Dệt Kén

Chương 23: Bảo tôi sao nỡ lòng

Dư Trình

26/01/2024

Đến tận tiết tự học tối tâm trạng Lê Đường vẫn cực kỳ tốt, hệt như uống thuốc tiên gì mà chân không đau tay cũng tràn trề sức lực, lên văn phòng in tài liệu ngữ pháp tiếng Anh xong còn cầm một xấp giấy báo phụ huynh cô chủ nhiệm đưa cho mang về lớp.

Lý Tử Sơ phụ trách phát giấy báo, đọc qua một lượt thì biến sắc.

Lê Đường phát hết tài liệu bèn sáp lại xem, ngoại trừ nhắc nhở các phụ huynh chú ý việc học tập của con em trong giai đoạn lớp 11 quan trọng, giấy báo còn thông báo chiều thứ bảy tuần này tổ chức họp phụ huynh.

Lê Đường hay tin cũng thầm giật mình. Lê Viễn Sơn quanh năm ở thủ đô, chắc hẳn không có thời gian đến dự cuộc họp "không quan trọng" ấy, hơn nữa điểm thi tháng trước của Lê Đường tuy có tiến bộ nhưng vẫn kém xa mức xuất sắc, với cái tính nghiêm khắc của Lê Viễn Sơn thì thể nào cũng phê bình không kiêng nể, đồng thời bảo Lê Đường khỏi cần cố gắng nữa, nhanh nhanh chuẩn bị ra nước ngoài.

Còn Trương Chiêu Nguyệt... Dạo này sức khỏe của mẹ chuyển biến tốt hơn và cũng có tinh thần hơn, thường xuyên xuống tầng ăn cơm với Lê Đường, nhưng vẫn hiếm khi đi đâu, không biết mẹ có chịu tới trường không.

Hiển nhiên không có học sinh nào thích họp phụ huynh, sau khi phát giấy báo, suốt tiết tự học tối không khí trong lớp đều nặng nề, ra chơi cũng không ai nói chuyện cười đùa như thể sợ giáo viên nhìn thấy lại mách bố mẹ.

Tan học, Lê Đường bước chậm rì rì về phía cổng Tây, lúc gặp Tưởng Lâu vẫn hơi ủ rũ.

Tưởng Lâu tưởng cậu vẫn đau chân nên hỏi có cần bế cậu ra điểm buýt không, Lê Đường hết hồn lùi lại tránh: "Không không không, ở đây toàn người là người thôi."

Trên đường Lê Đường nghĩ lại vẫn sợ, lẩm bẩm: "Tôi nặng phết mà, cậu không mỏi tay hả?"

Tưởng Lâu liếc cậu: "Cậu quên tôi kiếm sống bằng gì rồi à?"

Lê Đường vỡ lẽ, ngoài việc cần thân thủ nhanh nhẹn thì đấm bốc cũng cần sức mạnh rất lớn.

Khi đã ngồi vào ghế cuối trong góc xe buýt, Lê Đường cầm tay Tưởng Lâu ngắm nghía kĩ, nhận ra đốt ngón tay của hắn có vài vết chai mờ.

Lê Đường không kìm được xót xa, đôi tay đẹp thế này nên cầm bút gắp đũa chứ không phải bị tàn phá vì kế sinh nhai.

Nếu bố mẹ hắn vẫn còn, có lẽ sẽ rất vui lòng tham gia họp phụ huynh nhỉ? Lê Đường nghĩ, có một đứa con xếp hạng 5 toàn trường phải vui cỡ nào chứ.

Tưởng Lâu chẳng mảy may hay biết Lê Đường đang nghĩ gì.

Hắn nhìn Lê Đường cúi đầu lộ ra cái gáy trắng trẻo thon gầy, vô cùng tin tưởng phơi bày bộ phận yếu ớt nhất của mình cho hắn.

Cậu thình lình ngẩng đầu, đôi mắt sáng long lanh nhìn hắn như tràn ngập mong đợi.

Cuối cùng Lê Đường cũng nhớ ra cuộc gọi trước khi đi ngủ vào mấy hôm trước: "Rốt cuộc tôi giống gì, cậu còn chưa nói cho tôi đâu."

Tưởng Lâu im ỉm cười, Lê Đường gãi lòng bàn tay hắn nhồn nhột mà hắn cũng không "khuất phục".

Hết cách, Lê Đường ngẫm nghĩ rồi lén mở điện thoại gửi bừa một tin nhắn cho Tưởng Lâu, chờ hắn lấy điện thoại ra vào Wechat thì sán lại xem ngay.

Tưởng Lâu cài biệt danh Wechat cho Lê Đường là "Cáo nhỏ".

Mới đầu Lê Đường không hiểu: "Tôi giống cáo chỗ nào?"

Tưởng Lâu nhìn cậu lom lom, bấy giờ cậu mới nhận ra rồi sờ đuôi mắt mình.

Thật ra Lê Đường không thích mắt mình lắm vì dáng mắt hếch lên luôn có vẻ tinh ranh và nịnh nọt. Hồi học mẫu giáo diễn kịch nói, da cậu trắng nên được chọn làm công chúa Bạch Tuyết, có một bạn nam lại giơ tay nói với cô là cậu hợp đóng vai mụ hoàng hậu hơn, bởi lẽ những người phụ nữ xấu xa trong truyện đều có mắt xếch.

Tuy rằng mắt Lê Đường chỉ hơi hếch lên một chút, không đến mức mắt xếch hung dữ "đúng chuẩn kẻ xấu" như truyền thống, cộng thêm tính cách của cậu khá mềm mỏng, người khác gọi tên cứ ngu nga ngu ngơ, nói chuyện cũng chậm, thành thử không thể nào tinh ranh được.

Nhưng Lê Đường không biết mỗi khi cậu khóc hoặc vừa hôn xong, đôi mắt khẽ nhếch lên ở phần đuôi luôn ửng hồng ngập nước, nhìn cực kỳ đáng thương.

Khiến người ta cầm lòng chẳng đặng muốn bắt nạt.

Chẳng hạn như lúc này, Lê Đường hiểu ra nguồn gốc của biệt danh thì lập tức đỏ bừng tai.

Cậu không hỏi nữa, quay mặt đi giả vờ không để ý nhìn ra ngoài cửa sổ xe, song lại nhạy bén cảm nhận được người bên cạnh ghé lại gần.

Bờ môi ấm chạm vào vành tai nong nóng của cậu, cơ thể còn phản ứng dữ dội hơn cả tĩnh điện.

Tưởng Lâu nghe kém, bởi vậy khi hai đứa ở chung Lê Đường luôn ở bên phải hắn và kề rất gần. Giống như hiện tại Tưởng Lâu áp sát má cậu, hơi thở nóng rực phả vào tai.

Hắn thì thầm gọi: "Cáo nhỏ ơi."

*

Ngày họp phụ huynh trời trong xanh.

Buổi chiều học hai tiết rồi được nghỉ, học sinh có thể hoạt động tự do hoặc về nhà.

Lê Đường ra cổng đợi chứ không về ngay. Trương Chiêu Nguyệt hứa sẽ đi nhưng cậu không yên tâm, cứ nghĩ đến chuyện ngày xưa đứng chờ dưới nhà cô dạy đàn mà mãi Trương Chiêu Nguyệt chẳng đến.

Tưởng Lâu không có phụ huynh nên đã về từ sớm. Lý Tử Sơ cũng thu dọn cặp sách chuẩn bị chuồn trước, song không may lại gặp mẹ mình và bố dượng ở cổng trường.

Hoắc Hi Thần cũng không trốn được, bị bố hắn túm cặp không cho đi. Lê Đường đi ngang qua thì thấy bố hắn nghiêm mặt quát: "Bảo mày học tập Tử Sơ mà mày chỉ biết chơi, cả ngày không thấy mặt mũi đâu, về nhà xem tao có đánh chết mày không."

Mẹ Lý Tử Sơ đang khuyên: "Hi Thần là đứa trẻ ngoan, lần trước sinh nhật anh nó có về đấy thôi? Anh cứ thế sau này nó chẳng dám về nhà nữa."

Hoắc Hi Thần cao gần mét chín cúi đầu y hệt một thằng bé mắc lỗi. Lý Tử Sơ được lấy làm gương coi bộ cũng không vui vẻ gì cho cam, đứng đực ra đấy nhìn vu vơ như đang lơ đãng.

Gia đình bốn người chắp vá vốn đã không tự nhiên, lại thêm quan hệ lén lút mập mờ của hai đứa trẻ, Lê Đường chỉ nghĩ cũng cảm thấy phức tạp khôn cùng.

Thôi thì đây cũng không phải việc mình nên nhọc lòng, Lê Đường quyết định thực hiện theo đề nghị của Tưởng Lâu là lo tốt thân mình, bớt bận tâm người khác, vì thế quay đi tiếp tục nhìn xe cộ qua lại.

Lần này Lê Đường không phải chờ quá lâu, trước giờ họp phụ huynh mười phút đã trông thấy xe nhà mình chầm chậm đỗ ở cổng trường. Trương Chiêu Nguyệt mặc áo dạ dáng dài màu nâu nhạt xuống xe từ ghế sau.

Lê Đường tự dẫn mẹ đến lớp mình và chỗ mình.



Trên bàn đã để sẵn bài thi tháng trước theo yêu cầu của giáo viên, Lê Đường cố ý xếp bài tiếng Anh lên trên cùng, cho Trương Chiêu Nguyệt xem với vẻ tự hào: "Lần này tiếng Anh con được hạng nhất khối."

Trương Chiêu Nguyệt xem lướt bài thi, mỉm cười nói: "Giỏi lắm."

Lật tiếp xuống dưới thì Lê Đường hơi ngại: "... Toán ở đây khó hơn thủ đô, con đang bổ túc rồi ạ."

Trương Chiêu Nguyệt gật đầu: "Không vội, từ từ là được."

Các phụ huynh lục tục vào chỗ, chẳng mấy đã ngồi kín lớp.

Lê Đường đang tính đi, vừa xoay người bỗng trông thấy Trương Chiêu Nguyệt quay lại liếc phía cuối lớp.

Cậu cũng nhìn theo, chỗ trống ấy là của Tưởng Lâu, mặt bàn còn chẳng để bài thi nào.

Tự dưng Lê Đường thấy căng thẳng, cố gắng giữ bình tĩnh đi thẳng ra khỏi lớp, Trương Chiêu Nguyệt đã quay lên xem tiếp bài thi của cậu.

Đến khi bình tĩnh lại, Lê Đường cảm thấy mình chuyện bé xé ra to. Chuyện cậu và Tưởng Lâu yêu nhau đến Lý Tử Sơ còn không biết thì sao có thể đến tai người nhà?

Bởi vậy khi buổi họp kết thúc, thấy Trương Chiêu Nguyệt đứng trong đoàn phụ huynh xúm lại trước bảng danh dự dán ở cổng trường, Lê Đường cũng không để ý.

Cậu cũng qua đó xem. Bảng danh dự của trường Trung học Số 1 Tự Thành chia làm hai phần, một là toàn bộ xếp hạng từ 30 trở đi, những cái tên chi chít viết trên cùng một tờ giấy, mà 30 hạng đầu thì chiếm diện tích lớn trên bảng thông báo, mỗi học sinh top đầu ngoài tên và lớp còn dán một bức ảnh lên trên để các học sinh khác "chiêm ngưỡng".

Trước mặt Trương Chiêu Nguyệt vừa khéo là Tưởng Lâu xếp hạng 5 toàn khối và tấm ảnh thẻ nghiêm túc nhưng khó che đi phong thái của hắn.

Ngay cả Lê Đường cũng nhìn say sưa. Nói theo ngôn ngữ thịnh hành hiện nay thì Tưởng Lâu thuộc kiểu mặt góc cạnh sắc nét mũi cao mắt sâu, lên hình chỉ phóng đại ưu điểm, đẹp trai ngút trời.

Nhưng Lê Đường vẫn cho rằng Tưởng Lâu ở ngoài đẹp hơn trong ảnh, nhất là khi hắn cười.

Lê Đường ngắm một chốc rồi bảo mẹ: "Mình về nhà thôi."

Đúng lúc Trương Chiêu Nguyệt quay đầu, cái chạm mắt thoáng qua đủ để Lê Đường nhìn thấy nước mắt trong mắt mẹ.

Về nhà, ăn cơm xong Lê Đường lên phòng gọi điện cho Tưởng Lâu, chủ yếu là báo cáo nội dung buổi họp phụ huynh: "Cô cũng không nói gì, chỉ dặn phụ huynh quan tâm việc học hành của con em nhiều hơn, trạng thái tâm lý của thí sinh là ưu tiên hàng đầu, còn điểm danh mấy đứa thi tháng thụt lùi, bảo là tụt nữa thì phải sang lớp thường... Việc này không liên quan đến cậu, cậu được hạng 5 khối mà."

Tưởng Lâu chỉ "ừ", có vẻ không hứng thú với những lời lẽ cũ rích ấy.

Lê Đường bèn đổi đề tài: "Hôm nay tôi mới biết trường dán ảnh cho học sinh top 30 trên bảng danh dự đấy."

"Vậy sao."

"Cậu không tự xem hả?"

"Không."

"Ảnh thẻ của cậu đẹp kinh dị." Lê Đường ghen tị: "Nhiều người ngắm cậu lắm, mẹ tôi cũng nhìn cậu chằm chằm."

Đầu bên kia im lặng giây lát, sau đó Tưởng Lâu vẫn trả lời bằng một câu không nghe ra cảm xúc: "Vậy sao."

Hôm nay trên đường về nhà Lê Đường đã hỏi mẹ vì sao lại khóc. Trương Chiêu Nguyệt nói tại lâu quá không ra ngoài, mặt trời làm chói mắt.

Ở nhà một mình suốt tâm trạng cũng dễ u uất, Lê Đường "xin nghỉ" với Tưởng Lâu: "Mai tôi không đến chỗ cậu nhé, mẹ tôi phải kiểm tra sức khỏe, tôi đi cùng mẹ."

"Ừ."

"Một mình cậu ngoan ngoãn ở nhà nghỉ ngơi, đừng đến phòng tập quyền anh nữa, tối thứ sáu vừa tới đó rồi."

"Ừ."

Lê Đường để điện thoại sang tai bên kia, cắn môi hỏi nhỏ: "Ngày kia mới được gặp tôi... Cậu có nhớ tôi không?"

Giai đoạn nồng cháy bao giờ cũng một ngày không gặp như cách ba thu, Lê Đường không ngoại lệ.

Cậu biết Tưởng Lâu không phải người trong đầu chỉ nghĩ đến yêu, nhưng vẫn muốn hỏi.

May sao hắn trả lời rất nhanh.

"Nhớ chứ." Tưởng Lâu cao giọng: "Đương nhiên nhớ cậu rồi."

*

Hôm sau nhiệt độ 3°C, trời có mưa nhỏ.

Nhưng không khí hơi ngột ngạt, Lê Đường ngồi trong khu chờ của bệnh viện tư nhân, chốc chốc lại liếc nhiệt độ thời gian thực treo trên tường, cứ cảm thấy hôm nay mình mặc nhiều.

Trương Chiêu Nguyệt đến khám định kì, lần nào cũng tốn ít nhất nửa ngày.

Lần này phức tạp hơn vì trước đó đều khám ở bệnh viện tại thủ đô, bác sĩ mới không nắm rõ tình trạng bệnh của cô, chỉ lo đưa ra phán đoán sai nên bổ sung thêm mấy hạng mục, bao gồm cả sàng lọc ung thư.

Bởi vậy mất nhiều thời gian hơn, buổi sáng chưa kiểm tra xong, Lê Đường và Trương Chiêu Nguyệt ăn trưa ở gần đó rồi về bệnh viện.

Một số hạng mục không trả kết quả kiểm tra trong ngày, theo báo cáo hiện có thì bác sĩ cho rằng sức khỏe của Trương Chiêu Nguyệt bình phục rất tốt, nhưng vẫn cần uống thuốc một thời gian và đảm bảo nghỉ ngơi đầy đủ.

Trên đường về nhà, trong xe bật hệ thống sưởi, nóng đến mức Lê Đường phải cởi áo khoác.

Cậu nhìn qua cửa kính xe, mây đen bị phân tách thành vô số chiếc vảy đen sì, mưa bụi mờ nhòe không nhìn rõ thứ gì.

Thỉnh thoảng có đàn chim bay qua, tiếng kêu thê lương méo mó.



Xe lái vào khu biệt thự nhà Lê Đường, tài xế bỗng phanh gấp làm Trương Chiêu Nguyệt đang ngả lưng nghỉ ngơi ở ghế sau cũng tỉnh giấc.

Lê Đường hỏi: "Sao thế ạ?"

Tài xế nói: "Xin lỗi, tôi vừa nhìn thấy mặt đường có gì đó nên giẫm phanh theo bản năng."

Lê Đường hạ cửa kính ló đầu ra nhìn, không ngờ trên đường lại có mấy con rắn bò ngổn ngang khắp nơi, hệt như đang chạy trốn.

Tất thảy đều bất thường đến mức khiến người ta thấp thỏm.

Vì vậy khi xe đỗ trước cổng nhà, xuống xe xong Lê Đường kéo tay Trương Chương Nguyệt bảo đừng vào vội.

Trực giác của cậu không hề sai, quả nhiên chờ ở chỗ đất trống chưa đầy năm phút thì xung quanh thình lình rung chuyển, cây cối nghiêng ngả đi cùng tiếng gió rít gào, tòa nhà phía trước cũng bắt đầu rung lắc.

Động đất.

Lê Đường sinh ra ở miền Bắc, lần đầu trải nghiệm động đất có rung chấn mạnh đến vậy nên sợ tới mức mặt trắng bệch, chỉ biết đỡ mẹ chạy về hướng trống trải.

May thay mật độ dân cư ở đây không dày, cũng không có cao ốc, hàng xóm phát hiện tình hình đều tốp năm tốp ba chạy ra khỏi nhà và tụ tập trên khoảnh đất trống trong khu. Bên quản lý nhà đất cũng phản ứng kịp thời, lập tức bố trí bảo vệ giữ hiện trường, đảm bảo an toàn cho các cư dân.

Tự Thành nằm trên vành đai động đất, gặp nhiều động đất có rung chấn hơn các tỉnh thành khác, vì thế mọi người đều tập mãi thành quen, sau hơn mười giây hỗn loạn thì hầu như không có ai hoang mang ồn ào ngoại trừ tiếng khóc của mấy đứa trẻ con.

Trương Chiêu Nguyệt cũng vỗ tay Lê Đường an ủi cậu: "Không sao, chốc nữa là hết."

Nhưng đến khi bình tĩnh hơn, Lê Đường lại bồn chồn không ngớt.

Cậu rút tay về lần tìm điện thoại trong túi áo, xác nhận vẫn còn tín hiệu thì gọi ngay cho Tưởng Lâu.

*

Phía Tây thành phố, khu dân cư dưới chân núi.

Trận động đất nửa tiếng trước khiến tất cả người dân đang ở trong nhà phải di tản ra ngoài trời. Nơi đây gần núi nên nguy hiểm hơn vùng đất bằng, thời điểm đặc biệt mọi người đều tập trung trên đường cái, đã có cảnh sát tới duy trì trật tự và giăng dây cảnh báo cho các phương tiện qua lại.

Dù vậy thì vẫn tắc đường, xe to xe nhỏ nối đuôi nhau xếp thành hàng dài hơn một cây số.

Khi cảm nhận được rung chấn Tưởng Lâu đã chạy ngay ra ngoài, cùng các gia đình xung quanh chờ ở lề đường cái, cảm thấy an toàn bèn quay về trước.

Tuy chỗ này toàn nhà thấp nhưng đều là nhà gạch có niên đại hơn hai chục năm, dãi nắng dầm sương đã tàn tạ đi nhiều, trừ vài căn được gia cố lại mấy năm gần đây hoặc đập đi xây mới thì gần như tất cả nhà cửa đều tổn thất trong trận động đất.

Mặt tường phía Bắc nhà Tưởng Lâu nứt một vết rộng chừng hai ngón tay. Nền nhà cũng hơi lún, một số vật dụng lệch vị trí, bát rơi vỡ, chồng sách trên bàn cũng đổ.

Tưởng Lâu không lạ gì động đất vì lớn lên ở Tự Thành từ nhỏ. Người ta thường nói chức năng giác quan mất đi sẽ bù vào chỗ khác, tai trái của hắn bị điếc thì bù lại cảm giác thăng bằng cực kỳ nhạy, gặp động đất tương đối mạnh hắn đều cảm nhận được sớm hơn người khác, trước khi tông cửa xông ra còn kịp lấy ví tiền đựng căn cước công dân ở trên bàn và tiện thể mở ngăn kéo cầm theo đèn pin.

Quả nhiên bây giờ bị mất điện, trời tối đen còn đổ mưa. Tưởng Lâu kiểm tra nhà mình xong thì chú hàng xóm gọi sang soi đèn hộ, hắn bèn qua đó bật đèn pin giúp chú ấy dựng lều tranh lên, cứu được con gà bị đè bên dưới.

Sau đó hắn lại soi đèn giúp ông chủ tiệm tạp hoá tìm điện thoại để trong quầy hàng. Con trai ông chủ đang học đại học trên tỉnh, cách Tự Thành không xa, hiện giờ vẫn chưa biết tâm chấn ở đâu, ông chủ lo cho sự an nguy của con trai nên nhất định phải liên lạc ngay.

Xong xuôi Tưởng Lâu đi về, đèn pin lâu không dùng sáng rất yếu, còn chẳng sáng bằng đèn con thỏ ở cửa nhà.

Hắn bước lại gần, vừa ngước mắt đã trông thấy một người đứng cạnh đèn con thỏ.

Lê Đường cuốc bộ đến đây. Xe bị kẹt ở nửa đường, cậu nôn nóng xuống xe đi bộ.

Cậu không giỏi vận động nên cứ chạy một lúc lại đi một lúc, khi nào đi chậm thì gọi điện thoại, điện thoại sắp cạn pin cũng không ai nghe máy.

Lê Đường hốt hoảng tới nỗi muốn báo cảnh sát, thế nhưng bấy giờ cảnh sát đều bận rộn trên đường, dù cậu xin giúp đỡ cũng chỉ có thể nhận về câu trả lời là "đang tiến hành cứu viện và sơ tán, hãy bình tĩnh đừng sốt ruột".

Cậu đành dựa vào đôi chân của mình, gần đến chân núi còn bị ngã vì trời quá tối, cậu cũng không màng đau đớn bò dậy đi tiếp.

Vất vả lắm mới đến nhà Tưởng Lâu, gõ cửa lại không có người thưa.

Lê Đường không dám đi xa mà chỉ chờ trước cửa, lúc này trông thấy một bóng người mơ hồ tiến lại, cậu chưa chắc chắn lắm đã chạy chậm lên, nhìn rõ mặt người đó mới thở phào nhẹ nhõm.

Tất thảy lo lắng và sốt ruột đều hoá thành tủi thân.

Lê Đường khịt mũi, cất tiếng nghẹn ngào: "... Sao cậu mãi không nghe điện thoại của tôi hả, có biết tôi lo thế nào không?"

Tưởng Lâu ngây người.

Ánh sáng yếu ớt từ đèn pin đủ để soi tỏ người trước mặt.

Lê Đường mặc áo len trắng quần dài đen, giày lấm lem bùn đất, bàn tay cầm điện thoại buông thõng bên người, mu bàn tay đỏ sẫm chắc hẳn là trầy da. Không biết đã dầm mưa bao lâu mà tóc cậu ướt nhẹp, nét mặt đáng thương cắn môi kìm nén nước mắt trông nhếch nhác vô cùng.

Chứng kiến Lê Đường như vậy, hắn nên cảm thấy vui vẻ mới đúng.

Nhưng hệt như có gió thổi qua, lồng ngực vốn trống rỗng của Tưởng Lâu cuộn trào sóng lớn, âm vang rúng động.

Còn chưa nghĩ ra nên nói gì thì Tưởng Lâu đã túm tay Lê Đường kéo cậu vào lòng mình.

Lúc này đây hắn sinh ra một ý nghĩ hoàng đường, rằng mình như thể con quái vật náu sâu trong bóng tối thời gian dài vô tình có được ngọn lửa, nhìn thấy ánh sáng thì cầm lòng không đậu một mực tiến lại gần.

Để gió không còn lạnh, để hơi ấm tươi đẹp chan hoà.

"Đừng tốt với tôi như thế." Tưởng Lâu dán môi lên vành tai lạnh cóng của Lê Đường, thở dài nói: "Cậu cứ thế, bảo tôi sao nỡ lòng..."

Sao nỡ lòng tiếp tục tổn thương cậu đây.

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.net

truyện trọng sinh
truyện sắc

Dtruyen.com đổi tên miền thành Dtruyen.net. Độc giả ghi nhớ để truy cập.

truyện bách hợp

Nhận xét của độc giả về truyện Dệt Kén

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook