Độc Thủ Phật Tâm

Chương 61: Đi tìm quần áo gặp Hoàng Minh

Trần Thanh Vân

21/05/2013

Ngũ Thượng quỳ mọp ngay xuống cặp mắt lõm vào mà nước mắt như mưa thất thanh nói :

- Đệ tử bất hiếu... đệ tử bất hiếu..

Từ Văn khấu đầu nói :

- Xin tổ sư thận trọng tấm thân.

Ngũ Thượng ngồi vào nguyên chỗ trầm ngâm một lúc rồi nói :

- Ngươi trả lại di thư cho ta không cần phải hàng động như vậy nữa.

Từ Văn lấy thơ hai tay dâng lên. Ngũ Thượng mở ra thì là một bức thơ loang lổ viết bằng máu, lão liền xé nát bức thơ lấy một gói nhỏ bên trong cầm tay lão ho sù sụ nói tiếp :

- Trong di thơ nói việc tìm được bảo kinh thất lạc phải chấp hành môn qui. Người chịu lời ủy thác chịu làm truyền nhân của bản môn thì hãy tham nghiên độc kinh trước rồi mới theo quy củ hồi sơn nhập môn. Nếu không muốn thì làm một cái hộp gỗ nhỏ bỏ kinh vào rồi liệng xuống “Cửu chuyển hà” tự nhiên sư thái tổ ngươi sẽ thu lại được. Đây là tổ sư trong lúc tuyệt vọng đã nghĩ ra thực sự không thể làm thế được, không ngờ tổ sư linh thiêng đã sai ngươi tới đây. Hay lắm! Vậy việc truy tìm Độc kinh và thanh lý môn hộ là những việc lớn ta cũng có thể giao phó cho ngươi được.

- Đệ tử xin tuân lệnh lời huấn thị của sư tổ.

- Tuyền nhân đời thứ mười bốn chưa làm lễ nhập môn đã có thái độ khi sư diệt tổ, vậy ngươi không cần coi hắn là đời trên của mình và cứ chiếu luật mà xử trị.

- Đệ tử xin tuân mệnh.

- Ta nói tới đây là dứt lời.

- Đồ tôn xin được sư tổ rời khỏi nơi đây rồi sau sẽ tìm cách..

Ngũ Thượng gạt đi :

- Bất tất phải nghĩ thế.

Từ Văn chấn động tâm thần hỏi :

- Ý định của sư tổ thế nào?

Ngũ Thượng cất giọng đanh như thép nói :

- Sư tổ đã là kẻ bất hiếu không làm hết trách nhiệm suýt nữa còn khiến cho bản môn phải tuyệt tự. Ngươi hãy nghe ta: đầu tiên ta theo môn qui xuống núi tìm người có cơ duyên song đã đi khắp giang hồ mà không thấy truyền nhân xuất hiện, hết năm này qua năm khác. Ta chắc là nửa bộ độc kinh đó chưa lọt vào tay ai...

Lão ho một lúc rồi nói tiếp :

- Ba năm trước bất đắc dĩ ta phải lộ tuyệt kỹ của bản môn trên chốn giang hồ để thăm dò có gặp được người hữu duyên chăng. Chẳng bao lâu ta đã phát hiện ra hắn, ta còn đang tính ngấm ngầm khảo sát tư cách hắn không ngờ hắn lại nhận ra lai lịch của ta trước. Hắn còn nói dối có người mắc bệnh ủy thác cho hắn đi tìm đồng môn, độc kỹ của hắn là nhờ người bị trọng bệnh kia truyền thụ cho ta sơ sót không tra xét tưởng ngay là sự thực để cho hắn dẫn vào trong nhà hầm này ta bước lầm vào cạm bẫy mất hết nội công rồi bị cầm tù. Thỉnh thoảng tên nghiệt súc đó đến bức bách ta phải truyền tâm pháp thượng thặng của bản môn cho hắn.

Từ Văn phẫn hận cả khái ngắt lời :

- Bên mình đồ tôn có đem theo pháp hoàn xin thề rằng bắt hắn phải uống theo quy luật bản môn.

Ngũ Thượng hỏi :

- Phải đó! Vừa rồi ngươi thuật chuyện có nói là “Vô Ảnh Tồi Tâm Thủ” của ngươi được phụ thân ngươi khẩu truyền cho.

- Đúng thế!

- Phụ thân ngươi sao lại luyện được bí kỹ của bản môn?

- Gia phụ sống chết chưa hay hãy còn trong vòng bí mật, hãy chờ bắt được tên nghịch đồ Khương Giác mới có thể phanh phui vụ bí mật này.

Từ Văn trong lòng rất vui mừng, ban đầu chàng tưởng phụ thân là người đã lượm được độc kinh mà mình chính là người vâng mệnh thanh lý môn hộ chẳng lẽ kẻ làm con lại giết cha ư? Bây giờ đã chứng minh kẻ lượm được độc kinh là Khương Giác thế là chàng có thể hành động được dễ dàng, còn tại sao phụ thân lại luyện được bí kỷ vẫn còn trong vòng bí mật. Chàng cho là Khương Giác đem lòng phản lại môn phái nên đem bí kỹ truyền thụ bừa bãi ra ngoài mới gây ra hậu quả này..

Ngũ Thượng lại hỏi :

- Giữa phụ thân ngươi và Khương Giác có mối liên quan thế nào?

- Về điểm này đồ tôn cũng không rõ.

- Biết đâu phụ thân ngươi cũng là kẻ đồng phạm.

Tự Văn chấn động tâm thần, chàng tự nghĩ :

- Có lẽ đúng! Cái này có thể lắm.

Rồi chàng nghiến răng đáp :

- Đồ tôn phải tra xét cho minh bạch mới được.

- Nếu sau này ngươi gặp cơ duyên chính là phụ thân ngươi thì ngươi xử trí thế nào?

Từ Văn tưởng chừng trái tim mình chìm xuống chàng xoay chuyển ý nghĩ đáp :

- Đồ tôn phải lấy giới luật sư môn làm trọng, người ta đã có câu “Vì đại nghĩa phải tru diệt người thân”.

- Liệu ngươi có làm được việc như vậy chăng?

- Đồ tôn xin tuyên thệ.

Ngũ Thượng gạt đi :

=- Bất tất phải thế, ta tin ngươi rồi. Nhưng hỡi ơi! Ta chỉ mong sự thực không phải thế.

Từ Văn cũng nghĩ như vậy chàng tin chắc phụ thân mình đã chết trên đường Khai Phong còn tin đồn phụ thân chưa chết chỉ là lời phỏng đoán, chàng nghĩ tới vấn đề :

- Cái chết của phụ thân ta có thể liên quan tới Ngũ Phương giáo. “Khách qua đường” đồn đại hung thủ là Thông Thiên hòa thượng hiển nhiên là cách vu oan giá họa cho người. Theo lời lão Tú sĩ lúc bắt được mình nói phụ thân cùng Thất Tinh cố nhân đều chết vì chất độc nên mới có lời đoán lầm là phụ thân còn sống, vì phụ thân ta là người chuyên dùng độc.



Căn cứ vào những sự thật trước sau có thể nêu ra giả thuyết: “Người lượm được độc kinh là Khương Giác mà là nhân viên của Ngũ Phương giáo. Vì thế nên người cùng phe với “Khách qua đường” không sợ “Vô Ảnh Tồi Tâm Thủ”. Có thể Khương Giác biết vận dụng chất kịch độc mà phụ thân chàng đã lượm được độc kinh truyền thụ cho. Nhưng người giữ bí mật không đưa độc kinh ra nhất thiết chỉ khẩu truyền cho bất cứ ai, sau đó đối phương mới phát giác ra độc kỷ bị tiết lộ mới sát hại phụ thân. Lại vì lẽ chính chàng cũng có độc thủ nên mới bị bọn “Khách qua đường” truy sát mà Thất Tinh cố nhân dĩ nhiên là một phần tử của đối phương. Còn việc Thất Tinh cố nhân bị sát hại có thể giải thích là bị ngộ sát hay là bị phụ thân mình đã giết hắn trước rồi. Từ Văn nghĩ tới đây những muốn nhảy vọt lên cách suy diễn này rất hợp lý, đồng thời nó giải quyết cả được bí mật vì lẽ gì chàng bị tam phen lưỡng thứ truy sát. Theo luận cứ này thì vụ đổ máu ở Thất Tinh bảo do Ngũ Phương giáo gây ra chứ không phải hội Vệ Đạo, vì mẫu thân chàng còn bị đối phương bắt giữ mà Vệ Đạo hội chủ là Thượng Quan Hoành cũng phủ nhận là không phải hung thủ vụ án đó.

Phụ thân chàng nói cho chàng hay là kẻ thù là hội Vệ Đạo vào lúc ban đầu Ngũ Phương giáo chưa công khai lập đàn lên có sự hiểu lầm. Từ Văn chẳng khác nào là một người ở giữa chốn mây đen phủ tứ bề đột nhiên có ánh dương quang soi vào.

Bỗng chàng để mắt vào sư tổ Ngũ Thượng thì thấy lão hai tay mân mê một viên thuốc đỏ tươi bất giác chàng kinh hãi la lên :

- Pháp hoàn.

Ngũ Thượng ung dung đáp :

- Đúng rồi! Đây là pháp hoàn lúc sư tổ xuống núi đem theo nó bây giờ lại chính mình dùng đến.

Từ Văn trong lúc cấp bách chàng vươn tay ra cướp lấy miệng nói :

- Sư tổ không nên làm thế.

Ngũ Thượng lớn tiếng quát :

- Ngươi không được cử động.

Mấy tiếng này rất oai nghiêm Từ Văn bất giác rụt tay về, chỉ trong nháy mắt Ngũ Thượng đã bỏ pháp hoàn vào miệng nuốt xuống. Từ Văn không ngờ sư tổ lại đi nước cờ tối hậu này khiến chàng tan nát ruột gan. Pháp hoàn là gia pháp của tổ sư để lại không còn thuốc nào giải cứu được, và người uống pháp hoàn để nghiêm chỉnh gia pháp thì dù có thuốc giải được cũng không dám giải nữa. Ngũ Thượng đang ngồi bỗng quỳ lên mục quang lão rất bình tĩnh, Từ Văn cũng quỳ xuống nước mắt tuôn ra xối xả lúc chàng ngẩng đầu lên thì Ngũ Thượng đã nhắm mắt đi vào giấc ngủ ngàn thu, cuộc đời chẳng khác nào một cơn ác mộng.

Cây đuốc cháy hết rồi trong nhà lại tối đen, Từ Văn đặt thi thể Ngũ Thượng ngay ngắn lại rồi cất tiếng gọi :

- Đại ca! Mời đại ca vào đây.

Không có tiếng đáp lại, Từ văn lại gọi lớn hơn mà không thấy có phản ứng lòng chàng nóng nảy, chàng tự hỏi :

- Phải chăng Hoàng Minh lại gặp điều gì bất trắc.

Nghĩ vậy chàng liền băng mình nhảy đi vượt luôn qua hai từng cửa đã ra đến cửa nhà lao mà vẫn không thấy tăm hơi chi hết. Trong lúc thảnh thốt chàng không biết nên làm thế nào. Dĩ nhiên Hoàng Minh không có lý do gì bỏ đi trừ phi xảy chuyện bất ngờ, Từ Văn lại quay vào trong phòng đốt một cây đuốc lớn cầm tay toan trở ra tìm Hoàng Minh, bất thình lình một tiếng nổ kinh thiên động địa phát ra khiến cho toàn gian thạch thất rung chuyển kịch liệt. Một luồng khói mù mịt bốc lên đất cát đổ xuống bao phủ cả người chàng, cây đuốc chàng cầm tay lập tức tắt liền trong gian thạch thất tối mò giơ tay không trông rõ ngón. Từ Văn kinh hãi vô cùng, hồi lâu chàng mới bình tĩnh lại chàng thử di động bước chân sờ soạng về phía trước trong dạ than thầm :

- Thôi khổ rồi!

Đường hầm bị sập gạch đá vỡ cùng đất cát đổ xuống đầy cà. Chàng quay đầu trở vào nhà để xem xét thì phát giác ra gian nhà trong đã đổ ụp xuống chỉ còn gian nhà mà mình đứng là chưa sập, di thể của sư tổ dĩ nhiên bị vùi lấp rồi.

Kể ra đây cũng là một cái may lớn trong điều bất hạnh, giả tỷ gian mà chàng đứng cũng bị đổ sập xuống thì chàng đã bị chôn sống rồi. Nhưng tình trạng này với cảnh bị chôn sống chẳng khác gì nhau vì con đường hầm này dài đến mấy chục trượng chỉ một đoạn bị tắt nghẽn thì thần tiên cũng không ra thoát.

Bốn mặt đều là tường đá dầy kiên cố không hiểu chỗ này còn cách xa mặt đất bao nhiêu? Mối hy vọng thoát khỏi nơi đây không còn nữa. Từ Văn tự hỏi :

- Ai đã đặt chất nổ phá hủy đường địa đạo này?

Rồi chàng tự trả lời :

- Dĩ nhiên là bọn thủ hạ của Ngũ Phương giáo, vụ này có liên quan tới chuyện thất tung của Hoàng Minh không? Không chừng Hoàng Minh cũng bị chôn sống ở chỗ nào khác rồi.

Từ Văn sau một cơn kinh hãi đâm ra tuyệt vọng chàng nghĩ thầm :

- Nếu mình không gặp tổ sư Ngũ Thượng thì mình đã cùng Hoàng Minh rời khỏi nơi đây, thế là hai đời truyền nhân phái Vạn Độc cùng chôn chung một mả.

Từ Văn đã trải qua bao nhiêu lần chết hụt, khủng khiếp nhưng lần này tựa hồ chàng tuyệt vọng hơn hết. Cả đến mối hy vọng gặp kỳ tích cũng không còn nữa, con người làm gì mà có đủ lực lượng để phá quãng đường bế tắc này mà ra ngoài. Chàng gồi thừ xuống đất không nghĩ gì nữa vì có nghĩ cũng bằng thừa. Chàng sờ vào bọc lấy một viên pháp hoàn mà sư thái tổ Vạn Hữu Tùng đã ban cho, chàng quyết định hễ lúc nào sự đau khổ về xác thịt không còn có thể chịu đựng được thì chàng sẽ dùng viên pháp hoàn này để kết thúc sinh mạng. Vận mệnh của con người không có phép nào mò ra được, ai có ngờ chăng thân thủ tuyệt cao đang quyết ý tìm ân trả oán lại uổng mạng trong trường hợp lạ lùng này. Khi con người tuyệt vọng thì thất tình thương, giận, yêu, ghét, đau, khổ.. không còn ý nghĩa gì nữa, vì những cái đó là của người sống. Cả thời gian cũng thành vô vị trôi đi, quá khứ đã vô vị tương lai cũng vô vị nốt.

Đói khát bắt đầu tập kích, chàng không cần nghĩ đến bất cứ điều gì cũng được song mối cảm thụ về thân thể chẳng thể không cảm thấy phản ứng vì cái đó thực tại không liên quan gì đến tư tưởng. Trong lúc tuyệt vọng, lửa cơ đốt ruột càng mau chẳng mấy chốc chàng đã lâm vào tình trạng không thể chịu nổi, chàng nghĩ thầm :

- Sinh mạng của ta sắp kết thúc rồi đây mình có chịu thống khổ thêm cũng bằng vô vị.

Đã mấy lần Từ Văn muốn nuốt pháp hoàn nhưng ý niệm ham sống của con người lôi kéo chàng trở lại khiến chàng không thể quyết tâm được. Tuy nhiên sống đã tuyệt vọng thì cái bản năng ham sống cũng lu mờ. Cho nên có câu “Khẳng khái đi vào chỗ chết còn là việc dễ, ung dung bước tới đạo nghĩa mới là việc khó” con người có thể ung dung nhận lấy sự chết thật là khó khăn vô cùng. Đau khổ dần dần biến thành trơ ra không cảm giác thấy nữa, cái đó chứng minh thời gian đã trôi qua một đoạn khá dài.

Đột nhiên phát giác ra một sự thật khi người ta ở trong nhà kín mít bốn mặt mà thời gian lâu như vậy thì thờ hít phải khó khăn nhưng chàng không thấy cảm giác như vậy, chàng tự hỏi :

- Chẳng lẽ nơi đây có chỗ thông hơi?

Bỗng chàng nhảy lên vì chàng đã phát giác ra một chút hy vọng chưa đến nỗi chết. Chàng lại để tâm sờ lần mọi chỗ khi gặp khe nứt chàng lại để mũi vào ngửi, chẳng một không gian nào mà chàng bỏ qua nhưng rồi chàng trở lại thất vọng vì không tìm thấy một chỗ nào có cảm giác thông hơi.

Trong nhà hơi thở vẫn không tắc nghẽn là một sự hiển nhiên, cái đó chẳng thề không có nguyên nhân. Chàng suy đi nghĩ lại sau nghĩ đến trên nóc nhà chưa thám sát, chàng liền chống một tay xuống nhẹ nhàng hảy lên tay chàng bỗng sờ vào một khe hở khá lớn. Chàng liền bám tay vào khe hở đó để đạp chân vào vách đá rồi chàng dán người vào nóc nhà dí mũi vào khe hở để hít. Quả nhiên có một làn không khí mới mẻ trôi vào. Từ Văn vừa kinh ngạc vừa mừng rỡ như người phát điên chàng reo thầm :

- Lại sống rồi!

Dĩ nhiên đã có kỳ tích phát hiện, chàng nhảy xuống đất ngẫm nghĩ :

- Kẽ hở kia có không khí ra vào thay đổi, cái đó chứng minh từ đây lên mặt đất chẳng có bao xa. Có điều bây giờ ta phải hành động thế nào?

Nỗi vui mừng quá độ khiến người chàng run lên chân tay luống cuống, Từ Văn nghĩ lui rồi lại nghĩ tới thì trừ phi mở rộng kẽ hở trên nóc nhà mới chui ra được ngoài ra không còn cách nào nữa, nhưng chàng đành phải mạo hiểm để khỏi bị chôn sống.

Sự sống rất hấp dẫn nó thúc đẩy con người không mạo hiểm không xong. Từ Văn lùi lại đến bên cửa sắt, những thanh sắt xiêu vẹo đi vì những phiến đá lớn đè lên cánh cửa cong đi thành cái động nhỏ. Chàng nghĩ bụng :

- Nếu nóc nhà này sập xuống thì nơi đây mình dùng làm chỗ hoãn xung.

Thế rồi Từ Văn cong người đi ngửa đầu lên đạp chân vào cánh cửa phóng chưởng đánh vào nóc nhà. “Sầm sầm” mấy tiếng vang lên, đất cát đổ xuống tới tấp khiến mắt chàng cơ hồ không mở ra được, chàng cảm thấy người mình bị cát đè lên rất nặng và ngập đến tận ngực. Từ Văn định thần lại mở mắt ra nhìn rồi chàng reo lên :

- Úi chà!

Trên nóc nhà hở ra một lỗ hổng lớn ánh quang chiếu vào lóa mắt, tính từ mép lỗ cho đến bề dày huyệt động thì chỗ chàng đứng cách mặt đất cở chừng hai trượng. Thật là một kỳ tích khó tin. Từ Văn cúi đầu xuống coi lại thì ngoài đất đá không còn một thứ gì. Giả tỷ chỗ huyệt động bị lấp mà sâu thêm vài thước thì chàng cũng bị chôn sống rồi. Mấy phiến đá lớn ở trên nóc nhà vẫn lung lay như muốn rớt xuống khiến người ngó thấy phải kinh tâm động phách. Lại một phen gặp đại nạn mà không chết Từ Văn ở vào giữa đống đất đá né người đi cựa quậy một lúc mới trồi lên được và ra khỏi huyệt đạo. Từ Văn thấy trước mắt toàn mồ con mả lớn đúng là một khu nghĩa địa. Khu nghĩa địa này nằm ở chân thành nên cách đường cái quan không xa mấy, bốn phía đều có thôn xóm. Từ Văn đoán chừng lúc này vào khoàng cuối giờ tỵ sang đầu giờ ngọ thế là chàng đã trải qua một ngày một đêm rồi.

Việc đầu tiên là chàng phải giải quyết vấn đề quần áo vì y phục của chàng đã rách tan nát, nó chỉ còn những mảnh ngang dọc đeo vào người coi rất nhếch nhác. Không cần nói cũng đủ hiểu để người ngó thấy thì ai cũng tưởng là ma quỷ hiện hình, may ở quãng sau lưng vẫn còn giữ được mọi vật cả tấm “Tam chỉ quyết” của Thiên Đài Ma Cơ mà chàng đã lượm được trong khách điếm cũng không bị thất lạc. Chàng muốn bới móc di thể của sư tổ lên nhưng coi chừng không thể làm được, chàng đành trông về phía mộ huyệt lạy phục xuống gấm ngầm cầu khẩn một hồi.

Đoạn chàng nhắm về phía có căn hà lẻ loi chạy tới, căn nhà này quay lưng lại phía nghĩa địa. Nguyên đây là một căn nhà tranh ba gian tường đất bốn mặt đều có chỗ tàn khuyết, Từ Văn chỉ nhô lên hụp xuống mấy cái đã đến ngoài bức tường vách, chàng ngẫm ghĩ một lúc rồi cất tiếng hỏi :

- Trong nhà có ai không?

Chàng hỏi luôn ba lần không có tiếng đáp lại chàng nghĩ thầm :

- Chẳng lẽ đây là một căn hà bỏ trống không có người ở? Nhưng sao trên nóc lại có khói bốc lên và bên nhà lại có những đống củi lớn? Trên những cây sào tre có vắt quần áo như vậy không thể là căn nhà hoang phế được. Trừ phi mọi người trong nhà đều đi vắng.



Từ Văn lại ngần ngừ một chút rồi đẩy cửa ngó vào hỏi :

- Có ai trong nhà không?

Miệng chàng hỏi chân chàng vẫn bước đều chàng đi tới bên cửa nhìn vào trong thì một thảm cảnh bày ra trước mắt suýt nữa chàng bật tiếng la hoảng. Nguyên bên trong cửa một nam ba nữ, bốn thi thể nằm trên vũng máu huyết tích chưa đọng bốn người này chắc vừa bị giết. Chàng tự hỏi :

- Ai đã hạ thủ giết người? Đây là một cuộc trả thù hay là cuộc mưu tài hại mệnh?

Từ Văn không rảnh để mà rượt theo hung thủ hoặc nghĩ cho ra manh mối, mục đích chàng vào đây để kiếm ít quần áo để che thân. Bây giờ chủ nhân đã chết rồi chàng không cần uý kỵ gì nữa liền tiến thẳng vào chỗ tối trong góc nhà mở rương ra kiếm. Quả nhiên chàng tìm được một tấm áo dài xanh một cái khăn, chàng hiểu chủ nhà không phải cường nhân nhưng chàng nghĩ bụng :

- Chẳng hiểu nhà này có người đọc sách không?

Chàng lại kiếm thêm được một cái quần nhiễu rồi mặc cả bộ vào mình. Từ Văn lại xuống bếp lấy nước rửa mặt lòng chàng khoan khoái vô cùng. Bất thình lình tiếng khí giới xé bầu không khí vọng tới nhằm phóng vào sau lưng chàng, Từ Văn cũng hơi chấn động tâm thần chàng né mình đi định ra tay... Chợt chàng bật tiếng la hỏi :

- Ô kìa! Đại ca đấy ư?

Hoàng Minh chúi mũi kiếm xuống, nhìn chàng ngạc nhiên trố mắt ra hỏi :

- Hiền đệ không chết ư?

Từ Văn động tâm hỏi :

- Đúng rồi! Tiểu đệ chưa chết nhưng sao đại ca lại biết?

Hoàng Minh lại hỏi :

- Hiền đệ không bị chôn vùi dưới địa huyệt ư?

- Đúng thế! Nhưng tiểu đệ chưa tới ngày tận số mới được tử nạn này.

- Sao hiền đệ còn ra được?

- Tiểu đệ phá nóc nhà chui ra. Trời ơi! Té ra đại ca ở trong nghĩa địa này ư?

- Úi chà! Tạ ơn trời phật tiểu huynh cơ hồ phát điên. Sao hiền đệ lại đến đây?

- Đệ muốn tìm ít quần áo để thay đổi.

Hoàng Minh lại hỏi :

- Lão kia đâu rồi?

- Người đã qua đời.

Hoàng Minh cũng không hỏi nữa, Từ Văn lại hỏi :

- Bây giờ đến lượt tiểu đệ hỏi đại ca. Tại sao đại ca lại mất tích?

Hoàng Minh thở phào một cái rồi đáp :

- Hiền đệ bảo tiểu huynh tạm lánh đi, tiểu huynh liền đi ra ngoài thạch thất. Chẳng bao lâu trong đường địa đạo có tiếng chân người đi tới tiểu huynh đuổi ra tới chỗ ngã ba thì thấy hai bóng người theo đường chạy ra ngoài.

Từ Văn la lên một tiếng :

- Ủa!

Hoàng Minh kể tiếp :

- Tiểu huynh tính đuổi theo thì chợt nghe mùi thuốc nổ biết là nguy rồi, trong lúc cấp bách tiểu huynh không thể tìm ra được dây dẫn hỏa đành quay về để thông tri cho hiền đệ hay, mới chạy được mấy trượng thì thuốc nổ đã nổ tung. Quảng đường hầm gần gian thạch thất bị bít kín suýt nữa tiểu huynh cũng bị bỏ mạng rồi..

Từ Văn lại “ồ” lên một tiếng, Hoàng Minh vẫn còn vẻ khiếp sợ nói :

- Tiểu huynh luống cuống không biết làm thế nào còn sợ chạm trán đối phương. Hiền đệ cũng biết những tay cao thủ nơi đây toàn là những sứ giả trong giáo phái này, tiểu huynh không địch nổi.

Từ Văn trỏ vào bốn xác chết hỏi :

- Cả nhà này có phải đại ca đã hạ thủ tàn sát không?

Hoàng Minh thản nhiên nói :

- Đúng thế chính tiểu huynh đã hạ sát chúng.

Từ Văn cất giọng lạnh như băng hỏi :

- Tại sao đại ca lại giết người?

- Hiền đệ có biết bốn người này là ai không?

Từ Văn lắc đầu hỏi lại :

- Ai thế?

- Chúng là nanh vuốt của Ngũ Phương giáo.

Từ Văn giương cặp chân mày thanh kiếm lên hỏi :

- Chúng mà là nanh vuốt của giáo phái này ư?

- Đúng thế! Dưới gầm bàn phòng khách tòa nhà tranh này là đường hầm đi vào địa đạo. Tiểu huynh thấy chất nổ phá tan nhà lao liền chạy thẳng tới đây và phải hao phí nhiều lực lượng mới giết xong bọn họ thế còn may vì không gặp bọn Khương Giác.

Bấy giờ Từ Văn mới tỉnh ngộ đưa mắt nhìn xuống gầm bàn bát tiên cửa hầm vẫn còn bỏ ngỏ chưa đóng lại.

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.net

Dtruyen.com đổi tên miền thành Dtruyen.net. Độc giả ghi nhớ để truy cập.

Nhận xét của độc giả về truyện Độc Thủ Phật Tâm

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook