Đàn Lang

Chương 21: Bạch hạc (Thượng)

Hải Thanh Nã Thiên Nga

21/10/2022

Sau khi dùng xong ngọ thiện, Công tử liền trở về phòng nghỉ ngơi. Tôi nói với quản sự thấy trong người không khỏe, muốn ra ngoài tìm lang trung khám qua một chút, xin nghỉ xong liền xuất môn từ phía cửa sau.

Tôi hoài nghi Tần vương sẽ không dễ dàng bỏ qua chuyện này như vậy nên đặc biệt chú ý phía sau lưng.

Phủ Hoàn nằm ở phía thành Tây, nơi tụ hội của các danh môn quý tộc, những kẻ nhàn rỗi thường không dám lai vãng lại đây, đường phố vô cùng yên tĩnh. Tôi đi vòng hết mấy cái giao lộ, đến khi chắc chắn không có kẻ nào bám đuôi mới yên lòng đi thẳng về phía chợ lớn Lạc Dương.

Chợ lớn là nơi náo nhiệt nhất thành Lạc Dương, bất luận là dầu gạo mắm muối hay kỳ trân dị vực cũng đều có thể tìm thấy ở chốn này. Khác với Hoài Nam phải chờ đến dịp chợ phiên mới có tiểu thương tới bày hàng buôn bán, ở đây ngày nào cũng mở chợ, hàng hóa không ngừng lưu thương, khiến cho tôi lúc vừa mới đặt chân đến Lạc Dương trầm mê không dứt ra được.

Trên đường phố ở chợ lớn có rất nhiều gánh hát làm xiếc ảo thuật, thu hút được không ít người dừng chân vây xem, thi thoảng lại thấy ồ lên một đợt khen ngợi khiến cho cả con đường chật cứng như cối nêm.

Tôi không đi hẳn vào trong chợ mà vòng qua đầu phố rẽ vào đường Từ Hiếu

Đường này không nằm trong chợ lớn nhưng cũng chẳng vì thế mà kém náo nhiệt. Rất nhiều cửa tiệm buôn bán được đặt tại đây, còn cả các nhà trọ chuyên dành cho các du thương hoặc khách lữ hành đến Lạc Dương trọ lại, vô cùng hỗn tạp.

Dạo gần đây trời sắp sửa vào thu, gió Bắc thổi tới, nắng cũng nhạt hơn, không khí có phần mát mẻ. Tôi lần theo con đường đất gồ ghề, đi hết mấy trượng, chẳng bao lâu sau liền trông thấy một gốc liễu già trụi nửa đứng sừng sững ở phía trước.

Tôi móc ra tờ giấy ghi lại lời sấm được Thanh Huyền chép vô cùng ngay ngắn. Bắt đầu từ chữ đầu tiên dòng đầu tiên, xếp chéo xuống một đường thẳng hàng thì có thể ghép thành một câu: “Cây liễu ở đường Từ Hiếu.”

Lòng tôi thầm than thở, bài thơ tàng đầu* rõ rành rành thế này, người có kinh nghiệm chỉ cần liếc mắt một cái là nhìn ra. Đã nhiều năm trôi qua như vậy, thế mà huynh ấy vẫn hoàn toàn chẳng thêm được chút tâm cơ nào…*_tàng đầu thi" 藏頭詩, tức lối thơ ẩn ý vào những chữ đầu câuCây liễu ở đường Từ Hiếu là một khu vực rất nổi danh bởi vì rất nhiều gánh hát làm xiếc mãi nghệ trong chợ lớn đều tập trung ở đây. Ngoại trừ những trò như khua đao múa gậy, chồng người thổi lửa ra thì còn có cả những nghệ nhân chuyên dạy chim, huấn luyện khỉ, cách một hàng rào chắn có thể nhìn thấy đủ loại chim thú.

Bên cạnh cây liễu là một quán trà, tôi bước vào trong quán, chắp tay vái chào ông chủ nói – “Ông chủ, xin hỏi thăm một chút, trong những gánh hát ở đây có chỗ nào có múa hạc không?”

“Chơi hạc ư?” – Chủ quán đưa mắt quan sát tôi một chút, cười cười – “Cũng có mấy gánh, không biết phủ của tiểu lang quân đây muốn tìm kiểu gì?”

Tôi nói – “Chủ nhân nhà ta xem qua nhiều, sớm đã chán mấy cái thủ thuật tầm thường rồi, không biết có gánh nào mới tới không?”

“Mới tới ư? Có!” – Chủ quán cười híp mắt – “Có điều nghề nào có quy định của nghề đấy, tiểu lang quân chắc là cũng hiểu…”

“Tìm múa hạc à? Có nhà ta đây này!”

Đúng lúc ấy, một giọng nói chen vào, tôi quay đầu nhìn lại, trước mặt là một thanh niên vóc người cao ráo, mắt to mày rậm nom vô cùng lanh lợi.

Chủ quán trà sầm mặt xuống.

Chẳng đợi ông ta mở miệng, thanh niên kia đã kéo tôi ra ngoài – “Lang quân cứ đi theo ta, muốn hạc vũ kiểu gì cũng có, ta cho ngài xem!”

Bước chân của người nọ cực kỳ nhanh, chẳng bao lâu sau đã kéo tôi quẹo vào trong một ngõ hẻm, bỏ mặc tiếng chửi rủa của ông chủ quán trà vẫn léo nhéo đằng sau.

Đợi đến khi cả hai cùng đứng lại, người nọ nhìn tôi, vẻ mặt vừa vui mừng vừa kích động – “Nghê Sinh, ta biết là muội sẽ tìm được đến mà!” – Dứt lời, khóe mắt người nọ liền ửng lên như thể nghẹn ngào.



Tuy tôi tức huynh ấy hành sự lỗ mãng nhưng lúc này nhìn thấy huynh ấy như vậy lại chẳng thể giận nổi. Tôi sợ huynh ấy khóc thật đành phải vội vỗ đầu vai, an ủi dỗ dành như thủa bé – “Được rồi, A Lân, được rồi…”

Tào Lân là con trai của Tào thúc, hộ vệ bên cạnh tổ phụ tôi, cũng là bạn chơi từ nhỏ tới lớn của tôi

Tổ phụ vào Nam ra Bắc, tất nhiên khó tránh được chuyện gặp phải chút nguy hiểm. Có điều Vân thị thuộc học phái Tạp Gia, trong số tổ truyền của gia tộc, ngoại trừ mưu lược kỳ thuật, bàng môn tà đạo được người ngoài biết tới ra thì còn có một bộ võ nghệ. Nội dung hàm chứa trong bộ võ nghệ đó cũng vô cùng hỗn tạp, từ kỹ thuật phòng thân, cận chiến cho đến ẩn nấp, dò la, trộm đạo, không gì là không có. Từ nhỏ tổ phụ đã nghiên cứu tập luyện bộ võ nghệ ấy, cực kỳ thông thạo. Tôi từng một lần tận mắt chứng kiến một mình ông đánh lại mấy tên tráng hán mà chẳng xước da rách thịt chút nào.

Bản lĩnh của tôi cũng là do tổ phụ truyền dạy. Ông nói tài nghệ của Vân thị vốn chỉ truyền nam không truyền nữ nhưng cháu chắt của ông chỉ còn lại mỗi mình tôi, cho nên ngoài tôi ra cũng chẳng còn người thứ hai để truyền lại nữa. Vả lại nữ tử dễ phải chịu ức hiếp hơn nam tử, phải hung hãn một chút mới tự bảo vệ được bản thân mình.

Lúc ấy, tuy tôi không rõ vì sao đã có tổ phụ ở bên cạnh mà vẫn cần phải tự vệ, nhưng lại cảm thấy tập võ rất thú vị, thật sự say mê cho nên tất cả các ngón võ đều học rất lưu loát.

Nhưng tổ phụ cũng cảnh cáo tôi, những công phu này, tự bản thân biết là được rồi, không thể tùy tiện nói với người ngoài. Vân thị lấy học vấn làm sở trường, còn võ nghệ cùng những thứ bàng môn tà đạo khác chỉ là dùng để hỗ trợ, không đáng để khoe khoang. Theo như lời ông nói thì nếu như con cháu Vân thị gặp phải chuyện đến dùng đầu óc cũng đối phó không nổi vậy thì nhất định là thời vận đã hết, có vùng vẫy cũng vô dụng.

Cho nên thời niên thiếu ông luôn độc lai độc vãng, chưa bao giờ cần đến hộ vệ.

Cho đến khi ông gặp được Tào thúc.

Tào thúc tên chỉ có một chữ Hiền, nghe nói vốn là một kẻ hành nghề gian dương đại đạo. Vào một lần nọ, thúc ấy bị đồng bọn hãm hại trọng thương rồi ném xuống sông, tổ phụ tôi vừa vặn đi ngang qua, cứu Tào thúc một mạng. Tổ phụ thông hiểu y thuật, năm đó chu du thiên hạ, ngoại trừ gieo quẻ hạ sấm thì ông cũng thường xuyên xem bệnh cho người khác, nội ngoại kiêm tu, tài nghệ cao siêu. Tổ phụ chữa thương cho Tào thúc, kéo thúc ấy từ trên đường hoàng tuyền trở về nhân thế. Sau khi khỏi bệnh, Tào thúc sống chết quấn chặt lấy tổ phụ không chịu đi, cam nguyện làm tôi tớ, khăng khăng muốn ở lại bên cạnh ông.

Tổ phụ bị thúc ấy quấn lấy không còn cách nào, lại vừa đúng lúc cảm thấy bên người không có lấy một kẻ gánh vác chuyện nấu cơm rót nước, làm việc vặt vãnh cũng quá bất tiện, nên mới miễn cưỡng mà thu nhận Tào thúc.

Trong trí nhớ của tôi, Tào thúc là người trắng trẻo gọn gàng, dáng vẻ luôn văn nhã nhưng làm việc cần mẫn, không bao giờ qua loa, lúc đánh nhau cũng cực kỳ lợi hại. Gặp phải tiểu tặc tầm thường, một mình thúc ấy là đủ để đối phó, không cần tổ phụ tôi phải ra tay.

Tôi nhớ lần đầu tiên tôi giết người là ở trên núi ở đất Ngô. Lúc ấy, đám sơn tặc kia quá đông, ngay cả tổ phụ tôi cũng không thể bình yên khoanh tay đứng nhìn, đành phải ra tay. Tổ phụ bảo tôi ngồi yên ở trên xe ngựa, không được đi ra ngoài nhưng một tên trong số đó lại muốn bắt tôi. Tôi cầm chủy thủ, xoay người một cái đâm trúng cổ hắn. Đến tận bây giờ tôi vẫn nhớ được cái cảm giác bị máu tươi nóng bỏng bắn lên mặt, kẻ nọ trợn trừng hai mắt, lăn lộn ở trên mặt đất, đến chết cũng không thể khép mắt.

Cũng vì lẽ đó mà tôi rất hiểu nguyên do vì sao sau trận chinh phạt, có một khoảng thời gian công tử không muốn động dến đao kiếm, bởi tôi khi đó so với hắn còn khó chịu hơn. Liên tiếp mấy ngày sau đó, ngày nào tôi cũng nằm mơ thấy ác mộng. Rất nhiều lần, tôi được tổ phụ đánh thức khỏi cơn ác mộng, y phục trên người đã bị mồ hôi làm cho ướt đẫm. Nhưng từ lúc tiền triều loạn lạc tới nay, giặc cỏ khắp nơi, tôi cũng chẳng có nhiều thời gian để mà sợ hãi, sau mấy lần gặp cướp bóc như vậy thì tôi đã không còn nằm mơ thấy ác mộng nữa. Tôi vẫn còn nhớ những lời Tào thúc nói với tôi khi ấy, thúc ấy nói, một người khi đã cầm đao lên thì không còn đường để quay lại nữa.

Tôi cảm thấy những lời này vô cùng có trình độ, từng kể lại cho Tào Lân nghe. Huynh ấy khinh thường bảo đó là do phụ thân huynh ấy nghe được từ trong miệng của một tên giết heo.

Tào Lân lớn hơn tôi hai tuổi, lúc tôi được tổ phụ đón về thì huynh ấy và Tào thúc đã ở cùng tổ phụ tôi rồi.

Tuy trên danh nghĩa, bọn họ là phụ tử nhưng tôi chưa từng gặp mặt mẫu thân của Tào Lân, nghe nói huynh ấy thật ra là được Tào thúc nhặt về.

Tôi cảm thấy chuyện này mười phần chắc chín là thật, bởi vì một con người văn nhã, kiệm lời như Tào thúc, nhìn thế nào cũng không giống như người có thể đẻ ra một đứa con trai lắm lời như Tào Lân được.

Tha hương gặp lại cố nhân, tất nhiên là tôi vô cùng mừng rỡ.

“Tào thúc đang ở đâu?” – Tôi hỏi Tào Lân – “Cả A Bạch nữa?”



Tào Lân lau sạch nước mắt, nói – “A Bạch đang ở trong phòng ta, phụ thân ta thì vẫn ở Thành Đô.” – Huynh ấy vừa nói vừa hít mũi – “Ta mang theo A Bạch đến Hoài Nam cho tiên sinh xem, chẳng ngờ vừa đến được Hoài Nam thì nghe người trong vùng nói tiên sinh đã qua đời, còn muội thì bị hạ ngục rồi bán tới Lạc Dương, ta nghe vậy liền lập tức đi tìm.”

Hóa ra là như vậy.

Tôi hỏi – “Là Tào thúc bảo huynh tới ư?”

“Không, là ta tự trộm chạy tới đây.” – Tào Lân nói, vẻ vô cùng đáng thương – “Nghê Sinh, ta nhớ mọi người.”

Tôi nhìn huynh ấy, trong lòng có muôn vàn cảm khái.Tiên sinh ở trong miệng Tào Lân, chính là tổ phụ tôi, còn A Bạch là con hạc do Tào thúc nuôi.

Tổ phụ tôi bác học đa tài, ở phương diện giả thần giả quỷ có thể nói là có thiên phú dị bẩm. Ông từng nói với tôi, tính quẻ xem bói, kỳ thực không tính khỏi quá Chu Dịch*. Người được xưng là tài giỏi chẳng qua chỉ là tinh thông đoán ý qua lời nói và sắc mặt, chung quy là suy nghĩ xa hơn kẻ khác một bậc.  Còn hạ sấm, thì như đứng ở nơi cao mà trông xa, trời ngang đất dọc, để suy đoán thay đổi của thế cục. So với thao thao bất tuyệt rao giảng đạo lý thì chúng nhân bao giờ cũng bằng lòng tin tưởng quỷ thần thiên mệnh, nếu như ngươi không muốn nhiều lời nhưng lại muốn người khác tin phục vậy thì mượn danh thiên ý là có hiệu quả nhất.*_Chu Dịch 周易là bộ kì thư thiên cổ, nó đứng đầu lục kinh, gốc của quần nghệ, đại bản doanh của học thuyết Âm Dương.Năm đó, khi ông bước lên con đường tà đạo này cũng bắt nguồn từ một sự tình cờ.

Thời điểm đó, tổ phụ tôi vẫn còn là một chàng thiếu niên chu du khắp chốn, thường xuyên ưu sầu vì chuyện lộ phí. Bản lĩnh của Vân thị, người bình thường vốn không dùng tới, ông chỉ đành thỉnh thoảng nhận làm những loại công việc ngắn hạn như hộ viện trông coi nhà cho người khác để góp chút tiền cơm. Có một lần, ông ở một nơi cách nhà cả ngàn dặm mà lộ phí trong người thì đã tiêu hết sạch. Đang lúc rầu rĩ thì nơi đó lại gặp phải hạn hán, thôn dân đào đến mười mấy cái giếng mà không đào ra nổi một giọt nước. Tổ phụ từng học qua Thủy kinh, sau khi xem xét một phen, ông liền nói với thôn dân là mình biết nơi nào có nước. Thôn dân nửa tin nửa ngờ, dựa theo lời của tổ phụ mà đào giếng, quả nhiên đào thấy nước suối. Thôn dân vô cùng mừng rỡ liền hỏi tổ phụ làm thế nào biết được, ông bèn nói thật nhưng thôn dân lại không tin, nói là bọn họ cũng từng tìm đến một vị tiến sĩ thông thạo Thủy kinh để tìm nước nhưng vẫn không thu hoạch được gì, tổ phụ lại chỉ là một thư sinh trẻ tuổi, há lại có được bản lĩnh như vậy. Tổ phụ chẳng có cách nào khác hơn, đành phải nói rằng đó là nhờ ông xem thiên tượng ban đêm nên biết được. Thôn dân nghe vậy liền lập tức tâm phục khẩu phục, chẳng những đưa cho tổ phụ rất nhiều thức ăn mà còn trả cho ông lộ phí. Tổ phụ được chuyện này gợi ý, ngày sau gặp lại cảnh cùng quẫn lại bắt chước làm theo, dần dần thanh danh nổi lên, bởi lẽ đó mới có người khen ngợi ông là “Toàn Cơ khuy thiên*“, từ đó sinh ra danh hiệu Toàn Cơ tiên sinh.*_Toàn cơ_ dụng cụ quan trắc thiên văn thời xưa/ Khuy thiên_ nhìn trộm ý trời.Tổ phụ là người tâm tư linh hoạt, danh lợi tương liên, ông lại một lòng mong muốn trọng trấn của cải của Vân thị nên tất nhiên nào có đạo lý không cần. Ông hiểu rõ suy nghĩ của người bình thường cực kỳ dễ trầm mê vào mấy chuyện tiên đạo thần phật, quan miếu chính là nơi dễ hốt bạc nhất.

Lúc mới bắt đầu, tổ phụ chỉ xem thủy hạn, dò đoán phong thủy. Sau đó, thời cuộc dần rối ren, các quý nhân thường lo âu về số mệnh, ưa chuộng cầu thần bói quẻ, thuật sấm vĩ của tổ phụ cũng trở thành đại sự. Về sau nữa, thiên hạ đại loạn, các chư hầu càng để tâm đến thiên mệnh, thích nghe cao kiến của phương sĩ dị nhân. Tổ phụ dựa vào hạ sấm để thu tiền, như cá gặp nước.

Theo như lời ông nói thì lần ông thu được thù lao hậu hĩnh nhất chính là nhờ Cao Tổ, khi ấy vẫn còn là Thứ sử Kinh Châu ban tặng. Tổ phụ nói, Cao Tổ tuy không phải là người mạnh nhất trong số chư hầu nhưng qua mấy trận chinh phạt thì có thể thấy được người này mưu lược xuất sắc, lại biết dùng người, có thể nói là một nhân vật trí dũng kiệt xuất. Có điều tổ phụ nói năm ấy ông cũng chẳng suy nghĩ quá nhiều, cái gọi là mười ba năm lấy được thiên hạ chẳng qua chỉ là dựa vào tình hình sơ lược của Cao Tổ cùng các vị chư hầu mà tính ra. Còn lúc ông gặp Cao Tổ, chủ yếu là tâng bốc khen ngợi một phen, nói Cao Tổ có khí phách hơn người, ấy là để dễ bề cầm tiền rút lui. Mà Cao Tổ của năm đó cũng quả thực hào phóng, sau khi nhận được lời khen của tổ phụ liền vô cùng thuận lợi đánh hạ Từ Châu. Ngài hồi quân trở về liền cho gọi tổ phụ tôi tới, ban cho ông trăm lượng vàng. Món tiền này vô cùng quan trọng. Tổ phụ cảm thấy chiến loạn ở Trung Nguyên đã quá sâu, không thể ở lại lâu. Sau khi nhận được món tiền này ông liền lập tức hồi hương, đưa cả nhà chuyển đến đất Thục để tránh né chiến loạn. Cho đến mười ba năm sau, Cao Tổ định đô ở Lạc Dương, Hoài Nam an định thì tổ phụ mới quay trở lại cố thổ.

Đáng tiếc là mấy năm sau đó, tổ mẫu của tôi qua đời, tinh thần của tổ phụ cũng sa sút mất một dạo. Sau đó phụ thân tôi cưới vợ, chuyển vào ở trong huyện thành, tổ phụ lại ra ngoài du ngoạn một lần nữa. Cũng chính bắt đầu từ khi đó, Toàn Cơ tiên sinh mới quay trở lại giang hồ. Ông mượn điển cố về Vũ nhân, khoác lên mình chiếc áo lông bạch vũ, nuôi một con hạc trắng. Đúng như dự đoán, nhờ hiệu ứng huyền hoặc kỳ lạ của trang phục và đạo cụ, cộng thêm lời sấm về Cao Tổ trước kia, cái danh Toàn Cơ tiên sinh lại một lần nữa truyền khắp tứ hải, được thế nhân truy tìm. Mà phí tổn để nghe sấm cũng theo đó nước lên thì thuyền lên.

Trong khoảng thời gian này, Tào thúc vẫn một mực theo hầu bên cạnh tổ phụ, cho đến bảy năm trước, sau khi tổ phụ hạ sấm lần cuối bèn quyết định cáo lão hồi hương. Còn Tào thúc lại muốn đến định cư ở đất Thục, lúc bấy giờ, hai người mới từ biệt nhau.

Tổ phụ là người khẳng khái, liền đem một nửa của cải chia cho cha con Tào thúc rồi mang tôi trở về Hoài Nam. Hai cha con bọn họ trước giờ vẫn luôn tuân thủ quy củ hành sự, từ đó về sau, Tào thúc không còn xuất hiện nữa, tôi cũng chưa từng gặp lại Tào Lân.

“Sao huynh dám giả mạo tổ phụ ta?” – Tôi cả giận nói – “Kể từ cái năm tổ phụ hạ lời sấm kia, triều đình liền cấm tuyệt sấm vĩ, khắp nơi đều muốn bắt ông. Huynh lỗ mãng như vậy, chẳng lẽ không sợ dẫn lửa thiêu thân?”

Tào Lân khinh thường nói – “Người nào có thể bắt ta chứ? Mà Lạc Dương lớn như vậy, nếu ta muốn tìm muội thì chỉ có cách này là dễ nhất.” – Huynh ấy nói, dáng vẻ rất đắc ý – “Muội xem, không phải là tìm được rồi sao?”

Lời này nói cũng có lý, tôi không khỏi bật cười.

Tôi còn đang định mở miệng thì chợt phát hiện ra Tào Lân cứ nhìn tôi chằm chằm không chớp mắt.

“Sao thế?” – Tôi hỏi

Khuôn mặt Tào Lân hơi thẹn, cười hì hì gãi đầu nói với tôi – “Nghê Sinh, muội trưởng thành rồi.”

Tôi tự nhìn lại mình, lại đưa mắt nhìn Tào Lân. Huynh ấy cũng trưởng thành nhiều, ngoại trừ mặt mày ra thì dáng dấp đã không còn vẻ gầy gò năm đó.

“Đó là tất nhiên rồi.” – Tôi đắc ý nói.

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.net

truyện trọng sinh
truyện sắc

Dtruyen.com đổi tên miền thành Dtruyen.net. Độc giả ghi nhớ để truy cập.

truyện bách hợp

Nhận xét của độc giả về truyện Đàn Lang

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook