Đề Hồ Truyện

Chương 4: Bốn

Đề Hồ Hầu

21/01/2021

Thiếu niên tên Phạm Thân này là phó Võ úy trẻ tuổi nhất quân Lê. Cậu năm nay chỉ mới mười sáu. Gương mặt điển trai tuy vẫn còn nét non nớt, nhưng cơ thể qua tập luyện đã lộ cơ bắp rắn rỏi. Ngoài ra, Thân còn nổi tiếng trong quân với sức mạnh kinh người, một mình cậu có thể nhất cả khẩu pháo hai trăm cân.

Phạm Thân là con thứ ba trong một gia đình thương nhân vùng Hoài Phô. Quê Thân nằm bên dòng sông Thu Bồn, thuộc vùng vịnh Cửa Đại, huyện Hà Đông, phủ Thăng Hoa, trấn Quảng Nam (1).

Thân là một tướng sĩ được huấn luyện ra từ xạ trường phủ Thăng Hoa. Kỳ thi tốt nghiệp đầu xuân năm 1552, Thân thi tốt nghiệp đạt hạng nhất, phá luôn kỷ lục môn bắn cung của xạ trường, tài năng đúng là rất nổi trội.

Viên quản lĩnh thấy Thân đứng ra xin đi đánh thì trong lòng rất do dự. Phó võ úy nhỏ tuổi này tuy mới vào quân được vài tháng, nhưng từ trước đã có chút tiếng tăm. Trong quân ai cũng từng nghe ít nhiều về thành tích bắn cung “trăm trượng xuyên bốn tấc” của Phạm Thân.

Chỉ là viên quản lĩnh lo sợ Thân còn trẻ, từ lúc vào quân đến này vẫn chưa đánh qua trận nào, chẳng có mấy kinh nghiệm chiến trường. Tuy Thân cũng là một dạng thiên tài và có kinh nghiệm vài năm khổ luyện, nhưng trên chiến trường mọi chuyện vô cùng hung hiểm, không từ thủ đoạn. Chẳng may sơ sẩy là quân Lê lại mất đi một nhân tài có thể bồi dưỡng cho mai sau.

Thấy quản lĩnh do dự, Thân nói giọng kiên quyết:

“Thưa tướng quân, bộ hạ từ ngày theo binh nghiệp đến nay, luôn mong một ngày có thể giết giặc lập công, báo đền nợ nước. Nay Yên Khang hầu giết liền hai võ úy quân ta, đã vô cùng hống hách, khinh địch. Thuộc hạ thấy sự ngạo mạng này cũng là điểm chí mạng của nó!... Chuyện này giờ cấp bách, thằng hầu này mà không hạ ngay đi thì sĩ khí quân ta mất hết, ải này cũng khó giữ! … xin tướng quân cho thuộc hạ ra tiếp chiến!”

Quản lĩnh suy tính rồi cuối cùng cũng bằng lòng:

“Ngươi cũng là một thiên tài trẻ tuổi, mà đã là trẻ tuổi thì cần phải tôi luyện. Đây sẽ là trận đầu của ngươi!... Nhớ kỹ là phải vô cùng cẩn thận, nếu địch không lại thì liền rút lui về ải!... Được rồi, chuẩn bị đi, người cần gì nữa không?”

Mỗi tướng sĩ trong đời đâu có mấy lần cơ hội được đấu một trận tay đôi quan trọng như này. Hạ được một vị hầu gia, quân địch liền tan, ải liền vững vàng. Mà lập được công này cũng đồng nghĩa với quan trường rộng mở, thăng quan tiến chức. Khi bước ra khỏi hàng, trong lòng Thân đã suy nghĩ kỹ đối sách, hạ quyết tâm nắm lấy cơ hội này.

Thân đáp:

“Thuộc hạ chỉ xin một con ngựa nhanh, càng nhanh càng tốt!”

Ngựa chiến ở miền Nam không nhiều nên ngoài kỵ binh thì chỉ có cấp võ úy trở lên mới được cấp ngựa chiến. Những cấp thấp hơn nếu muốn có ngựa cưỡi thì thường phải tự túc. Nhưng hầu hết ngựa chiến hay cả ngựa đua đều đã về tay triều đình, thành ra ngựa tự sắm thường là ngựa thồ, ngựa kéo.

Khi ra đi từ quê nhà, người nhà có sắm cho Thân ít trang bị. Anh hai của Thân đã bỏ vàng ra tìm cách mua ngựa chiến cho Thân. Nhưng tìm mãi không mua được ngựa chiến, cuối cùng đành dùng một con ngựa kéo đi cùng Thân.

Đợt lũ lụt vừa rồi con ngựa không may đã bệnh chết, nhưng nếu nó không bệnh chết thì lần này Thân vẫn phải xin mượn một con ngựa chạy nhanh. Bởi ngựa kéo thường không nhanh mà tốc độ của ngựa chính là mấu chốt sống còn của trận này.



Khổ nổi họa vô đơn chí, con ngựa nhanh nhất ải lại chính là con ngựa của Châu Văn Kha vừa mới tử trận. Hiện nó cùng xác Kha đã bị quân Mạc bắt. Viên quản lĩnh quyết định cho Thân mượn tuấn mã của ông, nhưng Thân từ chối. Ngựa của quản lĩnh là ngựa chiến thuần chủng, rất hung bạo uyển chuyển, nhưng chạy thì vẫn chưa đủ nhanh.

Lúc này người chưởng đội kỵ binh liền nhớ ra, trong chuồng vẫn còn một con ngựa chạy rất nhanh. Nó là một con ngựa trắng, bốn chân đen. Trên đầu nó có một vệt đen hình thoi. Con ngựa này chạy thì nhanh, nhưng nếu tiến vào đánh giáp lá cà thì chỉ trong khoảng năm chiêu nó sẽ hoảng sợ, chạy loạn. Vì lý do này nên nó không được đội kỵ binh tin dùng.

Nghe xong, Thân chọn ngay con ngựa này. Sau khi xem đường đao của Yên Khang hầu, Thân cũng không tự tin cận chiến với hắn. Trận này theo đối sách của Thân thì chỉ cần chạy nhanh.

Xong xuôi, quản lĩnh lệnh ban rượu. Thân nhận lấy cái chén gốm đựng thứ rượu trắng hảo hạng, thơm lựng mùi lúa nếp non. Cậu một hơi uống sạch, rồi dắt ngựa ra cửa ải. Thân dừng lại chỉnh đốn áo giáp, vũ khí.

Ngày nhậm chức, triều đình ban cho Thân một chiếc mũ trụ và bộ áo giáp cộc tay. Bên ngoài giáp may vảy sắt, bên trong độn vải. Nếu đem ra so sánh thì quân Lê trang bị kém hơn quân Mạc. Tuy áo giáp kém chất lượng, nhưng giáp vai của Thân lại là loại giáp tấm vô cùng tốt, nhìn vào chẳng ăn nhập gì với áo.

Thật ra bộ giáp vai này là vật trên một bộ giáp cấm quân. Năm Hồng Thuận cuối cùng (2), trong cung binh biến, đại thần giết vua, chém giết kinh hoàng. Có một cấm quân trốn thoát, mang gia quyến chạy đến tận cùng đất Quảng. Sau người cấm quân này chết đi, các con ông vẫn luôn thờ bộ giáp như một món gia bảo. Cha và anh hai của Thân đã tìm cách mua lại cả bộ giáp, nhưng người nhà kia nhất quyết bao tiền cũng không bán cả bộ. Cuối cùng cha Thân chỉ có thể mua bộ giáp vai tặng cậu trước khi ra chiến trường. Nhìn hai mảnh giáp vai, Thân bồi hồi nhớ tới gia đình.

Sau đó, Thân kiểm tra hai cây cung mình mang theo. Một cây cung gỗ thường dùng trong quân, lực kéo nặng một trăm cân. Còn lại là một cây cung bọc trong vải đen, hãy còn chưa lên dây.

Cây cung này, từ ngày vào quân, Thân chưa bao giờ lấy ra dùng. Nghĩ lại thì nó chính là khởi đầu cho cuộc đời võ nghiệp của Thân. Có người nói nó là cung thần, cũng có kẻ nói nó là cung ma.

Cây cung bí ẩn này trước đây là một vật thuộc xạ trường phủ Thăng Hoa, nhưng nó với Phạm Thân đã xảy ra chuyện gì thì ta phải quay lại thời gian vài năm về trước.

Vào năm Ất Tỵ 1545, Trấn quốc công Bùi Tá Hán phụng mệnh vua Lê Trang Tông (3), dẫn quân đi đường biển xuống phía Nam, lấy lại đất Quảng.

Đất Quảng lúc bấy giờ chính là cực Nam của Đại Việt. Nó là giải đất hẹp, nằm ven biển, kéo dài từ Nam Thuận Hóa đến sát dãy Cù Mông ở Hoài Nhơn (4). Bao năm chiến tranh Nam Bắc thì giải đất này là ít bị ảnh hưởng nhất. Kinh tế tuy trì trệ, lâu lâu cũng có xung đột nhỏ lẻ, nhưng nhìn chung cuộc sống người dân vẫn yên ổn hơn nhiều so với phía Bắc.

Việc giành lại đất này chính là nước đi chiến lược sẽ giúp căn cứ của nhà Lê ở Thanh Hoa thoát khỏi thế “lưỡng đầu thọ địch”.

Những năm trước, đã không ít lần quân Mạc tấn công vào Thanh Hoa từ phía Nghệ An đánh lên và Sơn Nam đánh xuống, đã nhiều phen khiến quân Lê lâm vào cảnh lao đao. Nay cử Trấn quốc công đi đoạt đất Quảng Nam thì quân Mạc ở xứ Nghệ sẽ bị bao vây hai đầu, khó lòng trụ được, rất nhanh sẽ phải bỏ trấn Nghệ An mà rút lui.

Trong hai tháng trên đất Quảng, Trần quốc công với phương sách “công tâm vi thượng, công thành vi hạ” (thu phục lòng người), đã thật sự thành công thu phục được vùng đất này. Ông nhanh chóng xuất binh bình định phiến quân còn sót lại, tập trung nhân lực xây dựng chính quyền, cắt cử quan lại vỗ về dân chúng. Sau bảy năm, đất Quảng đã phát triển ổn định dưới sự cai trị của Trấn quốc công.

Tình hình chiến tranh Nam Bắc triều ngày càng ác liệt, vấn đề nhân lực luôn là một nổi cấp bách đối với quân đội nhà Lê. Vì lẽ đó nên từ năm đầu tiên về đất Quảng, Trấn quốc công đã cho mở xạ trường tại hai trong ba phủ của đất Quảng, là phủ Thăng Hoa và Tư Nghĩa. Nhưng chỉ có xạ trường phủ Tư Nghĩa là mới, còn phủ Thăng Hoa là mở lại xạ trường đã đóng của cách đó vài năm.



Năm ngày đầu tiên của mỗi tháng, xạ trường sẽ tổ chức chiêu mộ binh sĩ cho các doanh. Thường thì binh sĩ sau khi chiêu mộ sẽ bị đều ra mặt trận ngay. Nhưng cũng có những lúc chiến sự không gay go, cần kíp xạ thủ hoặc kỵ binh, các binh sĩ sẽ được huấn luyện từ một tới bốn tháng tại xạ trường. Đối với các binh sĩ được bố trí ở lại đất Quảng phòng thủ, Trấn quốc công sẽ cấp cho ruộng đất trồng trọt, khi có việc binh sẽ kêu ra.

Ngoài ra xạ trường còn là sân tập luyện võ nghệ của các tướng lĩnh, con cháu quý tộc, nho sinh của trường phủ (5) tại địa phương.

Tuy nhiên, mục đích chủ yếu của xạ trường là đào tạo tướng chỉ huy cho quân đội. Mỗi năm vào đầu xuân, xạ trường sẽ tổ chức thi xét tuyển võ sinh. Thí sinh thi xét tuyển phải từ mười bốn tuổi trở lên, biết chữ và phải tập qua võ thuật, binh khí từ trước. Việc này chính là ưu đãi cho con em quý tộc và hạn chế con em nhà nghèo, thường dân, những người phải làm lụng thường xuyên, không có thời gian tập luyện và điều kiện kinh tế để đi học.

Thời gian huấn luyện thường là hai năm, nhưng mỗi đầu xuân đều có kỳ thi tốt nghiệp. Chỉ cần thí sinh đủ mười sáu tuổi, tự tin với bản lĩnh võ nghệ của mình thì liền có thể đăng ký thi tốt nghiệp, không cần đợi đến hết hai năm. Nếu thi đỗ hạng nhất sẽ được bổ chức Võ úy, bốn hạng sau sẽ được ban chức phó Võ úy. Năm hạng tiếp theo sẽ làm các chức trưởng đội. Sau khi nhậm chức các võ sinh sẽ được bổ vào các doanh, rồi ra chiến trường.

Xạ trường phủ Thăng Hoa nằm ngay bên trong vịnh Cửa Đại. Quanh vịnh này dân cư trù phú, đã không ít lần bị cướp biển đi vào cướp phá. Mười năm trước, quân Mạc cho xây hai pháo đài nhỏ ngay hai bên cửa biển, lại cho đặt pháo lớn, quân lính ngày đêm canh gác. Kể từ đó, cướp biển không còn dám vào vịnh. Trấn Quốc Công về, cũng liền thiết lập phòng thủ ở hai pháo đài, bảo vệ dân cư vinh Cửa Đại. Gia đình họ Phạm chính là sống trong vùng vịnh này.

Cha Phạm Thân là một thương nhân giàu có ở Hoài Phô. Ông có hai người vợ, ba con trai và một con gái. Từ khi các con còn nhỏ, ông đã không tiếc tiền của, thuê gia sư về giảng dạy lục nghệ như con cái nhà quý tộc. Khi các con lên tám, ông liền dùng quan hệ, tiền bạc gửi ba người con trai vào học kinh sử ở trường phủ. (Lục nghệ - Lễ giáo, Âm nhạc, Bắn cung, Cưỡi ngựa, Thư pháp, Toán học)

Nhưng Phạm Thân học vừa được hai năm thì đã xin cha cho chuyển qua xạ trường, theo đường võ nghiệp. Tuy nhiên để vào được xạ trường, Phạm Thân đã trải qua một đoạn vừa gian truân vừa ma quái.

Chú Thích:

1. Ngày nay là phố cổ Hội An, tỉnh Quảng Nam.

2. Năm Hồng Thuận - là niên hiệu của vua Lê Tương Dực (1495- 1516). Ông tên thật là Lê Oanh, là vị hoàng đế thứ chín của Hoàng triều Lê sơ nước Đại Việt. Ông cai trị từ năm 1509 đến năm 1516.

3. Lê Trang Tông - (1515- 1548) tên thật là Lê Ninh , là vị hoàng đế thứ 12 của nhà Hậu Lê và là vị hoàng đế đầu tiên của nhà Lê Trung hưng trong lịch sử Việt Nam. Ông còn được dân gian ưu ái đặt cho mỹ danh nghèo nàn là Chúa Chổm, trị vì từ năm 1533 đến năm 1549.

Bùi Tá Hán - (1496-1568), là một danh tướng có công khôi phục nhà Hậu Lê (thời Lê Trung Hưng, 1533-1789) trong lịch sử Việt Nam. Năm 1545, dưới triều vua Lê Trang Tông, ông được phong làm Bắc quân đô đốc Phủ chưởng phủ sự, trấn nhậm ở Thừa tuyên Quảng Nam [2], rồi được ban tước Trấn quốc công (1546). Bùi Tá Hán là người có công lấy lại đất Quảng Nam từ tay nhà Mạc. Sau đó, ông đã thực hiện một số chính sách an dân, khuyến khích sản xuất, ổn định đời sống của nhân dân ở vùng đất này.

4. Từ Huế đến Bình Định ngày nay. Trấn Quảng Nam có ba phủ, Thăng Hoa, Tư Nghĩa, Hoài Nhơn, ngày nay là ba tỉnh, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định.

5. Trường phủ là trường do triều đình lập ra để đào tạo học sinh giỏi ở các phủ, một dạng trường điểm. Học trò ở trường phủ thường là con cháu quý tộc tại địa phương hoặc nhà giàu. Các học trò này thường được dạy bởi những danh sĩ nổi tiếng, nhiều người còn có quan chức.

Học sinh không có xuất thân quý tộc nhưng có thành tích xuất sắc tại trường phủ có thể thi vào Văn Miếu - Quốc Tử Giám ở Thăng Long. Quốc Tử Giám chính là trường đại học và thầy giáo tại đây tất cả đều làm quan. Học sinh học tại Quốc Tử Giám đỗ đạt làm quan rất đông. Ngoài trường phủ, nhiều sĩ phu cũng tự mở lớp, trường tư nhân thu nhận học trò tại các địa phương, dân giân gọi là thầy đồ.

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.net

truyện Đam Mỹ
cô vợ thay thế

Dtruyen.com đổi tên miền thành Dtruyen.net. Độc giả ghi nhớ để truy cập.

truyện full

Nhận xét của độc giả về truyện Đề Hồ Truyện

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook