Đồn Đại Hại Chết Người Ta

Chương 1: Kẻ phong lưu đệ nhất hoàng thành (1)

Nhĩ Nhã

05/09/2017

Tiếng pháo đì đùng vang vọng cả con phố Đông Hoa.

Đông Hoa là con phố đậm chất thư hương nhất hoàng thành, hai bên dãy phố không phải là thư viện(1) thì cũng là cầm quán, không phải cửa hàng bày bán bút nghiên thì cũng là sạp bán mực vẽ các loại, đến cả tửu lâu khách điếm cũng tụ tập cơ man là tài tử giai nhân luôn miệng ngâm thơ đối chữ.

(1) Thư viện là một hình thức tổ chức giáo dục ở địa phương, xuất hiện vào thời Đường, phát triển ở thời Tống, lúc đầu chỉ do người dân tự thành lập, sau có sự tham gia của triều đình.

Một ngày nọ, trước cửa căn nhà lớn nằm ở vị trí đắc địa nhất con phố Đông Hoa bỗng trở nên huyên náo, thì ra có một cửa hiệu mới được khai trương.

Tam cô lục bà(2) ở các con phố xung quanh cũng chạy đến góp vui, trong nhà ngoài cửa đều chật cứng người, trên lầu hai tửu lâu đối diện cũng đông nghịt, tiểu nhị cả kinh lấy gậy trúc chống cửa sổ, chỉ sợ lát nữa đông người quá nó sẽ rơi xuống mất.

(2) Tam cô lục bà: Tam cô gồm ni cô (nữ xuất gia theo đạo Phật), đạo cô (nữ xuất gia theo đạo Giáo), quái cô (bà bói); lục bà gồm nha bà (mẹ mìn), môi bà (bà mai), sư bà (bà đồng, bà cúng), kiền bà (tú bà), dược bà (bà lang), ổn bà (bà đỡ, bà mụ). Ngày nay, cụm từ “tam cô lục bà” thường được dùng để chỉ những phụ nữ làm nghề bất chính, chuyên đi lừa đảo người khác.

Có chuyện gì mà náo nhiệt đến vậy?

Lại nhìn vào trong đám đông, sẽ thấy một vị nam tử áo trắng sao mà anh tuấn, sao mà phong lưu đứng trước cửa căn nhà cổ khí phái, đang chắp tay hành lễ một lượt với những người láng giềng xung quanh, gây ra những tràng thét chói tai ầm ĩ.

Đám cô nương chen chúc trên lầu hai luôn miệng thét lớn: “Bạch Hiểu Phong!”.

Mấy nam tử bên cạnh châm biếm nói: “Chẳng phải cũng chỉ thế thôi sao? Làm gì đẹp trai đến mức ấy…”.

Lời vừa bay ra khỏi miệng, mấy nam tử lập tức hứng đầy ánh mắt đằng đằng sát khí từ tứ phía phóng tới, các cô nương đồng loạt hét lên: “Đẹp hơn ngươi nhiều! Không thích xem thì cút! Đừng có ở đây chiếm chỗ người khác!”.

Vẫn có câu “hảo nam bất đấu nữ”, mấy thư sinh kia cũng đành cắp đít bỏ đi.

Nói ra thì Bạch Hiểu Phong này không chỉ là kẻ phong lưu đệ nhất hoàng thành, mà giai thoại xoay quanh hắn còn có vô khối.

Trước tiên phải kể đến hắn là hậu bối danh môn, phụ thân hắn - Tể tướng Bạch Mộc Thiên - đã quy ẩn nhưng có đến phân nửa số quan viên đương triều là môn sinh của ông.

Thứ nữa, bản thân Bạch Hiểu Phong lại là quan Trạng nguyên, được mệnh danh Đệ nhất tài tử đương triều.

Theo lẽ thường, một người chỉ cần vừa có tiền, vừa có tài là đã được coi là “con cưng” của giời khiến người người ngưỡng mộ. Vậy mà, ông trời còn độc sủng hắn, tặng cho hắn khuôn mặt đẹp trai đệ nhất hoàng thành, thậm chí là đệ nhất thiên hạ! Đã vậy, tính cách Bạch Hiểu Phong trời sinh ôn văn nho nhã, hiền hậu dễ gần, nhất cử nhất động đều toát lên vẻ tiêu dao lịch lãm, khẽ mỉm cười cũng có thể làm chúng sinh mê đắm. Chẳng thế mà từ bé gái mới lên tám cho đến bà lão tám mươi trong ngoài hoàng thành đều cuồng si thần tượng hắn, có thể nói là nhất hô bá ứng.

Bạch Hiểu Phong hiện là nam thần trong lòng nữ nhân, nhưng lại là suy thần trong lòng nam nhân, đúng là độc nhất vô nhị. Vì thế mà những chuyện thường nhật, đặc biệt là những chuyện liên quan đến phong hoa tuyết nguyệt hay tiêu chuẩn chọn “nửa kia” của Bạch Hiểu Phong đều trở thành đề tài bàn luận rất xôm ở thành trấn.

Sở dĩ bữa nay náo nhiệt như vậy là bởi Bạch Hiểu Phong, nhân vật vốn nức tiếng chẳng hề hứng thú với quan trường này lại đột nhiên nổi hứng cho xây dựng “Thư viện Hiểu Phong” ở phố Đông Hoa. Bữa nay là ngày đầu dựng biển khai viện, nghe đâu chỉ chiêu sinh mười nam mười nữ, tiêu chuẩn nhập học cực cao, học phí cũng cực đắt.

Bạch Hiểu Phong còn đích thân đứng lớp, nghe đâu số người nhập học đã được xác định phân nửa rồi, nếu không phải hoàng thân quốc thích thì cũng là con cái của những gia đình đại phú quý, giờ tuy còn chừa lại mấy suất nhưng thi vào được cũng trầy trật vì yêu cầu quá cao!

Bạch Hiểu Phong có yêu cầu rất cao với môn sinh, cho nên đâu phải cứ có tiền là vào được, người muốn vào học nhất định phải thật xuất sắc.

Một tràng pháo giòn giã kết thúc, nghi thức khai viện đơn giản cũng gần đến hồi kết, Bạch Hiểu Phong giơ cánh tay lên, trước sự trông ngóng của bách tính hoàng thành, tay áo trắng tinh với chất vải tuyệt đẹp nhẹ nhàng bay bay theo gió đúng như mong đợi của quần chúng, làm lộ ra phần cổ tay trắng muốt, một tràng hò hét chói tai lại theo đó mà vang lên.

Năm ngón tay thon dài của Bạch Hiểu Phong nhẹ nhàng kéo mảnh lụa đỏ mềm mại thượng hạng phủ trên tấm biển xuống, bốn chữ “Thư viện Hiểu Phong” hiện ra, nét chữ như rồng bay phượng múa, rắn rỏi hữu lực này do đích thân Hoàng thượng ngự bút, sáng sớm nay đã sai người mang tới, đúng là có tả sao cũng không hết phần khí phái.

Bạch Hiểu Phong đưa mảnh lụa cho tùy tùng, sau đó ưu nhã chỉnh lại ống tay áo một chút, đáp lại đám đông bằng nụ cười ôn hòa, rồi xoay người, bước vào thư viện, chỉ vương lại bóng lưng toàn mỹ cùng mùi hương nhàn nhạt theo cơn gió thoảng và tiếng hò hét chói tai của đám người vây quanh.

Trong hoàng cung.

Buổi triều vốn đã tan lâu lắm rồi, nhưng văn võ bá quan không ai chịu rời đi, vẫn tụ tập ở kim điện, ai đánh cờ cứ đánh, ai chuyện phiếm cứ chuyện, nhưng chốc chốc họ lại cùng làm một động tác y chang nhau - đánh mắt nhìn ra ngoài cửa.

Đương kim Thánh thượng dựa người vào ghế rồng, ngáp ngắn ngáp dài hỏi tiểu thái giám bên cạnh: “Tử Khiêm vẫn chưa tới à?”.

Tiểu thái giám kiễng chân ngó ra cửa cung, thấy thấp thoáng một bóng người từ xa đang hớt hơ hớt hải chạy lại, vội vàng chỉ ra ngoài nói: “Trình đại nhân tới rồi!”.

Đám quần thần bên dưới vốn đang uể oải lập tức trở nên phấn chấn, đồng loạt ngẩng đầu ngó ra ngoài cửa.

Trên thềm đá hoa trắng tinh trải dài bên ngoài kim điện, một viên quan trẻ tuổi khoác trên người bộ quan phục màu đỏ tía đang chạy lại, một tay ôm tập tư liệu, một tay cầm mũ quan, nhìn vô cùng thú vị.

Vị này là sử quan hoàng triều, mới hơn hai mươi tuổi, mặt trắng nõn trắng nà, tư văn nhã nhặn, tên gọi Trình Tử Khiêm. Trình Tử Khiêm chữ viết rất đẹp, tham dự khoa thi cùng Bạch Hiểu Phong, năm đó bài thi của hắn cũng khá xuất sắc, Hoàng thượng đánh giá rất cao khả năng viết chữ nhanh như gió và tính cẩn trọng tỉ mỉ của hắn nên để hắn làm sử quan.

Bạch Hiểu Phong sau khi mở trường đã mời Trình Tử Khiêm đến dạy môn Thư pháp. Đương nhiên, Trình Tử Khiêm vui vẻ nhận lời. Ấy vậy mà giữa chừng hắn lại bị Hoàng thượng triệu đến, giao cho nhiệm vụ “nằm vùng” ở thư viện Hiểu Phong, ghi chép những chuyện lý thú ở đó, rồi quay về bẩm báo bất cứ lúc nào.

“Khởi bẩm Hoàng thượng…”. Trình Tử Khiêm lao vào kim điện, được khoảng một trượng thì vội dừng bước, chỉnh lại mũ quan định hành lễ.

Hoàng đế lập tức xua tay: “Miễn lễ miễn lễ, sao rồi?”.

Trình Tử Khiêm lật xấp giấy ghi chép dày cộp đang cầm trong tay, hồi bẩm: “Đến nay có chín người nhập học, bốn nam năm nữ; mặt khác, thí sinh dự thi có đến ba ngàn nữ, chọn năm; hơn hai ngàn nam, chọn sáu”.

“Nhiều như vậy sao?”. Hoàng thượng đưa tay sờ cằm, hỏi tiếp: “Vậy, năm nữ sinh nhập học gồm những ai? Có Nguyệt Nhữ và Yên Nhi nhà ta không?”.

“Bẩm, có”. Trình Tử Khiêm gật đầu: “Tam công chúa Đường Nguyệt Nhữ cùng Thất công chúa Đường Nguyệt Yên đều nằm trong danh sách môn sinh được nhận”.

Hai vị Đường Nguyệt Nhữ và Đường Nguyệt Yên này đều là công chúa đương triều. Tam công chúa Đường Nguyệt Nhữ không phải là con gái ruột của Hoàng đế, mà là cháu gái của ngài.



Hoàng vị bản triều không phải là cha truyền con nối, mà là huynh truyền đệ nối. Tiên hoàng sớm băng hà, giao phó đứa con gái mồ côi cho Hoàng đệ, cũng chính là đương kim Thánh thượng chăm sóc.

Tình cảm giữa Hoàng thượng và huynh trưởng của mình rất sâu đậm, ngài trước giờ đều coi Đường Nguyệt Nhữ như con, yêu quý, nâng niu như cất giữ minh châu.

Đường Nguyệt Nhữ tinh thông cầm kỳ thư họa, có sắc đẹp trời sinh, được người đời xưng tụng là Băng mỹ nhân, tính cách thì không chê vào đâu được. Nếu cố bới bèo ra bọ thì chỉ có thể kể đến tuổi tác hơi lớn, năm nay hai mươi lăm tuổi, mười năm đem lòng thầm thương trộm nhớ Bạch Hiểu Phong.

Đường Nguyệt Yên là vị công chúa nhỏ tuổi nhất do Hoàng đế thân sinh nên rất được cưng chiều. Năm nay nàng vừa tròn mười tám, đương thì xuân sắc; là con của Lệ quý phi vô cùng xinh đẹp được Hoàng thượng sủng ái nhất, có thế lực nhất hậu cung; nàng vừa xinh đẹp dễ thương, lại lanh lợi đáng yêu; hơn nữa, trong sáu người con của Hoàng thượng thì có đến năm vị hoàng tử, duy chỉ Đường Nguyệt Yên là công chúa, nên nàng càng được Hoàng thượng hết mực cưng chiều.

Trên danh nghĩa, Đường Nguyệt Yên và Đường Nguyệt Nhữ là tỷ muội ruột thịt, nhưng thực tế chỉ là tỷ muội họ mà thôi, hơn nữa, quan hệ giữa hai người cũng không tốt đẹp lắm, bởi họ cùng thích Bạch Hiểu Phong, tranh giành ghen tuông là điều khó tránh khỏi.

“Hoàng thượng đứng về phía ai ạ?”, Tả thừa tướng hỏi.

“Ừm…”. Hoàng thượng có chút khó nghĩ: “Lòng bàn tay hay mu bàn tay thì cũng đều là thịt”. Nói đoạn, ngài hỏi Trình Tử Khiêm: “Ba người còn lại là những ai?”.

“Hồi bẩm Hoàng thượng, một trong số đó chính là Bạch Hiểu Nguyệt, tiểu muội của Bạch Hiểu Phong, nên có thể trừ ra”.

“Ồ…”. Văn võ trong triều cùng gật đầu, mắt người nào người nấy đều sáng rực lên: “Phải chăng chính là đại mỹ nhân Bạch Hiểu Nguyệt?”.

Trình Tử Khiêm cười khan: “Đúng vậy, đúng vậy!”.

“Ôi ôi, vị đại mỹ nhân Bạch Hiểu Nguyệt này bình thường rất ít khi bước chân ra khỏi cửa, sao lần này cũng vào trường góp mặt chứ?”. Quần thần vừa không ngớt miệng hỏi, vừa cử thuộc hạ khẩn trương về nhà xem con trai mình có ghi danh ứng thí hay không.

Trình Tử Khiêm nhìn trời: “Hơn hai ngàn nam sinh kia chắc hẳn đều vì Bạch Hiểu Nguyệt mà ghi danh ứng thí, nhưng người vào được trường thì có mấy ai; mà vị Bạch Hiểu Nguyệt này ta có quen biết, còn kỹ tính hơn cả Bạch Hiểu Phong, tính tình cũng rất kỳ quái”.

“Khoan đã!”. Hoàng thượng chợt nhớ ra chuyện gì đó: “Con trai ta, Tinh Trị, cũng vào thư viện rồi đúng không?”.

Trình Tử Khiêm lại lật giở tập ghi chép, nói: “Lục hoàng tử cũng vào rồi”.

Hoàng thượng vân vê chòm râu, khẽ cau mày: “Khoan hãy nói đến đám nam sinh, ngoài Bạch Hiểu Nguyệt ra thì hai cô nương còn lại là những ai?”.

“Một là Nguyên Bảo Bảo”. Trình Tử Khiêm trả lời.

Chúng thần đều ngớ người, đồng thanh hỏi: “Nguyên Bảo Bảo là ai?”.

“À, nàng ấy là con gái duy nhất của Nguyên Kha, Bố vương(3) Giang Nam. Nguyên Kha là…”.

(3) Bố vương: vua vải vóc.

Chưa đợi Trình Tử Khiêm nói hết, Hoàng thượng đã không nhịn được bĩu môi: “Cái tên Nguyên Kha tự xưng là nhiều tiền lắm bạc hơn cả Trẫm ấy sao, thì ra là hắn”.

“Vì đến học ở thư viện Hiểu Phong mà Nguyên Bảo Bảo mua cả một ngôi nhà lớn trên phố Đông Hoa, quả là xa xỉ”. Trình Tử Khiêm lật xem số liệu hắn điều tra được: “Nghe nói ngôi nhà lớn kia có giá mười mấy vạn lượng vàng”.

Hoàng thượng ấn tay lên mí mắt đang giật: “Tên Nguyên Kha đó có giỏi thì cứ mua cả hoàng cung đi, người còn lại?”.

“Người còn lại tên là Hạ Mẫn”. Trình Tử Khiêm trả lời: “Vị đại tài nữ đó”.

“Là con gái của Hạ Y Chí đúng không?”. Văn võ trong triều ai mà chẳng biết Hạ Y Chí là một đại văn hào, con gái hắn - Hạ Mẫn - học thức một bồ, kỳ thi năm trước triều đình còn phá lệ cho nàng tham gia, không ngờ nàng đậu Trạng nguyên, tài giỏi hơn đám nam nhân bội phần, thật không hổ danh là Đệ nhất nữ tài tử thiên triều.

“Người này có vẻ xứng đôi vừa lứa với Bạch Hiểu Phong đấy”. Hoàng thượng sờ cằm: “Ngươi xem, Đệ nhất tài tử rất xứng với Đệ nhất tài nữ”.

“Nhưng nghe nói ngoại hình Hạ Mẫn không được ưa nhìn cho lắm”.

“Vậy sao…”.

Lúc này, một tiểu thái giám cầm theo tờ giấy chạy vào: “Hoàng thượng, các nương nương ở hậu cung đã chọn xong rồi”.

“Để ta xem”. Hoàng thượng cầm tờ giấy Tuyên(4) có viết đầy chữ “chính”, nghiền ngẫm một hồi: “Ồ? Ủng hộ Nguyệt Yên nhiều hơn Nguyệt Nhữ sao?”.

(4) Giấy Tuyên nổi tiếng là “giấy thọ ngàn năm”, một loại giấy vô cùng trân quý. Vì được sản xuất ở vùng Tuyên thành, tỉnh An Huy, Trung Quốc nên được gọi là giấy Tuyên. Giấy Tuyên được làm từ vỏ cây thanh đàn và rơm rạ tạo thành một loại giấy rất quý, mặt giấy mềm nhẵn, chất giấy mềm mại và dẻo dai, thấm mực đều đặn, phù hợp với thư pháp và hội họa Trung Quốc.

“Dạ bẩm, Lệ quý phi và Hoàng hậu nương nương đều ủng hộ Nguyệt Yên công chúa”. Tiểu thái giám nhỏ giọng: “Chỉ có Vương quý phi là ủng hộ Tam công chúa thôi ạ”.

Hoàng thượng sờ cằm, suy cho cùng Nguyệt Nhữ công chúa cũng không phải con ruột của Hoàng thượng, mấy phi tần kia có tính toán thân sơ. Lệ quý phi và Hoàng hậu nương nương là chị em ruột, hai người đều ủng hộ Nguyệt Yên thì căn bản là cả hậu cung đều chọn Nguyệt Yên rồi! Nghĩ xong, Hoàng thượng liền cầm bút chu sa trên bàn rồi đánh dấu vào sau tên của Đường Nguyệt Nhữ: “Trẫm chọn Nguyệt Nhữ!”.

Quần thần lại bắt đầu xì xào bàn tán, Trình Tử Khiêm nhanh tay ghi chép lại - Tin tức mới nhất, Hoàng thượng chọn Tam công chúa, Đường Nguyệt Nhữ có chỗ dựa vững chắc nhất!

“Phải rồi”. Hoàng thượng lại hỏi: “Ngoài Tinh Trị con ta ra, ba nam sinh còn lại là ai?”.

“Hồi bẩm Hoàng thượng, một người là tiểu vương gia Hồ Khai, con trai của Yến vương”. Trình Tử Khiêm bẩm báo: “Một người là Thạch Minh Lượng - đại tài tử Giang Nam; còn một người nữa là Cát Phạm, con trai của Thuyền vương”.

Hoàng thượng sửng sốt: “Mấy tên tiểu tử Hồ Khai, Thạch Minh Lượng và Cát Phạm này chẳng phải là những người mà Tinh Trị coi như huynh đệ sao? Sao lại chui vào đó tất vậy? Huynh đệ tốt mà lại tranh giành nữ nhân, còn ra thể thống gì nữa”.

Tiểu thái giám bên cạnh liền nhỏ giọng nói với Hoàng thượng: “Họ vào đó giúp Lục hoàng tử một tay chứ không có ý tranh giành đâu ạ!”.



“Ồ!”. Hoàng thượng nhướn mày: “Vậy chẳng phải con ta sẽ có cơ hội thắng rất lớn sao?”.

“Tình hình trước mắt quả đúng là như vậy”. Trình Tử Khiêm cất đống ghi chép đi.

Sau khi tan triều, văn võ bá quan tiếp tục mang tin tức sốt dẻo này về phủ tám chuyện, Hoàng thượng một mình trở lại thư phòng, chắp tay sau lưng đi đi lại lại.

Trong lòng Hoàng thượng hiểu rất rõ, Tinh Trị và Nguyệt Yên từ nhỏ lớn lên bên nhau, tình cảm rất gắn bó, chẳng cần hỏi cũng biết Tinh Trị nhất định sẽ giúp Nguyệt Yên “quyến rũ” Bạch Hiểu Phong, vậy Nguyệt Nhữ chẳng phải sẽ mất cơ hội sao?

Là một người cha, y tính toán thế này, dù sao thì Nguyệt Nhữ cũng lớn tuổi rồi, lại đem lòng yêu tên kia mười mấy năm như vậy, ngộ nhỡ tên kia bị ai đó “quyến rũ” mất, sợ rằng Nguyệt Nhữ sẽ đau khổ cả đời, sau này khó mở lòng với ai khác. Nếu Nguyệt Nhữ không lấy được chồng, khi quy tiên, y còn mặt mũi nào đến gặp Hoàng huynh của mình nữa? Nguyệt Yên dẫu sao vẫn còn nhỏ, sau này còn nhiều cơ hội!

Nghĩ đến đây, y khẽ động tâm, vẫy tay gọi tiểu thái giám: “Mau đến quân doanh, triệu Sách La Định vào cung cho ta”.

Tiểu thái giám sợ run người: “Đại… Đại tướng quân Sách La Định sao?”.

Hoàng đế nhướng mày: “Vẫn còn một tên Sách La Định thứ hai sao?”.

“Vâng… Vâng!”. Tiểu thái giám run rẩy chạy đi.

Nói đến Sách La Định, hắn là một nhân vật khác được dân chúng khắp hoàng thành bàn tán, nổi tiếng chẳng kém Bạch Hiểu Phong.

Đến gần quân doanh, tiểu thái giám thấy có chút khó hiểu, Hoàng triều đã hai mươi mấy năm không có chiến sự, thái bình thịnh thế, do vậy số lượng binh sĩ trong quân doanh cũng ít, họ cũng không cần luyện tập hằng ngày.

Thế nhưng, vẫn có người thường xuyên lượn quanh quân doanh, người này chính là đại tướng quân nổi tiếng nhất hoàng triều, Sách La Định.

Cũng có thể coi Sách La Định này là một truyền kỳ.

Nếu Bạch Hiểu Phong là con cưng của ông trời muốn gì có đó, thì Sách La Định lại chính là một tên thảo dân chui lên từ bùn đất, không có một thứ gì.

Sách La Định không cha không mẹ, được một người ăn mày nhặt ở bên đường về nuôi, được mấy năm thì người ăn mày đó chết, để mặc sự sống chết của hắn cho ông trời, nhờ có nhân duyên tốt nên hắn học được một thân tuyệt thế công phu, cũng khá thông minh lanh lợi nên cuối cùng hắn thi đỗ Võ trạng nguyên, trở thành đại tướng quân. Chỉ tiếc, hắn sinh không hợp thời, hoàn toàn không có đất dụng võ.

Võ nghệ của Sách La Định thực sự vô cùng lợi hại, cho nên mỗi lần xuất cung Hoàng thượng đều phái hắn làm hộ vệ, mỗi khi sứ giả nước khác đến ngỏ ý muốn tỉ thí võ nghệ, hoặc những khi con mèo của vị nương nương nào đó chạy lạc đi đâu mất,… đều vời hắn ra mặt giúp một tay. Bởi vậy hắn cũng có chút việc để làm.

Sách La Định sống tự do buông thả đã quen, ghét văn yêu võ, khí chất chẳng khác lũ thổ phỉ là bao, nên không hợp mắt quần thần.

Tiểu thái giám khó khăn lắm mới tìm được một thủ vệ, hỏi: “Sách tướng quân ở đâu?”.

Thủ vệ chỉ về hướng Tây: “Tướng quân ở trường đua”.

Tiểu thái giám suy nghĩ giây lát, lại hỏi: “Này, tâm tình của Sách tướng quân hôm nay có tốt không?”.

Thủ vệ sờ cằm, ngẩng mặt lên trời suy nghĩ: “Hôm nay ngài ấy không mắng ai, cũng chẳng đánh ai, khẩu vị lúc ăn sáng và ăn trưa có vẻ không tệ, sáng sớm lúc ra khỏi nhà xí còn nghêu ngao hát, có lẽ cũng tốt đó”.

“Ồ…”. Tiểu thái giám thở phào nhẹ nhõm, lon ton chạy đến trường đua để gặp vị tướng quân này.

Về lý mà nói, địa vị của thái giám bên cạnh Hoàng đế là cao hơn quan ba cấp, người bình thường không ai dám đắc tội với hắn, nhưng Sách La Định này lại là ngoại lệ. Sách La Định có chút khác người, bởi từ nhỏ hắn lớn lên ở nơi núi rừng hoang dã, có thể sống chung với dã thú, quan hệ của hắn với chó mèo còn tốt hơn với con người, lúc nào hắn cũng cư xử theo kiểu bán hoang dã.

Đương kim Hoàng thượng là người yêu thích săn bắn, có điều thân thủ chỉ tàm tạm, thị lực lại không tốt lắm, lần nào đi săn cũng xảy ra chuyện, không bị trượt chân treo lơ lửng trên sườn núi thì cũng bị sài lang hổ báo đuổi cho chạy tót lên cây, lần nào cũng là Sách La Định chạy đến cứu, cho nên Hoàng đế luôn coi hắn là tấm bùa hộ thân, là kỳ lân trấn trạch.

Tiểu thái giám vốn chẳng sợ quan văn, cũng không sợ mấy quan võ khác, bởi nếu có đắc tội với bọn họ thì cùng lắm cũng chỉ bị tét mông một trận mà thôi, duy chỉ có Sách La Định này là chẳng khác nào Tu La chuyển thế. Nghe nói, trước đây có một tiểu thái giám sơ ý đắc tội với hắn, hắn liền quẳng người ta từ trên thành lâu xuống, thấy tên đó chưa chết, hắn lại lôi lên quẳng tiếp. Cho nên, cứ nhắc tới cái tên Sách La Định này là bách tính trong thành đều lắc đầu, làm gì có cô nương nào dám lấy hắn cơ chứ, chẳng phải hắn là một tên điên sao!

Bởi vậy, nếu bách tính hoàng thành bàn tán phong lưu vận sự của Bạch Hiểu Phong; thì nhắc đến Sách La Định là y như rằng toàn phong lưu quái sự(5), nếu không phải chuyện hôm nay hắn đánh Thái sư thì cũng là chuyện ngày mai hắn biến Tể tướng đại nhân thành sư cạo mốc, ôi trời, hắn chính là một kẻ quỷ thấy cũng phải chán ghét.

(5) Phong lưu vận sự (风流韵事) - chuyện tốt đẹp như tình yêu, văn thơ của những bậc tao nhân mặc khách. Phong lưu quái sự (疯流怪事) - chuyện điên rồ quái đản, tác giả dùng ý này để mỉa mai châm biếm Sách La Định.

Nhưng lạ một điều là, dù bên ngoài có thêu dệt mọi chuyện thần kỳ thế nào, dù nói hắn tốt hay không tốt, hắn cũng chẳng bao giờ bận tâm, chưa bao giờ thanh minh. Năm nay hắn vừa tròn hai mươi lăm tuổi, chẳng có cô nương nào để ý đến hắn, nhưng hắn vẫn bình chân như vại, bởi cũng chẳng có cô nương nào vừa mắt hắn.

Trên đường đi tiểu thái giám cứ miên man suy nghĩ đến bao tình huống đáng sợ, đến trường đua ngựa, tiểu thái giám vừa đứng vững đã nghe thấy tiếng ngựa hý vang trời chẳng khác nào tiếng rồng gầm, hắn kinh hãi ngồi phịch xuống đất, ngước mắt nhìn lên…

Một con ngựa cường tráng với bộ lông hung đỏ đang lao như bay trong trường đua, trên lưng nó là một người mặc đồ đen tuyền, không biết có phải do tiểu thái giám đang nhìn ngước lên hay không mà… người này thật cao lớn làm sao!

Tướng mạo Sách La Định thực ra cũng đâu đến nỗi, chỉ có điều trông hắn hung dữ quá mà thôi!

Hoàng thượng đã cho người phân tích về tướng mạo của Sách La Định, nghĩ hắn không phải là người Hán, mặt nhỏ, dáng cao, tay dài, chân dài, ngũ quan sắc cạnh, lại thêm đôi mắt chim ưng màu hổ phách, rất hiếm gặp kiểu tướng mạo như thế này ở người Trung Nguyên. Mái tóc của hắn quanh năm được vấn lên sau gáy, cũng không phải là màu đen, mà là màu đỏ đồng hiếm thấy, dưới ánh mặt trời trông chẳng khác gì một quả cầu lửa, quỷ dị vô cùng.

Tiểu thái giám ngồi dưới đất cẩn thận đánh giá Sách La Định một lượt, đột nhiên lại có chút tiếc nuối thay hắn. Sách La Định mang đến cho người ta cảm giác rất mạnh mẽ, rất nam tính, chính là cảm giác về một vị đại anh hùng chinh chiến nơi sa trường trong truyền thuyết. Đáng tiếc, ngày nay thiên hạ thái bình, Hoàng triều lại trọng văn khinh võ, cho nên dù hắn anh hùng cỡ mấy cũng không có đất dụng võ. Thật đáng tiếc thay!

Tiểu thái giám còn đang mải đánh giá thì chú ngựa kia đã tiến đến cạnh hắn, Sách La Định ngồi trên yên ngựa, cúi đầu nhìn vị thiếu niên bỗng nhiên xuất hiện đang ngồi ngây người trên mặt đất, ngó qua y phục cũng đủ biết vị này chính là thái giám bên cạnh Hoàng thượng.

Sách La Định bất giác nhíu mày, lần này lại chuyện gì nữa đây? Là mèo cưng của nương nương nào đi mất hay chó quý của vương gia nào thất lạc?

“Sách tướng quân”. Tiểu thái giám run rẩy nói: “Hoàng… Hoàng thượng tuyên triệu, lệnh ngài tiến cung diện thánh”.

Nghe xong, Sách La Định xoay người xuống ngựa, ném dây cương cho tiểu thái giám: “Dắt ngựa giúp ta”. Dứt lời, hắn thong thả bước đi, tư thế ung dung tự đắc khó tả hết bằng lời.

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.net

truyện ma
cô vợ thay thế

Dtruyen.com đổi tên miền thành Dtruyen.net. Độc giả ghi nhớ để truy cập.

truyện full

Nhận xét của độc giả về truyện Đồn Đại Hại Chết Người Ta

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook