Đường Đi Không Nổi Nữa Ca Ca

Chương 83

Tú Miêu

11/09/2024

Đạo Nhất viết xong thư, rửa tay rồi nằm thẳng lên chiếu mây, để nguyên quần áo đi ngủ. Ban đêm nổi gió núi, thổi ngọn đèn nhỏ trên bàn lúc mờ lúc tỏ. Như Như ăn chán ăn chê cả một ngày, lúc này chẳng hề thấy buồn ngủ, lại không chịu cứ thế công khai nằm bên cạnh Đạo Nhất, đành đứng trên mặt đất, ngơ ngác nhìn bóng lưng chàng.

Đạo Nhất bỗng đứng dậy, đi tới trước mặt Như Như. Như Như kinh hãi, suýt thì nhảy dựng lên, nào ngờ chàng chẳng buồn liếc nàng, chỉ thổi tắt ngọn nến sau lưng nàng rồi trở về chiếu mây ngủ.

Hành động này khiến Như Như hạ quyết tâm. Nàng rón rén mò mẫm đi xuống lầu trúc. Ánh trăng bàng bạc vẩy lên mặt song, dòng nước tuôn chảy cuồn cuộn. Như Như ôm đầu gối ngồi bên bờ hồi lâu, chợt thấy một đốm sáng le lói vụt qua trước mặt, vạch một vòng tròn mềm mại giữa lau sậy đong đưa xào xạc, cuối cùng sang bờ bên kia.

“Đom đóm.” Như Như lẩm bẩm, nhìn quanh một hồi, tiếp đó, nàng cởi dây buộc thuyền của ông Chiêu Chiêu, bắt chước động tác ông cụ, chống hai mái chèo, thử khua về phía bờ bên kia. Đáng tiếc, chèo thuyền còn khuya mới dễ như lúc nhìn, loay hoay đến mồ hôi đầy đầu mà con thuyền chỉ xoay tròn gần bờ. Sau cùng, nàng nản lòng, tức giận ném hai mái chèo xuống, vừa ngước mắt lên thì thấy Đạo Nhất đang đứng bên cửa sổ lầu trúc, lẳng lặng nhìn nàng.

Như Như trừng chàng, đợi Đạo Nhất rời khỏi cửa sổ, nàng mới đi sang căn nhà tranh của Chiêu Chiêu và ông cụ. Ông cụ đang mượn ánh trăng bện sọt ngoài nhà, Như Như gập ghềnh trắc trở mò đến chiếu mây của Chiêu Chiêu. “Như Như, mũi cô lạnh thế,” Chiêu Chiêu vươn tay do dự sờ mặt Như Như, “Cô khóc à?”

Như Như lắc đầu. Nàng ở bờ sông bị cóng, lặng lẽ dán sát cơ thể ấm áp của Chiêu Chiêu.

Gần đây ông cụ âu lo, Chiêu Chiêu cũng không ngủ được. Dưới ánh trăng, cô mở to đôi mắt tò mò nhìn Như Như – Như Như nằm ngược sáng, cô cảm thấy mắt nàng đặc biệt đen, đặc biệt sáng, như vì sao trên bầu trời quang đãng sau cơn mưa. “Cô đừng sợ phủ quân, chàng tốt với cô lắm.” Chiêu Chiêu khó nén niềm hâm mộ đối với Như Như, “Lúc cô chưa tỉnh, ngày nào ngài ấy cũng đến, trông nom cô cả đêm.”

Như Như không nói gì.

Sau khi tỉnh lại, nàng trông thấy quần áo, giấy bút và mực của chàng trong lầu trúc, nơi nơi đều có dấu vết từng ngủ lại. Nhưng không có thứ gì của bản thân nàng – nàng chỉ có một mình mình, khoảnh khắc mở mắt, quá khứ của nàng cũng biến mất tựa giấc mộng. Giống như ban nãy, chàng hờ hững thờ ơ, nhìn nàng xoay vòng trong sông như con ruồi không đầu.

Như Như hơi muốn khóc, nàng duỗi cánh tay mảnh mai từ tay áo thùng thình ra, nắm vai Chiêu Chiêu, buồn bã thốt: “Hắn trộm đồ của tôi.”

Đây đã là lần thứ hai Chiêu Chiêu nghe thấy Như Như nhắc đến đồ đạc, cô hỏi: “Cô đang tìm cái gì?”

Như Như không trả lời Chiêu Chiêu, nàng đưa mắt nhìn bờ sông bên kia tràn ngập sương đêm.

Hôm sau, Như Như ngó ra bên ngoài nhà tranh, lầu trúc đã trống không, vựa củi bên dưới lại có thêm hai binh lính mặc áo ngắn vải thô, Vương Lao đưa Đạo Nhất đến bờ sông hôm qua đang nói chuyện với ông cụ. Hắn và ông cụ không thông ngôn ngữ, nhưng có thể khoa tay múa chân ra hiệu, có điều, trông thấy Như Như, ánh mắt hắn lập tức hơi né tránh.

Như Như đi ra bờ sông, tầm mắt hắn liền đuổi theo tới bờ sông, nàng len thuyền, Vương Lao ngồi không yên, tiến lên bắt chuyện, “Như Như nương tử định đi đâu ạ?”

Những người này phụng mệnh giám sát nàng, Như Như đã rõ trong lòng, nàng giấu nụ cười lạnh, “Tôi đi hái thảo dược.”

“Tôi giúp nương tử hái.” Vương Lao vội vàng toan theo lên, Chiêu Chiêu chống chèo đẩy mạnh một cái, con thuyền lướt ra ngoài. Vương Lao đạp hụt, rơi vào sông, Như Như và Chiêu Chiêu bật cười khanh khách, vẫy tay với hắn từ xa, nói: “Anh nặng lắm, thuyền không chở được.”

Vương Lao lòng như lửa đốt, vội phái một tên lính vào thành báo tin, ai ngờ Như Như chẳng hề có ý định chạy trốn lần nữa, lang thang trong núi nửa ngày rồi lại tay nắm tay cùng Chiêu Chiêu trở về. Đợi đến khi Đạo Nhất tới, căn nhà tranh bên bờ sông của ông cụ náo nhiệt hiếm có, sáu, bảy người ngồi quanh lò lửa, canh cá sôi sùng sục đặc trắng, hạt dẻ lông vùi trong tro lò nổ lách tách.

Ông cụ rất hứng khởi, đang giảng cổ luận kim, thấy Đạo Nhất đến thì vội vàng đứng dậy chào: “Phủ quân.”

Đạo Nhất liếc Như Như, được ông cụ mời ngồi xuống trước lò, mùa này vẫn chưa lạnh, lửa trong lò hun mọi người đỏ hồng mặt mũi. Đạo Nhất hỏi ông cụ: “Sao ông không kể nữa ạ?”

Ông cụ uống nhiều rượu, sợ mình lỡ lời, nói: “Trước mặt phủ quân, không dám lỗ mãng.” Thấy mọi người đều im lặng, đến Chiêu Chiêu và Như Như cũng chẳng nói một câu, ông cụ bèn góp vui: “Tôi hát cho phủ quân nghe nhé.”

Ở trên thuyền, ông cụ hát rất tùy tâm sở dục, chỉ toàn “A hỡi ôi”, “Ô ơ ai”, lúc này buông ống trúc xuống, cúi đầu, cất giọng khàn khàn đìu hiu, hát từng câu từng chữ: “Hoa đào thắm đỏ đầu non, sông xuân nước chảy vẫn còn trôi đi. Hoa tàn như ý chàng kia, nước trôi vô tận tựa sầu muộn ai. Liễu xanh nghiêng bóng sông dài, nghe chàng cất tiếng hát hoài dòng sông. Phía đông mặt nhật rạng hồng, phía tây mưa đổ, ngỡ không mà tình.”

Đạo Nhất nghe đến mê mẩn, nhận lấy ống trúc uống một hớp. Ông cụ thấy vẻ mặt chàng âu sầu, hơi lo lắng, vội cản lại, “Phủ quân, rượu này tôi ủ bừa thôi, vị thô mà lực nặng, phủ quân vẫn nên uống trà thì hơn.”

Đạo Nhất cười lắc đầu, “Không sao.” Rồi lẳng lặng nghe mọi người nói chuyện phiếm, uống cạn nửa ống rượu còn lại.

Trời tối người lặng, Chiêu Chiêu tựa đầu vào lòng ông cụ, ngáp dài liên tục, đến hai tên lính cũng ra bờ sông múc nước, ông cụ do dự, đem lo lắng gần đây ra hỏi: “Phủ quân, hai ngày trước ngài đều không đến, là vì sắp đánh trận à?”



Đạo Nhất nhìn ông cụ đã trải qua bao nhiêu phong sương, hai con mắt phản chiếu ánh lửa sáng rực của Như Như cũng nhìn thẳng vào mặt chàng. Chàng thẳng thắn đáp: “Đại khái là vậy.”

Ông cụ thở dài, không hỏi nữa. Ai tới đánh ai, tại sao phải đánh, ông chẳng mấy quan tâm, chỉ thấy may khi toàn bộ tài sản của hai ông cháu bất quá có một căn nhà tranh, một con thuyền nhẹ, xuôi dòng xuống Nam thể nào cũng sẽ tìm được chỗ đặt chân. Ông cụ đứng dậy, khom người xá dài với Đạo Nhất, vô cùng cảm kích, “Đa tạ phủ quân chiếu cố mấy ngày nay.” Chỉ tội nghiệp Chiêu Chiêu, e là không nỡ lòng bỏ Như Như.

Ông cụ đỡ Chiêu Chiêu định rời đi, Như Như vội theo sau.

“Đi đâu?” Đạo Nhất hỏi.

Ông cụ và Vương Lao đều rất kính trọng chàng, Như Như lại cảm thấy người này cực kì đáng giận ngay từ lúc mới gặp. Nàng dừng khựng bước, lạnh lùng lườm chàng, “Anh tưởng tôi không biết chèo thuyền là có thể nhốt tôi ở đây sao?”

“Ta không nhốt em,” Đạo Nhất ung dung điềm nhiên, “Em muốn đi đâu? Em có thể đi đâu?”

Ánh mắt Như Như hơi ngơ ngác, nhưng nàng không phải người dễ dàng chịu thua, lập tức vặc lại: “Không cần anh quan tâm.”

Đạo Nhất bèn mặc kệ nàng. Đêm còn rất dài, bờ sông vô cùng yên tĩnh, đối với chàng, đây là một nơi nhàn nhã hiếm có, mà Như Như thì lại bị tiếng côn trùng kêu chít chít trong lau sậy quấy rầy phát phiền. Nàng giậm chân thùng thùng ra ngoài, loanh quanh mấy vòng trong lau sậy – ngọn lau mảnh dẻ cũng lưu luyến níu kéo méo váy nàng. Nàng nắm một bó lau sậy gãy cành xông về, ném lên đầu Đạo Nhất, cả giận nói: “Nơi này sắp có chiến tranh, tôi muốn đi cùng Chiêu Chiêu.”

Đạo Nhất quay đầu lại, quan sát gương mặt ngang ngược vô lý của nàng, chẳng những không giận mà còn cười: “Em thật to gan.”

Như Như ngạo nghễ hếch cằm, “Anh tưởng tôi sợ anh chắc?”

“Đừng tự cho là thông minh.”Đạo Nhất không muốn đấu võ mồm với nàng. Tự rót tự uống không khỏi tẻ nhạt, chàng bới mấy viên hạt dẻ lông nứt vỏ vùi trong tro ra, lại đưa ống trúc đựng rượu cho Như Như.

Như Như không chịu nhận lấy, giấu tay sau lưng lui lại mấy bước, “Tôi không uống rượu.” Ban nãy ông cụ đã nói rồi, rượu này chát cực kì.

Đạo Nhất nghe thấy câu này, đột nhiên lại nổi hứng. Không cưỡng ép Như Như, chàng kiên nhẫn bóc vỏ hạt dẻ để nguội, sau đó cười đặt vào lòng bàn tay Như Như, chừng như mang nét trẻ con, “Cho em này.”

Như Như vung tay, không vùng ra được, nàng lại trừng chàng mà chẳng hay biết rằng chàng thích nhất ánh mắt tỏa sáng rực rỡ của nàng khi giận dữ – tựa như trong sinh mệnh nàng chưa từng có phiền muộn, chưa từng có khổ nạn. Chàng dịu dàng nói: “Chờ đánh trận xong, chúng ta trở về Kiến Khang.”

Chàng bừng bừng hưng phấn, Như Như đành cúi đầu lầm bầm: “Tôi không muốn đi Kiến Khang…” Nàng thầm tính toán xem chạy trốn thế nào, rơi vào mắt người khác lại là dáng vẻ thẹn thùng. Đạo Nhất cầm lòng không đậu, gọi khẽ Như Như, hơi cúi mặt, hôn lên đôi môi mấp máy của nàng.

Như Như rùng mình, hai tay bị Đạo Nhất nắm chặt, chỉ có thể ra sức giãy giụa trong vô ích. Đạo Nhất thuận thế ôm eo nàng, thăm dò sâu hơn vào trong môi, bỗng khóe miệng đau nhói, chàng lập tức tỉnh táo lại, Như Như tránh khỏi vòng tay chàng, quăng hạt dẻ trong tay vào lò lửa, ống trúc đựng rượu cũng bị một cước đá bay.

“Tôi không thích uống rượu, cũng không thích ăn hạt dẻ.” Nàng ném lại một câu như chém đinh chặt sắt, dùng mu bàn tay lau giọt máu trên môi rồi nhanh chân chạy về phòng Chiêu Chiêu, đóng chặt cửa lại.

Đàn Đạo Nhất trở về nha thự của trưởng sử ở trong thành, vẻ mặt như thường, nhưng vết thương nhỏ trên khó miệng thì không qua được mắt Tạ thị. Nàng ta chỉ làm như không nhìn thấy. Mấy tháng nay Đàn Đạo Nhất đều qua lại tất bật, đến thời gian ngủ ở nhà cũng ít đi, Tạ thị nén giận, hầu chàng thay y phục, đợi Đạo Nhất rời đi rồi, nàng ta chậm rãi lui về ngồi xuống ghế tựa, hồi lâu sau, lắc đầu nói: “Xem chừng cũng chẳng được ích gì.”

Nô bộc cũ Vương Lao tìm từ Lạc Dương tới nương tựa Đàn Đạo Nhất, Như Như cũ mất tích, một Như Như mới xuất hiện, trong đó có bao nhiêu gàn quải mắc míu, Tạ thị hiểu rõ trong lòng. Nàng ta tự nhận mình là người rộng lượng bao dung, nhưng Đàn Đạo Nhất thu xếp cho Như Như ở ngoài thành, hiển nhiên là phòng bị nàng ta.

“Tốn sức như vậy làm gì chẳng biết?” Tạ thị cười với tì nữ, “Dù sao cũng phải làm thiếp, nếu là ta, ta sẽ quang minh chính đại sắp xếp cho nó vào nhà. Chứ như bây giờ, tự khiến mình lửng lơ lên không được xuống không xong, đến ta cũng cảm thấy đáng thương.”

Tì nữ nhắc nhở: “Phủ quân bận quá, phu nhân có thể tự quyết thay mà.”

Tạ thị ngẫm ngợi rồi nói: “Gọi Vương Lao kia tới đây.”

Vương Lao biết Tạ thị muốn đón Như Như về nha thự trưởng sử, nhất thời hoảng hồn, vội vàng đi tìm Đàn Đạo Nhất báo tin. Hỏi một vòng mới biết Đàn Đạo Nhất đi cầu kiến thứ sử Đàn Quyền, hắn đành chạy thêm chuyến nữa sang hành dinh thứ sử. Kể từ khi Đàn Quyên trúng tên lúc đối chiến với Man tộc, đau ốm trên giường, hành dinh trở nên vắng ngắt, các tướng lĩnh nếu có việc khẩn yếu đều tới nha thự trưởng sử bàn bạc với Đàn Đạo Nhất.



Vương Lao vào nha môn, thấy ngoài phòng thị vệ dày đặc, không dám tự tiện xông vào, chỉ có thể dõi mắt mong ngóng nhìn vào sảnh.

Y quan đang chữa trị cho Đàn Quyên sau bình phong. Mũi tên kia không trúng chỗ yếu hại, mấy tháng trôi qua, sớm đã nên khỏi, nhưng Đàn Quyên vừa tới đất Kinh Man, trước nhiễm bệnh dịch, sau trúng chướng khí, thế là triền miên trên giường bệnh không sao dậy được, đến lúc này, nghe y quan nói “Đã không còn gì đáng ngại.” mới thở phào một hơi, khép vạt áo đứng lên.

“Đạo Nhất,” Ông ta giơ tay với Đạo Nhất, mấy ngày nay Đạo Nhất thay ông ta lo liệu sự vụ dưới trướng, vô cùng tận tâm, Đàn Quyên rất yên tâm vui mừng, bảo Đạo Nhất ngồi xuống rồi phân phó tùy tùng: “Không phải thủy quân của Phàn thường thị đã đến Hoài Thủy rồi sao? Đi triệu tập chư tướng, thương nghị biện pháp cùng Phàn thường thị chia hai nhánh giáp công, đánh hạ Kiến Khang.”

“Chiến sự dọc Hoài Thủy tạm chưa vội.” Đạo Nhất xua lui tùy tùng, nói với Đàn Quyên: “Kinh Tương lại sắp có chiến sự, thúc phụ vẫn nên lo bên này trước đi.”

Đàn Quyên nghi hoặc hỏi: “Chiến sự gì? Dư nghiệt Man tộc vẫn muốn làm loạn à?”

“Hôm trước Hoàn Doãn đã hạ chỉ ngay trên triều, muốn đích thân dẫn ba lộ đại quân…”

Mới nói được nửa câu, Đàn Quyên chợt biết sắc, ngắt lời chàng: “Lớn mật, sao cậu dám gọi thẳng tục danh của bệ hạ?”

Đàn Đạo Nhất mỉm cười, nói tiếp: “Muốn đích thân dẫn ba lộ đại quân, từ Lạc Dương xuôi Nam, tiêu diệt phản quân của Vương Huyền Hạc ở Kinh Châu và Đàn Quyên ở Ung Châu…”

“Cái gì?” Đàn Quyên lại cuống quít không nhịn nổi, ngắt lời Đàn Đạo Nhất, kinh hãi gầm lên: “Cái gì mà phản quân Đàn Quyên? Ta đã bao giờ…”

Đàn Đạo Nhất vẫn ung dung, “Lúc trước thúc phụ hẹn với Phàn thường thị cùng giáp công thủy quân Nam triều, kết quả thúc phụ để lỡ chiến cơ, khiến Phàn thường thị bị quân địch tập kích, tổn thất nặng nề, bệ hạ giận dữ, triệu thúc phụ hồi kinh diện thánh. Suốt một tháng ấy, thúc phụ chậm chạp không phụng chỉ hồi kinh, phỏng chừng bệ hạ đã nghi ngờ thúc phụ cấu kết với Nguyên Hồng và Vương Huyền Hạc, thế nên đã trị tội thẩm mẫu và các vị đường huynh đệ tỷ muội ở Lạc Dương trước. Cả thiên hạ đã biết chuyện Đàn Quyên làm phản rồi…”

“Ta chưa từng…” Trước mắt Đàn Quyên tối sầm, suýt nữa hôn mê bất tỉnh. Chẳng rảnh chất vấn Đàn Đạo Nhất, ông ta nhào tới trước bàn, lục giở các loại chiến báo công hàm loạn lên một hồi, không tìm thấy chỉ dụ nào của hoàng đế, lại quát ầm lên: “Người đâu!” Muốn lệnh tá quan trình tấu lên trên. Không đợi bên ngoài đáp lời, Đàn Quyên đã tỉnh ngộ trước, “Là ngươi… Tấu văn ta gửi triều đình đều do ngươi viết thay…” Hai mắt ông ta đỏ ngầu, trừng Đàn Đạo Nhất.

“Thúc phụ hãy bình tình, đừng nóng…” Đàn Đạo Nhất vẫn tỏ vẻ giả mù sa mưa quan tam.

Đàn Quyên vụt xoay người, tháo bội kiếm treo trên tường xuống, toan đâm vào Đàn Đạo Nhất, vừa nhấc chân, khí huyết trong lồng ngực đã cuộn trào, vội đỡ bàn đứng vững lại. “Người đâu!” Ông ta lại khàn giọng gọi người, “Ta muốn về kinh diện thánh, thỉnh tội với bệ hạ.”

Nào ngờ luôn miệng gọi nửa ngày, bên ngoài vẫn chẳng thấy một bóng người nào, Đàn Quyên là người đã kinh qua sa trường, trong lòng loáng thoáng tuyệt vọng.

“Thúc phụ muốn về kinh thỉnh tội, nhưng chẳng biết các tướng sĩ có bằng lòng theo ông thỉnh tội không?” Đàn Đạo Nhất điềm tĩnh nhìn ông ta, “Ác chiến với Man tộc đã lâu, mãi mới gian nan đắc thắng, Hoàn Doãn không chịu phong thưởng, còn muốn giáng tội, tội danh còn chưa xác định, thẩm mẫu và các đường huynh đệ đã phải chịu tội liên đới, một vị vua như vậy, bạc tình bạc nghĩa, tàn bạo chuyên chế, các tướng sĩ đều run sợ, thúc phụ định hiệu lệnh họ hồi kinh cùng ông như thế nào?”

“Ngươi mê hoặc tướng sĩ,” Đàn Quyên đau lòng nhức óc, “Ngay cả tính mạng thẩm mẫu và đường huynh đệ, ngươi cũng không để ý đến ư?”

Đàn Đạo Nhất cười ha hả, “Lúc trước thúc phụ đầu hàng Hoàn Doãn, đẩy toàn bộ Đàn thị vào đường bất nghĩa, có từng nghĩ đến anh em ruột của mình, con cháu ruột của mình đều còn đang ở Kiến Khang không?”

Trong đầu Đàn Quyên nổ ầm một tiếng. Ông ta sững sờ nhìn chằm chằm Đàn Đạo Nhất, “Ngươi mưu đồ đã lâu… Kể từ ngày đến Lạc Dương bái phỏng ta, ngươi đã trăm phương ngàn kế, mưu đồ làm phản.”

Đàn Đạo Nhất không phủ nhận, “Hiện giờ người mưu phản là thúc phụ, không phải ta.”

Đàn Đạo Nhất muốn kìm kẹp ông ta, hiệu lệnh toàn quân tìm đến Nguyên Hồng. Tay cầm kiếm của Đàn Quyên run lên, hết lần này đến lần khác đổi triều thờ phụng, há chẳng trở thành trò cười cho thiên hạ? Đàn Quyên nản lòng thoái chí, gác kiếm ngang cổ, nghĩ bụng: Chẳng bằng chết đi cho rồi.

Ngón tay Đàn Đạo Nhất kẹp chặt lưỡi kiếm mỏng, chàng không thể để Đàn Quyên lấy cái chết tạ tội vào lúc này được, “Việc gì thúc phụ phải nhụt chí như thế?” Đàn Đạo Nhất lạnh nhạt cười nói, “Chờ ông giúp bệ hạ đánh lui quân địch rồi, về đến Kiến Khang luận công ban thưởng, lo gì không có kiều thê mỹ thiếp, con cái thành đàn?” Bệ hạ mà chàng nói chính là Nguyên Hồng.

Đàn Quyên đã không còn lời nào để nói, chỉ trỏ tay vào Đàn Đạo Nhất, “Súc sinh nhà ngươi, bệ hạ nhất định sẽ không tha cho ngươi…”

Đàn Đạo Nhất mặt không biến sắc, còn cười nói: “Hoàn Doãn là cái thá gì? Chờ hắn chôn chân ở Kinh Tương, bị ta bắt sống rồi, ta bắt hắn ngoan ngoãn viết một ý chỉ tha tội phản loạn cho ông, thế nào?”

Đàn Quyên nghĩ đến lúc này có lẽ Hoàn Doãn đã điểm đủ ba quân, đang hừng hực khí thế tiến về Kinh Tương, tức khắc rùng mình, bội kiếm trong tay cũng loảng xoảng rơi xuống đất.

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.net

truyện trọng sinh
truyện ngôn tình

Dtruyen.com đổi tên miền thành Dtruyen.net. Độc giả ghi nhớ để truy cập.

truyện bách hợp

Nhận xét của độc giả về truyện Đường Đi Không Nổi Nữa Ca Ca

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook