối quyến rũ. Bất kỳ hệ thống phức tạp nào cũng là một môn thể thao đối với các hacker; một hiệu ứng lề của việc này là sự ham thích tự nhiên của hacker đó với các vấn đề liên quan tới an ninh. Xã hội là một hệ thống lớn và phức tạp, hiển nhiên nó không phải là cấm địa đối với hacker.

Kết quả là, người ta thường mang định kiến rằng các hacker là những kẻ đả phá tín ngưỡng lâu đời và những kẻ lạc loài, thách thức mọi sự bình thường của xã hội đơn giản vì lòng hiếu thắng. Khi hack Xbox vào năm 2002 trong thời gian còn học ở MIT, tôi hoàn toàn không có ý định chống đối hay gây hại cho ai; tôi chỉ làm theo sự thôi thúc tự nhiên, sự thôi thúc đã khiến tôi sửa một cái iPod bị vỡ hay khám phá những mái nhà và đường hầm ở MIT.

Thật không may, sự kết hợp giữa việc không tuân theo những chuẩn mực xã hội và việc am hiểu những thứ có khả năng đe dọa người khác, chẳng hạn như cách đọc chip RFID trên thẻ tín dụng của bạn hoặc cách mở các ổ khóa, lại chính là nguyên nhân khiến người ta sợ các hacker. Tuy nhiên, động cơ của một hacker thường rất đơn giản, kiểu như "Tôi là kỹ sư bởi vì tôi thích thiết kế mọi thứ." Mọi người thường hỏi tôi, "Tại sao cậu lại hack hệ thống bảo mật của Xbox?" Và câu trả lời của tôi rất đơn giản: Thứ nhất, tôi làm chủ những thứ mà tôi mua.

Nếu ai đó cho tôi biết tôi có thể và không thể chạy cái gì trên phần cứng của mình thì tôi đã chẳng sở hữu nó. Thứ hai, bởi vì nó ở đó. Nó là một hệ thống đủ phức tạp để tạo thành một môn thể thao thú vị. Nó là một trò tiêu khiển tuyệt vời trong những đêm thức khuya để hoàn tất tấm bằng Tiến sĩ của tôi.

Tôi đã gặp may. Việc tôi là một sinh viên cao học ở MIT khi hack Xbox đã hợp pháp hóa hành vi đó trong mắt của những người có liên quan. Tuy nhiên, quyền được hack không nên bị hạn chế trong giới chuyên môn. Tôi bắt đầu hack khi mới là học sinh tiểu học, tháo tung bất cứ thứ đồ điện tử nào trong tầm với, đến nỗi bố mẹ tôi phát chán không buồn nói nữa. Tôi đọc những cuốn sách về mô hình tên lửa, pháo binh, vũ khí hạt nhân và công nghệ chế tạo chất nổ mà tôi mượn được từ thư viện trường. (Tôi nghĩ Chiến tranh lạnh đã ảnh hưởng đến việc chọn sách để đọc trong các trường công lập.) Tôi cũng chơi pháo hoa đặc chế và lang thang ở khu nhà đang xây trong vùng Trung Tây. Mặc dù những việc này không khôn ngoan gì nhưng chúng là hành trang quan trọng cho cuộc đời phía trước của tôi, và khi lớn lên, tôi đã trở thành một người có lối tư duy tự do nhờ lòng khoan dung của xã hội và niềm tin của cộng đồng.

Những sự kiện gần đây không được hay ho cho lắm đối với các hacker đầy nhiệt huyết. Đại chiến hacker đã phơi bày cái cách mà chúng ta đang biến thế giới này thành một nơi không còn chút cởi mở nào đối với những ý tưởng mới mẻ và khác biệt nữa. Một sự kiện diễn ra gần đây đã nhấn mạnh cho chúng ta thấy rằng chúng ta chỉ còn cách cái thế giới trong Đại chiến hacker không bao xa nữa. Tôi may mắn được đọc bản thảo đầu tiên của Đại chiến hacker vào tháng Mười một, 2006. Trong hai tháng sau đó, tính đến cuối tháng Một, 2007, cảnh sát Boston đã tìm thấy những vật kích nổ khả nghi và đóng cửa thành phố trong một ngày. Những thiết bị này hóa ra chỉ là những bảng mạch điện gắn đèn LED, quảng cáo một chương trình của Cartoon Network. Những nghệ sĩ đã đặt tấm graffiti này bị bắt dưới danh nghĩa nhóm khủng bố tình nghi và cuối cùng bị buộc tội; các nhà sản xuất chương trình phải bỏ ra hai triệu đô la để dàn xếp, và người điều hành Cartoon Network đã phải từ chức sau vụ này.

Chẳng lẽ bọn khủng bố đã chiến thắng? Chẳng lẽ chúng ta lại nhượng bộ nỗi sợ hãi, chẳng lẽ những nghệ sĩ nói trên, những người có sở thích riêng, những hacker, những người đi ngược lại niềm tin lâu đời, hay có lẽ là cả một nhóm nhỏ những đứa trẻ chơi trò Harajuku Fun Madness lại có thể bị quy kết là thành phần khủng bố chỉ dựa vào những lập luận hết sức nhảm nhí?

Có một thuật ngữ dành để nói về sự khác thường này - đó là một căn bệnh tự miễn dịch, khi hệ thống bảo vệ của một sinh vật bị quá tải khiến nó không thể nhận ra chính mình và tự tấn công tế bào của mình. Cuối cùng, cơ thể tự phá hủy. Ngay lúc này đây, nước Mỹ sắp sửa bị rơi vào tình trạng sốc phản vệ vì tự do của chính nó, và chúng ta cần tự miễn dịch trước tình trạng này. Công nghệ không phải là phương thuốc cho hiện tượng hoang tưởng này; trong thực tế, nó còn có thể gia tăng mức độ hoang tưởng, nó biến chúng ta trở thành tù nhân cho chính thiết bị của mình. Ép buộc hàng triệu người phải cởi bỏ quần áo bên ngoài và đi chân trần qua máy dò kim loại hàng ngày cũng không phải là giải pháp. Hiệu ứng duy nhất của nó là nhắc cộng đồng hàng ngày rằng họ có một lý do để sợ hãi, đồng thời nó chỉ tạo ra được một rào chắn mỏng manh trước kẻ thù xác định.

Sự thật là chúng ta không thể tin tưởng ai đó để giúp bản thân cảm thấy được tự do, và M1k3y sẽ không tới để cứu chúng ta vào cái ngày mà tự do của chúng ta bị ngốn hết bởi sự hoang tưởng. Bởi vì M1k3y ở trong bạn và trong tôi - Đại chiến hacker là một lời nhắc nhở rằng dù cho tương lai có khó lường ra sao, chúng ta cũng không giành được tự do bằng các hệ thống bảo mật, kỹ thuật mã hóa, thẩm vấn và việc dò xét các địa điểm. Chúng ta giành tự do bằng cách có đủ dũng cảm và niềm tin để sống tự do mỗi ngày, để hành động như một xã hội tự do, dù cho sự đe dọa có lớn đến đâu chăng nữa.

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.net

truyện Đam Mỹ
truyện ngôn tình

Dtruyen.com đổi tên miền thành Dtruyen.net. Độc giả ghi nhớ để truy cập.

truyện bách hợp

Nhận xét của độc giả về truyện Đại Chiến Hacker

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook