Chương 4: Năm phút sau, anh ta được phủ khăn trắng
An Ni bảo bối
20/07/2013
Lúc đó bố vẫn đang còn. Hơi thở của ông vẫn mạnh, đầu ống dưỡng khí trong miệng vẫn động đậy. Cô bắt đầu có cảm
giác có lẽ bố sẽ không thể mở mắt ra lần nữa. Cô đứng bên giường ông. Họ cách nhau mong manh giữa sự sống và cái chết. Ông phải để cô lại một
mình. Kế hoạch mà cô tự vạch ra bỗng trống trơn hết thảy. Cứ ngỡ còn
thời gian chuộc lỗi và bù đắp, nào ngờ như dòng nước trôi, cứ trơn tuột
qua kẽ tay, biến mất. Không bao giờ còn nữa. Cô còn nhớ đã
quỳ gối trên sàn xi măng cạnh giường bệnh của bố. Trong hành lang tĩnh
mịch giữa đêm khuyên, vùi đầu vào đống chăn chiếu mà cầu xin. Thần thánh ơi, xin các ngài hãy độ lượng tha thứ cho tội lỗi của con. Cô nghe thấy tiếng mình, mơ hồ và nặng nề, xuyên qua trần ải. Con người đáng
thương. Đáng thương thay. Trên cái thế giới này, chúng ta đê tiện, yếu
ớt, giẫy giụa như vậy. Ngoại trừ phục tùng số mệnh ra, chúng ta đành bất lực. Tô này, mọi thứ mà chúng ta bỏ ra không bao giờ chuộc lỗi nổi. Cô
ngước nhìn Tô. Mắt cô rất sáng, ươn ướt, như thể nước mắt luôn lấp loé.
Cô đề nghị, Chúng mình kêu thêm một đĩa ốc xào đi. Chỉ cần cậu không sợ
đau bụng. Không sao. Tớ có mang thuốc theo. Tô đáp. Nếu chúng mình sợ
quá nhiều, sẽ có rất nhiều thứ không thể nào vượt qua được. Một nhiếp
ảnh gia người Mỹ, Joel Peter Witkin, từ nhỏ sinh trưởng trong một khu
dân cư nghèo ở New York. Năm lên sáu, được tận mắt chứng kiến một vụ tai nạn xe hơi, đầu một đứa bé gái bị nghiến rời, lăn tới chân cậu bé. Ấn
tượng ấu thơ đó đã tác động tới sáng tác của ông sau này. Tất cả các tác phẩm của ông đều tìm kiếm bạo lực, đau khổ, cái chết, ám chỉ con người
kỳ dị hoặc bệnh tật của nhân loại. Có phóng viên hỏi ông tại sao không
muốn chụp những thứ trong sáng, có phải cảm thấy như vậy sẽ dung tục
không? Ông đáp, những thứ thoải mái mát mắt rất dễ làm, nhưng giống như
việc dùng máy chụp hình tự động, tôi không thể nào thoả mãn được. Các
tác phẩm của tôi có nhu cầu hướng về ánh sáng, nhưng trước tiên phải
trải qua bóng tối. Tớ rất thích câu nói này. Tô nói. Tớ cũng là một nhà
nhiếp ảnh, nhưng tớ không chụp những tấm hình như kiểu Joel. Tớ không
chụp những người đàn ông tự tử bằng tin hoàn, những con chó chết đầy quả dại trong vết thương, những người sống què quặt, những chiếc đầu lâu
thần chết đang hôn nhau. Thời gian xuyên qua tối tăm nếu quá dài sẽ
khiến chúng ta thấy lạnh lẽo. Cậu luôn muốn chụp những gì? Biển. Ngoài
biển ra, vẫn là biển mà thôi. Họ nói, từ Huế tới Hội An, giữa chặng
đường đi có qua Lăng Cô. Và đoạn từ Lăng Cô tới Hội An thuộc về một
trong năm mươi địa danh cần phải đi trong cuộc đời. Xe chạy ngoằn ngoèo
quanh con đường núi. Ở một đầu bên núi cao chính là bãi biển tĩnh mịch
bao la xanh ngăn ngắt. Trời nắng nhạt, mặt biển sẫm màu như địa ngục.
Sọi bóng những dãy núi nhấp nhô. Càng tới đỉnh núi, thời tiết càng ẩm
ướt lạnh giá. Từng đám mây lớn trùm lên núi. Khi chiếc xe xuyên qua núi, sương mù ụp xuống. Bãi biển. Núi cao. Từng tầng mây trên đỉnh núi. Rừng cây xanh thẫm. Làng chài. Ánh nắng trên biển. Chuyến du lịch Việt Nam
thực ra là cuộc hành trình rong ruổi dọc đường biển. Men theo biển. Từ
Bắc tới Nam. Tô nói, Đó là thứ rất gần với tinh thần chúng ta. Hoặc nói
theo cách khác, chúng ta phải luôn sống trong đó.Đêm cuối cùng. Mọi máy
móc xung quanh bố đều ngừng hoạt động. Do nước tràn vào não, đầu bố sưng to khác hẳn người thường. Tấm lưới trắng chụp trên đầu quá chật, đứt
bung từng sợi. Phía trái còn sợi chỉ khâu lúc phẫu thuật, giờ đã bị máu
nhuộm thành đen. Phẫu thuật làm tổn thương tới thần kinh khiến da mắt
trái của ông biến thành màu xanh tím. Miệng vẫn cắm ống dưỡng khí. Khi
cô y tá dứt miếng băng keo dính ống dưỡng khí ra, môi ông bỗng trắng
nhợt. Bác sĩ trực ban đo điện tâm đồ cho ông. Trên mảnh giấy trắng nhỏ
hẹp chỉ thấy một đường vạch ngang. Đó là xác nhận của bệnh viện rằng đã
chết. Cô cứ đứng một bên, giơ tay ra, đỡ lấy cằm bố, cố khép đôi môi ông lại. Phần da mà lòng bàn tay chạm vào vẫn mềm mại, hơi lún phún râu.
Nỗi cô độc sâu thăm thẳm bao trùm lấy cô trong tích tắc. Cô nghe thấy
tiếng bác sĩ trực và y tá đang trò chuyện,cười đùa. Bệnh nhân ở phòng
bên đang cãi nhau và khóc lóc. Một người phụ nữ nông thôn sau khi phẫu
thuật không chịu nổi đau đớn, cứ chửi hết những người thân bên cạnh.
Trong không khí có hơi ẩm của nước mưa và bụi bẩn. Nhưng âm thanh mà cô
nghe thấy được và duy nhất rõ ràng là, Bé con, sờ vào râu của bố này.
Một trưa hè hồi nhỏ, bố cho cô leo lên người ông, sờ vào cằm ông. Những
sợi râu xanh cứng ngăn ngắn, cọ vào lòng bàn tay ngưa ngứa. Lúc đó họ
còn ở nhà cũ, trên sàn gỗ trải chiếu. Bố còn là một người đàn ông trẻ
trung, sạch sẽ và tuấn tú. Đó là một khoảng thời gian ngắn ngủi nhất họ
đã từng đem lại niềm vui và nỗi niềm an ủi cho nhau. Cô lớn rất nhanh,
biến thành một cô gái ương bướng. Còn bố rất nhanh chóng trở nên trầm
lặng, ít nói bởi gánh nặng và công việc vất vả. Bên cạnh là một đống
người đang khóc than. Cô mặc quần áo mới cho bố. Cơ thể bố nặng trịch
rất nhanh. Nhưng người vẫn còn ấm. Cô tháo chiếc khăn trùm đầu vẫn quàng quanh cổ phủ lên bụng bố. Cô hy vọng bố ra đi với bộ quần áo mà ông ưa
thích, nhưng họ lại mua về bộ đồ mới. Nhân viên nhà xác đặt bố lên xe
đẩy. Đẩy ra hành lang, đẩy vào thang máy, đẩy khỏi cổng lớn, đẩy trên
con đường xi măng dưới trời mưa, đẩy qua công trình đang xây dựng bụi
bay mù mịt. Cuối cùng đẩy vào một khu nhà cũ nát phía sau bệnh viện.
Cùng với độ xóc của chiếc xe, xác bố lắc lư không nguôi. Cô đỡ đầu bố,
sợ ông ngã lăn xuống do quá nặng. Xem ra bố chẳng có chỗ dựa nào hết.
Nhà xác trống trơn như cái nhà kho. Bên trong có một khoang lạnh lẽo,
dùng để đốt đồ tế. Có chiếc bàn cũ để bày đồ cúng và một dãy ghế dài
trống trải. Họ đặt bố lên cái kệ xi măng. Trên tường có hai chiếc quạt
thông gió chuyển động chậm chạp. Nước mưa rơi xuống, phát ra những tiếng tách tách. Cửa ra vào có lỗ thủng, gió lạnh ẩm ướt tràn vào, có thể
nhìn thấy rõ những chiếc lá cây bóng láng do được nước mưa rửa sạch sẽ
và con đường nhựa trong đêm khuya đang dần trầm lặng. Tất cả đã có thể
kết thúc rồi. Họ uống hết chai rượu cuối cùng. Trên đất vương vãi đầy
mẩu thuốc lá. Tô nói, Để tớ đưa cậu đi xem nhà thờ. Đại Lải có một nhà
thờ Thiên chúa giáo xây dựng từ năm 1931. Cậu sẽ hiếm có cơ hội ngắm
nhìn nhà thờ trên đỉnh núi. Cô mua một chiếc bắp nướng. Bẻ làm đôi, đưa
cho Tô một nửa. Bắp bốc hơi nóng thơm nức, nhấm vào giữa môi, mềm và
nóng. Cô nhấm từng hột một như hồi bé. Lòng hưng hửng. Một niềm vui đơn
giản, rất bình dân. Tô khoác vai cô. Cô ấy cũng vui. Nhưng cả hai đều là người không biết phải diễn đạt niềm vui ra sao. Thế là chỉ biết hối hả
đi trên con đường lên núi đã tối. Cô chợt nhớ ra, rất lâu rồi không hề
có bạn. Không có một ai thân thiết. Tô này, mình chưa bao giờ có thể ngỡ rằng lần ở bên nhau lâu nhất, bình tĩnh nhất giữa hai bố con lại là lúc trong nhà xác lạnh lẽo của bệnh viện. Lúc đêm khuya, chỉ có hai người,
mình và bố. Mỗi lần đến đúng giờ, một giờ, hai giờ, ba giờ... mình lại
nhỏm lậy dập đầu trước ông. Vì theo cách nói của tập quán, bố đã đi rồi, càng đi càng xa dần. Ông muốn ăn, muốn uống, muốn mang theo ít tiền đi
đường. Thế là mình không ngớt đốt giấy tiền, thắp thêm nhang và rập đầu
trước bố giã biệt. Hai bố con cứ ở bên nhau êm ả như vậy. Trên người bố
đắp cái vỏ chăn. Nom ông giống như một đứa trẻ. Một đứa trẻ ngoan, trầm
lặng, bị bỏ quên trong đêm tối. Một đứa trẻ cô đơn. Mình đứng bên cạnh,
vuốt ve người bố. Bờ vai, lồng ngực, tay, bàn chân, cái đùi bị thương
tật, cái đầu khâu chỉ còn dính máu tươi. Mình lại vuốt ve gương mặt bố.
Vầng trán, cái mũi, đôi mắt, bờ môi, cái cằm. Còn khung xương, phần da
thịt, khuôn mặt vẫn tinh tường như thế. Chỉ tội không còn hơi ấm. Bố
nặng nề như thế, lạnh lẽo như thế. Lúc trời tang tảng sáng cũng là lúc
sắp chia tay. Có lẽ bố đã đi tới bờ bên kia rồi. Những lưu luyến tiễn
biệt giữa chúng ta cũng sắp kết thúc. Mình vuốt ve bố hết lần này tới
lần khác. Ôm chặt bố, áp đầu lên trái tim bố. Cách một lượt vải trắng
nhưng mình vẫn cảm nhận rõ hơi lạnh từ người bố dần toả ra. Đó là vật
chứng bố dành tặng cho tình cảm của mình. Một cái xác. Ông trời đã đòi
bố về. Người đàn ông duy nhất quan tâm tới mình, không bỏ rơi mình.
Người đàn ông đã cho mình máu thịt. Người đàn ông đã từng bế mình chạy
tới bệnh viện lúc canh khuya mỗi khi mình ốm sốt. Người đàn ông dắt tay
mình đến trường. Người đàn ông bị mình bỏ rơi ở quê nhà đi nghìn dặm.
Người đàn ông cô độc, làm việc lam lũ. Người đàn ông mà mình chưa từng
báo đáp và an ủi. Bố đã bị gọi về. Chúng mình không còn lạnh nhạt và cố
chấp nhau nữa. Không còn gặp gỡ và giã biệt nữa. Bố đã chết rồi. Mình
không nỡ như vậy, Tô ạ. Mình không thể làm được gì, Tô ạ. Một phần của
thể xác mình đã chết. Không bao giờ được đáp lại nữa. Tô ơi, khi bầu
trời bên ngoài bắt đầu sáng, mình thấy cả thành phố biến thành một cái
túi đựng ẩm ướt hơi xanh lam. Trống trơn. Chẳng có gì cả. Một ngày mới
ngay cận kề trước mắt. Mình thấy cô độc quá. Tô ơi, cậu có biết nỗi cô
độc của riêng một người như thế nào không? Có nghĩa là tất cả mọi người
xung quanh đều không có liên quan gì tới cậu cả. Tất cả mọi người đều
biến mất. Thế là mình chỉ có thể khóc.Nhà thờ trong đêm. Chữ thập trên
nóc nhà thờ trong đêm tối như một ngôi sao. Họ đẩy cánh cửa sắt, bước
lên bậc tam cấp lớn bằng xi măng. Gió lớn lướt qua. Tô nói, trong nhà
thờ có thuỷ tinh màu khắc hình Chúa và Đức mẹ. Nóc nhà rất cao, ánh nắng rọi vào như con đường mở ra từ thiên đường. Ban ngày tớ đã chụp hình ở
đây. Tô hỏi cô, Cậu có tin Thượng đế không? Cô đáp, Mình tin vào số
kiếp. Tin vào cái quyền lực to lớn khống chế chúng ta. Cái quyền lực
không bao giờ cho phép chúng ta kháng cự và chạy trốn. Tô nói, Hãy nghe
âm thanh trong đêm. Cậu nghe thấy những gì? Cô đứng lặng trên bậc thềm.
Đưa tay ra chạm phải ngón tay của Tô. Họ nắm tay nhau. Tô nói, Tớ chỉ có thể nghe thấy tiếng biển. Hồi nhỏ, mẹ tớ mở một tiệm tạp hoá ở một thị
trấn nhỏ. Tớ ngủ ở gian quầy bên ngoài, mẹ và bố dượng ngủ gian trong.
Sau đó, tớ vào thành phố, sống trong một căn hộ độc thân, đêm khuya dậy
nấu mì gói. Mệt tới mức không tài nào tắm nổi, ngã lăn ra giường. Nhưng
tớ chỉ luôn nghe thấy âm thanh của biển cả. Cậu chưa từng gặp mặt bố đẻ
sao? Ông đã chết trước khi tớ kịp ra đời. Toàn sống với mẹ và bố dượng
thôi. Đối với tớ, khái niệm về bố đã không còn tồn tại nữa. Vì thế cậu
vĩnh viễn không nhớ tới bố. Ừ. Vĩnh viễn. Trong gian hoả táng, cô nhìn
thấy bố được đẩy vào lò hoả táng. Cô đứng trong gian phòng rất lớn vọng
âm, khắp sàn đầy vụn phấn khô. Nhân viên hoả táng nói với cô, Đây là nơi mà mỗi chúng ta đều phải đến. Nơi cuối cùng. Đi đi. Không nên đứng ở
đây quá lâu. Gương mặt bố trước khi bị đẩy vào nom rất xa lạ. Mặt đã
được trang điểm và thoa một ít son để nom được hồng hào. Trên khuôn mặt
bố đã không còn dấu ấn trong ký ức của cô. Cô tin rằng ông đã đi rất xa. Đi xa mãi xa mãi. Ông không ở đây. Thứ mà người ta sắp đốt chỉ là một
cái xác mà thôi. Trên sàn đất trống đầy xác pháo, cô thấy khói đen nồng
phụt ra từ ống khói lớn. Khói đen xoay tròn trên khoảng không xám, rồi
dần tan ra, mãi cho tới khi tan biến hết. Lúc nhận tro ở ô cửa, cô cảm
nhận được hơi nóng trên tay. Cô lấy phong bì đựng một ít tro, chuẩn bị
mang về Bắc Kinh. Vật chứng. Cô cần phải giữ lại vật chứng của tình cảm. Không thể để tay trắng. Theo phong tục, phải đem lọ tro nhập mộ trước
mười hai giờ trưa. Lúc xe đi qua thôn, mẹ gọi điện dặn, Đây là nơi bố
con đã dạy học rất nhiều năm, trên đường phải đốt pháo nhé. Mưa lớn. Bên đường đã có người dân đứng giương dù, khênh sẵn vòng hoa đứng đợi. Bố
đã từng dạy tiểu học và sống hết thời thanh xuân tươi trẻ ở cái thôn nhỏ hẻo lánh nhưng đẹp đẽ này. Tốt nghiệp trung học, không có cơ hội vào
đại học vì khi cách mạng văn hoá vừa bắt đầu, bố bị ép xuống nông thôn.
Khi ông quay về thành phố, thực sự bắt đầu lập nghiệp đã quá tuổi ba
mươi. Không ai có thể lựa chọn cuộc sống cho mình. Cậu cũng biết đấy. Xe dừng ở bên đường. Men theo con đường ruộng đầy bùn, từng đoàn người nối dài. Ruộng và dãy núi bát ngát đều ngập chìm trong màn mưa giăng giăng. Mưa nặng hạt quá, cô cởi chiếc áo khoác ngoài, bọc lấy lọ tro của bố.
Ôm lọ tro vào ngực, sao mà nặng đến vậy. Cô thấy mình dường như đang
gắng sức nâng cả trọng lượng của bố. Một đống trọng lượng màu xám
trắng.Một loạt các nghi lễ. Ở nông thôn, tang lễ đã mang ý nghĩa tôn
giáo rất thần thánh. Mỗi một phong tục đều được dùng để an ủi vết thương người còn sống, không tự nguyện thừa nhận sự ra đi của người chết.
Giống như khi xe tang tới đón thi hài bố, họ nói với cô rằng nhớ rắc
tiền vàng trên đường đi, coi như tiền mua đường. Lúc qua cầu, phải nói
rõ với bố là qua cầu rồi. Nén nhang trong tay không được tắt, phải liên
tục thắp, liên tục thắp. Phảng phất như linh hồn bố đang ngự trị trên
đốm lửa đầu nén nhang mỏng manh. Nhưng cô tận mắt nhìn thấy họ dùng một
tấm vải bọc thi thể bố lại, thắt nút, rồi đút vào phần trống bên dưới
của chiếc xe tang màu trắng. Bố bị bọc tròn như một cái thân cây. Lúc 11 giờ 48 phút, lọ tro của bố đã hạ huyệt. Những thứ bố vẫn dùng thường
ngày như bút, cặp sách, lược, áo len lông cừu mà cô mua cho bố, những
cuốn sách của cô đã xuất bản cũng được đặt chung vào đó. Bố chỉ có thể
mang theo những thứ này. Trên đám đất bùn trong nước mưa cắm đầy nhang
vừa đốt. Họ bắt đầu đốt một đống tiền giấy và những vật dụng khá của bố. Lửa kêu vang trong gió. Mưa đột nhiên thưa hẳn. Trên đường về nhà, xe
phải chờ qua phà. Chờ rất lâu. Cô ngủ thiếp đi. Mơ rất rối rắm và kỳ
quái. Trong mơ, thấy một cây ăn quả, trên cây có quả lê được buộc sẵn
bằng dây thừng. Từng quả một cứ được buộc sẵn ở đó, dài lòng thòng. Đó
là một vườn cây ăn quả trống trơn. Không nhìn thấy tận đầu. Núi xanh mịt mùng. Trên con đường ruộng nhỏ hẹp hoang vắng, một người đàn ông đi
tới. Quay lại cười với cô. Gương mặt hoan hỉ. Nụ cười rạng rỡ. Cô chợt
tỉnh, phát hiện thấy toàn thân đang run rẩy, không tài nào khống chế
nổi. Cô giơ tay ra, nhìn vân tay. Những ngón tay của cô co quắp như muốn khép lại. Ngoài cửa là hoàng hôn thành phố. Cũng lặng phắc như bao
ngày. Từng tầng mây bên trời màu hoa hồng xám. Người đi trên đường nét
mặt thản nhiên. Cuộc sống vẫn diễn ra như vậy. Người chết biến mất rồi.
Thời gian cấp tốc phủ bằng tất cả. Giống như nước biển phủ kín mọi chỗ
lõm trên địa cầu.
Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.net
Dtruyen.com đổi tên miền thành Dtruyen.net. Độc giả ghi nhớ để truy cập.