Đại Mỹ Nhân Thập Niên 80

Chương 44: Khôi phục kỳ thi đại học

Lục Xu

02/09/2020

Tháng Mười, văn kiện về việc khôi phục kỳ thi đại học được ban xuống, các đầu báo chính thức công bố tin tức chấn động lòng người này. Rất nhiều người lệ nóng tuôn trào, hoan hô reo hò. Tin tức này tựa như cơn mưa rào, tưới vào vùng đất nứt nẻ khô cằn, gợi lên sự kỳ vọng và sức sống sục sôi.

Ở đội sản xuất số Chín, tin tức khôi phục kỳ thi đại học như tiếng sấm rền vang, hoàn toàn khiến mọi người bừng tỉnh. Sau cả ngày hoan hỉ, mọi người mới hồi hồn, suy nghĩ về vấn đề hiện tại một cách lý trí.

Nếu báo danh tham gia thi đại học, thời gian thi lại gấp gáp như thế thì ôn tập thế nào? Huống hồ, phần lớn mọi người đều không có tài liệu.

Sau khi một đám trí thức nhiệt huyết sôi trào vì tin tức khôi phục thi đại học được truyền ra, vấn đề hiện thực lại không thể không khiến trái tim phừng phừng máu nóng của họ nhất thời nguội lại.

Không chỉ là thời gian gấp gáp mà còn cả vấn đề về tài liệu nữa, quan trọng hơn là họ còn phải làm việc.

Anh đương nhiên có thể không làm việc, không kiếm điểm công. Sau đó đối phương sẽ trực tiếp gán cho anh cái tội danh ham ăn lười làm, bị làm khó trong vấn đề đăng ký thi đại học, hoặc là không cho thông qua lúc chuyển đổi quan hệ thực phẩm, thế thì anh đã ăn đủ một bài học rồi. Cho nên dù vào thời kỳ đặc biệt này, cũng không có ai dám “chống đối phản loạn”.

Chính vào lúc đặc biệt này, các trí thức được thông báo đi họp.

“Lúc này rồi còn họp hành cái gì…”

Không trách họ tức giận được, vốn đã chẳng có thời gian ôn tập, bình thường còn phải làm việc nữa, bây giờ còn bị kéo đi tham dự mấy cuộc họp vớ vẩn, điều đó có thể không khiến người ta bất mãn hay sao?

Cho dù là họp, mọi người cũng không chịu bỏ qua thời gian này, tay chép nhoay nhoáy đề mục hoặc nội dung cần học thuộc, vừa đi họp vừa giải đề hoặc học thuộc bài.

Đợi lúc đến sân đá, mọi người mới nhận ra, lần họp này không chỉ có hội trí thức tham gia mà là họp quy mô cả thôn.

Thực ra trước đó thôn đã họp kiểu này mấy lần, nhưng không có hội trí thức tham gia, song mọi người cũng không bận tâm. Chủ yếu là vì số lần đội sản xuất họp quá nhiều. Nhất là khi Lâm Kiến Quốc muốn sửa đường đến mức như nhập ma, cuộc họp lớn cuộc họp nhỏ đều nhiều vô kể, kết quả vậy mà công việc đã thật sự được ông hoàn thành.

Nông dân trong thôn đứng cạnh nhau, hội trí thức đứng cạnh nhau, như vô hình trung hình thành hai phe đối lập tự nhiên.

Lâm Kiến Quốc đứng trên hai hòn đá. Khỏi phải nói, có hai hòn đá đó, ông không chỉ trở nên cao lớn hơn mà ngay cả khí thế cũng trở nên khác đi.

Lâm Kiến Quốc ho một tiếng, cầm loa bắc bên miệng, rồi mới nói: “Bảo mọi người tập trung đến họp lần này, trước tiên tôi xin được nói một tiếng xin lỗi với mọi người. Nhưng tôi cảm thấy không thể không mở cuộc họp này. Hẳn mọi người cũng đã nghe về tin tức khôi phục kỳ thi đại học rồi, mọi người đều có chút suy nghĩ với chuyện đó phải không?”

Nông dân rì rầm, hội trí thức nghe vậy thì cũng ngẩn ra, lẽ nào trưởng thôn muốn làm gì đó ư?

Lâm Kiến Quốc thở dài. “Tin tức khôi phục kỳ thi đại học này ấy mà, nói một câu thật lòng, đối với người thôn ta mà nói thật sự không phải chuyện lớn gì, nhiều nhất chỉ là sau này lúc dạy dỗ con trẻ, mọi người sẽ bảo chúng chăm chỉ học hành, cố gắng đỗ đại học và tìm được một công việc tốt thôi. Nhưng mà, đối với tụi trẻ và trí thức có tuổi tác phù hợp ở thôn ta mà nói, kỳ thi đại học này không phải là chuyện đơn giản như thế nữa, đó là cơ hội có thể thay đổi vận mệnh của chúng.”

Hội trí thức lục tục bỏ sách hoặc giấy xuống, bắt đầu ngẩng lên nhìn Lâm Kiến Quốc. Với đồng chí trưởng thôn này, họ không oán thán gì, vì dẫu sao bác ấy thật sự là một người hiền hòa, lúc mọi người có việc tìm bác ấy, bác ấy đều giúp đỡ nếu như có thể, không hề kiếm cớ khước từ.

“Những đứa trẻ này từ xa xôi nghìn dặm đến thôn ta, cho dù kết quả sau đó thế nào thì thuở ban đầu, chúng quả thực ôm suy nghĩ báo ơn tổ quốc mà đến đây. Nhưng hiện thực và cuộc sống mà chúng tưởng tượng hoàn toàn khác nhau. Chúng không thể khoe tài, cũng không thể dùng tất cả những gì chúng học ở đây. Không chỉ thế, chúng còn phải học xem làm thế nào để sinh tồn ở đây.” Lâm Kiến Quốc ngừng lại. “Tôi không biết người khác nghĩ sao, nhưng nếu con tôi vất vả đèn sách nhiều năm, sau đó bị cử đến thôn sơn xa xôi để chịu khổ như thế, tôi sẽ vô cùng đau lòng.”

Đúng vậy, khi những trí thức này đến thôn, ban đầu mọi người còn nhiệt tình, sau đó thì chê ghét.

Họ chê ghét đám thanh niên trẻ này không biết làm việc, thậm chí ngay cả cơm cũng không biết nấu, trông kiêu căng ngạo mạn, ban đầu còn phải bố trí người đi nấu cơm cho, thật sự coi mình thành cậu chủ cô chủ à?

Còn cả một vài trí thức nữ nữa, ai nấy ăn mặc cái kiểu gì không biết, trông khoe mẽ thì thôi, lại còn õng à õng ẹo, làm xấu phong tục của thôn.

Nhưng có ai đã từng suy nghĩ từ góc độ của họ chưa?

Họ vốn sống ở thành phố, không tiếp xúc được với chuyện trồng trọt, không biết nên trồng trọt thế nào, cũng không hiểu thu hoạch nông sản ra sao. Khi họ cầm quần áo tốt nhất của mình ra, muốn dùng diện mạo mới của mình để sống, những gì họ nhìn thấy là ánh mắt thiếu thiện chí của mọi người trong thôn - mặc thành như thế, giống như đến làm việc hả?

Còn cả vài đứa trẻ nhìn thấy quần áo mới của họ thì đứa nào đứa nấy kéo bố mẹ đòi mua quần áo mới. Những người đó đánh con ngay trước mặt họ - Mặc quần áo mới cái gì, õng ẹo, đi làm việc ăn mặc đẹp như thế làm gì, thối không ngửi được!

Khoảng cách giữa hiện thực và trong tưởng tượng khiến biết bao người đều thút thít trong đêm.

Họ muốn về thành phố, muốn thoát khỏi cuộc sống thế này.

Lâm Kiến Quốc lại thở dài, mắt cũng hoe đỏ. “Mọi người đặt mình vào đó và tự hỏi mình xem, chúng ta đều có con cái, nếu con mình đến thôn sơn xa xôi như thế, sau đó người ta không hiểu cho nó, lúc nó gặp chuyện cũng không có ai san sẻ, chúng ta sẽ đau lòng và khó chịu đến mức nào.”

Không biết là ai hô lên một câu: “Trưởng thôn, bác muốn làm gì thì cứ nói, chúng tôi đều ủng hộ bác vô điều kiện, bác nói sao thì là vậy, chúng tôi không có ý kiến gì cả.”

“Không có ý kiến, đều không có ý kiến đâu.”

Lúc này, Lâm Kiến Quốc mới gật đầu. “Có tham gia thi đại học hay không, đối với chúng ta thì chẳng là gì cả, nhưng đối với những đứa trẻ muốn tham gia thi đại học mà nói thì đây lại là một lần thi quyết định vận mệnh của chúng. Bây giờ thời gian vốn đã không còn nhiều, ý của tôi chính là để những đứa trẻ muốn tham gia thi đại học tham gia thi cho tốt, toàn tâm toàn ý làm chuyện chúng muốn làm, đừng lấy chuyện đồng áng ra làm phiền chúng nữa. Hễ những ai muốn tham gia thi đại học thì đến đăng ký, sau đó sẽ không cần làm việc nữa. Thi đỗ là bản lĩnh của chúng, không thi đỗ thì chúng ta cũng ghi điểm công theo lượng công việc chúng làm như trước đây cho chúng.”

Hội trí thức nghe vậy thì đều ngẩn ra.

Nhưng bên phía hội nông dân thì – Đều nghe trưởng thôn hết, trưởng thôn nói gì thì là thế, để chúng yên tâm tham gia thi đại học, việc đồng áng chúng tôi tự làm được.

Còn có một vài người phụ nữ khẽ rầm rì – Bây giờ cũng không có việc gì, không phải là đào khoai lang, trồng khoai tây hay sao, đều là chuyện nhỏ cả, rất nhẹ nhàng.

Lúc này, hội nông dân bày tỏ thiện ý, mới khiến hội trí thức không nhịn được mà rơi nước mắt.

Đúng vậy, hội nông dân chê tác phong họ không tốt, ăn mặc õng ẹo, nhưng sao họ không chê chính họ chứ? Nói năng thô tục, động tí là cãi nhau chí chóe, bình thường tính toán chi li có tiền cũng không biết đường ăn bữa cơm ngon, còn hay chỉ trỏ người khác…

Thực ra, hội nông dân có được suy nghĩ này đâu phải không có sự cố gắng của Lâm Kiến Quốc. Để thuyết phục mọi người trong thôn, không biết ông đã mở bao nhiêu cuộc họp. Ông làm công tác tư tưởng cho từng người, nói với mọi người rằng lúc này thật sự rất quan trọng với những đứa trẻ tham gia thi đại học, mọi người vất vả một chút, lúc này san sẻ với chúng một chút, cho chúng có môi trường tốt để tham gia thi đại học.

Làm những chuyện đó, ông không mong những đứa trẻ đó ghi nhớ lòng tốt của người lớn, chỉ mong chúng đừng oán giận mọi người, mọi người cũng không kéo chúng thụt lùi là được.

Có ai không có một trái tim lương thiện đây? Đặt mình vào vị trí của người ta, chỉ cần thay đổi góc độ khác để suy nghĩ vấn đề thì rất nhiều chuyện đều có thể thấu hiểu được.

Ban đầu mọi người đều không vui, những người đó tham gia thi đại học không phải để về thành phố thì là gì, dù sao cũng đều là những người vong ân phụ nghĩa không giữ lại được. Nhưng đổi sang một góc độ khác để nghĩ, người ta vốn từ thành phố đến, muốn về thành phố thì sai sao?

Hội nông dân không có ý kiến. Khi nhìn thấy những đứa trẻ đó khóc không thể kiềm chế, họ lần lượt an ủi, hai phe khác nhau trở nên hòa hợp chưa từng có.

“Nếu mọi người đã không có ý kiến, thế thì cứ làm vậy nhé.” Lâm Kiến Quốc thở phào một hơi, nhìn hội trí thức đang rưng rưng nước mắt. “Các cháu à, các cháu đến đây, chịu rất nhiều khổ cực, bác đều biết cả. Ắt hẳn trong lòng các cháu vẫn còn chút oán giận vì sao các bác lại tàn nhẫn với các cháu như thế. Nhưng các cháu à, nếu các cháu đến đây làm khách, các bác nhất định sẽ chiêu đãi các cháu thật tốt. Song các cháu không đến làm khách, các cháu đến đây để sống, vậy thì nhất thiết phải học xem sống ở đây như thế nào.”

Lâm Kiến Quốc nhìn một vài trí thức với ánh mắt ôn hòa, hiền từ. “Tiểu Trương à, lúc cháu mới đến đây, không biết nấu cơm, nấu cả nồi cơm nhão nhoét, bây giờ đã biết nấu cơm chưa.”

“Biết rồi, biết lâu rồi ạ.” Cô gái Tiểu Trương được gọi lau nước mắt.

“Tiểu Vương, lúc cháu xuống ruộng nhổ mạ, gặp phải đỉa, sợ đến mức ngã nhào xuống ruộng vừa khóc lóc vừa ầm ĩ. Lần trước gặp cháu, cháu đã có thể cầm con đỉa tách ra khỏi chân mình mà không chớp mắt rồi.”

Tiểu Vương được gọi tên cũng nước mắt lưng tròng. Đúng vậy, khi ấy mất mặt biết mấy.

Lâm Kiến Quốc nói tiếp: “Tiểu Trần, lần đầu tiên gặt lúa, cháu cứ không chịu tin, không chịu bịt mình kín mít, cứ áo cộc quần đùi xông lên, kết quả là cả người ngứa ngáy tận mấy ngày. Đến sau này, cháu làm gì cũng đều bịt kín từ đầu đến chân…”



Mọi người vừa khóc vừa không nhịn được cười.

Lâm Kiến Quốc nói đến từng người một, mỗi người ông đều nhớ rõ. Những đứa trẻ này, ban đầu không biết làm gì, đến bây giờ đã có thể tự nấu cơm, tự giặt quần áo, có thể nuôi gà con, có thể tự gặt lúa bẻ ngô, thậm chí học cách tự sửa nhà, tự sửa nông cụ rồi…

Đó đều là sự tiến bộ, cũng là kỹ năng để sống ở đây.

Lúc này, hội trí thức mới hoàn toàn hiểu được ý của Lâm Kiến Quốc. Họ không đến đây làm khách để mọi người phải chiêu đãi họ thật tốt, họ đến đây để sống, vậy thì nhất thiết phải nhập gia tùy tục, thay đổi một vài thói quen trước đây, sau đó sống tốt ở đây.

……

Chuyện thi đại học cứ được quyết định như vậy. Những người tham gia thi đại học đến thôn đăng ký, sau đó không cần làm việc nữa, cứ chăm chỉ ôn tập là được.

Người trong thôn hiền hòa với những trí thức đó chưa từng có. Bởi vì khi ấy, những đứa trẻ đó khóc, mọi người cũng khóc cùng chúng.

Bây giờ luôn có một vài nông dân sẽ đưa chút đồ nhỏ đến khu nhà của hội trí thức, sau đó dặn họ thi cho thật tốt để sớm ngày trở về thành phố, bố mẹ và người thân của họ chắc chắn cũng đang ở nhà mong ngóng họ sớm ngày trở về.

……

Có so sánh mới biết mình hạnh phúc nhường nào. Trí thức ở các thôn khác vẫn làm việc như thường, thôn nào đỡ hơn một chút thì hội trí thức được sắp xếp một vài công việc nhẹ nhàng, có thể trộm nhàn rỗi trong lúc bận rộn để liếc qua sách mấy cái; thôn nào không tốt thì mọi người nghĩ dù sao họ cũng đều muốn rời đi, bèn sắp xếp việc nặng nhất cho họ làm.

Lúc này, hội trí thức ở đội sản xuất số Chín mới biết, họ có thể đến thôn này thật sự là may mắn. Bởi thế, họ cũng sinh ra tình cảm khác với thôn làng này.

- -------------------

Lâm Tố Mỹ và Lâm An cùng quay về nhà. Thời gian gần đây, không khí trong trường không tốt lắm. Vì không có tài liệu giảng dạy, trường học đã thúc giục không biết bao nhiêu lần. Song người ta đều nói không có thời gian xuất bản tài liệu giảng dạy mới, bây giờ đều đang xuất bản tài liệu ôn tập cho những người tham gia thi đại học. Nhưng dù vậy, những tài liệu ôn tập ấy vẫn ra quyển nào bán ngay quyển đó, đại đa số mọi người vẫn chưa cầm được tài liệu.

Các thầy cô giáo cũng động não, nghĩ cách kiếm được sách rồi trực tiếp lên lớp, nếu không có sách thì bảo học sinh chép lại, rồi giảng giải một chút tri thức từ việc giảng đề. Trái lại, phương thức giảng dạy mới này khiến mọi người đều vô cùng có hứng thú.

Mà bây giờ, trên huyện cũng khá huyên náo.

Có người đã hiểu ra, dù thế nào đi chăng nữa cũng sẽ có rất nhiều người không cầm được tài liệu. Cho nên họ bèn nghĩ ra một cách là làm một thư viện lớn trên huyện, bỏ tất cả tài liệu và sách có được vào đó, sách bên trong chỉ cho mượn đọc chứ không bán, hơn nữa chỉ cho đọc sách trong thư viện.

Lâm Tố Mỹ nghe bạn học nói đã không biết bao nhiêu lần, rằng có rất nhiều người mượn sách, để có thể mang sách ra khỏi thư viện đó thì chỗ nào trên người cũng đã từng giấu sách.

Bây giờ vào thư viện đó rất dễ, không ai quản, nhưng muốn ra ngoài thì phải khám người. Hơn nữa, người ta còn bảo một vài người giám sát nhau, đừng có mang sách ra ngoài, sau khi anh mang sách ra ngoài thì tức là trong thư viện sẽ thiếu đi một quyển sách.

Trường cấp ba Định Châu cũng học theo thư viện đó, cũng chỉ cho đọc sách trong thư viện và không được mang sách ra ngoài.

Lâm Tố Mỹ vốn muốn loanh quanh trong thư viện, kết quả là bị các thầy cô phê bình. Bây giờ thời gian của các bạn muốn tham gia thi đại học rất gấp gáp, những người không tham gia thi như họ đừng đến chiếm dụng tài nguyên của người ta.

Cho nên Lâm Tố Mỹ chưa từng vào thư viện một lần nào.

Lâm Tố Mỹ về đến nhà, bèn nghe thấy bố mẹ mình đang tám chuyện. Cũng không biết Thái Văn Phương trong thôn nghĩ thế nào, mọi người đều tạo điều kiện cho những người tham gia thi đại học, ấy vậy mà cô gái đó cứ không cho chồng cô ấy tham gia thi, làm ầm hết cả nhà lên.

Lâm Kiến Quốc làm trưởng thôn đi làm công tác tư tưởng cho từng nhà một, riêng Thái Văn Phương đó thì sống chết không khuất phục.

Trần Đông Mai lắc đầu. “Mọi người đều muốn tham gia thi đại học, Thái Văn Phương sống chết không chịu, chồng con bé đó có thể không oán hận nó à? Không biết nó nghĩ thế nào nữa.”

“Ầy, bác cả lại phải đi làm công tác tư tưởng rồi, cũng không biết có thể khuyên được không nữa.”

……

Vì thế, Lâm Tố Mỹ đã biết, mặc dù nhờ sự dẫn dắt của Lâm Kiến Quốc mà những trí thức đó có được một môi trường ôn tập vô cùng tốt, song không phải là tất cả mọi người đều phối hợp. Những gia đình có người kết hôn với trí thức ít nhiều đều có điều cố kỵ. Họ luôn cảm thấy nếu những trí thức đó thi đỗ thì chắc chắn sẽ rời đi, sau đó bỏ lại chồng hoặc vợ mình.

Lâm Kiến Quốc làm công tác tư tưởng cho từng nhà. Vẫn là câu đó, thi đại học rất quan trọng với người ta, cô cậu ngăn cản, cho dù cô cậu được như ý thì liệu người ta có hận cô cậu không? Tham gia thi đại học thì cảm thấy người ta sẽ chạy, ngăn người ta thì người ta sẽ không chạy nữa à?

Dẫu thế nào đi chăng nữa, trước tiên cứ để người ta thi đại học xong rồi nói tiếp.

Lâm Tố Mỹ ngồi đối diện Lâm Kiến Nghiệp. “Bác cả vất vả quá, mấy chuyện đó mà cũng phải lo nữa.”

Thực ra cũng có thể mặc kệ, nhưng con người Lâm Kiến Quốc ấy mà, vấn đề về tính cách rồi, ông luôn hy vọng mọi người đều sống tốt.

“Còn không phải là…” Nói đến Lâm Kiến Quốc, Trần Đông Mai lại ca một bài.

Lâm Tố Mỹ nghe Trần Đông Mai kể lại những chuyện trải qua trong quá khứ. Cho dù đã từng nghe rồi nhưng cô vẫn ngoan ngoãn và chăm chú lắng nghe, khiến Trần Đông Mai vô cùng hài lòng.

……

Cuối tuần, vì không phải đến trường nên Lâm Tố Mỹ bèn giúp đỡ việc nhà.

Khoai lang đã được đào lên, dây khoai lang đã đào vốn ném cho lợn ăn, Lâm Tố Mỹ tiếp nhận công việc ngắt ngọn rau khoai. Tuy mỗi dây chỉ có một ngọn, nhưng cả đống ngọn gộp lại thì cũng không phải là chuyện nhỏ.

Lâm Tố Mỹ ngắt ngọn rau khoai, có người thích ăn món này sẽ thuận tay bốc một nắm, ai không thích thì thôi.

Bản thân Lâm Tố Mỹ khá thích món này, xào lên vô cùng thơm, nhất là khi cùng xào với ớt xanh, hương vị đó là chính tông nhất.

Sau khi Lâm Tố Mỹ ngắt được một chậu, lại có người đến bốc một chút. Đối phương còn hơi ngại, song Lâm Tố Mỹ chẳng để ý chút nào, tiện thì cứ lấy đi, dù sao cũng còn nhiều.

Bây giờ Tạ Trường Bình thích chạy đến nhà Lâm Tố Mỹ vào cuối tuần.

Lâm Tố Mỹ ngẩng đầu trông thấy Tạ Trường Bình thì cũng tít mắt.

Hai người gặp nhau, vẫn tám chuyện trong thôn. Có vài chuyện Lâm Tố Mỹ đã từng nghe, có vài chuyện cô chưa từng nghe, nhưng Lâm Tố Mỹ đều sẽ chăm chú lắng nghe. Điều này sẽ khiến người kể vô cùng vui vẻ.

“Trí thức ở thôn mình đúng là sống quá sướng luôn. Gái không biết trí thức ở các thôn khác thế nào đâu, có vài người không chỉ không được giao công việc nhẹ nhàng hơn mà còn được giao công việc nặng hơn ấy…”

Mấy ngày nay Tạ Trường Bình đều quanh quẩn ở mấy thôn khác. Chị đã quyết định là đi theo thằng nhóc thối tha Tạ Trường Du rồi, vì thế Tạ Trường Du bèn bố trí chị ra ngoài “tiếp thị” chỗ sách đó. Thực ra đâu cần tiếp thị, nhưng để Tạ Trường Bình ra ngoài tiếp xúc và qua lại với người ta cũng là việc không thể thiếu trong chuyện làm ăn.

Tạ Trường Du còn chia phần cho Tạ Trường Bình, bán một chồng sách thì được bao nhiêu tiền, khiến Tạ Trường Bình làm việc vô cùng tích cực.

Tạ Trường Bình nghiêm ngặt làm theo lời Tạ Trường Du nói, một thôn chỉ bán một chồng sách, để những người không có tài liệu ôn tập cũng có một cơ hội. Tạ Trường Bình chạy qua nhiều thôn như thế, đương nhiên cũng biết một vài chuyện ở các thôn khác.

“Này này này, chị nói cho gái biết nhé, bác cả gái bị người ta nói xấu đấy.” Tạ Trường Bình ra vẻ thần bí.



“Vì sao?” Trong mắt Lâm Tố Mỹ, Lâm Kiến Quốc là người thật sự không tìm được chỗ nào để nói xấu cả, bác ấy không làm gì có lỗi với người nhà, cũng không làm gì có lỗi với những người khác.

“Thì là vì kỳ thi đại học này đấy còn gì?” Tạ Trường Bình bĩu môi. “Gái nghĩ xem, trí thức các thôn khác đều làm việc như thường, còn trí thức thôn mình thì chỉ lo chuyện học hành là được, người ta có thể không có ý kiến với bác cả gái hay sao? Khiến trưởng thôn nhà người ta giống như người tàn nhẫn vô tình ấy.”

Chuyện này thật sự không dễ nói. Dù sao thì chuyện này không phải chuyện một mình trưởng thôn có thể quyết định được, phải thuyết phục cả thôn. Bởi thế, Lâm Kiến Quốc cũng phải làm công tác tư tưởng cho mọi người trong thôn rất nhiều lần.

Tạ Trường Bình ở lại một lát, thời gian cũng được kha khá thì chuẩn bị rời đi.

“Cầm một ít ngọn rau đi này.”

“Ừ.” Tạ Trường Bình bốc một nắm rất to.

Lâm Tố Mỹ cố ý nghiêm mặt. “Ê, em chỉ khách sáo bảo chị cầm đi thôi, chị cầm thật luôn hả?”

“Chị mày làm thế này là để mày biết thế nào là không khách sáo đấy.”

Lâm Tố Mỹ yên lặng hai giây, lắc đầu, rồi phì cười.

- --------------------

Hôm nay, Lâm Tố Mỹ ra khỏi trường, vừa liếc mắt đã trông thấy Tạ Trường Du đang đứng ở cổng trường. Cô hơi nghi ngờ mình đã nhìn lầm, còn dụi dụi mắt.

Tạ Trường Du cũng nhìn thấy cô. Anh bị động tác của cô làm cho ngẩn ra, rồi mới cong khóe miệng đi lên trước. “Đi thôi!”

“Hả?” Không phải, chuyện này…

Tạ Trường Du như cố ý, nói chậm rãi: “Thời gian này mọi người đều bận, vừa khéo tôi lên huyện nên nhân tiện đi cùng cậu, khỏi cần anh cậu chạy hẳn một chuyến nữa.”

Được rồi, Lâm Tố Mỹ có thể chấp nhận lời giải thích này. “Mọi người đều bận, thế sao cậu không bận?”

Ặc…

“Tôi có việc mà.”

Lâm Tố Mỹ đeo cặp sách đi đằng trước, vừa nhìn đã thấy vô cùng quen thuộc với môi trường xung quanh. Tạ Trường Du đi phía sau cô, tay giơ lên rồi lại hạ xuống, lời đến khóe miệng dù thế nào cũng không nói ra được. Anh ảo não cắn chặt môi rồi lại nhả ra.

Một câu “Cặp sách có nặng không, có cần tôi cầm giúp cậu không?”, dù thế nào cũng không nói ra được.

Câu nói ấy mắc nghẹn trong cổ họng, khiến anh cũng muốn tự mắng mình.

“Cậu có việc gì thế?” Lâm Tố Mỹ thật sự cảm thấy kỳ lạ. Thời gian này mọi người đều đang trồng khoai tây, anh không ở nhà làm việc mà lại chạy lên huyện.

“Bây giờ trên huyện có rất nhiều người, nhất là ở thư viện, những người muốn tham gia thi đại học chắc chắn sẽ nỗ lực học tập, hận không thể ở lì trong thư viện để đọc sách. Nhưng dù sao họ cũng phải ăn thứ gì đó hay uống chút gì đó…”

Lâm Tố Mỹ chậm rãi quay đầu nhìn anh. Cho nên anh lại muốn kiếm tiền của người ta hả?

Tạ Trường Du bị ánh mắt đó của cô làm cho lúng túng không biết làm sao. “Tôi thấy rất nhiều người đều tự mang lương khô và tự mang nước, không cần người khác giúp đỡ mấy.”

Người khác giúp đỡ? Lâm Tố Mỹ bị hình dung đó chọc cho hơi buồn cười.

Tạ Trường Du không nói thật. Không phải là không có món lợi gì, mà là không thể rêu rao công khai bán đồ được. Anh đã phân tích rồi, vì có nhiều người như thế nên không thể lặng lẽ làm. Mà những người đó lại một lòng muốn đọc sách đến mức tranh phút đoạt giây, có ai lại đến một vài nơi khác mà lặng lẽ buôn bán, trao đổi với anh chứ.

Nhưng cũng không phải là Tạ Trường Du không có thu hoạch gì. Ít nhất, anh có thể cảm nhận được chợ đen trên huyện đã khác rồi. Trước đây, nơi đó đều có người trông chừng, nhưng bây giờ việc mua bán trao đổi ở chợ đen đã khá tự do. Điều này cũng chứng tỏ một vài vấn đề.

“Cậu chạy xa như thế là vì định giúp đỡ người khác hả?”

“Đúng đó, biết lấy việc giúp người làm niềm vui lắm đúng không.”

Bấy giờ, Lâm Tố Mỹ quan sát anh một lượt, thật sự là mặt hơi dày đấy…

“Đúng, tôi chưa từng thấy ai biết lấy việc giúp người làm niềm vui hơn cậu.”

Bản thân Tạ Trường Du cũng trở nên vui vẻ.

Bầu không khí trên đường đi không tệ. Tạ Trường Du cũng tìm chuyện để nói, anh chín của Lâm Tố Mỹ là Lâm Chính – cũng là con trai út của Lâm Kiến Đảng cũng tham gia thi đại học, còn đến chỗ Tạ Trường Du mua một chồng sách nữa.

“Anh cậu may mắn thật, lúc ấy tôi vừa khéo chỉ còn lại một chồng sách thôi.”

“Thế anh ấy thanh lý hàng cho cậu, cậu có giảm giá cho anh ấy không?”

Trời đất chứng giám, đó không phải là thanh lý hàng có được không?

“À, lúc đó không nghĩ đến.”

Lâm Tố Mỹ cũng biết có được tài liệu là một chuyện vô cùng may mắn, nhưng cô vẫn nói trêu: “Mới tí tuổi đầu mà trí nhớ đã không tốt rồi, ầy.”

“Cho nên tôi không có khiếu học, bèn không lãng phí thời gian vô ích nữa.”

Lâm Tố Mỹ nhìn anh với vẻ kỳ lạ. Cô luôn cảm thấy không phải như thế. Dù thế nào đi chăng nữa, bộ não đó của anh cũng không giống kiểu người gà mờ không nên đi học. Nhưng mỗi người có một chí hướng riêng, nói không chừng chí hướng của anh không phải là ở việc học.

……

Tạ Trường Du về đến nhà, Tạ Trường Bình liếc anh tận mấy lần, nhưng cứ không chịu lên tiếng, khiến bản thân Tạ Trường Du cũng hơi thắc mắc.

“Có gì thì nói thẳng đi.” Tạ Trường Du liếc về phía Tạ Trường Bình.

Tạ Trường Bình cười. “Ê cu, tao đột nhiên cảm thấy hôm nay trông mày vô cùng đẹp trai đấy.”

Tạ Trường Du dành cho chị một ánh mắt “chị dở người à”.

Tạ Trường Bình nói tiếp: “Bạn trẻ Tạ Trường Du, bạn thật sự trông rất được đấy. Nhưng tớ phải nói cho bạn biết một chuyện, không phải bạn trông đẹp trai thì người khác sẽ thích bạn. Cũng giống như hoa ấy, có người thích hoa sen, có người thích hoa hiên mà không thích hoa sen, nhưng không có nghĩa là hoa sen không tốt hay hoa sen không đẹp… Chỉ là có vài người cứ không thích thôi, chứ không phải là hoa không đẹp.”

Sắc mặt Tạ Trường Du khẽ sầm xuống. Anh nhìn xoáy vào chị gái, song không nói gì.

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.net

truyện Đam Mỹ
truyện ngôn tình

Dtruyen.com đổi tên miền thành Dtruyen.net. Độc giả ghi nhớ để truy cập.

truyện bách hợp

Nhận xét của độc giả về truyện Đại Mỹ Nhân Thập Niên 80

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook