Để Em Cưa Anh Nhé!

Chương 33: Bắt đầu một kết thúc?

CheeryChip

08/11/2013

Sáng ngày thứ bảy, chúng tôi có một buổi tập trung cuối cùng kết thúc kì quân sự kéo dài một tháng này, nguyên cả sáng ngày hôm ấy, tôi và mấy đứa bạn phải xếp hàng ngồi dưới khoảng sân trường nắng chang chang, thậm chí có dùng ô cũng không sao ngăn nổi ánh nắng xuyên qua tàn phá làn da vốn đã xuống cấp của chúng tôi. Ngồi nghe thuyết trình được một hồi lâu thì thầy Tiến cuối cùng cũng lên khuấy động phong trào văn nghệ cây nhà là vườn, chỉ một lát sau, mỗi lớp đã cử ra được ít nhất là một bạn lên hát. Lớp tôi tạm thời vẫn đang trong thời kì ngủ đông, mặt đứa nào đứa nấy đều cúi rụp xuống, trốn kỹ đằng sau chiếc ô không che nổi nửa người, cắm mặt vào điện thoại vờ như không biết. Lúc đó, tự dưng tôi lại nghĩ tới Mai bé, vậy là một cuộc biểu tình kêu gọi Mai bé lên hát nhiệt liệt bắt đầu.

- Mai ơi lên đi!

- Không! Em không lên đâu! (Vừa nói vừa buộc tóc)

- Lên hát bài hôm trước em tập đi. Không hát thì phí!

- Chị lên song ca cùng em thì em lên hát. Không em ngượng lắm!

- Thôi! Chị không lên đâu. Chị xấu hổ lắm!

- Thế! Em cũng xấu hổ chứ!

- Thôi Mai bé ơi lên đi! Hãy cứu lấy sĩ diện của lớp mình!

Mấy đứa xung quanh bắt đầu hùa vào cổ vũ, cuối cùng không thể từ chối được, Mai bé đành phải thay mặt cả lớp lên hát một bài gọi là bằng bạn bằng bè. Vượt qua rất nhiều tiết mục chán òm của các lớp khác, cuối cùng thì tôi cũng chờ được xem tiết mục của Mai bé, em lon ton bước lên sân khấu, với bộ quân phục màu xanh rêu rộng thùng thình, mái tóc xoăn màu caramen buộc nửa, trông Mai cứ lũn ca lũn cũn như chú lật đật vậy. Thế nhưng, em ấy chính là điển hình của việc đừng nhìn mặt mà bắt hình xong, sau khi khúc nhạc dạo đầu trôi qua trong lặng lẽ, tiếng hát ngọt ngào của Mai bắt đầu cất lên, toàn trường lập tức rơi vào im lặng, thậm chí mấy đứa trong lớp tôi còn phải tròn mắt, há hốc miệng vì ngạc nhiên nữa. Mai bình thường không hay thể hiện, nhưng đã xuất hiện là nên cơm nên cháo ngay. Tôi ngồi bên dưới, hai tay chống cằm im nghe thích thú, rồi khi bài hát vừa kết thúc, nhóm chúng tôi lập tức vỗ tay reo hò đầu tiên trong sự phấn khích quá độ khiến con bé xấu hổ chạy một mạch về chỗ. Màn biểu diễn xuất sắc của Mai hôm nay quả nhiên khiến chúng tôi được nở mày nở mặt.

Kết thúc chương trình là màn độc thoại của một anh chàng bị khuyết tật bẩm sinh, theo mắt tôi nhìn thì anh ấy cao ước chừng 80cm, vậy mà trong kì thi bắn súng vừa rồi anh ấy vẫn xuất sắc đạt được số điểm tuyệt đối, khiến tất cả mọi người đều ngưỡng mộ và thán phục. Thử nghĩ mà xem, một anh chàng cao 80cm cầm một cây súng CKC dài 1mét2 thì có đáng khâm phục không cơ chứ! Bài diễn văn đều đều của anh ấy lúc đầu không thu hút được mấy người nghe, nhưng càng lắng nghe, chúng tôi càng như chìm đắm trong những suy nghĩ chứa đựng thật nhiều tình cảm sâu sắc của anh ấy. Cho đến bây giờ thì cũng đã quá lâu rồi, thật sự tôi không còn nhớ nổi toàn bộ bài diễn văn anh đọc hôm ấy nói về những gì nữa, duy chỉ có một đoạn cứ đọng trong đầu khiến tôi tâm đắc mãi.

“Có thể đối với nhiều bạn, cuộc sống ở đây thật khắc nghiệt và khổ cực, nhưng đối với tôi, đây là một quãng thời gian sống vô cùng có ý nghĩa. Ở nơi đây, tôi đã nhận thấy được sự thay đổi tích cực rõ rệt từ một số người bạn xung quanh mình, từ những cô bạn tiểu thư ban đầu còn không biết cầm cái chổi quét sân như thế nào, nhưng vẫn hăng hái học hỏi tham gia lao động công bằng với mọi người, từ những cậu bạn hằng ngày ham chơi thường xuyên bỏ học, nay cũng chủ động xung phong canh gác trại xuyên đêm. Có thể đối với các bạn, những hình phạt như đi nhổ cỏ đêm khuya hay đứng hàng giờ dưới mưa, dưới nắng thực sự khắc nghiệt, nhưng đối với tôi, nó là sự trải nghiệm, là những kỉ niệm mà sau này khi chúng ta trưởng thành, khi chúng ta nhớ lại, chúng ta sẽ không bao giờ cảm thấy phải hối tiếc. Sau này, khi các bạn ra ngoài xã hội kia, sẽ còn rất nhiều những khó khăn vất vả, những sóng gió cuộc đời còn gian nan khổ cực gấp nhiều lần những hình phạt mang tính rèn luyện kỉ luật như thế này. Tôi tin rằng, khi đó bạn sẽ nhớ lại cuộc sống ở nơi đây, nơi mà các bạn đã được rèn luyện tính tự giác, tinh thần trách nhiệm cao độ, nó giống như một bước đệm đầu đời giúp các bạn thoát ra khỏi cái vỏ bọc che chở của ông bà cha mẹ vậy…”

Tôi vừa nghe, vừa cay cay khóe mắt, chẳng biết chóp mũi đã đỏ lựng lên từ bao giờ rồi. Lúc tôi vô tình quay lại nhìn mấy đứa bạn, thấy cái Quyên cũng đang chăm chú ngước mặt lên nghe, nhưng hai con ngươi thì đã đong đầy nước mắt. Tôi không rõ là mình đang buồn hay đang vui nữa, cảm giác lẫn lộn đến khó tả. Có lẽ tôi cảm thấy được sự đồng cảm, sự đồng cảm trong từng lời nói của anh chàng khuyết tật mạnh mẽ đáng khâm phục ấy. Đúng như anh ấy nói, những hình phạt, những kỉ luật khắt khe ở nơi này đối với tôi chẳng là gì, thậm chí đối với tôi, đây còn là một cuộc sống bình dị nhất… khi tôi có thể ngày qua ngày thoải mái ăn, ngủ, nghỉ, học hành, chơi đùa với bạn bè mà không phải lo mấy giờ thì đi học về, ăn cơm được trong bao lâu, chợp mắt mấy phút thì đã phải đi làm, rồi lại đến tối mịt mới được trở về nhà để hoàn thành nốt bài tập trên lớp. Nhiều lúc tôi thấy chán ngán cái cuộc sống tẻ nhạt ấy đến tận cổ, nhưng tôi lại không có quyền từ bỏ nó, vì nó là cuộc sống của tôi, tôi sinh ra đã ở trong cuộc sống ấy và tôi làm gì có quyền chọn lựa. Điều duy nhất mà tôi có thể làm là luôn cố gắng vươn lên, để giành lấy một tương lai tươi sáng hơn cho bản thân mình sau này. Chỉ đơn giản vậy thôi!

Dù tôi có muốn sống mãi ở nơi đây đến thế nào thì sau hôm nay tất cả cũng buộc phải kết thúc, sau ngày hôm nay, tôi lại phải quay trở về với cuộc sống cũ. Cuộc sống giống như một guồng quay không ngừng nghỉ, chỉ cần buông tay ngày hôm nay, ngày mai, ta sẽ phải làm lại từ đầu.

………..

Trưa hôm đó, sau khi kết thúc buổi tập trung cuối cùng, chúng tôi trở về phòng trong tâm trạng vô cùng khó tả, chẳng biết vui hay buồn. Thế rồi đến khi nhìn thấy mặt cái Ánh đang đần thối ra ngồi giữa nhà, chúng tôi lại vội vàng chạy xúm lại hỏi. Ngày hôm nay trước khi đi tập trung, mỗi phòng đều phải để lại ít nhất một người trông phòng, và cái Ánh đã tình nguyện làm “người gác cửa” ấy. Thế nhưng không hiểu sao lúc đi thì hồ hởi, lúc về lại ngẩn người ra như thế này.

Thấy tóc con bé hơi ươn ướt, quần áo thì đã được thay bộ mới, mặt vẫn đần ra không nói được câu nào, chúng tôi liền nhao vào hỏi.

- Ánh ơi! Làm sao mà mặt mày xanh lét thế?

Đang ngồi thẫn thờ thì được mọi người hỏi thăm, hình như chúng tôi đã vô tình đụng vào đúng nỗi kích động của nó, vậy là con bé đột nhiên òa lên khóc.

- Ôi mọi người ơi! Mọi người có biết em vừa trải qua chuyện gì không… Hu hu hu…

Nó vừa nói, vừa mếu máo không thành tiếng khiến chúng tôi lại càng tò mò hơn.

- Nói từ từ thôi. Mà em vừa tắm đấy à? Sao lại thay quần áo thế này?

- Vâng… Em vừa phải kì cọ… tắm như một con điên luôn… Kì mãi mà vẫn không thấy hết bẩn. Xin lỗi mọi người nhé… Em tắm hết nước dự trữ rồi…

- SAO LẠI THẾ!!!

Cái Nhi gào lên trong tức tối, át cả tiếng khóc của con bé.

- Hu hu hu… Mọi người đừng mắng em… Nếu là em thì mọi người cũng thế thôi…

- Thế rốt cuộc là làm sao?

- Vừa nãy… em đang đi vệ sinh… thì tự dưng… cái bồn cầu nó sôi ùng ục lên… rồi cứt từ bên dưới đột ngột phọt cả lên đầu em… Chị ơi… em ngất…

Ánh vừa nói, nói giật cục, cứ cách một câu nó lại “hức hức” một câu, rồi đến câu cuối thì bất ngờ òa lên khóc khiến bọn tôi phải ngã ra cười, dù thương đến mấy cũng không thể nhịn nổi cười, vừa cười vừa thấy lạnh cả người vì tởm.

Cái Quyên lúc đó cũng vừa húp được miếng mìa liền nôn ra gần hết.



- Eooooo! Kinh vãiii!!!

- Trời ơi! Kinh dã man! Thế ngất luôn tại chỗ hả em!!!

- Mẹ ơi tao không dám đi ẻ ở trong đấy nữa đâu. Tí ai xuống căng tin cùng tao mua thêm cái bô mà ẻ trong nhà đi. Hu hu!

Chúng tôi vừa nói, vừa ngã ra nhà, ôm bụng cười quặn quại, cười rớt cả nước mắt, chỉ khổ thân cái Ánh, mặt vẫn xanh lét, đờ đẫn chưa hoàn hồn. Cảnh tượng này thật có chỉ gọi là “kẻ khóc người cười”.

…………

Chiều hôm đó chúng tôi phải ở lì lại phòng để thu dọn tất tần tật mọi thứ trước khi trả phòng cho nhà trường, vậy là kế hoạch để lại một bức di thư với câu nói “Chúng tôi sẽ không bao giờ quên người bạn đã chết trong căn phòng này” cuối cùng cũng tan thành mây khói. Công việc hiện tại có rất nhiều, chúng tôi phân công nhau ra cứ hai người làm một việc. Tôi và Hiền thì dọn phòng tắm, Ánh với Quyên thì đem phơi chăn chiếu và thu quần áo, Mai và Nhi thì đi lau nhà, còn Huyền với Linh thì đổ rác. Lúc thu dọn phòng tắm, tôi và Hiền phải cùng nhau khiêng hai cái xô nước nặng trịch cao đến tận cổ đổ hết nước bẩn ra mà kì cọ, lúc chỗ nước cặn vừa được trút ra gần hết, bỗng tôi thấy có cái gì đó ươn ướt, đen đen bất ngờ trôi tuột ra cùng cặn bẩn. Hiền tò mò nhặt món đồ lạ lên, ngơ ngác nhìn một hồi rồi đột nhiên vứt toẹt xuống nền nhà, kêu lên kinh hãi.

- Ôi mẹ ơi! Quần lót của đứa nào ủ trong xô nước ý!

- Eo ôi tởm!!! Bọn mày ra đây mà xem này! Quần lót ren đen của đứa nào nhận ngayyyyy!!!!

Nghe thấy thế, cả phòng liền bỏ hết công việc đang dang dở của mình, lập tức ùa vào phòng tắm để xem sự tình, lúc nhìn thấy chiếc quần lót ren đen đã ướt sũng, bị vứt một cách thảm hại trong phòng tắm, Nhi lập tức nổi gai ốc, nôn ọe nói.

- Ôi mẹ ơi! Thế có nghĩa là mấy ngày hôm nay tao phải đánh răng, rửa mặt bằng nước ngâm cái thứ kinh tởm này ý hả! Ọe ọe!!!

- Ôi không! Tao cũng thế! Kinh tởm quá! Trời ơi!!!

Chúng tôi vừa nhìn, vừa lợm cả giọng, nghĩ đến cảnh suốt mấy ngày qua cả phòng hết nước, phải dùng tạm chỗ nước còn sót lại ở trong xô này để đánh răng rửa mặt mà rùng hết cả mình. Trong lúc cả phòng đang tán loạn hết cả lên thì cái Linh từ đâu đột nhiên thò mặt ra tỉnh bơ nhận tội.

- Ơ… Cái quần lót này là của em. Em mất bao nhiêu lâu rồi bây giờ mới thấy! Chị đưa cho em!

Linh vừa nói, vừa đón lấy chiếc quần lót của nó, vội vàng đem đi giặt ngay lập tức. Nghĩ tới câu “bao nhiêu lâu rồi” chúng tôi lại càng váng cả óc.

- Cái gì cơ? Bao lâu? Bao lâu là bao lâu? Ý mày là bọn tao đã phải đánh răng, rửa mặt bằng cái thứ nước kinh khủng này bao lâu rồi hả???

- Hai tuần rồi ạ…

Linh lí nhí nói, sợ mọi người đang điên tiết nếu không kiềm chế được thì sẽ lập tức nhảy vào xé xác nó. May mà cuối cùng thì chúng tôi cũng lấy lại được bình tĩnh, dù sao thì mọi chuyện cũng đã xảy ra rồi, có trách mắng Linh cũng vô ích, mà việc thì còn nhiều. Nghĩ vậy, đứa nào đứa nấy lại đành cắn răng quay trở về với công việc đang làm của mình, cố gắng lắc đầu cho quên đi ký ức nhớp nháp kia.

Khoảng tầm ba giờ chiều, sau khi tất cả mọi thứ đều đã được hoàn thành tương đối, chúng tôi định mang bài ra chơi thì lại phát hiện ra mùi lạ. Thực ra thứ mùi thối thum thủm ấy đã phảng phất trong phòng được mấy hôm nay rồi, nhưng nghĩ đến việc chỉ còn ở lại đây có vài ngày, chúng tôi quyết định bịt mũi sống cho qua ngày, nhưng bây giờ nghe thầy hiệu phó nói sẽ kiểm tra từng phòng trước khi cho về Hà Nội, phòng nào còn bẩn thỉu thì chưa được về, mấy đứa lại đành phải đứng dậy tìm hiểu xem sao. Sau một hồi do thám khắp phòng, cuối cùng tôi và Hiền đã tìm được hai thủ phạm chính được tạm cho là nguyên nhân hiện thời.

Thủ phạm thứ nhất: túi trứng gà mua từ hai tuần trước, vốn định dùng để ủ thành trứng thối rồi ném sang phòng bọn lớp bên, nhưng cuối cùng vì sợ bị thầy phạt nên chẳng ai dám ném, rút cục bây giờ thối bao nhiêu phòng mình hưởng hết. Thật đúng là gậy ông đập lưng ông. Ngu xuẩn thật !

Vụ này thì kẻ đầu têu là do tôi, thế nên người kết thúc vụ án chắc chắn phải là tôi rồi!

Lần đầu tiên cầm túi trứng thối trong tay, tôi một tay bịt mũi, một tay cầm túi trứng bốc mùi thum thủm, cố gắng giơ ra xa khỏi người mình khiến biết bao nhiêu người ngoái lại nhìn. Xấu hổ không thể tả!

Thủ phạm thứ hai: miếng băng vệ sinh mốc meo không biết ai dùng xong vứt trong thùng rác ở ngoài hành lang phía sau phòng tôi, mặc cho cái Hiền gặng hỏi mãi cũng chẳng ai chịu nhận, cuối cùng vẫn cứ là tôi và nó lại phải giải quyết cái nợ đời này. Hai chị em vừa đi, vừa ôm nhau than thở.

Chiều hôm ấy khoảng bốn rưỡi, sau khi nước nôi, quần áo, sách vở, tất cả các vật dụng cá nhân thuê của trường trước đó đều được đem đi trả hết, cuối cùng chúng tôi cũng được đường đường chính chính trở về nhà mình. Lúc ngồi trên chiếc xe khách cũ kỹ quen thuộc mọi lần, nhưng không hiểu sao lần này trong tôi mang tâm trạng khác hẳn. Vẫn là con đường quen thuộc đến và đi vào chiều thứ bảy hàng tuần ấy, vẫn là những ngôi nhà mái ngói thưa thớt phảng phất mùi khói bếp hòa quyện trong cái nắng chiều tản mạn, vẫn là những cánh đồng lúa bát ngát trải dài đến tận chân trời, thi thoảng đập vào mũi tôi lại là mùi của những bãi phân tươi “mát rượi”, vẫn là những vệt nắng hoàng hôn loang lổ lúc chiều tà, là ánh mắt trời dịu dàng đang trốn lấp ló đằng sau bụi tre làng, là con đường dài gồ ghề sỏi đá… Vẫn là tất cả những hình ảnh quen thuộc ấy đang hiện ra trước mắt, nhưng giờ đây sao tôi lại thấy lưu luyến đến thế.

Ngồi trên chiếc xe khách rung rinh, thỉnh thoảng lại xóc lên sòng sọc, Hiền bám chặt vào tay tôi, thủ thỉ nói.

- Sống ở đây một tháng rồi, bây giờ tự dưng một đi không trở lại, cũng thấy tiếc tiếc thế nào ý chị nhỉ!

- Ừ… Tự dưng chị lại nhớ tới lời thầy Tiến nói hôm chúng mình mới nhập học, giờ thấy cũng không sai. Dạo này chị còn bắt đầu bị nhiễm thói quen tắm trong chậu rồi đấy!

- Ha ha! Em cũng thế. Toàn múc nước từ trong chậu ra tắm. Chả hiểu sao luôn!

- Buồn cười nhỉ! Sống ở đây mới có một tháng mà đã như thế rồi, chẳng hiểu sống lâu hơn thì sẽ thổ dân ra sao nữa.

Tôi vừa nói, vừa đưa hai tay lên cao đan vào nhau, rồi ngả mình tựa vào ghế, nhắm mắt lại thầm mỉm cười.



- Thôi ngủ đi. Thức thêm tí nữa là chị lại bị say xe đấy Che ạ!

- Ừ! Thôi chị ngủ đây.

Nói rồi, tôi liền từ từ nhắm mắt lại ngủ, cánh cửa sổ khoang tôi ngồi được mở toang để gió bên ngoài lùa vào cho thông thoáng, thi thoảng trong giấc mơ của tôi, những lũy tre làng rung rinh ngả mình trước gió, những ánh mắt trời lấp ló đằng xa, những cánh cò vạc bay lên xào xạc, mùi khói bếp ban chiều hòa lẫn với mùi phân trâu tản mạn… thỉnh thoảng vẫn sộc vào mũi tôi… không làm sao quên được.

…………

Tôi trở lại Hà Nội vào một chiều lặng gió, lúc này đã quá sáu giờ rồi, vì không muốn làm phiền người nhà nên tôi quyết định bắt taxi tự đi về nhà. Trên đường đi, tôi vô cùng phấn khởi, cuối cùng thì cũng sắp được gặp lại mẹ và em Quân rồi! Lúc tôi trở về nhà, cửa vẫn khóa ngoài, dường như bố mẹ đi vắng cả, một mình tôi hì hục xách chiếc vali nặng trịch lên tận tầng ba, rồi lúc đi qua tầng hai tôi lại tiện ghé đầu vào phòng thằng Quân hỏi.

- Quân ơi! Bố mẹ đi đâu rồi? Giờ này mà chưa ai nấu cơm à?

Thằng Quân vẫn ngồi gác chân lên bàn máy tính, một tay ôm con mèo, một tay di chuột xoèn xoẹt, thản nhiên nói.

- Bố đi tập thể dục, mẹ về Hòa Bình ở rồi!

Chiếc vali nặng trịch trong tay bất ngờ rơi cái bộp, tôi ngớ người, lời nói này của nó chẳng khác gì cả một chiếc búa táng thẳng vào đầu tôi, khiến tôi vô cùng hoang mang, choáng váng. Vẫn cố giữ lấy bình tĩnh, tôi bước lại hỏi Quân thêm một lần nữa.

- Mày điên à! Đi cái gì mà đi! Mấy hôm trước mẹ vẫn còn gọi hỏi thăm tao bình thường mà.

- Chắc mẹ gọi hỏi thăm chị trước khi đi đấy. Mẹ đi được hai hôm rồi mà, mẹ bảo mẹ không thích sống ở Hà Nội nữa.

Quân càng nói, tôi càng váng cả óc. Quãng đường dài từ Mai Lĩnh trở về Hà Nội đã đủ khiến tôi bải hoải hết cả mình mẩy rồi, nghe xong những lời này, tôi lại càng rã rời hết cả chân tay. Tay nọ bấu vào tay kia, tôi không tin là thằng em tôi đang nói thật, vì thế tôi liền vội vàng rút điện thoại ra bấm số gọi cho mẹ ngay lập tức.

“Cuộc gọi hiện không liên lạc được!”

Nhận thấy rõ nét thất vọng thể hiện trên khuôn mặt trắng bệch của tôi, thằng Quân lại “an ủi” thêm câu nữa.

- Mẹ bảo mẹ lên đấy mẹ cắt luôn điện thoại, mẹ thích quay lại cuộc sống dân giã như trước kia, không thích dính dáng gì tới bố con mình nữa đâu!

- Sao lại thế? Sao tự dưng mẹ lại đi? Ở nhà bố con mày làm gì khiến mẹ bực à! Làm gì có chuyện tự dưng mẹ đi như thế!

Tôi nói như hét vào mặt nó, tại sao tôi mới đi có một tuần mà mọi chuyện đã thay đổi nhiều như thế này. Tôi cũng không biết phải dùng lời nào để có thể tả được sự bình thản đến khó hiểu của thằng Quân nữa, mẹ đi rồi, bỏ lại hai chị em tôi vào đúng những ngày giáp Tết, sao mẹ có thể cư xử như thế được?

Tôi điên cuồng lấy điện thoại ra, gọi tới gọi lui đến khi hai bàn tay trơn nhờn vì mồ hôi, phải mãi một lúc sau, sau khi đọc được mảnh giấy mẹ để lại cho thằng tôi mà vừa nãy thằng Quân quên mất chưa đưa ngay, tôi mới dần dần lấy lại được bình tĩnh.

“Mai ơi! Mẹ chán sống ở Hà Nội lắm rồi. Mẹ muốn trở về Hòa Bình xây một căn nhà nhỏ, nuôi một đàn gà, sau này gà đẻ trứng mẹ sẽ gửi lên Hà Nội cho tụi mày ăn cho đảm bảo, trứng gà Tàu bây giờ trà trộn nguy hiểm lắm. Con đi quân sự về thì chịu khó trông em với bảo ban bố đừng lô đề nữa giùm mẹ nhé. Mẹ chán cảnh này lắm rồi! Đồ ăn Tết mẹ cũng mua sẵn cả rồi đấy! Năm nay con làm cái Tết trọn vẹn cho gia đình giùm mẹ nhé! Mẹ trông cậy cả ở con! Xin lỗi con!”

Tôi đọc xong, lặng lẽ kẹp mảnh giấy vào cuốn nhật kí rồi cất sâu nó trở lại bên trong hốc tủ, khẽ chớp chớp mắt để ngăn cho thứ gì đó ươn ướt khỏi rớm ra trước mặt cậu em trai. Đọc thư của mẹ tôi cũng hiểu được đôi phần, có lẽ từ khi bố về, niềm vui của mẹ không nhiều nhưng những nỗi suy tư thì ngày lại càng chồng chất, có lẽ mẹ đã phải chịu đựng nhiều lắm! Nhưng vì mẹ không chịu nói ra và luôn cố giấu nỗi buồn ấy đằng sau những nụ cười xuề xòa nên chẳng ai hiểu được. Tôi khẽ gật đầu, dù sao đây cũng là mong muốn của mẹ từ rất lâu rồi. Trước kia mẹ thường tâm sự với tôi rằng sau này khi mẹ già, mẹ muốn trở về Hòa Bình, xây nhà, nuôi gà và trồng các loại hoa quả, bởi vậy mà cho dù có những lúc hoàn cảnh gia đình tôi vô cùng bi đát thì mẹ cũng nhất định không chịu bán mảnh đất nhỏ ở trên Hòa Bình đi. Hồi nhỏ đã không ít lần tôi thầm trách sao mẹ ích kỉ thế, mẹ không thương chúng tôi, để chúng tôi phải đói khổ, chỉ vì muốn giữ đất cho riêng mình. Hồi đó tôi đâu có biết miếng đất đó là tài sản duy nhất giúp mẹ thực hiện được ước mơ giản dị, nhỏ nhoi của mình. Càng nghĩ tôi lại càng thấy mình thật bất hiếu! Những lúc mẹ cô đơn một mình như thế tôi lại ở thật xa, chẳng giúp gì được mẹ.

Vậy nên tôi đã quyết định rồi, cái Tết này nhất định tôi sẽ thay mẹ làm cho thật trọn vẹn, rồi sau mùng bốn Tết tôi sẽ lên Hòa Bình thăm mẹ vài ngày cho mẹ đỡ cô đơn. Tôi nhất định sẽ làm như vậy!

…………

Bảy giờ tối hôm ấy, sau khi ăn cơm xong, tôi lại một mình đi tản bộ, đã lâu lắm rồi tôi chẳng một mình tản bộ trên đường Kim Liên Mới như thế này. Chỉ cần một mình tôi với đôi dép xỏ ngón loẹt xoẹt đánh mài mặt phố, tôi khẽ ngẩng đầu lên, hít thở chút không khí mát lạnh về đêm, rồi thơ thẩn thế nào lại tiện chân tạt vào nhà sách. À! Nhớ rồi! Trước khi đi tôi vốn định lên nhà sách để xem sách của anh Minh Hoàng đã được bày bán ở Fahasa chưa ý mà. Vậy mà suýt chút nữa thì quên béng đi mất!

Lóc cóc vượt qua hơn chục bậc cầu thang tiến về phía kệ sách mới của tháng được đặt hoành tráng ngay tại lối đi, tôi vội vàng bước tới, sau một hồi nhìn ngắm mãi mà vẫn chẳng thấy sách của anh Hoàng đâu, tôi lại bị thu hút bởi một chiếc bìa cực đẹp mang tên “Ngược chiều kim đồng hồ” của tác giả ZuzuLinh. Chỉ mới nhìn qua thôi tôi đã nhận ra nét vẽ này là của chị Tuyệt Đỉnh Sinh Vật, thật đúng là thần thái chẳng lẫn đi đâu được! Thích thú, tôi liền đưa tay ra định nhấc cuốn sách lên xem thì đột nhiên chạm phải một bàn tay khác cũng đang tiến về cùng hướng với mình.

Hai bàn tay vừa mới khẽ chạm vào nhau đã tạo nên những rung cảm lạ kỳ, tôi có cảm giác như một luồng điện vừa chạy sượt qua người mình vậy. Ngay lập tức, tôi liền rụt tay lại, rồi lúng túng ngẩng đầu lên nhìn xem kẻ kia là ai mà dám cả gan tranh giành sách với tôi, và trong đúng khoảnh khắc định mệnh ấy, tim tôi như ngừng đập…Những xúc cảm tưởng chừng đã khô héo bấy lâu nay bỗng nhiên đột ngột sống lại trong trái tim đầy những vết xước chỉ vừa mới lên da non của tôi.

Có những câu chuyện ta cứ nghĩ rằng nó đã từng kết thúc, nhưng thực ra, kết thúc ấy chỉ là khởi nguồn cho “một sự bắt đầu”.

…..

Ánh mắt tôi rung lên, nhìn chằm chặp vào hai con ngươi cũng như đang xoáy sâu vào bản thân người đối diện, cổ họng khẽ nuốt khan lên một tiếng, rồi cuối cùng, lấy hết sức bình sinh, làn môi tôi khẽ hấp háy cất lên một tiếng thật yếu ớt.

- Anh…

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.net

truyện trọng sinh
truyện ngôn tình

Dtruyen.com đổi tên miền thành Dtruyen.net. Độc giả ghi nhớ để truy cập.

ngôn tình sắc

Nhận xét của độc giả về truyện Để Em Cưa Anh Nhé!

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook