Đạo Mộ Bút Ký

Quyển 4 - Chương 20: Đại điện linh cung

Nam Phái Tam Thúc

23/06/2014

Editor: Yoo Chan

Beta: Thanh Du

~0O0~

Đại điện linh cung là phần chính của lăng mộ được xây dựng trên mặt đất, quy mô lớn nhất. Khi tiến vào, thứ đập vào mắt đầu tiên chính là hai hàng trụ đá lớn ở hai bên lối đi dẫn vào linh cung, mỗi cột trụ cách nhau khoảng năm mét. Hình ảnh đầu tiên hiện ra trong đầu tôi là bức tranh người ta dùng ‘phi lai tiễn’ để nâng quan quách, như thế hẳn là những đồ vật ở đây đều dùng cách này, từng chút từng chút một đưa từ vách núi sang đây, cách thức mà cho đến giờ chúng tôi vẫn nghĩ là không khả thi.

Cột đá khuất mình trong bóng tối, có thể mơ hồ nhìn thấy một đăng nô (1) to lớn màu đen, mặt phía sau tối như hũ nút, không hiểu vì sao chiếu đèn pin vào lại không thấy ánh sáng phản xạ, giống như nơi đó là một khoảng không trống rỗng, cũng chẳng nhìn thấy vật bồi táng nào.

Bàn Tử đốt hỏa chiết tử, muốn đi châm thử cái đăng nô kia. Tôi can hắn, nói tòa kiến trúc này còn đứng sừng sững ở đây mà chưa bị sập, một phần quan trọng là do nhiệt độ nơi này rất thấp. Nếu châm nhiều đăng nô sẽ kiến băng bám trên mái ngói này tan ra, có thể sẽ sụp xuống, tốt nhất không nên thắp đèn.

Chúng tôi chỉ có thể dựa vào ánh đèn pin mà lần mò trong bóng tối, có lẽ do bị hoàn cảnh tác động nên ai nấy lặng thinh không nói câu nào, cứ như sợ đánh thức thứ gì đó trong linh cung này vậy. Bốn phía tĩnh mịch đến rợn người, trong không khí chỉ còn lại tiếng bước chân của chúng tôi hòa với tiếng hít thở nặng nề.

Diệp Thành là người ít trải đời nhất trong cả đám, mới đi được vài bước đã nhịn không nổi, nói: “Cái không khí im lặng chết tiệt này làm người tôi phát run, càng im lặng tôi càng thấy sợ, mọi người nói gì đi, đừng có như lũ ăn trộm vậy chứ.”

Còn chưa nói dứt lời, Muộn Du Bình đã ra dấu im lặng, khiến hắn câm bặt. Bàn Tử thì thầm với Diệp Thành: “Con mẹ nó, anh đừng có ý kiến ý cò, chúng ta không phải đang đi ăn trộm thì là gì? Vị tiểu ca này tai thính lắm đấy, cậu cứ lảm nhảm như thế rồi chúng ta dẫm phải cơ quan lúc nào không biết, lúc đấy anh có chịu trách nhiệm nổi không?”

Diệp Thành nghe nói nơi này có thể có cơ quan, luống cuống bụm miệng lại, lo lắng ngó nghiêng xung quanh sợ có ám khí bay tới.

Hoa hòa thượng thấy vậy bèn nói: “Cũng đừng lo lắng thái quá, đây là nơi hiến tế, nước Đông Hạ xưa có lẽ dùng nơi này để tế lễ hàng năm, khả năng có cơ quan không lớn. Hơn nữa nơi này cũng đã có tuổi, không cần lo lắng.”

“Nói bậy.” Bàn Tử vừa nghe đã muốn đốp lại Hoa hòa thượng.

Tôi vỗ vỗ hắn, bảo hắn đừng nhiều chuyện, vừa rồi còn nhắc người khác đừng nói, bây giờ chính mình lại không định yên mồm.

Khung băng bên ngoài dày đến thế, một khi đóng chặt lại sẽ rất khó để mở ra, sạn đạo bên ngoài cũng đã sớm bị thiêu rụi, chứng tỏ sau khi phong bế linh cung đã không còn ai tính đến chuyện trở về. Hoa hòa thượng không phải không biết, chỉ là chuyện này nói ra chỉ khiến mọi người thêm hoang mang không cần thiết.

Chúng tôi tiếp tục tiến về phía trước, đi thêm chưa nổi năm phút đã tới chính giữa đại điện linh cung. Phía trước hiện ra một đài ngọc, xung quanh có mấy pho tượng đầu người mình chim rất lớn bằng đồng. Mấy pho tượng này, không ra người mà cũng chẳng ra phật, trông như một cây cột vặn vẹo mọc đầy địa y, không ai biết đó là thứ gì, nhìn qua chỉ thấy vô cùng quỷ dị.

Bàn Tử bèn hỏi Hoa Hòa Thượng: “Này! Đây là cái khỉ gì vậy? Linh điện chẳng phải là nơi đặt tượng ngồi của chủ mộ sao? Chẳng lẽ chủ nhân ngôi mộ là cái thứ quái đản này? Đây… không phải là một con vắt sao?”

Hoa hòa thượng nói: “Cái này có thể là một biến thể của ‘Trường sinh thiên’ trong tôn giáo nước Đông Hạ, là chủ thần của bọn họ.”

“Thần gì mà bựa thế.” Bàn Tử lầm bầm nói: “Nhìn chả khác cái chày gỗ giặt quần áo là mấy.”

Tôi lại đập cho Bàn Tử một cái, bảo hắn đừng có ăn nói thất đức thế. Chúng ta còn đang ở trong lãnh địa của nó, không sợ báo ứng nhãn tiền sao.

Nhưng tôi biết cái đồ đằng màu đen quái dị này không phải là ‘Trường sinh thiên’, tuy không biết nhiều về tôn giáo Tát Mãn nhưng tôi biết ‘Trường sinh thiên’ không có hình dạng. ‘Trường sinh thiên’ đại diện cho một thứ năng lực vô hạn, có mặt ở khắp nơi, một kiểu sùng bái vũ trụ. Hoa hòa thượng nói thế, hoặc là muốn trấn an Bàn Tử, hoặc là đang che dấu nỗi lo lắng của chính mình.

Cảnh vật nơi này khiến người ta nảy sinh cảm giác căng thẳng khó hiểu, ngoại trừ Trần Bì A Tứ và Muộn Du Bình kia là vẫn giữ cái bản mặt vô cảm đến phát ghét, còn lại những người khác ít nhiều đều có những biểu hiện khác thường.

Nhưng nếu như linh điện không phải là điện thờ thần thì bức tượng đó hẳn là chủ nhân ngôi mộ. Chẳng lẽ đúng như lời Bàn Tử nói, hoàng tộc Đông Hạ có hình dạng này sao? Không thể nào, đây căn bản không phải hình dạng con người, nhìn qua lại thấy giống tượng tà thần trong tôn giáo thờ vật ngoài biển. Tôi đã có lần xem một cuộc triển lãm ở Thượng Hải, thần tài ở đó có hình dạng của miếng cơm cháy, giống như một con động vật nhuyễn thể khổng lồ vậy.

Tôi đột nhiên nhớ ra bên trong con cá đồng kia có ghi: Hoàng tộc Đông Hạ đều là quái vật chui ra từ lòng đất, chẳng lẽ chính là thứ này? Không phải chứ, thứ này chỉ có thể gọi là yêu nghiệt, tôi tin người Đông Hạ không dở hơi đến mức tôn miếng cơm cháy này làm hoàng đế.

Nếu có thể xem hết những điều ghi lại trong hai con cá đồng kia thì tốt rồi. Tôi thầm nhủ, nếu thế sẽ không cần đoán mò vất vả nữa, không biết bao giờ mới có cơ hội này.

Đang lúc mải mê suy nghĩ, Phan Tử bên cạnh gọi chúng tôi: “Mọi người lại đây mà xem.”

Chúng tôi quay đầu lại, thấy Phan Tử đã leo lên một pho tượng đồng, cẩn thận lấy thứ gì đó từ trong miệng pho tượng nhân diện điểu kia.

Phan Tử cũng là thành phần chuyên gây rắc rối, tôi lo lắng nói: “Cẩn thận có bẫy.”

Phan Tử gật gật đầu, ra tay vô cùng cẩn thận, nhanh chóng lôi ra một con khỉ đồng mạ vàng mặt này hung tợn, trên người còn khắc vô số những hoa văn kì lạ, giống như tiểu quỷ xăm mình.

Chúng tôi đều hết sức ngạc nhiên, trước giờ chưa từng gặp vật thờ được thiết kế như vậy. Phan Tử nhảy xuống, mang qua chỗ chúng tôi, vài người lập tức vây lại xem xét. Nhìn tới nhìn lui cũng chỉ phát hiện thứ này hóa ra là thanh đồng, nhưng mặt khác lại cảm thấy ngạc nhiên không sao giải thích được

Trong khảo cổ, chuyện như thế là bình thường, bởi vì trong mộ táng một mặt là lĩnh vực thần bí với những nguyên tắc chặt chẽ, một mặt lại thuộc sở hữu của cá nhân chủ mộ, trong rất nhiều ngôi mộ đã xuất hiện những vật bồi táng không thể lí giải. Những vật tuân theo quy tắc anh có thể tập hợp và sắp xếp lại, dần dần tiếp cận sự thật, nhưng những vật mang tính cá nhân thì chỉ có thể phỏng đoán. Có rất nhiều thứ trong lịch sử chỉ xuất hiện một lần, ngoại trừ chủ nhân ngôi mộ thì chẳng còn ai biết ý đồ của nó là gì.

Hoa hòa thượng kiểm tra một lượt bốn pho tượng đồng khác, cũng phát hiện những vật y như thế. Hắn đoán nếu như cái chày gỗ kia là chủ thần thật thì bốn pho tượng này chắc là thú canh gác của chủ thần. Cái này có thể liên quan chặt chẽ với truyện thần thoại của vùng này, chúng ta không sống ở triều đại kia nên không tài nào hiểu hết bối cảnh thực tế của nó. Nhưng điều khiến hắn khó hiểu nhất chính là tại sao lại có vật liệu thanh đồng ở đây, từ thời nhà Minh trở đi đồ sắt đã phát triển cực thịnh rồi mà.

Ngắm đi ngắm lại đồ đằng cũng không có phát hiện gì thêm, chúng tôi lại vòng ra phía sau, nhưng chỉ thấy bóng tối bao trùm, không biết sâu đến đâu nữa.

Lúc này, điều khiến tôi cảm thấy kì quái chính là bên trong đại điện linh cung, bình thường khi hiến tế đều dùng cự đỉnh, trường minh vãng sinh chúc, thiết noãn các, bảo sàng, bảo tọa và bài vị nhưng ở nơi này tuyệt đối không thấy, thật là kì lạ. Nhưng lí do to hơn hình thức, nước Đông Hạ vốn biệt lập trong chốn thâm sâu cùng cốc của núi Trường Bạch, cũng không biết họ sinh hoạt ra sao, không chừng trong tập tục của người Nữ Chân vốn không có mấy thứ này.

Bàn Tử đã bắt đầu phát cáu, mục đích hắn tới nơi này là tìm mấy món hời, vất vả trèo xuống đến đây mà lại không thấy món minh khí nào mang đi được, làm sao không bực bội chứ. Hắn liền hỏi mọi người có thể để hắn vòng ra phía sau đăng nô kia, nhìn xem trong bóng tối phía sau còn có thứ gì nữa không.

Muộn Du Bình khoát tay, ý nói không được. Hắn lấy một cây gậy huỳnh quang ném về phía bên kia, vẽ lên một vệt sáng xanh lục. Nhưng khi rơi vào khoảng tối phía sau đăng nô, vệt sáng nhoáng cái đã biến mất giống như rơi vào một bịch bông đen thui.

Bàn Tử thấy thế thì líu lưỡi, khẽ thì thào: “Sao lại thế này?”



Muộn Du Bình khẽ lắc đầu ý nói không biết.

Tôi bèn nói: “Lúc ở bên ngoài, chúng ta đều thấy đại điện này không lớn lắm, thế mà ánh đèn pin của chúng ta đều không phản chiếu lại, chứng tỏ tường của đại điện này được sơn chất hấp thụ ánh sáng. Anh cứ thử đi một mình xem, tôi dám cá là một đi không trở lại, thế nên tốt nhất anh đừng có manh động.”

Bàn Tử nói: “Vậy các cậu cứ buộc dây thừng lên lưng tôi, nếu tìm được đồ tốt sẽ chia cho các cậu một phần, theo lệ thường là khoảng mười phần trăm, sao hả?”

Tôi đến phát điên vì cái tính này của Bàn Tử, giận dữ nói: “Anh muốn lên cơn thì đợi chúng tôi ra ngoài hết đã, đừng có làm liên lụy đến mọi người.”

Phan Tử cũng góp lời: “Con mẹ nó, anh vội cái khỉ gì, bây giờ anh buộc dây thừng đi vào đó, đến lúc kéo ra chỉ còn mỗi cái chân, anh nói lúc đó chúng tôi nên vào tìm anh hay là mặc xác anh? Anh xem đội ngũ của Trần lão gia người ta đồng lòng thế nào, anh cũng nên yên phận chút đi, đừng có làm ông Ba nhà tôi mất mặt.”

Bàn Tử thở dài đánh thượt, thất vọng nói: “Được lắm, các người cậy đông, tôi cãi không lại, Bàn gia đây đành nghe theo sắp xếp của tổ chức là được chứ gì. Một khi chưa nắm rõ tình hình địch phía trước, tuyệt đối sẽ không phản bội tập thể.”

“Nắm rõ rồi cũng không được phản bội, con mẹ nó anh mới đi đến đây đã muốn chôm chỉa, tiến vào địa cung rồi thì tính sao đây? Sức anh liệu mang vác được bao nhiêu?” Tôi trợn mắt nói.

Bàn Tử đành cười trừ, giơ tay tỏ vẻ đầu hàng. Tôi biết rõ tính hắn, bây giờ có nói gì cũng vô dụng. Không biết làm sao để giữ chân hắn, tôi đành tự nhắc mình phải để mắt đến hắn, tránh cho hắn gặp rắc rối.

Tiếp tục hướng vào sâu bên trong, chúng tôi đã thấy điểm cuối đại điện, ở đó có một cánh cửa đá ghép lại từ bốn phiến cẩm thạch. Trục cửa đắp ngọc lưu li đốt thành hình bách túc bàn long, cạnh cửa là bức phù điêu Nhạc vũ bách hí đồ, trên cửa trạm trổ hình hai đứa trẻ đứng gác, phía sau lại không có phiến đá chặn, cửa chỉ dùng lính gác để trang trí. Sau khi cạy mở cánh cửa, chúng tôi phát hiện đằng sau nó là hành lang thông đến hậu điện linh cung, tối đen như mực.

Bàn Tử nhìn hai con rồng trên cửa, tinh thần lập tức hào hứng trở lại, hai mắt sáng bừng, nói với chúng tôi: “Tôi từng thấy loại cửa này ở một phiên đấu giá. Cái này gọi là Bàn long trục lưu ly xuyên, một phiến cửa mà giá lên tới 200 triệu đô la Hồng Kông rồi, ái chà, cánh cửa này xem ra cũng không nặng lắm nhỉ…”

Tôi biết trong đầu hắn nghĩ gì, bèn hắt cho một gáo nước lạnh: “Anh tỉnh lại đi, đó là người ta hét giá thôi. Bây giờ trong các giao dịch đồ cổ bằng tiền, thứ gì có giá vượt quá 2000 vạn đã là giá trên trời, cửa này nhiều lắm cũng chỉ có giá 40 vạn thôi.”

“Không thể nào.” Bàn Tử không tin được kêu lên, “40 vạn mà chém lên thành 200 triệu? Có chuyện quá đáng như vậy sao?”

Tôi thầm nghĩ hai con cá trong túi mình đều trị giá 2000 vạn đây, nhưng bán ra có ma nó thèm mua. Bây giờ mấy mánh khóe bán đấu giá ai mà chẳng biết, thằng nào cũng muốn ba năm không mở cửa, mở một cái là ăn cả đời, vớ được con gà chịu bỏ ra 200 triệu để mua một cánh cửa thì cả quãng đời còn lại chỉ lo ăn chơi nhảy múa cho hết số đó thôi.

Thế giới quan của Bàn Tử thế là đã bị tôi phá hủy phũ phàng, làm hắn chỉ còn biết đần mặt ra nhìn cánh cửa. Chúng tôi mặc kệ hắn, tiến sâu vào hành lang, hướng về phía hậu điện.

Hậu điện thông thường chính là cổng vào địa cung, bình thường đều đặt một cỗ quan quách mang tính trang trí, đốt nến trường sinh quanh năm không tắt, hoặc là đặt một lượng lớn tế phẩm, do người giữ lăng định kỳ thay đổi. Đông Hạ là một nước nhỏ nằm ẩn dật nơi biên cảnh, lúc bấy giờ luôn ở vào tình trạng chiến tranh nên đoán chừng cũng không có nhiều đồ tốt, có điều lối vào địa cung thường đặt trong đó nên chúng tôi nhất định phải vào xem.

Tiến sâu vào hành lang, hai bên trái phải và trên đỉnh đầu phủ kín những bức bích họa, trên mặt bích họa giăng lên một tầng băng, trông mờ mờ ảo ảo. Từ sau khi chứng kiến bức bích họa hai lớp trong khe nứt kia, tôi cảm thấy khá hứng thú đối với hình thức ghi chuyện này, bèn bật đèn pin lên ngắm nghía.

Vừa nhìn thoáng qua đã lạnh người, chỉ thấy trên những bức bích họa này hầu như đều vẽ hình Bách túc long vần vũ trong mây, cuộn mình có, bay lên cũng có, phủ kín cả bức tường, thoạt nhìn giống như một bầy rết.

Bích họa chia làm mấy phần, có bức vẽ rất nhiều binh sĩ mặc áo da cừu, hướng lên Bách túc long trên trời mà lễ bái.

Bức tranh đầu tiên còn vẽ hai con bách túc long đang quấn lấy nhau, không biết chúng nó đang mây mưa hay là đánh lộn nữa.

Trên mỗi bức bích họa, Bách túc long đương nhiên là chủ thể, những nhân vật xung quanh đều hết sức nhỏ bé, cũng hết sức nhún nhường, rõ ràng lòng sùng bái của người Đông Hạ đối với loại rồng lai rết này còn mãnh liệt hơn lòng sùng bái của người Hán đối với Bàn long.

Diệp Thành lấy máy ảnh ra, chụp lại toàn bộ bích họa. Những bức hình này có thể sẽ dùng đến khi bán minh khí, bởi vì Đông Hạ là đất nước còn chưa được công nhận, nếu có ảnh chụp lăng mộ thì có thể hét giá lên vài lần.

“Mọi người nói xem người được chôn trong lăng bồi táng này là ai? Là vợ của Vạn Nô vương hay là thủ hạ, sao lại vẽ loại bích họa này?” Diệp Thành vừa chụp tanh tách vừa hỏi.

Tôi cũng không biết, trong lòng cũng hiểu là có điểm bất thường.

Thông thường chủ nhân lăng bồi táng có hai loại, một là con nối dõi hoặc họ hàng thân thiết, hai là cận thần được sủng ái. Con nối dõi hay người thân vào bích họa sẽ được miêu tả bằng những cảnh tượng sinh hoạt bình thường, còn với cận thần thì là cảnh tượng trên triều đình, ví dụ như quan văn trị thủy, quan võ cầm quân. Bích họa này lại vẽ nhiều hình rồng thần như vậy, nếu đặt ở lăng chính cũng coi như bình thường, nhưng đặt ở chỗ này thật không thích hợp. Hơn nữa… Bên trong bích họa không tìm thấy hình ảnh chủ nhân lăng mộ đâu cả.

Cho dù lấy rồng làm chủ thể, những bức họa này đều chú trọng làm nổi bật sự uy nghiêm của rồng thì trong những kẻ đang thành kính dập đầu kia lẽ ra phải có một người đứng đầu. Do đây là lăng bồi táng nên người đứng đầu tất phải là Vạn Nô vương, mà chủ nhân lăng mộ này phải đứng hầu bên trái hoặc bên phải Vạn Nô vương mới đúng. Nhưng trong bích họa, theo cách ăn mặc thì người trong đó đều là nô lệ hoặc binh lính, không có người đứng đầu.

Bích họa này đặt trong hoàng lăng quả thực không hợp với lẽ thường, không tuân theo tam quy ngũ thường trong bích họa, nói cách khác bích họa này đặt ở đây có cũng như không.

Bàn Tử đột ngột hỏi: “Hay là bích họa này cũng có hai lớp?”

Tôi sờ thử một cái, thấy bích họa có vài chỗ đã tróc ra nhưng bên dưới cũng không phát hiện có gì đặc biệt, bèn lắc đầu nói không phải. Đằng sau bức bích họa bên trong khe núi lửa kia chắc chắn có một câu chuyện, bằng không ở một nơi như thế sao lại có hai lớp bích họa, thực sự không tài nào hiểu nổi.

Tôi vừa đi vừa suy nghĩ miên man, đi khoảng hơn hai trăm mét thì bích họa đột nhiên kết thúc, thì ra đã đến cuối hành lang, lối ra hậu điện đã ở ngay trước mắt.

Lối ra không có cửa chắn ngang, nhưng ở chính giữa lại bày một cái đế đèn chân hạc bằng thanh đồng, cao chừng nửa thân người, tạo hình kì lạ, mặt ngoài bao phủ một lớp băng mỏng màu trắng, khiến cho màu sắc thoạt nhìn hơi đen.

Chúng tôi ra khỏi hành lang, bước vào hậu điện. Bàn Tử châm một ngòi pháo lạnh để quan sát xung quanh, phát hiện kết cấu của hậu điện cơ bản là giống đại điện, nhưng nhỏ hơn nhiều. Chúng tôi có thể trực tiếp nhìn đến tường điện ở bốn phía, trên tường vẫn là những bích họa Bách túc long bay đầy trời, màu sắc trước đó chắc là đỏ tươi nhưng bây giờ đã đông lạnh thành màu xám tro.

Trong hậu điện trống rỗng, không có vật bồi táng nào, không cần phải tìm bởi vừa nhìn cái là biết. Giữa phòng là ba khối giường đá màu đen khắc hình Bàn long, bên trên chạm trổ kín hoa văn hình mây, đã bị đóng băng đến rạn nứt.

Cái này gọi là đình quan đài, quan quách sau khi đưa vào sẽ được đặt tạm lên đó. Ở đây có ba cái đình quan đài, hiển nhiên lúc nhập liệm không thể chỉ có một cỗ quan tài, vợ con của người bồi táng hẳn cũng được chôn cùng lúc với hắn.

Chôn cùng người bồi táng, nghe qua thì thấy vô cùng bất hạnh, nhưng vào thời ấy cũng không còn cách nào khác.

Mặt đất phía sau ba cái giường đá gồ lên một phiến đá hình chữ nhật cực lớn, trên phiến đá chạm khắc hai con quái điểu mặt người vờn quanh, chính giữa phiến đá chạm nổi Thái cực Bát quái đồ. Đây là tảng đá phong mộ, cửa vào địa cung hiển nhiên nằm dưới phiến đá này.



Trừ mấy thứ này ra, hậu điện chẳng gì nữa, trống trải quá mức.

Bàn Tử nhìn một vòng rồi nói: “Lão già Vạn Nô đúng là keo kiệt quá đáng, xây cho thuộc hạ cái nhà mà còn tiếc tiền mua đồ đạc, thế này ai mà chịu nổi. Chắc chắn đồ tốt lão ta đã độc chiếm hết rồi.”

Hoa hòa thượng gạt đi: “Đừng nói bậy, có thể xây một lăng mộ lớn chừng này mà lại đi tiếc mấy món tế phẩm sao? Tiên sư nó, chuyện này chắc chắn phải có nguyên nhân đặc biệt.”

Tôi cũng có cảm giác chuyện này không hề đơn giản. Tình hình bên trong hậu điện có cái gì đó không hợp lý, dù chỉ là một nước nhỏ nằm sát biên giới, như chúng tôi đã đoán từ trước là thực lực quốc gia không đủ, nhưng gì thì gì thuyền hỏng cũng còn ba phần đinh; không có vàng bạc thì chí ít cũng phải có vài món đồ đồng chứ.

Lại tìm một vòng, bốn phía đều không có đường thông đến nơi khác. Cho đến khi lại gần phiến đá phong mộ kia, Bàn Tử vung tay, dùng sức nhấc thử, thấy không chút xê dịch mới gọi người khác tới giúp.

Đề phòng bên dưới phiến đá có cạm bẫy cát độc nước độc gì đó, Muộn Du Bình cẩn thận kiểm tra mặt đất lát gạch xanh bên cạnh phiến đá phong mộ một lượt, thấy không có vấn đề gì, Lang Phong mới đặt Thuận Tử lên một cái đình quan đài bên cạnh rồi hợp sức với Hoa hòa thượng và Diệp Thành vần phiến đá qua một bên.

Mấy người vạm vỡ khí lực quả thực không đùa, chỉ nghe uỳnh một tiếng, phiến đá đã nhích được một đoạn. Bọn họ tiếp tục dùng sức, từ từ đẩy tảng đá dẹp qua một bên.

Chúng tôi nhìn xuống phía dưới phiến đá, ai nấy đều lắp bắp kinh hãi, nơi đó không có bất kì dấu vết nào của một đạo động bí mật (không có tảng đá lấp cửa mộ) mà chỉ thấy toàn là gạch xanh giống hệt nền đất cạnh đó. Chỉ có một điểm khác là phiến đá đặt ở chỗ này đã mấy trăm năm, in lên nền đất một vết hình chữ nhật, lấy chân rờ lên sẽ thấy hơi lõm vào, thì ra gạch xanh bên dưới phiến đá đã bị lún xuống mấy li.

“Sao lại thế này?” Phan Tử nghi hoặc hỏi: “Phiến đá phong mộ này là giả, đặt đó chỉ để trang trí thôi à?”

“Không phải, đây là bước cơ bản nhất trong mai táng, muốn đùa gì cũng không đùa cái này được, cửa vào nhất định ở ngay đây.” Hoa hòa thượng nói.

“Hay là nó nằm ngay phía dưới tầng gạch xanh này?” Diệp Thành hỏi

Tôi nhíu mày, gạch này không có nước thép lỏng lấp kín các khe, nhìn qua hình như có vấn đề, nhưng muốn đưa ra kết luận cụ thể thì tôi lại không biết phải nói thế nào.

Bàn Tử nói: “Mặc kệ nó. Dù sao ở đây cũng chẳng còn ai khác, khó khăn lắm mới đổ được một cái hoàng lăng, cứ phá gạch ra là biết ngay thôi.”

Diệp Thành lập tức phụ họa, mà thật ra tôi cũng nghĩ như vậy. Hiện giờ mấy người chúng tôi đã không còn gọi là trộm mộ nữa, mà rõ ràng là cướp mộ. Trộm mộ còn sợ kinh động dân cư xung quanh, sợ gặp phải cảnh sát tuần tra, nhưng bây giờ cục cảnh sát gần đây nhất cũng đã cách xa hơn tám trăm dặm, chúng tôi căn bản chẳng còn sợ quái gì nữa.

Chúng tôi đều cảm thấy adrenalin trong máu bắt đầu dâng cao. Thời điểm đào bới và mở cửa địa cung luôn khiến người ta hưng phấn, có đôi khi mở nắp quan tài cũng không hồi hộp đến thế, điều này dù là ai cũng không thể phủ nhận.

Muộn Du Bình ngồi xổm xuống, dùng hai ngón tay dài dị thường của mình kẹp lấy một viên gạch, dùng sức rút mạnh, cứ thế rút dần đám gạch trên mặt đất lên. Diệp Thành với Hoa hòa thượng thấy thế thì há mồm trợn mắt, miệng không sao khép lại được.

Bàn Tử có vẻ rất đắc ý, bày ra vẻ mặt: Thấy chưa? Xem người anh em của ta có lợi hại không? Muộn Du Bình lại chẳng thèm nể mặt hắn, từ đầu đến cuối không liếc hắn lấy nửa cái. Có một cái lỗ hổng thì dễ rồi, chúng tôi đều tiến lên trợ giúp, dùng cuốc chim đào gạch lên.

Điều khiến người ta cảm thấy kỳ lạ nhất chính là những lớp gạch bên dưới vẫn không hề có vết tích được gắn bằng thép lỏng mà hoàn toàn là kết cấu đan xen lẫn nhau, thành ra cũng không khó đào.

Dự cảm mơ hồ của tôi lại nặng nề thêm một chút, bởi vì lối vào địa cung thường là bộ phận kiên cố nhất, năm đó lão Tôn mặt rỗ (*) đào mộ của Từ Hi, nếu không nhờ thuốc nổ thì ngay cả lớp gạch ngoài cùng của địa cung cũng chẳng phá nổi. Nơi này lại có thể thoải mái dỡ từng viên gạch ra thì thật bất thường, hay là bên dưới có thứ gì quái đản chăng?

(*) Tức Tôn Điện Anh, tướng dưới quyền Tưởng Giới Thạch, người ra lệnh đào lăng Từ Hi, ai đọc Lư Châu kí sự thì đều biết ông này rồi đó.

Nhưng không thấy Muộn Du Bình nói gì, bình thường nếu có vấn đề chắc chắn hắn sẽ phát hiện ra ngay. Nếu hắn không nói lời nào, tôi cũng không có tư cách gì mà ý kiến.

Không mất nhiều thời gian, chúng tôi đã đào ra được một cái hố to, khi lớp gạch cuối cùng bị dỡ ra thì chỉ đếm được có bảy lớp. Đại khái do độ cao của kiến trúc này là cố định, nếu không muốn mái điện chạm vào đỉnh động thì chỉ có cách xây nền móng mỏng đi. Bên dưới cái hố lộ ra một khối màu đen, hình như cùng loại với tảng đá phủ kín hoa văn mai rùa.

“Đây có phải tảng đá chắn cửa mộ không?” Diệp Thành phấn khởi kêu lên.

“Không phải.” Hoa hòa thượng gõ gõ mấy tiếng lên phiến đá, gạt hết mấy viên gạch xung quanh ra, dưới lớp gạch hiện ra một con rùa hai đầu bằng đá đen, to cỡ cái bàn bát tiên, hoa văn trên mai rùa nhìn kĩ thì ra là gương mặt một phụ nữ.

“Chuyện quái quỷ gì đây?” Mọi người đều cảm thấy khó hiểu, đây rõ ràng là lối vào địa cung, không hiểu sao lại chôn một con rùa đá.

“Tại sao không thấy cửa mộ?” Phan Tử ban nãy vừa gắng sức, giờ vẫn còn phì phò thở dốc.

“Dịch nó ra rồi tính sau! Xem bên dưới con rùa này có cái gì.” Hoa hòa thượng cũng bó tay, bắt đầu chỉ huy lộn xộn.

Thực ra không cần dịch chuyển cũng biết bên dưới con rùa chắc chắn chẳng có gì cả. Tôi đã thoáng thấy đá núi màu đen bên dưới con rùa, chúng tôi đã đào đến tận đáy động rồi.

Vài người lúng túng nhảy xuống hố, tính nâng con rùa đá lên. Nhưng mới khom lưng xuống, Bàn Tử bỗng kêu một tiếng, hình như đã phát hiện ra có gì không ổn.

Tôi ngó xuống thì thấy cái xẻng công binh Bàn Tử đang đeo trên lưng không hiểu vì sao lại dính chặt vào mai rùa, Bàn Tử ra sức kéo, nhưng vừa buông tay ra thì cái xẻng lại bị hút vào.

Tôi thấy ngờ ngợ, chẳng lẽ con rùa này khắc từ một khối nam châm sao?

Mấy người khác cũng vây lại xem, ai nấy đều thấy lạ. Bàn Tử lấy một đồng tiền xu thả lên lưng rùa, “keng” một tiếng, đồng xu dính chặt vào. Hắn lẩm bẩm: “Mẹ nó, đùa nhau đấy à. Sao lại có nam châm lớn như thế, chủ nhân cái mộ này làm nghề thu mua đồng nát chắc?”

Trần Bì A Tứ ngồi một bên nghỉ ngơi, thấy chúng tôi phát hiện ra thứ gì, cứ nghĩ đó là lối vào, bèn hỏi han tình hình, Hoa hòa thượng mới báo cáo lại mọi chuyện cho lão.

Còn chưa nói xong, sắc mặt Trần Bì A Tứ đã biến đổi, lão vội kêu Diệp Thành đỡ mình xuống, đến gần con rùa kia. Lão lấy từ trong túi ra một cái kim chỉ bắc, vừa liếc qua một cái đã xanh mặt, giận dữ đập cái kim chỉ bắc kia xuống, lạnh lùng nói: “Không xong, chúng ta đã bị lừa! Lăng bồi táng này chính là một cái bẫy, chúng ta trúng kế rồi!”

—————————————————–

(1) Đăng nô: là loại đèn có hình người đội bát dầu, tùy kiểu đăng nô mà hình người chỉ là tượng gốm hay là thi thể người thật bị nhúng sáp tránh hư thối rồi rót dầu vào châm lửa đốt như một cây nến thật. Đây là hình đăng nô thông thường:

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.net

truyện Đam Mỹ
truyện sắc

Dtruyen.com đổi tên miền thành Dtruyen.net. Độc giả ghi nhớ để truy cập.

truyện bách hợp

Nhận xét của độc giả về truyện Đạo Mộ Bút Ký

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook