Đông A Nông Sự

Chương 20: Vận nước (1)

Nam Sơn

18/08/2021

Chiêu Minh Vương thấy Bách nhỏ tuổi, phong thái đường hoàng, lúc nói chuyện thì lưng thẳng, mắt nhìn vào người đối diện. Giọng nói có âm điệu lạ, nhưng rõ ràng rành mạch. Đã có cảm tình nhưng nghe lời vậy thì hơi giận:

- Ngươi có gì muốn trao đổi với ta?

- Trao đổi chuyện quốc vận những năm tới!

- Xem ra còn có người kiêu ngạo hơn Nguyễn Hiền năm xưa.

- Không kiêu ngạo! ta là người nói được làm được, chuyện quốc vận sao có thể nói đùa. Huống hồ ta đâu cần tự đưa đầu vào miệng cọp.

- Vậy ngươi nói quốc vận trong những năm tới chẳng lẽ có tài tiên tri.

Bách ngửa đầu cười lớn:

- Ngài nói đùa rồi, quốc thế vận động theo lẽ tự nhiên, được quân chủ và nhân dân thúc đẩy, có thể dự báo chứ không thể biết chính xác. Nếu tiên tri được thì sao người giỏi kinh dịch như Khổng Tử lại để nước Lỗ suy vi như thế?

Chiêu Minh Vương ngẫm nghĩ rồi nói:

- Vậy ngươi nói đi. Ta cho ngươi một cơ hội.

- Không phải một mình ta nói, ta muốn trao đổi. Xin được hỏi Chiêu Minh Vương nhận xét thế nào về “Thế” của nước ta hiện nay?

- Triều ta từ khi có được thiên hạ. Thay ngôi nhà Lý, dẹp bọn Đoàn Thượng, Nguyễn Nộn để yên nội loạn. Từ đó lập lại chính sự, mở khoa thi để cầu người tài. Những năm Nguyên Phong đầu tiên thì đánh Chiêm Thành, sau lại đánh bại Ngột Lương Hợp Thai. Đến nay quốc lực ổn định, trăm họ an cư lạc nghiệp. Cái “Thế” của triều ta xét suốt cổ kim chưa tiền triều nào bằng được.



- Vậy xin hỏi Chiêu Minh Vương, tại sao chúng ta vẫn phải sang sứ nhà Tống, nhà Nguyên mà xưng thần. Để nhận cái phong hiệu An Nam Quốc Vương?

- Điều này thì đứa trẻ như ngươi làm sao biết được. Triều ta lấy nhân nghĩa làm đầu, nếu cứ xung đột với đại quốc ở Trung Nguyên thì làm sao có được thái bình. Nhân dân làm sao yên vui để mà phát triển.

- Nói thì là như vậy, chả phải chúng ta đã nhún nhường hết sức, nhưng bọn đại quốc Trung Nguyên kia há chẳng phải vẫn đem quân sang đánh nước ta đấy sao?

- Triều đình có cái lý riêng, trì hoãn ngày nào vẫn phải trì hoãn. Chỉ một ngày nhân dân yên ổn thì cũng đã hơn trăm ngày binh lửa rồi.

Bách nghe nói thế, miệng cười tay vỗ, giơ ngón tay cái lên trước ngực:

- Chiêu Minh Vương nói lời nhân nghĩa, quả là triều ta toàn là thánh nhân “tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc”

Nói đến đây Trần Quang Khải tức giận lắm, quay sang nhìn thì hai người Lê Văn Hưu và Đinh Bản mặt mày đã tái mét rồi. Bèn quát:

- Sao lại để đứa hỗn xược này nói lời ngông cuồng thế!

Đinh lão quỳ ngay xuống đất:

- Xin Đại vương bớt giận, hắn trẻ người non dạ, không làm chủ được lời nói.

Bách bình tĩnh đáp lại:

- Chỉ mới thế đã nổi giận, vậy đến khi giặc tràn vào bờ cõi, dày xéo lên trang ấp của ngươi, hiếp đáp em gái ngươi thì còn làm sao nữa? Lời khó nghe nhưng chúng ta đều hiểu, những lời nhân nghĩa kia ngươi đem nói với bá tánh thì được. Còn trách nhiệm của trọng thần quốc gia, vua hỏi đến mà đem lời kia ra tâu. Có phải là vô trách nhiệm với tông miếu xã tắc hay không?

- Tên khốn khiếp kia! Bản vương cho ngươi là vô tri, ngươi lại nói toàn lời ngông cuồng. Vậy theo ngươi “Thế” của Đại Việt ta hiện nay ra sao?



- Như bệnh của ngươi vậy, giữa thanh thiên bạch nhật thì hào quang vạn trượng, giữa đêm lạnh một mình thì ngậm đắng nuốt cay.

Trần Quang Khải nghe vậy thì giật mình. Hắn từ bé vốn có chứng động kinh, ngự y đã hết lòng cứu được mạng hắn nhưng để lại di chứng là bệnh đau đầu. Ban ngày thì không sao nhưng cứ đêm đến là hành hạ hắn. Lắm khi đau quá phải cuốn khăn mát lên đầu, đi lại một hồi rồi mới đỡ.

- Ai nói cho ngươi biết bệnh tình của ta?

- Cần gì phải ai nói. Nghề y có bốn phép “Vọng, văn, vấn, thiết”. Ta nhìn thấy ngươi ấn đường đen tối, đôi mắt hay nhíu, thái dương có dấu đỏ là đoán được tám phần.

- Coi như cũng có chút bản lãnh, nhưng y thuật khác với quốc gia đại sự. Ta có thế tha tội hỗn láo cho ngươi nhưng đừng liều nói những điều không biết. Cái đầu trên cổ chỉ có một thôi.

- Vậy họ Trần nhà ngươi không có tính cầu thị, nghe lời trái ý là bỏ ngoài tai.

- Vậy theo ngươi triều ta tại sao nói là “ngậm đắng nuốt cay”

- Việc này cũng không phải chỉ riêng nhà Trần, tất cả tiền triều đều như vậy cả. Xin hỏi đại vương, ý nghĩa của việc “Triều cống” Trung Nguyên là gì? Có phải chỉ là để yên ổn cho nhân dân hưởng thái bình hay không?

Trần Quang Khải thở dài:

- Xem ra ngươi nhỏ tuổi nhưng cũng là người hiểu biết.

Về việc này, rất nhiều luồng quan điểm, đến tận thời đại ngày nay vẫn rất nhiều người mơ hồ. Đặc biệt là đồng bào hải ngoại vẫn hay dè bỉu về văn hoá “lệ thuộc” khi nói về mối quan hệ giữa nước ta và Trung Quốc. Nhưng hầu hết những người này không đặt ra một câu hỏi: Liệu có ai ngu ngốc không muốn được tự do, tự tại không lệ thuộc hay không?

Người Hoa Hạ từ xưa coi mình là "Trung Quốc" là "nước ở trung tâm" và người ở đó được coi là người đã giáo hóa văn minh, còn xung quanh là bốn phương họ gọi là Tứ di. Người ở phương Đông gọi là Đông Di (東夷), phương Tây gọi là Tây Nhung (西戎), phương Nam gọi là Nam Man (南蠻), và phương Bắc gọi là Bắc Địch (北狄), trong đó các chữ tượng hình chỉ các nhóm này đều có phần biểu thị "sâu bọ thú vật". Có nghĩa là theo ý họ, những người không phải người Hoa thì đều là những người chưa văn minh. Nhưng tại sao, sau hằng nghìn năm, ngoài những cuộc viễn chinh tranh đoạt lãnh thổ lớn, có những nước “tự” lệ thuộc vào Trung Nguyên, “triều cống” họ, nguyện ý xưng thần với Đế vương Trung Quốc? Một việc mất mặt như vậy, đáng buồn thay liên tục xảy ra hằng nghìn năm phải có cái lý của nó. Nhà Lý chẳng phải đồ thành Ung Châu, quân Đại Việt giết hết dân trong thành, tổng cộng hơn 50.000 người. Theo Tống sử, cứ 100 thây chất làm một đống, cả thảy 580 đống. Nhà Tống tuy sau đó sang đánh báo thù, nhưng chẳng phải cũng nghị hoà hai bên rồi sao? Nhân cơ hội ấy tiền nhân sao không thoát ly, không lệ thuộc. Lấy cái tư cách của đội quân chiến thắng mà đối thoại. Tất cả phải có lý do của nó.

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.net

truyện Đam Mỹ
truyện sắc

Dtruyen.com đổi tên miền thành Dtruyen.net. Độc giả ghi nhớ để truy cập.

truyện bách hợp

Nhận xét của độc giả về truyện Đông A Nông Sự

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook